Lạc Pháp

Pháp Môn Tu Tập

Jan 17 2023

Mừng Xuân QUÝ MÃO

Chân thành kính chúc
Đạo Hữu xa gần
Tâm Xuân phơ phới
Ý Xuân chan hòa
Lộc Xuân tràn đầy
Hy Vọng chứa chan
Tương Lai ngời sáng

Kính bạch Sư Phụ,

Có nhiều người rất có Đạo Tâm, nhưng vì không có Trí Huệ để có thể minh định cách tu nào là thích hợp với bản thân mình? Họ chỉ có thể tự cho rằng, nếu hằng ngày mình biết ngồi Thiền, biết Niệm Phật, biết Hành Thiện thì cuộc đời của mình sẽ bớt đi những sóng gió, sẽ yên ổn hơn.

Một lối suy nghĩ rất là tiêu cực và có vẽ như an phận!

Họ chưa từng đặt những câu hỏi xa hơn, như là:

  • Nếu tôi giữ cách thức tu như vậy thì sau khi tôi chết, tôi sẽ đi về đâu?

  • Dù rằng tôi biết ăn chay, niệm Phật, ngồi Thiền, nhưng tại sao tôi vẫn đối diện với nghịch cảnh?

  • Trong Đạo có đề cập đến 2 chữ Chứng Đắc, điều này có phải là chỉ dành cho những Bậc Cao Tăng tu tập đến bậc thượng thừa hay không?

  • Người bình thường như tôi có thể nào tu chứng đắc được hay không?

  • Người tu chứng đắc sẽ có cảm giác như thế nào?

Kính xin Sư Phụ từ bi hướng dẫn cho hàng Phật Tử chúng con cách thức để lựa chọn một Pháp Môn Tu Tập vừa đơn giản, vừa dễ thâm nhập, vừa dễ dàng hành trì, và điều quan trọng là đem lại một kết quả tối đa.

Bên cạnh đó, còn có một vấn đề quan trọng khác mà con muốn đề cập đến, đó chính là tính cách thiết thực của một Pháp Môn Tu. Không phải chỉ có người theo Đạo Phật mới hành trì được Pháp Môn này, mà bất cứ ai muốn cải thiện con người mình để trở nên Toàn Thiện, Toàn Mỹ thì đều có thể thực hành Pháp Môn Tu này, cho dù họ đang là tín đồ của bất cứ một tôn giáo nào.

Thực sự ra việc tu tập có rất nhiều cách, Chúng Sanh vì không nắm bắt được cái cốt tủy của việc tu tập, cho nên cứ đi lòng vòng, hết cách này tới cách kia, đến cách nọ.

Là Phật Tử, ai cũng đã từng nghe qua 84000 Pháp Môn Tu, dẫn dắt người tu tập tiến đến việc Chứng Đắc. Lần lượt Chúng Sanh đã được nghe qua: Thiền chứng đắc, Tịnh Độ chứng đắc, Mật Tông chứng đắc, Đại Thừa chứng đắc, Tiểu Thừa chứng đắc, Mật Tịnh chứng đắc, Thiền Tịnh chứng đắc v.v… Đó là một sự suy nghĩ “thuần về vật chất.”

Khi Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật nói rằng, có 84000 Pháp Môn Tu thì Chúng Sanh phải hiểu rằng cái cốt tủy chỉ có 1 mà thôi. Đường đi thì có 84000 lối đi, nhưng mà cái căn nhà phải đi tới thì chỉ có 1 căn nhà mà thôi! Chớ không phải có tới 84000 căn nhà ở trong đó.

Như vậy thì chỉ có 1 căn nhà nhưng mà có tới 84000 ngõ ngách để đi tới. Nếu thế thì tại sao mình không lựa chọn một cái ngõ ngách nào, một con đường nào vừa ngắn, vừa dễ đi, không có gập ghềnh để đi cho nhanh, lựa chi con đường xa xôi, đi chi trên con đường trắc trở, leo trèo chi trên con đường đầy hầm hố? Đi mãi mà sao không thấy tới, hết kiếp này sang qua kiếp nọ, con đường thì hun hút mà ngôi nhà thì không thấy tăm hơi.

Thật sự ra trong 84000 con đường dẫn đến ngôi nhà, con đường nào thuận lợi nhất? Dễ đi nhất? Ít tốn thời gian nhất? Và ngôi nhà khiến cho Chúng Sanh nào cũng háo hức để đi tới cho bằng được, đã cất chứa cái gì ở trong đó?

Trở về với cái cội nguồn thì căn nhà đó là căn nhà mà Đức Bổn Sư Thích Ca mâu Ni Phật đã để lại cho Chúng Sanh, ngôi nhà cất giữ cái cách thức tu tập để giúp cho Chúng Sanh cõi Ta Bà thoát Vòng Sanh Tử Luân Hồi.

Qua hơn 2500 năm, Chúng Sanh đã rời xa lần cái cội nguồn, ngày nay, người ta đến chùa phần lớn là để cầu Phước.

Trước khi người ta đổi công ăn chuyện làm, người ta đến chùa. Người ta sắp sửa có một cuộc trình diễn với đông người xem, người ta cũng đến chùa để khấn, để lạy. Người ta cầu con cái, người ta cũng đến chùa. Người ta cầu tình duyên, người ta cũng đến chùa bái lạy… Tất cả những thứ này không nằm trong kho tàng của Đức Bổn Sư để lại.

Thời nay, người ta tìm đến con đường tu tập là để giải quyết những nan đề của Chúng Sanh, mà những nan đề đó từ đâu mà có? Là do nghiệp lực tạo ra! Chúng Sanh đã gieo Nhân thì đương nhiên phải gặt Quả Trái. Chúng Sanh tìm con đường tu tập là để giải trừ cái Quả, Quả đó là Quả bệnh tật, Quả nghèo nàn, Quả thiếu tình yêu, Quả cô đơn, Quả không có con cái…vv... Chúng Sanh tìm đến sự tu tập là để giải cái Quả, chớ không phải là đi theo đúng với cái tôn chỉ của Đức Bổn Sư là tu tập để thoát kiếp Luân Hồi.

Chúng Sanh theo đuổi chuyện tu tập là để thỏa mãn những cái Muốn của Tâm Chúng Sanh, chớ không phải nhằm vào cái mục đích cốt yếu mà Đức Bổn Sư đã để lại, do đó mà 2 chữ "Tu Tập" hoàn toàn không có ý nghĩa dù rằng Chúng Sanh tu tập theo bất kỳ một Pháp Môn Tu nào.

Đức Bổn Sư khi hiện thân ở cõi Ta Bà, Ngài đã nhìn thấy một cảnh tượng vô cùng là đau lòng của Chúng Sanh, đó là mỗi Chúng Sanh đều bị giam hãm trong một cái hố chật hẹp. Chúng Sanh, bất kể thời gian, cứ loay hoay trong cái hố tối tăm đó, vừa chật hẹp, vừa hạn chế rất nhiều sự tự do di chuyển tới lui. Do đó mà, Người Phật Tử mang danh là tu tập, nếu không nghĩ đến cái mục đích tối hậu của việc tu tập, thì sẽ không khác gì tự mình chôn vùi trong cái hố sâu chật hẹp, tối tăm đó.

Thế giới càng văn minh, đời sống vật chất càng lên cao, nhiều đòi hỏi, Chúng Sanh càng nhanh chóng đổ xô vào những mong cầu về vật chất, do đó mà đã thiếu hẳn hoàn toàn sự đáp ứng những mong cầu về Tâm Linh. Chúng Sanh đã bị cái màn vô minh khá dày bịt mắt, bịt mũi, bịt tai, Chúng Sanh không nhìn thấy được cái cảnh mình quờ quạng ... quờ quạng  ... trong cái hố sâu, Chúng Sanh không còn thấy được cái ánh sáng chói chan, rực rỡ của mặt trời và cũng không tìm thấy được sự thênh thang, dễ dàng của việc di chuyển tới lui.

Do đó, càng tìm cầu những mong muốn về vật chất, sẽ càng làm cho chúng sanh lún sâu hơn trong cái vực thẳm mà mình đã rơi xuống. Không phải mình mới rơi đây đâu, mà mình đã rơi xuống vực thẳm từ biết bao lâu nay rồi, từ trong quá khứ, ngày giờ này, ở hiện kiếp, mình vẫn còn bị vướng mắc trong cái vực thẳm đó. Mình chỉ có thể nhìn thấy màng màng, không rõ ràng cho lắm, những sự vật ở chung quanh mình. Một khi mà mình không thấy rõ ràng những sự vật chung quanh, thì làm sao mình có thể có được một nhận xét, một phán đoán đúng về tất cả những gì ở chung quanh mình?

Cho nên, câu hỏi được đặt ra là Chúng Sanh có thật sự đến với Đạo để tu tập hay không? Nếu đến với Đạo vì một sự tò mò, vì thị hiếu, vì Tự Ái, vì háo danh, hoặc đến với Đạo vì bất kỳ một lý do nào đó ngoài cái mục đích tối hậu mà Đức Bổn Sư đã nêu lên, đều được xem rằng người đó không có thật sự thực hành việc tu tập.

Tôn Chỉ của Đức Bổn Sư là Thoát Kiếp Luân Hồi!!

Muốn thoát kiếp luân hồi, phải cắt Vòng Sanh Tử. Muốn cắt Vòng Sanh Tử, bắt buộc phải đoạn lìa Vòng Nghiệp Lực. Muốn đoạn lìa Vòng Nghiệp Lực, phải Sửa Tánh - Bình Tâm - Chỉnh Ý. Tức là phải NHIẾP THÂN - KHẨU - Ý!

Khi những mong cầu về vật chất càng lên cao, đời sống Tâm Linh sẽ càng trở nên xơ xác và cằn cỗi. Mảnh đất đáng lẽ phải được vun phân tưới nước, đào xới để cho nó luôn được phì nhiêu, đằng này vì mải mê lo vun bồi cái đời sống Vật Chất mà mảnh đất Tâm Linh bị bỏ quên đến khô cằn, nứt nẻ, thiếu nước, thiếu phân, thiếu sự đào xới, vun bón.

Mọi người không có nghĩ rằng, một khi mà đời sống Tâm Linh bị bỏ rơi thì đời sống vật chất cũng sẽ tàn lụn dần, vì sao? Vì trên cái mảnh đất phì nhiêu, người ta trồng lúa, trồng khoai, trồng rau củ quả ... trồng tất cả những thứ gì có thể nuôi sống cái thân xác.

Người ta trồng hoa màu ở trên cái mảnh đất phì nhiêu, chớ người ta không có đem cái mảnh đất phì nhiêu mà đặt lên trên hoa màu được. Một cái cây mà trái sai oằn, đó là do nó mọc trên mảnh đất phì nhiêu, được luôn đào xới, vun phân, tưới nước, chớ không thể nào tự nhiên mà nó phát triển xanh tươi, sai trái được.

Cho nên, người Đời tưởng đâu rằng mình chạy theo đời sống vật chất là mình sẽ có được một cuộc đời tốt đẹp, được người khác chắt lưỡi khen thầm và ao ước; chớ thật sự ra, chính đời sống tâm linh mới vun bồi cái đời sống vật chất.

Một người có một đời sống tâm linh quá ư là nghèo nàn, quá ư là cằn cỗi thì liệu rằng người đó có được một sức sống mãnh liệt hay không? Cái sức sống mãnh liệt ở trong thân thể của một con người xuất phát từ ở đời sống tâm linh, chớ không phải xuất phát từ ở đời sống vật chất.

Một đứa nhỏ được cho nhiều thức ăn ngon, nhiều đồ chơi, nhưng lại rất ít để ý đến nó, gần như bỏ rơi nó, bận bịu không dòm ngó tới nó, hất hủi nó, ít khi nào nói với nó một lời êm dịu, ít khi nào nói với nó một lời từ ái, thì bao nhiêu đồ chơi đó, bao nhiêu thức ăn ngon đó, liệu rằng đứa nhỏ có muốn ăn hay không? Có muốn chơi hay không? Hay là nó ủ dột cầm lên để rồi buông rơi xuống!!

Chúng Sanh đã nghĩ sai rất nhiều về Đời Sống Tâm Linh, nó mới chính là động lực khiến cho một con người vùng lên. Một dân tộc bị xâm lăng, cái gì giúp cho dân tộc đó đánh đuổi được quân thù? Chính là Đời Sống Tâm Linh! Nó thể hiện ở đâu? Nó thể hiện ở cái tình thương cá nhân, thương mình trước tiên, thương gia đình, thương làng xóm và thương cái Quốc Gia của mình đang chịu sự dày xéo của quân thù, cho nên đã bật dậy và kết đoàn nhau mà chung sức đánh đuổi quân thù ra khỏi đất nước mình.

Không có Đời Sống Tâm Linh, đừng hòng giữ lấy một đời sống vật chất vững vàng, tốt đẹp. Muốn có một đời sống tâm linh vững vàng, con người phải sống theo một quy tắc hẳn hòi, không thể sống vô trật tự, không thể sống thiếu nề nếp. Mình phải biết khắc chế bản thân mình, phải biết nhận thức được đâu là ích lợi, đâu là vô bổ, đâu là cần yếu, đâu là dư thừa. Đời Sống Tâm Linh nếu được chắt chiu, được chăm sóc thì nó mới có thể vượt lên cao được.

Cái gì đóng góp rất nhiều vào trong đời sống tâm linh? Đó chính là cái TÁNH.

Một người có quá nhiều tánh xấu, có quá nhiều thói hư thì đương nhiên rằng cuộc đời của người đó có được yên lành hay không? Nay thì người này mắng vốn, mai thì người kia tìm kiếm, mốt thì người nọ đến trả thù, mình sống mà mình không có sự hòa đồng, không có sự chia sẻ lẫn nhau, không có sự tương trợ, không có sự giúp đỡ.

Mình sống mà mình miệt thị kẻ khác, mình xem thường kẻ nọ, mình dữ tợn với kẻ kia, mình ích kỷ hẹp hòi với đồng bào mình, mình bất lương đâm ra cướp giựt, đâm ra thủ đoạn. Mình sống mà lúc nào đầu óc của mình cũng luôn nghĩ đến việc đối đầu với kẻ địch, làm cách nào để chiến đấu thắng được kẻ thù của mình?

Đầu óc lúc nào cũng rối bời, không có giây phút nào gọi là yên ổn, an tâm, thử hỏi rằng, mình có thật sự tận hưởng cuộc sống trong nhà cao cửa rộng, trong tiền muôn bạc vạn, trong nệm ấm chăn hoa hay không? Trong khi lòng luôn sợ hãi, e dè, lúc nào cũng đề phòng việc người ta có thể làm tổn hại đến mình.

Một lối sống như thế thì làm sao có thể giúp cái mảnh đất Tâm của mình phì nhiêu lên được? Mình không có tưới vào cái mảnh đất Tâm của mình những dòng nước thương yêu, những dòng nước trìu mến, những dòng nước tương trợ, những dòng nước chân thành. Cái mảnh đất Tâm đó chưa bao giờ được tiếp nhận một giọt nước nào từ ở cái con người có quá nhiều tánh xấu, thì thử hỏi làm sao có thể vun bồi, ương trồng những cây trái, hoa quả tốt đẹp trên cái mảnh đất Tâm này?

Đầu óc luôn rối bời với những tư tưởng phải phòng vệ, phải đối đầu, phải đối địch, phải chống đỡ, thì còn thời giờ đâu để mà gieo trồng những hạt giống tốt tươi, để cho ra lúa, để cho ra củ, cho ra rau trái, cho ra hoa đẹp xinh tươi? Hoàn toàn không có!!

Cho nên việc vun bồi một cái mảnh đất Tâm, một ngôi vườn Ý Tưởng bắt buộc phải nhờ đến những cái tánh mềm mỏng, cao thượng. Tất cả những Đức Tánh của một người mới chính là hạt giống tốt, là phân, là nước rưới lên cái mảnh đất Tâm làm cho nó phì nhiêu, giúp cho cây trái, hoa quả mọc trên cái mảnh đất Tâm đó cho ra quả trái sai oằn, chín mọng, và đồng thời ngôi vườn Ý Tưởng cũng trổ đầy hoa thơm cỏ lạ, xinh tươi rực rỡ.

Tất cả những thành quả đó, muốn có được thì phải theo đúng cái con đường mà Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã vạch ra từ hơn 2500 năm trước. Dù là 2500 năm về trước hay 2500 năm về sau và mãi mãi, con đường này vẫn không bao giờ suy suyển, lúc nào cũng vẫn là con đường thẳng tắp, với một hướng đi cố định và duy nhất, dù cho đi bao nhiêu chục con đường, bao nhiêu trăm con đường, bao nhiêu ngàn con đường, cũng vẫn phải quay về với cái mục tiêu chánh yếu là TÂM - Ý - TÁNH.

Bộ 3 Tâm-Ý-Tánh vẫn luôn luôn liên kết chặt chẽ để hình thành cái Đời Sống Tâm Linh, dẫn dắt một Chúng Sanh hướng về cái Toàn Thiện - Toàn Mỹ.

Tu tập là cốt yếu chỉnh sửa Tâm-Ý-Tánh, là vun bồi cái Đời Sống Tâm Linh để khi còn hơi thở thì có cơ hội tận hưởng thế nào là sự An Lạc, một mai khi lìa Đời thì ung dung tự tại bước ra khỏi cái Vòng Luân Hồi đã lôi kéo mình cứ lộn đi lộn lại không biết bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp ở cõi Ta Bà.

SỬA TÁNH:

Khi Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật còn tại thế, dưới mắt của Ngài, trên gương mặt của từng Chúng Sanh phảng phất nét cằn cỗi, thiếu nụ cười, ánh mắt gần như không có nét tinh anh, biểu lộ một tinh thần hoàn toàn tiêu cực, thiếu sự sống động, thiếu sự nhiệt huyết, nhiệt thành.

Cảnh đói nghèo khiến cho con người dễ tham lam, dễ sân hận, và một khi sa vào một đam mê nào đó rồi, thì dễ trở nên si dại và đờ đẫn, khó lòng phân biệt thật hư.

Mỗi một Chúng Sanh không khác một chiếc bóng dật dờ, đi không vững bước, khệnh khạng từng bước một mà không phân định được mình đi về đâu. Tức là, sống không có mục đích, không có phương hướng, sống ngày nào thì lo ngày đó, cho nên không thể nào tiến lên được về mặt Vật Chất lẫn Tinh Thần.

Vướng vào 3 cái Tánh Độc Địa Tham - Sân - Si cùng với những cái tánh dây tơ rễ má của chúng, khiến cho Chúng Sanh trở nên cộc cằn, ích kỷ, nhỏ nhoi, ti tiện, khó lòng mở rộng vòng tay tương trợ; nhân dáng thì lúc nào cũng lộ vẽ hầm hầm, khó chịu như sẵn sàng đối địch với ai đó, thiếu sự cởi mở, thiếu nụ cười, thiếu sự ấm áp trong đôi mắt, thiếu sự nhân ái trong lời nói, thiếu sự hòa nhã trong từng cử chỉ, từng cách cư xử với người chung quanh.

Sự nhận định đó đã giúp cho Đức Bổn Sư nhanh chóng ban hành GIỚI LUẬT và Đoàn Tăng Chúng của Ngài phải tuân thủ tất cả Giới Luật do Ngài vạch ra. Giới luật bao gồm tất cả những cái Tánh, từ những cái Tánh rất đơn giản, rất thông thường, có thể cảm nhận được một cách dễ dàng, cho đến những cái Tánh có tính cách vi tế hơn, ít khi có dịp phạm phải, nhưng không có nghĩa là không bao giờ xảy ra.

Tại sao Tăng Chúng phải tuân thủ Giới Luật?

Như đã đề cập ở trên, Tánh càng xấu càng khiến cho mảnh đất Tâm của một người dễ trở nên cằn cỗi, nứt nẻ. Người mang nhiều tánh xấu, nhiều thói hư rất dễ dàng tạo những sai lầm, những oán hờn, những tai ương với mọi người. Đương nhiên, BẠN thì không có nhưng THÙ thì vô số!! Đối đầu với kẻ thù, có khi giải quyết sòng phẳng, có khi không sòng phẳng. Với những ai mà mình không giải quyết sòng phẳng được thì oán hờn biến thành Nghiệp Lực, nó sẽ không ngừng truy sát mình từ kiếp này sang qua kiếp khác cho đến khi nào cán cân Nghiệp Lực cân bằng, có nghĩa là mọi oán thù đã trở nên sòng phẳng.

Nếu tánh xấu cứ tiếp tục triển khai thì bổn cũ sẽ soạn lại, Nghiệp Chướng cứ chất chồng, nằm sấp lớp, đè nặng lên mảnh đất Tâm, ngày qua ngày, kiếp qua kiếp, khi nhìn ngoảnh lại thì không còn thấy đâu ra cái mảnh đất Tâm tốt đẹp nữa, nó đã bị vùi lấp bởi một lớp đen ngòm của những Nghiệp Lực chất chồng.

Muốn phá hủy cái lớp đen ngòm này, không phải là việc của một ngày một bữa, mà nó là việc của nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm đi kèm với một sự quyết tâm và một sự can đảm đúng nghĩa.

Tại sao phải quyết tâm và can đảm?

Việc sửa Tánh là một hành động tự nguyện, tuy nhiên, nếu đã nhận thức được rằng, sửa tánh sẽ mang lại cho tôi nhiều lợi ích về mọi mặt, từ cá nhân cho đến giao tế, cho đến việc tu tập….thì lại càng giúp cho tôi để nhiều sự quyết tâm hơn vào việc giùi mài, làm cho tiêu những tánh xấu của tôi.

Thông thường, vì cái Ngã của con người quá lớn, ai cũng rất là Tự Mãn, cho nên không ai chấp nhận rằng mình có tánh xấu. Đây là hành động “cái cày để trước con trâu” vì cho rằng mình không có tánh xấu; nếu đã là không có tánh xấu thì làm sao có việc sửa tánh? Bước thứ nhất chưa bước qua được thì làm sao đi được bước kế tiếp? Do đó mà những ai tự nhận rằng mình có tánh xấu và sẵn sàng moi móc những tánh xấu của mình ra, đều được xem đó là một hành động rất là can đảm!

Tăng Chúng đi theo Đức Phật là muốn học hỏi đúng với những gì mà Đức Phật đã làm, đã tư duy. Con đường mà Đức Phật đã trải qua từ bước đầu tiên cho đến bước cuối cùng trở thành Đấng Giác Ngộ, đã được Đức Bổn Sư trân trọng chỉ dạy cho Tăng Chúng không thiếu sót. Ngài đã hệ thống hóa từng tư duy, từng nhận định, từng chiêm nghiệm của Ngài về cuộc đời của Chúng Sanh trên cõi Ta Bà, từ Vua Cha của Ngài, từ trong Hoàng Tộc, từ trong hàng Trưởng Giả Quý Tộc, cho đến hàng dân giã từ giàu đến nghèo, cho chí đến kẻ bần hàn cùng đinh trong xã hội….tất cả đều nằm trong tầm ảnh hưởng của THÂN - KHẨU - Ý.

Đề cập đến THÂN là đề cập đến cái Bản Năng, tức là đề cập đến cái MUỐN, và chủ động cho những cái Muốn chính là cái Tánh!!

Cái Tâm không thể tự mình thốt nên lời được, không thể diễn tả được nếu không qua cái Miệng (Khẩu).

Do đó, cái Tôn Chỉ mà Đức Bổn Sư đưa ra, dẫn dắt Tăng Chúng trên bước đường tu tập được tóm gọn trong 3 Chữ THÂN - KHẨU -Ý tức là TÂM * Ý * TÁNH.

Chỉnh sửa Tâm-Ý-Tánh để nó trở về với cái Mục Đích Tối Hậu là Đoạn Nghiệp Lực hầu thoát Vòng Sanh Tử luân Hồi, Thần Thức được ung dung tự tại.

Tâm-Ý-Tánh có một sự liên kết rất chặt chẽ với nhau, và việc chỉnh sửa những Tánh Xấu cũng như việc vun bồi những tánh Tốt mang một tầm ảnh hưởng đặc biệt đến cái Tâm và cái Ý. Điều này đã được trình bày rất rõ ràng ở phần trên.

Chính cái tầm quan trọng của cái Tánh đã là động lực thúc đẩy Đức Bổn Sư phải đặt ra Giới Luật, Tăng Chúng có tuân thủ Giới Luật một cách nghiêm minh thì mới dễ dàng tiến đến cái mục đích tối hậu của việc tu tập là Thoát Kiếp Luân Hồi.

Có thoát kiếp luân hồi mới mong trở thành Bồ Tát, trở thành Phật được.

Người xuất gia tu tập không thể ngồi ê a từ kiếp này sang kiếp khác. Với 250 cái Tánh hay nhiều hơn nữa mà với sự quyết tâm chỉnh sửa thì việc chứng đắc cũng vẫn không kéo dài qua nhiều kiếp Người. Với sự quyết tâm và đi đúng con đường mà Đức Bổn Sư đã vạch ra thì việc “tu nhất kiếp ngộ nhất thời” sẽ không còn là một việc hy hữu ở Thế Gian này!!

Chỉ có người xuất gia tu tập mới phải tuân thủ Giới Luật với tối thiểu 250 cái Tánh phải chỉnh sửa, cũng như thường xuyên quan sát và chăm sóc.

Phật Tử tu tập tại gia thọ Ngũ Giới hay Bồ Tát Giới dốc tâm tu tập, giữ gìn Giới Luật của mình, đặc biệt quyết tâm tiêu trừ 3 cái Tánh độc hại Tham-Sân-Si, cũng đủ đem lại sự Bình An cho tâm hồn. Điểm đáng nói là phải nhận chân ra được thế nào là Tham? Thế nào là Sân? Thế nào là Si? Có nhận chân ra được Tham-Sân-Si, tự nhiên sẽ biết được những cái Tánh có liên quan đến Tham-Sân-Si. Phải tự mình nhận biết để mới có thể dễ dàng sửa đổi được. Hiểu được Tham-Sân-Si, hiểu được những cái tánh có dây tơ rễ má đến Tham-Sân-Si là đã thấy người mình nhẹ nhõm rồi.

Nếu mình tự nguyện sửa được nhiều tánh chừng nào thì người mình sẽ nhẹ nhàng chừng nấy và tiềm năng ở trong người của mình sẽ được dồi dào hơn, sinh lực của mình cũng sẽ tràn đầy hơn, giúp cho mình dễ dàng chuyển qua chỉnh sửa cái Tâm của mình.

BÌNH TÂM:

Bình Tâm có nghĩa là giữ Tâm cho BÌNH.

Tại sao phải giữ Tâm Bình?

Giữ Tâm Bình để giúp cho Tâm không bị chao đảo trước mọi sự việc xảy ra, có nghĩa là giúp cho Vòng Nghiệp Lực của mình tránh va chạm vào Vòng Nghiệp Lực của kẻ khác, có thể đưa đến sự hiện diện của một Nghiệp Chướng.

Tâm Bình giúp cho người tu tập tư duy sâu sắc, thấu đáo hơn, thâm ý của Chư Phật và Bồ Tát.

Tâm được giữ Bình sẽ dễ dàng giao cảm với Phật và Bồ Tát.

Muốn có được Tâm Bình, bắt buộc phải Sửa Tánh. Những Tánh Xấu, những Thói Hư là ngòi nổ khiến cho Tâm luôn chao động; Tâm chao động thì Nghiệp Chướng dễ phát sinh; nghiệp chướng chất chồng, Tâm sẽ trở nên khô cằn, nứt nẻ.

Từ Quá Khứ cho đến Hiện Tại, trải qua không biết bao nhiêu Đời, bao nhiêu Kiếp, Nghiệp Chướng cứ chất chồng như núi cao. Cứ mỗi lần qua một kiếp, Tánh Xấu càng tăng thêm chớ không có giảm do ở môi trường mà Thần Thức hiện diện. Tùy theo phong tục tập quán của mỗi môi trường mà phát sinh những Tánh Xấu khác nhau; nếu Thần Thức cưu mang nhiều Tánh Tốt thì trí huệ sẽ giúp cho Thần Thức nhận định dễ dàng những tánh xấu chung quanh mình, nhờ đó mà có thể ảnh hưởng Thân Xác để dễ dàng tránh xa những Tánh Xấu có tính cách riêng biệt đó.

Đã là Nghiệp Chướng thì tránh sao cho khỏi việc đối đầu với Oan Gia Trái Chủ. Trong cuộc sống hằng ngày, có những Oan Gia Trái Chủ luôn kề cận bên mình và mang đến cho mình biết bao cảnh trái lòng, có miệng mà không thốt được nên lời, cứ âm thầm chịu đựng….và chịu đựng, đó chính là những Oan Gia Trái Chủ mặt đối mặt với mình. Bên cạnh đó còn có những Nghiệp Lực Bài Học luôn thúc hối mình, luôn làm khó mình, luôn đem đến sự phiền muộn cho mình, khiến cho mình phải chùn tay khi hành động, khi toan tính.

Vẫn chưa hết, Nghiệp Bệnh đổ ra, nay thì bệnh này, mai thì bệnh kia, thuốc cứ uống, Bác Sĩ cứ phải thường xuyên thăm viếng, Thân Xác rã rời như không còn sinh lực nữa, đôi mắt thiếu tinh anh, đôi môi thiếu nụ cười. Con người bỗng trở nên cằn cỗi, già nua, mất đi cái nhuệ khí, mang tiếng Sống nhưng không vùng vẫy được, đành kéo lê Thân Xác cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay.

Biết rằng đây chính là sự triển khai của Nghiệp Lực, nhưng thử hỏi rằng, Nghiệp Lực có thực sự chấm dứt chưa? Câu trả lời là CHƯA!! Đây mới chính là điều quan trọng mà người tu tập phải tư duy.

Tùy vào mức độ nghiêm trọng của Nghiệp Lực, đó là một nghiệp lực lớn hay là một nghiệp lực nhỏ mà người thụ đắc nghiệp lực sẽ nhận được những cảnh huống từ nặng nề nhiều đến ít nặng nề hơn. Và hãy nhớ rằng, đây chỉ mới là HÌNH PHẠT để làm cân bằng cán cân Nghiệp Lực.

Muốn làm tiêu Nghiệp Lực, muốn xóa bỏ đi cái hình ảnh Nghiệp Chướng trong Tâm Thức, bắt buộc phải hành trì Sám Hối * Trì Chú * và Niệm Phật.

  1. Tại sao phải Sám Hối?

    Sám hối là hành động chứng tỏ rằng mình là người có lỗi và thành tâm nhận lỗi. Việc nhận lỗi không phải là một lời bải buôi, nói cho qua lề, cho lấy có, cho xong việc.

    Những lời ăn năn hối lỗi phải xuất phát từ Lòng chân thành, từ Tâm chân thật, từ ở một sự nhận thức đúng đắn về những hành vi sai trái, nông nổi, thiếu suy nghĩ, đã đặt Tự Ái cũng như cái Ngã của mình lên quá cao, khiến cho mình trở nên mù quáng, xem thường kẻ khác và vung tay quá độ.

    Lời sám hối xuất phát từ Tâm Rung Động, Tâm nức nở mới có thể làm cho những hình ảnh Nghiệp Chướng trong Tâm Thức bị rạn nứt ra.

  2. Tại sao phải Trì Chú?

    Lòng chân thành sám hối chỉ đủ sức làm rạn nứt cái hình ảnh Nghiệp Chướng trong Tâm thức; muốn cho hình ảnh này rơi rớt ra, bắt buộc phải nhờ sự giúp sức của Chư Phật và Bồ Tát qua công năng của câu Thần Chú. Câu Thần Chú là Tâm Ý của Phật và Bồ Tát. Nếu sự mong cầu của mình phù hợp với Tâm Ý của Phật và Bồ Tát thì câu Thần Chú sẽ triển khai cái công năng và giúp cho sự mong cầu đó đạt được kết quả tốt đẹp.

    Bồ Tát Quán Thế Âm đã cho Chúng Sanh cõi Ta bà 2 câu Thần Chú thuộc vào bậc Thượng Thừa. Đó là 2 câu Thần Chú “Lấp Biển Vá Trời” thuộc loại Chú Như Ý, gồm: Chú Đại Bi và Lục Tự Đại Minh Chơn Ngôn.

    Khi hành trì Sám Hối, người tu tập phải giữ Tâm Bình, Tâm bất loạn, quán hào quang khi trì Chú để đem công năng của câu Thần Chú mà làm vỡ tung những hình ảnh Nghiệp Chướng, khiến cho nó rớt ra khỏi Tâm Thức của mình. Do đó cần phải nhiếp Tâm trì liên tục câu Chú trong vòng từ 10 đến 15 phút, và trong trường hợp này, câu chú được sử dụng sẽ là Lục Tự Đại Minh Chơn Ngôn OṂ MAṆI PADME HŪṂ, vừa ngắn gọn, vừa có một công năng tuyệt vời trong việc thiêu đốt những hình ảnh nghiệp chướng trong Tâm Thức.

  3. Tại sao phải Niệm Phật?

    Công năng của câu Thần Chú, dù rằng đã giúp cho cái Nghiệp Chướng vừa mới quán tưởng được nhẹ lần….nhẹ lần, nhưng, để đảm bảo một kết quả hoàn toàn tốt đẹp, tôi phải đem hết tâm tư, đem hết cái tấm lòng thiết tha sám hối của tôi để niệm Phật, niệm Bồ Tát; tôi kêu gọi Phật, kêu gọi Bồ Tát hiện diện để giúp sức cho tôi làm nhẹ đi cái Nghiệp Chướng của tôi. Cũng giống như khi tôi trì Chú, tôi phải niệm Phật với cái Tâm Bình, Tâm Bất loạn, tôi phải quán Phật và Bồ Tát trong ánh hào quang sáng chói, và ánh hào quang rực sáng đó mới có thể thiêu đốt đi cái hình ảnh Nghiệp Chướng trong Tâm Thức của tôi.

    Đương nhiên là tôi không nhìn thấy được sự hiện diện của Phật và Bồ Tát, nhưng tôi hiểu rằng, sự chân thành sám hối, sự thiết tha hối lỗi của tôi chắc chắn sẽ làm động lòng Chư Phật và Bồ Tát, các Ngài không bao giờ quay lưng với bất cứ ai đem tấm chân tình ra đối với các Ngài.

    Lần lần, nhờ tôi thường xuyên thành tâm hành trì Sám Hối - Trì Chú - Niệm Phật mà Tâm Thức của tôi từ từ được sáng ra, thêm vào đó, việc chỉnh sửa những Tánh Xấu giúp tôi sở hữu được nhiều Tánh Tốt, khiến cho màn Vô Minh được mỏng dần ra, giúp cho ngọn đèn Trí Huệ được sáng lần lên. Công năng tu tập của tôi được gia tăng, Công Đức tu tập được tích tụ, tôi hân hoan hồi hướng hoàn toàn Công Đức đó cho các Oan Gia Trái Chủ như một sự đáp đền.

    Kể từ đây, dù rằng tôi không nhìn thấy được Chư Phật và Bồ Tát qua mỗi lần tu tập, nhưng với Trí Huệ, tôi cảm nhận được sự hiện diện của các Ngài luôn ủng hộ và độ trì cho việc tu tập của tôi.

    Việc tu tập bắt buộc phải qua 3 giai đoạn, đó là Sám Hối - Trì Chú - Niệm Phật. Thiếu 1 giai đoạn, việc tu tập sẽ không hoàn chỉnh. Họp 3 giai đoạn đó lại, người tu tập mới đủ sức nạy cái lớp đen ngòm, cứng chắc ở trên cái mảnh đất Tâm, xem như đã giải quyết được sự cằn cỗi, nứt nẻ của mảnh đất Tâm.

CHỈNH Ý :

Sau khi tôi đã chăm chút mảnh đất Tâm của tôi rồi thì tôi sẽ phải vun bồi cái vườn hoa Ý Tưởng của tôi.

Những bài Pháp chính là những giọt nước mưa Cam Lộ giúp cho ngôi vườn của tôi nở rộ nhiều bông hoa đẹp. Tôi càng đọc nhiều bài Pháp, đất của mảnh vườn tôi càng phì nhiêu. Tôi đọc Pháp bằng cả trái tim tôi, chớ không bằng đôi mắt, mà cũng không bằng cái miệng. Chính vì tôi đọc bằng cả trái tim cho nên Tâm tôi rung động theo từng lời Pháp, và tôi thấm thía được từng lời, từng chữ Pháp, tôi thấu đáo được những lời gửi gắm của các Đấng Từ Bi đến cho Chúng Sanh.

Lời Pháp đã dẫn dắt tôi đi trên con đường ngay nẻo thẳng, giúp tôi loại bỏ lần hồi những Thói Hư Tật Xấu của mình và làm tiêu lần đi những Nghiệp Chướng của tôi. Do đó tôi bắt buộc phải hiểu Pháp mỗi khi tôi đọc Pháp.

Việc tư duy Pháp vô cùng là quan trọng vì nhờ có tư duy, tôi mới thâm nhập được lời Pháp, ánh sáng Trí Huệ mới có cơ hội lóe lên, nhờ đó mà vườn hoa Ý Tưởng của tôi mới rộ lên nhiều bông hoa đẹp.

Thâm nhập lời Pháp có nghĩa là lời Pháp sẽ nằm trong tim, trong óc, trong tủy của tôi, trong máu huyết của tôi, để khiến cho tôi không còn tái phạm những điều sai trái mà tôi đã làm, từ trong quá khứ cho đến ngày nay.

Cuối cùng thì, trong bất cứ hoàn cảnh nào, tôi cũng phải hành Pháp, áp dụng đúng lời Pháp, có được như vậy thì mảnh đất Tâm của tôi mới được phì nhiêu!!

Một khi lời Pháp đã ngấm vào trong xương tủy, trong tim óc rồi thì chắc chắn rằng Chúng Sanh sẽ không bao giờ làm chuyện quấy trá vì nó là một sự tự nhiên!! Bao nhiêu đó cũng đủ để giúp cho một Chúng Sanh trau giồi phần Đời Sống Tâm Linh của mình, và lần lần, những Tánh Tốt sẽ trở thành những Thói Quen Tốt khiến cho mình không bao giờ có thể làm được những điều sai trái đối với mọi người chung quanh. Những sự đối xử tốt đẹp, dịu dàng, hòa nhã, cởi mở, luôn mở rộng vòng tay, biết tương trợ, biết chia sẻ…. tất cả những hành động đó sẽ trở thành ra là Phản Xạ Tự Nhiên.

Đã là phản xạ tự nhiên thì dù cho có xảy ra một tình huống nào đó do người khác mang đến cho mình, phản ứng của mình, cách ứng phó của mình cũng không ngoài những thói quen Tốt mà mình đang thụ đắc. Dần dà sẽ không còn xảy ra những việc Ganh Tị nhau, Đố Kỵ nhau, Ghen Ghét nhau….Người nào cũng cố gắng trau giồi Đời Sống Tâm Linh của mình để cho nó được lên cao.

Tu tập không đòi hỏi một Chúng Sanh phải cạo tóc, phải mặc áo nâu sòng, phải bước vào chùa, phải nhờ đến sự bảo trợ của một Vị chức sắc nào ở trong chùa.

Ngày xưa, đoàn Tăng Chúng vì muốn gần gũi với Đức Phật để học từng lời nói, từng cử chỉ, từng cách đối xử của Ngài, người ta muốn làm y theo như Ngài để cũng được trở thành Phật như Ngài, cho nên người ta mới bỏ nhà để đi theo Ngài. Ngày nay, Chúng Sanh không cần làm những điều đó vì có biết bao nhiêu sách vở ghi chép lại Đời Sống của Đức Phật với cách hành xử, cách ứng xử, cách đối phó của Đức Phật với Chúng Sanh. Ngoài ra, phong cách của Ngài, lối sống của Ngài…nhất nhất đều được ghi chép lại rõ ràng để làm khuôn phép cho người tu tập.

Ngày xưa, Tăng Chúng phải trực tiếp nghe Đức Phật giảng dạy, sau đó, thiền định để tư duy lời của Đức Phật dạy. Lời của Đức Phật thì hằng hà sa số, đã được Tổ A Nan huân tập sau khi Đức Phật nhập diệt, thành 5 Tạng Kinh Điển. Ngày nay tất cả Kinh Điển Phật đều được phổ biến rộng rãi khắp nơi trên toàn Thế Giới, nơi nào có tín ngưỡng Phật Giáo là sẽ không thiếu Kinh Điển, và Kinh Điển được dịch ra theo từng ngôn ngữ. Lời Kinh tức là Lời Pháp xuất phát từ kim khẩu của Đức Phật.

Do sự chuyển dịch từ tiếng nguyên gốc là tiếng Phạn ra nhiều ngôn ngữ khác nhau, nên đa phần Lời Kinh trở nên khó hiểu, đây cũng là một rào cản khá lớn cho người tu tập, do không hiểu rõ lời Kinh nên khó thâm nhập. Đôi khi đã tụng hết một quyển Kinh, nhưng vẫn không hiểu rõ ý nghĩa của Kinh, chính vì vậy mà việc nắm bắt được cái cốt tủy của Lời Kinh, tức là lời Pháp, bỗng trở nên vô cùng khó khăn cho người tu tập.

Hiểu rõ vấn đề này, cho nên Thầy đã đóng góp chút ít công sức của mình vào việc hệ thống hóa bản đồ tu tập của Đức Bổn Sư, trình bày những điều chính yếu, căn bản để giúp Chúng Sanh cõi Ta Bà, am tường một cách dễ dàng hơn, thấu đáo hơn những bước đi của mình trên bước đường tu tập. Tất cả những bài Pháp đều nhằm vào việc hướng dẫn người tu tập đi đúng con đường để có thể tiến đến một kết quả tốt đẹp là Thăng Hoa.

Chúng Sanh không cần phải bỏ nhà ra đi, không cần phải tá túc trong chùa; tất cả những nguyên tắc mà Đức Phật đã đặt ra là để giúp cho tất cả mọi người cùng tu tập chớ không dành riêng cho một cá nhân nào, không riêng cho một giới nào. Ai cũng có thể tu tập được, ai cũng có thể tạo dựng cho mình một Đời Sống Tâm Linh tốt đẹp được mà không cần phải dứt áo ra đi.

Mỗi ngày chỉ cần dành cho mình 1 tiếng đồng hồ để hoàn tất những giai đoạn tu tập và điều chánh yếu là, phải biết đối diện với những tánh xấu của mình, mà muốn đối diện với cái tánh xấu của mình bắt buộc phải quán chiếu cái tánh xấu đó. Khi quán chiếu một tánh xấu, người tu tập sẽ nhận ra ngay lỗi lầm gì mà mình đã gây tạo từ ở tánh xấu đó.

Chúng Sanh phải nhớ một điều rằng, đã trải qua rất nhiều đời nhiều kiếp ở cõi Ta Bà, không có bất cứ lỗi lầm nào mà Chúng Sanh không phạm phải. Không phạm ở kiếp này thì cũng phạm ở kiếp khác. Quán chiếu là một hành động gợi nhớ lại những hình ảnh trong quá khứ, là một sự lục lạo trong Tâm Thức, để moi ra những hình ảnh Nghiệp Chướng mà Thần Thức của mình đã khắc ghi trong tâm Thức.

Thầy có lời đề nghị: Nên xem lại bài Pháp Quán Tưởng khi Sám Hối, trong bài Pháp đó có rất nhiều chi tiết bổ túc cho bài Pháp của ngày hôm nay.

Chúng Sanh đã biết rằng, là một con Người hiện diện trên cõi Ta Bà, từ Đông sang Tây, từ Âu sang Á, dù thuộc bất cứ một chủng tộc nào, dù có khác màu da, khác tiếng nói, Chúng Sanh vẫn là một con người gồm có 2 phần: Thân Xác và Linh Hồn. Đời Sống Vật Chất hỗ trợ cho Thân Xác, trong khi Linh Hồn nhận sự hỗ trợ của Đời Sống Tâm Linh. Sự hình thành đời sống tâm linh bắt nguồn từ 3 yếu tố Tâm - Ý - Tánh, sự vun bồi đời sống tâm linh cũng không ra ngoài 3 yếu tố Tâm - Ý - Tánh. Những yếu tố này hiện hữu trong Đời Sống Tâm Linh của mọi Chúng Sanh, không có NGOẠI LỆ!! Linh Hồn lên cao hay xuống thấp, thăng hoa hay đọa lạc đều tùy thuộc vào Tâm - Ý - Tánh.

Bất kỳ một cách thức tu tập nào giúp cho Tâm - Ý - Tánh khởi sắc, được chỉnh sửa, được trau giồi, đều được hoan hỷ chấp nhận và phổ biến rộng rãi.

Điều quan trọng mà Chúng Sanh bắt buộc phải ghi nhớ là, tất cả những đẳng cấp nào có nguồn gốc từ Con Người đều có sự hiện hữu của Tâm - Ý - Tánh.

Thánh Chúng của Cực Lạc xuất thân từ Con Người

Thiên Chúng của Cõi Trời xuất thân từ Con Người

Vong Linh xuất thân từ Con Người

Chư Thần xuất thân từ Con Người

Khi còn Thân Xác, con người luôn trau giồi phần Tâm-Ý-Tánh để cho Đời Sống Tâm Linh được nâng cao, hỗ trợ mạnh mẽ phần Đời Sống Vật Chất, hay nói cho đúng hơn là Thân Xác.

Khi chỉ còn là Linh Hồn dưới dạng của một Vong Linh, dù đó là Vong Linh siêu thoát hay không siêu thoát, Vong Linh cũng rất cần sự giúp đỡ việc Siêu Độ cho Vong Linh trong suốt thời gian 49 ngày. Vì 3 yếu tố Tâm-Ý-Tánh không bao giờ xa lìa Thần Thức (Linh Hồn), cho nên Vong Linh không siêu thoát (còn vướng mắc những điều chưa giải tỏa được) rất cần được hướng dẫn để BÌNH TÂM qua việc hành trì Sám Hối-Trì Chú-Niệm Phật, và đồng thời được chỉ dẫn để SỬA TÁNH qua những bài Pháp dưới nhiều dạng thức giúp cho Vong Linh vừa triệt tiêu những Thói Hư Tật Xấu, vừa chỉnh sửa lại những Ý TƯỞNG nông nổi của mình. (Xem: Bổ Túc Quyển Siêu Độ)

Việc chỉnh sửa Tâm-Ý-Tánh có thể giúp cho Thần Thức của Vong Linh rung động về Cõi Trời hay về Cõi Phật trong thời gian siêu độ 49 ngày.

Thánh Chúng trên Thai Sen cũng tiếp tục hành trì Sám Hối-Trì Chú-Niệm Phật cho đến khi Thần Thức nhẹ lần và xuất Liên Hoa. Việc Sám Hối cũng sẽ không dừng lại sau khi xuất Liên Hoa, mà vẫn tiếp tục cho đến khi Thánh Chúng đó trở thành Bồ Tát, thành Phật, có nghĩa là cho đến khi cái núi Nghiệp Lực hoàn toàn biến mất.

Một Thần Thức được rước về cõi Trời để hưởng Phước, trong suốt thời gian trụ lại ở cõi Trời, Nghiệp Lực dừng lại. Nếu Thiên Chúng đó biết lợi dụng cơ hội này để tu tập, để vun bồi Tâm - Ý - Tánh của mình qua việc ăn năn sám hối, làm tiêu những hình ảnh Nghiệp Chướng trong Tâm Thức của mình, Phước trời sẽ gia tăng, đường tu tập thăng tiến, con đường từ cõi Trời sang qua Cực Lạc sẽ ngắn ngủi, không còn dài lê thê, nhiều trắc trở như khi còn ở tại cõi Ta Bà.

Chư Thần trải qua một thời gian quá sức dài phục vụ cho Chúng Sanh của cõi Ta Bà, quên bản thân mình, chỉ lo chu toàn nhiệm vụ. Chúng Sanh từ trước đến nay chỉ quen hưởng lợi mà quên đi người phục vụ cho mình. Ngày giờ này, Chúng Sanh cũng nên nghĩ đến công ơn của Chư Thần bằng cách giúp cho Chư Thần tu tập, hầu triển khai được phần Trí Huệ của Chư Thần. Chư Thần có trí huệ đương nhiên sẽ bước lên một đẳng cấp cao hơn, và càng phục vụ đắc lực hơn cho Chúng Sanh.

Mỗi khi Chúng Sanh tu tập, cứ khấn Chư Thần về tu chung. Chư Thần ở khắp mọi nơi, chỉ cần lòng thành tâm mời gọi của Chúng Sanh, Chư Thần sẽ hiện diện để cùng Chúng Sanh tu tập. Từ khi còn là một CON NGƯỜI cho đến khi nhận nhiệm vụ LÀM THẦN, Chư Thần đâu có cơ hội được chỉ dạy việc Bình Tâm - Chỉnh Ý - Sửa Tánh để đoạn trừ Nghiệp Lực. Bao lâu nay làm nhiệm vụ, Nghiệp Lực vẫn còn đó, chỉ tạm dừng chớ không tiêu hủy được, do đó, nếu Chư Thần có cơ hội cùng tu tập với Chúng Sanh, biết hành trì Sám Hối - Trì Chú - Niệm Phật, thì Tâm - Ý - Tánh của Chư Thần sẽ sáng lần lên, giúp cho ngọn đèn Trí Huệ được bật lên.

Đây chính là một sự đáp đền vô cùng tích cực công ơn Phục Vụ của Chư Thần từ bao nhiêu lâu nay cho Chúng Sanh.

Như đã nói ở trên, Pháp Môn Tu Tập này không có gì là bí hiểm hay mới mẻ cả. Đây chỉ là một sự đóng góp nhỏ nhoi của Thầy trong việc đúc kết lại cái Tâm Nguyện của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Ngài đã trình bày rất là nhiều, Ngài nói cũng rất là nhiều, nhưng dường như Chúng Sanh về sau không hiểu được cái Ý chính của Ngài, cứ thêm thắt lòng vòng để rồi cuối cùng không được cái gì hết.

Đời người đâu có kéo dài, ngày xưa con người sống đến 60 tuổi là xem như đã khá dài, ngày nay số người sống đến 100 tuổi cũng có, nhưng vẫn là con số ít, cho nên việc tu tập nếu đi lòng vòng thì làm sao có thể thanh toán được trong 1 kiếp người?

Chúng Sanh hãy tư duy cho thật kỹ, một Pháp Môn Tu mà có thể áp dụng cho: Con Người * cho Vong Linh * cho Thánh Chúng * cho Thiên Chúng * cho Chư Thần, thì có phải đó là một Pháp Môn Tu thích hợp, và đúng với Tâm Nguyện của Vị Giáo Chủ Cõi Ta Bà là Thoát Kiếp Luân Hồi hay không?


+ 60
View Desktop
Version
\