Lạc Pháp

Tu Tập và Sức Khỏe

Jan 19 2025
Mừng Xuân Ất Tỵ Mừng Xuân Ất Tỵ

Gió xuân mang đến ngọt lành,
Tâm trong ý sáng, tánh thành thiện chân.
Nguyện cầu thế giới muôn nơi,
Yêu thương gắn bó, rạng ngời niềm vui.

Khẩu hòa ngữ ái chân thành,
Thị phi lánh mặt, thiện lành nở hoa.
Sáng soi ý niệm sâu xa,
Tánh người sửa đổi, lòng ta rạng ngời.

Sám hối lỗi cũ nhẹ nhàng,
Đổi thay tánh ý, phước tràn tự nhiên.
Nghiệp tan, sức khỏe vẹn toàn,
Lạc tâm nhẹ bước, thênh thang đường về.

Xuân sang, vạn vật giao hòa,
Tâm hồn tỏa sáng, mọi bề an vui.
Nguyện cầu nhân thế yên vui,
Sống đời an lạc, vạn lời mến thương.

Tâm Bình, Ý Tịnh, Tánh Trong,
Nhân hòa, phước lộc, muôn phương chan hòa.
Xuân này gửi đến mọi nhà,
Hạnh phúc viên mãn, thái hòa muôn nơi.

Kính bạch Sư Phụ,

Con nhận thấy người đời đa phần đều rất khổ tâm với sự bệnh hoạn của mình. Vì vậy mà con nghĩ nếu người đời có thể hiểu được lợi ích của chuyện tu tập, hành động sửa tánh trong việc góp phần làm giảm bớt bệnh hoạn, bảo vệ sức khỏe thì đó sẽ là một sự khích lệ rất lớn để cho Chúng Sanh tu tập. Con kính xin Sư Phụ từ bi giảng giải về việc tu tập chỉnh sửa Tâm – Ý – Tánh có ích lợi cho con người về vấn đề Sức Khỏe hay không? Có góp phần vào việc giúp cho con người bớt được bệnh hoạn hay không?

Thông thường thì Chúng Sanh không có nhiều mỹ cảm với 2 chữ Tu Tập vì Chúng Sanh nghĩ rằng tu tập là từ ngữ chỉ để dành cho những ông thầy, bà thầy, cạo đầu, mặc áo nâu sòng tu ở trong chùa. Chính vì cái tư tưởng như vậy cho nên không hòa hợp được với lời Pháp. Tu tập không có nghĩa là cạo đầu vào trong chùa ngồi ê a tụng Kinh gõ mõ từ sáng tới chiều, gò bó cuộc đời mình ở trong 4 bức tường của nhà chùa, và bên cạnh đó chịu những quy luật của nhà chùa. Những người nào quyết tâm tu tập xuất gia, đem cuộc đời mình dâng hiến cho Nhân Quần Xã Hội để làm những điều gì đó tốt đẹp cho Xã Hội, đó là tư tưởng của những người xuất gia. Đối với những người không có xuất gia khi đề cập đến việc tu tập thì người ta thường hay chối từ. Thật sự ra người ta đã hiểu sai rất nhiều về 2 chữ Tu Tập.

Tu tập là gì? Là tập đưa mình, khép mình vào trong những quy luật và những quy luật đó vẫn không ra ngoài nguyên tắc làm Người. Dùng chữ tu tập nghe có vẻ nghiêm trọng, nhưng thật sự ra đó chỉ là tập tành những thói quen, tập cho mình làm quen với những điều tốt đẹp, để rồi sau đó lần lần tránh xa những điều sái quấy. Tu tập không có nghĩa là cạo tóc bỏ nhà ra đi sống ở chùa, không phải như vậy!

Chúng sanh nên sống với một tinh thần phóng khoáng hơn! Mình tu tập là để mình giải thoát bản thân mình, mà giải thoát bản thân mình để làm gì? Để cho mình tập tành sửa đổi những điều gì không đúng, sai trái ở trong tâm tư của mình, hay những điều trái đạo lý con người. Những điều đó có tính cách thanh lọc bản thân mình để loại bỏ đi những điều nghĩ sai, nghĩ quấy, nghĩ không đúng.

Cho nên đừng sợ 2 chữ TU TẬP, nó không có nghĩa là mình sẽ phải bỏ nhà đi tu. Chúng Sanh đều biết một con người gồm có 2 phần: Thân Xác và Linh Hồn. Thân Xác là tất cả những cái gì ở trên thân thể của mình mà mình có thể sờ mó được, cảm nhận nó được, chụp hình nó được, mô tả cái hình dạng của nó được, mình biết được sự điều hòa của những cơ quan trong lòng bụng, lòng ngực, mình biết được những cơ quan đó hoạt động ra làm sao và khi người ta mở banh cái lồng ngực hay mở banh cái bụng của mình thì mình vẫn có thể lấy tay sờ mó được những nội tạng của mình. Cho nên tất cả mọi thứ mà mình có thể sờ mó được, có thể cảm giác được, nó chính là Thân Xác.

Còn Linh hồn là tiếng gọi chung của một vật thể có sự sống trong thời gian còn ở cõi Ta Bà. Có nghĩa là Thân Xác sống đến bao nhiêu năm, bao nhiêu tháng, bao nhiêu ngày, bao nhiêu giờ, bao nhiêu phút, bao nhiêu giây, thì Linh Hồn cũng sống được ngần đó thời gian. Chừng nào Thân xác không còn thở nữa thì lúc đó Linh Hồn mới rời khỏi Thân Xác.

Chữ Linh Hồn là tiếng bình dân, ai cũng biết đến. Nhưng có một danh từ đúng nghĩa hơn để chỉ rõ cái đời sống tâm linh của một con người, đó chính là Thần Thức. Chữ Thần Thức có tính cách trang trọng và nó mang lấy một nhiệm vụ gì đó, thông thường thì Thần Thức mang cái Tâm – cái Ý – cái Tánh. Riêng với cái Tánh thì nó có tính cách đi hàng hai; đi hàng hai có nghĩa là, một chân thì để ở trong, còn một chân thì để ở ngoài. Do đó mà người đi hàng hai không đi được bao xa và dễ bị vấp té. Ví dụ, một người có tánh tình xấu xa, thì để giải thích cái việc đi hàng hai của cái Tánh xấu trong trường hợp này là: một là Thần Thức cũng có cưu mang cái Tánh xấu đó, hai là cái Tánh cũng bị ảnh hưởng bởi Thân Xác, khi thân xác hiện diện ở một hoàn cảnh, một môi trường nào đó mà thân xác có dịp đắm chìm trong môi trường đó, trong hoàn cảnh đó, thì Tánh xấu được triển khai mạnh mẽ hơn.

Tâm Thức chứa đựng tất cả những sự việc, những sự kiện, những hành động, những cử chỉ, mọi hoạt động của một chúng sanh từ khi mới trở lại làm người cho đến về sau, nhất cử nhất động của Thân Xác đều in dấu vết ở trong Tâm Thức. Tuy nhiên, không có nghĩa là Tâm Thức bỏ qua tất cả những sự việc, sự kiện từ ở những kiếp trước đó trong quá khứ. Dù cho trong quá khứ Chúng Sanh đó đã trải qua bao nhiêu ngày tháng với những Lục Dục Thất Tình, thì tất cả cũng đều được Tâm Thức ghi nhận và tạo nên những hình phạt nếu Vong Linh đó phạm phải một điều gì.

Ý Thức là để diễn tả tất cả những điều tốt đẹp cũng có, xấu xa cũng có, tất cả những gì thuộc về ý tưởng. Có những ý tưởng thanh cao, có những ý tưởng đôn hậu, có những ý tưởng có tính cách dạy dỗ, chỉ dẫn.

Tâm Thức, Ý Thức và Tánh là 3 yếu tố để làm cho Tâm Thức được ngời sáng lên cũng như là làm cho Ý Thức được rạng rỡ theo những điều tốt đẹp mà Thân Xác đã làm. Do đó, một Thần Thức giống y như là một đứa con của mình, phải cầm tay nó để cho nó nắn nót từ chữ một khi nó mới bắt đầu tập viết. Thần Thức đó cần phải được chắt chiu, dạy dỗ rất nhiều, để làm chi? Để những ngày tháng còn ở tại cõi Ta Bà, một Thần Thức được trau giồi, mang nhiều tánh tốt, nhiều điều hay thì Thần Thức đó như được trang bị đầy đủ những khí cụ tinh thần cần thiết để có thể ngăn chặn tất cả những nghiệp chướng khi chúng ồ ạt kéo đến.

Người ta đã quên một điều rằng, nếu đứa con Thần Thức được dốc lòng dạy bảo, được chỉ rõ những điều sai trái để mà tránh xa, thì chính đứa con Thần Thức này sẽ làm cho đời sống tốt đẹp hơn. Người Đời chỉ biết xem trọng những vật chất mà mình có thể sờ mó được. Một chiếc vòng vàng có nạm kim cương, bỏ tiền ra để mua chiếc vòng đó, ngày đêm mang ra lau chùi cho sạch, cho bóng, cho đẹp lên, rồi đến một hôm chợt đánh rơi nó không biết ở đâu, tìm hoài không được, huy động rất đông người vẫn không tìm được nó.

Người ta có thể khóc lóc, than van, nuối tiếc về một vật nào đó mà người ta cho rằng rất là mắc tiền, rất là tổn sức phí hơi để có nó. Điều đó đã nói lên được rằng người Đời đã không bao giờ nghĩ đến việc vun bồi Đời Sống Tâm Linh. Một Thần Thức được dạy dỗ, được huấn luyện để trở thành một con người tốt đẹp thì người ta ít khi nào để ý đến, người ta sống với biết bao nhiêu đồ vật trong tay, với bao nhiêu chức tước danh hiệu, nhưng đến khi qua đời rồi, phủi tay, tất cả đều tan biến hết.

Đời sống vật chất không hiện hữu lâu dài, nhưng trái lại cái Đời Sống Tâm Linh lại mang đến cho chúng ta biết bao nhiêu điều tốt đẹp. Tuy rằng chúng ta không có thể sờ mó được, nhưng vẫn cảm nhận được nó. Người Mẹ không có thể mổ bụng, mổ ngực để lấy trái tim ra trình cho đứa nhỏ xem coi đây là tấm lòng của mẹ thương con, nhưng cái tấm lòng đó, sự thương yêu, sự chăm sóc đó được thể hiện qua việc dạy dỗ cho đứa bé. Mặc dù đứa bé còn quá trẻ, nhưng đã hiểu được, đã ý thức được cái sự hiện diện của mình ở trên cõi Đời, và sự hiện diện đó khiến cho Thần Thức của đứa bé phải luôn luôn trau giồi để có thể tiếp nhận được cái ánh sáng trí huệ.

Một người có một đời sống tâm linh vô cùng là thoải mái sẽ cảm thấy thoải mái với chính bản thân mình và mình không ngần ngại đi chia sẻ sự thoải mái đó cho những người chung quanh. Cho nên, sống trên Đời thiếu hành động lau chùi, đánh bóng những tánh Tốt của mình thì rất thiệt hại cho Thần Thức.

Tại sao mà người ta nói rằng, tu tập sẽ giúp giảm bớt đi nỗi đau đớn của bệnh tật? Tánh tình của con người là một nguyên nhân rất lớn làm cho con người mang những bệnh tật đến cho bản thân mình và cho những người chung quanh. Một con người sống với một tánh tình hòa nhã, không hay sân hận, không hay ganh đua, không to tiếng, mạnh bạo với mọi người chung quanh, thì thử hỏi rằng người đó tự bản thân của họ có cảm thấy nhẹ nhàng hay không khi mà mình thoát ra khỏi những cơn bực tức, những sự nóng nảy, giận hờn? Nếu mình tránh khỏi thì đương nhiên mình sẽ cảm thấy không bị nhức đầu vì bắt buộc phải suy nghĩ cách đối phó, và không phải chỉ đối phó không thôi, mà còn phải làm cho hơn hẳn người chọc giận mình.

Vì vậy mà tánh tình ảnh hưởng rất là sâu đậm đến những trạng thái của một con người. Người có nhiều tánh tốt thì sẽ luôn sống hòa nhã, lúc nào cũng tươi cười, lúc nào cũng nói những lời êm dịu, thật lòng. Người đó không cần phải cho họ vàng bạc, kim cương, hột xoàn mà họ vẫn có được sự bình tâm, an ổn và thoải mái. Vì họ không có những sân hận bốc đồng, những sự tức tối, tất cả những cảm giác tiêu cực đó thoát ra từ ở đâu? Từ ở Thần Thức. Từ ở bên trong của người đó như là một ngọn lửa thiêu đốt. Nếu là ngọn lửa cháy từ bên ngoài thì có gió vẫn có thể thoáng hơn nên không cảm thấy quá hực nóng. Còn ở bên trong kín mít, kín cổng cao tường, do đó mà một khi cái hỏa bốc lên rồi thì nó sẽ ngùn ngụt, hừng hực và thiêu đốt. Nó thiêu đốt cái gì? Trước tiên là nó thiêu đốt nội tạng của mình, cái sức nóng đó làm cho toàn cơ thể bị ảnh hưởng. Vì vậy mà ban đầu thì mình không có bệnh, nhưng sau 1 lần, 2 lần, qua tới lần thứ 3 là thấy mình nằm xuôi tay một chỗ rồi đó, tai hại vô cùng!

Còn một người, ai nói cái gì cũng đều tươi cười và sẵn sàng bỏ qua không để ý đến, trong khi có những kẻ, chỉ là một lời nói chơi thôi mà đã bốc hỏa lên rồi. Thì như vậy, một người luôn tươi cười hòa nhã, so với một người lúc nào cũng để cho cái hỏa của mình dâng cao thì cái nào có lợi hơn?

Hãy nhớ rằng bệnh tật nào cũng vậy, nó bắt nguồn từ cái gì? Nó đều bắt nguồn từ ở cái HỎA, nó nóng lên rồi thì cứ âm ỉ âm ỉ, ngày qua ngày ... ngày qua ngày, nếu không kịp thời dập tắt nó thì nó sẽ thiêu, sẽ đốt, sẽ hủy hoại nội tạng của mình.

Tất cả các bệnh ung thư bắt nguồn từ ở chứng viêm sưng, tức là những tế bào của một bộ phận nào đó trong cơ thể bị nóng bức quá nên sưng lên, khi nó sưng lên và nóng hừng hực thì tế bào đó bị hủy hoại. Tế bào bị hủy thì cơ thể phải diệt tế bào bị sưng đó, rồi thì cơ thể tạo lại tế bào mới để thay thế vào. Tuy nhiên, vì môi trường chung quanh vẫn còn nóng hừng hực cho nên tế bào mới được tạo thành đó cũng bị sưng lên và rồi cũng lại bị hủy diệt. Hành động này cứ lập đi lập lại giống như một cái máy bị rối dây thiều và cơ thể cứ tiếp tục tạo không ngừng tế bào mới và đồng thời hủy diệt chính tế bào đó. Cuối cùng thì cái nơi đó không còn đàn hồi nữa và nổi lên ung nhọt.

Bỗng nhiên bây giờ mọi người bị cancer rất nhiều ở đủ các bộ phận trong cơ thể từ ngoài vào trong. Người ta không để ý đến cái nguồn gốc của ung thư, đó chính là một sự triền miên nóng bức, và cái nóng đó từ đâu ra? Không phải là khí hậu, cũng không phải là môi trường, mà là do từ trong cái lửa Tâm của mình nó thiêu đốt. Cái lửa Tâm đó xuất phát từ đâu? Từ ở cái TÁNH của mình! Cho nên nhìn lại mới thấy sự quan trọng của Thần Thức. Nó chỉ huy hết tất cả mọi thứ mà người ta không để ý vì người ta không nhìn thấy được nó. Nó là Ông chủ vô hình, người ta chỉ biết sờ mó cái vật chất chớ không thể nào đụng được cái Tâm Linh, và bệnh hoạn đa số xuất phát từ ở tâm linh mà ra.

Một người dù biết rằng mình có bệnh nhưng mà vẫn sống tốt, vẫn sống hòa nhã, vẫn sống tươi cười, vẫn yêu đời, vẫn đối xử tốt đẹp với tất cả mọi người và lúc nào cũng vui vẻ, thoải mái, thuận hòa, thì với tất cả những sự lạc quan đó sẽ giúp cho người đó điều gì? Giúp họ có được chữ "Quên", họ không còn nhớ nữa những sự đau đớn, những gút mắt, những việc không hay xảy tới cho bản thân họ dưới hình thức bệnh hoạn. Rồi từ từ sự thản nhiên của họ, sự hòa nhã của họ, sự vui tươi của họ, tính cách đồng tử của họ sẽ tạo nên cái gì? Nó tạo MƯA và chính cái mưa đó mang tất cả những đặc tính của sự tốt đẹp, và làm cho cái vết thương được mau lành.

Nếu một người cũng cùng chung một cái bệnh như vậy nhưng lúc nào cũng đăm đăm, cũng dòm ngó, cũng rình mò và sống không có thoải mái, lúc nào cũng giận dữ, sân hận thì sẽ làm cho bệnh trở nặng hơn. Cho nên, đôi khi phải tập quên, quên càng nhiều càng tốt. Trong vấn đề trị bệnh, sau khi được trị bệnh rồi thì phải tập quên, tập quên thì bệnh sẽ hết, còn nếu nhớ tới nó hoài, chấp vào nó hoài, thì sẽ không hết bệnh.

Sở dĩ bệnh hoạn đến với chúng sanh khó lòng bình phục được là vì sự thụ đắc. Sự thụ đắc một cái bệnh nó khắc ghi vào đâu? Nó khắc ghi vào trong Tâm Thức, mà Tâm Thức một khi nó khắc ghi rồi thì nó ban bố ra cho ngũ thức, rồi thì ngũ thức cứ phải dòm, phải ngó, phải lo, mà dòm ngó riết bệnh nhẹ thành bệnh nặng, đó là vì khi dòm ngó mình lại đưa cái bực bội vào trong cái bệnh, sự bực bội đó lại là một ngọn lửa, cho nên bệnh càng ngày càng nặng.

Người đời thì cho rằng là chữa bệnh theo tâm lý, nhưng thật sự ra không phải như vậy, mà chính là càng phải chắt chiu cái Thần Thức của mình, mà chắt chiu cái Thần Thức của mình là sao? Là phải để tâm rất nhiều vào Tâm – Ý – Tánh của mình. Cho nên Tâm – Ý – Tánh bàng bạc ở khắp mọi nơi trong đời sống của một con người từ bên trong ra tới bên ngoài, rồi quay chung quanh mình, và dẫn dắt mình đi khắp mọi nơi. Phải nhận ra được điều đó!

Nhờ có chắt chiu Tâm – Ý – Tánh mình mới biết để mà sám hối ăn năn những lỗi lầm do mình tạo nên trong quá khứ. Mình phải hiểu rằng vấn đề nghiệp lực chiếm hơn 50% trong tất cả những cảnh huống của một Chúng Sanh. Cho nên, gặp một cảnh huống tức là gặp một sự đau buồn, là phải nghĩ ngay đến vấn đề Nghiệp Lực. Mà đối phó với nghiệp lực thì phải dùng cái gì? Phải dùng những Tánh Tốt để đối phó với nghiệp lực, phải dùng Sám Hối để đối phó với nghiệp lực. Tại sao Sám Hối – Trì Chú – Niệm Phật phải đi chung với nhau? Tại vì 3 yếu tố đó gom góp lại mới tạo nên Công Đức và dùng công đức đó để đền đáp lại cho cái nghiệp lực.

Cho nên, từ sự hiểu biết căn bản về Vòng Tròn Nghiệp Lực Tâm – Ý – Tánh, nếu tư duy sâu hơn sẽ thấy được những bước tiến và tầm ảnh hưởng của Tâm - Ý - Tánh trong việc chữa trị bệnh hoạn và giữ gìn sức khỏe.

Thưa Sư Phụ, làm sao một người có thể phân định ra được những triệu chứng bệnh nào là do từ ở nghiệp lực, bệnh nào là từ ở cái Tánh của mình?

Nghiệp Lực là do cái gì tạo thành? Chính là do cái Tánh! Tại vì mình nói nghe cho hay nên gọi là nghiệp lực, chớ thật sự ra nghiệp lực là từ ngữ diễn tả những lỗi lầm sai trái mà mình tạo ra do bởi cái Tánh. Tất cả là do cái Tánh, bệnh hoạn cũng là do cái Tánh, những sự khổ sở, những trắc trở, những sự khó khăn trong cuộc đời mình, tất cả đều là do những Tánh xấu tạo ra.

Nghiệp dẫn luân hồi trong lục đạo. Nếu nghĩ cho sâu xa hơn thì là chính cái Tánh mới xoay một con người đi lòng vòng, đi lên cũng là cái tánh, mà đi xuống cũng là cái tánh. Cho nên vòng đi vòng lại vẫn không thoát được 3 chữ Tâm – Ý – Tánh. Đức Bổn Sư ngài nói rất là giản dị, "Tu Tâm, sửa Tánh". Vì giản dị quá cho nên chúng sanh xem thường.

Sanh ra ở trên cái cõi Ta Bà này, đã làm Người thì không thoát khỏi cái Tánh, nhưng mà Tánh Xấu thì đưa ra cái Tâm Xấu, đưa ra cái Ý Xấu. Tánh Tốt thì làm cho Tâm Tốt, làm cho Ý Tốt. Nếu là Tâm Tốt, Ý Tốt, Tánh Tốt thì không tạo nghiệp, cuộc đời sẽ đi lên. Còn Tâm Xấu, Ý Xấu, Tánh Xấu thì tạo nghiệp, cuộc đời sẽ đi xuống. Nếu biết sửa tánh thì đi lên, còn ôm giữ những tánh xấu thì đi xuống. Mà đi xuống không phải là xuống mặt đất bằng phẳng, mà là xuống vực thẳm đó! Xuống đất vẫn còn đứng được, còn xuống tới vực thẳm thì làm sao đứng? Cho nên cái Tánh vô cùng quan trọng, mình bắt buộc phải tuân thủ cái Tánh, không nên xem thường nó, vì nếu mình xem thường nó thì trước sau gì mình cũng phải trở lại để phục tùng nó mà thôi. Cứ hết 49 ngày là sang một kiếp mới; rồi tới 49 ngày thì thêm một kiếp; 49 ngày thì một kiếp nữa; đã là 3 kiếp rồi đó. Trong 3 kiếp đó, cứ tạm cho là mỗi một kiếp có 60 năm, không cần dài hơn, thì 3 kiếp là 180 năm, trong khi sửa Tánh thì nhanh hơn rất nhiều.

Vì vậy mọi người cần phải hiểu rằng sức khỏe của một người không phải là nhờ thuốc Thánh hay là thuốc Trường Sanh Bất Tử, mà sức khỏe của một người dính liền với cái Tánh của người đó, mà nói về cái Tánh là phải nói tới cái Tâm và phải nói tới cái Ý.

Nếu một người từ lúc còn nhỏ xíu cho đến khi họ già lúc nào cũng tuân thủ Tâm – Ý – Tánh, làm việc gì cũng căn cứ vào Tâm – Ý – Tánh tốt, thì cho dù họ phải đối diện với cái nghiệp chướng của họ thì Tâm – Ý – Tánh tốt của họ cũng giúp cho nghiệp chướng đó giảm đi rất mau. Cuối đời của họ vẫn giữ được một cái Tâm – Ý – Tánh tốt, thì không cần phải siêu độ cho họ, họ biết tự mình ra đi.

Có những kẻ phải bỏ ra rất nhiều tiền để mua một viên thuốc hay một mũi thuốc trị bệnh nan y mà không bao giờ nghĩ suy tới nguồn gốc chánh yếu của cái bệnh nan y đó là gì? Phải nhớ rằng bệnh là cái Quả. Cái quả đó không tốt, nó là quả đắng, quả chua, quả dị dạng. Bây giờ mình đã nhận một cái quả không tốt đẹp thì phải nhanh chân, ba chân bốn cẳng trở về đào sâu trong quá khứ để coi cái Nhân Hạt nào mình đã gieo trồng để cho ra cái Quả ngày hôm nay, nó là từ ở cái Tánh nào mà ra? Mình sẽ phải quán tưởng cái tánh đó, tư duy cái tánh đó, và phải sám hối những hậu quả của cái tánh đó. Thì như vậy mình mới có thể giúp cho nghiệp chướng đó giảm bớt đi. Nghiệp chướng có giảm bớt đi thì bệnh tật của mình mới giảm xuống được. Còn đằng này mình biết rằng mình có bệnh nan y, mình cứ chạy dông, chạy dài đi tìm hết thuốc trường sanh này đến thuốc trường sanh kia, chỉ thêm tổn tài mà bệnh thì không lành vì chỉ trị cái ngọn mà không trị cái gốc.

Nếu chịu khó tư duy về căn bệnh thì sẽ thấy lúc nào nó cũng có dây tơ rễ má với cái Nhân. Bệnh đó không phải tự biến ra từ ở trong Không. Tùy là bệnh gì trên cơ thể, ví dụ như ung nhọt, mũ … thì có liên quan đến nghiệp sát. Mỗi bệnh đều có dây tơ rễ má của nó. Cho nên phải đi ngược trở về với quá khứ và đào sâu để tìm cái Nhân Hạt, xem coi cái nhân hạt đó nó có liên quan gì đến cái Tánh hay không? Và nếu là cái tánh thì tánh đó là tánh gì? Nhìn những biến chứng của cái bệnh thì mình sẽ biết được rằng là nhân hạt đó có liên quan đến cái tánh nào?

Thí dụ như bây giờ cái ung nhọt đó nó cứ càng ngày càng lở lói ra, nước chảy rồi thì nó ăn lần … ăn lần, vậy thì bệnh này thuộc về cái tánh gì? Đó là Tánh Tham, đục khoét, lúc nào cũng ăn chặn ăn bớt, cũng tìm cách moi với móc. Mình biết là do bởi tánh tham nhưng còn thêm nhiều tánh khác nữa. Tham có thiên hình vạn trạng, không phải nói tham có nghĩa là tôi làm cho có thật nhiều tiền, không giản dị vậy đâu! Dây tơ rễ má của nó chằng chịt như mạng nhện mà chúng sanh là những con ruồi, con muỗi chui đầu vô cái mạng nhện đó rồi thì bị dính chặt ở đó để chờ con nhện tới ăn mà thôi.

Vì vậy mà chúng sanh không bao giờ chịu tư duy về cái Tánh, lúc nào cũng rất là chủ quan xem thường những cái tánh, rồi khi có chuyện, bệnh hoạn liên tục xảy tới, lúc đó đi tìm thầy hay, thầy giỏi, thầy đắc tiền, thuốc thiệt mắc, nhưng mà trị hoài không hết được là bởi vì trị ngoài da chớ không phải là trị đúng vào nội tạng. Nội tạng đang hừng hực, không làm cho nó dịu mát trở lại mà cứ xoa ở lớp da bên ngoài, không đụng chạm gì đến nội tạng, cho nên cứ tiền mất tật mang cho đến khi chết.

Con có còn thắc mắc gì thêm nữa hay không?

Thưa Sư Phụ, con không còn thắc mắc nào nữa. Vấn đề đặt ra là sửa tánh thì sẽ hết bệnh, sẽ khỏe khoắn, thoạt nghe có vẻ không hợp lý lắm, nhưng Sư Phụ đã giải thích rất rõ ràng về những gút mắt trong vấn đề trị bệnh và bảo vệ sức khỏe qua việc Sửa Tánh, giúp cho chúng sanh tư duy để nhận thấy rằng cái tánh chính là nguồn gốc của tất cả những bệnh hoạn.

Con cứ tư duy rồi sẽ thấy, những cái vệt đen trên Tâm Thức được tạo thành bởi cái gì? Chính là bởi những Tánh Xấu. Bây giờ mình sửa tánh xấu và thay vào tánh tốt, thay vì quẹt mực đen lên trên tâm thức, bây giờ quẹt bằng mực trắng lên trên tâm thức. Nếu cứ liên tục sửa tánh xấu để thay vào những tánh tốt thì dần dần tâm thức được sơn trở lại một màu trắng xóa. Điều đó nói lên được cái gì? Có phải cái Tánh chỉ huy cái Tâm không?

Mặc dầu người ta nói rằng Tâm – Ý – Tánh, nhưng mà thật sự ra cái Tánh mới chỉ huy cái Tâm và cái Ý.

Thưa Sư Phụ, xin Sư Phụ cho con biết cách tư duy của con có đúng hay không về việc cái Tánh chỉ huy cái Tâm và cái Ý? Thí dụ mình có tánh xấu là tánh tham lam, do đó khi mình thấy đồ vật người ta để quên, mình mới móng tâm để trộm cắp. Nếu mình không có Tánh tham lam thì mình sẽ không có móng lên cái Tâm tham đối với vật đó để rồi cái Ý rung động theo và nảy ra ý nghĩ là trộm cái vật này dễ quá, sẽ khó mà bị bắt. Do đó cái Tánh chỉ huy cái Tâm và cái Ý?

Con tư duy rất đúng! Con phải nhớ rằng tiêu chuẩn để được rước về Cực Lạc là phải Sửa Tánh. Chúng Sanh cần phải tư duy nhiều về vấn đề sửa tánh để có thể nhận thấy được những tai hại của một cái tánh nếu không được sửa đổi. Một Tánh Xấu sẽ kéo theo hết tánh xấu này tới tánh xấu khác. Thánh Chúng ở Cực Lạc có thể đới nghiệp vãng sanh, nhưng nếu không sửa tánh thì những đới nghiệp đó sẽ không thể nào cất nhắc lên được. Vì vậy mà Thánh Chúng phải được coi những trang hình ảnh nghiệp chướng của chính mình để Thánh Chúng đó nhìn thấy rõ sự tác oai tác quái của từng cái tánh của mình như thế nào?

Cho nên cái căn bản là phải hiểu và tìm đủ mọi cách để triệt tiêu những tánh xấu của mình. Nhìn thấy một hình ảnh nghiệp lực là phải liên tưởng ngay nó dính dáng tới cái tánh gì? Và quán tưởng cái tánh đó để tiêu diệt cái tánh đó. Có tiêu diệt được cái tánh đó rồi thì hình ảnh nghiệp chướng đó mới tan đi. Những tánh xấu thì trùng trùng điệp điệp, nếu Cực Lạc không giúp cho Thánh Chúng giở từng trang nghiệp chướng của mình thì Thánh Chúng sẽ ngồi đó từ tiểu kiếp lên tới đại kiếp, vì không biết được mình sẽ phải sửa cái gì? Trong một kiếp Người mấy chục năm trời, chỉ cần 1 ngày thôi, một người có thể phạm vào nhiều cái tánh, rồi thì cứ nhơn lên cho cả một kiếp Người để biết được có bao nhiêu ngàn, chục ngàn những hành động sai trái do tánh xấu của mình.

Thầy không kêu gọi chúng sanh sửa một lần một chục tánh, trăm tánh, không thể làm như vậy được, vì đó là một việc làm có tính cách lếu láo. Chỉ cần chúng sanh sửa tánh nào ra tánh nấy, sửa cho được cái tánh đó bằng cách quán tưởng cái tánh đó và sám hối cái tánh đó. Trì Chú để đốt cái tánh đó và niệm Phật để làm cho tiêu hủy luôn cái tánh đó. Làm được như vậy thì cuộc sống ở cõi Ta Bà mới có đủ thời gian để hoàn tất việc sửa chữa. Không cần phải mỗi ngày sửa một tánh, chỉ cần 2 tánh xấu sửa trong một tuần lễ, 1 năm có 52 tuần lễ, vậy thì sẽ sửa được bao nhiêu cái tánh? Rồi thì một kiếp Người có bao nhiêu năm? Bao nhiêu chục năm? Như vậy thì dư sức để sửa hết tất cả những tánh xấu, có đúng như vậy không?

Đừng nói gì đến việc tôi sửa tánh để tôi được thăng hoa, khoan hãy nói về vấn đề đó, chỉ cần tôi sửa tánh để cho tôi thoải mái trong lòng, mà một khi tôi thoải mái trong lòng, tôi ít sân hận, tôi ít giận hờn, tôi ít đập phá, tôi ít chửi rủa thì gan tôi bớt nóng, tim tôi cũng bớt đập quá nhanh và phổi của tôi cũng được mát mẻ. Đó là những mối lợi trước mắt. Đối với một người đang mắc bệnh nan y thì hãy tập quên nó đi, đừng để hình ảnh đó ở trong đầu hoài mà hãy luôn sống tốt, sống hòa nhã, sống tươi cười, sống dịu dàng, sống một cách chia sẻ, tương trợ, hòa đồng, thì 10 ngày, nửa tháng nhìn lại sẽ thấy có sự tiến bộ trong việc phục hồi căn bệnh của mình.

Chúng Sanh phải nhớ rằng là, tất cả những cái tánh, những hành động mà đem đến sức nóng cho các nội tạng đều gây tai hại cho bệnh tật của mình. Một người đang có một khối u mà trong người lúc nào cũng nóng hừng hực thì như vậy có ảnh hưởng tới cái khối u hay không? Dĩ nhiên là sẽ làm cho bệnh càng nặng hơn. Còn bây giờ mình thản nhiên, mình sống vui, mình vui vì sống hòa đồng là thấy có nụ cười, sống chia sẻ cũng thấy vui, sống tương trợ cũng thấy vui, không chửi bới, không vung tay mạnh bạo với người, không nói những lời cộc cằn, thô lỗ, như vậy là mình không có tạo hỏa, mà mình chỉ tạo mưa, tạo gió mà thôi. Tạo mưa tạo gió thì sẽ mát mẻ, có mát thì mới làm êm dịu vết thương, thuốc thì mình vẫn sử dụng, nhưng cái đó là những cái hữu hình.

Hầu hết tất cả bệnh hoạn hơn 50% là do ở Nghiệp Lực tức là do cái Tánh, 25% là do tứ đại, 25% còn lại là do ở môi trường chung quanh của mình. Môi trường chung quanh có 2 phần: một phần là ô nhiễm của môi trường và một phần là trược khí trong môi trường có tính cách vô hình. Bên cạnh đó cách ăn uống và lối sống của mình cũng đóng góp rất nhiều trong vấn đề phục hồi bệnh tật.

Nhưng nếu bảo với một chúng sanh rằng là bệnh nan y của bạn có thể giảm thiểu 50% thì tốn bao nhiêu tiền người ta cũng chấp nhận; cho dù có phải đánh đổi cả một gia tài để chữa lành bệnh thì cũng chấp nhận. Trong khi chỉ cần tuân thủ một vài quy tắc của việc tu tập, không cần phải mất tiền của, tốn hao gì cả thì thiên hạ lại thờ ơ. Cũng có khi người bệnh chịu tình nguyện đem thân mình để thử nghiệm thuốc, hoàn toàn không biết trong thuốc đó có những chất độc hại gì hay không, hay cũng có thể đưa đến những phản ứng phụ nguy hại cho tính mạng của mình, nhưng họ vẫn vui vẻ, hân hoan chấp nhận. Trong khi đó, việc tu tập chẳng những không đem lại tai hại nào cả, ngược lại còn làm cho nghiệp chướng được giảm thiểu, tánh xấu được loại trừ, sống thoải mái, ít phiền muộn thì không được người đời quan tâm.

Bởi vậy, ở trên đời có nhiều người bị mâu thuẫn là, thuở còn trẻ thì họ đem hết công sức của họ để mà đeo đuổi cái Muốn, cái Tham, gầy dựng nên tài sản, sự nghiệp, danh vọng. Phân nửa cuộc đời còn lại, họ đem tất cả những tài sản, danh vọng, sự nghiệp đó của họ để mua lại Sức Khỏe. Nếu thuở còn trẻ mà họ bắt đầu sửa tâm, sửa tánh, sống một cách ung dung tự tại, đừng triển khai quá độ cái Tham, cái Sân, cái Si của mình, biết dung hòa Đời Sống Tâm Linh với cái Muốn, thì Nghiệp Lực vẫn đến nhưng không quá nặng nề, bệnh hoạn vẫn có nhưng sẽ dễ dàng đối phó do ở ngọn lửa Tham – Sân – Si không hực cháy trong cơ thể của họ, không nung đốt nội tạng của họ.


+ 1
View Desktop
Version
\