• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Làm Một Thiện Tri Thức Cho Vong Linh

Nghi Thức Siêu Độ

Trên dương thế, người Thiện tri thức là người giúp đỡ, dẫn dắt cho một chúng sanh từ đường tối bước ra đường sáng, từ vũng bùn lầy bước ra chỗ đất khô ráo. Vai trò của người Thiện tri thức là dẫn dắt một chúng sanh từ thấp tiến lên cao. Công việc đó bao gồm rất nhiều điều mà một người Thiện tri thức phải chu toàn trong khi hành sử vai trò của mình. Đưa một chúng sanh từ bờ Mê ra bến Giác không phải là một việc búng tay, cũng không phải là một việc chỉ “một ngày một bữa.” Đó là một công việc có khi kéo dài cả hàng tháng, hàng năm hay nhiều năm. Cho nên người Thiện tri thức phải đặt rất nhiều chữ NHẪN ở trong công việc của mình.

Chữ Nhẫn là một đức tánh vô cùng quan trọng trong đường Đời lẫn đường Đạo. Đường Đời thiếu chữ Nhẫn, không thể có sự thành công được. Đường Đạo thiếu chữ Nhẫn, thì không thể nào tiến đến Bờ Giác được. Cho nên, người thiện tri thức hành sử vai trò của mình rất là cực nhọc. Đó là nói về chúng sanh còn trên dương thế.

Đối với một chúng sanh mà chỉ còn là một thần thức thôi, thì sự Nhẫn Nại của người chủ lễ sẽ nhiều gấp bội phần. Có đôi lúc, thần thức đó, vong linh đó, không hiểu gì hết, cần phải cắt nghĩa, cần phải chỉ dẫn từng bước một. Do đó, phải nhẫn nại rất nhiều.

Điều quan trọng là, phải tìm hiểu về vong linh đó, trước khi đảm nhiệm việc siêu độ cho vong linh. Nếu không biết gì về vong linh, thì sẽ khó lòng dẫn dắt cho vong linh đi đúng đường được. Phải nghĩ rằng: nếu một người đang khát nước mà cứ cho họ ăn, thì họ sẽ không thể nào tiếp tục ăn được, hay ngược lại, nếu một kẻ đang muốn ăn mà không cho ăn, cứ cho uống nước đầy bụng thì phải tới lúc người đó ói ra nước. Cho nên, đối với vong linh cũng thế, phải tìm hiểu rất là cặn kẽ những uẩn khúc của vong linh, tánh tình của vong linh, vì tất cả những nghiệp chướng mà vong linh đã tạo ra, đều liên quan mật thiết với cái Tánh của vong linh khi còn sống. Vì vậy, nếu không hiểu rõ vấn đề đó, thì rất khó lòng giúp cho vong linh thoát được nghiệp chướng của mình.

Nếu một vong linh đã trả xong nghiệp chướng của mình, đã giải tỏa hết tất cả những điều uẩn khúc của mình, thì vong linh không cần người siêu độ nữa, họ đã tự động ra đi rồi.

Khi vong linh vẫn còn vương vấn những uẩn khúc trong lòng, nghiệp chướng bề bề chưa phân giải được, thì bắt buộc người chủ lễ phải hiểu rõ để giúp cho vong linh giải trừ những khúc mắc. Vì vậy, vai trò của người chủ lễ không phải đơn giản đâu! Cần phải nghiên cứu rất nhiều trước khi ngồi xuống cùng với vong linh hành lễ.

Làm sao biết được vong linh nào đã siêu thoát ra đi và vong linh nào chưa siêu thoát?

Nếu người chủ lễ không có mặt vào giờ phút lâm chung của người quá cố, thì cần phải hỏi thân nhân của người này để biết tướng trạng trên gương mặt của người đã qua đời như thế nào.

Nếu người này ra đi với bộ mặt rất là thanh thoát, thoải mái, hơi ấm cuối cùng tụ vào từ ngực trở lên thì việc siêu độ cho người đó không cần phải tốn quá nhiều công sức.

Còn nếu người đó có những ác tướng hiện lên nơi mặt, có nghĩa là người này đã bị vướng mắc rất là nhiều, không siêu thoát được.[1] Như vậy, phải nghiên cứu những khúc mắc của người này để giúp cho họ có thể thoát được Tam Đồ mà đi về đến cõi Người.

Việc nghiên cứu một người chưa siêu thoát không khác gì công việc của một Bác Sĩ. Muốn trị bịnh cho bịnh nhân, cần phải lập hồ sơ Bịnh Án của từng bịnh nhân. Vị Bác Sĩ phải hiểu rõ bịnh nhân này có căn bịnh gì? Nguồn gốc căn bịnh xuất phát từ đâu? Việc trị bịnh gồm phương cách gì? Dùng các loại thuốc nào? v.v…

Người chủ lễ phải tìm hiểu thật cặn kẽ những lý do của từng ác tướng hiện trên nét mặt của người quá cố.

Hiểu được rõ ràng căn nguyên, cội rễ mới có thể giải thích, khuyên bảo để cho vong linh xả bỏ những ẩn ức, những đau buồn, sân hận v.v…

Nếu một người đã qua đời được 1, 2 tiếng đồng hồ rồi, thân xác bắt đầu lạnh dần, khi sờ vào cảm nhận được hơi ấm cuối cùng tụ vào hoặc trán, hoặc đỉnh đầu, có nghĩa rằng người đó đã được tiếp rước hoặc về cõi Trời (hơi ấm cuối cùng tụ ở trán), hoặc về cõi Phật (hơi ấm cuối cùng tụ ở đỉnh đầu). Việc siêu độ sẽ không cần thiết.

Hơi ấm tụ vào từ ngực trở xuống cần phải siêu độ. Dù rằng ở nơi ngực, tức là trở lại cảnh giới Người, nhưng vẫn bị chi phối trong hạn 49 ngày. Thời gian 49 ngày là thời gian đặc ân; nếu người đó được trở về cảnh giới Người, nhưng trong suốt 49 ngày, nếu người chủ lễ giúp cho họ biết ăn năn sám hối thêm, biết niệm Phật, nói tóm lại, là biết tu tập, biết xả bỏ hết tất cả những vướng mắc, thì có thể hoán chuyển từ cảnh giới Người lên đến cảnh giới Trời hay cảnh giới Phật, tùy ở sức giúp của người chủ lễ và tùy ở độ tiếp nhận của vong linh.

Nếu tới ngày thứ 49 mà thần thức có một sự tiến bộ vượt bực, và theo ước muốn của thần thức (chớ không phải ước muốn của người chủ lễ), thần thức sẽ được tiếp dẫn lên cõi Trời hay cõi Phật. Nếu không đủ duyên lành để lên cõi Trời hay cõi Phật, thần thức sẽ được trở lại làm Người, ở một hoàn cảnh khá hơn, ở một đẳng cấp cao hơn.

Người chủ lễ tu tập chân chính sẽ có được một cảm giác và cảm giác đó sẽ rất là tinh tế. Vì vậy, khi làm chủ lễ phải rất là ĐỊNH để có thể lắng nghe hoặc là giao cảm được với vong linh. Điều này rất khó, không phải dễ, tuy nhiên đoạn đường mình cất bước, dù rằng đầy chông gai, hầm hố, không có nghĩa rằng mình không có cách để khắc phục nó mà tiến lên.

Giúp đỡ một chúng sanh còn trên dương thế, đưa họ từ đường tối bước ra đường sáng, đã là một việc vô cùng phức tạp và đòi hỏi nhiều nhẫn nại, nhiều tế nhị. Vong linh cũng là một chúng sanh, nhưng không còn có mặt ở Cõi Đời nữa. Họ tạm thời vắng mặt, để sửa soạn khoác lên người một chiếc áo mới.

Người chủ lễ có bổn phận phải giúp cho vong linh lựa chọn một chiếc áo vừa vặn, tốt đẹp, để đến khi vong linh sẵn sàng bước vào cuộc đời mới, Chiếc Áo Mới này sẽ giúp cho vong linh gây tạo một sự chú ý đáng kể.

Dù đã bước vào đường tu tập, hay chưa bước vào đường tu tập, cũng nên thực tập chữ Bình, để đến khi có việc cần đem ra sử dụng, sẽ đem đến một kết quả liền tức khắc. Nếu đợi đến phút cuối thì khó lòng giữ được Tâm Bình.

Hãy ghi nhớ một điều quan trọng là: nhận lời làm chủ lễ siêu độ cho một vong linh, cần phải hiểu thật rõ ràng “bệnh án của bệnh nhân”.

Nếu nhận lời mà không biết gì về nguồn gốc, ngọn ngành của vong linh, sẽ khó lòng mang đến một kết quả tốt đẹp được.

Việc siêu độ cho một vong linh, trên nguyên tắc phải liên tục trong 49 ngày, vì đó là “thời gian đặc ân.” Vong linh rất cần được nghe Pháp; vong bị vướng mắc, không siêu thoát được, cũng chỉ vì chưa giải tỏa được điều uẩn khúc trong lòng trước khi nhắm mắt lìa đời. Cũng có khi vì một sự hiểu sai, hiểu lầm, hiểu chưa thấu đáo mà vong vô tình bị vướng vào một nghiệp chướng.

Nhờ sự giúp đỡ của chủ lễ trong việc giải thích, giảng dạy, chỉ dẫn để vong nhận ra điều sai trái, vong tỉnh ngộ, và nhẹ nhàng cất bước.

Trong việc siêu độ, điều cần thiết và chánh yếu không phải là vật thực (thức ăn) mà chính là Pháp­­ Thực. Vong linh cần phải được nghe Pháp, được nói đi nói lại rất nhiều lần, gần như là tỉ tê, để cho vong có thể tiếp nhận được.

Vong linh và người còn sống khác biệt nhau ở chỗ nào?

  • Người còn sống khi nói lên một điều gì là họ tiếp nhận ngay, chỉ trừ khi họ bướng bỉnh thì họ từ chối không nghe.
  • Còn vong linh phải lặp đi, lặp lại nhiều lần vì họ không còn ngũ căn, do đó, một khi họ đã cảm nhận được rồi thì thần thức tức khắc rung động, mọi việc được chuyển hóa ngay tức khắc. Cho nên cần phải có sự kiên trì, nhẫn nại để tỉ tê nói cho thần thức nghe.
 

[1] Ác tướng: diễn tả vẻ mặt không thoải mái của một người khi hắt hơi cuối cùng. Vẻ mặt đó có thể là: sợ sệt, nuối tiếc, lo âu, đau khổ, đau đớn, buồn bả, sân hận, v.v...


+ 52