Lạc Pháp

Xuất Gia

Jun 28 2021

Kính bạch Sư Phụ,

Con có nhận xét là càng ngày càng có nhiều người xuất gia cũng như nhiều người có ý muốn xuất gia. Đây là một hiện tượng rất tốt, chứng tỏ rằng Tâm con người xoay chuyển, hướng về Đạo Pháp nhiều hơn. Những người tuy rằng vẫn còn bận bịu với gia đình, nhưng ước mơ về đời sống của một người xuất gia vô cùng là mạnh mẽ, nên họ thường tổ chức những buổi gọi là “Gieo Duyên Xuất Gia”.

Xuất gia mang một ý nghĩa vô cùng là cao quý. Kính xin Sư Phụ từ bi giảng rõ cho con cũng như cho những người tha thiết có ý muốn xuất gia được thấu hiểu về ý nghĩa này.

Xuất Gia là gì? Xuất Gia là rời nhà, mà rời nhà để đi đâu? Chắc chắn rằng không phải đi chơi, mà cũng vẫn không phải đi tìm một tư lợi nào đó.

Ngày xưa, khi Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật còn tại thế, số người tìm đến Ngài để tu tập được phân làm 2 nhóm: nhóm vẫn ở tại nhà để tu tập và nhóm đi theo Ngài; họ muốn có một đời sống tu tập hằng ngày y như Đức Bổn Sư vậy. Muốn được như thế, những người này bắt buộc phải rời bỏ gia đình mới mong có được một đời sống đúng nghĩa, rập y theo khuôn của Đức Bổn Sư.

Tại sao Thái Tử Sĩ Đạt Ta rời bỏ cung vàng điện ngọc, rời bỏ cả vợ đẹp con ngoan?

Thái Tử Sĩ Đạt Ta đã nhận ra rằng, những người chung quanh Ngài cúi đầu bái phục Ngài, thậm chí tung hô Ngài, chỉ vì Ngài là một Vị Hoàng Tử, trong nay mai, Ngài sẽ là một Vị Vua, nắm quyền sanh sát của hằng vạn dân lành, Ngài có thể ban sự sống hay sự chết cho bất cứ ai. Người ta bái phục Ngài, tôn vinh Ngài vì người ta sợ Ngài. Sự tôn trọng của người dân đối với Ngài không hoàn toàn là một hành động phát xuất từ Tâm, từ ở một tấm lòng chân thật. Sự nhiệt tình của mọi người chung quanh Ngài mang tính cách tư lợi nhiều hơn.

Ngài rời điện ngọc cung son để dấn thân vào con đường có thể giúp cho Ngài tự thắp sáng bản thân mình mà không cần phải qua lầu son gác tía.

Ngài đã tìm ra con đường cho riêng bản thân mình, và chính con đường đó đã làm cho Ngài nổi bật lên trong tất cả mọi người thời bấy giờ, qua cái tư cách của Ngài, qua sự chơn chất của Ngài, qua lòng từ tâm của Ngài, qua lòng từ bi của Ngài, và qua ở tấm lòng tha thiết muốn cứu độ chúng sanh, muốn đưa chúng sanh đến một cuộc đời tốt đẹp, thoát cảnh lầm than cơ cực.

Khi đã chứng quả vị PHẬT rồi, tất cả những việc làm của Đức Bổn Sư cũng như những ý muốn của Ngài, những ước nguyện của Ngài đều là cho chúng sanh, và vì chúng sanh mà làm.

Kết quả là Ngài nhận được một sự thương yêu, trìu mến xen lẫn một sự kính phục của những người cảm kích cái tấm lòng của Ngài. Cái tình cảm đó, đối với Ngài, là một tình cảm chân thật, xuất phát từ Tâm, không xuất phát từ ở cung vàng điện ngọc, không xuất phát từ ở vật chất xa hoa.

Tất cả những người đi theo Ngài đều nhận rõ cái tư cách của Ngài và muốn được giống cái tư cách đó của Ngài, cho nên, họ cũng không màng đến tiền tài, vật chất, vợ đẹp, con ngoan, tài sản đồ sộ. Họ bỏ hết sau lưng để đi theo Ngài và học hỏi tất cả những tư tưởng của Ngài, học hỏi cái Tâm-Ý của Ngài để mà hành Thiện giống như Ngài. Vì vậy mới có từ ngữ “XUẤT GIA”.

Đức Bổn Sư cùng với Đoàn Tăng Chúng, trong suốt 49 năm, lặn lội đi từ nơi này qua nơi kia, từ vùng đất này sang vùng đất nọ để mở rộng cửa Tâm, để khơi dậy ngọn đèn Trí Huệ cho những kẻ khốn cùng, khốn cùng về vật chất lẫn về Tâm Linh.

Điều an ủi là, sự cực nhọc của Ngài và của đoàn Tăng Chúng đã được đền bù. Cứ mỗi lần đi qua một vùng nào thì lại có thêm một số người muốn noi theo gương Ngài, có nghĩa là họ ly gia, rời khỏi nhà, cùng gia nhập vào đoàn Tăng Chúng của Đức Bổn Sư để tiếp tục cái công việc hoằng Pháp độ Sanh của Ngài.

Từ từ, đoàn Tăng Chúng càng ngày càng đông đảo hơn. Tất cả đều có cùng chung một mục đích là, noi theo gương của Đức Bổn Sư, từ những hành động, cách đối xử, sự tư duy, cách thức tu tập của Ngài...nhất cử nhất động đều rập khuôn của Đức Bổn Sư. Toàn thể Tăng Chúng mang niềm hy vọng là, trong tương lai, nhờ vào việc tu tập mà họ sẽ đạt thành chánh quả.

Tuy nhiên, dù sao đi chăng nữa, toàn thể Tăng Chúng vẫn xuất thân từ nhiều tầng lớp trong xã hội, là con của nhiều cha nhiều mẹ, chịu nhiều sự giáo dục khác nhau, thân phận khác nhau, tâm tư khác nhau, cách ứng xử khác nhau, trình độ kiến thức, hiểu biết khác nhau...do đó, đã xảy ra nhiều mâu thuẫn trong đoàn Tăng Chúng, khó đi đến việc hòa hợp thành một khối đồng nhất.

Chính vì vậy mà Đức Bổn Sư phải đặt ra GIỚI LUẬT!

Giới Luật bao gồm tất cả những điều mà Đức Bổn Sư đã vạch ra. Toàn thể Tăng Chúng đều bị chi phối cùng một kỷ cương và hành sử một kỷ luật y như nhau. Duy nhất chỉ có một giai cấp trong đoàn Tăng Chúng, không có kẻ cao người thấp, kẻ sang người hèn. Tất cả đều áp dụng một nguyên tắc, đó là có công thì thưởng, có tội thì phạt.

Giới Luật đặt ra với mục đích là bình đẳng hóa Đoàn Tăng Chúng và tạo nên sự công bằng, không thiên vị bất kỳ ai cả. Trong suốt 49 năm, Đức Bổn Sư đã lèo lái một đoàn Tăng Chúng quá sức là đông đảo, phải nói là “cực kỳ to lớn”, nhưng tất cả đều đâu vào đó, theo khuôn theo phép, không có trành tròn, không có cãi vã qua lại, và cũng không có việc xỉ vả mắng nhiếc lẫn nhau vì kẻ cao người thấp.

Trước khi Đức Bổn Sư nhập diệt, Ngài cũng đã hết lòng căn dặn đoàn Tăng Chúng, dù cho không còn sự hiện diện của Ngài, cũng vẫn phải lấy Giới Luật Làm Thầy.

Lấy Giới Luật làm Thầy có nghĩa là: thấy giới luật - nghe giới luật - viết giới luật - đọc giới luật... là phải nhớ đến hình ảnh của Đức Bổn Sư, xem như Đức Bổn Sư vẫn còn tại thế, và vẫn còn chỉ huy đoàn Tăng Chúng. Nhất cử nhất động đều phải làm đúng theo lời chỉ dạy của Đức Bổn Sư, không có trường hợp ngoại lệ. Do đó, bất cứ một hành động nào, một quyết định nào mang tính cách thiếu công bằng, gây thương tổn cho một Tăng Chúng khác, tuyệt đối không nên làm.

Rồi thì chỉ một thời gian sau, khi Đức Bổn Sư đã hoàn toàn không còn có mặt trên cõi Đời này nữa, đoàn Tăng Chúng chia năm, xẻ bảy, mỗi nhóm người đi về một hướng và mỗi nhóm tạo ra một tông phái khác nhau.

Người thích trì chú thì theo Mật Tông, người thích niệm Phật thì theo Tịnh Độ, người thích thiền định thì theo bên Thiền... đó là chưa kể những người không có một sự quyết định hẳn hòi là mình sẽ đi về đâu? Cho nên, mờ mờ, ảo ảo, lấy bên này một chút, lấy bên kia một chút và tự gán cho mình cái danh hiệu là Giáo Chủ của môn phái do mình tạo ra.

Bên cạnh đó, cuộc tranh chấp giữa những người theo phái Tiểu Thừa và phái Đại Thừa cũng bùng nổ một cách quyết liệt. Kẻ thì cho rằng mình đúng, người thì bảo là kẻ kia sai, tình thế khi đó thật là rối ren, phức tạp.

Lấy Giới Luật làm Thầy! Câu nói này đã không còn giá trị nữa, hình ảnh của Thầy đã bị xóa mất rồi!!

Sau đó thì các Vị Tổ có thống nhất lại, tuy rằng sự thống nhất đó không được hoàn toàn cho lắm, nhưng cũng làm dịu bớt được tình hình lúc bấy giờ.

Năm qua tháng lại, mọi chuyện êm dần, nhưng êm dần không có nghĩa là chấm dứt, mà chỉ là một sự tạm thời chấm dứt. Không bên nào chịu nhường bước cho bên nào, bên nào cũng tự nhận mình là đệ tử của Phật và những gì mình hiểu, mình biết, mình nhớ là đúng. Nhiều cái đúng, nhiều cái nhớ, hóa ra là nhớ sai, nhớ trật!!

Rồi thì, ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, từ thế kỷ này qua thế kỷ khác, giới luật cũng vẫn còn đó, nhưng người hành giới luật lại tự làm cho giới luật biến hóa theo ý của mình qua sự nghĩ suy, diễn dịch.

Cho đến nay, đã qua hơn 2500 năm, tức là đã qua hơn 25 thế kỷ, tất cả mọi việc đâu cũng vẫn còn hoàn đó, chỉ có điều rằng mọi người không còn sức để cấu xé nhau và xuất gia lại trở thành một từ ngữ mơ hồ, thiếu nền tảng.

Xuất gia để làm gì?

Nếu đặt câu hỏi rằng, xuất gia để làm gì? Thì người xuất gia sẽ khó mà trả lời cho đúng với ý tưởng của thuở ban đầu.

Ngày xưa, Đức Bổn Sư Thích ca Mâu Ni Phật xuất gia là vì:

  1. Ngài muốn từ bỏ hết tất cả những gì nằm trong chữ Dục. Ngài đã nhìn thấy sự tai hại vô cùng cực do Dục Vọng mang đến, nó làm cho con người càng ngày càng đắm chìm mà không thể nào cất nhắc lên cao được. Cái Dục làm cho thân xác càng nặng nề, làm cho tâm linh càng vướng vấp, không thể nào có chỗ để thăng hoa được.

    Ngài xuất gia, là có ý muốn tìm lại sự chân thật của Tâm, sự bình đẳng giữa con Người với con Người, không có kẻ sang người hèn, không có kẻ cao người thấp. Ngài mong mỏi một tình cảm chân chính từ ở mọi người, một sự kính phục, bái phục xuất phát từ ở tấm chân tình chớ không từ ở sự sợ hãi, sự lo âu, sợ có người lấy mất sinh mạng của mình.

    Ngài xuất gia vì ngài thương chúng sanh, Ngài thấy rằng, Ngài đã may mắn nhận thức rõ cái tầm ảnh hưởng vô cùng tai hại của chữ Dục, Ngài cũng đã thấy cái 7 bước thăng trầm của Thất Tình làm cho con người cứ quanh quẩn, không thể nào cất cao lên được, cho nên, Ngài bắt buộc phải bước ra khỏi 7 bước thăng trầm đó.

  2. Ngài xuất gia để làm gì? Để làm gương cho những kẻ ở vào cái vị thế giống như Ngài. Nếu Ngài không làm gương thì Ngài cũng sẽ chết già ở trong cái hoàn cảnh đương thời, nếu không muốn nói rằng, chưa chắc sẽ là một cái chết yên ổn.

    Ngài và Họ sẽ tận hưởng một tuổi già không như ý. Khi người ta ở vào khoảng cuối của cuộc đời mà cảm thấy không như ý thì sẽ có biết bao nhiêu điều ân hận, bao nhiêu điều luyến tiếc! Khi đó đã muộn màng quá rồi, không còn níu kéo thời gian được nữa.

    Dù cho rằng xuất gia là phí tuổi thanh xuân, nhưng thật sự ra không phí, vì cái thanh xuân đó được dùng để tạo nên một bậc thang cao nhất mà ở cuối cuộc đời của mình sẽ ngồi trên cái bậc thang đó, và chính cái bậc thang đó mới thật sự đưa mình đến nơi đến chốn.

  3. Nhìn thấy chúng sanh phải chịu cảnh trầm luân, khổ sở, tiếp nối ngày qua ngày...ngày qua ngày, không bao giờ chấm dứt do cái chu kỳ Sanh Lão Bệnh Tử cứ tiếp tục....tiếp tục không ngừng lại và nó cũng không từ chối bất kỳ một chúng sanh nào cả, cho nên Ngài xuất gia để đi tìm câu trả lời cho cái khái niệm Sanh - Lão - Bệnh - Tử.

    Tại sao có cái Sống mà cũng có cái Chết? Cái gì lôi cuốn cái gì? Cái gì làm chủ cái gì? Cái Sống làm chủ cái Chết hay cái Chết làm chủ cái Sống? Và sau này, nhờ vào cái ý tưởng đó mà chúng sanh mới có được cái ý niệm của Sanh Tử Luân Hồi.

    Dưới mắt của Ngài, thế gian là một cái gì hỗn độn, tạp nhạp, không có lối thoát và không có manh mối để tháo gở. Ngài xuất gia là để đi tìm cái manh mối đó mà tháo gỡ lần lần, hầu đem lại sự an bình cho chúng sanh.

    Những lời Pháp của Ngài toàn là xoay quanh vấn đề Sanh Tử, giúp cho chúng sanh có được một nhận thức rõ ràng về việc sanh tử. Trong khi chúng sanh nghĩ rằng việc Sống Chết quan trọng vô cùng thì Ngài giải thích rằng, không quan trọng!

    Cái quan trọng là làm sao để thoát được sanh tử, chớ không phải là được sanh tử, tại vì sao? Vì Sanh Tử đưa đến Luân Hồi, trở đi trở lại, mà đã trở đi trở lại thì sẽ không bao giờ chấm dứt bất kỳ cái gì cả, và như vậy, sẽ không bao giờ có cái bắt đầu và có cái chấm dứt. Tất cả đều liên tục với nhau, do ở cái gì? Do ở những nghiệp chướng mà mình đã tạo ra.

    Chính cái nghiệp chướng đó mới tạo ra Vòng Sanh Tử. Vì vậy mà Ngài muốn cho Chúng Sanh phải chấm dứt cái Vòng Sanh Tử. Tất cả những lời Pháp của Ngài rất là đa dạng dưới nhiều hình thức, nhưng chung quy cũng nằm trong vấn đề cốt tủy là Sanh Tử. Chúng Sanh phải thoát Vòng Sanh Tử thì mới có thể thăng hoa được.

Ngày nay, hoàn cảnh quốc gia cũng như xã hội rất thuận lợi cho người muốn xuất gia, gần như không có cái gì là rào cản khiến cho người xuất gia không thực hiện được ước nguyện của mình, chỉ trừ phi đó là những rào cản có tính cách cá nhân. Người xuất gia có vô số tài liệu về Phật Pháp để nghiên cứu, để nghiền ngẫm, để tư duy.

Pháp chính là đầu mối để dẫn dắt chúng sanh thoát khỏi sự mê lầm, thoát khỏi cái Biển Khổ đang rực lửa. 49 năm nói Pháp của Đức Bổn Sư đã để lại cho chúng sanh hằng triệu lời Pháp, hằng triệu tư tưởng, hàng hàng lớp lớp cách thức để giúp chúng sanh mở trí, mở tâm, mở ý, hầu có thể bứt được Vòng Sanh Tử mà thoát kiếp Luân Hồi.

Người xuất gia dễ dàng tiếp cận với những lời Pháp, có nhiều phương tiện, nhiều cơ hội, nhiều thời gian để tư duy, để học hỏi, để thực hành, để trau giồi phần Tâm Linh của mình. Tự bản thân của người xuất gia, nếu không tôi luyện phần tâm linh, không sống một cách chân thật với Tâm Ý của mình (mà tâm ý của người xuất gia cũng chính là tâm ý của phật), thì làm sao có thể dẫn dắt chúng sanh thoát khỏi cuộc đời mê muội để đi trên con đường tiến đến sự Thăng Hoa?

Tâm Ý của Đức Bổn Sư là hoàn toàn vì chúng sanh và cho chúng sanh. Ngài không màng bất kỳ cái gì cho riêng bản thân mình. Ngài nhận tất cả những gì mà chúng sanh cho để nuôi sống thân mình, để duy trì cái thân xác, vì đó chính là phương tiện để phát huy Trí Huệ, để vun bồi phần Tâm Linh cho rực sáng lên, nhờ đó mà nảy sinh ra biết bao nhiêu cách thức, bao nhiêu chân lý, triết lý để giúp cho đoàn Tăng Chúng từ già đến trẻ, từ thấp đến cao, từ vô học đến học cao hiểu rộng...tất cả đều hiểu được mấu chốt của Vòng Sanh Tử, hiểu được lý do vì sao con người cứ bị cuốn hút vào cảnh trầm luân của kiếp luân Hồi.

Người xuất gia cần phải hiểu cho thật rõ, sự hiện diện của mình ngày hôm nay trên cõi Đời là kết quả của cái Vòng Sanh Tử, một khi mình cắt đứt được cái Vòng Sanh Tử đó rồi thì sẽ không còn hiện diện ở cõi Ta Bà này nữa, sẽ được thăng hoa, và nơi an dưỡng đời đời kế tiếp sẽ là Tây Phương Cực Lạc, Quốc Độ của Đức A Di Đà Phật.

Việc chọn lựa Tây Phương Cực Lạc Quốc làm nơi dung thân vĩnh viễn cho những chúng sanh đã cắt đứt được Vòng Sanh Tử, chính là hành động vì chúng sanh và cho chúng sanh của Đức Bổn Sư. Việc làm của Ngài thật là vô cùng chu đáo, tỉ mỉ và nhiều tính toán.

Do đó, chúng sanh bắt buộc phải thâm nhập Pháp mới hiểu được thâm ý của Ngài; và một khi đã thấu đáo được cái thâm ý đó rồi thì việc tu tập để tiến đến việc bứt phá Vòng Sanh Tử cũng chỉ là thời gian cùng chút ít sự nhẫn nại mà thôi.

Người xuất gia tu tập cho bản thân mình, đồng thời chia sẻ cùng với các Phật Tử hữu duyên sự hiểu biết của mình, những tư duy, những kinh nghiệm về việc hành Pháp, ứng dụng Pháp vào trong đời sống.

Do đó, việc lơ là trong vấn đề đọc Pháp, tư duy Pháp và hành Pháp đối với người xuất gia là một lỗi lầm không nhỏ!! Người xuất gia có thâm nhập được Pháp thì mới có đủ khả năng chuyển tải lời Pháp đến cho các Phật Tử hữu duyên để cùng tư duy và thâm nhập.

Ngày còn tại thế, Đức Bổn Sư chưa từng làm chủ một ngôi chùa nào cả; đoàn Tăng Lữ cũng y như vậy. Những nơi đón tiếp Đức Bổn Sư cùng Tăng Chúng là do dân chúng hết lòng ủng hộ xây dựng lên. Đoàn Tăng Lữ tiếp tục cuộc hành trình, không mang theo bất cứ một vật sở hữu nào từ công trình xây cất. Điều đó đã nói lên rằng, việc tạo dựng chùa miếu không phải là mục tiêu chánh yếu trong vấn đề hoằng Pháp.

Điều tối cần đối với người xuất gia chính là tôi luyện bản thân mình để có được một căn bản tu tập vững chắc, biết rõ đường đi nước bước, cũng như hướng đi đúng để dẫn đường cho những kẻ thật tâm đến với mình.

Người xuất gia giúp cho người trên Dương Thế thăng hoa, đồng thời cũng giúp cho người đã qua đời thăng hoa. Không phải ai cũng biết tu tập khi còn ở hiện đời. Những Nghiệp không lành đã gây tạo ra khi còn trên cõi Đời, làm cản trở bước chân của Vong Linh rất nhiều trong việc đi tìm nơi an trụ kế tiếp. 49 ngày đặc ân dành cho Vong Linh tu tập để giúp cho Nghiệp Chướng của hiện đời nhẹ bớt đi, để Vong Linh còn có thể cất nhắc đôi chân tìm đường thác sinh. Vong Linh rất cần Thiện Tri Thức hướng dẫn để tu tập, biết sám hối những nghiệp tội của mình.

Người xuất gia giúp cho Vong Linh hành trì Sám Hối-Trì Chú-Niệm Phật, và đồng thời phải giảng Pháp cho Vong Linh nghe thật nhiều để Thần Thức của Vong Linh chỉnh sửa lại Tâm-Ý-Tánh của mình, một chút Trí Huệ bừng sáng sẽ có thể giúp cho Thần Thức của Vong Linh chọn lựa con đường về với Phật thay vì phải trở lại cõi Ta Bà lặn hụp trong Biển Trầm Luân. Công Đức của người xuất gia thật vô lượng vô biên!

Người xuất gia mang một trọng trách thiêng liêng là dẫn dắt chúng sanh. Nếu người xuất gia giữ đúng Tâm-Ý của Đức Bổn Sư và hành theo Tâm - Ý đó thì mới đúng thực là Bồ Tát ở Hiện Đời.

Dưới mắt của Đức Bổn Sư, mỗi một người trong Đoàn Tăng Chúng là một vị Bồ Tát. Vì sao? Vì họ đã thấm nhuần lời Pháp của Đức Bổn Sư, đã hiểu rõ cách thức để bứt Vòng Sanh Tử mà thoát kiếp Luân Hồi. Họ đang tu tập để tôi luyện cho bản thân mình một sức mạnh, sức mạnh đó chính là sự tỏa sáng của ngọn đèn trí huệ. Họ sẽ thăng hoa ngay khi họ còn tại thế, và tư cách của họ là tư cách của một Vị Bồ Tát, Bồ Tát ở Hiện Đời !!

Người xuất gia cần một Trí Huệ phát sáng, chớ không cần chùa lớn, miểu to, vì chùa to miểu lớn không thể giúp cho người xuất gia tỏa sáng trí Huệ được. Chùa càng lớn, càng to, bổn phận và trách nhiệm của người xuất gia càng nặng nề, thời gian tu tập bị tiết giảm rất nhiều.

Dù biết rằng một cảnh chùa nguy nga tráng lệ cũng đóng góp khá nhiều cho phong cảnh của một vùng, nhưng không thể nào quan niệm rằng mỗi người xuất gia phải cố gắng tạo cho mình một ngôi chùa khang trang đẹp đẽ. Người xuất gia đã rũ sạch hết tất cả những gì còn bám víu vào bản thân mình, chỉ còn lại có 3 bộ đồ nâu sòng vỏn vẹn, thì như vậy có nên làm chủ của chùa to miểu lớn hay không? Mình đã đi tìm Đạo Giải Thoát thì tại sao lại còn sanh ràng buộc?

Có những người thật tâm tu tập, nhưng suốt cả đời cũng vẫn không có một mái chùa để che thân, thế nhưng họ vẫn làm được công chuyện của người cứu độ chúng sanh. Trong tất cả mọi hình thức, mọi hoàn cảnh, mọi nơi chốn, người xuất gia đều có thể dẫn dắt được chúng sanh, không nhất thiết là phải tiếp rước họ nơi chùa lớn, khang trang.

Người xuất gia “cắt ái ly gia” chỉ với một ước nguyện duy nhất là tu tập, để khi nhắm mắt lìa đời, Thần Thức sẽ được tiếp rước về nơi mình mong muốn, đó chính là Tây Phương Cực Lạc Quốc.

Tất cả những người nào thật tâm muốn đi cùng con đường, người xuất gia sẵn sàng chia sẻ, chỉ dạy, bảo trợ và chở che để họ cùng đi đến nơi đến chốn.

Người thiếu thiện tâm cũng vẫn được tiếp đón, nhưng nếu họ không thu thập được điều họ mong muốn thì đó là do ở Tâm Ý của họ không Lành.

Người xuất gia muốn hoàn thành ước nguyện của mình, bắt buộc phải tuân thủ những điều sau đây:

  1. Lấy Giới Luật làm đầu - Sống với Giới Luật - Tư tưởng theo Giới Luật - Phải tự đặt mình dưới một kỷ luật tự giác thật nghiêm minh.

  2. Không tham lam. Tiền cúng dường của Đàn Na Tín Thí là để giúp cho người xuất gia không phải cực nhọc bươn chải kiếm sống, có đủ thì giờ để đọc Pháp, tư duy Pháp, hiểu Pháp, chiêm nghiệm Pháp và áp dụng Pháp vào đời sống vật chất lẫn tâm linh. Trí Huệ của người xuất gia có phát sáng thì sự dẫn dắt chúng sanh mới thật sự đúng đường.

  1. Đem hết tâm thành để tu tập. Việc tu tập đòi hỏi một sự kiên trì tha thiết hành trì mỗi ngày việc Sám Hối, Trì Chú, Niệm Phật.

Từ vô thỉ kiếp, Nghiệp chất chồng cao hơn núi, tuy rằng ngày giờ này có đem hết tâm thành để sám hối ăn năn, nhưng Đạo Lực còn yếu ớt mà Nghiệp Lực thì hằn sâu, làm thế nào để có thể phai mờ được những hình ảnh của nghiệp lực trong Tâm Thức? Chỉ có công năng của câu Thần Chú của Phật và Bồ Tát mới có thể làm được việc đó mà thôi.

Việc tu tập cũng đòi hỏi một sự chỉnh sửa Tâm - Ý - Tánh, nhất là phần Tánh, vì điều kiện tiên quyết để được tiếp dẫn về Cực Lạc là phải sửa tánh.

Người xuất gia phải vô cùng thận trọng với cái Tánh của mình, với những thói quen Tốt - Xấu của mình. Cần phải liệt kê ra hẳn hòi và sửa đổi từ chút một cho đến ngày nhắm mắt hắt hơi. Không thể nào an nhiên tự tại giữ những tánh xấu, những thói hư để mang đi về Cực Lạc được.

Nói tóm lại, người xuất gia muốn được về an dưỡng dưới mái nhà Cực Lạc cần phải:

  1. Sửa Tánh

  2. Đào luyện Tâm mình để trở nên một Tâm trong sáng

  3. Phải giữ Ý của mình từ chút...từ chút để không bao giờ có những tư tưởng quấy trá xảy đến, hay phải thốt ra những điều không tốt đẹp dù chỉ nhỏ như hạt cát.

Ngoài ra, còn phải dùng Pháp để hoán chuyển Tâm Thức của mình. Khi đã trở thành một Thần Thức rồi, với một Tâm Thức tối đen như mực, e rằng sẽ không dễ dàng để được tiếp đón về nơi chốn mà mình nguyện ước đâu.

Người xuất gia sẵn sàng và thẳng thắn từ chối bất cứ một giao tế nào có tính cách thiên về Danh và Lợi, vì điều đó sẽ làm hỏng cả một tương lai tu tập của mình.

Người xuất gia đã “cắt ái ly gia”, từ bỏ những tình cảm cá nhân và gia đình, trong đó bao gồm luôn cả Đạo Hiếu, quyết tâm tu tập để thực hiện ước nguyện Vãng Sanh Cực Lạc của mình, sẽ không vì một chút cả nể, không vì một chút lợi lạc riêng tư nào đó, để rồi tự tay mình hủy hoại cả một công trình tu tập, cả một ước mơ hằng ôm ấp.

Người xuất gia hằng ngày đem hết tâm thành tu tập, ra sức chỉnh sửa Tâm - Ý - Tánh của mình, thâm nhập Pháp để giúp cho Tâm Thức ngời sáng lên, ngọn đèn Trí Huệ bừng sáng, dẫn dắt bản thân mình, dẫn dắt cho cả những người hữu duyên và cũng không quên giúp đỡ cho các Vong Linh bước ra khỏi mê muội tối tăm, tìm được con đường thác sanh tốt đẹp kế tiếp.

Bao nhiêu Công Đức tu tập hằng ngày, bao nhiêu Phước Đức hành Thiện, sẽ được người xuất gia trân trọng hồi hướng cho các Đấng Sanh Thành, cho Cửu Huyền Thất Tổ, cho Anh Chị Em Dòng Họ để đáp đền ơn tri ngộ cho cuộc gặp gỡ thâm tình ở Hiện Đời.

Đừng bao giờ làm uổng phí 4 chữ CẮT ÁI LY GIA vì nó mang một ý nghĩa vô cùng là thanh cao và tốt đẹp.

Cắt ái ly gia là để cứu mình, cứu người, cứu cả dòng họ mình.

Còn Cắt ái ly gia chỉ để mua Danh, mua Phật, lập chùa cao, miểu lớn, nhận rất nhiều tiền cúng dường, để rồi sau đó, sống một cuộc đời của một người bình thường, như vậy sẽ mang một tội rất...rất là lớn, đó chính là Tội Nói Dối!! Dối với bản thân mình, dối với gia đình mình và dối với người Đời.

Thầy mong rằng, tất cả sự hiểu biết nơi đây sẽ giúp cho những người đã từng và hiện có ý tưởng muốn xuất gia, có cơ hội lắng đọng tâm tư mình, đặt cho mình thật nhiều câu hỏi để có câu trả lời chính xác nhất về quyết định của mình.


+ 63
View Desktop
Version
\