Lạc Pháp

Dec 20 2014

Khi triệu thỉnh vong về để cúng, có khi nào mời nhầm một cô hồn uổng tử hoặc một vong linh khác đi cùng với vong linh (thân nhân) để vào nhà hay không?

Nếu vong nhập vị thì luôn luôn bên cạnh của vong đều có hai Vị Hộ Pháp. Còn nếu không cho vong nhập vị, thì phải khấn Chư Thần Thổ Địa nơi mình cư trú và xin phép để cho vong tên đó, họ đó, mất ngày nào đó, được vào nhà để mình siêu độ cho vong. Sẽ không có việc các vong khác ồ ạt kéo đến đâu. Chỉ trừ khi nào gia đình đó có một nghiệp lực sâu dày với một vong linh nào đó, thì mới có việc vong linh đó vào để dựa nhập. Ngoài ra thì không có việc một vong linh nào đó cùng đi với vong linh (thân nhân) để mà vào nhà.

Thế giới cõi Âm cũng có những quy luật rất là chặt chẽ. Tất cả những vong linh trong thế giới cõi Âm, đều có một kỷ luật đâu vào đó. Không thể nào tự ý muốn làm gì thì làm. Vẫn có một sự tổ chức hẳn hòi, trừ khi là oan gia, nghiệp chướng, thì đó là một việc khác. Không phải bất kỳ một vong linh nào cũng được quyền xuất nhập trong nhà của người trên dương thế đâu.

Một người đã phát nguyện tu tập, và biết cách thức tu tập “chân chính,” luôn luôn có Chư Thần, Hộ Pháp theo bảo vệ Đạo Tràng, Kinh điển, và luôn cả chính bản thân của người tu tập nữa. Cho nên không dễ dàng để cho bất kỳ một vong linh nào dựa nhập được hết. Chỉ trừ khi nào là oan gia, nghiệp chướng thì chuyện đó là một chuyện khác.

Muốn có được sự hộ trì của Ơn Trên, hành giả bắt buộc phải là một người tu tập chân chính: luôn giữ Giới, Tâm phải được kiểm soát thường xuyên, tránh không chao động. Những Ý tưởng bất thiện, kém hoặc không cao thượng đều phải được ngăn chận, và hủy bỏ đúng lúc, đúng thời; sửa Tánh, giùi mài Tánh và trau giồi Tánh. Như thế mới giữ được tư cách cùng nét oai nghi của người tu tập. Sự tu tập nếu chỉ thể hiện qua lời nói sẽ khó lòng nhận được sự hộ trì.

Nên nhớ rằng: tất cả những sự hộ trì đều là đặc ân, đền bù cho người đã bỏ nhiều công sức, bỏ nhiều thì giờ vào việc tu tập. Một người tu tập chân chính đúng nghĩa, sẽ là một vị Bồ Tát của Cực Lạc trong tương lai, cho nên tự họ sẽ được bảo vệ. Nếu vì một lý do nào đó mà họ dứt đường tu tập, không tiếp tục, thì lúc đó họ sẽ không còn nhận được sự hộ trì nữa. Còn nếu họ vẫn tiếp tục tu tập chân chính, đúng Pháp, trong tương lai, họ sẽ là Bồ Tát của Cực Lạc, thì việc hộ trì cho họ là chuyện đương nhiên!


+ 55
Dec 20 2014

Khi một người Nam và một người Nữ giao hợp, đúng vào lúc có hiện tượng THỤ THAI, là đã có sự hiện diện của Thần Thức rồi.

Nhưng sau đó, người Mẹ bị sẩy thai, tức là Thần Thức đã bước ra ngoài khỏi Thai noãn. Nên ghi nhận những trường hợp sau đây:

  1. Thần thức thấy rằng không thể tồn tại được trong người của Bà Mẹ vì:
  • Người Mẹ bị bịnh, không thể nào giữ cái thai đến đúng ngày sinh nở được.
  • Người Mẹ có vật lạ xâm nhập vào người.
  1. Cũng có thể rằng người Mẹ, hoặc luôn cả người Cha đã làm nhiều việc thiện, tích lũy Phước Đức. Phước Đức này sẽ giống như một MÀN CHẮN, không cho Thần Thức tiến vào, nếu Thần Thức đó quá hung hãn, quyết một lòng đòi nợ.

Khi người Mẹ bị sẩy thai, Thần Thức bước ra khỏi thai noãn, xem như nghiệp lực giữa đôi bên còn chưa bộc phát.

Thần thức ra đi, mang theo nhiều SÂN HẬN vì không phải dễ dàng tìm được:

  • Nơi chốn thác sanh
  • Cha mẹ có dây tương quan nghiệp lực, phối hợp được với Thần Thức, để mọi việc được THUẬN DUYÊN.

Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát cũng phải khó nhọc mới giúp được cho vong linh tìm đúng cha mẹ, tìm được đúng chỗ thác sanh.

Vuột mất một cơ hội, khiến cho Thần Thức rất là buồn bã đến đâm ra sân hận.

Việc siêu độ cho thai nhi bị sẩy được hành trì theo đúng nghi thức, nhưng chỉ cần 21 ngày, tức là 3 tuần lễ. Ngài Địa Tạng sẽ giúp cho vong linh trong trường hợp này, tìm cha mẹ khác để thác sanh trong vòng 21 ngày.

Người chủ lễ phải khuyên giải thần thức để cho thần thức được nhẹ nhàng, hiểu rõ rằng, chỉ trừ trường hợp người mẹ có ý muốn hủy diệt cái thai, còn việc sẩy thai không do ý muốn của người mẹ, thần thức cũng không nên sân hận quá nhiều.

Phá Thai

Xin xem bài cập nhật về Phá Thai nơi đây: http://lacphap.com/item/463-pha-thai

Đối với những người có ý muốn tiêu diệt cái thai, trong trường hợp này, có khi không tiêu diệt được, có khi tiêu diệt được.

Nếu không tiêu diệt được, nghiệp lực dồn lại cái trước lẫn cái sau.

Nếu trong trường hợp tiêu hủy được, người mẹ mang nghiệp sát, và cái nghiệp này sẽ cộng thêm với cái nghiệp đã gây tạo ra lúc trước giữa hai thần thức.

Vì vậy, nếu gặp một thần thức bướng bỉnh, thần thức đó sẽ tìm cách nhập thai trở lại. Đây là một cách để tỏ sự sân hận.

Cũng có khi thần thức hiền hậu hơn, không bướng bỉnh, lúc đó ngài Địa Tạng sẽ giúp cho đi tìm chỗ thác sanh. Tuy nhiên, nghiệp lực cũng đã tạo ra giữa người mẹ đó với thần thức.

Nếu một người mẹ phá thai đã lâu mà vẫn còn thấy đứa con của mình, điều đó có nghĩa là vong linh đó chưa siêu thoát, chưa tìm chỗ thác sanh, cho nên người mẹ có cơ hội nhìn thấy con. Sự việc khi đó sẽ rất là phức tạp, rối rắm và lắm điều sầu thảm. Nghiệp lực giữa đôi bên cũng vẫn buộc ràng. Rồi thì cũng có thể gặp nhau trên dương thế để đòi nợ nhau.

Vì vậy phải cẩn thận rất nhiều, đừng xem việc phá thai như một trò đùa. Đừng xem thường những thai nhi còn trong bụng Mẹ.

Y khoa khuyên không nên phá thai khi thai nhi đã tượng hình (từ tuần thứ 20 trở lên), nhưng thật sự ra thì một mạng sống đã bắt đầu từ khi cha mẹ giao hợp và thụ thai, chớ không phải đợi tới lúc tượng hình đàng hoàng!

Người đời nhìn tất cả mọi việc với ngũ căn, có nghĩa là có giới hạn, không thể nhìn xuyên qua cái giới hạn đó được.

Nếu có thể thấu suốt xuyên qua cái giới hạn, chắc có lẽ người đời không dám làm sai, làm chuyện sái quấy đâu!

Người phá thai phải nhớ rằng, mình đã tạo nghiệp sát bên cạnh cái nghiệp chưa thanh toán giữa mình và đứa nhỏ chưa ra đời đó. Hai nghiệp chồng lên nhau, sẽ rất là nặng nề, tạo nên vô số cảnh huống, nhiều bi kịch khi hai thần thức đối diện nhau qua một cơ duyên nào đó.

Có thể nói rằng, công việc của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát vô cùng cực nhọc và phức tạp. Ngài phải giúp đỡ cho các vong linh rất nhiều.

Việc đi tìm chỗ cho vong linh thác sanh cũng không phải là điều dễ dàng. Công việc của Ngài ở cõi Âm phải nói rằng: “trùng trùng điệp điệp.” Nếu chúng sanh trong cõi Ta Bà biết tu tập, làm giảm nghiệp lực, thì công việc của Ngài ở cõi Âm sẽ được giảm bớt rất nhiều.

Khi sẩy thai còn có thể siêu độ được, nhưng khi phá thai, khó siêu độ lắm!

Người chủ lễ siêu độ cho một thần thức bị phá thai khó vô cùng. Hãy nghĩ rằng, mình muốn sống mà người ta nở chặt đứt đường sống của mình, niềm sân hận sẽ lên đến đâu? Cho nên thần thức đó đã trở thành một oan gia trái chủ rất lớn của người muốn hủy diệt nó.

Nếu người mẹ đó vừa mới phá thai, thần thức chưa kịp đi tìm chỗ thác sanh khác, người chủ lễ còn có cơ hội để khuyên bảo. Việc tu tập trong trường hợp này rất là cần thiết, và lợi lạc cho cả hai bên: cho người Mẹ lẫn cho thần thức của thai nhi. Người Mẹ cần phải thành tâm sám hối rất nhiều, phải tha thiết sám hối, phải bố thí, phải hành Thiện và hồi hướng tất cả công đức của sự Tu Tập Chân Chính cho thần thức đó.

Chỉ có Tu Tập Chân Chính mới có thể giải quyết được ổn thỏa. Nên nhớ rằng, tất cả những vong linh đều cảm nhận sự Chân Thật một cách rất là nhạy bén. Nếu không chân thật, lời đó không xuất phát từ tâm mà xuất phát từ miệng, sẽ không bao giờ có thể giải quyết được bất kỳ một việc gì ở cõi Âm đâu.


+ 58
Dec 02 2014

Việc một người bị chết oan, việc đó cũng ít xảy ra, nhưng vẫn có, chớ không phải là không có.

Chết oan có nghĩa là chết trước cái thọ mạng của mình. Vấn đề này cũng rất khó diễn tả, vì có đôi khi, thoạt xem qua thì cho là chết oan, nhưng thật sự ra thì không oan.

Thường thì một người, nếu thật sự chết oan, sẽ có sự báo mộng của người đó cho thân nhân là mình bị chết oan.

Người thật sự bị chết oan hay người qua đời một cách đột ngột, đều cùng giống nhau ở một điểm, đó là: họ mang cái SÂN trong người và một cảm giác SỢ HÃI.

Người chủ lễ phải giải thích để vong linh hiểu được rằng, tất cả những cảm giác tức tối, giận dữ, sợ hãi đó, vong linh cần phải buông xuống, buông bỏ để được nhẹ nhàng. Tiếng nói là “chết oan” nhưng vẫn có dính líu đến một nghiệp lực, chớ không phải không có đâu!

Dù chết một cách đột ngột, cũng vẫn là do ở sự hoạt động bất bình thường của cơ thể, chớ không phải tự nhiên mà chết. Chỉ trừ một trường hợp duy nhất, xảy ra cho người tu tập cao dày, việc ra đi của người này cũng rất là nhanh. Thật sự ra, thọ mạng của người ấy cũng đã chấm dứt, nhưng vì được đặc biệt “Tiếp Dẫn,” nên việc ra đi trở thành đột ngột.

Tóm lại, những cái gì gọi là cảm giác xấu, xảy đến cho một người trước khi hắt hơi cuối cùng, vị chủ lễ đều khuyên vong linh phải buông xuống hết. Và sau đó, nghi thức siêu độ cũng đều y như nhau. Nhưng đặc biệt trong phần giảng Pháp, phải giảng cho thần thức đó hiểu được rằng, Sân Hận là điều không nên giữ, và phải nên buông bỏ tất cả những điều làm cho mình bực dọc, nặng nề trước khi nhắm mắt. Cần phải bỏ xuống hết, để có được sự nhẹ nhàng mà cất bước ra đi.

Riêng đối với những người được nghi ngờ là chết oan, người chủ lễ hoặc thân nhân phải tu tập thật là nhiều để hồi hướng lại cho những vong linh đó. Xem như là một sự đền bù, cho khoảng thời gian mà vong linh đó còn hưởng được sự sống trên dương thế, để bù đắp lại cho vong linh đó, để cho hướng đi của họ được dễ dàng hơn, và coi như họ sẽ mang được nhiều công đức đi theo họ về một cảnh giới mới.


+ 68
Dec 02 2014

Một người đã đi đến quyết định tự tử, hành động đó nói lên được rằng: bản thân người này đã mang quá nhiều uẩn khúc trong lòng. Người này xa lìa trần thế, kéo theo một toa xe nặng trĩu SÂN HẬN, nặng trĩu KHỔ ĐAU, ngập tràn NƯỚC MẮT, đầy dẫy OÁN HỜN. Chỉ có thân nhân ruột thịt, hay bạn bè thâm giao, mới có thể thấu hiểu được một phần nào nỗi đau đớn, vày vò của người quá cố, khi họ còn tại thế; và nguyên nhân nào đã khiến cho người này tự kết liễu cuộc đời mình.

Do đó, thân nhân hãy tự mình, đem hết Tâm Thành, đem hết Tình Thương Yêu sâu đậm để siêu độ cho người quá vãng, không nên nhờ ai hết!

Chỉ có thân nhân mới giao cảm được với vong linh và giúp cho vong linh thoát được địa ngục do chính mình tạo ra. Người tự tử mang theo biết bao nhiêu nghiệp lực chưa thanh toán xong, chính những nghiệp lực này, tạo thành một địa ngục kiên cố, bao chặt lấy vong linh, do đó, việc vong linh thác sanh trở lại kiếp Người, không phải là việc đương nhiên đâu!

Muốn cho vong linh trở lại cõi Người, thân nhân phải giúp đỡ cho vong rất nhiều, kể cả công sức của chính vong linh nữa thì mới được.

Trong suốt 49 ngày, mỗi ngày thân nhân phải thỉnh vong về để cùng làm lễ Sám Hối, vì chỉ có sám hối mới làm cho tiêu bớt nghiệp chướng mà thôi. Sau đó thì trì Chú, niệm Phật và sau cùng là giảng Pháp.

Lời Pháp sẽ giúp cho vong bừng sáng, nhận ra những điều sai trái của mình, vong xả bỏ những sân hận, phiền não, chăm lo tu tập, vong được nhẹ nhàng cất bước tìm đường thác sanh.

Tuy nhiên, không thể mong mỏi một cuộc đời sắp tới tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn đâu.

Vong từ cảnh giới địa ngục, bước qua được cảnh giới Người, là một việc đòi hỏi rất nhiều sự chân thành hết dạ sám hối ăn năn. Muốn nguyện cầu cho vong có sự an bình, ít phiền não trong kiếp vị lai và nhất là được sanh ở một nơi có Phật Pháp, gặp được Thiện Tri Thức để dẫn dắt tu tập, việc đó trông chờ rất nhiều… rất nhiều vào công năng tu tập của chính thân nhân, đem công đức tu tập của mình, đem hạnh bố thí của mình mà hồi hướng cho vong linh, cả hai đều cùng lợi lạc cả.

Thân nhân nên chịu khó đọc các bài Pháp trên trang nhà LacPhap.com nói về: Nhân Quả, Nghiệp Lực, Tự Ái, Tham Sân Si, Nghiệp Chướng Nền Tảng, Địa Ngục Của Mỗi Chúng Sanh … để có đủ ý tưởng mà nói chuyện với vong linh, khuyên giải vong linh xả bỏ tất cả phiền não, sân hận và thành tâm sám hối, trì Chú, niệm Phật, để cho được nhẹ nhàng, mới có thể siêu thoát được.

Với một tình yêu thương sâu đậm, dạt dào dành cho người quá cố, thân nhân đem hết tình cảm thiết tha đó để vào từng lời khấn nguyện, từng lời Kinh sám hối, từng lời khuyên tha thiết, để hương linh sớm nhận chân ra được những điều lầm lỗi của mình khi còn sống, hương linh sẽ chân thành sám hối ăn năn, thần thức rung động, hương linh sẽ nhẹ nhàng cất bước.

Trong phần giảng Pháp cho hương linh, thân nhân sẽ lần lượt đề cập đến những điểm sau đây:

  1. Tự tử là một hành động gây tạo bởi Nhân và Quả.

    Trong quá khứ (tiền kiếp), một người đã gây tạo nhiều sân hận, nhiều đau khổ cho kẻ khác, đã khiến cho kẻ đó phải rơi lệ, phải uất ức và nhất là không biện bạch được, cho đến nỗi kẻ đó phải dùng cái chết của mình để minh bạch nỗi oan tình.

    Cái Quả nhận được ngày hôm nay, cho người đã gây tạo một cái Nhân không lành trong quá khứ, là đón nhận hết tất cả những nỗi đớn đau mà mình đã từng áp đặt lên kẻ khác. Mình cũng lại được nếm cái hương vị đắng cay của việc “có miệng mà chẳng thốt nên lời,” đưa đến một sự uất ức vô cùng cực, dẫn đến việc hủy hoại mạng sống của mình.

  2. Tất cả những cảnh huống mà người quá cố đã gặp phải, đã đối diện, đều là kết quả của việc người này đã gieo đau khổ cho kẻ khác trong quá khứ.

  3. Cái Nhân không lành mà người quá cố đã gieo trong quá khứ, đã tạo nên một nghiệp không lành, đó chính là Nghiệp Sát trong quá khứ.

    Tuy rằng người này không trực tiếp giết hại người, nhưng những điều mà họ gieo rắc cho kẻ khác, đã khiến kẻ đó tức tưởi mà Tự Sát. Trách nhiệm đó, người này vẫn bắt buộc phải gánh vác.

  4. Việc dễ dàng làm đau đớn kẻ khác, xuất phát từ cái Tánh Ngã Mạn, thiếu Từ Bi, thiếu sự Để Tâm và Bất Cần. Chính cái Tánh quá lẫy lừng đó trong quá khứ, đã trở thành tập khí cho cuộc đời ngày hôm nay, lúc nào cũng chiêu cảm những nghiệp không lành, đem đến nhiều nghịch duyên cho người quá cố.

  5. Chính cái Nhân không lành của quá khứ đã tạo nên một TỰ ÁI xoay quanh sự khổ đau, sự oan ức, sự dễ sân hận, dễ bực tức … Bất kỳ một hành động, một sự việc gì có liên quan đến những điều trên, sẽ khiến cho TỰ ÁI nổi lên và người quá cố sẽ vô cùng tủi thân và nghĩ ngay đến cái chết.

  6. Người tự tử phải hiểu rõ tư cách của người sống trên dương thế.

    Phải nhận chân ra rằng, việc được làm Người là một duyên rất lớn, không thể tự ý hủy bỏ cuộc đời mình, chỉ vì mình nhận được trái không ngon, không ngọt, không tốt đẹp. Từ chối quyền sống của mình, là một hành động không được chấp nhận trên phương diện Bổn Phận và Trách Nhiệm buộc ràng với Gia Đình, với Xã Hội, với Quốc Gia.

    Giữa người quá cố và con cái vẫn còn một nghiệp lực chưa thanh toán xong.

    Giữa người quá cố và những người quen biết khác vẫn còn oan trái chưa giải quyết xong.

    Tự tử là một hành động trốn nợ, nhưng chắc chắn rằng vẫn không trốn được mà trái lại, vốn lời chồng chất, nợ càng lên cao.

    Người quá cố gặp quá nhiều cảnh huống trong cuộc Đời, đó chẳng qua là vì người này có quá nhiều nghiệp lực cần phải thanh toán.

    Người quá cố tưởng rằng tự tử là phủi tay, là rảnh hết nợ đời, nhưng không phải thế, nghiệp lực không trả được ở kiếp này thì cũng phải trả ở kiếp vị lai, không trốn đâu cho được cả. Chỉ e rằng bổn cũ soạn lại, thì phải mất thêm một kiếp người nữa, cứ đi vòng lẩn quẩn, không bao giờ chấm dứt.

Nếu thân nhân cảm thấy rằng, mình cũng đã góp một phần vào việc gây tạo nỗi đau buồn cho người quá cố, điều tốt nhất là nên đối trước bàn thờ của vong linh, thành tâm, thành ý, hết dạ ăn năn, cầu xin lời tha thứ. Vong linh xả bỏ nỗi ưu phiền, làm nhẹ một phần nào gánh nặng mang theo.

Cố gắng giúp cho vong linh sám hối và phát nguyện tu tập, như thế mới có thể xóa được cái địa ngục mà vong sẽ phải thọ lãnh sau 49 ngày.

Nên nhớ: 49 ngày là thời gian đặc ân dành cho vong linh, nương vào sự thành tâm sám hối, tu tập để hoán chuyển cảnh giới. Cho nên, thân nhân nên giúp cho hương linh hoán chuyển từ cảnh giới Địa Ngục qua cảnh giới Người. Đó cũng là một cách để thân nhân tỏ rõ tình thương sâu đậm của mình, sự quan tâm, sự chăm sóc đến người quá cố.

Nói chuyện giảng Pháp cho vong linh nên chậm rãi, lặp đi lặp lại, vì vong linh không còn ngũ căn, nên không thể lãnh hội nhanh được.


+ 68
View Desktop
Version
\