Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
Oan Gia: Chủ Nợ và Con Nợ - Lạc Pháp
Print this page

Oan Gia: Chủ Nợ và Con Nợ

May 13 2015
Ice Beach - Gardar Olafsson - 106626397 Ice Beach - Gardar Olafsson - 106626397 500px

Kính bạch Sư Phụ,

  1. Hai người A và B là oan gia trong nhiều đời, nhiều kiếp.
    Kiếp kia thì người A là chủ nợ, người B là con nợ.
    Sang kiếp kế tiếp, người A trở thành con nợ trong khi người B lại tiếp nhận vai trò chủ nợ.
    Lúc thì người B trả dư, kiếp sau đòi lại.
    Lúc thì người A trả dư, kiếp kế tiếp đòi lại.

Cả hai bên A và B, cứ kẻ này đòi qua, kẻ kia đòi lại; đã nhiều kiếp đi qua, lên xuống nhiều lần mà vẫn chưa thanh toán xong món nợ, và món nợ tự nó cũng không sao cân bằng được.

Cả hai người A và B đều cảm thấy rằng mình bị thiệt thòi, do đó mà nghiệp lực cứ dây dưa, không làm sao chấm dứt được.

Trong trường hợp này, làm sao để thanh toán nghiệp lực?

  1. Nếu một người nhận ra rằng có người đang trả nợ cho mình, nhưng người chủ nợ đó từ chối không chấp nhận món nợ mà người kia trả, như thế món nợ giữa đôi bên có thể xóa bỏ được không?
  1. Ngược lại, nếu người chủ nợ đòi con nợ trả nhiều hơn món nợ thiếu, hậu quả sẽ ra sao?
    Món nợ giữa đôi bên sẽ được tính như thế nào cho hợp lý?

     

Việc trước tiên, Thầy xác định tư cách “chủ nợ” và “con nợ”

Trên phương diện nghiệp lực, người gây tạo nên một nghiệp chướng được ví như Con Nợ. Người này đã mang sự khổ đau đến cho kẻ khác:

Có khi họ là thủ phạm gây nên cảnh chết chóc, tang thương cho kẻ khác.
Họ cũng có thể là kẻ đã phá hủy hạnh phúc của kẻ khác, làm tắt hẳn nụ cười trên môi của kẻ khác.
Hoặc họ đã từng cướp giựt tiền tài, sản nghiệp của kẻ khác.

Hay họ cũng đã từng có hành vi phản bội, gây thương tổn đến tánh mạng cũng như đời sống vật chất lẫn tinh thần của kẻ khác.

Họ cũng có thể là kẻ gian dối, gây tạo nhiều cảnh huống, sự đau lòng cho kẻ khác.

Nói tóm lại, được định nghĩa là Con Nợ, tất cả những ai đã gây tạo những điều không tốt đẹp cho người khác, lưu lại sau lưng những hành động mình đã làm, một mối sân hận từ ít đến nhiều cho kẻ được xem là nạn nhân.

Những việc mình gây tạo nên bắt nguồn từ ở một cái Tâm không lành do sự vọng động quá nhiều, liên kết với những Ý tưởng bất thiện và được hành sử bởi một cái Tánh xấu xa.

Vòng nghiệp lực Tâm – Ý – Tánh khép kín lại, gói trọn món Nợ mà mình vừa mới tạo ra.

Mình là người gây ra món nợ đó, chính mình phải chịu trách nhiệm để thanh toán món nợ khi nạn nhân đến đòi.

Không ai có thể thay thế mình để trả nợ được vì món nợ đã bị buộc chặt trên người của mình, và chỉ có chính mình mới có thể tháo gỡ nó xuống được mà thôi.

Người được định nghĩa là Chủ Nợ, chính là nạn nhân của những thương tâm, những đau khổ, những thiệt thòi, những mất mát,… Họ đã bị tước đoạt những gì mà họ đã sở hữu thì khi đúng duyên gặp gỡ, họ có quyền đòi lại những gì mà họ đã mất từ trên tay của kẻ đã gây tạo nghiệp chướng.

Con nên biết rằng: người biết tu tập luôn luôn từ chối nhận sự trả Nợ từ ở con nợ của mình. Người không biết tu tập, khi con nợ trả nợ cho mình, họ vội vã nhận lấy. Do tánh tham sẵn có ở bất kỳ một chúng sanh nào, họ chỉ muốn nhận hơn chớ không nhận kém. Chính vì vậy mới gây ra sự rắc rối.

Người có tu tập hiểu rõ vòng nghiệp lực sẽ thấy rằng, việc con nợ đến trả nợ cho mình không còn là một vấn đề đáng kể nữa, vì tu tập là chuyển hóa tâm mình, để cho tâm phàm phu, tâm chúng sanh, tâm vọng động, tâm không minh chánh, trở nên tâm từ bi, tâm hỷ xả. Với tâm từ bi, tâm hỷ xả thì không bao giờ chấp nhận những sự trả vay. Do đó, bù đắp trở lại, phước huệ của người chủ nợ này được tăng lên cao. Như vậy, việc từ chối Nhận Trả Nợ của người chủ nợ này không mất mát vào đâu cả!

Phước huệ mà người này nhận được đôi khi còn nhiều hơn cái món nợ mà con nợ mang tới trả. Chẳng qua đây là một phản ứng của tâm thức mà thôi. Người có tu tập sẽ chuyển hóa tâm của mình, từ một tâm nhỏ nhoi, tâm vọng động, tâm ganh tỵ, tâm đố kỵ, hờn ghen, xấu xa, trở thành ra tâm từ bi, tâm hỷ xả. Một khi tâm đã mang tính chất từ bi, hỷ xả, thì không cần thiết nữa việc trả nợ của kẻ khác đối với mình. Khi mình từ chối người khác trả nợ cho mình, mình vẫn không mất mát một chút nào cả, vì hành động đó đã khiến cho phước huệ của mình được tăng lên cao. Do đó, tưởng rằng không chấp nhận con nợ trả nợ cho mình là mất đi tất cả, không phải đâu! Đó chỉ là một sự chuyển hóa món nợ để trở thành phước huệ của mình mà không gây tạo nên một sự khó khăn, đau đớn nào cho con nợ cả.

Nếu người chủ nợ đòi ở con nợ một sự trả nợ nhiều hơn món nợ, chuyện rất rõ ràng là đương nhiên con nợ phải làm. Những phần dư thừa, người chủ nợ đó phải mang theo và trả lại cho con nợ ở một kiếp tới. Việc này gây ra rất nhiều phiền phức vì bước sang một kiếp mới không phải dễ dàng để gặp nhau. Nếu có duyên may hai người lại gặp nhau chừng đó phần nợ dư thừa thường hay bị cấn qua phần nợ kế tiếp lúc nào không hay.

Thầy đơn cử một thí dụ cho dễ hiểu:

Trong khi hành sử việc trả nợ, con nợ B hoặc vô tình hoặc cố ý gây tạo một nghiệp không lành với chủ nợ A.

Khi cả hai có cơ hội gặp lại nhau ở Kiếp Vị Lai, cái phần nợ dư thừa ở Kiếp vừa qua, đúng lý ra người chủ nợ A phải trả lại cho con nợ B nhưng vì con nợ B lại tạo thêm một nghiệp dử đối với chủ nợ A nữa (tức là tạo thêm một món nợ mới nữa), cho nên phần nợ dư thừa đó sẽ bị cấn qua phần nợ mới và con nợ B lại phải tiếp tục thanh toán cho chủ nợ A ở Kiếp vị lai này.

Hiện kim hóa các món nợ cho dễ thấy:

Kiếp thứ 1:

Món nợ: $100000 USD, con nợ B đã thanh toán $110000 USD, tức là đã trả dư $10000 USD.

Trong khi thanh toán nợ lẫn nhau, có lúc hai bên (Chủ nợ A và Con nợ B) có sự bất hòa, cãi vã nhau, lời qua tiếng lại và con nợ B đã làm tổn thương Chủ nợ A, gây tạo niềm sân hận, nghiệp chướng mới lại xảy ra.

Hiện Kim hóa nghiệp chướng mới này là $50000 USD.

Kiếp thứ 2:

Con nợ B đã trả cho chủ nợ A $10000 USD.

Con nợ B phải trả cho chủ nợ A món nợ mới là $50000 USD

Trừ qua, cấn lại, con nợ B còn phải trả lại cho chủ nợ A, ở kiếp thứ 2 này:

$50000 - $10000 = $40000 USD

Số tiền trả dư $10000 USD ở kiếp thứ 1, con nợ B đã không lấy lại được mà còn phải trả thêm cho chủ nợ A ở kiếp thứ 2 một số tiền nữa là $40000 USD.

Điều này không đem lại lợi lạc mà trái lại còn tạo ra nhiều sự khó khăn. Cứ kẻ trả nợ người đòi nợ, rồi lại dư thừa cấn qua cấn lại, đến một lúc thì không còn có thể giải quyết được nữa. Cho nên tốt hơn hết, người chủ nợ biết tu tập thì sớm chấm dứt món nợ để không còn có thể dây dưa được nữa. Phần con nợ biết tu tập, nếu có phải trả nhiều hơn cái mà mình dự định trả thì cũng vẫn bỏ qua, không để ý tới và xem như tất cả đều chấm dứt ở tại kiếp này, đừng bao giờ mang tất cả những món nợ sang kiếp tới, vì đó là một hành động không khôn ngoan mà trái lại, sẽ làm tiêu đi kiếp tới của mình. Cho nên, việc tu tập rất là cần thiết để cho cả đôi bên chủ nợ lẫn con nợ hiểu rõ được, ý thức được những việc không hay sẽ xảy đến cho mình trong kiếp vị lai. Đừng bao giờ khư khư giữ lấy ý mình để rồi không mang lại một điều phúc lợi nào cả. Sẽ rất tai hại cho kiếp tới.

Bệnh chung của chúng sanh là thích nhìn thấy phúc lợi ở trước mặt mà không chịu tìm hiểu phúc lợi ở sau lưng mình.

Thường thì những phúc lợi ở trước mặt nhỏ li ti, phúc lợi ở sau lưng mới là phúc lợi lớn. Lại cũng phải trở về với Tâm Bình! Khi giữ được tâm bình, tức khắc sẽ thấy ngay phúc lợi nào lớn, phúc lợi nào nhỏ. Đừng bao giờ để cho những điều mình muốn biết ở khuất sau lưng mình, mà mình phải tự quay một vòng tròn để quan sát đều, để nhìn thấy, để phân biệt được tầm vóc của từng Phúc Lợi.

Then chốt là tại vì nuối tiếc cái mà mình đã cho ra hơi dư (xem bài Khổ Nạn Của Chúng Sanh). Do đó mà bây giờ cứ nuối tiếc mãi và muốn bên kia phải bù đắp lại để lấp cái khoảng trống đó. Nếu giữ được Tâm Bình thì sẽ thấy rằng chuyện nuối tiếc của mình không có gì đáng kể hết.

Nếu mình có lỡ trả dư một chút cũng không mất đi đâu, vì nó cũng sẽ trở thành Phước Huệ của mình mà thôi.

Thầy đã từng nói rằng: trung gian của oan trái chính là TÌNH CẢM

Oan trái càng sâu nặng, tình cảm càng thiết tha, vì chính cái tình cảm ngập tràn, sâu đậm đó mới khiến cho việc thanh toán món nợ nghiệp lực không dễ dàng nhận ra được, và người trả nợ cũng không cảm thấy quá mỏi mệt, quá chán nản hay quá khổ đau.

Tự họ không biết rằng mình đang trả nợ và tìm thấy niềm vui trong bổn phận buộc ràng.

Vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em là những “Oan Trái Lớn,” đòi hỏi một tình cảm thật tràn đầy, thật sâu sắc để có thể dẫn tới một sự hy sinh: bản thân, sự nghiệp, tiền tài, công sức, … tùy theo mức độ nhiều hay ít, nặng hay nhẹ của oan trái.

Trong đời sống vợ chồng, nếu chủ nợ là người biết tu tập, với trí huệ có được, sẽ nhận ra ngay người Phối ngẫu của mình chính là con nợ của mình.

Người chủ nợ, một mặt phải tỏ ra ghi ơn tất cả những gì mà người phối ngẫu này đã làm cho mình trong bổn phận vợ chồng, bên cạnh đó còn phải trau giồi cái Tánh biết trọng Nhân Nghĩa, biết trọng Ân Tình.

Khi sống trọn Tình, trọn Nghĩa, cơ hội để có thể tạo ra nghiệp lực mới, oan trái mới sẽ khó xảy ra.

Một mai, khi nợ nần giữa đôi bên đã thanh toán xong, người phối ngẫu “con nợ” sẽ nhẹ nhàng cất bước mà không mang một mối sân hận trong lòng.

Người phối ngẫu “chủ nợ” cũng do đó mà được gia tăng Phước Huệ.

Cuộc hôn nhân đã không trở thành bãi chiến trường, do ở người hôn phối “chủ nợ” đã hành sử mọi việc với trí huệ sáng suốt của mình, và đã không quá mạnh tay với “con nợ” mà cũng là người mình yêu thương tha thiết.

Trong gia đình mà cha mẹ có nhiều đứa con, đứa con nào bận bịu với cha mẹ nhiều nhất, lo lắng, chăm sóc, dưỡng nuôi, thậm chí hy sinh thân mình cho đấng sanh thành, đứa con đó chính là Con nợ.

Đứa con đến để trả lại món nợ lớn lao mà đứa con đó đã gây tạo từ trong quá khứ. Ngày giờ này, ở hiện kiếp, tình phụ tử, tình mẫu tử buộc ràng, tạo nên bao nhiêu bổn phận, bao nhiêu trách nhiệm khiến cho “con nợ,” với vai trò của một đứa con, phải gánh vác, phải quán xuyến và phải giải quyết tất cả những cảnh huống, những khó khăn xảy đến cho “chủ nợ cha mẹ” của mình.

Bậc làm cha mẹ biết tu tập, ở vào phương vị “chủ nợ,” cũng sẽ không đòi hỏi ở đứa con “con nợ” của mình một cách thái quá. Vẫn phải làm tròn bổn phận của bậc sanh thành đối với con cái.

Nếu vì ốm đau nặng nề, không đi đứng được, tạo sự cực nhọc cho con, cũng nên có lời an ủi, biết ơn.

Nếu gặp cảnh huống khó khăn, túng hụt, khiến con mình phải vất vả ngược xuôi để giúp mình vượt qua cơn hoạn nạn, cũng đừng nên lấy quyền làm cha mẹ mà bắt ép con cái làm chuyện trái lòng, khốn khổ.

Mỗi khi tu tập, nên hồi hướng để hủy bỏ oan trái, nợ nần với con của mình.

Được như vậy, Phước Huệ càng gia tăng.

Nên dùng phép Đối và Đãi để đối xử với nhau.

Con nợ phải ĐỐI TỐT, đó là việc đương nhiên; chủ nợ đừng vì tư cách chủ nợ của mình mà ĐÃI XẤU, tạo niềm sân hận cho con nợ, khiến mọi việc càng thêm trầm trọng.

Được gọi là nghiệp lực sống khi cả hai phía chủ nợ và con nợ chạm mặt nhau. Khi đó, cần phải giữ Tâm Bình mới đủ sáng suốt nhận dạng nghiệp lực; sau đó, tìm phương cách giải quyết cho phù hợp với Tâm – Ý – Tánh, tuyệt đối tránh sân hận xảy ra, tạo thêm nghiệp lực mới.

Người biết tu tập chân chính không ngừng hồi hướng công đức cho chủ nợ của mình, cho đến khi tiêu nợ, sự quấy phá của nghiệp lực cũng giảm dần và tan biến.

Nếu cả hai bên con nợ lẫn chủ nợ đều biết tu tập thì mọi việc sẽ được giải quyết trong ổn thỏa, món nợ tự động biến thành PHƯỚC HUỆ, cùng tốt đẹp cho cả đôi bên.

Chúng sanh trong cõi Ta Bà dính chặt với oan gia, nghiệp chướng của mình không phải chỉ ở một đời, một kiếp, mà là rất … rất nhiều đời, nhiều kiếp!

Nợ nần thanh toán lẫn nhau khi nhiều, khi ít, khi thừa, khi thiếu, trừ qua cấn lại, chằng chịt con số, khó lòng tính đếm, khó lòng tạo nên được một sổ sách kế toán đúng nghĩa của thế gian.

Những nợ nần này làm vướng bận khá nhiều bước chân của kẻ xa rời Dương Thế.

Chúng sanh khi còn hơi thở, bắt buộc phải tư duy khá nhiều về nghiệp lực mà mình đã gây tạo nên.

Những con số chằng chịt như mạng nhện là kết quả của hằng bao nhiêu oan trái do chính mình chủ động.

Nếu chủ nợ biết tu tập, con nợ biết tu tập, cả hai sẽ cùng nhận ra được tầm quan trọng và hữu ích của việc xóa nợ cho nhau. Mình xóa nợ cho người này, kẻ khác sẽ xóa nợ cho mình.

Cái mạng nhện từ từ sẽ không còn những con số “Đen” nữa mà trở thành những con số “Đỏ” rực, tượng trưng cho cái Phước Huệ mà cả hai bên chủ nợ lẫn con nợ đều cùng hưởng cả.

Tu tập chân chính là phương cách duy nhất ngăn chận nghiệp lực phát sinh.

Nghiệp mới không tạo ra
Nghiệp cũ được xóa bỏ
Phước Huệ được gia tăng

Con đường tiến về Cực Lạc chỉ còn là một bước rất ngắn mà thôi!


+ 97

Những Bài Liên Quan