Lạc Pháp

Nuối Tiếc

Apr 04 2023
1307081203 1307081203

Kính bạch Sư Phụ,

Con có đọc được một quyển sách của một cô y tá chăm sóc cho những bệnh nhân sắp sửa lìa Đời, cô ấy đã tiếp xúc với rất nhiều người sắp lâm chung. Qua tâm sự của những người này, cô góp nhặt lại những điều mà họ nuối tiếc nhất trong cuộc đời của họ.

Trước tiên là: họ không sống thật với lòng mình, họ sống theo thị hiếu nhiều hơn và cũng không sống đúng với cái nguyên tắc căn bản thông thường của cuộc sống làm Người.

Điều thứ 2: Họ chạy theo tiền bạc, vật chất quá nhiều; họ phải cật lực làm việc, không phải chỉ để nuôi sống bản thân mình và gia đình, mà còn trang trải những đòi hỏi vật chất, do đó mà họ uổng phí đi quá nhiều thì giờ.

Điều thứ 3: Họ nuối tiếc là vì họ không có đủ can đảm để diễn tả cái tâm tư của họ đối với những người chung quanh, do đó mà họ lẳng lặng, âm thầm.

Điều thứ 4: Họ nuối tiếc nhiều là họ đã không giao tế tốt đẹp hơn với bà con, với bạn bè.

Điều thứ 5: Họ nuối tiếc là họ đã không lựa chọn được một cuộc sống giúp cho họ hạnh phúc hơn, tuy rằng họ không lựa chọn được hoàn cảnh, nhưng, họ vẫn có thể chọn được cái phản ứng đối với những hoàn cảnh, chọn được cái cách thức để họ đối đầu với một vấn đề; và họ ước gì họ có được những chọn lựa để đem lại cho họ một cuộc sống hạnh phúc hơn.

Đó là 5 cái điều mà người ta đã chia sẻ lại với cô y tá trong giây phút lâm chung. Có thể nói, đây là những điều mà người ta nuối tiếc nhất trong cuộc đời của họ.

Con muốn thỉnh ý Sư Phụ là, Chúng Sanh nên sống như thế nào để vào phút lâm chung có ít đi, hay không muốn nói là không có sự Nuối Tiếc nào cả? và làm sao để giúp cho một Vong Linh có thể nhẹ nhàng buông bỏ những Nuối Tiếc của mình lúc còn sanh tiền để có thể dễ dàng siêu thoát?

Thật sự ra 5 cái điều nói ở trên, thực chất của nó vẫn là cái tánh Tham của con người.

Người ta nuối tiếc cái gì? những điều mà người ta nuối tiếc phát xuất từ đâu? Nó phát xuất từ ở duy nhất cái tánh Tham! Vì tham lam cho nên con người chỉ nhìn thấy trước mắt mình là những đồng tiền, là những tờ giấy bạc. Ngoài sau cái đồng tiền đó, ngoài sau cái tờ giấy bạc đó là cái gì? Không cần biết!!

Đối với những kẻ bất lương, ngoài sau cái tờ giấy bạc đó là Sự Lừa Đảo.

Đối với một người thiếu ăn thiếu mặc, ngoài sau của tấm giấy bạc đó là Cơm Gạo, là Áo Quần ấm áp.

Đối với những người thích ăn chơi, phung phí thì ngoài sau của tờ giấy bạc là những Ly Rượu, Canh Bài, Ma Túy, Hút Sách…

Đối với một người thật tâm tu tập, họ cũng cầm đồng tiền, nhưng ngoài sau cái đồng tiền đó là cái Dạ Từ Bi, cái Tình Tương Trợ, cái Ý muốn chia sẻ, giúp đỡ.

Tóm lại là, có 2 hạng người: một hạng gồm những người biết tu tập, khi họ cầm cái đồng tiền, những đồng tiền đó không phải để trang trải cho mình, không phải để mua vui cho mình, không phải để làm cho mình sung sướng mà là để đem lại nụ cười, sự ấm êm, sự lợi lạc cho kẻ khác, do đó mà đồng tiền bất vụ lợi.

Một hạng người khác cũng cầm đồng tiền, nhưng đồng tiền đó hoàn toàn dành cho chính bản thân mình và chỉ có mình mà thôi, do đó đồng tiền trở nên vụ lợi.

Tất cả những cái gì gọi là bất vụ lợi, người ta có phải tiếc nuối hay không? Người ta không cần tiếc nuối! Còn tiền là còn giúp đỡ, còn lo lắng, còn chia sẻ. Hết tiền thì giúp bằng cách khác, không giúp bằng vật chất thì giúp bằng tinh thần; cho nên cái nguồn cung cấp không bao giờ ngừng, khi nào có vật chất thì giúp theo vật chất, khi nào không có vật chất thì giúp theo tinh thần.

Còn người sống vụ lợi thì một đồng tiền mất là một sự nuối tiếc, hai đồng tiền mất là hai sự nuối tiếc; nhưng, nếu đồng tiền đó dùng để trang trải cho bản thân mình, làm thỏa mãn những ước muốn của mình thì không có nuối tiếc gì hết, chỉ có nuối tiếc một điều là Tiền không có đủ nhiều để trang trải.

Vì vậy mà khi mình không sống thật với bản thân mình, tức là mình đã vụ lợi rồi, mình lợi dụng kẻ khác để thỏa mãn cá nhân mình.

Khi phép Đối và Đãi không được tương xứng, tức là một bên Đối Tốt, hết lòng hết dạ, chân thật; một bên Đãi lại rất là hững hờ, có tính cách xã giao, lấy lệ, cách đối xử này sẽ đưa đến tình trạng là một ngày nào đó, khi người ta nhận ra được là tôi đã lợi dụng người ta để trục lợi cho bản thân tôi, người ta có còn tiếp tục giao tế với tôi nữa hay không? Do đó mà tôi đâm ra nuối tiếc.

Tôi không SỐNG THẬT với con Người của tôi là vì sao? Vì bản chất thật của tôi mang quá nhiều Tánh Xấu. Nếu tôi để cho người ta phát hiện ra những Tánh Xấu đó, nó sẽ không mang lợi lạc đến cho tôi. Do đó mà tôi phải dấu diếm nó, và suốt đời tôi vẫn không sống Thật với bản thân mình.

Chúng ta sẽ khó mà nhìn thấy được nụ cười rạng rỡ, chân thật nơi những người nuối tiếc, họ cười vui theo cái vui của kẻ khác, chớ họ không có cười vui theo đúng với tâm trạng Thật của con người họ.

Một người không có gì để nuối tiếc thì một tiếng chim hót cũng đủ làm cho người đó cảm thấy vui trong lòng, nhìn mưa rơi mà họ cảm thấy một sự thoải mái và thơ thới vì hít thở được cái không khí trong lành, sạch sẽ sau cơn mưa hay sau trận tuyết.

Cho nên, có thể khẳng định rằng, nuối tiếc là một hành động của những kẻ có quá nhiều tánh Tham; hết ham muốn cái này tới ham muốn cái kia, mà một khi đã ham muốn rồi thì luôn luôn mong mỏi cái muốn của mình trở thành hiện thực; nếu như điều mình mong muốn không trở thành hiện thực thì có buồn không? Rồi thì có đâm ra tiếc không? Một cái mối lợi mà mình không thu được, mình để cho nó vuột mất, thử hỏi mình có giữ nổi bình tỉnh không? Hay sẽ phải "bứt tóc, giậm chân kêu Trời" ?

Thực chất của người nuối tiếc là Tham, họ tham đủ thứ, tham tiền tài, tham vật chất, tham danh lợi, tham tình cảm, tham hạnh phúc ... cái gì cũng đặt chữ tham lên trên và cái gì cũng muốn gom về cho mình chớ không nhắm vào cho kẻ khác.

Một người sống chân chính, không nên để Tâm quá nhiều vào những mong cầu, cũng không nên xem trọng những cái muốn của mình. Có những cái muốn có thể chấp nhận được, nhưng cũng có những cái muốn có tính cách hoang phí, những cái muốn đó không cần thiết.

Đối với người biết tu tập, hiểu rõ được thế nào là Tánh Xấu, thế nào là Thói Hư, họ sẽ không đặt nặng hai chữ Nuối Tiếc, vì sao? vì không có gì để nuối tiếc hết!

Khi mà Tâm tôi trong sáng, Ý tôi cao thượng, Tánh tôi không nhỏ nhoi ích kỷ, lúc nào vòng tay của tôi cũng rộng mở, tôi đối xử với người như đối xử với chính bản thân mình, thì như vậy có cái gì để cho tôi phải Nuối Tiếc đâu?

Khi người ta đánh mất một cái gì đó người ta mới nuối tiếc; còn khi mà mình cho ra chớ không khư khư giữ lại, thì sao gọi là nuối tiếc?

Trên gương mặt của một người hay Nuối Tiếc không có sự thanh thản, và hiếm khi nhìn thấy được nụ cười rạng rỡ trên môi. Lúc nào họ cũng đăm chiêu, nghĩ cách này, cách kia, cách nọ để gom mối lợi về cho mình càng nhiều càng tốt dưới đủ mọi hình thức. Giao tế cũng tìm cách gom về cho mình những điều gì tốt đẹp nhất; buôn bán cũng tìm cách gom về cho mình mối lợi nhiều nhất, thậm chí đến những giao tình trong bà con dòng họ, bạn bè thân thiết, lúc nào họ cũng muốn lấn lướt kẻ khác để chứng tỏ rằng mình hơn thiên hạ. Chung quanh họ, đâu đâu cũng đều thể hiện cái Tham.

Khi còn sống họ đã Nuối Tiếc rồi, chớ nói gì đến phút lâm chung; phút lâm chung mà họ càng tỏ ra Nuối Tiếc, chắc chắn rằng họ đang ôm cái cục đá Nghiệp Lực cũng khá lớn đi theo. Cả đời họ không biết thế nào là tương trợ, là giúp đỡ, là chia sẻ, là hòa đồng ... thì cái cục đá Nuối Tiếc đó sẽ được Thần Thức của Vong Linh kéo lê mãi trong cõi U Minh, có thể trong vài trăm năm hay thậm chí đến cả ngàn năm. Rồi thì cơ duyên đến, Thần Thức trở lại kiếp Con Người, sự Nuối Tiếc ít nhiều còn vương vấn, để rồi bổn cũ soạn lại và tiếp tục con đường của cái kiếp mới vừa qua.

Tóm lại, Buông Xả là phủi tay, với Nuối Tiếc thì, có đôi khi một vật nào đó đã rơi mất rồi, nhưng người chủ của vật đó vẫn còn chép miệng thở than và luôn mong mỏi tìm lại được nó. Nuối tiếc và buông xả khác nhau như vậy đó!! Kẻ nuối tiếc vẫn còn mang cái gánh nặng trên người, còn người buông xả thì đã vứt cái gánh nặng xuống rồi.

Liệu rằng mình có cảm thấy dễ chịu, thoải mái hay không nếu mà người đồng hành với mình lúc nào cũng chép miệng thở than, tiếc món này, tiếc món kia, tiếc món nọ; cho ai một số tiền rồi thì cũng tỏ ra tiếc là mình đã cho hơi nhiều; làm cái gì cho ai cũng chép miệng than thở, cứ nghĩ rằng, liệu người ta có xứng đáng để nhận được sự giúp đỡ của mình hay không?

Người nuối tiếc thường hay tỏ ra bướng bỉnh và chấp chặt, dù có lời khuyên, họ vẫn cố gắng để bấu chặt, bám chặt những mong muốn, những lợi lạc để cho chúng đừng rơi rớt. Điều này tai hại vô cùng khi họ trở thành Vong Linh. Nếu không được tận tình siêu độ thì một Vong Linh vẫn còn giữ sự Nuối Tiếc bên mình, sẽ khó lòng siêu thoát được.

Siêu độ cho một Vong Linh vẫn còn ôm chặt sự Nuối Tiếc trong lòng là phải vạch rõ cho Vong Linh đó thấy rằng, tất cả mọi việc trên Đời từ vật chất cho đến tinh thần đều là huyễn hoặc, không có thật, nó chỉ là ẢO mà thôi, vì sao? Vì có đó rồi mất đó.

Không có bất kỳ một vật gì trên Dương Thế mà thoát khỏi cái quy luật Thành - Trụ - Hoại - Không. Ngày nào còn nắm giữ nó thì tôi biết rằng nó còn trong tay tôi; tới một lúc nào đó tôi không còn nắm giữ nó nữa bằng cách này hay bằng cách khác, thì cũng đừng cảm thấy hối tiếc, nuối tiếc, phải dè, phải chi…

Những điều đó không nên thốt ra vì không lợi lạc, không giúp đỡ gì được hết, mình phải sống với cái tinh thần, “có thì nhận, không có thì thôi”, chớ không phải rằng, không có thì ngồi đó mà khóc lóc, than Trời trách Đất hay cầu Trời, cầu Phật. Trời Phật không có cung cấp vật chất cho ai hết, biết bao nhiêu cho đủ mà cung cấp? Trời Phật không có thần thông để làm chuyện đó đâu, không có hô phong hoán vũ để có được những cái gì mà người đó ao ước hay người đó đã làm vuột mất đi. Đừng lẫn lộn cuộc Đời Thật với phim ảnh, sách báo; trí tưởng tượng có thể dẫn dắt con người đến với biết bao nhiêu cái ẢO, khiến cho lộng Giả thành Chân, Thật - Hư khó lòng phân biệt được.

Mình sống trên cõi Đời này phải sống thật với cái Tâm của mình, phải sống thật với cái Ý của mình, và phải sống xứng đáng với những Tánh Tốt của mình, thì như vậy khi xuôi tay nhắm mắt sẽ không có gì để tiếc nuối, không có gì để ân hận, không có gì để phải xót xa.

Khi phải cởi bỏ một cái áo đã quá dơ trên thân thể của mình, không thể nói rằng: "để tôi giữ lại cái tay áo!"

Toàn bộ cái áo đó đã dơ quá rồi, nó rất là hôi hám, vứt bỏ nó đi để thay vào cái áo mới, và một khi đã mặc cái áo mới lên người rồi, đã được tắm rửa sạch sẽ thơm tho rồi thì ráng mà giữ gìn chiếc áo, đừng để cho nó rách rưới, đừng để bụi cát bám vào làm cho nó dơ dáy, hôi hám ... Đó mới chính là điều đáng nói!!

Một người sắp sửa đi vào cõi chết mà bộc lộ tâm sự của mình qua những điều mà mình vô cùng Nuối Tiếc, điều đó đã nói lên cái gì? Nó nói lên một sự luyến tiếc, là thời gian sống chưa có đủ để thỏa mãn những ước muốn của mình; cái Chết đến quá nhanh, đối với họ là không hợp lúc, hợp thời, họ muốn sự sống kéo dài hơn nữa và muốn được thỏa mãn tất cả những cái Muốn của mình. Mọi thứ mà người ta Tiếc Nuối đều xuất phát từ ở Tánh Tham mà ra.

Một người quyết tâm sửa Tánh, biết bỏ Tánh Xấu, biết sửa Tánh Xấu để trở thành Tánh Tốt, họ sẽ không có gì để Nuối Tiếc cả, vì sao? vì khi mà họ còn ôm những Tánh Xấu trên người, họ sống không được thoải mái, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ. Sợ những cái gì? Sợ những thứ có thể đụng chạm vào trong quyền lợi của họ.

Người sống với những Tánh Tốt, họ không lao chao, họ không hồi hộp, họ không điêu đứng vì mọi hoàn cảnh, cái gì tới thì họ làm, cái gì không tới thì thôi. Họ làm, họ đón nhận trong tinh thần thoải mái, vô tư, không lo lắng, không vụ lợi, bởi vì tất cả những cái gì mà họ làm, đều chủ yếu là đem lại lợi lạc cho người chung quanh. Khi mình nhận ra được rằng tôi đã đem Lợi Lạc đến cho người chung quanh thì tâm tư tôi sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, dễ thở cùng với một niềm hạnh phúc nho nhỏ dâng trào.

Với một kẻ bất lương, lừa đảo thì khi mà họ lường gạt, chiếm đoạt một vật gì của ai đó, họ cũng tươi cười thỏa mãn, nhưng sự thỏa mãn đó đi kèm với nỗi sợ hãi, niềm lo âu là một ngày nào đó, những hành vi lừa đảo, lường gạt của mình sẽ bị phát hiện, và khi đó mình phải trả giá bằng những ngày tháng trong lao tù.

Cho nên, niềm vui xuất phát từ những Tánh Xấu vẫn không thể nào so sánh được với cái niềm vui trọn vẹn khi mang những điều tốt đẹp, lợi lạc đến cho người Đồng Loại của mình.

Một người sắp sửa bước vào Cõi Chết, tỏ ý Nuối Tiếc vì đã không sống thật với lòng mình, thật vô cùng đáng tiếc vì họ không có được Thiện Tri Thức cận kề để giúp họ giải tỏa điều gút mắt ở trong lòng, giúp cho họ nhận ra những hành động nông nổi, sai lầm, hoặc đầy thiếu sót trên tuyến đường Đời mà họ vừa trải qua, giúp cho họ buông bỏ cái cục đá Nghiệp Lực nặng nề ra khỏi Tâm Thức của họ, có thể khiến cho họ trăm năm, ngàn năm không siêu thoát.

Kính bạch Sư Phụ,

Làm thế nào để giúp cho một người khi còn sống tránh được sự Nuối Tiếc?

Đối với một Vong Linh đang ôm chặt sự Nuối Tiếc trong lòng, phải siêu độ như thế nào để giải tỏa sự Nuối Tiếc đó?

Trong thời gian 49 ngày siêu độ, Vong Linh được chỉ dạy để sửa Tánh. Vong Linh sẽ nhận ra được thế nào là những Tánh Xấu cần phải triệt tiêu, đồng thời tiếp nhận và vun bồi những Tánh Tốt. Do đó, Vong Linh sẽ không còn Nuối Tiếc cái gì nữa hết, tại vì sao? Vì Vong Linh đã học được cái Tánh biết chia sẻ, biết lo lắng, biết hòa đồng, biết hòa nhã, biết lắng nghe và nhất là đối xử với nhau bằng cái Dạ Từ Bi, biết cách đối xử giữa Người với Người mà không có sự phân biệt.

Vong Linh được học cách sống không tham lam, không trục lợi, không bất lương. Nếu Vong Linh biết giùi mài, tiêu hủy được Tánh Xấu, Vong Linh vun bồi được Tánh Tốt, thì khi trở lại cuộc đời, Thân Xác Mới của Vong Linh sẽ không thể nào sống theo cách trục lợi được. Đã không có tham lam thì sẽ không có vấn đề trục lợi, do đó sẽ không đưa đến việc nuối tiếc.

Dạy dỗ cho Vong Linh vun bồi những Tánh Tốt và hủy diệt những Tánh Xấu, đặc biệt là triệt để xa rời cái Tánh THAM, chỉ mang đến những điều Bất Lợi hơn là điều Tốt Đẹp. Hành động này không khác gì việc làm ngời sáng cái Tâm - Ý - Tánh của Thần Thức của Vong Linh, giúp cho Thần Thức sẵn sàng để mặc vào Chiếc Áo Mới, và có đủ khả năng để giữ gìn chiếc áo luôn được sạch sẽ, phẳng phiu, không bụi bám trong suốt cuộc hành trình mới nơi cõi Ta Bà.

Đối với người còn hiện diện nơi cõi Ta Bà, điều chánh yếu bắt buộc phải làm là từ bỏ Tánh THAM.

Có thể nói rằng, dây tơ rễ má của Tham vô cùng tận, nó không khác gì một Mê Hồn Trận. Chỉ cần vướng vào Tánh Tham, chỉ cần một cái móng Tâm của lòng Tham Muốn, là có biết bao nhiêu sự kiện, sự việc xảy ra khiến cho người ta cứ phải loay hoay, cuốn hút, khó lòng thoát ra khỏi cái Mê Hồn Trận đó.

Bao nhiêu Tánh Xấu của con người đều xoay quanh cái chữ THAM.

Nếu nói rằng không tham thì không đúng! Ai cũng tham cả, chỉ có điều là tham ít hay tham nhiều, cái tham đó có chính đáng hay không? Có làm hại bản thân mình hay không? Có làm hại Người hay không? Có trục lợi Người hay không? Có vì quá tham lam mà không ngần ngại làm điều Bất Nhân Bất Nghĩa hay không? Và điều đáng nói hơn hết là có biết dừng Lòng Tham của mình kịp lúc kịp thời hay không?

Vong Linh được chỉ dạy thanh lọc Tánh Tình để tiêu trừ những Tánh Xấu và vun bồi những Tánh Tốt, để khi trở lại làm Người, cuộc sống sẽ có ý nghĩa hơn, ít đem đến lụy phiền hơn cho Thân Xác, và ít phải đối diện với những Tình Huống éo le, nhiều nước mắt, nhiều thương tâm.

Như vậy thì, đã là một Con Người rồi, đang hiện diện nơi cõi Ta Bà, tại sao Con Người lại quá thờ ơ với việc trau giồi Tâm Tánh của mình? Thân Xác mình đã trải qua biết bao nhiêu đau đớn, nhọc nhằn cũng là từ cái kết quả của những Tánh Xấu, những Thói Hư. Chính những Ham Muốn, những Tham Lam đã rủ rê, réo gọi biết bao nhiêu Tánh Xấu, nào là phung phí, là dối trá, trộm cắp, bất lương, lừa đảo, trục lợi, cướp giựt, gian lận, chiếm đoạt, rượu chè, cờ bạc, hút sách, luôn cả sát sanh v.v…

Chỉ mới có từng đó Tánh Xấu thôi mà một Con Người cũng đã thất điên bát đảo rồi, khó tìm được một cuộc sống Bình Yên, Phẳng Lặng.

Còn hơi thở, còn khỏe mạnh, còn thời gian, hãy cố gắng, hãy can đảm triệt tiêu lần những Tánh Xấu, những Thói Hư để cho mình không còn tiếp cận với những điều sái quấy nữa.

Triệt tiêu một Tánh Xấu lúc nào cũng tự động có một Tánh Tốt thay thế vào, càng triệt tiêu nhiều Tánh Xấu, càng có thêm nhiều Tánh Tốt và những Tánh Tốt mới giúp cho mình sống một cuộc đời thoải mái.

Dù cho mình không giàu bằng thiên hạ, nhưng mình luôn có cảm giác ung dung, nhẹ nhàng, sảng khoái, không vướng bận, không gò bó, không bị đóng khung; sự suy nghĩ của mình trở nên phóng khoáng hơn, cởi mở hơn, và nhất là mình mở rộng tấm lòng hơn trong cách đối xử với người chung quanh. Không có một Tánh Tốt nào khiến cho tâm tư của một người trở nên bức rức, khó chịu và không được nhẹ nhàng, thoải mái.

Nếu mình không có nói dối, mình sẽ thẳng thừng thoải mái trả lời bất kỳ câu hỏi nào của ai. Do đó, tránh được cái cảnh, với người này tôi phải trả lời như vầy, với người kia tôi phải giải thích cách này, với người nọ tôi phải nói khác đi, nếu không thì câu chuyện sẽ không trùng khớp với nhau, người ta biết ngay là tôi nói dối.

Còn bây giờ, nếu ông A có hỏi, tôi trả lời đúng sự thật, ông B hỏi, tôi vẫn cứ trả lời như thế, không có gì thay đổi, ông C hỏi, thì vẫn trước sau như một, cùng câu trả lời. Tôi sống thoải mái, tôi không có phải đặt hết cái bẫy rập này tới cái bẫy rập kia.

Cho nên khi mình còn sống, nên tập sống với những Tánh Tốt để cho mình không phải nuối tiếc bất kỳ một điều gì hết ở vào phút lâm chung.

Đừng làm những điều quấy, có nghĩa là đừng chạm vào những Tánh Xấu, vì chính những Tánh Xấu mới khiến xui mình làm những điều sằng bậy, quấy trá, để rồi sau đó mình phải gánh chịu những hậu quả vừa không tốt đẹp, vừa mang đến thương đau.

Những Tánh Tốt giúp cho tôi làm những điều ích lợi cho những người chung quanh tôi, tôi Đối Tốt, nên tôi được Đãi Tốt, điều đó giúp cho tôi cảm thấy luôn thoải mái, nhiều hứng khởi trong việc hành Thiện, trong việc đối xử Tốt với tất cả mọi người. Như vậy tôi đâu có gì phải Nuối Tiếc đâu?

Tại sao người ta không sống như vậy để cho khỏi phải Nuối Tiếc, để cho không phải ân hận, để cho không phải xót xa? Giản dị chỉ có như vậy!!

Khi 5 chuyện, 10 chuyện tốt đẹp xảy đến với tôi, tôi có cảm thấy hứng khởi hay không? có cảm thấy thích thú hay không? Thích chứ! Thoải mái chứ! Đầu óc thanh thản chứ!

Khi mà cảnh huống xảy tới, tôi cũng phải cố gắng tìm hiểu, moi móc để trở ngược về với Quá Khứ của mình để xem coi, cái kết quả của những cảnh huống ngày hôm nay là do từ ở nguyên nhân nào?

Tóm lại là, dù hiện tại tôi nhận được những thương đau hay niềm Hạnh Phúc, tôi cũng vẫn phải quay ngược về quá khứ để tìm hiểu, để phân tích những Nhân Hạt mà tôi đã gieo trồng.

Nếu những Nhân Hạt đó có xuất xứ từ những Tánh Xấu thì tôi sẽ không ngạc nhiên khi mình cứ liên tục gặp nhiều điều không may xảy tới.

Còn nếu những Nhân Hạt được tuyển chọn từ ở những Tánh Tốt thì những Quả Trái mà tôi góp nhặt được ngày hôm nay là những Quả Trái ngọt ngào, thơm ngon, thuận ý.

Tự nhiên tôi sẽ có sự so sánh và phân tích để lựa chọn đúng cái loại Tánh Tình nào mà mình bắt buộc phải luôn theo đuổi và trau giồi. Và cái kết luận của tôi là: Tại sao tôi không lựa những Tánh Tốt để cho cuộc đời của tôi được thoải mái, tốt đẹp, mà lại chú mục vào những Tánh Xấu để đem toàn những tai ương, khốn khổ đến cho cuộc Đời của tôi? Khiến cho phút lâm chung của tôi phải dây dưa với nhiều Nuối Tiếc!!


+ 62
View Desktop
Version
\