Lạc Pháp

Tu Tại Gia

Aug 02 2021
Tu Tại Gia 134272340

Kính bạch Sư Phụ,

Trong bài Pháp trước, Sư Phụ đã giải thích rất rõ ràng về ý nghĩa của việc Xuất Gia. Điều con muốn thỉnh ý Sư Phụ nơi đây chính là việc Tu Tại Gia.

Có rất nhiều người cả đời mong ước được xuất gia nhưng hoàn cảnh chưa cho phép hay không cho phép. 

Kính xin Sư Phụ từ bi cho một lời giải thích để mọi người có được sự nhận định đúng về việc tu tập dù dưới hình thức nào, Xuất Gia hay Tại Gia.

Nguyên tắc căn bản của việc tu tập là phải chỉnh sửa Tâm - Ý - Tánh.

Suốt một đời Người mấy mươi năm cho chí đến 100 năm, mỗi con người đã nghĩ, đã suy, đã nói, đã làm biết...biết bao nhiêu điều, từ tốt đến xấu, từ đúng đến sai, từ hiền đến dữ, từ nên đến không nên...tất cả đều được thu nhận và giữ gìn theo thứ tự lớp lang, không thiếu sót một việc nào cả dù rất là nhỏ nhặt, hay dù chỉ mới thoáng qua trong đầu.

Chính Tâm Thức đã làm công việc đó với sự trợ giúp đắc lực của Mạc Na Thức. Cuối cuộc đời của một người, trong giây phút hấp hối, chính là lúc mà Mạc Na Thức làm công việc chuyển giao cho tâm thức toàn bộ những chi tiết hành động của cuộc đời của chính con người đó (sau khi đã thanh lọc từng hành động tốt và xấu của người đó), nếu thời gian trước đã làm chuyện sai trái, nhưng sau đó biết hối lỗi và sửa đổi thì việc xấu đó xem như không còn nữa, không cần phải chuyển trở lại cho Tâm Thức. Sau khi nhận được “bảng thanh lọc” từ Mạc Na Thức, Tâm Thức sẽ chuyển toàn bộ cho A Lại Da Thức gìn giữ để sắp xếp trở lại những gì thuộc về Tâm Linh trong Thân Xác Mới của Vong Linh người đó.

Sau khi hoàn tất nhiệm vụ, Mạc Na Thức biến mất cùng với Ngũ Thức, chỉ còn lại Tâm Thức và A Lại Da Thức luôn luôn dính chặt với Thần Thức của Vong Linh qua từng kiếp Người. Điều đáng ghi nhớ là, Tâm Thức không khác cái máy ảnh, nó chụp và lưu giữ toàn bộ những diễn biến “nguyên thủy” về cuộc đời của một người từ thuở ấu thơ cho đến ngày vĩnh viễn xa rời trần thế. Lưu giữ không phải chỉ có một kiếp, mà là nhiều đời nhiều kiếp hay vô thỉ kiếp.

Bàng bạc trong những diễn biến của cuộc đời con người là những nghiệp lực gây tạo với người chung quanh. Nghiệp lực càng chất chồng, màn vô minh càng dày lên. Chính vì thế mà ngọn đèn Trí Huệ không thể bật sáng lên được, và điều này đưa đến cái vòng lẩn quẩn, đó là : vì thiếu trí huệ nên dễ sai lầm, do đó không chùn tay khi gây tạo nghiệp tội, nghiệp tội càng chất chồng thì Tâm Thức càng tối đen, màn vô minh càng dày đặc, ngọn đèn trí huệ vẫn im ỉm, không thể thắp sáng được.

Muốn thắp sáng ngọn đèn Trí Huệ, bắt buộc phải làm cho màn vô minh mỏng dần đi, khi đó Tâm Thức mới lộ được cái bản chất trong sáng của nó và bật lên ngọn đèn trí Huệ.

Từ nãy giờ Thầy dài dòng nhắc lại vai trò của Tâm Thức từ một bài Pháp đã được Thầy giảng dạy từ trước.

Thầy muốn nhắc nhở cho Chúng Sanh nhớ rằng, chính những nghiệp lực do Chúng Sanh gây tạo ra từ nhiều kiếp Người đã dẫn dắt Chúng Sanh trở đi trở lại cõi Ta Bà. Ngày nào mà Chúng Sanh ngưng tạo Nghiệp, hay bớt tạo nghiệp và chuyên tâm làm cho Tâm Thức của mình sáng rực lên, khi đó Thần Thức mới có thể thăng hoa và dừng chân ở bất cứ nơi nào mà mình muốn.

Muốn được như vậy thì phải xóa đi những sai lầm đã khắc ghi trong Tâm Thức của mình.

Chỉ có sự chân thành, thật dạ ăn năn sám hối của mình, cộng thêm công năng của câu Thần Chú của Phật và Bồ Tát, được trì lên với một cái Tâm thật An Bình, phẳng lặng, cùng với lời niệm Phật tha thiết và thành tâm, mới mong nương vào Phật Lực mà xóa mờ đi những hình ảnh nghiệp chướng đã hằn sâu trong Tâm Thức của mình.

Do đó, Sám Hối - Trì Chú - Niệm Phật là những bước căn bản giúp cho Tâm Thức sáng lần lên.

Khi Tâm Thức sáng lên thì sẽ không còn hiện hữu những ý tưởng tối đen, những ý tưởng xấu xa hại người, những mưu mô xảo trá, kém cao thượng, không còn nhân tính.

Câu hỏi được đặt ra là, tại sao Chúng Sanh dễ dàng làm điều sai trái? Dễ dàng tạo tội? Dễ dàng cướp đoạt của Người?

Tất cả cũng chỉ vì Chúng Sanh đang bị khống chế bởi 3 cái Tánh được gọi là Tam Độc Tham - Sân - Si. Ba cái Tánh này được sự hỗ trợ vững chắc của những dây tơ rễ má của chúng, đó chính là những Tánh Xấu cùng những thói tật hư đốn của mỗi Chúng Sanh. Do đó đã khiến cho Chúng Sanh liên tục tạo Nghiệp Chướng không ngừng từ những kiếp trong quá khứ cho đến kiếp hiện tại, và biết đâu luôn cả một hay nhiều kiếp ở vị lai.

Chúng Sanh đã gây tạo nghiệp chướng ở cõi Ta Bà thì đương nhiên phải trở lại cõi Ta Bà để thanh toán, nhưng khi trở lại thì nghiệp chướng trả chẳng được bao nhiêu, do có nhiều tánh xấu nên đã làm cho nghiệp chướng trở nên nặng nề hơn, nếu không muốn nói là Vốn - Lời chồng chất. Bên cạnh đó, nhiều nghiệp chướng mới được gây tạo thêm, vì vậy, Tâm Thức, bản chất từ nhiều kiếp trước đã tối đen, kiếp này do hằng loạt những tánh xấu của Chúng Sanh mà lại càng đen tối hơn.

Điều này chứng tỏ rằng, thủ phạm khiến cho Tâm Thức càng ngày càng tối đen, khiến cho Ý Thức không còn được trong sáng nữa. đó chính là cái Tánh, toàn bộ những Tánh Xấu, những thói tật hư đốn của mỗi Chúng Sanh.

Có sửa được những tánh xấu, có triệt tiêu được những thói tật xấu xa của mình thì mới có cơ hội ngưng tạo những nghiệp lực mới.

Cứ mỗi lần một tánh xấu được chỉnh sửa, một thói xấu được buông bỏ thì sẽ có một tánh tốt, một thói quen tốt thay thế vào. Tánh tốt, thói quen tốt được ví như thau nước trong, có khả năng tẩy rửa, làm mờ dần đi cái màu đen trong Tâm Thức. Bên cạnh sự gột tẩy đó là một sự thiết tha, chân thành hành trì mỗi ngày nghi thức Sám Hối - Trì Chú - Niệm Phật để làm mờ đi những hình ảnh nghiệp chướng khắc ghi trong Tâm Thức.

Có được như vậy thì mới có thể làm cho Tâm Thức ngời sáng lên và bật sáng được ngọn đèn Trí Huệ.

Khi những tánh xấu, những thói hư đã được chỉnh sửa và triệt tiêu, người tu tập sẽ có được cảm giác nhẹ nhàng, an bình, nhất là khi có thể buông bỏ được Tự Ái xuống thì thái độ, cách đối xử, cách hành xử, cách đối đáp của người tu tập sẽ hoàn toàn đổi thay. Cái tính chất Sân Hận không còn nữa để có thể làm bùng lên một sự xung đột hay một hiềm khích với người chung quanh, Sự hòa nhã giúp cho người tu tập luôn luôn giữ được Tâm Bình, chớ không phải chỉ riêng trong thời gian ngắn ngủi vài ba tiếng đồng hồ mà thôi.

Tâm Bình là chìa khóa mở được tất cả cánh cửa. Muốn có được Tâm Bình, bắt buộc phải sửa tánh, sửa từ tánh lớn đến tánh nhỏ, sửa từng thói quen xấu, từng cử chỉ xấu, từng lời nói xấu, từng hành động xấu, từng ý tưởng xấu. Nhất cử nhất động của chính bản thân người tu tập phải luôn luôn được quan sát để kịp thời chỉnh sửa.

Có sửa được tánh xấu, thói quen xấu thì mới tiếp nhận được những tánh tốt, thói quen tốt. Đối phó với nghiệp lực phải bằng những tánh tốt; nếu dùng những tánh xấu để chống chọi lại với nghiệp lực, sẽ vô tình làm cho nghiệp lực càng hung hãn thêm lên.

Việc tu tập không phức tạp, không rườm rà. Ngày xưa, trình độ hiểu biết của Chúng Sanh thời bấy giờ còn thấp kém, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật phải sử dụng mọi cách thức, mọi phương tiện, dùng nhiều thí dụ, nói thật nhiều lời để giúp cho Chúng Sanh hiểu và thâm nhập lời Pháp của Ngài. Nguyên tắc căn bản Ngài vạch ra để dẫn dắt Chúng Sanh đi đúng con đường tu tập để tiến đến sự thăng hoa, chính là THÂN (Tánh) - KHẨU (Tâm) - Ý (tức là Tâm-Ý-Tánh).

Tu tập là chỉnh sửa, là giùi mài, là trau giồi Thân-Khẩu-Ý của mình cho càng ngày càng rạng ngời lên, như thế mới có thể đối phó với nghiệp lực, mới có thể cắt đứt được Vòng Sanh Tử để thoát kiếp Luân Hồi.

Người tu tập phải biết rõ con đường mình đi, lộ trình như thế nào? đi bằng phương tiện gì? Nơi dừng chân cuối cùng ở tại nơi đâu?

Người tu tập không khác gì người tài xế đang lái chiếc xe. Người tài xế không thể lái chiếc xe đi loanh quanh, không định hướng, không biết mình sẽ đi trên con đường nào, và cũng không biết mình sẽ dừng xe lại ở nơi đâu?

Tu tập là phải thường xuyên nhận định từng bước tu của mình, tuyệt đối không “tu mù”, không tu theo thị hiếu.

Dù người xuất gia hay người tu tại gia, đường tu tập vẫn chỉ có một con đường, đó là nguyên tắc căn bản; không đi theo đúng nguyên tắc căn bản này thì khó lòng đạt được sự Chứng Đắc. Không có Vị Bồ Tát nào mà mang một Tâm tối đen, với toàn những Ý Tưởng kém cao thượng, xấu xa, và trang bị với biết bao nhiêu Tánh Xấu, bao nhiêu Thói Hư.

Vì vậy, xuất gia hay tại gia vẫn bắt buộc phải chu toàn việc chỉnh sửa Tâm - Ý - Tánh.

Người tu tại gia vẫn làm được Hạnh Nguyện của người xuất gia. Vẫn có thể áp dụng tất cả những cách thức của một người xuất gia là luôn sống mực thước, luôn giữ Giới mà mình đã thọ (hoặc Ngũ Giới hay Bồ Tát Giới), luôn để ý đến từng hành động, từng cử chỉ, từng lời ăn tiếng nói của mình, sống hòa nhã với người chung quanh, sẵn sàng giúp đỡ cho những ai cần đến mình. Việc tu tập tiến hành đều đặn mỗi ngày, không có bữa lặn bữa mọc, cần phải đọc Pháp thường xuyên, tập tư duy để thấu hiểu Pháp một cách rõ ràng, như thế mới có thể thâm nhập Pháp và hành Pháp một cách dễ dàng.

Nói tóm lại, dù là người xuất gia hay là người tu tại gia, dù là người có ý muốn xuất gia hay là người không có ý muốn xuất gia, cũng đều bắt buộc phải hành xử y như nhau trong vấn đề tu tập thì mới thật sự là người tu tập chân chính.

Cho nên, xuất gia hay tại gia đều không quan trọng; cái vấn đề chánh yếu là phải làm sao hoán chuyển được tất cả những cái Thức của mình, nhất là Tâm Thức, điều đó mới vô cùng là quan trọng.

Dù là còn tại gia mà tư cách, tâm tư, cách thức tu tập, cách thức hành xử không khác với những gì mà Đức Bổn Sư đã làm khi còn tại thế, thì sẽ không khác gì là đang ở cạnh Đức Bổn Sư. Còn xuất gia mà không tu tập chân chính, làm những điều không tốt đẹp, những điều nằm trong giới cấm thì cũng vẫn không tròn tư cách của một người xuất gia đâu!

Người tu tại gia hay xuất gia đều bắt buộc phải buông bỏ tất cả những tánh xấu.

Nếu người tu tại gia hiểu được tư cách của một người tu tập chân chính, biết tiết giảm những giao tế có thể gây nên điều thị phi không tốt đẹp, tạo nên nghiệp chướng, thì quả là một điều rất tốt!

Cho nên, việc tu tập cần phải được nghĩ suy một cách cặn kẽ, đứng đắn và chân chính để có thể mang đến một kết quả tốt đẹp được.

Đã quyết định tu tập, đã phát nguyện vãng sanh Cực Lạc thì phải đem hết tâm thành để vào việc tu tập. Đời người qua rất nhanh, chẳng mấy chốc mà chân run gối mỏi, nếu vừa tu vừa chơi thì cứ cầm chắc thất bại trong tay, rất cần người Siêu Độ cho mình lúc lâm chung.

Nếu tu tập một cách đàng hoàng, chân chính, theo đúng nguyên tắc căn bản của việc tu tập, hằng ngày luôn kiểm Tâm, kiểm Ý, kiểm Tánh, bao nhiêu công đức từ việc tu tập, bao nhiêu phước đức tích lũy, tất cả đều chân thành hồi hướng cho các Oan Gia Trái Chủ, người tu tập sẽ dần dần cảm nhận được một sự đổi thay trong tâm tư mình, trong quan niệm sống của mình, và ngay cả trong chính cuộc sống của mình.

Khi bỏ báu thân, Thần Thức đủ sáng suốt để tìm về đúng nơi mình mong muốn.

Dù tu ở nhà hay tu ở chùa, sự tu tập vẫn luôn đòi hỏi SỰ CHÂN CHÍNH, một sự chân thật phát tâm !!


 


+ 57
View Desktop
Version
\