Lạc Pháp

Đại Thừa và Tiểu Thừa

May 26 2021
Kính Mừng Phật Đản Kính Mừng Phật Đản

Lạy Đức Phật Thích Ca
Đấng Toàn Năng Toàn Bích
Hôm nay ngày Phật Đản
Chúng con kính mừng Ngài
Phật ra đời cứu độ
Chúng Sanh cõi Ta Bà
Dắt dìu khỏi Biển Khổ
Xa lìa khỏi Bến Mê
Chúng con luôn tạc dạ
Ghi nhớ công ơn Ngài
Nguyện gắng công tu tập
Đáp đền Ơn Đức Phật
Tìm về cõi Thanh Tịnh
Miên viễn đời An Nhiên.

Kính bạch Sư Phụ,

Sau khi Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật nhập diệt rồi, đoàn Tăng Lữ đã nhiều phen tranh cãi và đưa đến một sự tranh chấp nhau về những điều chỉ dạy của Đức Bổn Sư. Ai cũng cho rằng mình hiểu “đúng” và khư khư giữ lấy Ý của mình.

Những người chủ trương làm y theo những gì mà Đức Bổn Sư khi còn tại thế đã làm, tức là hằng ngày đi khất thực và hóa độ Chúng Sanh, họ tập trung lại thành một nhóm, lập ra Môn Phái TIỂU THỪA hay còn gọi là Phật Giáo Nguyên Thủy.

Nhóm thứ nhì tự nhận là Môn Phái ĐẠI THỪA, chủ trương tu rốt ráo để thành PHẬT độ Chúng Sanh.

Cốt yếu của chuyện tu tập là “Hướng Nội”, tức là trau giồi phần Nội tâm của mình, chớ không phải ở sự phân chia rằng: Tôi phải lập thật nhiều Chùa để độ Chúng Sanh hay là Tôi tu để cho tự bản thân tôi phát Trí Huệ mà thôi.

Kính xin Sư Phụ từ bi giảng cho con hiểu, thế nào là Tiểu Thừa? Thế nào là Đại Thừa? Và người con Phật thật sự phải tu tập như thế nào cho đúng cách, để có thể áp dụng được sự tu tập vào việc hóa độ Chúng Sanh, mà không nhất thiết phải là Đại Thừa hay Tiểu Thừa?

Sau hơn 2500 năm, sự bất đồng giữa Đại Thừa và Tiểu Thừa vẫn còn âm ỷ. Thật sự ra, đây chính là một “nạn tai” của cõi Ta Bà. Từ đó đưa đến việc, tại sao người tu thì nhiều nhưng người chứng đắc lại không có bao nhiêu!

Khi Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã chứng quả, Thầy nói rằng là CHỨNG QUẢ, Ngài đã cực nhọc từng bước một để độ Chúng Sanh. Dù cho Chúng Sanh chỉ có một chút tấm lòng thôi, Ngài cũng vẫn thân hành đến nơi để giúp đỡ, chỉ dẫn cho Chúng Sanh đó cách thức để tu tập vì không phải bất kỳ một Chúng Sanh nào cũng đều có cơ hội, có phương tiện để gần gũi, ở kề cận Đức Bổn Sư.

Ngài không hề nghĩ đến sự mệt nhọc, ngày ngày cùng với Tăng Lữ đi khất thực. Tại sao phải khất thực? Ngài đã đem sức lực của mình để chỉ dạy, để cổ võ cho những kẻ dù chỉ có một chút ít Đạo Tâm, hay chỉ một Chủng Tử rất nhỏ của Lòng Từ Bi, Ngài vẫn giúp cho họ một cơ hội để họ tu tập mà trở nên một người mới, có một Tâm Trí mới; giúp cho họ đào luyện cái ngọn đèn Trí Huệ của họ, do đó, vì phải nói suốt ngày, đi suốt ngày, mà phải nhớ rằng là đi bộ với đôi chân không có giày dép, chớ không phải lên xe xuống ngựa, có người chở, có người đưa đón, nếu không khất thực thì làm sao có thể tự nuôi thân và dành để cái sức lực đó mà giúp cho Chúng Sanh mở Trí, cho nên bắt buộc phải khất thực!

Trong quá trình đó, Ngài đã chỉ dạy cho Chúng Sanh những điều rất là căn bản, những điều căn bản đó là gì? Là nói về Sanh Lão Bệnh Tử, mà nói về Sanh Lão Bệnh Tử tức là nói về cái Vô Thường của cuộc đời con người.

Chính vì cái Vô Thường của Cuộc Đời, cho nên phải tận dụng thời gian còn hiện hữu trên cõi Đời để tôi luyện Bản Thân mình, dùng thời gian đó, một mặt làm cho Trí Tuệ của mình được gia tăng lên nhờ vào việc học hỏi, quan sát, rút tỉa kinh nghiệm khi làm việc, bên cạnh đó phải làm cho Trí Huệ được phát sáng qua việc Tu Tập. Trí Huệ có phát sáng thì cái Linh Hồn ở trong cái thân xác đó mới thật sự thăng hoa, mà có thăng hoa thì mới có thể tiến lên ở một bậc cao hơn.

Ngay khi còn trên Dương Thế, một Linh Hồn thăng hoa sẽ giúp cho Thân Xác có được một cuộc sống Bình An, Thoải Mái, Cao Thượng, Tốt Đẹp, dễ Hòa Hợp nhờ có được nhiều Đức Tánh, và khi đã bỏ báu thân rồi, cái Linh Hồn đó sẽ tìm đến những cõi tốt đẹp hơn để tôi luyện thêm cho cái Linh Hồn đó được thăng hoa đúng nghĩa của nó trên phương diện “bên kia sự sống”.

Việc Hóa Độ của Đức Bổn Sư tuần tự tiến qua 3 giai đoạn:

Ở vào giai đoạn khởi thủy, Chúng sanh chưa quen với từ ngữ PHẬT và nhất là từ ngữ đó lại gán cho một người bằng xương bằng thịt, cũng có một hình hài không khác với mọi người, Chúng Sanh chưa nhận thức được bản chất thật sự của Đức Bổn Sư, vẫn còn ngờ ngợ, nửa tin, nửa không. Việc hóa độ ở giai đoạn này xem ra vô cùng khó khăn, vì phải giảng Pháp như thế nào để lấy được lòng tin của người nghe, vì có tin mới có làm theo, có làm theo mới thấy kết quả, có kết quả thì niềm tin mới dâng cao, và khi đó tiếng đồn mới có dịp bay xa.

Đức Bổn Sư phải thân hành đến với từng người, từng nhà và phải giúp cho mọi người trong thôn làng giải quyết từng trường hợp một. Lời Pháp cứ tuôn ra, thích ứng cho từng cảnh huống một, từng trình độ một.

Với một số lượng rất đông Chúng Sanh vừa nghèo, vừa thiếu học, trình độ hiểu biết không có, muốn cho họ hiểu mình, không phải là điều dễ. Cũng cùng một Ý đó, nhưng muốn cho người nghe hiểu được mình, đôi khi phải mất rất nhiều thời gian cũng như phải tuôn ra không biết bao nhiêu lời, bao nhiêu cách nói.

Việc dạy dỗ cho Chúng Sanh như thế kéo dài theo năm tháng, và lộ trình bán kính của Đức Bổn Sư cũng càng lúc càng xa hơn. Ngài không ngại nắng mưa, đường xa trơn trợt, rừng rậm hoang vu dung chứa toàn chuyện “bất ngờ”, trong giai đoạn này, người thương thì chưa nhiều, kẻ tị hiềm ganh ghét thì không ít, Đức Bổn Sư cũng phải chật vật đối phó rất nhiều với “chông gai” của cuộc đời. Tuy nhiên, Ngài vẫn trì chí và nhẫn nại đem những lời Pháp chỉ dạy cho từng Chúng Sanh, vạch rõ con đường tiến về sự Thăng Hoa.

Càng ngày, Thanh Thế của Đức Bổn Sư càng lên cao, Ngài không khác Vầng Thái Dương rực sáng giữa bầu Trời, Chúng Sanh tự động đến tìm Ngài và cầu xin lời Pháp.

Ở vào giai đoạn kế tiếp này, Lời Pháp của Ngài không còn thu hẹp trong phạm vi nhỏ hẹp thuộc về riêng tư nữa, nó có tính cách Bao Quát hơn, Rộng Rãi hơn, thường là nói về một vấn đề có tính cách CHUNG mà gần như bất cứ Chúng Sanh nào cũng có dịp trãi qua.

Mỗi một Thời Pháp ban ra, số người tham dự có khi lên đến hàng chục ngàn người với đủ mọi trình độ về Trí Tuệ lẫn Trí Huệ, do đó, việc Nghe- Hiểu và Thâm Nhập cũng sẽ không thể ở cùng một mức độ được.

Việc giảng Pháp ở giai đoạn này xem ra không phải dễ. Để cho người có trình độ cao lẫn trình độ thấp đều có thể lãnh hội được cái cốt tủy của lời Pháp, Đức Bổn Sư phải nói rất nhiều lời, dùng nhiều thí dụ, lời Pháp đôi khi được lập đi lập lại trong nhiều phương cách khác nhau, và Ngài cũng phải trả lời không ngừng nghỉ những thắc mắc của người nghe Pháp, từ những thắc mắc thuộc trình độ cao, cho đến những thắc mắc ở trình độ thấp. Đó là lý do vì sao mà ngày hôm nay, Chúng Sanh thấy quyển Kinh nào cũng đều dày cộm.

Như vậy, việc hóa độ đã đi từ giai đoạn chỉ một người, hai người, hay một nhóm nhỏ vài ba người, tiến lần đến trăm người, 1000 người, chục ngàn người.....

Giai đoạn thứ 3 của việc hóa độ là giai đoạn trước khi Đức Bổn Sư nhập diệt.

Trong giai đoạn này, dưới sự chỉ dạy của Đức Bổn Sư, Chúng Sanh đã hiểu rõ được mình phải làm gì? Phải tư duy như thế nào để tôi luyện cái phần Linh Hồn của mình?

Và cũng chính ở giai đoạn thứ 3 này, Đức Bổn Sư đã nói rằng: “Trong 49 năm, Ta không có nói một lời nào cả.”

Thoạt nghe qua thì quả thật là không có lý, vì Ngài đã phải cực nhọc trong suốt 49 năm để dẫn dắt, chỉ dạy cho từng người một, rồi đến từng nhóm một, hết nhóm nhỏ, rồi đến nhóm vừa vừa, rồi đến nhóm lớn, rồi nhóm lớn hơn. Ngài đã thốt ra hằng vạn..... vạn LỜI PHÁP, nhưng tại sao Đức Bổn Sư lại bảo rằng, Ta không có nói lời nào?

Ý của Ngài muốn nói rằng, những lời Ta nói ra chỉ là cái Phương Tiện để cho Chúng Sanh dùng phương tiện đó mà tôi luyện cái Trí Huệ của mình ở bên trong. Một khi cái Trí Huệ đó đã được phát sáng lên rồi, thì tự họ, dù chưa bỏ báu thân, cũng đã thăng hoa.

Thăng hoa có nghĩa là sao? Có nghĩa là, trên phương diện Đời Sống, họ có một đời sống mẫu mực, họ sống có chừng mực, hiểu biết và không bao giờ làm những điều sai trái trong vấn đề giao tế, họ sống trong một Giới Luật mà chính họ tự nhận biết chớ không phải do sự ngăn cấm của Đức Bổn Sư, đó chính là một Kỷ Luật Tự Giác chớ không phải một Kỷ Luật Áp Đặt!

Trên bình diện Tâm Linh, những suy tư, những điều mà họ làm cho bản thân họ hay cho những người chung quanh, đều theo đúng nguyên tắc mà Đức Bổn Sư đã chỉ dạy, không ngoài Tứ Vô Lượng Tâm Từ Bi Hỷ Xả. Được như vậy thì họ mới thực sự được xem là Thăng Hoa!

Ở vào giai đoạn cuối cùng, Đức Bổn Sư bảo rằng, “Ta không có nói gì hết”.

Người tu tập, khi tư duy lời nói này, phải hiểu rằng, tất cả những gì mà Đức Bổn Sư đã nói, đã chỉ dạy, đều đã được thâm nhập, đã được tiêu hóa, và cũng đã tan biến vào Nội Tâm của người hành xử ĐẠO của Ngài.

Nó không khác gì một món ăn giúp cho mình trong cảnh đói lòng, nhưng khi ăn vào rồi, sau đoạn đường dài từ bao tử cho đến ruột già, nếu kể về phương diện Vật Chất thì món ăn đó đã hoàn toàn biến dạng, không còn cái hình thái của buổi ban đầu. Bao tử đã nghiền nát thức ăn đó và đưa xuống ruột non để lọc ra những chất bổ dưỡng, biến nó trở thành Máu mà nuôi cơ thể. Những chất cặn bã được ruột già thải ra ngoài.

Lời Pháp của Đức Bổn Sư dạy bảo cho Chúng Sanh cũng được nghiền nhỏ, được tiêu hóa, và được chắt ra cái Cốt Tủy để nuôi dưỡng cái Trí Huệ của Chúng Sanh.

Do đó, thức ăn đã biến thành KHÔNG, không còn thấy nữa, nhưng không có nghĩa là nó không còn hiện hữu, mà nó vẫn hiện hữu dưới một hình thức khác, đó chính là MÁU để nuôi cơ thể. Lời Pháp của Đức Bổn Sư cũng biến thành KHÔNG, nhưng không có nghĩa là không hiện hữu, lời Pháp đó vẫn hiện hữu qua sự bừng sáng của cái Trí Huệ của một Chúng Sanh.

Cho nên, dù ở giai đoạn thứ nhất, Đức Bổn Sư đến với từng người một, hay ở giai đoạn thứ hai, Đức Bổn Sư đến với hằng chục ngàn người, hằng trăm ngàn người, thì cũng y như vậy mà thôi! Nguyên tắc cũng vẫn là, làm sao để cho mỗi Chúng Sanh đều có một thức ăn và biến nó trở thành ra cái Trí Huệ của mình.

Có điều rằng, đối với một người, hay 2 người, Đức Bổn Sư không thể dọn một “Mâm Cao Cỗ Đầy” được vì làm sao họ “ĂN” cho hết? chỉ cần một chén nhỏ là đủ phần cho một người rồi.

Nhưng, đối với số Chúng Sanh hằng chục ngàn người, hằng trăm ngàn người, Đức Bổn Sư phải dọn một Mâm Cao Cỗ Đầy mới đủ để ban phát cho mỗi người, do đó Lời Pháp của Ngài, từ Lời Pháp nhỏ đến Lời Pháp lớn, từ một sự chăm chút nhỏ cho đến một sự chăm chút lớn, nó tiến qua từng giai đoạn mà mọi người đặt tên cho nó là TIỂU THỪA, là ĐẠI THỪA.

Phải nhớ rằng, tất cả những thứ đó là do Người Đời gán ghép, Người Đời đặt ra, Đức Bổn Sư không có phân biệt NHỎ, TO.

Người ăn một chén nhỏ thì đủ NO với một chén nhỏ, nhưng, với một số lượng quá đông, không thể chỉ dùng có một chén cơm nhỏ mà phân phối cho hằng ngàn người, hằng chục ngàn người, làm sao ĐỦ? cho nên bắt buộc phải Mâm Cao Cỗ Đầy mới đủ để mà chia.

Do đó, lời Pháp của Ngài phải là một Lời Pháp có tính cách Bao Quát, có tính cách Rộng Rãi, để mới có thể ban phát cho tất cả mọi Chúng Sanh cùng nghe, cùng thâm nhập. Cho nên, cần phải hiểu được cái tinh túy, cái cốt tủy của từng Lời Pháp của Đức Bổn Sư.

Dù cho Cỗ Xe Nhỏ hay Cỗ Xe Lớn thì chiếc xe cũng vẫn là một phương tiện, cũng vẫn làm bằng những vật liệu như cây gỗ hay sắt thép ghép lại để tạo thành một chiếc xe. Nếu chỉ có một người hay 2 người thì không thể đem một chiếc xe quá...quá sức là lớn để chuyên chở được, một là cồng kềnh, hai là tốn nhiều công sức. Do đó, ít người thì chở bằng xe nhỏ, đỡ tốn sức, đỡ tốn công, đỡ tốn cực nhọc, đỡ tốn tiền xăng, đỡ hao mòn vì sức nặng không nhiều.

Nếu bây giờ, số người lên cả trăm hay cả ngàn người, chắc chắn là không thể lấy chiếc xe quá nhỏ để mà chuyên chở được, bắt buộc phải đem một chiếc xe lớn để chở cho được nhiều người, không thể phí công sức để chở từng người một, nhưng, chiếc xe vẫn là chiếc xe, công sức vẫn là công sức, và mục đích của việc chuyên chở là gì? Là đưa người đến BỜ GIÁC, có nghĩa là giúp cho người đến được một nơi chốn mà chính bản thân họ bắt buộc phải dùng cái Trí Huệ của mình mới có thể đến được nơi chốn đó; một người không có Trí Huệ thì làm sao đến được Bờ Giác?

Chúng Sanh không hiểu được thâm ý của Đức Bổn Sư khi Ngài có sự phân biệt trong cách dùng chữ, Cỗ xe nhỏ và Cỗ xe lớn.

Chúng Sanh phải hiểu rằng, cái cốt tủy của 2 từ ngữ CỖ XE LỚN và CỖ XE NHỎ đều “nằm” ở một chữ XE. Nó khác nhau chỉ có chữ Lớn và chữ Nhỏ mà thôi, nhưng, nó cũng vẫn là Một Chiếc Xe.

Vì vậy, Lời Pháp cũng vẫn là Một Lời Pháp và Lời Pháp đó là gì? Là giúp cho một người, 2 người, 3 người, trăm người, ngàn người, chục ngàn người, triệu người...... đều đi đến cùng một Mục Đích là làm sao hoán chuyển cái Tâm của mình để nó trở thành là một Tâm Trong Sáng, vì Tâm có Trong Sáng thì mới có thể tiếp nhận được những điễn quang của tất cả các đấng Từ Bi chiếu vào trong Kiếng Tâm đó, và khi nhận được tất cả những Điễn Quang chiếu vào cái Kiếng Tâm thì mới có một sự phản chiếu và cái phản chiếu đó chính là cái Trí Huệ cho người tu tập.

Cho nên, muốn có được một Kiếng Tâm trong sáng, bắt buộc phải tư duy từng lời Pháp của Đức Bổn Sư và phải sửa đổi, phải giùi mài, phải lau chùi cái Kiếng Tâm của mình theo đúng đường hướng, đúng cách thức mà Đức Bổn Sư đã vạch ra qua những lời Pháp của Ngài. Vì vậy, tự mình tu tập, hay nhiều người cùng tu tập cũng vẫn là tôi luyện cái phần Tâm Thức của mình.

Một sự phân biệt Tiểu Thừa hay Đại Thừa hay bất kỳ một cái Thừa gì đó, cũng vẫn là do ở Người Đời đặt ra và Người Đời đã không thấu triệt được một cách thâm thúy Ý của Đức Bổn Sư.

Sở dĩ có sự phân chia, nào là Bích Chi Phật, nào là A La Hán, nào là Bồ Tát....những tên gọi đó cũng chỉ để vạch rõ cho Chúng Sanh hiểu được tầm mức, khả năng của việc tu tập của mình đi đến đâu? Nếu tôi chỉ muốn đến bậc A La Hán mà thôi thì việc tu tập của tôi tối thiểu phải dừng lại ở điểm A, xem như tôi đã tu tập được đến trình độ này.

Đường Đạo hay đường Đời cũng không khác gì nhau. Từ bậc Tiểu Học lên đến bậc Đại Học cũng phải trải qua nhiều chặng đường với những kỳ thi tốt nghiệp để thẩm định khả năng Học Vấn của từng chặng một.

Việc tu tập cũng y như vậy mà thôi, không có gì khác biệt giữa một người được xem là A La Hán và một người được xem là Bồ Tát. Cả 2 cùng tu tập nhưng, với người A La Hán thì việc tu tập chỉ tới mức này thôi, nếu người đó không tiếp tục giùi mài thêm thì suốt đời cũng sẽ chỉ mang tiếng A La Hán. Người được mang tên Bồ Tát thì việc tu tập của người đó tiến lên một chút và người đó có khả năng làm những việc cao hơn, sự suy tư của người đó cũng cao hơn và nếu người đó phải giúp đỡ cho Chúng Sanh thì khả năng giúp đỡ của họ sẽ rộng rãi hơn.

Nói tóm lại, tu tập là phải tôi luyện phần Nội Tâm của mình rất là nhiều. Nếu không sửa đổi thì suốt đời cứ giậm chân tại chỗ, dù cho Đức Bổn Sư có ở sát kế một bên, có hằng ngày gặp gỡ, có hằng ngày nói chuyện, mà người đó sau khi chuyện trò với Đức Bổn Sư rồi thì phủi tay và quên hết những lời Đức Bổn Sư đã chỉ dạy, thì cho đến khi nhắm mắt lìa đời, người đó cũng không có gì thay đổi cả.

Bao nhiêu những vật liệu mà Đức Bổn Sư thân hành mang đến cõi Ta Bà để chỉ dẫn cho từng Chúng Sanh biết cách sử dụng để làm ra một món ăn ngon, nếu Chúng Sanh bày hết các Vật Liệu đó ra và chỉ dòm ngó chúng mà thôi, thì ngày qua ngày....ngày qua ngày, những vật liệu đó sẽ hư hoại đi và không còn sử dụng được nữa, như vậy, việc xào nấu một món ăn sẽ không thể nào thực hiện được. Thầy chỉ mới nói đến xào nấu một món ăn mà chưa nói đến việc nấu NGON hay không NGON, đó mới là vấn đề quan trọng.

Tu Tập....Ai cũng nói tôi biết tu tập, tôi biết tụng Kinh, gõ mõ, tôi biết Sám Hối, tôi biết Trì Chú, tôi biết Niệm Phật, nhưng, tại sao người này được vãng sanh sau khi bỏ xác thân? Tại sao người kia cũng tu y như vậy, không khác một chút nào, vậy mà không được vãng sanh?

Cực Lạc không phân biệt kẻ này người nọ, Cực Lạc chỉ lựa chọn những cái Tâm Thành nào mà dính chặt vào Cực Lạc, còn những cái Tâm không dính chặt vào Cực Lạc thì Cực Lạc không thể nào dang tay vớt người đó được.

Cho nên, biết nấu là một lẽ mà nấu ngon hay không lại là một lẽ khác. Biết tu là một lẽ mà Tu Thành hay không lại là một lẽ khác, chớ không phải nói rằng, tôi theo Tiểu Thừa tôi tu mới thành, còn những người Đại Thừa tu không thành. Hoặc ngược lại, người nói rằng tôi tu Đại Thừa, theo cách thức này thì mới thành được, còn tu Tiểu Thừa thì suốt đời cứ ngồi tại đó, hoàn toàn không phải như vậy!

Kính bạch Sư Phụ,

Như vậy then chốt của việc tu tập là gì? Điều này có áp dụng cho cả 2 Phái Đại Thừa lẫn Tiểu Thừa hay không?

Then chốt của việc tu tập là quày trở lại Nội Tâm của mình để lau chùi cái Kiếng Tâm. Lời Pháp của Đức Bổn Sư là những phương cách chỉ dạy, làm thế nào để lau cái Kiếng Tâm cho được trong sáng.

Ngài dùng đủ mọi phương cách để chỉ dạy, cho nên, nghe phương cách của Ngài, nhưng không làm theo phương cách của Ngài, thì cái Kiếng Tâm muôn đời cũng vẫn không thể nào lau chùi cho sáng được, mà không lau chùi được cái Kiếng Tâm thì làm sao có thể hấp thụ được Điễn Quang của Chư Phật và Bồ Tát, mà khi không hấp thụ được thì sẽ không có sự phản chiếu, nếu không có sự phản chiếu sẽ không có cái Trí Huệ được! Đây là nguyên tắc chánh yếu của việc làm sao để cho Trí Huệ phát sáng.

Đã là người tu tập thì dù cho tu theo Pháp Môn nào cũng vẫn bắt buộc phải đào luyện Trí Huệ. Việc đào luyện Trí Huệ khởi nguồn từ ở việc Sửa Tánh. Tánh có giùi mài, có trau chuốt, Tâm tức khắc sẽ sáng lên, Tâm sáng thì Ý sáng, Tâm Ý rực rỡ, đương nhiên Trí Huệ sẽ rạng ngời.

Người tu Thiền hay tu Tịnh Độ, luôn cả Mật Tông, dù cho độc hành trên bước đường tu hay cùng đồng hành với số đông, vẫn phải qua giai đoạn Đào Luyện Trí Huệ để Thăng Hoa, do đó bắt buộc phải đối diện với việc SỬA TÁNH, không sửa Tánh thì đừng hòng nói đến 2 chữ CHỨNG ĐẮC.

Giới Luật mà Đức Bổn Sư đề ra cho người thọ giới Tỳ Kheo chính là một thâm ý của Ngài nhằm giúp cho vị Tỳ Kheo sửa Tánh. Tuân theo Giới Luật tức là không hành theo những Tánh Xấu, mà không hành theo những Tánh Xấu tức là không tạo ra Nghiệp mới, ở hiện kiếp!

Mỗi một Tánh Xấu đều là nguyên nhân gây tạo một Nghiệp Chướng, vì vậy khi Sám Hối, cần phải quán tưởng cái hình ảnh Nghiệp Chướng gây tạo bởi cái Tánh xấu đó, sau đó thì dùng công năng của câu Trì Chú để làm cho tiêu cái hình ảnh Nghiệp Chướng đó ở trong Tâm Thức của mình.

Nói tóm lại là, qua việc Sám Hối, Trì Chú, người tu tập đã lau chùi lần lần cái Kiếng Tâm của mình, và việc lau chùi Kiếng Tâm bắt buộc phải thực hiện trước khi Niệm Phật, tức là kêu gọi Phật hay kêu gọi Bồ Tát để ban cho mình Điễn Quang của các Ngài.

Kiếng Tâm có được lau chùi cho bớt bụi, bớt dơ, tức là có sửa soạn cho sạch sẽ, dù rằng chưa được hoàn toàn trong sáng, nó cũng thể hiện được hết cái tấm lòng của người chân thành Sám Hối Ăn Năn và đem cả Tấm Lòng đó để cầu xin một sự tiếp sức của Chư Phật, Chư Bồ Tát giúp cho Trí Huệ của mình được Phát sáng.

Người còn trên Dương Thế, tu tập là phải theo những cách thức mà Đức Bổn Sư đã vạch ra qua hình thức của những bài Pháp.

Vong Linh được hưởng một đặc ân là không phải tốn quá nhiều công sức, vì sao? Vì vỏn vẹn chỉ có 49 ngày, một thời gian đặc ân cho Vong Linh; những người này khi còn sống, đã không biết chăm chút phần Linh Hồn của mình.

Những người trên Dương Thế đã để cả cuộc đời chăm chút phần Linh Hồn của mình, vì vậy sự thâm nhập phải nhiều hơn, phải tràn đầy hơn, và phải sâu đậm hơn một Vong Linh rất là nhiều.

Cho nên, nếu nói về sự thăng hoa thì, giữa một Vong Linh được thăng hoa và một người trên Dương Thế được thăng hoa, chắc chắn rằng người trên Dương Thế khi thăng hoa sẽ được ở một phẩm vị cao trong 9 Phẩm của Cực Lạc, Vong Linh đương nhiên ở một Phẩm Vị thấp.

Kính Bạch Sư Phụ,

Như vậy thì tu tập khi còn sống vẫn hơn hẳn gấp ngàn lần cái đợi chờ người khác siêu độ giúp cho mình.

Đúng vậy! Tự mình siêu độ cho mình thì mình sẽ hưởng được một phẩm vị cao hơn. Đợi người khác siêu độ cho mình tức là mình phải nhờ vào Lòng Từ Mẫn của người giúp mình, kết quả mang tới, dù rằng mình vẫn được thăng hoa nhưng ở phẩm vị thấp, mà ở một phẩm vị thấp thì cũng vẫn phải đem sức của mình ra rất...rất là nhiều và cũng vẫn phải làm theo những lời Pháp của Cực Lạc, điều đó Đức Đại Thế Chí Bồ Tát đã phải tốn rất nhiều công sức.

Kính bạch Sư Phụ,

Một Vong Linh dù có phát sinh Trí Huệ đi chăng nữa, đó cũng chỉ là một tia sáng nhỏ, giúp cho Vong Linh nhìn thấy rõ hướng đi của mình. Một người còn tại Thế, nếu có được Trí Huệ phát sáng, sẽ có thời gian để tư duy, để nghiền ngẫm và áp dụng Lời Pháp.

Con tư duy rất đúng! Người còn tại Thế sẽ dùng cái Trí Huệ đó để làm tiêu bớt lần đi những Nghiệp Chướng của mình. Tu tập ở hiện Đời, dù đạt được một trình độ cao, cũng vẫn phải làm cho tiêu Nghiệp Chướng. Càng làm tiêu Nghiệp Chướng nhiều chừng nào, con đường mình tiến tới sẽ được thênh thang nhiều chừng nấy, không bị vấp váp, không bị té ngã. Một mai khi bỏ Báu Thân, trở thành Thánh Chúng của Cực Lạc, sự nhẹ nhàng trên Thai Sen sẽ giúp cho Hoa Sen mau nở, Thánh Chúng sớm hòa nhập với sinh hoạt của Cực Lạc.

Cho nên, Chúng Sanh đừng nên phân biệt Tiểu Thừa hay Đại Thừa. Cái rốt ráo không “nằm” ở cái cách tu hay ở hình thức tu, mà chính là ở cái việc, mình có lau chùi được cái Kiếng Tâm của mình hay không?

Nếu không lau chùi được cái Kiếng Tâm của mình thì dù cho tu đến 100 năm, 100 kiếp cũng vẫn vậy mà thôi, cứ trồi lên sụt xuống mà không thành tựu được Đạo Quả. Vì vậy, cần phải tư duy rất nhiều những lời Pháp của Đức Bổn Sư.

Chúng Sanh cũng đừng nên nghĩ đến những lời Pháp Cao Xa. Trong suốt 49 năm, Đức Bổn Sư cũng đã nói rất....rất nhiều những lời Pháp Cao Xa, những lời của Ngài đã được gom góp lại, sắp xếp lại có thứ tự lớp lang nhiều đến Ngũ Tạng Kinh Điển, nhưng hãy nhìn xem đi, Chúng Sanh càng ngày càng đắm chìm vào trong Biển Khổ, tại vì sao? Là tại vì Chúng Sanh không hiểu thấu đáo được lời của Đức Bổn Sư.

Ngài dùng đủ mọi phương tiện, đủ mọi cách, đủ mọi lời để giảng dạy cho Chúng Sanh, để giúp cho Chúng Sanh đạt được cái mục đích rốt ráo là, phải lau chùi cho được cái Kiếng Tâm và sau khi Kiếng Tâm đã được lau chùi rồi, tức khắc Trí Huệ sẽ phát sáng. Càng lau chùi nhiều, sự phản chiếu càng nhiều, Trí Huệ càng cao; mà Trí Huệ càng cao thì sự thăng hoa càng lên cao hơn, đó chính là cái mục tiêu duy nhất của việc tu tập.

Đừng nghĩ ngợi xa xôi, đừng đi tìm cầu những gì khó khăn, chỉ cần chú mục trong 3 chữ Tâm-Ý-Tánh, làm sao hoán chuyển được, vun bồi được, trau chuốt được cái Tâm-Ý-Tánh đó thì con người của mình sẽ từ từ cải sửa và những bợn cáu đóng trên cái Kiếng Tâm sẽ tiêu lần....tiêu lần đi và Trí Huệ sẽ phát sáng.

Đừng nên đi lòng vòng, cũng đừng nên tự đặt cho mình nhiều gút mắt khiến cho mình không giải được những gút mắt đó, tại vì sao? Vì con đường ngắn, con đường dễ dàng mà mình không đi, cứ tìm con đường khó, con đường quanh co, cuối cùng thì không có lối thoát, cứ dậm chân tại chỗ, mất thì giờ tu tập và phí thời gian SỐNG trên Dương Thế.

Đừng tìm cầu hiểu chi cho nhiều, không cần thiết đâu! Điều cần thiết bây giờ là gì? Là phải làm sao giùi mài cho được Tâm-Ý-Tánh, khi đã được cái Tâm-Ý-Tánh trong sáng rồi, Trí Huệ phát sáng rồi, khi đó đã có Cực Lạc dang tay cứu vớt mình. Khi mình đã yên ổn trên Thai Sen, nhận được sự chỉ dẫn của các Bồ Tát của Cực Lạc, mình sẽ được hiểu nhiều hơn và hiểu một cách dễ dàng và rõ ràng những gì thâm sâu hơn. Còn bây giờ phải làm sao cho nhanh, cho lẹ, cho chính xác, bắn mũi tên vào mục tiêu, cho mũi tên đó trúng hồng tâm, mình sẽ cảm thấy an ổn rồi, đừng nghĩ ngợi xa xôi, Đức Bổn Sư cũng chỉ cầu mong Chúng Sanh bao nhiêu đó mà thôi.

Việc mà Đức Bổn Sư thương lượng với Đức A Di Đà Phật, nhờ Cực Lạc dang tay cứu độ những Thần Thức thăng hoa của Cõi Ta Bà, cũng không ngoài mục đích giúp cho việc tu tập của Chúng Sanh khi còn hiện Thế được dễ dàng hơn.

Như vậy thì tại sao lại phải đi lòng vòng chi cho mệt vậy, không ích lợi đâu! Đừng tìm cầu những thứ xa xôi, cho dù tận thâm tâm mình có muốn nấu những món cực kỳ khó khăn, rắc rối, nhưng mình không biết cách nấu thì dù cho người ta có cung cấp cho mình đầy đủ những vật liệu, mình cũng không nấu được, như vậy có phải tốn kém rất nhiều hay không? Mình cứ ngồi đó mà nhìn những vật liệu này, ngày qua ngày, ngày qua ngày, không biết nấu làm sao cả, chi bằng những cái gì dễ dàng thì nên làm đi, đừng tìm cầu những thứ xa xôi.

Chúng Sanh nghĩ rằng, tôi phải hiểu cái này, tôi phải hiểu cái kia, tôi phải hiểu cái nọ, như vậy tôi mới thật sự là Tu. Do đó, đưa đến việc “tu theo thị hiếu,” thấy ai làm cái gì cũng bắt chước, ai tụng quyển Kinh nào thì cũng tụng theo cho bằng được, càng khó tụng, khó hiểu, càng tốt! nay theo Pháp Môn này, mai trở lại Pháp Môn kia, tìm những quyển sách thật khó để đọc, rốt cuộc rồi cũng không hiểu được gì cả.

Cuộc đời như thế cứ kéo dài cho đến ngày chân run gối mỏi, ngoảnh lại nhìn thì tay trắng vẫn hoàn trắng tay, đường tu tập cũng vẫn là con đường dài hun hút, không thu ngắn được chút nào cả.

Cũng có những Chúng Sanh miệt mài với việc điểm tô Thân Xác, xem nặng phần Vật Chất và coi nhẹ phần Tâm Linh. Họ mất nhiều thời gian để điểm trang sắc đẹp, để tô điểm hình hài bằng lụa là gấm vóc, họ bỏ mất nhiều thì giờ để chăm chút phần ngoại hình của mình mà không hề nghĩ đến việc trau giồi phần Nội Tâm.

Cả 2 hạng người này đều có những bước đi rất nặng nề, thiếu sự nhẹ nhàng. Sự nặng nề phát ra từ ở cái Tâm, từ ở cái Ý và từ ở cái Tánh, không được sửa chữa, không được giùi mài, họ vẫn làm chuyện sai trái, làm nhiều điều không đúng vì họ thiếu Trí Huệ.

Họ không để Tâm chăm sóc phần Bên Trong của mình, cho nên không tìm được sự nhẹ nhàng ngay khi còn sự sống và luôn cả khi chỉ còn là một Vong Linh, và chính cái Vong Linh đó cũng bị vướng mắc vì sự nặng nề khi cất bước.

Nếu đem so sánh với một người luôn cố gắng trau giồi phần Tâm-Ý-Tánh của mình, lúc nào cũng kiểm Tâm, kiểm Ý và kiểm Tánh, giữ Tâm luôn Bình, giữ Ý không xao động, và nhất là kiểm soát toàn bộ những cái Tánh của mình, thẳng tay triệt tiêu Thói Hư, Tánh Xấu, tức khắc sẽ thấy sự khác biệt giữa người này và 2 hạng người vừa kể ở trên.

Việc trước tiên là Đời Sống của người này sẽ thoải mái hơn, thảnh thơi hơn vì không có những lụy phiền với người chung quanh do ở Tánh Xấu gây ra.

Cách hành xử với mọi việc xảy ra rất hợp tình, hợp lý do ở người này có Trí Huệ.

Do ở việc trút bỏ những Tánh Xấu, những Thói Hư mà họ trở nên nhẹ nhàng từ lời nói, cho đến thái độ, cử chỉ cũng như cách đối xử với bất cứ ai.

Nói tóm lại, họ có một cuộc sống nhẹ nhàng, dễ thở, không phiền muộn và rất là tự tại.

Mai kia khi bỏ Báu Thân, Thần Thức của họ nhẹ nhàng cất bước, không vướng mắc, ung dung tìm nơi an trụ đúng với ý mình mong mỏi.

Chúng Sanh nên học hỏi những cái gì mà làm cho đời sống của mình được nhẹ nhàng, được êm ả, làm sao giúp cho mình có thể đối phó được với những khó khăn xảy đến trong cuộc đời, làm sao để giúp cho mình gây tạo một tình cảm tốt đẹp trong sự giao tế, đó mới là điều rất thực tiễn và cần thiết.

Đừng tưởng rằng “ngốn” những bài Pháp rất cao xa là tôi mới thật sự tu tập, hoàn toàn sai. Điều chính yếu là bắt buộc phải sửa cho được Tâm Tánh của mình, vì chính cái Tâm Tánh đó mới làm cho mình nặng nề, mới làm cho mình không cất nhắc nổi từ lúc mình còn sống cho đến khi mình chết đi.

Tu Tiểu Thừa hay Tu Đại Thừa hay Tu Thiền, tu bất kỳ cái gì cũng vậy, kể cả tu Tịnh Độ, Niệm Phật 24/24 mà Tánh không sửa thì tất cả cũng chỉ hoàn là KHÔNG.

Kính bạch Sư Phụ,

Một người hoàn toàn không biết tu Thiền, tu Tịnh Độ, tu Tiểu Thừa, tu Đại Thừa....nhưng Tâm Tánh luôn luôn được giùi mài, trau chuốt, người đó có thăng hoa được hay không khi trở thành một Vong Linh?

Đương nhiên là CÓ! Trong quyển Siêu Độ Thầy đã có nhắc đến những cục đá nam châm, những cục đá nam châm đó xuất phát từ cái Tánh. Chỉ cần mang một Tánh không Lành, không Tốt là cục đá nam châm đó thể hiện ngay cái sức HÚT của nó rồi, huống hồ gì mang nhiều cái Tánh Xấu, vì sao? Vì mỗi một Tánh Xấu là cái cơ hội để gây tạo ra Nghiệp Lực, càng mang nhiều Tánh Xấu thì càng có nhiều cơ hội để tạo nên nhiều Nghiệp Chướng, cho nên nó làm cho Thần Thức nặng nề, không cất nhắc nổi.

Tự bản thân của Thần Thức đã không có một Tâm Ý TỐT muốn sửa đổi. Một khi đã không có Thiện Ý, không có Thiện Tâm, không có Thiện Chí thì khó mà có ai muốn giúp đỡ cho một người như vậy, do đó mới cần phải có Người Chủ Lễ vạch vòi chỉ dạy, dùng những lời Pháp để chỉ cho Thần Thức đó biết rằng, những điều sai trái mình đã làm ra là do từ ở Tánh xấu của mình.

Tại sao phải đợi đến khi trở thành một Thần thức nhẹ như bông, cần đến người chỉ dẫn, mới sửa cái Tánh của mình?

Khi mình còn cử động, còn suy nghĩ được, còn nói năng được, sao không sửa đổi đi cho nó dễ dàng, dễ thở, mà cuộc sống của mình cũng được nhẹ nhàng, thơ thới hơn? Lợi đến với mình ngay khi mình còn sống thì không lo hưởng, đợi đến khi chết rồi thì dù cho có sửa đổi cũng không hưởng được nhiều điều lợi lạc.

Đã qua hơn 2500 năm rồi, Chúng sanh đã được biết đến rất nhiều những điều cao xa từ lời Pháp của Đức Bổn Sư, nhưng, “Tay Trắng vẫn hoàn Tay Trắng”, tất cả cũng chỉ vì Chúng Sanh không thâm nhập được lời Pháp của Ngài.

Ý nguyện của Đức Bổn Sư và việc Thực Hành lời Pháp của Chúng Sanh không có sự Đồng Nhất, nói nôm na cho dễ hiểu là “Ngài nói một đường, Chúng Sanh làm một nẻo”, do đó Kết Quả của việc tu tập không được tốt đẹp như Ước Nguyện của Ngài, Chúng Sanh cứ trầm luân trong Biển Khổ và càng ngày Tánh Xấu càng gia tăng, Chúng Sanh càng gây tạo nhiều Nghiệp Chướng và không ngừng chiêu cảm biết bao nhiêu Biến Động xảy ra.

Những lời Pháp của Thầy cũng chỉ là một sự tóm gọn cái Ý của Đức Bổn Sư, dùng những lời thật đơn giản, thật dễ hiểu để cho Chúng Sanh thâm nhập được lời Pháp và Hành được Lời Pháp, như vậy việc áp dụng lời Pháp vào cuộc sống của Chúng Sanh sẽ dễ dàng hơn.

Chúng Sanh nên nhớ rằng, bất cứ Đấng Từ Bi nào cũng mong mỏi dùng lời Pháp để làm cho cuộc sống của Chúng Sanh trở nên tốt đẹp hơn, do đó, nếu Chúng Sanh thâm nhập được, hành được, áp dụng được lời Pháp thì cuộc sống của Chúng Sanh sẽ được nhẹ nhàng, an ổn và thảnh thơi.

Nếu người cao xa cho rằng lời Pháp thường tình, không có gì đáng để nghe theo thì thử hỏi rằng: “trong bao nhiêu năm tu tập, người đó đã sửa được bao nhiêu TÁNH? đã dùng cái gì để lau chùi cái Kiếng Tâm của mình? Và phần Trí Huệ của người đó đã phát triển được tới đâu rồi? Làm cách nào để người đó xa rời Bến Mê mà đi đến Bờ Giác?”

Trả Lời ĐƯỢC những câu hỏi trên, người đó mới thực sự Thăng Hoa. Nếu vẫn còn ngập ngừng, ấp úng thì còn phải tiếp tục tu tập và phải tu tập cho đúng đường lối, đừng để mất thì giờ vô ích, đến khi chân mỏi gối chùn, hắt hơi cuối cùng, nhận chân ra được rằng mình đã sai lầm và bỏ mất nhiều thì giờ, lúc đó muộn màng rồi, vẫn phải nhờ đến người khác giúp đỡ Siêu Độ cho mình.


+ 69
View Desktop
Version
\