Lạc Pháp

Mầm Sống

Mar 02 2019
620582144 620582144

Kính bạch Sư Phụ,

Nhìn lên những thân cây giữa mùa Xuân nắng ấm, thời tiết thật ôn hòa, các mầm non đang lú dần ra, chuẩn bị cho những cành mới với nhiều lá xanh mơn mởn, con chợt liên tưởng đến những mầm sống, hoặc vừa mới tượng hình trong bụng mẹ, hoặc vừa mới chào đời hay đã chào đời không bao lâu. Con cũng lại thấy rằng, trong cái vũ trụ bao la này, không riêng gì loài Người, mà từ loài sâu bọ nhỏ nhoi cho đến chim muông, cầm thú, tận đến cỏ cây hoa lá, tuy rằng khác giống, khác loài, nhưng cũng vẫn có chung một tính chất là tạo nên MẦM SỐNG. Có mầm sống thì mới có sự sinh sôi nảy nở, mới có sự nối tiếp của từng thế hệ, mới có sự lựa chọn để giữ gìn một giống tốt, mới có sự vun bồi và uốn nắn để cho Mầm Sống phát triển theo một chiều hướng quy định.

Đúng như những ý tưởng con vừa bày tỏ: cây đâm chồi nảy lộc là để vươn lên cả bề rộng lẫn bề cao; cây èo uột không đủ mạnh, nhựa không dồi dào để cung cấp cho từng nhánh lá thì làm sao nảy được mầm non? Một thân cây không phải chỉ có một cành, mà đâm tủa ra rất nhiều cành, rồi mỗi cành lại cho ra những cành con. Cứ mỗi một năm qua, đông tàn thì xuân đến, những mầm non lại nương theo thời tiết ấm áp của mùa xuân mà hé lộ, để rồi khi mùa hè tới, sức sống của các mầm non này tràn đầy và cao vọt lên hay tỏa rộng ra. Các mầm non bây giờ đã trở nên những cành cây cứng cáp, lá mọc sum sê và được bao bọc bằng vỏ cứng bên ngoài. Ngày tháng thoi đưa, hết đông chí lại tới xuân phân, hè qua thu lại đến, những cành cây mang đầy nhựa sống lại có dịp sinh sôi nảy nở, tiếp nhận những mầm non lú ra đòi sự sống.

Mỗi đợt cành cây vươn mình biểu dương sức sống trông không khác gì một “thế hệ mới” đang tiến lên, nhiều năm qua, nhiều thế hệ tiếp nối, thân cây cứ cao dần và lớn rộng ra. Dòng nhựa nguyên màu trắng sữa nuôi dưỡng những cành cây ngày càng cứng chắc; rồi 5, 10 năm sau, cũng có khi cả đến 100 năm hay nhiều trăm năm, thân cây trở thành Cổ Thụ, dòng sữa đục tuy đã cạn khô không còn được tiết ra nữa, cây Cổ Thụ vẫn trơ gan cùng năm tháng, mặc cho mưa bão hoành hành, cây vẫn đứng vững với thời gian, và được sự dưỡng nuôi trở lại của các cành cây lớn nhỏ mọc chung quanh.

Như lời con đã nói ở trên, nhìn cây mà liên tưởng tới NGƯỜI. Việc tạo nên một hình hài bé nhỏ phải được xuất phát từ một kẻ làm Cha khỏe mạnh, cứng cáp và một người làm Mẹ dồi dào sinh lực. Thai noãn sẽ hấp thụ cái nguyên khí mạnh mẽ của cha lẫn mẹ để tượng hình và lớn dần lên thành một thai nhi khỏe mạnh từ trong bụng Mẹ, hứa hẹn một sự phát triển dễ dàng và nhanh chóng sau khi chào đời.

Thai noãn không khác gì cái mầm cây vừa lú lên. Mầm cây nếu không hấp thụ đủ nhựa nguyên từ thân cây chánh cung cấp, mầm cây đó không sớm thì muộn cũng teo lại và rụng xuống. Phát triển trong sự gượng ép và thiếu thốn nguyên khí, sẽ gây tạo nhiều khó khăn cho sự hình thành một thai nhi, nếu không muốn nói là èo uột, yếu đuối, nhiều bệnh hoạn từ lúc mới lọt lòng. Việc chăm sóc dưỡng nuôi đã khó khăn, nhiều phức tạp, nhiều cực nhọc, việc dạy dỗ, uốn nắn cũng không phải dễ dàng đối với một đứa trẻ yếu đuối, kém hoạt động và đôi khi cũng suy kém phần trí tuệ.

Ngày tháng thoi đưa, đứa bé càng ngày càng lớn lên, không cần đến sự dắt dìu của mẹ cha nữa; nó tung tăng chạy nhảy, nó học hỏi đủ mọi cách, mọi điều để có thể tự lo cho bản thân mình, cũng như giúp đỡ cho cha mẹ trong tuổi xế chiều, yếu đuối, nhiều tật bệnh. Rồi thì cây cổ thụ (Mẹ Cha) càng già đi, nguồn sinh lực không còn nữa và biến mất trên cõi đời. Cành cây con lại thay thế vào vị trí của cây cổ thụ để tiếp tục tạo ra nhiều cành cây nhỏ khác. Từng thế hệ đi qua sẽ lại có từng thế hệ tiếp nối, mãi mãi và vĩnh viễn, không bao giờ chấm dứt.

Thầy đã vạch rõ cho Chúng Sanh thấy được cái hình ảnh mà mình có thể sờ mó được: Tôi có thể sờ mó một cành cây, tôi có thể quan sát một cái cây lớn dần lên cho tới khi nó trở nên cao lớn, rậm rạp, tôi có thể quan sát và theo dõi sự tiến triển của một đứa bé từ lúc mới chào đời cho đến khi nó trưởng thành và chững chạc. Tuy nhiên, còn một vấn đề vô cùng quan trọng mà Chúng Sanh gần như ít ai để ý tới. Chúng Sanh chỉ có thể “sờ mó” những gì trong phạm vi, trong giới hạn của NGŨ THỨC. Ra khỏi tầm NHÌN - tầm NGHE - tầm HIỂU BIẾT của mình thì xem như vô phương!

Một vấn đề Tâm Linh vô cùng quan trọng xảy ra ngay khi có sự phối hợp giữa Tinh Cha và cái Trứng của Mẹ. Trong cái giờ phút thiêng liêng đó, đã có sự thụ thai, tức là đã bắt đầu có thai noãn, và cũng đã có luôn sự hiện diện của một Thần Thức làm chủ cái thai noãn đó cho đến ngày nó tượng hình và khai hoa nở nhụy.

Từ khi người Mẹ biết được rằng mình đã thụ thai, Thần Thức cũng đã làm chủ cái thai noãn rồi. Do đó, một sự quyết định nông nổi của người Mẹ về sự tồn tại hay biến mất của thai noãn, hoặc sự sống còn hay hủy diệt thai nhi, sẽ ảnh hưởng vô cùng cực đến Thần Thức, sẽ khiến cho niềm sân hận của Thần Thức lên đến cao tột và giây oan trái Nghiệp Lực giữa Thần Thức và kẻ làm cha mẹ lại càng thắt chặt hơn, khó lòng tháo gỡ.

Nên biết rằng, dù được trở lại kiếp Người, cũng phải mất một thời gian chờ đợi Mẹ Cha. Có khi Mẹ Cha còn trong tuổi vị thành niên chưa thể kết hôn được; có khi Cha còn ở một nơi, Mẹ còn ở một nẻo, chưa có cơ hội gặp gỡ để kết duyên; cũng có khi Cha Mẹ thì đủ đầy đó, nhưng lại đang áp dụng kế hoạch hóa gia đình khiến cho Thần Thức khó lòng tiến lên.

Vì Nghiệp dẫn Luân Hồi trong Lục Đạo, cho nên, nếu Nghiệp kế tiếp kết nối với Nghiệp của Cha đó, của Mẹ đó, thì Thần Thức sẽ khó lòng từ chối cái sợi dây Nghiệp Lực đã được an bài, sắp xếp theo thứ tự lớp lang trong A Lại Da Thức của mình. Cho nên, mất đi cơ hội làm Người sẽ khiến cho Thần Thức cực kỳ sân hận. Trong bài Pháp nói về PHÁ THAI, Thầy đã cắt nghĩa rất rõ ràng về vấn đề này.

Chúng Sanh phải hiểu rằng: không phải Thần Thức nào cũng vào được trong thai noãn đâu. Tất cả đều phải nhờ vào sự giúp sức của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát. Chính Ngài đã giúp cho Thần Thức tìm ra được Cha Mẹ của mình, tức là những người có “dây tơ rễ má” với Thần Thức, hay nói cho đúng hơn là có Nghiệp Lực, hoặc tốt hoặc xấu với Thần Thức. Cho nên, không phải bất kỳ một Thần Thức nào cũng có thể vào trụ trong thai noãn được.

Khi nhận ra rằng mình đã thụ thai, Chúng Sanh sẽ có thái độ, có cách hành xử phù hợp với 1 trong 2 cách sau đây:

Cách thứ nhất :

Chúng Sanh không biết tu tập sẽ thản nhiên và rất là thờ ơ với những gì gọi là Nghiệp Lực. Mẹ Cha sẽ chờ đợi ngày khai hoa nở nhụy. Nếu con mình bụ bẫm dễ nuôi, khỏe mạnh, mau lớn, Mẹ Cha vui mừng hớn hở và cảm thấy mình vô cùng “Có Phước”.

Nếu đứa con từ lúc lọt lòng, luôn ốm đau èo uột, Mẹ Cha phải tốn quá nhiều tiền bạc, nhiều công sức, phải thức khuya dậy sớm hay mất nhiều ngày không ngủ để ẵm bồng, chăm sóc, dưỡng nuôi, Mẹ Cha vẫn không quan tâm tới sự cực nhọc và thản nhiên chấp nhận tình huống, cũng như sẵn sàng đối phó với mọi bất trắc xảy ra cho con mình. Công sức đó không phải bỏ ra chỉ trong thời gian đứa bé chào đời, mà còn kéo dài suốt quãng đường đời của con mình cho đến ngày Mẹ Cha tàn hơi kiệt sức.

Cách thứ hai :

Chúng Sanh biết tu tập, thấu hiểu được tầm quan trọng của Nghiệp Lực, sẽ có một cái nhìn khác biệt về sự hiện diện của đứa bé sắp chào đời. Đứa bé là một thể hiện của Oan Gia Trái Chủ của mẹ cha. Nó hiện diện trên Đời do vòng Sanh Tử Luân Hồi của nó, tác động bởi vòng Nghiệp Lực kết nối nhau như mắt xích, do nó đã gây tạo nên qua nhiều đời, nhiều kiếp. Mẹ Cha là cái mắt xích Nghiệp Lực lớn trong hiện kiếp của một Thần Thức. Từ cái mắt xích đó, sẽ dẫn tới chi chít những mắt xích lớn nhỏ khác mà Thần Thức đó phải đối diện và giải quyết trong suốt thời gian mà Thần Thức hiện diện trong thân xác NGƯỜI.

Dù đứa bé sẽ là Người đến đòi món nợ năm xưa mà Mẹ Cha vay mượn nó (có nghĩa là nó ở vai trò CHỦ NỢ), hoặc đứa bé không quên món nợ nào đó do nó đã gây tạo nên ngày xưa, nay quày quả trở lại để thanh toán cho sòng phẳng (có nghĩa là nó ở vai trò CON NỢ), thì với tư cách của NGƯỜI TU TẬP, bậc làm Cha Mẹ sẽ uyển chuyển du di tình huống để trong bất cứ trường hợp nào, cũng vẫn là tạo sự dễ dàng và lợi lạc cho con mình.

Đã là một Chủ Nợ thì tránh sao cho khỏi cái cảnh phách lối, hung hăng, lên mặt với người mượn nợ của mình. Chuyện Đời đã vậy, chuyện Nghiệp Lực cũng không khác gì hơn! Đứa con đòi nợ Mẹ Cha thì đâu có bao giờ tuân thủ lời Cha dặn, lời Mẹ dạy đâu. Nếu không chọc ghẹo hàng xóm, láng giềng để Mẹ Cha mang tiếng, thì cũng là cặp bè kết bạn với du thủ du thực làm nên nhiều điều xằng bậy khiến Mẹ Cha hao tiền tốn của để đền bù; đó là chưa kể đến những việc làm sai trái đã xúc phạm đến thanh danh của mẹ cha, của dòng họ.

Kẻ làm Cha Mẹ chưa có dịp biết qua sự phá tác của Nghiệp Lực, chỉ biết than vắn thở dài hay khóc thầm, nuốt hận trước những hành vi nông nổi của con mình. Cam tâm chịu đựng...và chịu đựng...cho đến khi mỏi mòn thân xác, chấm dứt cuộc đời, đó cũng là lúc mà món nợ đã trả xong.

Cũng có khi Mẹ Cha quá bực tức, không còn chịu đựng được những hành vi tác hại của con mình, hoặc phải thanh toán quá nhiều nợ nần do con mình vay mượn của kẻ khác, sự bất hòa giữa Cha con, Mẹ con bùng nổ, gây tạo cảnh tương tàn trong gia đình, rốt cuộc rồi thì “VỐN XƯA” chưa hoàn trả đủ, “VỐN NAY” lại chất chồng thêm. Thân già mỏi mệt, Tâm Bệnh triền miên, phút chốc trở nên người thiên cổ, mang theo mình món nợ Nghiệp Lực chưa trả xong, mà còn phải bị tính thêm tiền lãi do ở lòng Sân Hận dâng trào mà gây tạo nên một Nghiệp Lực mới với đứa con Chủ Nợ của mình.

Ngay từ lúc đứa con lọt lòng, bồng trên tay một đứa bé yếu đuối, èo uột, bệnh hoạn, bậc Cha Mẹ biết tu tập đã nhận ra rằng: Nghiệp Chướng đang đến với mình đây! Họ chuẩn bị tâm lý để đối phó với những điều không hay đến với họ. Họ sửa soạn, chỉnh trang thân xác của mình cho khỏe mạnh, cho cường tráng để đón nhận những ngày dài phải thức khuya dậy sớm, chăm sóc, ẵm bồng đứa con nhiều bệnh tật. Bậc cha mẹ biết tu tập sẽ không vì đứa con yếu đuối, bệnh hoạn, đôi khi tật nguyền mà buồn tủi, mà xấu hổ với bạn bè quen biết, hoặc than thân trách phận làm động đến Phật Trời.

Đã không gieo Hạt giống tốt thì làm sao gặt được Quả trái ngon! Đã tạo Nghiệp xấu ác thì bắt buộc phải nhận lại cái Duyên không tốt đẹp. Nhân nào thì Quả nấy, Luật của Vũ Trụ không chừa một ai cả!

Cha mẹ biết tu tập, hằng ngày đem Tâm Thành khấn nguyện như sau:

“Trong thuở quá khứ, tôi đã làm điều sai trái với Thần Thức của con tôi. Do tâm trí lu mờ, si mê, thiếu sáng suốt, thêm vào đó, tánh tình quá nông nổi, quá xấu xa, hung hăng, lừng lẫy, đã khiến tôi vung tay quá mạnh, không đắn đo suy nghĩ, tạo bao điều trái ngang, sân hận cho Thần Thức của con tôi. Vòng Nghiệp Lực đã do chính tay tôi đóng lại, thì ngày giờ này phải do chính tay tôi tháo gỡ.

Tôi chân thành tha thiết ăn năn Sám Hối về tất cả những gì tôi đã gây tạo nên cho Thần Thức của con tôi. Tôi rất vui lòng hoàn trả lại sự công bằng cho Thần Thức. Về mặt vật chất, tôi nguyện sẽ chăm sóc dưỡng nuôi thân xác của Thần Thức luôn được đủ đầy, khỏe mạnh, cứng cáp, phát triển tốt đẹp toàn vẹn về thể xác lẫn tinh thần.

Bên cạnh đó, tôi gắng công tu tập nhiều hơn để tích tụ Công Đức hồi hướng cho Thần Thức. Bao nhiêu Phước Đức do sự hành thiện, dù lớn hay nhỏ bằng hạt cát, tôi cũng chân thành trao về cho Thần Thức với tất cả tấm lòng Sám Hối của tôi.

Ngoài ra, tôi cũng không ngừng sửa đổi Tâm Tánh của tôi để Nghiệp Chướng không còn được gây tạo nữa, và cũng để chứng tỏ một sự quyết tâm Cải Thiện - Hướng Thiện và Hành Thiện của tôi.”

Ngày ngày Mẹ Cha tu tập, đem hết tấm chân tình để Sám Hối Ăn Năn với Thần Thức của con mình. Một sự hoán chuyển Tâm - Ý - Tánh của người tu tập sẽ giúp cho Trí Huệ được phát sáng, Tâm trở nên Bình, trở nên An Lạc, và khi đem cái Tâm Thanh Tịnh đó hồi hướng cho Thần Thức của con mình, cũng sẽ giúp cho Thần Thức chùn bớt xuống nỗi sân hận trong lòng và sự hung hãn rắp tâm trả hận của Thần Thức cũng bớt đi cường độ. Đồng tiền Công Đức, Phước Đức đã sớm làm tiêu dần đi cái nghiệp chướng nặng nề giữa Mẹ Cha và Thần Thức của đứa con.

Đứa bé lớn dần theo năm tháng...Từ khi bước chân còn lẩm đẩm, mới bập bẹ nói một vài tiếng đầu tiên, Mẹ Cha biết tu tập sẽ nhanh chóng bắt tay vào việc uốn nắn để sửa cái Tánh của đứa bé, không cho những Tánh xấu, những thói hư có đủ thì giờ cũng như cơ hội mà bộc phát.

Thông thường, một đứa bé ở vị thế Chủ Nợ sẽ mang nhiều Tánh Xấu từ khi còn bé thơ. Những Tánh Xấu đó sẽ phát triển rất là nhanh chóng do ở việc nuông chiều, thiếu để ý, thiếu chăm sóc của cha mẹ hay của những thành viên trong gia đình. Lấy lý do đứa bé còn quá nhỏ, chưa biết gì, gia đình thường hay bỏ qua tất cả những thói xấu, những tật hư của đứa bé, đôi khi lại còn vỗ tay tán thưởng nếu đứa bé làm một điều gì đó được cho là khôn ngoan, nhưng thật ra trên thực tế thì đó là khởi đầu của một Tánh Xấu!

Đứa bé càng lớn lên sẽ càng mang nhiều Tánh Xấu, nhiều thói hư, và khi nó trở nên hung hăng, hỗn láo, bướng bỉnh, bất trị thì sự thể đã muộn màng rồi, Mẹ Cha vô phương xoay trở trước những Tánh xấu của con mình.

Bậc Cha Mẹ biết tu tập, hằng ngày mỗi khi vào khóa lễ tu, đều luôn khuyến khích con mình cùng ngồi vào kế cạnh mình để tu. Những giải thích ngắn gọn, phù hợp với trí non nớt của đứa bé, sẽ dẫn dắt Tâm Linh của đứa bé biết hướng về Phật, hướng về các Đấng Từ Bi. Hình ảnh của Phật, của Bồ Tát sẽ gắn liền với những Tánh tốt mà đứa bé có được, như là: biết thương yêu cha mẹ, Ông Bà, anh chị em, thương yêu những thú vật nuôi trong nhà, thương yêu những người nghèo khó; biết cám ơn những người đã giúp đỡ, chăm sóc cho bé, biết nói lời cám ơn mỗi khi có ai cho bé một cái gì;biết chia sẻ những gì bé có cho những người không có;biết lắng nghe lời dạy dỗ;biết giúp đỡ mẹ cha cũng như tất cả những ai cần đến bé. Phải luôn nhẹ nhàng trong cách đối xử cũng như khi nói chuyện với ai. Tuyệt đối không tỏ ra giận hờn, tức giận, ganh tị với bất kỳ ai từ lớn tới nhỏ (đây nói về cái TỰ ÁI, phải dạy cho đứa bé không thụ đắc TỰ ÁI từ khi nó còn ấu trĩ, vì Tự Ái là nền tảng của Nghiệp Chướng, diệt được Tự Ái thì sẽ giảm bớt rất là nhiều Nghiệp Lực do mình tạo ra).

Nói tóm lại, không phải đợi đến khi đứa bé đi đến trường mới bắt tay vào việc dạy dỗ nó, việc huấn luyện một đứa bé có nhiều Tánh tốt bắt buộc phải thực hiện khi nó vừa biết đi và vừa bập bẹ nói. Mặc dù cái Tánh nằm trong bộ 3 Tâm - Ý - Tánh để tạo vòng Nghiệp Lực, cái Tánh còn dính líu đến thân xác rất nhiều. Thần Thức của đứa bé đã lợi dụng điểm này để điều khiển thân xác (tức là đứa bé) làm những hành động sái quấy, thiếu suy nghĩ, sai trái, gây tạo sự phiền muộn, đau đớn, tức tối cho những ai đã tạo nên Nghiệp Lực với Thần Thức trong quá khứ lẫn ở hiện kiếp.

Giúp cho đứa bé ngay từ khi còn thơ dại tập những Tánh tốt, những thói quen hay, đẹp, lợi lạc, là làm giảm đi cái tính chất hung hãn của Thần Thức của đứa bé. Mục đích chánh yếu của Thần Thức là TRẢ HẬN, là PHỤC THÙ, cho nên Thần Thức mượn thân xác của mình (là đứa bé) để làm việc đó đối với Mẹ Cha của đứa bé; điều này rất là hợp lý! Vì tình thương dành cho đứa bé (đôi khi cũng hơi mù quáng), khó có Mẹ Cha nào từ chối sự vòi vĩnh của con mình. Từ việc đòi hỏi nhỏ, ít quan trọng đến đòi hỏi lớn lao hơn, cho đến khi Mẹ Cha chợt tỉnh thì con mình đã phóng quá đà rồi, khó ghì cương ngựa lại được nữa.

Tập Khí là những Tánh xấu, những thói hư mà một Thần Thức thụ đắc từ ở những Kiếp trong Quá Khứ. Những Tập Khí này luôn luôn đồng hành với Thần Thức từ Kiếp này sang Kiếp khác. Ngày hôm nay, ở Hiện Kiếp, trong một thân xác mới, các Tập Khí có cơ hội và môi trường để “triển khai”.

Một đứa bé còn quá nhỏ, nhưng lại để lộ một hay vài Tánh Xấu nào đó, bậc Cha Mẹ có thường xuyên theo dõi, quan sát con mình, tức khắc sẽ nhận ra ngay đó là Tập Khí ! Trong trường hợp này cần một sự nhẹ nhàng, từ tốn, uốn nắn con mình để làm mất lần Tánh Xấu đó. Có khi phải mất rất nhiều thời gian mới triệt tiêu được những Tánh Xấu này vì nó đeo đẳng cái Thần Thức quá lâu, qua nhiều Kiếp mà không được sửa đổi, do đó phải rất là trì chí.

Giúp cho một đứa bé cải sửa được những Tánh Xấu ngay khi nó còn thơ dại là một Bổn Phận và Trách Nhiệm rất lớn lao của Đấng Sanh Thành, và cũng là niềm Tự Hào cho những ai tha thiết đến Thiên Chức của Người làm Cha hay làm Mẹ.

THAM cũng là một Tập Khí rất lớn, cần phải giúp cho đứa bé chỉnh sửa ngay khi còn thơ dại.Tập Khí này khó lòng tiêu diệt nó, nhưng vẫn có thể làm cho nó giảm đi cường độ. THAM thể hiện trong rất nhiều hành động, cử chỉ, những biểu lộ của cái Muốn của đứa bé. Giúp cho đứa bé ít Muốn, biết chia sẻ, biết tương trợ, biết giúp đỡ, biết thương yêu…. là những cách làm cho Tánh Tham không bộc phát, không bùng lên.

Cho nên, bậc Cha Mẹ biết tu tập, đối diện với ĐỨA CON CHỦ NỢ, phải biết uốn nắn, dạy dỗ từng chút một, không để sót, không bỏ qua bất cứ một điểm nào dù nhỏ li ti. Thật sự ra, với chút ít Trí Huệ phát sáng do ở sự tu tập chân chính và đúng nghĩa, bậc Cha Mẹ sẽ nhận ra rằng: sự sửa dạy nơi đây nhắm vào Thần Thức của đứa bé chớ không phải vào thân xác của đứa bé đâu! Chính Thần Thức mới chỉ huy những cái Thức trong thân xác đứa bé, mới chỉ huy cái Tâm - Ý - Tánh của đứa bé. Giúp cho đứa bé tu tập là gieo chủng tử Phật vào Thần Thức của đứa bé; dạy cho đứa bé những thói quen tốt, những Tánh tốt, là giúp cho Thần Thức chỉnh sửa Tâm - Ý - Tánh, làm cho Tánh bớt dữ dằn, bớt hung hăng, trở nên dịu dàng hơn, nhẹ nhàng hơn, dù là đến để đòi nợ!!

Bên cạnh đó là sự chân thành hồi hướng Công Đức tu tập của bậc Mẹ Cha, cũng như Phước Đức từ ở những việc hành Thiện lớn, nhỏ, đến cho Thần Thức của đứa bé. Nghiệp Chướng sẽ giảm bớt...giảm bớt...và sự cực nhọc của Mẹ Cha đối với đứa bé cũng bớt dần đi. Đương nhiên là Mẹ Cha vẫn phải chăm sóc, dưỡng nuôi kỹ càng, đầy đủ; vẫn phải đối phó với những trắc trở, những đòi hỏi cần thiết về y tế, về dinh dưỡng, về sự tập luyện (nếu đứa bé bị tật nguyền). Dù sao thì đứa bé vẫn là đứa con của mình, Mẹ Cha vẫn có tình thương tràn đầy với đứa con ruột thịt của mình, vẫn hân hoan mà lo cho nó, cho dù nó là CHỦ NỢ ĐẾN ĐÒI!

Điểm chánh yếu cần phải hiểu rõ là: nếu Mẹ Cha đã hết lòng, hết tâm sức để lo lắng, chăm sóc, dưỡng nuôi, mà đứa bé lại tỏ ra bất trị với quá nhiều Tánh xấu trong khi còn thơ dại, khiến Mẹ Cha phải điên đầu, nhức óc để đối phó, để chịu đựng, thì quả thật là một cực hình cho bậc làm cha mẹ!!

Giúp đỡ cho một đứa trẻ biết tu tập, biết sửa đổi tánh tình của mình từ khi còn thơ ấu là một sự đầu tư rất lớn lao và khôn ngoan của bậc làm cha mẹ. Khi nhỏ thì dễ dạy, dễ bảo; khi lớn lên thì dễ thu phục cảm tình của mọi người chung quanh, dễ thành công trên đường Đời vì sở hữu quá nhiều Tánh tốt. Rồi một mai, khi bỏ báu thân, bước qua một thân xác mới, với tất cả những gì tốt đẹp thu nhặt được từ ở kiếp mới vừa qua, Thần Thức lại tiếp tục trang điểm cho thân xác mới của mình được đẹp đẽ hơn, rực rỡ hơn với một cuộc đời Tốt Đẹp - Hạnh Phúc và Như Ý.

Cho ra đời một đứa bé bụ bẫm, khỏe mạnh, ít khóc, ít gây lụy phiền cho Mẹ Cha, nhất là dễ nuôi, ít bệnh hoạn, ít tốn kém, không đòi hỏi phải ẵm bồng, ru ngủ suốt ngày lẫn đêm, điều này chắc chắn rằng ai cũng thích cả, sẽ hiếm có bà mẹ nào từ chối cái thiên chức làm Mẹ với một đứa con “ngoan” như thế này! Đứa bé lại tỏ ra dễ dạy, càng lớn dần càng nhận nhiều bổn phận và trách nhiệm trong gia đình.

Không phải đứa trẻ nào cũng được sanh ra trong một gia đình đủ ăn đủ mặc, được sự bảo bọc, lo lắng của gia đình. Trên thế giới đã có hàng hàng lớp lớp trẻ em thiếu ăn, thiếu mặc, thất học, phải “lao” vào Đời quá sớm để tìm kế mưu sinh, hay thậm chí nương nhờ vào lòng hảo tâm của kẻ qua đường để có được chút ít tiền nuôi sống Cha đau hay Mẹ yếu ở nhà. Đứa bé trưởng thành với quá nhiều nỗi nhọc nhằn trên vai, phải cáng đáng biết bao nhiêu gánh nặng trong gia đình.

Đôi khi cuộc sống gia đình cũng không đến nổi phải túng thiếu, bần hàn, nếu không muốn nói là khá giả, nhưng, đứa bé vẫn phải kham trọn những việc làm lớn nhỏ trong nhà, chỉ vì nó không được sự thương yêu của Mẹ Cha. Càng trưởng thành, nó càng nhận chịu nhiều sự đối xử bất công của Mẹ Cha trong vấn đề con thương, con ghét, gây nên những thảm cảnh đau lòng, tạo nên sự bất hòa, hiềm khích giữa anh chị em trong nhà.

Cha Mẹ biết tu tập, nhìn thấy sự xốc vác của đứa con, sự cáng đáng một cách tự nguyện của con mình trong gia đình, và nhất là mỗi khi gia đình gặp chuyện không lành hay Mẹ Cha đau ốm bất thường, sự ưu tư, sự lo lắng, bồn chồn của đứa con dâng lên cao tột, Cha Mẹ tức khắc hiểu rằng: con tôi sinh ra đời cốt để trả nợ cho Mẹ Cha!

Trong thuở Quá Khứ, Thần Thức của đứa con đã gây tạo Nghiệp Dữ với Thần Thức của Mẹ Cha ngày nay. Thác sanh vào làm con của Mẹ Cha chỉ để đền trả lại những gì mà Thần Thức đã cướp đoạt khi xưa. Trăm cay nghìn đắng ở hiện đời, thậm chí xả thân để lo cho Cha Mẹ, cũng chỉ là để bù trừ vào cái món nợ năm nào. Trả sao cho đủ, trả sao cho không còn thiếu lại để ung dung phủi tay mà bước đi.

Mẹ Cha biết tu tập phải tìm cách hóa giải cái Nghiệp Lực giữa mình và Thần Thức của đứa con; không nên triển khai cái vai trò CHỦ NỢ của mình. Hằng ngày tu tập, hãy nên khấn nguyện như sau:

“Nếu tôi là Chủ Nợ của con tôi, tôi xin thành tâm hủy bỏ cái món nợ tiền khiên đó, xin đem Công Đức này tạo thành Phước Đức, hồi hướng lại cho con tôi để nó nương nhờ vào đó mà hiểu Đạo và trau giồi Tâm Tánh của nó để càng ngày càng thăng tiến, và sống sao cho đúng với Đạo nghĩa, với tư cách của một con NGƯỜI.”

Lời khấn nguyện đó của Mẹ Cha sẽ làm giảm bớt đi cái áp lực trĩu nặng giữa Mẹ Cha và đứa con của mình, tức là trong bất kỳ hoàn cảnh nào, hay trong một cảnh huống nào đó, nếu thấy con mình quá ưu tư, quá lo lắng hoặc xả thân vì mình, bậc Cha Mẹ hãy nên tìm cách trấn an con và tạo cho nó một sự thư thả, thoải mái, bớt căng thẳng.

Mẹ Cha hãy luôn luôn tâm niệm rằng: “tôi xóa bỏ hết tất cả những gì thuộc về lỗi lầm xưa mà Thần Thức của con tôi đã phạm phải đối với tôi, ở kiếp quá khứ”. Được như vậy, Phước Báu của Mẹ Cha sẽ gia tăng vì món nợ đã trở thành Phước Huệ, và đồng thời đứa con cũng chia sẻ được cái Phước Báu đó do Cha Mẹ hồi hướng cho.

Nhờ có Cha Mẹ tu tập mà đứa con cũng được hướng dẫn để biết hằng ngày đem tâm thành Sám Hối Ăn Năn những lỗi lầm lớn nhỏ của mình, từ quá khứ đến hiện tại, trong đó bao gồm luôn sự Sám Hối của đứa con đối với Thần Thức của Mẹ Cha mình. Công Đức do việc tu tập cộng thêm Phước Đức từ ở việc xóa nợ do Mẹ Cha hồi hướng, đứa con đem hồi hướng lại cho Pháp Giới Chúng Sanh, và dần dần chuyển hóa phần Tâm - Ý - Tánh của mình.

Dưới sự hướng dẫn của mẹ cha, đứa con sẽ giùi mài, sửa đổi Tánh tình của mình mỗi ngày cho thêm hoàn thiện. Khi đứa con trưởng thành, chững chạc, nó sẽ không khác một thân cây vững chắc, vừa mạnh về phần vật chất mà tinh thần cũng tràn đầy sự tự tin. Điều đó đã nói lên rằng: cái Thần Thức ở bên trong thân xác của đứa con đã được cải hóa để trở nên một “Thần Thức Tốt”. Nó sẽ ảnh hưởng lớn lao đến cuộc đời của đứa con.

Khi còn hiện thế, qua những Đức Tánh mà đứa con đã thụ đắc nhờ ở việc tu tập như: Từ Bi Hỷ Xả - biết Chia Sẻ - biết Tương Trợ - biết Thương Yêu - biết Trì Chí - biết Nhẫn Nại...đến lúc bỏ báu thân, khoát lên một thân xác mới, chính cái Thần Thức đó sẽ làm cho thân xác mới của mình trở nên cao thượng, thảnh thơi, không nhiều vướng mắc. Rồi duyên may đưa đẩy, gặp được Thiện Tri Thức hướng dẫn cho tu tập, Thần Thức đó sẽ có cơ hội vĩnh viễn lìa xa cõi Ta Bà một khi đã Thăng Hoa tìm về nơi cõi Tịnh miền Cực Lạc.

Nghiệp Lực mặt đối mặt giữa Cha Mẹ và con cái là một Nghiệp Lực lớn. Từ Nghiệp Lực đó mới triển khai nhiều Nghiệp Lực lớn nhỏ khác quấn chặt lấy Thần Thức. Hằng ngày có biết bao nhiêu đứa trẻ ra đời, có nghĩa là sẽ có bấy nhiêu Thần Thức danh chánh ngôn thuận trở lại cõi Đời. Danh chánh ngôn thuận là sao? Tức là những Thần Thức đó trở lại Dương Trần với một thân xác Người, chớ không phải qua sự dựa nhập.

Chúng Sanh đã thấu hiểu Luật Nhân Quả, đã gieo Nhân từ kiếp quá khứ thì Quả gặt hái sẽ ở kiếp hiện tại. Luật của Vũ Trụ cho phép mọi Chúng Sanh hành xử cái quyền đòi lại sự Công Bằng; tuy nhiên, phải qua thân xác Người chớ không phải qua sự dựa nhập. Khi dựa nhập một người, Vong Linh vẫn biết rằng: mình đã làm sai và sẽ phải nhận chịu hình phạt của cõi Âm!! Tuy nhiên, vì quá Sân Hận cho nên không siêu thoát được; do vì không siêu thoát nên không thể trở lại kiếp Người để “đường đường chính chính” trả hận, do đó bắt buộc phải làm việc sai trái là dựa nhập, cốt để phá nát cái Tâm Thức, cái Ý Thức của kẻ mà mình muốn trả hận. Chính vì vậy mới có việc Siêu Độ 49 ngày cho Vong Linh vừa mới lìa Đời.

Từng bước, từng bước một, người chủ lễ giải thích, phân tích cái độc hại của Sân Hận, giúp cho Vong Linh Sám Hối và buông bỏ xuống những vướng mắc có thể làm cho Vong Linh không siêu thoát được, mà việc không siêu thoát sẽ không kéo dài một ngày, một tháng hay một năm, mà sẽ trầm trệ có khi đến cả Trăm năm hay Ngàn năm mà vẫn không có lối thoát!

Trở lại cái Nghiệp Lực mặt đối mặt giữa Cha Mẹ và con cái, vấn đề chánh yếu, như Thầy đã nói ở trên, đó là việc giải quyết món nợ từ trong quá khứ giữa Thần Thức của Cha Mẹ và Thần Thức của đứa con. Đứa con là CHỦ NỢ hay đứa con là CON NỢ, đối với Bậc Cha Mẹ biết tu tập, điều đó không quan trọng!! Có thể nói rằng, với tư cách của Người Tu Tập, bậc Cha Mẹ sẽ hành xử cái vai trò của Người Chủ Lễ, chỉ khác một điều là không phải trong 49 ngày mà đến suốt cuộc đời, cho đến ngày Mẹ Cha nhắm mắt xuôi tay.

Người Chủ Lễ siêu độ cho Vong Linh biết buông xả Sân Hận, buông xả những vướng mắc mà Siêu Thoát. Còn Mẹ Cha biết tu tập sẽ giúp cho Thần Thức của con mình gầy dựng một Tương Lai tốt đẹp, rực rỡ ở kiếp kế tiếp, và biết đâu rằng Thần Thức đó gặp được Đại Duyên ở ngay hiện kiếp để có thể bứt vòng Sanh Tử mà thoát kiếp Luân Hồi.

Lời Pháp hôm nay như một lời nhắn nhủ với Chúng Sanh, nếu tha thiết yêu thương con mình thì hãy nên hết lòng dạy dỗ từ khi đứa con còn thơ dại, đừng chờ đợi đến tuổi lớn khôn, khi đó sẽ không còn kịp nữa đâu. Tình thương yêu đặt vào con mình là một tình thương đúng nghĩa chớ không mù quáng. Càng thương nhiều, càng dạy dỗ nhiều, càng trao về cho con tất cả những tinh hoa của mình, tuyệt đối không yếu mềm, không nhục chí và không động lòng trước sự vòi vĩnh cũng như trước những giọt nước mắt của con mình. Phải biết từ chối những cái Muốn vô căn cứ và không cần thiết.

Một điều tối quan trọng phải luôn luôn ghi nhớ là: trong thân xác của đứa con còn có sự hiện diện của Thần Thức của nó và Thần Thức đó hoặc là Chủ Nợ, hoặc là Con Nợ của Mẹ Cha. Một sự dạy dỗ, giùi mài, giúp sửa đổi Tâm - Ý - Tánh của con mình, chính là sự hoán chuyển giúp cho Thần Thức của con được Thăng Hoa ở kiếp Vị Lai.


+ 51
View Desktop
Version
\