Tại Sao Nên Siêu Độ Ở Tại Nhà?
- font size decrease font size increase font size
Tại sao thân nhân nên làm việc siêu độ cho vong linh tại nhà trong 49 ngày, mà không ký linh cho chùa chiền?
Thông thường, việc ký linh vào chùa là vì những lý do sau đây:
- Thân nhân hay sợ hãi, nhất là có rất nhiều người sợ ma, không dám để hình của hương linh ở nhà, vì thấy rằng đi ra đi vào cứ nhìn thấy hình của người mới mất, có cảm tưởng rằng người đó đang phảng phất đâu đây, cho nên cứ sợ hãi. Vì vậy mà đem ký linh thân nhân mình vào chùa cho đỡ sợ.
- Vì không biết những nguyên tắc, những nghi thức để cúng cho vong trong thời gian 49 ngày.
- Do sự biếng nhác của thân nhân, vì phải làm công việc đó trong suốt 49 ngày. Đây là sự thật, không thể phủ nhận!
- Vì những thân nhân của hương linh không tha thiết đến việc tu tập, cho nên cứ đem hương linh giao phó cho chùa chiền, rồi thì chùa chiền muốn làm gì cũng được. Sau 49 ngày là phủi tay xong việc!
- Thân nhân cho rằng: vì bận bịu với công việc làm ăn hằng ngày nên không có thì giờ để hành trì siêu độ cho người quá vãng.
Đối với người chủ lễ chưa biết tu tập, thì đây là một cơ hội tốt để người này, vừa bày tỏ lòng thương yêu của mình đến người quá cố và cũng là dịp để tập tễnh bước vào đường tu tập. Dù là một sự bắt buộc tu tập, hay là một sự phát nguyện tu tập, đây vẫn là một dịp rất tốt để làm bàn đạp cho việc thăng hoa sau này.
Lúc đầu thì cảm thấy khó chịu, lúng túng, nhưng sau đó không bao lâu, khi suy nghĩ lại, vì tình thương yêu của mình đối với người đã mất, cũng mong mỏi cho người đã mất được ung dung tự tại, được siêu thoát nhẹ nhàng, cho nên, thôi thì bấm gan bấm bụng mà tu! Rồi thì từ từ, mỗi ngày một chút, đến khi thâm nhập lúc nào không hay. Vì vậy mà thời gian 49 ngày, đủ để giúp cho một người, từ một tư tưởng, một cảm giác bị bắt buộc, trở thành ra tự nguyện hay phát nguyện tu tập.
Việc siêu độ cho hương linh ở tại nhà có một điều lợi ích, là sự giúp đỡ cho hương linh được dễ dàng hơn. Trong 49 ngày, hương linh chưa nhận ra được mình đã mất, vẫn còn lẩn quẩn ở trong gia đình, cho nên hương linh không cảm giác nhiều về sự đói lạnh, vẫn còn cảm nhận được không khí gia đình. Vì vậy, người chủ lễ sẽ cảm thấy gần gũi hơn với hương linh, và vì biết rõ được những điều thầm kín, những khúc mắc của hương linh, người chủ lễ sẽ tỉ tê, khuyên giải mỗi ngày. Như vậy giúp cho hương linh bừng sáng rất nhiều.
Số hương linh ký gởi tại chùa quá đông, người chủ lễ ở tại chùa cũng không có nhiều thì giờ để tìm hiểu gốc gác, ngọn ngành của mỗi hương linh. Việc đánh thẳng, đánh mạnh vào trong những khúc mắc của mỗi hương linh, hoặc tỉ tê, khuyên giải từng vong linh mỗi ngày, điều đó vị chủ lễ gần như bó tay, không làm được. Ngoài ra, còn phải kể đến tâm thành, tâm lực, đạo lực của người chủ lễ rất là nhiều.
Nhà chùa lấy dạ Từ Bi đối với Phật Tử, không nỡ chối từ bất cứ một hương linh nào cả.
Tuy nhiên, làm sao có thể so sánh được sự săn sóc của viện dưỡng lão với sự chăm lo, chắt chiu của gia đình, đối với thân nhân già nua hay tàn tật của mình.
Nếu cảm thấy rằng: việc siêu độ cho hương linh đem lại lợi lạc cho kẻ Dương Thế lẫn người cõi Âm thì nên tiến hành việc siêu độ tại nhà, làm giảm bớt đi gánh nặng cho nhà chùa.
Hương linh để tại nhà cũng vẫn tốt hơn, vì ngoài người chủ lễ, còn có thể có những người thân khác; tuy rằng họ không được như người chủ lễ, nhưng cũng đem tấc dạ chân thành của mình ra để cầu nguyện cho hương linh, thì cũng giúp cho hương linh rất nhiều trong vấn đề siêu thoát.
Cho nên, một người nào có thân nhân vừa mới qua đời, nên cố gắng tự mình siêu độ cho vong linh của thân nhân mình, vì đó là cơ hội để giúp cho mình có thể bước vào đường tu tập, hoặc được thăng tiến trên đường đạo, nếu mình đã từng có tu tập rồi, và điều quan trọng là dễ dàng giúp cho thần thức của thân nhân mình hiểu biết và rung động để siêu thoát được.
Việc sợ hãi một người mới mất, đó là vấn đề tâm lý. Thật sự ra mình phải nghĩ rằng: một khi mình mất rồi, những người khác có sợ như vậy hay không? Tại sao mình lại sợ một cái vong? Cái vong không làm gì được cả. Đối với một người vừa mới qua đời, tất cả mọi việc chung quanh họ đều làm cho họ rất bỡ ngỡ.
Khi còn sống, họ nhìn sự vật với đôi mắt của họ, với nhãn thức của họ, tất cả mọi thứ đều đóng khung. Họ không thể nào nhìn cái gì quá cái khung của đôi mắt họ được. Nhưng một khi đã trở nên một cái vong rồi, tầm nhìn của họ không bị đóng khung nữa. Họ có thể nhìn thấu hết tất cả mọi vật. Ngay cả những thân nhân của họ, tâm tánh như thế nào, họ đều nhìn thấu rõ, nhưng bảo rằng, những vong này có thể làm hại bất kỳ ai thì việc đó không có. Vong mới vừa mất chưa đủ sức để làm việc đó đâu! Như vậy đâu có gì để phải sợ hãi cái vong?
Tại sao lại có sự phân biệt giữa người đã mất với người còn sống? Sự sợ hãi có được là do người còn sống tự đặt một ranh giới, giữa người đã mất và người chưa mất. Giả sử rằng, người đã mất này hiện đang ở cùng một khu phố với mình, mà mình không biết được rằng người này đã mất, thì liệu rằng mình có sợ hãi hay không? Cho nên, tất cả đều là do người sống đặt ranh giới để tạo sự sợ hãi.
Phải hiểu rằng: Sanh – Lão – Bệnh – Tử, có sanh thì có tử, người đi trước, kẻ đi sau, không ai thoát được vòng lẩn quẩn đó, vì vậy mà nên từ bỏ tư tưởng sống chết. Hãy xem đó là một điều đương nhiên phải chấp nhận! Có sanh ra thì phải có chết, để không cảm thấy rằng, có một sự khác biệt ở trong đó.
Trong phần nghi thức siêu độ, mỗi ngày, trước khi hành lễ, người chủ lễ phải trì Chơn Ngôn Phát Hào Quang. Câu Chú này giúp cho trong nhà rất thanh tịnh, không có gì phải sợ hãi cả.
Kế tiếp là phải tự hỏi rằng, mình có thật lòng chan chứa tình cảm với người đã mất hay không? Có xem người đó giống như thuở người đó còn sống hay không? Có một tình thương dạt dào với người đó hay không? Khi người đó còn sống thì mình làm thế nào để giúp cho người đó được vui vẻ, được cảm thấy hạnh phúc? Bây giờ người đó không còn hiện diện nữa, phải làm cái gì để giúp cho người đó được tốt đẹp, được thăng hoa? Khi còn sống thì người đó hưởng hạnh phúc, nhưng khi người đó đã mất rồi thì người đó phải được thăng hoa.
Khi mình đặt những câu hỏi đó, thì mình sẽ có câu trả lời là, “tôi phải làm một cái gì!” Và chính câu trả lời, tôi phải làm cái gì để giúp cho thân nhân của tôi được thăng hoa, sẽ giúp cho tôi tìm tòi tất cả những phương cách, phương tiện để giúp đỡ cho thân nhân.
Khi đã hiểu được chuyện đó rồi thì dễ dàng bước vào việc tu tập. Việc tu tập, bước ban đầu là vì thân nhân, cho thân nhân, tất cả giúp cho thân nhân; nhưng chắc chắn rằng, sau 49 ngày, người chủ lễ sẽ có một cảm giác rằng, chính thân nhân quá cố đó đã giúp cho tôi bước vào đường tu tập lúc nào không hay. Cho nên có lợi cho cả đôi bên, một khi vẫn có lợi cho cả đôi bên thì tại sao không thực hành? Tại sao còn phải đắn đo?