Lạc Pháp

Những Mối Tương Quan Giữa Con Người và Biến Động

Oct 28 2020
1713212770 1713212770

Kính bạch Sư Phụ,

Có người so sánh những biến động đang xảy ra, đang hoành hành trên cõi Ta Bà hiện nay không khác gì sự phẫn nộ của “Mẹ Thiên Nhiên”. Con thấy sự so sánh này khá thú vị và cũng có phần hợp lý.

Kính xin Sư Phụ từ bi giải thích thêm cho con được hiểu rõ hơn về nhận định này.
 

Biến động là sự thay đổi rất bình thường của Địa Lý, của Thiên Nhiên. Tuy nhiên, có rất nhiều sự góp phần của “ngoại cảnh” khiến cho biến động bỗng trở nên ồ ạt hơn, dữ dội hơn, hung hãn hơn, thậm chí nguy hiểm hơn.

Điểm trước tiên Thầy muốn đề cập tới, chính là lòng tham!

Lòng tham lam khiến con người không từ chối làm bất cứ điều gì miễn là mang về cho mình một mối lợi; lợi càng nhiều, càng lớn, càng có giá trị, con người sẽ càng khó lòng từ chối để làm. Một lần tay nhúng chàm, hai lần tay nhúng chàm, đến lần thứ ba, vết chàm trên tay đã trở nên quá đậm, khó mà rửa cho ra, thôi thì cứ cam tâm làm nô lệ cho cái lòng tham của chính mình vậy!

Người ta thường nói “ăn quen nhịn không quen”! Một lần tham, hai lần tham, ba lần tham….rồi thì trở thành thói tật, sẽ không từ chối bất cứ mối lợi nào, nhỏ hay lớn gì cũng đều là lợi lộc cả. Cái túi tham mỗi ngày một nặng thêm….nặng thêm, có điều rằng, túi tham càng nặng, lòng sân hận càng dâng cao. Sân hận dâng trào chỉ vì lòng tham không được đáp ứng đúng theo sự đòi hỏi, khi ước muốn dâng cao mà không được thỏa đáng, thì lửa sân, lửa hận sẽ làm cho tối tăm mặt mũi, không còn đủ sáng suốt để định phân phải trái, đúng sai, cho nên, càng tham thì càng sân, mà càng sân thì càng tiến lần vào vực thẳm của hố si. Một khi đã si rồi thì như ngây như dại, ai nói gì cũng không nghe, ai khuyên bảo gì cũng không làm, không cần định phân phải trái.

Cứ mỗi cá nhân tham lam lại tự đào cho mình một cái hố tham-sân-si, và sức nặng của lòng tham khiến cho cá nhân đó càng lúc càng tụt sâu xuống cái hố. Nếu càng ngày càng có nhiều cá nhân tham lam thì sẽ xuất hiện nhiều cái hố tham-sân-si. Tới một lúc nào đó, khi đã có quá nhiều cái hố tham-sân-si thì những cái hố này lại tự động thông thương với nhau, không còn một khoảng cách giới hạn nào cả, hố sẽ càng ngày càng rộng và càng sâu thẳm. Nó chứa đầy ắp người trong đó và bắt đầu ồn ào náo nhiệt vì mọi người nhận ra được rằng, mình đang bị vây khổn trong cái hố sâu này, và rất là hoang mang và băn khoăn vì không biết làm cách nào để thoát khỏi cái hố này đây?

Mọi người trong hố sâu giờ đây bỗng cảm thấy hối tiếc vô cùng những tháng ngày thảnh thơi, tự tại trước kia. Họ đâm ra nuối tiếc những khoảnh khắc thời gian của chính riêng mình, họ mong muốn được làm bất cứ điều gì, muốn đi đứng, muốn vui chơi, muốn ngủ nghỉ, muốn suy tư, muốn thỏa mãn những giây phút thực sự tự do từ thể xác cho đến tâm hồn mà không bị lụy phiền, không bị buộc ràng. Những điều đó hoàn toàn thuộc về cá nhân mình, nhưng hôm nay, chúng đã bị phá hủy dưới sức nặng của cái túi tham-sân-si, và tất cả chủ nhân của những cái túi tham-sân-si này đã chịu chung số phận bị giam cầm nơi hố sâu.

Điều kế tiếp Thầy muốn đề cập đến chính là sự thiếu đoàn kết, thiếu hợp quần.

Người ta thường nói: “Hợp Quần gây sức mạnh”, thử hỏi, trong cái hố sâu thẳm với nhiều người trong đó, nếu ai cũng khư khư ôm giữ tư tưởng cá nhân riêng rẽ của mình với một lòng ích kỷ hẹp hòi, liệu việc thoát ra khỏi cái hố có thực hiện được hay chăng?

Cái hố đó được tạo nên từ tánh Tham-Sân-Si của những con người quá tham lam; càng tham, càng sân, con người lại càng chia rẽ nhau hơn, do đó khó lòng nói đến việc sống hợp quần. Có yêu thương nhau, người ta mới có thể sống hợp quần; khi người ta ghét nhau, nạnh hẹ nhau, ganh tị nhau, có ác cảm với nhau, thấy mặt là muốn gây gổ rồi, thì làm sao có sự hợp quần? Do đó mà, càng sân chừng nào, càng chia rẽ nhau chừng nấy.

Đây là dịp để cho các người tham lam cùng gặp gỡ nhau, là dịp để cho tất cả mọi người trong cái hố sâu thẳm đó định lại cái tinh thần đoàn kết, cái ý niệm sống hợp quần giữa cảnh dầu sôi lửa bỏng, khi đã cùng bị giam hãm nơi hố sâu thì làm cách nào để thoát hiểm đây? Nếu không sống hợp quần thì làm sao tạo nên sức mạnh? Nếu thiếu đoàn kết thì làm sao sống sót để thoát khỏi hố sâu?

Hợp quần và đoàn kết mới có thể tìm ra giải pháp thoát hiểm, tìm ra phương tiện để giải cứu số đông người đang tuyệt vọng dưới hố sâu. Nếu khư khư giữ lấy tư tưởng ích kỷ hẹp hòi, chỉ biết nghĩ cho riêng bản thân mình, thì có lẽ mình sẽ phải chết rục dưới hố sâu. Thiếu sự tương trợ, thiếu sự hợp lực, sống chia rẽ thì chắc chắn là sẽ phải “chết chùm” với nhau mà thôi!!

Cái ngoại cảnh đáng sợ nhất hỗ trợ cho sự hung hãn của biến động phải kể đến những việc làm vừa tham lam, vừa vô trách nhiệm, vừa thiếu ý thức của chúng sanh.

Chúng sanh chặt phá rừng vô ý thức, khiến cho việc ngăn chận lũ lụt trở nên kém hiệu quả.

Chúng sanh moi xúc cát làm thu ngắn đi bờ sông, bờ biển, gây nên sự sạt lở, và khó lòng ngăn chận những đợt sóng cao và mạnh đổ úp vào bờ.

Chúng sanh phá núi không phải vì tiện ích công cộng mà do tư lợi, mang một ý niệm rằng, đó là nguồn khai thác bất tận. Núi non, sông ngòi, biển cả có một mối tương quan chặt chẽ trong việc điều hòa khí hậu của một vùng, ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ đến việc canh tác, trồng trọt của những cư dân trong vùng. Không thể nào san bằng một ngọn núi chỉ vì tư lợi của mình, dù rằng mình là chủ nhân ông của ngọn núi đó.

Chúng sanh ngăn chận dòng sông để làm đập thủy điện hay một công trình gì đó, bất cần sự thiếu nước trầm trọng ở những môi trường xung quanh mình, bên cạnh đó, chúng sanh đã vô tình phá hủy dòng nước chảy từ thượng nguồn khiến cho lưu lượng của dòng sông có thể lên xuống một cách bất thường, ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống của cư dân sống dọc theo bờ sông.

Trong quá trình tìm dò những mỏ dầu hỏa hay một chất quý hiếm nào đó, chúng sanh đã không ngại ngùng khoan đi khoan lại nhiều lỗ dưới lòng biển, vô tình tạo nên những đường nứt hoặc những va chạm nào đó cho lớp đất dưới lòng biển. Một trận động đất dù rằng xảy ra giữa lòng biển khơi, không gây thiệt hại cho loài người, nhưng vẫn tiêu diệt các loài thủy tộc, đồng thời tạo nên những xáo trộn về những biến đổi địa lý trong một vùng rộng lớn.

Tai hại hơn cả là những cuộc thử nghiệm vũ khí nguyên tử dưới lòng đất, tạo nên một sức ép lớn khiến cho vỏ quả địa cầu phát sinh những đường nứt có thể đưa đến những trận động đất, hoặc là dần dà sẽ tạo dịp cho nơi thoát ra của nham thạch trong lòng quả địa cầu.

Chúng sanh mặc tình xả rác rưởi, thải những chất độc hại thoát ra từ nhà máy, làm cho ô nhiễm sông ngòi, biển cả, khiến cho biết bao nhiêu loài thủy tộc bị tiêu diệt, bao nhiêu cây cỏ trong lòng sông, lòng biển cũng phải bị tận diệt, những loài vô tình này cũng đã đóng góp rất nhiều trong việc sinh tồn của những động vật sống ở sông, ở biển.

Dân cư sinh sống dọc theo sông biển, hằng ngày lấy việc chài lưới làm kế sinh nhai, nay nước sông, nước biển bị nhiễm độc, phải xót xa nhìn hàng loạt cá tôm chết tấp vào bờ, trong khi mọi người thì lại thiếu lương thực! Đến một lúc nào đó, sông ngòi biển cả cạn dần đi tôm cá, chúng sanh sẽ phải đối diện với nạn đói, cảnh huống này biết đổ cho ai đây?

Còn nhiều...nhiều nữa những sai lầm do lòng tham không đáy, do sự thiếu ý thức cũng như do những việc làm vô trách nhiệm của chúng sanh đối với “quả đất thân yêu này”.

Trên thực tế, thử hỏi: khi các con đối xử nhẫn tâm, không tốt đẹp với MẸ, các con làm đau lòng Mẹ, các con sẽ nhận được những gì từ Mẹ? Chắc chắn là sự trừng phạt!

Cũng phải đặt một câu hỏi rằng, nếu các con biết hối lỗi ăn năn, một lời chân thành sám hối của các con có lấy lại được nụ cười trên đôi môi của Mẹ hay không? Chắc chắn là có!

Một điều đáng ghi nhận là, khi có biến động, chúng sanh chẳng những không xích lại gần nhau mà lại càng hờ hững với nhau hơn. Biến động liên tục xảy ra là dấu hiệu cho biết rằng, sợi dây liên kết giữa mọi người với nhau đã bị lỏng lẻo, không còn siết chặt nữa, do đó mà cần phải soát lại cái sợi dây đó để cột chặt mọi người lại với nhau hơn.

Thử đặt câu hỏi, trên một chiếc tàu hay một chiếc xuồng, nếu tất cả những người ở trên chiếc tàu đó không cột chặt với nhau bằng những sợi dây thì khi giông bão tới, bất cứ ai cũng có thể rớt được xuống biển cả. Còn nếu tất cả đều cột chặt lại với nhau thì mọi người sẽ nương nhau, và sẽ không có ai có thể rớt được xuống biển.

Do đó, càng có nhiều tai ương, càng có nhiều biến động, con người cần phải liên kết với nhau nhiều hơn nữa, xích lại gần nhau nhiều hơn nữa để chia sẻ với nhau những cái gì mình có, nói cho nhau nghe những trải nghiệm của mình về những điều đau đớn, những mất mát, những khổ đau, hoặc là những cách thức đã giúp cho mình thoát được nạn tai, nguy khốn. Tất cả đều được chia sẻ để mọi người cùng hiểu mà đề phòng hay là chỉnh sửa.

Người ta sống có tính cách cá nhân nhiều quá, chỉ biết có bản thân mình mà không nghĩ đến người khác, và nhất là đã thiếu tư duy rất nhiều.

Phải nhớ rằng, trong cuộc sống của mình, mỗi khi mình vấp ngã, mình phải biết khựng lại và phải biết tư duy: vì sao tôi vấp ngã? Đó là một sự tình cờ hay đó là kết quả của một nhân hạt nào đó mà tôi đã gieo trồng?

Tôi cần phải tư duy để nhận thức được một cách chính chắn mối tương quan giữa Nhân Hạt và Quả Trái. Có tư duy, có suy nghĩ, có phân tích, mới nhìn thấy được cái lỗi lầm của mình, cái sai trái của mình, cái sơ sót của mình, cái không đúng của mình để mà chỉnh sửa; chính cái chỉnh sửa đó mới giúp cho mình tốt đẹp hơn lên khi hành xử bất kỳ điều gì đối với người hay đối với cả chính bản thân mình.

Cơ thể con người gồm có 02 phần hẳn hòi : Thể Xác và Linh Hồn. Mỗi phần đều có những mối tương quan riêng biệt.

Nói về thể xác là phải đề cập đến cái cấu trúc của thân xác, gồm có ngũ quan là thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác; cái sườn của thân xác bao gồm những xương dài lẫn xương ngắn, tủy sống, các dây gân, bắp thịt, dây thần kinh, máu huyết, tất cả được sắp xếp thật là chặt chẽ, khít khao, không kẽ hở, có 8 lớp da bao phủ bên ngoài cái sườn của thân xác để che chở những cơ quan ở bên trong gồm có: thực quản, khí quản, tuyến giáp trạng, tuyến nước miếng, bao tử, ruột non, ruột già, lá lách, tụy tạng, túi mật, gan, thận, tuyến tiền liệt, tử cung, buồng trứng, ngọc hành, dương vật, tim, phổi để giúp cho thân xác vận hành. Ngoài ra còn có phần não bộ với trung khu thần kinh điều khiển sự vận hành của thân xác, từ sự cử động cho đến sự suy nghĩ, sự tiếp nhận những kiến thức từ bên ngoài.

Trong sự vận hành của thân xác, luôn luôn có một mối tương quan rất là chặt chẽ giữa các cơ quan với nhau.

Da bỗng dưng nổi nhiều mụt đỏ, gây nên ngứa ngáy, tức khắc phải liên tưởng đến lá gan, có thể đang bị dị ứng với thức ăn hay một vật lạ nào đó, như thuốc men chẳng hạn.

Nếu thấy đi đại tiện có kèm theo máu, phải lập tức kiểm soát lại ruột và bao tử của mình, xem coi có vấn đề gì hay không?

Ho quá nhiều đi kèm với hơi thở trở nên nặng nề, khò khè, đó chính là đang lên cơn suyễn, phải dùng thuốc để hỗ trợ cho phổi ngay.

Tất cả những mối tương quan trong sự vận hành của thân xác đều rất dễ dàng nhận biết qua các giác quan và qua trí tuệ.

Nói về phần Linh Hồn, cũng có những phần tử cấu tạo nên Linh Hồn. Tuy nhiên, những phần tử này không thể nhận biết được qua sự nhìn thấy hay nghe thấy hoặc là sờ mó.

Linh Hồn được cấu tạo bởi 08 cái Thức, bao gồm: Ngũ thức (tức là thức của 5 giác quan) - Ý thức - Mạc Na thức - A lại da thức. Điều khiển 08 cái Thức này chính là Tâm Thức. (Nên xem lại bài Tâm Thức để thấu rõ hơn về vai trò của Tâm Thức trong Linh Hồn).

Tất cả các thức của phần linh hồn đều có một mối tương quan rất là chặt chẽ với nhau. Một linh hồn thăng hoa hay trầm trệ hoặc chìm đắm, đều tùy thuộc vào sự vận hành của các thức, đặc biệt là Tâm Thức. Những cái nhìn, cái nghe, cái thấy, cái biết, nếu không kẹp chung với cái thức sẽ trở thành vô nghĩa.

Cái nhìn thuần túy của đôi mắt về một cành hoa, sẽ không cho chủ nhân của đôi mắt đó biết được một cách đích xác đó là cành hoa gì? Màu sắc ra làm sao? Từ đài hoa cho đến cánh hoa, độ mịn màng như thế nào? Mùi hương của hoa nhẹ nhàng hay gay gắt? Cành hoa trơn tru thon thả hay có nhiều gai góc, sần sùi? Tất cả những chi tiết đó phải nhờ đến sự giúp đỡ của các Thức mới có thể tận tường được.

Các thức trong một linh hồn vẫn có mối tương quan mật thiết với thân xác, giúp cho thân xác đạt được sự uyển chuyển, sự nhạy bén, sự am tường, đạt được khả năng thu thập kiến thức từ bên ngoài để tăng cường, phát triển phần trí tuệ của thân xác.

Không có sự tiếp tay của các thức, thân xác khó mà vượt lên cao, nếu không muốn nói là ù lì, không thể tiến lên được. Có điều rằng, những gì thuộc về các thức, những gì có liên quan đến linh hồn, đều không thể sờ mó được, mà tất cả đều chỉ là một sự “Cảm Nhận” mà thôi.

Chính vì không sờ mó được, nên con người không tin tưởng, không đặt trọn niềm tin của mình vào linh hồn, không tha thiết đến việc tôi luyện linh hồn, thích làm theo bản năng của mình, mà làm theo bản năng chính là làm theo cái Tánh, thông thường là những tánh xấu!

Một thân xác được tôi luyện, được dạy dỗ, được huấn luyện, được giáo dục từ khi còn thơ dại cho đến lúc trưởng thành, trở nên một con người thành đạt, có học vấn uyên bác, có quyền cao chức trọng, được mọi người nể vì; những hành động chí đến những lời nói của người đó trước đám đông khiến cho họ tỏa sáng rực rỡ, cũng như tạo một niềm tin tưởng, một lòng thương mến của quần chúng đối với họ.

Nói về một linh hồn được uốn nắn, chỉnh sửa những tánh xấu, những thói hư, tập luyện những tánh tốt, sống hòa nhã, nhân ái, biết chia sẻ, biết tương trợ, biết đùm bọc, luôn khởi Tâm Lành, làm nhiều điều Thiện, có tư tưởng thanh cao, không mờ ám, các Thức vận hành trong cơ thể sẽ trở nên trong sáng, kết hợp chặt chẽ thành một màn chắn rực sáng, sẵn sàng đẩy lùi tất cả những tai ương, hiểm họa từ bên ngoài ồ ạt tấn công vào thân xác.

Nếu ngược lại là sự bỏ mặc, không tha thiết đến việc uốn nắn, chỉnh sửa, dạy dỗ, huấn luyện một linh hồn, nói nôm na là tiếp tay với tánh xấu để làm những hành động hoặc gây thương tổn cho kẻ khác, hoặc bất lợi cho một ai đó, thậm chí đến việc sát hại, gây tạo nên vô số nghiệp chướng với người chung quanh mình, khi đó, các Thức vận hành trong cơ thể sẽ liên tục lu mờ do từ ở những ý tưởng xấu xa, đen tối, nhiều mưu mô thâm độc hại người của thân xác, cũng như từ ở tâm địa vô cùng độc ác và quái dị. Từ lu mờ tiến dần đến tối đen, cuối cùng thì thân xác sẽ mang trong người một màn chắn đen ngòm, chẳng những không ngăn chận được tai ương hiểm họa tràn tới, mà còn tiếp tay mời gọi tai ương đến càng nhanh càng tốt.

Tâm xấu xa, Ý xấu xa, Tánh xấu xa, cả 3 đồng hợp sức nhau đón mời Biến Động thì bảo sao biến động đừng xuất hiện?

Người đời sống quá hờ hững và nhất là gần như thiếu tư duy, không hề phân tích chính bản thân mình để hiểu rằng, Thân Xác của mình sẽ bị phân hủy trong lòng đất sau cái CHẾT, nhưng Linh Hồn thì bất diệt. Sau khi rời khỏi thân xác, Nó có thể lên Trời, có thể về Cõi Phật, có thể tồn tại ở một cõi Vĩnh Hằng nào đó, nó cũng có thể trở thành lang thang đói lạnh nơi cõi Âm, hoặc hứng chịu những hình phạt nơi Địa Ngục, hay chui rúc trong một thân xác Thú, cũng có thể ôm sân hận triền miên trong kiếp Ngạ Quỷ đói khát.

Được trở lại làm Người, mặc dù vẫn là chịu nhiều cảnh trầm luân, chịu sự chi phối của nghiệp lực, nhưng vẫn còn hơn là bị đọa chốn Tam Đồ không biết đến bao giờ mới thoát?

Cõi Ta Bà vẫn là nơi để cho mình tranh đấu và nhiều học hỏi. Đó là một môi trường rất...rất TỐT giúp cho mình hun đúc ý chí, tôi luyện bản thân mình, giùi mài, trau chuốt từ Thể Xác đến Linh Hồn.

Thể Xác và Linh Hồn vẫn luôn có những mối tương quan vô cùng chặt chẽ. Nhờ có linh hồn mà thân xác sẽ linh động hơn, nhạy bén hơn, hiểu biết sâu rộng hơn, thăng tiến hơn. Thân xác sẽ giúp cho Linh Hồn thăng hoa bằng cách tu tập để chỉnh sửa Tâm - Ý - Tánh, nhờ đó mà toàn thể các Thức trong linh hồn sẽ rực sáng lên để trở thành màn chắn, ngăn chận những gì hung hiểm tấn công vào thân xác.

Nếu bảo rằng, những biến động hiện nay đang xảy ra trên toàn cõi Ta Bà hoàn toàn là do sự nổi giận của Mẹ Thiên Nhiên, câu nói này không đúng!

Những đổi thay của thiên nhiên, những biến động về địa lý đều là việc rất bình thường trong vũ trụ. Tuy nhiên, điều đáng nói là, chính Tâm Chúng Sanh mới thật sự là kẻ mời gọi biến động, thúc giục biến động đến nhanh hơn.

Qua sự trình bày ở trên về tính chất của Linh Hồn, một cái Tâm Chúng Sanh quá sân hận, quá tị hiềm, nhiều ganh ghét, sống ích kỷ hẹp hòi, đầy tham lam, đầy mưu mô, gian trá, nếu cái Tâm đó được đặt vào trong một môi trường có nhiều rừng rậm thì sẽ không tránh khỏi cái cảnh cháy rừng triền miên.

Ở một nơi giao tiếp với sông ngòi, ao hồ, biển cả, cái Tâm chúng sanh đen tối đó sẽ có cơ hội hứng chịu nhiều cảnh lụt lội, bão táp phong ba.

Trong một vùng núi cao tuyết giá, Tâm chúng sanh nơi đó không hiền, đương nhiên sẽ luôn mời gọi những trận bão tuyết kinh hoàng ồ ạt đổ xuống.

Ở một nơi mà Tâm chúng sanh lúc nào cũng đằng đằng sát khí, dao mác, súng đạn luôn sẵn sàng trên tay, như thế thì bảo sao chiến tranh không xảy ra?

Nói tóm lại, với cái Tâm Chúng Sanh quá ư là dữ dằn, kỳ quái, nếu được đặt vào một môi trường nào, thì tùy theo tính chất của môi trường đó mà biến động sẽ có thể dễ dàng bùng lên.

Cho nên, không thể nào nói rằng, những biến động xảy đến là do sự nổi giận của Mẹ Thiên Nhiên.

Chúng sanh cần phải thẩm định một cách chân thành bản chất của chính cá nhân mình. Ngày nay, dân số trên thế giới càng lúc càng gia tăng, con người sống chen chúc nhau trong nhiều môi trường khác nhau. Mỗi cá nhân là một cái NÚI TÁNH di động. Càng có nhiều người sống trong một vùng, càng có nhiều cái núi tánh khác nhau. Nếu đa số những núi tánh đó đều là núi tánh xấu, thì cứ cầm chắc rằng cái vùng đó sẽ dễ dàng tiếp nhận nhiều biến động xảy ra.

Tại sao phải thẩm định bản chất của cá nhân mình? Vì có thẩm định mới biết được cái thực chất của cái núi tánh của mình, đó là tánh tốt hay tánh xấu? Và khi mình tranh đấu, chính là mình tranh đấu với những tánh xấu của mình, chính là khi mình can đảm chém chặt, moi móc tất cả những thói hư tật xấu của mình.

Càng sống chen chúc nhau thì ý niệm Hợp Quần, tinh thần Đoàn Kết, tình Tương Trợ càng bắt buộc phải lên cao. Đó chính là sợi dây vô cùng cứng chắc buộc ràng tất cả mọi người cùng chung sống với nhau trong một môi trường. Đó cũng chính là những bước khởi đầu để giúp cho Tâm của mỗi người sáng lần lên, để cuối cùng, Tâm của tất cả chúng sanh nơi vùng đất đó sẽ rực sáng lên, sẵn sàng đẩy lùi hay làm nhẹ bớt đi sức công phá của thiên tai biến động.

 


+ 62
View Desktop
Version
\