Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
Bồ Tát Giới - Lạc Pháp
Print this page

Bồ Tát Giới

Oct 01 2017

Kính bạch Sư Phụ,

Thông thường, một người mới bước chân vào đường tu tập hay được khuyên nên thọ Ngũ Giới. Sau một thời gian làm quen với việc tu tập, hành trì những nghi thức tu tập, đọc pháp, tu duy pháp, thâm nhập pháp, áp dụng được pháp vào đời sống, họ tiến lên một bước cao hơn trong việc thọ giới. Một đẳng cấp Giới Luật mà đa số Phật Tử hiện nay rất trọng vọng và ưa thích được thọ trì, chính là BỒ TÁT Giới.

Kính xin Sư Phụ từ bi giải thích cho con được rõ: thế nào là Bồ Tát giới và có phải là thọ giới luật Bồ Tát để được trở thành Bồ Tát ở Cực Lạc hay không?

Thọ giới có nghĩa là nhận giới, nhận những sự cấm đoán để không làm việc này hay không làm việc kia.

Thọ Ngũ Giới là nhận chịu một sự cấm đoán trong 5 điều.

Thọ Bồ Tát giới là nhận cái việc bớt đi quyền lợi của mình để ban phát, chia sẻ lại cho người khác.

Thọ Tỳ Kheo giới là nhận chịu bỏ đi gần hết tất cả những quyền lợi của mình để chỉ làm lợi cho kẻ khác.

Nói một cách khác đi, người thọ Bồ Tát giới hay Tỳ Kheo giới là người “trải thân mình” để đem lại niềm vui và sự lợi ích cho kẻ khác.

Người thọ Bồ Tát giới là người tu Hạnh Bồ Tát, có nghĩa là họ phát nguyện làm theo Bồ Tát, Bồ Tát làm như thế nào, hành sử như thế nào, họ cũng sẽ làm y như thế đó đối với chúng sanh.

Người tu tập ở bước đầu tiên, lo cho bản thân mình trước, làm sao cho đôi tay của mình rắn chắc lên để có thể nâng đỡ, dắt dìu kẻ thế cô. Đôi chân của mình có mạnh mẽ, có vững vàng mới có thể cưu mang, đùm bọc, thậm chí chịu đựng nổi một gánh nặng trên vai. Trí Huệ có phát sáng lên mới mong hướng dẫn, giải quyết ổn thỏa tất cả những khó khăn, vướng mắc của kẻ khác đang cần sự giúp đỡ của mình.

Sau khi đã tạo cho mình một sức mạnh vững bền từ thể xác đến Tâm Linh, họ sẽ quay trở lại nhìn ngó sau lưng mình, chung quanh mình để tìm kiếm những kẻ đang thực sự cần đến sự giúp đỡ của mình. Người tu tập đã làm được một Hạnh Lành Bồ Tát để giúp cho chúng sanh!

Họ noi theo gương của Bồ Tát, biết quên thân mình để lo cho chúng sanh. Họ làm theo Bồ Tát, mở rộng vòng tay để cứu người đang gặp hiểm nguy, khốn đốn.

Họ có lỗ tai của Bồ Tát để lắng nghe tiếng rên la, cầu cứu của người đang gặp nạn.

Họ có đôi mắt của Bồ Tát để nhìn thấu những khốn khổ, thương đau của kẻ cơ hàn, đói lạnh.

Người hành Hạnh Lành Bồ Tát:

  • Biết từ bỏ niềm vui của mình để tạo niềm vui cho kẻ khác.
  • Biết bớt đi cái MUỐN của mình để vun bồi sự thiếu thốn của kẻ khác.
  • Biết quên cái đau của mình để chăm sóc cái đau của kẻ khác.
  • Biết đè nén cái đau khổ của mình để đem lại nụ cười cho kẻ khác.
  • Biết giảm bớt đi những điều mình mơ ước để mang lại hy vọng tốt đẹp cho kẻ khác.
  • Biết từ bỏ cái chiến thắng của mình để khuyến khích kẻ khác vươn lên và nâng đỡ sự thành công của kẻ khác.

Người hành Hạnh Lành Bồ Tát còn phải biết ngắm nhìn Hạnh Phúc của kẻ khác và luôn hỗ trợ, tán thán để cho Hạnh Phúc đó mãi vững bền. Họ cũng phải nhận ra được những điều tốt đẹp của kẻ khác và lấy đó làm niềm vui cho chính bản thân mình.

Người hành Hạnh Lành Bồ Tát luôn thích nhìn nụ cười của kẻ khác, thích mang đến cho kẻ khác một nụ cười bất tận.

Người hành Hạnh Lành Bồ Tát nhìn sự thành công của kẻ khác với tất cả sự trầm trồ và thán phục một cách chân thành.

Người hành Hạnh Lành Bồ Tát cũng biết giảm thiểu sự vui sướng của mình để đem lại sự phấn khởi cho kẻ khác.

Nói tóm lại, tất cả những gì gọi là tốt đẹp, tuyệt hảo của chính bản thân mình sẽ được người hành Hạnh Lành Bồ Tát đem chia sẻ, ban phát một cách trân trọng, thành tâm, thành ý cho những ai thật sự cần đến. Ngay cả sự đớn đau, sự khốn khó, sự trắc trở khi phải đối phó với một cảnh huống trái ngang của một người bất hạnh, cũng sẽ được người hành Hạnh Lành Bồ Tát sẵn sàng đưa tay giúp đỡ để giải quyết, để nhận chịu cùng chia sẻ sự không may mắn đó.

Người hành Hạnh Lành Bồ Tát chưa phải là một Bồ Tát, nhưng, họ đã làm tất cả những gì mà một vị Bồ Tát đã và sẽ phải làm cho Chúng Sanh. Họ có thể chưa từng biết qua việc tu tập, nhưng, những việc họ làm xuất phát từ ở cái Tâm trong sáng và trải rộng. Họ mang nhiều ý tưởng tốt đẹp và cao thượng và đặc biệt là, họ chắc chắn sở hữu nhiều Tánh tốt.

Một người tu tập chân chính, để tiến lần đến quả vị Bồ Tát, song song với việc tu tập, họ thường xuyên hành Hạnh Lành Bồ Tát.

Thọ Bồ Tát giới là nhận chịu quên mình để lo cho NGƯỜI. Bản thân mình không phải là chánh mà NGƯỜI mới thật sự là chánh. Người thọ Bồ Tát giới hoan hỷ để từ chối hết tất cả những gì đem lại Lợi Lạc cho mình, niềm vui cho mình, phúc lợi cho mình. Họ chỉ nghĩ đến việc hành Hạnh Lành Bồ Tát và thay thế 2 chữ BẢN THÂN bằng từ ngữ KẺ KHÁC.

Người thọ Bồ Tát giới tự nguyện đem thân mình trải rộng để lo cho kẻ khác, họ không sợ mình thiếu ăn, không sợ mình đói kém, không sợ mình nghèo khó, chỉ cốt sao cho người khác được đủ đầy. Họ quên mình để chỉ nghĩ đến NGƯỜI mà thôi! Đó là ý nghĩa của thọ Bồ Tát giới.

Việc thọ Bồ Tát giới không phải là một việc làm hối hả, gấp rút, chỉ trong một sớm một chiều. Thọ Bồ Tát giới là một hành động có tính cách quên Mình mà nhớ đến Người, không lo cho mình mà chỉ chú tâm lo cho Người. Người tu tập chân chính phải nhận ra được cái ý nghĩa thế nào là một cái Tâm Bồ Tát, Tâm trải rộng. Tâm Bồ Tát bắt buộc phải chan hòa trên tất cả chúng sanh, và phải vượt lên trên tất cả chúng sanh.

Bồ Tát hành động vì chúng sanh, cho chúng sanh và tùy thuộc vào tất cả mọi thứ thuộc về của chúng sanh chớ không phải của riêng cá nhân Bồ Tát.

Việc tu tập nhắm đến cái mục đích tối hậu là Tâm Bồ Tát vì có được Tâm Bồ Tát mới tiến đến Tâm Phật được. Người tu tập chân chính đem Tâm Bồ Tát của mình để dung chứa chúng sanh, như vậy Tâm Bồ Tát mới càng ngày càng lớn rộng ra.

Từ ở cái Tâm trải rộng ít tiến lần đến cái Tâm trải rộng lớn hơn, để rồi từ từ tiến đến cái Tâm trải rộng của một vị Bồ Tát thật sự.

Một người chưa từng biết đến việc thọ Ngũ Giới mà lại đường đột bước vào việc thọ Bồ Tát giới sẽ không khác gì việc xây một căn nhà mà không đào móng, sớm muộn gì căn nhà cũng sẽ sụp đổ.

Thọ Ngũ Giới là một hành động thuộc về sửa Tánh. Có sửa được những Tánh căn bản của một con người như: sát hại - trộm cắp - nói láo - rượu chè be bét - say đắm dục vọng, người thọ Ngũ Giới mới có đủ can đảm để từ bỏ hết những thói tật xấu xa khác của mình, tạo một nền tảng vững chắc cho việc tu tập. Điều quan trọng là có sửa được Tâm - Ý - Tánh, cải thiện Tâm - Ý - Tánh cho được hoàn hảo, người tu tập mới tiến lần vào việc thực hành Hạnh Lành Bồ Tát.

Việc hành được những Hạnh Lành Bồ Tát nói lên rằng người tu tập đã tập được, tôi luyện được, trau giồi được những Tánh tốt của mình. Và tất cả những cái Tánh có được từ Hạnh Lành Bồ Tát đều mang tánh chất TỪ BI HỶ XẢ.

Cho nên, một người đi từng bước một trong tiến trình tu tập tiến đến việc thọ Bồ Tát giới, họ mới thực sự chu toàn được Hạnh Bồ Tát ngay khi còn tại hiện Đời.

Nếu việc thọ Bồ Tát giới chỉ là một cách tu theo thị hiếu, người làm mình cũng làm, người thọ mình cũng thọ, để rồi sau đó, tất cả những việc làm tạo nên Hạnh Lành Bồ Tát đều trở nên quá tầm sức của mình, không kham nổi một Hạnh Lành nào cả, như vậy sẽ không còn cái ý nghĩa tốt đẹp và thanh cao của việc thọ Bồ Tát giới nữa.

Người thọ Bồ Tát giới đòi hỏi một sự tu tập chân chính và một sự sửa đổi không ngừng nghỉ Tâm - Ý - Tánh của mình. Càng sửa đổi nhiều chừng nào, Hạnh Lành Bồ Tát càng gia tăng chừng nấy; mà Hạnh Lành Bồ Tát càng gia tăng, Tâm Thức càng rực sáng vì tiến lần đến Từ Bi Hỷ Xả. Cho nên, cái rốt ráo của thọ Bồ Tát giới là phải đạt cho được Từ Bi Hỷ Xả, như thế mới đúng với ý nghĩa của việc thọ trì.

Ngày nào mà mình chưa thể buông bỏ được cái MUỐN của mình, chưa từ bỏ được cái CÓ của mình, chưa quên được cái BẢN NGÃ (CÁI TÔI) của mình để sẵn sàng ban phát, chia sẻ, gánh vác, chịu đựng những khốn khó, đau đớn, bất hạnh, thương đau, tủi cực của kẻ khác, rất khó lòng chu toàn được đúng ý nghĩa của từ ngữ BỒ TÁT Giới.

Khi thọ Bồ Tát Giới là tôi mặc nhiên công nhận rằng tôi sẽ là một Vị Bồ Tát trong tương lai. Ngày hôm nay tôi vẫn còn tu tập, tôi sẽ cố gắng để chu toàn những Hạnh Lành Bồ Tát, rồi từ từ khi những Hạnh Lành Bồ Tát đó đã được chu toàn tốt đẹp, tôi mới tiến đến Từ Bi Hỷ Xả. Khi tôi đã đạt được Từ Bi Hỷ Xả rồi, lúc đó Tâm tôi trải rộng, tôi không còn một sự phân biệt giàu nghèo, sang hèn, chủng tộc này, chủng tộc kia, đẳng cấp này, đẳng cấp kia, xã hội này, xã hội kia, Chúng Sanh này hay Chúng Sanh kia ... Tất cả đã không còn rào cản nữa, không còn biên giới nữa; như vậy thì ngay khi còn ở hiện kiếp, tôi đã hành sử cái vai trò của một vị Bồ Tát rồi. Mai kia, khi tôi về đến Cực Lạc, tôi sẽ được chỉ dạy nhiều hơn nữa, lúc đó tôi sẽ phát huy được hết tất cả những đặc tánh của một vị Bồ Tát, và việc cứu độ Chúng Sanh là một việc làm mà tất cả các vị Bồ Tát của Cực Lạc đều phải hành, không phân biệt màu da, chủng tộc, Quốc Gia, hay bất kỳ một Chúng Sanh nào của cõi Ta Bà.

Như vậy, tôi thọ Bồ Tát giới là để tôi chuẩn bị cái vai trò Bồ Tát của tôi trong tương lai, cho nên tất cả những Hạnh Lành Bồ Tát tôi bắt buộc phải chu toàn; nếu tôi không làm đúng như vậy, tôi không thể nào tự nhận rằng tôi đã thọ Bồ Tát giới được.

Chúng Sanh thọ Ngũ Giới hay thọ Bồ Tát giới, điều cốt yếu vẫn là sửa Tánh. Càng cố gắng sửa Tánh, càng trau giồi, giùi mài, hoán chuyển Tâm - Ý - Tánh, Hạnh Lành Bồ Tát càng được chu toàn nhiều hơn.

Cứ mỗi một thói hư tật xấu, tánh không tốt được sửa đổi, đều đem lại một kết quả là có một Hạnh Lành Bồ Tát liên quan đến cái Tánh tốt đẹp đó đi kèm theo.

Tập được Tánh tốt biết chăm sóc cho kẻ khác, tức khắc cái Hạnh Lành Bồ Tát đi kèm sẽ giúp cho người tu tập biết chia sẻ, biết bớt đi cái Muốn của mình để đem lại sự đủ đầy cho người thiếu thốn.

Từ một Hạnh Lành nho nhỏ đến một Hạnh Lành lớn lao hơn, tất cả đều đi song song với việc sửa Tánh. Càng sửa được nhiều Tánh, càng nhiều Hạnh Lành được chu toàn. Một khi đã chu toàn được những Hạnh Lành rồi, khó lòng nảy sinh ngược trở lại những tánh xấu, những thói hư, vì mình sẽ tự thấy rằng: chính những thói hư tật xấu đã làm hoen ố những Hạnh Lành Bồ Tát của mình.

Càng thụ đắc nhiều Tánh tốt, những Hạnh Lành Bồ Tát sẽ càng tự động đến với mình. Khi mình đã chu toàn được hết những Hạnh Lành rồi, việc thọ Bồ Tát giới hay không thọ Bồ Tát giới sẽ không còn là điều chính đáng nữa, vì cái quan trọng, cái chính yếu, cái tối hậu, mình đã thụ đắc nó rồi!!

Cho nên, nếu nói rằng: tôi thọ Bồ Tát giới để được tiếng tốt, điều đó không có gì đáng nói! nhưng, nếu bảo rằng tôi thọ Bồ Tát giới để tôi tập hành những Hạnh Lành Bồ Tát, điều đó đáng được cổ võ vì nó đi đúng với cái mục tiêu của người tu tập chân chính là chỉnh sửa toàn bộ Tâm - Ý - Tánh, làm nền tảng vững chắc cho việc tu tập để trở thành Bồ Tát: Bồ Tát của hiện Đời và cả luôn Bồ Tát của Cực Lạc một khi đã xa lìa cuộc đời nơi cõi Ta Bà.

Việc tôi từ bỏ niềm Hạnh Phúc của riêng tôi, từ bỏ những mơ ước trong tôi để tìm thấy nụ cười nơi kẻ khác, tôi cũng vẫn không mất đi niềm Hạnh Phúc; có điều rằng: Hạnh Phúc nếu nở hoa trong tôi, nó chỉ là tia sáng lóe lên trong tim, trong óc của tôi, nó xoa dịu cái Tự Ái trong tôi, làm cho tôi thấy thỏa mãn. Còn cái Hạnh Phúc mà tôi mang tới cho kẻ khác, nó không thỏa mãn Tự Ái trong tôi, mà nó làm cho Tâm Thức tôi rung động, khiến cho lòng tôi nức lên vì một sự cảm xúc dâng trào, ánh mắt tôi lóe sáng niềm vui theo nụ cười của người được tôi chia sẻ và giúp đỡ, một sự hả hê tỏa rộng trong tâm tư tôi vì tôi đã làm được một việc tốt đẹp; việc tốt đẹp này không do ai bắt buộc hay điều khiển tôi, mà đó chính là một sự tự nguyện của tôi, một sự thôi thúc của Hạnh Lành phát sinh ra từ những tánh tốt của tôi.

Cứ mỗi một Hạnh Lành Bồ Tát mà tôi trao về cho kẻ khác đều khiến Tâm Thức của tôi ngời sáng, cái ngọn đèn Trí Huệ lại có dịp gia tăng Công Suất, và con đường tiến về Cực Lạc của tôi hình như được thu ngắn bớt lại!

Dù thọ bất cứ giới nào: Ngũ Giới, Bồ Tát giới hay Tỳ Kheo giới, dù phải giữ bao nhiêu giới luật: 5 giới, 10 giới, 250 giới, hay thậm chí 300, 400 giới v.v… người tu tập chân chính không quan tâm đến vấn đề Giới Luật. Cái mục đích tối hậu của việc tu tập chính là cái Tâm Bồ Tát mà mình phải đạt cho được, và cái Tâm Bồ Tát đó tuyệt đối không thu hẹp trong từng cá nhân, từng gia đình, từng bà con dòng họ hay chỉ cho từng đồng loại của mình mà thôi. Tâm Bồ Tát không có biên giới, không có giới hạn, đó là một tâm trải rộng và sẵn sàng để tiếp đón tất cả mọi chúng sanh ở khắp mọi nơi, hoàn toàn không phân biệt chủng tộc, màu da hay biên giới.

Tâm Bồ Tát chỉ có thể hiện hữu khi người tu tập chân chính quyết lòng chỉnh sửa Tâm - Ý - Tánh của mình để có thể nở rộ lên những Hạnh Lành Bồ Tát, giúp cho người tu tập chân chính có cơ hội gieo rắc những Hạnh Lành Bồ Tát lên cho khắp Chúng Sanh.


+ 59