Đây là 2 vấn đề vô cùng là quan trọng mà người Đời ít để ý đến. Trong cuộc sống hằng ngày, gần như chúng sanh nào cũng gặp điều phiền muộn, cũng đối diện với âu lo, cũng chạm trán với khó khăn, với thử thách, với thương đau… Thông thường thì người ta ít quan tâm tới và cho rằng nó không quan trọng, chẳng qua là vì cái tính chất ít nặng nề của những cảnh huống này, nó không tạo cho người ta một cảm giác nhói đau trì trệ, hay một sự thương tâm quá độ.
Nó cũng làm cho người ta nhức đầu đó, nhưng, cũng vẫn không phải là một cái nhức dữ dội khiến cho người ta phải ôm đầu bứt tóc. Một cái nhức lâm râm, hơi đau đau, vẫn còn chịu đựng được! Chính vì lẽ đó mà người ta bỏ qua, không để ý đến.
Thầy đơn cử một thí dụ sau đây, có hơi khôi hài một chút: khúc ruột dư trong bụng của một người, đang có vấn đề, khiến cho người đó cảm thấy hơi đau đau…rêm rêm cái da bụng; xem ra thì không có gì là nghiêm trọng, đáng quan tâm, theo quan điểm của người đó, do đó không cần phải chữa trị. Ngày qua ngày, người đó vẫn chịu đựng được cái đau lâm râm…nhè nhẹ trên da bụng mình. Cho đến một hôm, người đó bỗng nhiên oằn oại dưới cơn đau bụng, phải tức tốc đưa đi cấp cứu, hóa ra phần ruột dư sưng lên từ bấy lâu nay đã vỡ ra và gây đủ thứ khó khăn ở trong bụng.
Đây là tính cách đặc thù của Bài Học Nghiệp Lực.
Sau đây là một vài thí dụ để cho Chúng Sanh nhận thức được sự đa dạng của những Bài Học Nghiệp Lực.
-
Tiếng kêu của bầy quạ vô tình làm cho người A bực dọc, không ngăn được sự tức giận nên người này đã chọi một cục đá khá to vào lủ quạ đang chí chóe trên cành cây. Cục đá trợt đi không trúng lủ quạ mà lại trúng nhằm đầu của một người đi đường vừa trờ tới. Người A hoảng sợ bỏ chạy trốn, người đi đường ôm đầu máu cũng hoảng sợ vì không biết tại sao lại có cục đá trúng rớt trên đầu mình?
-
Người giúp việc đi chợ về lui cui xếp rau cải thịt cá vào tủ lạnh. Cậu quý tử con của chủ rón rén "chôm" số tiền đi chợ về còn dư để trên bàn và nhẹ nhàng "biến mất". Xong việc sắp xếp, người giúp việc định mang tiền dư trình cho chủ, nhìn lại thì số tiền không còn trên bàn nữa rồi. Người giúp việc không tránh khỏi bị chủ đay nghiến và còn bị tiếng oan là gian tham xảo trá.
-
Người láng giềng của anh B có một ao cá rất lớn, trong đó nuôi nhiều loại cá ngon. Ban đêm, lợi dụng lúc mọi người an giấc, anh B ra tay hành động, bắt những con cá to mập, đã thế mà lại còn hiu hiu tự đắc về thành quả không mấy lương thiện của mình.
-
Sát nhà anh C là một vườn trái cây bát ngát; người chủ vườn trồng thật nhiều cây trái, nở rộ 4 mùa, luôn sai trái. Mùa nào trái nấy, anh C chưa hề tốn tiền mua trái cây ở ngoài chợ, muốn ăn là cứ lấy sào mà hái, tự nhiên như ở nhà mình và nhất là chưa hề bao giờ mở miệng xin phép chủ vườn, nhưng lại luôn tỏ thái độ với bạn bè như chính mình là chủ nhân của những trái cây đó.
-
Cô T là chủ một hàng thịt. Cái cân cô sử dụng đã được chỉnh lại một chút, tuy rằng khách hàng nhìn thấy đúng là con số trọng lượng mình muốn mua, nhưng thực tế thì trọng lượng đó bị mất đi 10g. Con số 10g thật ra quá nhẹ để tạo sự nghi ngờ cho người mua, nhưng đối với cô T, một ngày bán vài trăm kí lô thịt, ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm…tồn lại vẫn là một con số không nhỏ khi đổi ra thành tiền.
-
Nhà đang có tiệc, khách khứa đã tề tựu, thức ăn cũng đã sẵn sàng để dọn lên; chợt nhà bếp phát giác ra có 2 dĩa thức ăn bị mất đi 2 miếng thịt. Việc này tạo ra một khó khăn không nhỏ cho nhà bếp; người ta phải gấp rút xả đông 2 miếng thịt khác và nêm nếm gia vị sao cho vừa vặn y như những miếng thịt đã được nấu chín rồi. Thời gian dọn thức ăn lên cũng không đúng như dự định, kết quả là nhà bếp bị khiển trách, còn người ăn vụng 2 miếng thịt thì hoàn toàn im hơi lặng tiếng, không biết là ai.
-
Một đứa bé đang đứng chơi trong "cái hàng rào đồ chơi," bỗng dưng ré lên khóc, mẹ bé lật đật chạy ra dỗ dành; độ 10 phút sau thì lại nghe bé khóc ré lên, mẹ ẵm bé lên và vạch áo quần tìm khắp mọi nơi trên người của bé để xem coi bé có bị thương tích ở chỗ nào không? Cho bé cái bánh và chơi với bé để cho bé quên đi sự sợ hãi, sau đó mẹ nhẹ nhàng đặt bé xuống để bé tiếp tục chơi với đồ chơi của bé, trong khi mẹ bận rộn lo bữa cơm chiều. Thế nhưng chỉ vài phút sau, bé lại khóc ré lên; điều này làm cho mẹ bé vô cùng là hoang mang, không biết chuyện gì đã xảy ra cho con mình, cứ nơm nớp lo sợ con mắc phải một chứng bệnh nào đó. Trong đầu của mẹ bé nảy sinh ra đủ loại bệnh mà con mình có thể mắc phải; tiếc thay, chỉ cần bé biết nói, "có ai đánh đít con", mẹ bé sẽ trút xuống được cái gánh nặng ngàn cân trong đầu!!
-
Một cô gái đẹp hứa sẽ mang hạnh phúc tới cho hết chàng trai này đến chàng trai khác, lợi dụng sự tin yêu của các đấng hào hoa, cô gái lừa đảo tiền bạc lần lượt anh chàng này đến anh chàng khác. Khi mọi việc được vén màn, các đấng hào hoa đều sửng sốt vì không ai biết được hình ảnh thật sự của cô gái này, tất cả mọi liên lạc đều qua điện thoại và nay thì cô cũng đã cao chạy xa bay cùng với số tiền rất lớn trong tay.
Lần lượt qua từng thí dụ kể trên, mọi người đều nhận ra rằng, từ đầu đến cuối, kẻ chủ mưu tình huống không hề xuất đầu lộ diện. Vì không có đối tác nên không đóng Vòng Nghiệp Lực, tức là Nghiệp Lực mặt đối mặt không xảy ra, nhưng, tất cả những hình ảnh sai phạm của một người, dù rằng nhỏ nhặt, dù rằng không có đối tác, cũng đều được ghi lại một cách rõ ràng trong TÂM THỨC của người đó.
Tất cả những sai phạm đó đều là những Nhân Hạt không Lành do chính tay người đó đã gieo từ trong quá khứ, thì hôm nay phải do chính tay người đó gặt Quả hái Trái. Ngày giờ này, ở hiện kiếp, Quả Trái kết thành dưới dạng thức BÀI HỌC NGHIỆP LỰC, tạo nên một chuỗi Cảnh Huống với nhiều trái ngang, nhiều thương tâm, nhiều khó khăn, nhiều rắc rối, nhiều suy tư trong cuộc sống.
Những nghiệp lực lớn, nghiệp lực mặt đối mặt, khi đủ duyên thì chúng tìm đến; còn những Bài Học Nghiệp Lực không cần đến đối tác, lúc nào cũng chực chờ sẵn trên vai mình, cứ đúng hoàn cảnh, đúng cơ hội là nó tự nhiên "tuột" xuống.
Qua những thí dụ mà Thầy đã nêu trên, thử tìm hiểu xem Bài Học Nghiệp Lực từ đâu mà có? Phải chăng chúng hình thành từ ở những Tánh Xấu của một người?
-
Từ việc ném đá dấu tay gây nên thương tích cho một người rồi im lặng bỏ đi, không cần biết vết thương nặng hay nhẹ, người bị thương có mệnh hệ gì không? (Tánh gian dối – thiếu tinh thần trách nhiệm)
-
Rồi đến tánh gian tham – trộm cắp, lấy tiền, khiến cho người khác gánh chịu oan tình. (Đã trộm cắp trái cây, bắt cá trộm của người mà còn lớn tiếng trịch thượng khoe khoang, hiu hiu tự đắc)
-
Buôn bán gian xảo lọc lừa, cân non cân thiếu
-
Lợi dụng sắc đẹp để lừa tình, lừa đảo tiền bạc tài sản của những kẻ lọt vào lưới tình của mình
-
Ngay cả đến việc cố ý chọc ghẹo nhiều lần một đứa trẻ chưa biết nói năng, làm cho nó phải khóc ré lên
-
Hành động ăn vụng tưởng đâu rằng nhỏ nhặt, nhưng vẫn mang đến một sự khó khăn, rắc rối cho người nấu bếp.
Tất cả những tánh xấu đó đều dẫn đến việc tạo nên lỗi lầm, mà đã gọi là LỖI LẦM thì bắt buộc phải biết nhận lỗi và phải có lời xin lỗi. Tiếc thay, người gây tạo lỗi lầm vẫn quá thờ ơ, tự trong thâm tâm bác bỏ lỗi lầm của mình và đôi lúc lỗi lầm đó cứ tiếp tục lập đi lập lại, do vì không ai biết, không ai hay những hành động mờ ám trong bóng tối của mình, cho nên người ta vẫn không ngừng làm những điều sai trái mà không sợ bất cứ một hình phạt nào hay một phản ứng nào từ ở cộng đồng, ở xã hội, hay ở cá nhân.
Như Thầy đã nói ở trên, vì không có đối tác nên vòng nghiệp lực không đóng lại, nghiệp lực mặt đối mặt không hiện hữu, nhưng những hình ảnh lỗi lầm của mình đã được Tâm Thức ghi lại, và khi đúng hoàn cảnh, đúng cơ hội là những lỗi lầm đó sẽ hiện ra. Tuy nhiên, nó không đơn thuần là một hình ảnh, mà nó hiện ra dưới dạng thức của một sự khó khăn, của một rào cản, khiến cho mọi dự tính hay cuộc sống thường nhật luôn chao đảo, không hoạt động một cách trơn tru.
Những cảnh huống liên tục xảy tới trong đời sống hằng ngày, đa số là kết quả của những lỗi lầm mang tính cách ném đá giấu tay:
-
Một cơ ngơi khang trang đẹp đẽ với khung cảnh xanh tươi rợp bóng của rất nhiều cây ăn trái, nào mận, nào xoài, nào cam, nào bưởi, chôm chôm, vú sữa, măng cụt, mãng cầu….toàn là giống tốt, loại ngon. Nhìn cây trổ hoa kết nụ, ra trái non đầy nghẹt trên cành, trông thật là vui mắt, lòng háo hức chờ trái chín. Thế mà một cơn gió mạnh thổi qua, sân vườn phủ đầy trái non, nhìn lên cành trông thật xác xơ tiêu điều. Chủ nhân của ngôi vườn đó đã tốn nhiều công sức cùng tiền bạc bỏ ra, mướn người chăm sóc từng gốc cây ăn trái. Tất cả cũng chỉ hoài công, may mắn lắm mới được vài trái làm kiểng trên cây. Trong khi vườn nhà kế bên thì cây trái sai oằn, ăn không hết phải tìm người tới ăn phụ (vì không có bán buôn).
Dù rằng người chủ nhà láng giềng cũng hết lòng chỉ dẫn, nhưng mọi việc hình như không có gì tiến triển cả, trái non cứ tiếp tục rụng, khó mà giữ lại ở trên cành để phát triển.
Cái khó khăn mà vị chủ nhân của các cây ăn trái đó đang đối diện, có dây tơ rễ má rất nhiều đến những lỗi lầm mà vị này đã gây tạo từ trong quá khứ. Hành động trộm trái cây trong vườn nhà người ta, cộng thêm lời lẽ xấc xược, muốn ăn lúc nào thì tùy tiện mà móc, đã để lại một hình ảnh nghiệp lực trong tâm thức, và ngày giờ này, hình ảnh đó triển khai theo cái chiều hướng Bài Học Nghiệp Lực để luôn nhắc nhỡ cho vị chủ nhân này cái lỗi lầm mà mình đã gây tạo, cho đến khi nào mà người này nhận chân ra được điều sai trái mà mình đã làm, đồng thời biết chân thành ăn năn và sửa đổi cái tánh xấu đã đưa đẩy mình làm những điều sai trái, khi đó Bài Học Nghiệp Lực mới chấm dứt.
-
Lời ta thán của một người về việc cứ luôn luôn bị ăn quỵt, ăn chận, không bao giờ được đối xử hậu hỷ, có liên quan rất nhiều đến hành vi sai trái của người này trong quá khứ. Khi họ chỉnh sửa cái cân để cho nó "tự nặng thêm", họ có nghĩ đến cái việc là chính họ đã ăn chận, ăn quỵt của những khách hàng đến mua thịt ở nơi gian hàng của họ hay không? Ngày giờ này, Bài Học Nghiệp Lực về việc ăn quỵt, ăn chận sẽ luôn đeo đẳng họ cho đến khi nào họ nhận chân ra được sự sai trái của mình, đồng thời đi kèm với những hành vi thích đáng tỏ ngộ sự ăn năn, hối lỗi.
-
Cô gái nhỏ trông thật dễ thương, ôm đầy mộng ước. Cô bé mơ được làm bạn với Vị Hoàng Tử khả ái của lòng mình. Nhiều chàng trai đã tới để mong được kết bạn, nhưng lạ thay, tình bạn của các chàng trai này đến với cô bé kết thúc rất nhanh; kéo dài lâu nhất là 1-2 tháng, cũng có khi đôi tuần, và có lúc chỉ được vài hôm!
Cô bé buồn đến tội nghiệp, không biết lý do gì mà các bạn mình cứ lặng lẽ bỏ đi? Cô là một người hướng ngoại, thích vui chơi, cười cợt, thích kết bạn kết bè, thật sự không kham nổi một cuộc sống quá là yên tỉnh, kém ồn ào.
Nếu cô có thể kéo ngược thời gian, nhìn về quá khứ, cô sẽ có ngay tức khắc câu trả lời. Cô sẽ biết được rằng, chính cô là người đã bỏ rơi bè bạn, và cũng chính cô là người đã gạt gẫm tình cảm của họ một cách không thương tiếc. Cô đã lừa đão tình yêu thương của họ đối với cô và đồng thời cũng vét sạch tiền bạc, tài sản của những người thật sự làm bạn với cô.
Bài Học Nghiệp Lực ngày hôm nay cô nhận lấy trong cuộc đời thật ra không có gì là mới cả, đó chỉ là một bổn cũ soạn lại căn cứ trên bản gốc do chính tay cô đã viết ra.
Nói tóm lại, ngày hôm nay, tất cả những cái gì mà tôi nhận lãnh, tôi nhận chịu, những điều làm cho tôi bực mình, làm cho tôi khó chịu, làm cho tôi tức tối… đó chính là kết quả của những tánh xấu mà tôi đã triển khai chúng từ trong quá khứ. Nếu ngày hôm nay tôi không sửa, tôi tiếp tục chịu đựng vì tôi thấy tôi vẫn chịu đựng được, thì nó sẽ kéo dài… kéo dài cho đến khi tôi già, cho đến khi tôi chết; và khi tôi đủ duyên để trở lại Cõi Đời này ở kiếp kế tiếp, thì nó cũng sẽ bổn cũ soạn lại y như vậy, cho tới khi nào mà tôi nhận thức được căn nguyên, cội rễ của nó phát xuất từ ở cái Tánh Xấu nào của tôi? Tôi chân thành sám hối ăn năn và chỉnh sửa tánh xấu đó, khi đó cái Bài Học Nghiệp Lực về Tánh Xấu đó mới chấm dứt.
Vì vậy mà Sám Hối là phải bươi móc lại, phải xem coi những Bài Học Nghiệp Lực nào mà mình đã gặp phải, đồng thời truy lùng cái căn nguyên cội rễ của những Bài học Nghiệp Lực này, đã phát sinh ra từ ở cái tánh gì? để rồi từ ở cái tánh đó, tôi mới bắt đầu tư duy và quán tưởng.
Càng tư duy, càng quán tưởng, lòng càng thổn thức, Tâm càng rung động, kèm theo với sự thiết tha chân thành sám hối, ăn năn lỗi lầm của mình. Như vậy, lần lần tôi mới có thể làm cho nó phai mờ; làm phai mờ một Nghiệp Lực khó hơn là làm phai mờ một Bài Học Nghiệp Lực.
Nghiệp Lực luôn luôn đi kèm với cái vết hằn, còn Bài Học Nghiệp Lực thì chưa có cái vết hằn, nhưng nó có tính cách kéo dài cho tới khi nào thuộc bài thì thôi. Hiện kiếp chưa thuộc thì tiến sang đến kiếp Vị Lai, nếu kiếp Vị Lai vẫn chưa thuộc thì cái Bài Học Nghiệp Lực đó vẫn còn tiếp tục dài dài cho đến khi học thuộc thì thôi, chỉ e rằng khi đó tình thế lại trở nên nặng nề hơn, vì một tánh xấu càng để lâu chừng nào thì nó càng trở nên mạnh mẽ hơn, càng tệ hại hơn và làm nhiều điều "quái dị" hơn.
Nói về TẬP KHÍ là cũng đề cập đến cái Tánh Xấu nào đó, tuy rằng nó chưa được triển khai, nhưng nó vẫn được lập đi lập lại trong suốt thời gian người mang tánh xấu đó còn hơi thở. Nếu tánh xấu này không được chỉnh sửa thì khi người đó hắt hơi, chắc chắn rằng nó sẽ được ưu tiên mang theo. Khi Thần Thức hiện diện trong một Thân Xác mới ở kiếp kế tiếp, tánh xấu này lại tiếp tục hiện hữu, và lần này nó được mang cái tên là TẬP KHÍ. Khi đã trở thành Tập Khí rồi thì tính chất hung hãn của tánh xấu gia tăng, do đó nó dễ dàng trở thành HUNG KHÍ.
Một người có tánh Tham, rất là tham nhưng không sửa đổi nó; bước qua một kiếp mới, cái tánh tham đó trở thành Tập Khí Tham. Ở kiếp trước, người đó tham chỉ có 1 thôi, nhưng qua tới kiếp kế tiếp (HIỆN ĐỜI), cái tham đó sẽ tăng lên gấp 10 lần, và cái tập khí Tham đó rất là nguy hiểm vì không phải chỉ có tham tiền tham bạc, mà lòng tham nảy sinh trước bất cứ cái gì mà người đó thích. Đi vào tiệm, cứ thấy món đồ nào mình ưng ý là cũng nổi lòng tham, ăn cắp cho bằng được. Họ ăn cắp không phải vì họ cần hay là vì họ nghèo đói, mà chỉ để thỏa cái tánh Tham đã ăn sâu "trong người" của họ, thỏa cái Tự Ái đang dâng lên cao vút trong tâm tư của họ.
Tánh Tham ngày nay trở thành ra Tập Khí là như vậy, cái gì họ cũng tham hết, cứ thấy, cứ thích là lấy, hành động Tham cứ tái đi tái lại không ngừng nghỉ, cho đến một lúc nào đó, cái hành động tham lam này bị phát hiện, và một cuộc rượt đuổi, vây bắt của nhiều người khiến cho kẻ chủ mưu ăn cắp phải dùng đến dao, súng để mới có thể thoát thân. Kết quả tai hại là gây thương tích cho nhiều người và Tập Khí Tham đã biến dạng để trở thành HUNG KHÍ.
Một người có tánh hay càu nhàu, lầu bầu; ở kiếp quá khứ, cái tánh này không nặng nề lắm, và cũng không được để ý đến. Qua đến hiện kiếp, cường độ càu nhàu gia tăng và trở thành tánh SÂN cố hữu. Chuyện gì cũng làm cho người đó giận dữ lên được, không có ai làm vừa ý họ, cũng ít khi thấy được một chút thanh thản trên gương mặt của họ. Việc gì tới phải tới! Một ngày, do vì quá nóng giận khi đứa con cứ kêu khóc, hò la, người này đã ra tay thị uy, tát liên hồi vào mặt, vào đít đứa bé cho đến khi đứa bé ngã xuống và nín khóc. Kết quả là phải kêu xe cứu thương chở bé đến bệnh viện để cứu cấp. Một lần nữa, Tập Khí Sân đã trở thành Hung Khí!
Đừng xem thường những Tật Xấu hay những Tánh Xấu, dù cho ngày giờ này chúng xem ra không đáng kể, rất nhỏ nhặt, nhưng nếu cứ được tiếp tục hành động cho đến cuối cuộc đời, rồi sang đến một kiếp khác, thì cái nhỏ nhặt đó bỗng trở thành ra lớn lao, đồng thời dễ dàng trở thành ra Hung Khí, đem đến điều bất lợi cho Mình lẫn cho Người.
Cho nên, khi mình thấy rằng một cái tánh, một cái tật mà mình cứ gặp nó hoài, cứ trở đi trở lại, thì mình phải biết rằng, đó chính là Tập Khí. Tập khí cũng giống như Bài Học Nghiệp Lực, cũng trở đi trở lại, nhưng khi mình nhận chân ra được nó rồi thì mình phải phát nguyện bỏ nó xuống, và bắt đầu sám hối ăn năn.
Thầy cũng đã nhiều lần nhắc nhở bậc làm Cha Mẹ, phải luôn luôn theo sát con mình, quan sát, theo dõi, ngăn chận tất cả những hành động sai trái của con mình, trong suốt khoảng thời gian từ lúc con mới vừa tập tễnh biết đi, biết nói, cho đến khi con 12 tuổi. Thân xác con tuy nhỏ, nhưng Thần Thức của con không nhỏ, Thần Thức vẫn tiếp tục chuyển tải những thói hư tật xấu từ kiếp mới vừa qua đến Thân Xác mới. Ở kiếp quá khứ, những thói hư tật xấu nho nhỏ vì thiếu sự kiểm soát, thiếu sự chăm sóc để chỉnh sửa nên vẫn còn kéo dài cho tới tận hiện kiếp. Nếu Cha Mẹ cũng thờ ơ, thiếu sự để tâm trong việc chăm sóc con cái mình, thì những thói tật xấu xa nho nhỏ kia sẽ lại có cơ hội phát triển rộng lớn ra. Đến khi nhận biết được nó thì đã quá muộn màng rồi, con đã lớn như cành cây đã cứng, muốn uốn nắn đã không còn kịp nữa rồi.
Như Thầy đã đề cập ở trên, muốn tiêu trừ Nghiệp Chướng, muốn làm phai đi những Bài Học Nghiệp Lực, làm phai đi những Tập Khí, muốn tận diệt những Tánh Xấu, những Thói Hư, muốn chỉnh sửa cái Tâm thiếu Từ Bi, cái Ý không Cao Thượng của mình, bắt buộc phải SÁM HỐI.
Điều gì không tốt đẹp mà mình phải thường xuyên đối diện với nó sẽ được liệt kê ra để mà sám hối.
Mỗi người cần phải có một quyển sổ dành riêng cho việc Sám Hối, trong quyển sổ đó chia ra nhiều danh mục khác nhau.
Thí dụ:
1. NGHIỆP CHƯỚNG: Ghi lại hết toàn bộ những khó khăn, những trắc trở, những đau thương, những rào cản, những tai ương, những bệnh hoạn… mà mình gặp phải từ ở những Chủ Nợ (mặt đối mặt), hoặc những Chủ Nợ chưa có duyên gặp gỡ của mình. Chính trong giờ phút sám hối, mình lắng lòng đối diện với Tâm Tư mình, mình mới nhận thức được một cách rõ ràng những hành động không tốt đẹp của mình đối với ai đó trong kiếp quá khứ. Cứ nhìn vào những khó khăn mà mình gánh chịu ngày giờ này, những đớn đau mà mình đang chịu đựng, mình sẽ hiểu rõ cái cường độ của việc mình đã triển khai cái tánh nào? nó mạnh mẽ như thế nào? nó gây tổn thất ra làm sao cho người đó về vật chất lẫn tinh thần? Mình tự đặt mình vào vai trò của người "Bị Hại" để tìm lại cảm xúc thật sự của họ trước điều thương tâm mà họ nhận lấy, Tâm mình rung động trước cảm xúc đó, lệ mình tuôn rơi hòa lẫn với sự xúc động chân thành, một sự hối hận dâng cao khiến cho mình thổn thức, vết hằn của Nghiệp Chướng theo đó mà mờ dần.
2. BÀI HỌC NGHIỆP LỰC: Kê khai hết tất cả những vấp ngã, những khó khăn, những rào cản, những bực dọc, những vướng mắc, những thất bại, những gì bất bình thường khiến cho cuộc sống thường nhật không được trôi chảy một cách dễ dàng. Tư duy từng bài học nghiệp lực để tìm ra cái tánh nào đã tác động trên cái bài học nghiệp lực đó; đồng thời quán tưởng để xem coi cái tánh đó đã được triển khai như thế nào? Đã đem lại thiệt hại cho kẻ khác ra làm sao? Và cái hành vi ném đá dấu tay mình đã thực hiện cách nào để qua mắt mọi người?
Khi mình vẫn còn đầy đủ cái tính chất Người, bất cứ một hành động nào của mình đem lại sự tai hại hay tổn thất đến cho người khác đều khiến cho lòng mình áy náy vô cùng. Việc tư duy để tìm ra cái tánh xấu tác động sự gây tạo lỗi lầm, và việc quán tưởng để nhận ra những tổn thất do việc triển khai cái tánh xấu đó, sẽ khiến cho Tâm mình trì xuống, Ý mình lắng đọng, làm thoát ra ngoài những giọt nước mắt hối hận ăn năn về những hành vi nông nổi, thiếu suy tư và vô trách nhiệm của mình khi đó.
Lòng dặn lòng vĩnh viễn chừa bỏ cái tánh xấu đó và cố gắng làm chuyện tốt đẹp, ích lợi cho người chung quanh, xem như một sự đáp đền. Việc sám hối về Bài Học Nghiệp Lực với cái tánh xấu liên kết khi đó mới thật sự chấm dứt. Hành giả sẵn sàng để sám hối Bài Học Nghiệp Lực kế tiếp.
3. TẬP KHÍ: Như Thầy đã nói ở trên, Tập Khí mà không sửa đổi, nó sẽ trở thành Hung Khí rất dễ dàng vì nó có kèm với cái Tâm của mình trong đó. Nếu mình muốn sửa đổi thì mình đã sửa đổi từ lâu rồi, từ ở cái kiếp trước, không phải đợi đến mang qua tới kiếp này; mang qua kiếp này, nó đã trở thành con dao cùn rồi! (tức là con dao đã bị rỉ sét, nếu được dùng để đâm chém ai thì người ta sẽ mau chết hơn).
Đừng có nghĩ rằng cái rỉ sét đó làm cho con dao cùn bị lụt, không phải như vậy đâu! Nó đã qua được tới kiếp này rồi thì cái mũi nhọn đó nó sẽ nhọn thêm chớ nó không có cùn thêm đâu, nhưng mà vì nó thuộc về loại dao rỉ sét, cho nên rất là tai hại, chém ai một cái lút cán rồi thì cái rỉ sét đó sẽ làm cho người ta chết dễ dàng, cái lưởi dao làm cho đứt thịt da, nhưng cái rỉ sét sẽ làm cho da thịt bị đứt ra đó nhiễm vi trùng (phong đòn gánh).
Khi sám hối một Tập Khí phải quán tưởng rất là nhiều, vì một tánh xấu sẽ mang đến rất nhiều hệ lụy, gây nhiều phiền phức và tạo nhiều cảnh huống. Có quán tưởng mới có thể hòa nhập vào những hình ảnh nghiệp lực do cái tánh xấu đó gây tạo nên, nhờ đó mà Tâm rung động khiến cho không còn khắc ghi cái tánh xấu đó vào trong Tâm Thức nữa.
Ngoài việc sám hối một hay nhiều Tập Khí, còn có những Tánh Xấu, những Thói Tật Xấu khác cũng cần phải triệt tiêu qua việc Sám Hối. Việc sở hữu những Tánh Xấu, những Thói Hư không đồng nhất với tất cả mọi người. Có người nhận ra rằng mình có nhiều tánh xấu, có người thấy rằng mình chỉ có một vài Tánh Xấu mà thôi, nhưng cũng có người cho rằng mình không có tánh xấu nào hết.
Thật sự ra, bất cứ một Chúng Sanh nào, ngày hôm nay đã hiện diện trên cõi Ta Bà này, cũng đều mang rất nhiều Nghiệp Chướng trên người, Chúng Sanh đó đến đây để trả lại những món NỢ mà mình đã vay trong kiếp quá khứ; mà đã nói đến 2 chữ Nghiệp Chướng hay Nghiệp Lực là tức khắc phải nghĩ ngay đến sự mạnh mẽ của cái Tánh Xấu nào đó mà Chúng Sanh đó đã sử dụng để gây tạo lỗi lầm. Trên người càng mang nhiều Nghiệp Chướng, cuộc đời ở hiện kiếp càng vất vã, nhiều đắng cay, lắm lụy phiền, chứng tỏ rằng trong quá khứ, họ càng sở hữu nhiều Tánh Xấu.
Một người may mắn có cuộc Đời dư ăn dư mặc, cuộc sống an bình êm ấm, ít va chạm, đó là do họ đang hưởng Phước Dư của tiền kiếp nên không có dịp để đối diện với khó khăn, với thiếu thốn. Môi trường mà họ đang sống không tạo cho họ cơ hội để thụ đắc nhiều tánh xấu. Tuy nhiên, với 1 hay 2 Tập Khí mang trên người, nếu không được sám hối để triệt tiêu thì chẳng mấy chốc, hàng loạt tánh xấu, thói hư sẽ xếp hàng chờ đợi họ.
Trong quá khứ, Chúng Sanh đã trải qua không biết bao nhiêu kiếp Người rồi. Cứ mỗi một kiếp, Chúng Sanh lại tạo lỗi lầm từ ở Tánh Xấu, từ ở Thói Hư của mình; những lỗi lầm đó mang tên là Nghiệp Lực. Từ đó cho đến hôm nay (ở hiện kiếp), sợi dây Nghiệp Lực của bất cứ Chúng Sanh nào hiện đang có mặt trên Cõi Ta Bà, cũng đều thật… thật… là DÀI, kể cả những Chúng Sanh hiện đang hưởng Phước.
Do đó, không thể nói rằng: TÔI KHÔNG CÓ TÁNH XẤU
Thầy đề nghị Chúng Sanh nên xem lại bài Pháp "Quán Tưởng Khi Sám Hối," sẽ có dịp đọc lại 252 cái tánh Xấu rất căn bản, nhưng chúng có khả năng làm nghiêng ngả cái Tâm Chúng Sanh. Triệt tiêu được chúng, Tâm Chúng Sanh sẽ trở nên trong sáng và dễ dàng chống đỡ, đẩy lùi những Biến Động đã và đang hùng hỗ tiến vào làm hủy hoại Cõi Ta Bà.
Cõi Ta Bà là nơi để cho Chúng Sanh nương náu, để cho Chúng Sanh học tập và sửa chữa những sai lầm mà mình đã trót phạm phải, đồng thời cũng là nơi giúp cho Chúng Sanh đong đầy Kiến Thức, vun bồi Trí Tuệ, giúp cho Chúng Sanh chỉnh sửa Tâm-Ý-Tánh của mình, trau giồi Trí Huệ, giúp cho Thần Thức thăng hoa.
Chúng Sanh sửa Tánh Xấu thành Tánh Tốt là tự giúp cho mình một cuộc đời An Bình, An Lạc, ít phiền não, kém ưu tư, làm gia tăng bầu nhiệt huyết, vun bồi sức sống của một con Người.
Như thế thì tại sao Chúng Sanh không đồng tâm cộng lực sửa đổi những Tánh Xấu của mình, cải thiện bản thân mình, chung tay góp sức để đẩy lùi Biến Động, quyết lòng gìn giữ cõi Ta Bà? Một khi cõi Ta Bà không còn nữa, Chúng Sanh sẽ đi về đâu? Chúng Sanh đừng mơ mộng một Hành Tinh Xanh nào khác, Cõi Ta Bà mà Loài người có được ngày hôm nay đã phải trải qua rất nhiều Chu Kỳ cộng với công khó của hằng hà sa số Chư Thần, với bao nhiêu công sức của Chư Phật và Bồ Tát, không phải chỉ một cái búng tay mà làm nên chuyện!! Ngày hôm nay Chúng Sanh tận hưởng những thành quả tốt đẹp thì cũng phải nhớ đến câu "Ăn trái nhớ kẻ trồng cây".
Thầy đã đề cập đến Biến Động từ nhiều năm về trước; Biến Động không chỉ thuần là hiện tượng địa lý, mà nó ẩn tàng cái Tâm Chúng Sanh trong đó. Nơi nào mà Tâm Chúng Sanh quá xấu, lòng Người thay trắng đổi đen quá nhiều, không biết Phục Thiện, và nhất là Tham-Sân-Si quá độ thì chắc chắn rằng không tránh khỏi những Biến Động tới tấp xảy ra.
Lũ lụt, phong ba, bão tố, sóng thần, động đất, núi lửa, chiến tranh, dịch bệnh, tất cả những Biến Động này đều đã xảy ra trên cõi Ta Bà ngày hôm nay, thế mà vẫn chưa làm cho Chúng Sanh tỉnh giấc. Chúng Sanh vẫn còn chìm đắm trong Thế Giới Văn Minh với quá nhiều những nhu cầu vật chất. Cái gì cũng hay, cái gì cũng đẹp, cái gì cũng tân tiến, cái gì cũng lóe sáng, khiến cho Chúng Sanh hoa mắt và ham muốn. Càng ham muốn, lòng Tham Lam càng lên cao, Chúng Sanh không từ bỏ bất cứ hành động nào đem lại lợi lạc cho mình, và lòng Tham đó cũng kéo luôn cái Sân, cái Hận đến cho Chúng Sanh, để cuối cùng rồi thì Chúng Sanh cam tâm làm những điều điên rồ, si dại, thiếu tư duy.
Hiện nay chỉ còn Nạn Đói là chưa đến, nhưng với một cái Tâm Chúng Sanh không còn trong sáng nữa thì cái thảm họa này chỉ là thời gian thôi!!
Thầy hơi dài dòng để giúp cho Chúng Sanh nhìn thấy rõ tầm quan trọng vô cùng cực của cái Tánh Xấu. Một khối Chúng Sanh to lớn mang cả một cái NÚI TÁNH XẤU thì việc hủy hoại Cõi Ta Bà không có gì là khó khăn cả.
Trở lại với việc Sám Hối, Thầy cũng nhắc nhở Chúng Sanh khi sám hối Nghiệp Chướng, hay Bài Học Nghiệp Lực hoặc Tập Khí cùng với những Tánh Xấu, những Thói Hư, Chúng Sanh phải đem hết Tâm Thành để ăn năn hối lỗi, Tâm phải rung động thật sự đến bật khóc trước những hình ảnh nghiệp chướng mà mình quán tưởng, có được như vậy thì hình ảnh nghiệp lực trong tâm thức mới phai mờ được, như thế việc sám hối mới chấm dứt với một kết quả tốt đẹp. Nếu Tâm không có sự rung động thì xem như việc sám hối chưa hoàn chỉnh (có nghĩa là hình ảnh nghiệp chướng trong tâm thức chưa xóa mờ được), người tu tập bắt buộc phải tiếp tục sám hối cho đến khi có kết quả tốt đẹp, khi đó mới tiến sang đến việc sám hối một Nghiệp Lực khác, hay một Bài Học Nghiệp Lực hoặc Tập Khí khác.
Chúng Sanh rất ít để tâm đến những gì xảy ra chung quanh mình trong cuộc sống hằng ngày. Vì thiếu tư duy nên Chúng Sanh không nhìn nhận hay bỏ ngoài tai những điều nhỏ nhặt; đến khi nhận chân ra tầm quan trọng của sự việc thì đã muộn màng rồi. Cuộc sống của mỗi Chúng Sanh đều có liên quan chặt chẽ với Luật Nhân Quả, tất cả những gì đến với mỗi Chúng Sanh đều không phải là chuyện tình cờ, may rủi. Tầm nhìn của Chúng Sanh không thấu suốt được khoảng không gian có quá nhiều chiều của Vũ Trụ, do đó, tốt nhất Chúng Sanh nên sống đúng với Luật Nhân Quả, đừng gieo Nhân Hạt lép, hạt hư, hạt thúi để phải nhận lấy những Quả Trái đắng, trái chua, trái dị dạng.
Hãy cân nhắc thật kỹ từng tư tưởng, từng suy tư, từng quyết định, từng lời nói của mình. Những gì mình không muốn người khác làm cho mình, gán cho mình, đổ lỗi cho mình thì tuyệt nhiên mình đừng làm cho Người. Sống với nhiều Tánh Tốt, nhiều Thói Quen Hay để khỏi phải Sám Hối, khỏi phải Ăn Năn, tạo được Hòa Khí, nối kết Tình Thân Ái, thắt chặt Tình Tương Trợ, đánh tan những đám mây mù làm đen tối cái Tâm Chúng Sanh.
Dù rằng còn khỏe mạnh, còn trẻ trung, Chúng Sanh "khôn ngoan" vẫn phải nghĩ đến cái Tuổi Xế Chiều của mình. Ngày qua ngày, buổi bình minh rồi lại tới hoàng hôn, mới đầu tuần rồi lại tới cuối tuần, thoắt một cái tuổi về hưu đã đến. Tuổi già, ngồi lâu thì mỏi lưng, nằm trên giường thì cũng trăn trở, tay run gối mỏi, sức lực yếu kém, đứng ngồi cũng không nổi, đó là chưa kể bệnh tật triền miên, uống nhiều thuốc hơn ăn cơm, làm sao còn đủ sức lực để mà sám hối ăn năn?
Khi còn khỏe mạnh, hãy nên tập sống với sự ĐỂ TÂM và luôn luôn KIỂM TÂM – KIỂM Ý – KIỂM TÁNH để kịp thời chỉnh sửa những sai lầm của mình; đừng để những sai sót, những tư tưởng lệch lạc, những hành động không đúng của mình cứ chất chồng….chất chồng, dù cho mình có thiện chí sửa đổi, nhưng vì không nhớ nổi từng lỗi lầm mắc phải, cho nên đã bỏ qua, vô tình gây tạo nên Nghiệp Chướng hay khởi đầu cho những Bài Học Nghiệp Lực về sau. Việc không Để Tâm đến những bước khởi đầu của một Tánh Xấu sẽ rất dễ dàng biến Tánh Xấu thành ra Tập Khí, tạo nên sự khó khăn cho việc sám hối về sau, và điều đáng nói hơn là tạo cơ hội cho Tập Khí trở thành ra Hung Khí.
Nhờ việc luôn kiểm Tâm – kiểm Ý – kiểm Tánh mà Chúng Sanh sẽ kịp thời chỉnh sửa sai lầm của mình, nói lời xin lỗi với người mà mình đã phạm lỗi dù rằng đó là một lỗi lầm do vô tình phạm phải. Sống với thái độ như vậy thì chắc chắn rằng việc sám hối ăn năn sẽ giảm đi khá nhiều.
Một đời Người sống không quá 100 năm, ngồi ngẫm lại cái thành quả mình có được, thử hỏi: mình đã đạt được bao nhiêu điều hay? Bao nhiêu điều không tốt đẹp? Sửa được bao nhiêu Tánh Xấu? Hoàn thiện được bao nhiêu Thói Hư? Chỉnh được bao nhiêu lời không đáng nói? Vứt bỏ được bao nhiêu ý tưởng hại người? Trau giồi được bao nhiêu Tánh Tốt? Tập được bao nhiêu Thói Quen hữu ích cho Người? Làm được những điều gì lợi ích cho làng nước xóm giềng?
Nếu nhận định rằng làm Người không phải dễ, không hội đủ Nhân Duyên ắt khó trở lại kiếp Người, như thế thì tại sao mình đang ở KIẾP NGƯỜI, mình lại thờ ơ với việc đào luyện bản thân mình để trở thành một con Người đúng nghĩa, sống đúng với Tư Cách Người và nhất là một con Người có Tình và có Nghĩa? Chỉnh sửa Tâm-Ý-Tánh là điều kiện ắt có và đủ để giúp cho Thần Thức của một Chúng Sanh thăng hoa sau khi bỏ báu thân; nếu sự chỉnh sửa dù chưa hoàn mỹ, nhưng vẫn có sự quyết tâm tha thiết, Thần Thức đó vẫn gieo được Duyên Lành để trở lại cõi Ta Bà vào kiếp tới hầu hoàn tất Tâm Nguyện của mình.
Dù cho ở ngôi vị nào trong xã hội, cao nhất hay cùng đinh nhất, dù màu da tiếng nói có khác nhau, dù cho niềm tin tôn giáo có dị biệt, 3 yếu tố Tâm – Ý – Tánh vẫn luôn ĐỒNG NHẤT, không bao giờ thay đổi với bất cứ một thứ hạng Chúng Sanh nào trên cõi Ta Bà này.
Kẻ muốn lên Trời, người muốn về Phật, đi đâu cũng được, miễn là thoát được cái Vòng Luân Hồi Sanh Tử để không còn bị cuốn hút vào sự kềm kẹp của những Nghiệp Chướng quái ác nữa. Muốn được như thế thì khi còn hơi thở, còn sức lực, phải cố gắng trau giồi và chỉnh sửa Tâm-Ý-Tánh của mình. Vận dụng toàn thể sức lực, ý chí của mình cũng chỉ tốn khoảng 1/3 thời gian của cuộc đời, sau đó sẽ là một cuộc sống An Bình, dễ thở với cái nhìn chín chắn hơn, sâu sắc hơn về cuộc đời, với một nhân sinh quan đầy cởi mở, giàu Vị Tha và tràn đầy Nhân Ái. Tiền muôn bạc vạn để dành mua Phước Báu và đem Phước Báu để đổi lấy được nhiều Phước Báu hơn.
Lời cuối cùng Thầy khẳng định rằng, những Bài Học Nghiệp Lực hay Tập Khí là điều rất nhỏ nhoi, không có gì quan trọng hết, nhưng…. thật sự ra ý nghĩa của nó rất thâm sâu và có một sức mạnh tiềm tàng; nó góp phần vào việc làm trì trệ sự thăng hoa của một Thần Thức ở hiện kiếp, vì nếu không sửa đổi, nó sẽ làm cho Thần Thức ở hiện kiếp rất là nặng nề, phần Thân Xác cũng không sống được thoải mái, những bất an nho nhỏ cứ chơi trò rượt đuổi, làm cho Thân Xác mệt nhoài, cứ luôn phải đối đầu ứng phó; điều đáng nói là nó không tự động chấm dứt cho tới khi nào người sở hữu cái Bài Học Nghiệp Lực hay cái Tập Khí đó nhận chân ra được việc làm sai trái của mình, biết chân thành ăn năn sám hối với một cái Tâm rung động thật sự, khi đó Bài Học Nghiệp Lực mới dần phai và cái Tập khí mới từ từ biến mất.
Tóm lại, chỉnh sửa và trau giồi Tâm – Ý – Tánh vẫn là một việc làm đáng quan tâm hàng đầu cho mỗi Chúng Sanh hiện diện nơi cõi Ta Bà, và càng quan trọng hơn khi Chúng Sanh đó quyết định giúp cho Thần Thức của mình thăng hoa sau khi bỏ Báu Thân.