Lạc Pháp

Nếu vong linh là những đứa trẻ nhỏ, cúng thức ăn cho trẻ thơ có phải dùng đến sữa hoặc là dùng đến những thức ăn dành riêng cho trẻ thơ hay không?

Hình dạng của một trẻ thơ, nhưng là một thần thức lớn, không phải là thần thức của một bé thơ đâu! Về vấn đề này, khi nhìn về hình dạng thì, đối với một đứa trẻ thơ chỉ mới một hai tuổi hay một vài tháng tuổi, không thể nào cúng cho những vong linh đó những thức ăn của người lớn được.

Vì người đời nhìn vào hình tướng để đoán xét mọi việc, cho nên có sự phân biệt giữa trẻ thơ và người lớn. Thật sự ra, trẻ thơ hay người lớn, đều cùng có một Thần Thức lớn. Không thể nói rằng: trẻ thơ thì Thần Thức nhỏ, còn người già thì Thần Thức già, không phải như vậy.

Đã cùng là Thần Thức lớn, thức ăn nào cũng hấp thụ được cả. Vong không thể đưa thức ăn vào miệng được, vong không nhai, không nuốt được, chỉ là hưởng hơi thôi, mà đã là hưởng hơi thì bất kỳ thức ăn nào cũng được, không có sự phân biệt về tuổi tác.

Tuy nhiên, người đời căn cứ vào hình tướng, cho nên trẻ thơ thì phải cúng bằng sữa, cúng bằng những thức ăn của trẻ thơ. Cũng không sao, như thế nào cũng được, không có điều gì quan trọng cả. Đừng quên trì Chú Khai Yết Hầu để giúp cho vong linh có thể hấp thụ được hơi đồ ăn.

Giúp sao cho cái Thức của vong linh được sáng lên, đó mới là điều đáng quan tâm.


+ 36

Việc cúng cho vong có nhất thiết phải vào một giờ giấc nào nhất định hay không? Hoặc là tùy thuộc vào giờ giấc của người chủ lễ?

Nhà chùa chỉ đảm nhận việc siêu độ cho vong linh mỗi tuần 01 lần mà thôi. Tức là vong linh sẽ chỉ có vỏn vẹn 07 ngày để được siêu độ, so với 49 ngày ròng rã của thân nhân siêu độ cho vong linh.

Việc siêu độ cho vong linh tùy vào sự sắp xếp của thân nhân. Nếu thân nhân có nhiều thì giờ, có thể làm 2 lần trong một ngày; nếu không có nhiều thì giờ, làm 1 lần trong ngày cũng đủ. Giờ giấc tùy vào sự sắp xếp của thân nhân hay của người chủ lễ, không nhất thiết phải có giờ giấc cố định, miễn là đừng làm vào quá khuya, bước qua ngày hôm khác thì không tốt đâu.

Nên nhớ rằng: vong linh cần từng ngày một, do đó, giúp đỡ cho vong linh đừng để bước sang một ngày khác, uổng mất một ngày siêu độ cho vong linh.

Một ngày qua là một ngày giúp cho vong linh sám hối, giúp cho vong linh niệm Phật, giúp cho vong linh trì Chú, và giúp cho vong linh nghe Pháp, hiểu Pháp. Mất đi một ngày là mất đi bao nhiêu quyền lợi, mất đi bao nhiêu điều tốt đẹp cho vong.


+ 49

Nếu trong trường hợp hỏa thiêu, tro cốt mang về nhà phải đợi đến bao giờ mới có thể thủy táng được?

Trong trường hợp hỏa thiêu, tro cốt mang về nhà để trên bàn thờ vong; sau 49 ngày, vong đã được đi thác sanh rồi, lúc đó có thể đem tro cốt để đi thủy táng. Tro cốt dù sao cũng là một biểu tượng của thân xác của vong linh, không nên đem đi thủy táng trong lúc còn siêu độ cho vong linh, để tránh việc vong linh có thể Sân Hận. Như vậy có nghĩa là, phải chờ đợi sau 49 ngày, mới có thể mang tro cốt đi thủy táng được.

Nghi Thức Thủy Táng Hoặc Sơn Táng

Nguyên tắc đúng là, khi vong đã được thác sanh rồi thì đem tro cốt đi thủy táng hoặc sơn táng hay để bất kỳ nơi nào cũng được. Trước khi rải tất cả những tro cốt đó xuống nơi mình muốn, thì có lời khấn nguyện rằng:

“Hôm nay, tôi đem tro cốt của hương linh (tên gì đó, mất ngày nào đó), để thủy táng (hay sơn táng). Tro cốt này là một thể hiện của cái có của hương linh. Cái có đó chính là thân xác. Nhưng ngày nay, thân xác này đã trở thành KHÔNG. Sự vô thường có – không, không – có; tất cả đều trở về với cát bụi, hương linh với một thần thức sáng suốt, đã được siêu thoát, đã được thác sinh. Thân xác này, hương linh không còn nhận nó làm vật sở hữu của mình nữa. Ngày nay, cát bụi xin trả trở về cho cát bụi, hương linh ung dung tự tại nơi Cõi Trời hay Cõi Phật.”

Chỉ khấn bao nhiêu đó là đủ rồi. Cái chánh yếu trong thân xác đó đã không còn hiện hữu trong cái xác đó nữa, đã được thác sanh về Cõi Trời, hay cõi Phật hoặc cõi Người rồi. Cho nên muốn niệm Phật cũng tốt, không niệm Phật cũng không sao.

Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là lúc rải tro cốt đâu, mà điều quan trọng là, sau 49 ngày, thân nhân nên vẫn còn tiếp tục tu tập, để giúp gia tăng phần trí huệ cho hương linh. Vì sao?

Vì đúng lý ra, hương linh không được về Cõi Trời hay Cõi Phật, nhưng vì một lòng thành tu tập mà hương linh được đặc ân để hoán chuyển cảnh giới của mình, cho nên nói nôm na là, vẫn còn yếu ớt! Vì vậy, thân nhân vẫn nên tiếp tục tu tập, làm hạnh bố thí, in Kinh, đúc tượng … hồi hướng cho hương linh, giúp cho hương linh được mạnh mẽ hơn ở cảnh giới mới đó, và cũng giúp cho hương linh được an trụ lâu dài nếu ở Cõi Trời.

Còn nếu về cõi Người, cũng giúp cho hương linh tích tụ được nhiều phước đức cho một cuộc đời mới của mình.

Do đó, không phải sau 49 ngày là hoàn tất việc siêu độ đâu!

Việc siêu độ chấm dứt trên danh nghĩa, ở vào ngày thứ 49, sau khi đã tiễn vong linh về đúng cảnh giới mong muốn.

Tuy nhiên, để cho được trọn vẹn với ý nghĩa Siêu Độ, thân nhân để ra một ít thời giờ tu tập, tiếp tục hồi hướng công đức tu của mình cho vong linh.

Đây là một việc làm giúp cho cánh chim Non càng ngày càng cứng cáp, để đến một lúc nào đó, chim đã đủ lông đủ cánh, sẽ tự mình bay thoát trong khoảng trời rộng bao la.


+ 59

Sau lễ An Táng, vong linh được đưa về nhà để làm lễ siêu độ. Thân nhân phải làm như thế nào cho đúng cách?

Sau khi đã làm lễ An Táng hoặc hỏa thiêu xong, thân nhân nào cầm hình của vong linh thì khấn rằng:

“Vong linh tên đó họ đó, hãy theo về nhà và ở lại trong nhà để cho thân nhân làm lễ siêu độ cho vong linh trong 49 ngày.”

Tức khắc vong linh sẽ đi theo thân nhân về nhà. Nên nhớ: người nào cầm hình của vong linh thì người đó sẽ khấn như vậy.

  1. Nếu đã lựa chọn được chủ lễ:
  • Người này hoặc ở cùng một nhà với vong linh khi còn sống
  • Cũng có khi vị này ở khác nhà, nhưng sẵn sàng đến nhà của vong linh để hành lễ siêu độ mỗi ngày
  • Khi lễ an táng hoặc hỏa thiêu đã chấm dứt, giao cho chủ lễ cầm hình của vong linh, chủ lễ sẽ khấn vong linh để đi về nhà của vong linh.
  • Trước khi làm lễ An Táng, ở tại nhà phải nên lập sẵn bàn thờ của vong linh; sau buổi lễ An Táng về nhà, đặt hình của vong linh lên bàn thờ vong, chủ lễ sẽ cho hương linh nhập vị ngay và thỉnh hai Vị Hộ Pháp để bảo vệ cho vong.
  1. Nếu vị chủ lễ ở khác nhà với vong linh, nhưng không tiện đến mỗi ngày để hành lễ siêu độ, sau lễ an táng, vị này sẽ cầm hình của vong linh và khấn vong linh đi về nhà của vị chủ lễ. Bàn thờ của vong linh cũng phải sẵn sàng, vị chủ lễ cho vong linh nhập vị ngay, thỉnh hai Vị Hộ Pháp bảo hộ cho vong. Trong buổi lễ siêu độ đầu tiên, tất cả thân nhân của vong linh sẽ cùng hành lễ ở tại nhà của vị chủ lễ.

Máy niệm Phật để trên bàn thờ vong, nên mở suốt ngày 24/24. Đây là cách giúp cho hương linh không quên niệm Phật, càng niệm Phật nhiều, hương linh an trụ trong tiếng niệm Phật, hương linh sẽ càng thấy nhẹ nhàng hơn, đúng với ý nghĩa của việc siêu độ là giúp cho hương linh được nhẹ nhàng. Thân nhân không thể niệm Phật suốt ngày, suốt đêm được, vì vậy nếu để băng niệm Phật cho hương linh nghe thì rất tốt.

Không nên vặn quá lớn, vừa đủ để tạo một khung cảnh thật ấm cúng với nhang khói, với đèn thắp sáng trên bàn thờ. Không nên dùng nhang trầm cúng cho hương linh, nhang trầm chỉ nên dùng để cúng Phật, biểu lộ sự trân trọng của hành giả. Tuy nhiên, điều đó cũng không cần thiết đâu, điều cần yếu chính là sự thành tâm tu tập, cải sửa bản thân mình. Nên dùng loại đèn cầy ở trong ly, sẽ không bị gió lay tắt. Nơi nào không có loại đèn này thì dùng 2 ly cao, cắm 2 đèn cầy thường vào, nên nhớ là chiều cao của đèn cầy phải thấp hơn chiều cao của ly khoảng 2 cm thì đèn cầy mới không bị tắt. Hai ngọn đèn trên bàn thờ vong luôn luôn đốt sáng (24/24) để vong lúc nào cũng có cảm giác được bao bọc trong ánh sáng rực rỡ, tránh cái ánh sáng mờ mờ ảo ảo của Tam Đồ.

Ngày đầu tiên dẫn vong về nhà, phải chuẩn bị đầy đủ hương hoa trà quả ở bàn thờ Phật, hương hoa trà quả ở bàn thờ vong, kèm theo thức ăn cúng cho vong. Tất cả sẵn sàng để người chủ lễ bắt tay vào việc siêu độ cho vong linh ngày thứ 1.

Ngày thân nhân qua đời được kể tính là ngày thứ nhất, từ đó tính tới 49 ngày. Nếu từ ngày mất cho đến ngày an táng là 5 ngày, thì phải hiểu rằng thất thứ 1 chỉ còn lại có 2 ngày, cho nên người chủ lễ sẽ phải sắp xếp để thời gian 44 ngày còn lại, đủ để chuyên chở hết tất cả những gì mà người chủ lễ muốn giảng dạy, dẫn dắt cho vong, nhất là việc giúp cho vong tu tập trong suốt thời gian này.


+ 47

Có nghĩa là cái thức của hương linh nhận ra được những điều mà người chủ lễ giảng dạy, cắt nghĩa, chỉ dẫn cho hương linh. Cái thức này hoàn toàn trong suốt, không gợn bất kỳ một cái gì để làm chướng ngại.

Rung động có nghĩa là hiểu được, một sự hiểu thấu đáo không có sự che mờ khuất lấp. Vì vậy, nếu hương linh muốn được đi về cõi Phật, hương linh quyết tâm niệm Phật, quyết tâm sám hối ăn năn, hương linh sẽ được về Cõi Phật, dù rằng trước kia khi còn sống, hương linh không đủ tư cách để về Cõi Phật.


+ 38

Thức ăn đã cúng cho vong rồi, người chủ lễ hay gia đình vẫn có thể dùng được, vì vong chỉ hưởng hơi thôi, chớ không vọc vào ở trong đó để múc, để ăn giống như là người bình thường. Tuy nhiên, nếu kỹ lưỡng thì chỉ cần đậy lại thôi, đừng dọn đi, vì đó là dấu hiệu cho biết rằng buổi lễ đã chấm dứt, người chủ lễ còn phải giảng Pháp cho vong sau đó.

Thông thường, vong thọ hưởng phần vật thực chỉ trong khoảnh khắc vài phút thôi, không cần thời gian lâu giống như người còn sống khi thọ dụng một bữa ăn. Vong chỉ hưởng hơi thôi, do đó chỉ có đồ thanh vong mới hưởng được, còn đồ nặng vong không hưởng được.

Đồ thanh tức là chỉ thuần rau cải thôi, những thức ăn được nấu lên từ động vật, vong không hưởng được đâu.


+ 57

Lúc còn sống, vong có ý xem thường một người nào đó, nhưng nay thì chính người đó lại làm chủ lễ siêu độ cho vong, như vậy có gây sự khó khăn gì cho người chủ lễ trong việc giảng dạy, dẫn dắt cho vong không?

Một người khi còn sống, tỏ vẻ khinh khi kẻ khác, điều đó nói lên rằng: người ấy mang nhiều tánh xấu, đưa đến việc khinh người này, trọng người kia; thương kẻ này, ghét kẻ nọ v.v... Khi người đó đã qua đời rồi, chỉ với cái thần thức thôi, cũng khó lòng thể hiện được cái tánh xấu đó, dù rằng nó vẫn còn tiềm tàng nơi thần thức.

Tu tập chân chính là phải sửa tánh, sửa tánh và sửa tánh. Để chi? Để cho tất cả những tánh xấu mà mình đã sửa đó, không còn vướng bận vào trong thần thức nữa. Thần thức sẽ không còn mang những tánh xấu đó đi theo, nó rất là nặng nề.

Phải biết rằng, chỉ cần mang một tánh xấu thôi, thần thức cũng đã phải lê lết rồi, huống chi là có quá nhiều tánh xấu, thần thức sẽ rất nặng nề như đeo đá vậy.

Cho nên, nếu một người dù chưa biết tu tập, nhưng biết sửa đổi tánh của mình, biết dung bồi những tánh tốt, và sửa cho hết những thói hư, tật xấu của mình, khi người đó bỏ báu thân, thì cũng đỡ mang cái gánh nặng trên vai của mình.

Một người đã trở thành một vong linh, tánh xấu tuy rằng vẫn còn tiềm tàng, nhưng biểu lộ cái tánh đó, cái vong không biểu lộ được. Nếu người chủ lễ là một người tu tập chân chính, là một người có đạo lực, tự họ đã có một hào quang bao chung quanh, mắt thường không nhìn thấy được, nhưng vong linh nhìn vào đã nhận ra được, và biết rằng: không thể nào khinh miệt được người này. Cái tánh xấu ngã mạn của vong linh khi còn sống, đã ngăn chận cái nhãn căn, khiến cho không nhìn thấu triệt được cái hào quang bao chung quanh người bị miệt thị. Trước hào quang chói chang của vị chủ lễ, vong linh rất sợ hãi, bắt buộc phải kính phục và nghe theo lời của vị chủ lễ.

Bên cạnh đó, câu thần Chú CA SA THA PHA giúp cho người chủ lễ, nếu việc tu tập của họ còn kém, thì cái hào quang yếu ớt của họ sẽ rực rỡ hơn; nếu một người tu tập lâu năm, chân chính, có đạo lực, hào quang phát sáng, câu Chú kia sẽ làm cho hào quang rực lửa lên, khiến vong nhìn vào phải có một sự kính phục và nghe theo.


+ 43

Khi nói chuyện với vong, nếu người chủ lễ biết rõ ràng vai vế, thứ bậc của vong linh, cách xưng hô lúc sống như thế nào, khi chết cũng sẽ y như vậy.

Đây chỉ là một cách để biểu lộ cái tình thân, cho vong linh thấy rằng, đây chính là người thân của mình nói chuyện với mình, và người thân của mình đứng ra lo lắng cho mình.

Cho nên, muốn sử dụng cách xưng hô như khi còn sống, việc đó không sao cả. Tuy nhiên, nếu chủ lễ là một người không thuộc trong gia đình của vong linh, không quen biết, nhưng người đó đem tấc dạ chân thành của mình để giúp siêu độ cho vong linh, người chủ lễ đó có thể nói chuyện với vong linh xưng Tôi và gọi Vong Linh, Hương Linh gì cũng được cả.


+ 41

Việc một người bị chết oan, việc đó cũng ít xảy ra, nhưng vẫn có, chớ không phải là không có.

Chết oan có nghĩa là chết trước cái thọ mạng của mình. Vấn đề này cũng rất khó diễn tả, vì có đôi khi, thoạt xem qua thì cho là chết oan, nhưng thật sự ra thì không oan.

Thường thì một người, nếu thật sự chết oan, sẽ có sự báo mộng của người đó cho thân nhân là mình bị chết oan.

Người thật sự bị chết oan hay người qua đời một cách đột ngột, đều cùng giống nhau ở một điểm, đó là: họ mang cái SÂN trong người và một cảm giác SỢ HÃI.

Người chủ lễ phải giải thích để vong linh hiểu được rằng, tất cả những cảm giác tức tối, giận dữ, sợ hãi đó, vong linh cần phải buông xuống, buông bỏ để được nhẹ nhàng. Tiếng nói là “chết oan” nhưng vẫn có dính líu đến một nghiệp lực, chớ không phải không có đâu!

Dù chết một cách đột ngột, cũng vẫn là do ở sự hoạt động bất bình thường của cơ thể, chớ không phải tự nhiên mà chết. Chỉ trừ một trường hợp duy nhất, xảy ra cho người tu tập cao dày, việc ra đi của người này cũng rất là nhanh. Thật sự ra, thọ mạng của người ấy cũng đã chấm dứt, nhưng vì được đặc biệt “Tiếp Dẫn,” nên việc ra đi trở thành đột ngột.

Tóm lại, những cái gì gọi là cảm giác xấu, xảy đến cho một người trước khi hắt hơi cuối cùng, vị chủ lễ đều khuyên vong linh phải buông xuống hết. Và sau đó, nghi thức siêu độ cũng đều y như nhau. Nhưng đặc biệt trong phần giảng Pháp, phải giảng cho thần thức đó hiểu được rằng, Sân Hận là điều không nên giữ, và phải nên buông bỏ tất cả những điều làm cho mình bực dọc, nặng nề trước khi nhắm mắt. Cần phải bỏ xuống hết, để có được sự nhẹ nhàng mà cất bước ra đi.

Riêng đối với những người được nghi ngờ là chết oan, người chủ lễ hoặc thân nhân phải tu tập thật là nhiều để hồi hướng lại cho những vong linh đó. Xem như là một sự đền bù, cho khoảng thời gian mà vong linh đó còn hưởng được sự sống trên dương thế, để bù đắp lại cho vong linh đó, để cho hướng đi của họ được dễ dàng hơn, và coi như họ sẽ mang được nhiều công đức đi theo họ về một cảnh giới mới.


+ 56

Một người đã đi đến quyết định tự tử, hành động đó nói lên được rằng: bản thân người này đã mang quá nhiều uẩn khúc trong lòng. Người này xa lìa trần thế, kéo theo một toa xe nặng trĩu SÂN HẬN, nặng trĩu KHỔ ĐAU, ngập tràn NƯỚC MẮT, đầy dẫy OÁN HỜN. Chỉ có thân nhân ruột thịt, hay bạn bè thâm giao, mới có thể thấu hiểu được một phần nào nỗi đau đớn, vày vò của người quá cố, khi họ còn tại thế; và nguyên nhân nào đã khiến cho người này tự kết liễu cuộc đời mình.

Do đó, thân nhân hãy tự mình, đem hết Tâm Thành, đem hết Tình Thương Yêu sâu đậm để siêu độ cho người quá vãng, không nên nhờ ai hết!

Chỉ có thân nhân mới giao cảm được với vong linh và giúp cho vong linh thoát được địa ngục do chính mình tạo ra. Người tự tử mang theo biết bao nhiêu nghiệp lực chưa thanh toán xong, chính những nghiệp lực này, tạo thành một địa ngục kiên cố, bao chặt lấy vong linh, do đó, việc vong linh thác sanh trở lại kiếp Người, không phải là việc đương nhiên đâu!

Muốn cho vong linh trở lại cõi Người, thân nhân phải giúp đỡ cho vong rất nhiều, kể cả công sức của chính vong linh nữa thì mới được.

Trong suốt 49 ngày, mỗi ngày thân nhân phải thỉnh vong về để cùng làm lễ Sám Hối, vì chỉ có sám hối mới làm cho tiêu bớt nghiệp chướng mà thôi. Sau đó thì trì Chú, niệm Phật và sau cùng là giảng Pháp.

Lời Pháp sẽ giúp cho vong bừng sáng, nhận ra những điều sai trái của mình, vong xả bỏ những sân hận, phiền não, chăm lo tu tập, vong được nhẹ nhàng cất bước tìm đường thác sanh.

Tuy nhiên, không thể mong mỏi một cuộc đời sắp tới tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn đâu.

Vong từ cảnh giới địa ngục, bước qua được cảnh giới Người, là một việc đòi hỏi rất nhiều sự chân thành hết dạ sám hối ăn năn. Muốn nguyện cầu cho vong có sự an bình, ít phiền não trong kiếp vị lai và nhất là được sanh ở một nơi có Phật Pháp, gặp được Thiện Tri Thức để dẫn dắt tu tập, việc đó trông chờ rất nhiều… rất nhiều vào công năng tu tập của chính thân nhân, đem công đức tu tập của mình, đem hạnh bố thí của mình mà hồi hướng cho vong linh, cả hai đều cùng lợi lạc cả.

Thân nhân nên chịu khó đọc các bài Pháp trên trang nhà LacPhap.com nói về: Nhân Quả, Nghiệp Lực, Tự Ái, Tham Sân Si, Nghiệp Chướng Nền Tảng, Địa Ngục Của Mỗi Chúng Sanh … để có đủ ý tưởng mà nói chuyện với vong linh, khuyên giải vong linh xả bỏ tất cả phiền não, sân hận và thành tâm sám hối, trì Chú, niệm Phật, để cho được nhẹ nhàng, mới có thể siêu thoát được.

Với một tình yêu thương sâu đậm, dạt dào dành cho người quá cố, thân nhân đem hết tình cảm thiết tha đó để vào từng lời khấn nguyện, từng lời Kinh sám hối, từng lời khuyên tha thiết, để hương linh sớm nhận chân ra được những điều lầm lỗi của mình khi còn sống, hương linh sẽ chân thành sám hối ăn năn, thần thức rung động, hương linh sẽ nhẹ nhàng cất bước.

Trong phần giảng Pháp cho hương linh, thân nhân sẽ lần lượt đề cập đến những điểm sau đây:

  1. Tự tử là một hành động gây tạo bởi Nhân và Quả.

    Trong quá khứ (tiền kiếp), một người đã gây tạo nhiều sân hận, nhiều đau khổ cho kẻ khác, đã khiến cho kẻ đó phải rơi lệ, phải uất ức và nhất là không biện bạch được, cho đến nỗi kẻ đó phải dùng cái chết của mình để minh bạch nỗi oan tình.

    Cái Quả nhận được ngày hôm nay, cho người đã gây tạo một cái Nhân không lành trong quá khứ, là đón nhận hết tất cả những nỗi đớn đau mà mình đã từng áp đặt lên kẻ khác. Mình cũng lại được nếm cái hương vị đắng cay của việc “có miệng mà chẳng thốt nên lời,” đưa đến một sự uất ức vô cùng cực, dẫn đến việc hủy hoại mạng sống của mình.

  2. Tất cả những cảnh huống mà người quá cố đã gặp phải, đã đối diện, đều là kết quả của việc người này đã gieo đau khổ cho kẻ khác trong quá khứ.

  3. Cái Nhân không lành mà người quá cố đã gieo trong quá khứ, đã tạo nên một nghiệp không lành, đó chính là Nghiệp Sát trong quá khứ.

    Tuy rằng người này không trực tiếp giết hại người, nhưng những điều mà họ gieo rắc cho kẻ khác, đã khiến kẻ đó tức tưởi mà Tự Sát. Trách nhiệm đó, người này vẫn bắt buộc phải gánh vác.

  4. Việc dễ dàng làm đau đớn kẻ khác, xuất phát từ cái Tánh Ngã Mạn, thiếu Từ Bi, thiếu sự Để Tâm và Bất Cần. Chính cái Tánh quá lẫy lừng đó trong quá khứ, đã trở thành tập khí cho cuộc đời ngày hôm nay, lúc nào cũng chiêu cảm những nghiệp không lành, đem đến nhiều nghịch duyên cho người quá cố.

  5. Chính cái Nhân không lành của quá khứ đã tạo nên một TỰ ÁI xoay quanh sự khổ đau, sự oan ức, sự dễ sân hận, dễ bực tức … Bất kỳ một hành động, một sự việc gì có liên quan đến những điều trên, sẽ khiến cho TỰ ÁI nổi lên và người quá cố sẽ vô cùng tủi thân và nghĩ ngay đến cái chết.

  6. Người tự tử phải hiểu rõ tư cách của người sống trên dương thế.

    Phải nhận chân ra rằng, việc được làm Người là một duyên rất lớn, không thể tự ý hủy bỏ cuộc đời mình, chỉ vì mình nhận được trái không ngon, không ngọt, không tốt đẹp. Từ chối quyền sống của mình, là một hành động không được chấp nhận trên phương diện Bổn Phận và Trách Nhiệm buộc ràng với Gia Đình, với Xã Hội, với Quốc Gia.

    Giữa người quá cố và con cái vẫn còn một nghiệp lực chưa thanh toán xong.

    Giữa người quá cố và những người quen biết khác vẫn còn oan trái chưa giải quyết xong.

    Tự tử là một hành động trốn nợ, nhưng chắc chắn rằng vẫn không trốn được mà trái lại, vốn lời chồng chất, nợ càng lên cao.

    Người quá cố gặp quá nhiều cảnh huống trong cuộc Đời, đó chẳng qua là vì người này có quá nhiều nghiệp lực cần phải thanh toán.

    Người quá cố tưởng rằng tự tử là phủi tay, là rảnh hết nợ đời, nhưng không phải thế, nghiệp lực không trả được ở kiếp này thì cũng phải trả ở kiếp vị lai, không trốn đâu cho được cả. Chỉ e rằng bổn cũ soạn lại, thì phải mất thêm một kiếp người nữa, cứ đi vòng lẩn quẩn, không bao giờ chấm dứt.

Nếu thân nhân cảm thấy rằng, mình cũng đã góp một phần vào việc gây tạo nỗi đau buồn cho người quá cố, điều tốt nhất là nên đối trước bàn thờ của vong linh, thành tâm, thành ý, hết dạ ăn năn, cầu xin lời tha thứ. Vong linh xả bỏ nỗi ưu phiền, làm nhẹ một phần nào gánh nặng mang theo.

Cố gắng giúp cho vong linh sám hối và phát nguyện tu tập, như thế mới có thể xóa được cái địa ngục mà vong sẽ phải thọ lãnh sau 49 ngày.

Nên nhớ: 49 ngày là thời gian đặc ân dành cho vong linh, nương vào sự thành tâm sám hối, tu tập để hoán chuyển cảnh giới. Cho nên, thân nhân nên giúp cho hương linh hoán chuyển từ cảnh giới Địa Ngục qua cảnh giới Người. Đó cũng là một cách để thân nhân tỏ rõ tình thương sâu đậm của mình, sự quan tâm, sự chăm sóc đến người quá cố.

Nói chuyện giảng Pháp cho vong linh nên chậm rãi, lặp đi lặp lại, vì vong linh không còn ngũ căn, nên không thể lãnh hội nhanh được.


+ 56
View Desktop
Version
\