Lạc Pháp

Siêu Độ Cho Người Tự Tử

Nghi Thức Siêu Độ

Một người đã đi đến quyết định tự tử, hành động đó nói lên được rằng: bản thân người này đã mang quá nhiều uẩn khúc trong lòng. Người này xa lìa trần thế, kéo theo một toa xe nặng trĩu SÂN HẬN, nặng trĩu KHỔ ĐAU, ngập tràn NƯỚC MẮT, đầy dẫy OÁN HỜN. Chỉ có thân nhân ruột thịt, hay bạn bè thâm giao, mới có thể thấu hiểu được một phần nào nỗi đau đớn, vày vò của người quá cố, khi họ còn tại thế; và nguyên nhân nào đã khiến cho người này tự kết liễu cuộc đời mình.

Do đó, thân nhân hãy tự mình, đem hết Tâm Thành, đem hết Tình Thương Yêu sâu đậm để siêu độ cho người quá vãng, không nên nhờ ai hết!

Chỉ có thân nhân mới giao cảm được với vong linh và giúp cho vong linh thoát được địa ngục do chính mình tạo ra. Người tự tử mang theo biết bao nhiêu nghiệp lực chưa thanh toán xong, chính những nghiệp lực này, tạo thành một địa ngục kiên cố, bao chặt lấy vong linh, do đó, việc vong linh thác sanh trở lại kiếp Người, không phải là việc đương nhiên đâu!

Muốn cho vong linh trở lại cõi Người, thân nhân phải giúp đỡ cho vong rất nhiều, kể cả công sức của chính vong linh nữa thì mới được.

Trong suốt 49 ngày, mỗi ngày thân nhân phải thỉnh vong về để cùng làm lễ Sám Hối, vì chỉ có sám hối mới làm cho tiêu bớt nghiệp chướng mà thôi. Sau đó thì trì Chú, niệm Phật và sau cùng là giảng Pháp.

Lời Pháp sẽ giúp cho vong bừng sáng, nhận ra những điều sai trái của mình, vong xả bỏ những sân hận, phiền não, chăm lo tu tập, vong được nhẹ nhàng cất bước tìm đường thác sanh.

Tuy nhiên, không thể mong mỏi một cuộc đời sắp tới tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn đâu.

Vong từ cảnh giới địa ngục, bước qua được cảnh giới Người, là một việc đòi hỏi rất nhiều sự chân thành hết dạ sám hối ăn năn. Muốn nguyện cầu cho vong có sự an bình, ít phiền não trong kiếp vị lai và nhất là được sanh ở một nơi có Phật Pháp, gặp được Thiện Tri Thức để dẫn dắt tu tập, việc đó trông chờ rất nhiều… rất nhiều vào công năng tu tập của chính thân nhân, đem công đức tu tập của mình, đem hạnh bố thí của mình mà hồi hướng cho vong linh, cả hai đều cùng lợi lạc cả.

Thân nhân nên chịu khó đọc các bài Pháp trên trang nhà LacPhap.com nói về: Nhân Quả, Nghiệp Lực, Tự Ái, Tham Sân Si, Nghiệp Chướng Nền Tảng, Địa Ngục Của Mỗi Chúng Sanh … để có đủ ý tưởng mà nói chuyện với vong linh, khuyên giải vong linh xả bỏ tất cả phiền não, sân hận và thành tâm sám hối, trì Chú, niệm Phật, để cho được nhẹ nhàng, mới có thể siêu thoát được.

Với một tình yêu thương sâu đậm, dạt dào dành cho người quá cố, thân nhân đem hết tình cảm thiết tha đó để vào từng lời khấn nguyện, từng lời Kinh sám hối, từng lời khuyên tha thiết, để hương linh sớm nhận chân ra được những điều lầm lỗi của mình khi còn sống, hương linh sẽ chân thành sám hối ăn năn, thần thức rung động, hương linh sẽ nhẹ nhàng cất bước.

Trong phần giảng Pháp cho hương linh, thân nhân sẽ lần lượt đề cập đến những điểm sau đây:

  1. Tự tử là một hành động gây tạo bởi Nhân và Quả.

    Trong quá khứ (tiền kiếp), một người đã gây tạo nhiều sân hận, nhiều đau khổ cho kẻ khác, đã khiến cho kẻ đó phải rơi lệ, phải uất ức và nhất là không biện bạch được, cho đến nỗi kẻ đó phải dùng cái chết của mình để minh bạch nỗi oan tình.

    Cái Quả nhận được ngày hôm nay, cho người đã gây tạo một cái Nhân không lành trong quá khứ, là đón nhận hết tất cả những nỗi đớn đau mà mình đã từng áp đặt lên kẻ khác. Mình cũng lại được nếm cái hương vị đắng cay của việc “có miệng mà chẳng thốt nên lời,” đưa đến một sự uất ức vô cùng cực, dẫn đến việc hủy hoại mạng sống của mình.

  2. Tất cả những cảnh huống mà người quá cố đã gặp phải, đã đối diện, đều là kết quả của việc người này đã gieo đau khổ cho kẻ khác trong quá khứ.

  3. Cái Nhân không lành mà người quá cố đã gieo trong quá khứ, đã tạo nên một nghiệp không lành, đó chính là Nghiệp Sát trong quá khứ.

    Tuy rằng người này không trực tiếp giết hại người, nhưng những điều mà họ gieo rắc cho kẻ khác, đã khiến kẻ đó tức tưởi mà Tự Sát. Trách nhiệm đó, người này vẫn bắt buộc phải gánh vác.

  4. Việc dễ dàng làm đau đớn kẻ khác, xuất phát từ cái Tánh Ngã Mạn, thiếu Từ Bi, thiếu sự Để Tâm và Bất Cần. Chính cái Tánh quá lẫy lừng đó trong quá khứ, đã trở thành tập khí cho cuộc đời ngày hôm nay, lúc nào cũng chiêu cảm những nghiệp không lành, đem đến nhiều nghịch duyên cho người quá cố.

  5. Chính cái Nhân không lành của quá khứ đã tạo nên một TỰ ÁI xoay quanh sự khổ đau, sự oan ức, sự dễ sân hận, dễ bực tức … Bất kỳ một hành động, một sự việc gì có liên quan đến những điều trên, sẽ khiến cho TỰ ÁI nổi lên và người quá cố sẽ vô cùng tủi thân và nghĩ ngay đến cái chết.

  6. Người tự tử phải hiểu rõ tư cách của người sống trên dương thế.

    Phải nhận chân ra rằng, việc được làm Người là một duyên rất lớn, không thể tự ý hủy bỏ cuộc đời mình, chỉ vì mình nhận được trái không ngon, không ngọt, không tốt đẹp. Từ chối quyền sống của mình, là một hành động không được chấp nhận trên phương diện Bổn Phận và Trách Nhiệm buộc ràng với Gia Đình, với Xã Hội, với Quốc Gia.

    Giữa người quá cố và con cái vẫn còn một nghiệp lực chưa thanh toán xong.

    Giữa người quá cố và những người quen biết khác vẫn còn oan trái chưa giải quyết xong.

    Tự tử là một hành động trốn nợ, nhưng chắc chắn rằng vẫn không trốn được mà trái lại, vốn lời chồng chất, nợ càng lên cao.

    Người quá cố gặp quá nhiều cảnh huống trong cuộc Đời, đó chẳng qua là vì người này có quá nhiều nghiệp lực cần phải thanh toán.

    Người quá cố tưởng rằng tự tử là phủi tay, là rảnh hết nợ đời, nhưng không phải thế, nghiệp lực không trả được ở kiếp này thì cũng phải trả ở kiếp vị lai, không trốn đâu cho được cả. Chỉ e rằng bổn cũ soạn lại, thì phải mất thêm một kiếp người nữa, cứ đi vòng lẩn quẩn, không bao giờ chấm dứt.

Nếu thân nhân cảm thấy rằng, mình cũng đã góp một phần vào việc gây tạo nỗi đau buồn cho người quá cố, điều tốt nhất là nên đối trước bàn thờ của vong linh, thành tâm, thành ý, hết dạ ăn năn, cầu xin lời tha thứ. Vong linh xả bỏ nỗi ưu phiền, làm nhẹ một phần nào gánh nặng mang theo.

Cố gắng giúp cho vong linh sám hối và phát nguyện tu tập, như thế mới có thể xóa được cái địa ngục mà vong sẽ phải thọ lãnh sau 49 ngày.

Nên nhớ: 49 ngày là thời gian đặc ân dành cho vong linh, nương vào sự thành tâm sám hối, tu tập để hoán chuyển cảnh giới. Cho nên, thân nhân nên giúp cho hương linh hoán chuyển từ cảnh giới Địa Ngục qua cảnh giới Người. Đó cũng là một cách để thân nhân tỏ rõ tình thương sâu đậm của mình, sự quan tâm, sự chăm sóc đến người quá cố.

Nói chuyện giảng Pháp cho vong linh nên chậm rãi, lặp đi lặp lại, vì vong linh không còn ngũ căn, nên không thể lãnh hội nhanh được.


+ 68
View Desktop
Version
\