Cúng Kiến Có Cần Chuông và Mõ Không?
- font size decrease font size increase font size
Theo nghi thức từ xưa đến nay, việc tụng Kinh, niệm Phật lúc nào cũng phải đi kèm với chuông và mõ. Nếu một người mới làm quen với việc tu tập, gặp lúc tang gia bối rối, không tìm được chuông mõ để hành trì nghi thức, việc này có thể chấp nhận được hay không?
Thật sự ra, tất cả những thứ này là do người Đời đặt ra. Tiếng chuông đóng vai trò cảnh thức, phá tan màn đen tối. Màn đen tối đó chính là gì? Chính là màn vô minh của hành giả đó. Tiếng chuông thường là đi đôi với Tâm Thức.
Tâm Thức nghĩ gì? Muốn gì? Chuyển đạt tư tưởng của mình đến đâu? Đến cho ai? v.v... Tất cả sẽ kèm theo với tiếng chuông.
Tuy nhiên, khi tu tập lâu ngày, có thể Định Tâm được rồi, tất cả những gì xuất ra khỏi Tâm Thức đều không nhất thiết phải đi kèm với tiếng chuông.
Mõ được dùng để giữ nhịp khi tụng Kinh, trì Chú hay niệm Phật, để dẫn chúng, tránh hôn trầm (buồn ngủ).
Điều chánh yếu của việc tu tập là tôi luyện cái BÊN TRONG của mình; là rọi chiếu cái NỘI TÂM, tức là phải quán sát cái Tâm, cái Ý và cái Tánh của mình.
Tâm – Ý – Tánh có luôn được giùi mài, trau chuốt, mới giúp được Thần Thức của mình THĂNG HOA. Chính vì Thần Thức không thăng hoa, nên mới cần được siêu độ.
Nếu Thần Thức được bao bọc bởi một cái Tâm không lành, bởi vô số ý tưởng không chân chính và nhất là bị chi phối bởi quá nhiều Tánh Xấu, thì ngay từ khi còn sống, Thần Thức đó đã rất nặng nề, không thể nào giúp cho thân xác của mình có được một cuộc sống thoải mái, nhẹ nhàng ung dung được.
Khi đã trở thành một vong linh rồi, Thần Thức đó chắc chắn sẽ không được nhẹ nhàng cất bước vì mang quá nhiều nghiệp chướng, được gây tạo từ một Tâm-Ý-Tánh không lành.
Khi đã hiểu rõ cái cốt tuỷ của việc tu tập rồi, những gì thuộc về hình thức, không góp phần vào việc giúp cho Thần Thức được thăng hoa, từ khi còn sống cho đến lúc mãn phần, tất cả đều KHÔNG được xem là quan trọng và cần thiết. Có cũng được, mà không có cũng không sao!