Lạc Pháp

Quán Tưởng Khi Sám Hối

Apr 07 2017
561458920 561458920

Kính bạch Sư Phụ,
Sư Phụ đã vạch cho con thấy rõ từng giai đoạn một, Thánh Chúng của Hạ Phẩm Hạ Sanh trên thai sen tu tập như thế nào để giúp cho hoa sen nở. Giai đoạn đầu tiên chính là: Thánh Chúng phải trải qua thời gian không ngắn để sám hối những Nghiệp Chướng của mình. Xin Sư Phụ từ bi giải thích để con hiểu rõ: Thánh Chúng đối diện với Nghiệp Chướng của mình như thế nào và phải sám hối ra làm sao để cho tiêu được những Nghiệp Chướng này?

Trước khi trả lời câu hỏi này của con, Thầy cần phải nhắc lại:

Từ vô thỉ kiếp, Chúng Sanh cứ trôi lăn trong vòng sanh tử. Cứ mỗi lần sanh trở lại, tức là hiện diện ở cõi Ta Bà, Chúng Sanh phải trả Nghiệp của những kiếp đã qua trong quá khứ, nợ nần của những kiếp đã qua không phải chỉ một vài món nợ mà là một chuỗi, cũng có khi nhiều Chuỗi Nợ, chồng chất lên nhau.

Chắc chắn rằng Chúng Sanh khó lòng thanh toán được nhiều món nợ vì lý do: cuộc đời của một con người kéo dài không quá 100 năm, trung bình vào khoảng 70, 80 năm (đó là ở thời đại bây giờ, văn minh vật chất cao), không đủ để trang trải nhiều món nợ; nếu là món nợ lớn thì có đôi khi cả cuộc đời cũng trả chưa xong một món nợ. Ngoài ra còn phải kể, ở hiện kiếp, với bản năng sinh tồn, với cái Tự Ái cao ngất trời, với cái Tánh Tham – Sân – Si cố hữu, Chúng Sanh tạo Nghiệp nhanh như búng tay. Khi giựt mình ngó ngoáy, cũng đúng vào lúc chân mỏi gối chùng, hoặc thân im lìm, khó cựa quậy trên giường bịnh, nợ cũ chất chồng như núi cao, không thấy vơi đi chút nào, nợ mới thì cũng xếp hàng dài chờ thanh toán. Tử thần đang chờn vờn trước mặt, chờ đợi để rước đi, thân đầy bệnh hoạn, không sao cất nhắc; nợ đã gây ra phải tự mình trang trải, không thể nào trao lại cho thân nhân ruột thịt, cháu con. Dù họ có yêu thương mình tha thiết đến đâu, những món nợ Nghiệp Lực này họ vẫn không sao kham nổi. Một cái hắt hơi, hồn lìa khỏi xác, cái Núi Nợ của quá khứ tiền kiếp bỗng chốc cao thêm một chút do ở Nợ Mới chồng thêm lên Nợ Cũ.

Thần Thức ra đi chỉ mang theo cái túi A Lại Da Thức chứa đầy đủ không thiếu sót một nghiệp lực cũ, mới nào cả, cùng với toàn bộ Tâm - Ý - Tánh. Nếu Thần Thức đó có cơ hội trở lại kiếp Người nữa thì trong thân xác mới này, A Lại Da Thức sẽ sắp xếp để các nghiệp lực theo thứ tự, đúng duyên của kiếp đó mà lần lượt hành xử việc đòi nợ của mình.

Tất cả các nghiệp lực đều có một sức hút riêng biệt, và chỉ khi nào chạm đúng sức hút của nhau thì nghiệp lực mới bắt đầu triển khai. Sự triển khai nào của nghiệp lực cũng đều khởi đầu bằng một tình cảm.

Thầy đơn cử một thí dụ sau đây để con dễ dàng thấu hiểu nguyên tắc này:

Người A gây tạo một nghiệp lực nặng nề với người B ở kiếp mới vừa qua. Cả hai người A và B đều đã lìa đời cùng trong kiếp đó, người A không có cơ hội để xóa nghiệp lực này ngay trong kiếp vừa qua. Ngày nay, cả hai người A và B đồng có mặt ở hiện kiếp. Trong A Lại Da Thức của người A đã có khắc ghi nghiệp lực giữa người A và người B. Trong A Lại Da Thức của người B cũng đã có khắc ghi nghiệp lực giữa người B và người A. Cả hai người A và B không ai biết ai, ở hiện kiếp, và ở cách xa nhau ngàn dặm.

Một sự tình cờ, người A gặp người B và sau đó nảy sinh tình cảm. Tình cảm này giúp hai người càng ngày càng gắn bó và từ đó, theo dòng đời, nhiều cảnh huống xảy ra cho người A; có khi thì do người B trực tiếp mang tới, có khi là những tình trạng bi đát có liên quan ít nhiều đến người B. Người A cam lòng gánh chịu, không lời than thở chối từ, do bởi tình cảm càng ngày càng sâu đậm giữa hai người.

Nếu bảo rằng vì tình cờ mà A và B gặp gỡ, điều đó không đúng! Trong thần thức của A đã có khắc ghi nghiệp lực giữa A và B; trong thần thức của B cũng đã có khắc ghi nghiệp lực giữa B và A. Sức hút của Nghiệp Lực này, ở cả hai bên A và B, cùng một băng tầng, do đó, chúng tìm nhau và hút lẫn nhau, cho đến khi chạm vào nhau để bắt đầu triển khai nghiệp lực. Do đó, chính bản thân của A cũng không hiểu được rằng tôi đang là con nợ, hay chính bản thân của B cũng không biết rằng tôi đang đóng vai chủ nợ và ráo riết đòi cho xong món nợ. Cho tới khi nào món nợ đã trả xong, vốn lời đầy đủ, sức hút giữa hai nghiệp lực không còn đủ mạnh để dính chặt vào nhau nữa, nó tự động rời ra và sẽ có cảnh đường ai nấy đi.

Sự triển khai của nghiệp lực đã ảnh hưởng rất nhiều đến thần thức ở bên trong thân xác của cả đôi bên. Thần Thức mang trọn bộ Tâm - Ý - Tánh, cho nên:

  • Đối với người chủ nợ: nếu đòi quá nhiều dễ gây sân hận nơi CON NỢ, và những tánh xấu như tham lam, ỷ y, thiếu sự để tâm, hoặc bất cần v.v… sẽ khiến cho người chủ nợ lợi dụng lòng tốt hay sự dễ dãi, hết lòng hoặc sự từ tâm của phía con nợ để làm điều xằng bậy, chèn ép và quá đáng. Vô tình nghiệp lực khó lòng tiêu xóa được.
  • Đối với con nợ: nếu đến một lúc nào đó, nhất là lúc sức hút giữa hai nghiệp lực trên đà giảm bớt cường độ, con nợ chợt nhận ra được những tánh xấu của phía CHỦ NỢ và cảm thấy mình bị lợi dụng quá nhiều, hoặc cảm nhận rằng cái tình cảm giữa đôi bên đã được trả bằng một giá quá đắc, khi đó lòng sân hận nổi lên, tánh xấu của con nợ cũng ùn ùn phát lộ; một nghiệp lực mới cũng có cơ hội được gây tạo nên. Rồi thì đang là BẠN, bỗng chốc hóa thành THÙ, bổn củ soạn lại, Nghiệp Chướng cứ xoay vần, chỉ có thêm chớ không có bớt. Do đó, vòng SANH TỬ làm sao mà cắt được? Nghiệp lực càng chất chồng thì Tâm Thức càng đậm sắc tối đen, màng Vô Minh càng dày đặc, ngọn đèn Trí Huệ lu mờ.

Một Chúng Sanh nhờ ở sự tu tập chân chính và đúng mức mà được vãng sanh Cực Lạc vào ngay phút lâm chung, hoặc một Thần Thức có được một sự rung động chân thành về cõi Phật trong thời gian 49 ngày siêu độ, Thần Thức đó mang toàn bộ nghiệp lực của mình về Cực Lạc. Hằng ngày trên thai sen, cái Thần Thức mang tên Thánh Chúng đó sẽ được Cực Lạc giúp cho nhìn thấy rõ từng Nghiệp Chướng của mình để mà sám hối ăn năn. Chỉ khi nào Thánh Chúng đó có một sự rung động chân thật tha thiết thì những hình ảnh trong cái Nghiệp Chướng đó mới tiêu tan và biến mất. Thánh Chúng xem như đã trang trải được một nghiệp lực và sẵn sàng để sám hối nghiệp lực kế tiếp. Thánh Chúng càng chân thành sám hối, Nghiệp Chướng càng mau tiêu tan, Tâm Thức sáng lần lên, ngọn đèn Trí Huệ lại lóe sáng thêm một chút.

Con nên nhớ rằng: tất cả Nghiệp Chướng đều được khắc ghi vào Tâm Thức, đó mới là bản chánh, bản phụ được chuyển vào Mạc Na Thức, và cuối cùng được cất giữ trong A Lại Da Thức khi thần thức lìa khỏi thân xác. Từng lớp một, Tâm Thức không bỏ sót bất kỳ một hình ảnh nào của Nghiệp Chướng cả, từ cái kiếp đầu tiên Chúng Sanh hiện diện ở cõi Ta Bà, cho đến khi Chúng Sanh đó may mắn trở thành Thánh Chúng của cõi Cực Lạc (tức là đã thoát được cái kiếp Luân Hồi của sự Tử Sanh). Trên thai sen, Thánh Chúng sẽ có dịp dở lại từng trang giấy Tâm Thức mà chính tay mình đã họa nên những hình ảnh trên trang giấy đó. Hình đẹp hay hình xấu, hình của buổi bình minh rực rỡ, hay hình của buổi hoàng hôn muộn màng ảm đạm, những cảnh máu lửa ngập tràn, những cảnh Người sát hại Người, những cảnh xâu xé lẫn nhau giữa Người và Người, giữa Người và Thú và ngay cả những hình ảnh tranh giành, cắn xé lẫn nhau giữa những loài thú trong một kiếp nào đó mà thần thức của Thánh Chúng đó đã bị đọa vào kiếp Súc Sanh. Rồi lần lượt hiện ra từng cảnh huống, từng cảnh trái ngang trong cuộc sống, trong suốt quảng đời mà Thánh Chúng hiện diện trên cõi Ta Bà. Thánh Chúng không thể nào tự biện hộ cho mình, không thể nào từ chối những gì mà mình nhìn thấy trên trang giấy Tâm Thức của mình được. Tất cả là do chính tay mình vẽ, chính tay mình khắc, chính tay mình viết ra những câu ghi trên trang giấy đó. Thánh Chúng chỉ có thể làm vị quan tòa để xử phạt chính mình mà thôi, trước tất cả những lỗi lầm mà mình đã tự tay họa nên hay khắc ghi lên. Đó là bằng chứng hùng hồn nói lên sự dữ dằn của một cái Tâm không hiền, một cái Ý kém cao thượng và nhất là vô số thói hư tật xấu của Thánh Chúng đó khi còn là một Chúng Sanh của cõi Ta Bà.

Trước hình ảnh trên trang giấy Tâm Thức của mình, nếu Thánh Chúng xúc động được, biết xót xa cho sự nông nỗi của mình, biết cảm nhận được một sự hổ thẹn, một sự khinh bỉ, một sự nguyền rủa chính bản thân mình, Thánh Chúng mới tìm được một sự chân thành rung động và từ đó, khích động Tâm Thức sáng lần lên, màng vô minh cũng giảm bớt độ dày đặc, nhờ đó ngọn đèn Trí Huệ được phát sáng lên thêm một chút. Nhờ Trí Huệ phát sáng, Thánh Chúng sẽ dễ dàng thâm nhập Pháp và áp dụng Pháp vào việc thẩm định từng cái Tánh của mình. Những cái Tánh xấu đã khiến mình dễ dàng gây tạo Nghiệp Chướng sẽ tức khắc được nhận ra và từ từ loại bỏ cho đến khi chỉ còn thuần Tánh Tốt để có thể sáp nhập vào Tâm và trở nên Từ Bi Hỷ Xả.

Con phải biết rằng: Thánh Chúng của cõi Cực Lạc đối xử với nhau bằng Từ Bi Hỷ Xả, do đó sẽ không thể nào có vấn đề hận thù, ganh ghét, oán hận, xâu xé, giết hại lẫn nhau như Chúng Sanh của cõi Ta Bà. Thế giới đó mang tên Cực Lạc, tức khắc phải hiểu rằng nơi đó chỉ có thuần là sự Thảnh Thơi và Tự Tại. Từ Thánh Chúng cho đến ngoại cảnh, tất cả đều không có rào cản, không có một mảy may vướng mắc nào cả.

Trở lại với câu hỏi bên trên của con, Thầy không xem đó là một sự thỏa mãn trí tò mò. Đây là một dịp để cho con nhận thức được rằng: Thánh Chúng xuất thân từ Người, tức là đã từng là một Chúng Sanh của cõi Ta Bà, ngày hôm nay, ngồi trên thai sen ở Cực Lạc để tiếp tục tu tập hầu đạt được quả vị Bồ Tát, rồi quả vị Phật trong tương lai.

Hiện nay con là một Chúng Sanh của cõi Ta Bà, lòng con tha thiết muốn về được Cực Lạc, muốn được trở thành cư dân của thế giới Cực Lạc. Con tu tập hằng ngày để cốt mong sao con đạt được tiêu chuẩn để được tiếp rước về Cực Lạc vào phút lâm chung. Muốn đạt được tiêu chuẩn đó, con phải thành tâm, thành ý trau giồi, hoán chuyển Tâm - Ý - Tánh của con, giúp cho Tâm - Ý - Tánh luôn ngời sáng thì Trí Huệ mới phát sáng để hướng dẫn thần thức của con, vào giờ phút cuối của cuộc đời, bước vào ngự ở hoa sen trên tay của Đức Phật A Di Đà. Tiêu chuẩn để được vãng sanh Cực Lạc chỉ nằm trong việc sửa Tánh. Tánh là đầu mối tạo ra Nghiệp Chướng, Tánh càng xấu, nghiệp tạo càng nhiều, Sanh Tử Luân Hồi càng xoay mãi không ngừng. Một Chúng Sanh trôi lăn nhiều kiếp, nhiều đời ở cõi Ta Bà thì những trang giấy Tâm Thức minh họa hay khắc ghi những Nghiệp Lực của mình càng nhiều chừng nấy. Thời gian trên thai sen sẽ kéo dài cho đến khi Thánh Chúng đó Sám Hối xong hết cái số lượng Nghiệp Chướng quy định và đủ nhẹ để làm cho hoa sen của mình nở ra. Do đó, cái con số 12 tiểu kiếp không phải là một con số quy định thời gian ngồi trên thai sen, mà chẳng qua nói chung chung là vì nghiệp lực quá nhiều, Thánh Chúng sẽ có thể mất một thời gian dài khoảng 12 tiểu kiếp để xem lại tất cả những hình ảnh nghiệp lực mà mình đã tạo ra, và đồng thời Sám Hối để làm cho những Nghiệp Lực đó tiêu tan đi.

Đối với một Chúng Sanh của cõi Ta Bà, song song với việc sửa Tánh là phải hành trì Sám Hối - Trì Chú - Niệm Phật mỗi ngày. Sám Hối mà không đi kèm với sửa Tánh là một việc làm tắc trách, lấy có, lấy lệ và không chân thật vì không sớm thì muộn, người đó cũng lại vướng vào một Nghiệp Chướng khác. Thánh Chúng của Cực Lạc nhìn vào từng trang giấy Tâm Thức đã minh họa hay khắc ghi những hình ảnh tạo nên Nghiệp Chướng của mình, từ đó chân thành xúc động để ăn năn, để sám hối, để tiếc thương, để tiếc hối cho những điều đã do chính tay mình gây tạo nên. Khi chỉ còn là một Thần Thức thật nhẹ, thiếu đi cái Ngũ Thức, thiếu đi cái Trí Tuệ và cái quan trọng nhất là thiếu đi cái Tình Cảm, (một động lực rất lớn để tạo nên sự cảm xúc) cái Thần Thức Thánh Chúng này sẽ vô cùng khó khăn khi cảm nhận được sự cảm xúc đến với mình. Có tiếp nhận được cái cảm xúc thì mới tìm thấy được cái “NỨC” lên ở Tâm Thức. Đó mới chính là một sự rung động hoàn toàn đúng nghĩa và thật sự chân thật để giúp cho Thánh Chúng triệt tiêu hẳn cái Nghiệp Chướng của mình.

Từ cái hình ảnh một Thánh Chúng sám hối trên thai sen, con ơi, hãy nhìn lại chính bản thân con. Ngày giờ này, con còn thân xác, con còn có đủ 8 cái Thức, con còn có đầy đủ Trí Tuệ lẫn Trí Huệ, những cái “XÚC” trong con không thiếu. Con thương cảm đến rơi lệ khi thấy có hai kẻ đánh nhau, một kẻ thì đằng đằng sát khí với gậy gộc trong tay, kẻ kia thì máu me bê bết, đứng không còn vững nữa, tưởng chừng như không còn sự sống.

Con thực sự bất bình khi thấy một đám đông võ trang nào cây, nào gậy, thậm chí có cả dao to, búa lớn, súng ống trên tay, không ngừng hò hét, lôi kéo những người trong nhà, đẩy họ ra ngoài đường, mặc cho họ van xin cầu khẩn, lạy lục khóc than, kẻ có uy quyền, bạo lực, ngang nhiên cướp đoạt tài sản của người.

Con cũng sẽ không ngừng dậm chân kêu Trời khi có người đột nhiên giáng một tội nào đó cho con để khiến con phải lâm vào cảnh tù tội oan uổng, có miệng mà không sao thốt được lời minh oan.

Chắc chắn rằng con sẽ không ngăn được sự tức giận khi có người thị phi, xuyên tạc một sự việc nào đó về con.

Con buồn thương cho người cô thế bị hiếp đáp. Con xót xa cho thân phận kẻ thấp hèn bị người lợi dụng. Con bất bình cho người bị kẻ khác dối gạt, cướp giựt cả tiền tài lẫn tình cảm. Con thù ghét những kẻ vì tham tiền, tham danh, tham lợi mà bán rẻ lương tri, cam tâm hủy hoại tiếng Thơm của Tổ Tiên Dòng Họ. Con hận những kẻ đã làm cho con nhà tan cửa nát, thân trở nên côi cút lạc loài.

Nói tóm lại, những cảnh huống nào mà con nhìn thấy được hay con cảm nhận được từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội, hay nói rộng ra, đến từng quốc gia, đến toàn thế giới, những tội lỗi nào mà con có thể tưởng tượng ra được, có thể nghĩ đến sự hiện hữu của nó ở trên cõi Đời này, tất cả đều nằm trong Tâm Thức của con, ngày giờ này chỉ cần con khơi dậy một chút là nó sẵn sàng túa ra hằng loạt. Con nên nhớ rằng: con đã hiện diện ở cõi Ta Bà này từ vô thỉ kiếp, cứ mỗi một kiếp hiện diện là con tạo nên bao nhiêu hình ảnh từ thương tâm ít đến thương tâm nhiều. Các hình ảnh đó cứ chất chồng, họa hoằn lắm mới vơi đi chút ít, rồi cũng chất chồng cao trở lại. Chỉ vì cái Tự Ái quá cao cho nên không sửa Tánh, cho rằng đó là một hành động tự ti, làm hạ phẩm giá của mình. Sống là phải tỏ lộ cái uy quyền, phô trương cái thế mạnh của mình trước mọi người chung quanh, như thế mới khôn ngoan và mới xứng đáng, không uổng kiếp người! Chính vì cái tư tưởng đó mà nhiều đời nhiều kiếp từ trong quá khứ, nghiệp lực cứ chất chồng mãi khó vơi, những hình ảnh của các cảnh huống đủ loại, đủ màu sắc, từ khốc liệt ít đến khốc liệt nhiều, từ thương tâm ít đến ngập tràn thương tâm, tất cả các hình ảnh đó đã chồng chất lên nhau trong Tâm Thức của mỗi Chúng Sanh. Cứ mỗi lần Thần Thức rời khỏi thân xác này để sang qua một thân xác mới, những hình ảnh đó lại được kéo theo cùng với Thần Thức, bảo đảm không thiếu sót, không rơi rớt bất kỳ một hình ảnh nào cả; kể cả đối với thần thức không siêu thoát, phải sống đời lang thang vất vưởng, có khi hàng trăm năm hay thậm chí cả ngàn năm nơi cõi Âm, nếu gặp một duyên may nào đó được trở lại làm Người, thì toàn bộ những hình ảnh Nghiệp Lực do mình tạo nên cũng vẫn còn nằm đó, không thiếu sót, không mất mát trên “dọc đường lang thang” của Thần Thức.

Ở kiếp này, ngày giờ này, con có duyên LÀNH gặp được Phật pháp, con có dịp lãnh hội những lời Pháp giúp con suy gẫm lại cái quá khứ của mình, con sẽ thấy rằng những hình ảnh qua sự tưởng tượng của con, thật sự ra nó đã từng được khắc ghi trong Tâm Thức của con từ lâu trong quá khứ, bây giờ đúng duyên, đúng dịp, nó lại hiện ra qua trí tưởng tượng của con để nhắc nhở rằng đây là những hình ảnh có thật, những hình ảnh đã do chính tay con họa vẽ từ ở những Nghiệp Chướng mà con đã gây tạo nên.

Nghiệp Chướng con đã gây tạo thì con bắt buộc phải Sám Hối; có điều rằng: cứ mỗi một hình ảnh con tưởng tượng ra và con sám hối trên hình ảnh đó, nếu con thật sự xúc động, thật sự nghẹn ngào và nức nở trên cái hình ảnh hiện ra trong tâm tư của con, con đã khiến cho Tâm con rung động và sự rung động đó làm cho những hình ảnh Nghiệp Chướng bị rạn nứt đi, rồi sau đó, con đem tâm thành để Trì Chú, dùng công năng của câu Thần Chú để giúp cho những hình ảnh Nghiệp Chướng đang bị rạn nứt đó vỡ tung ra và cuối cùng là lời Niệm Phật chân thành tha thiết, cầu xin Phật, xin Bồ Tát chứng minh cho lòng chí thành, cực kỳ sám hối ăn năn về cái Nghiệp Chướng mà con mới vừa sám hối đó. Những hình ảnh Nghiệp Chướng tuy rằng đã vỡ tung ra nhưng vẫn chưa tan thành tro bụi, bây giờ lời niệm Phật chí thành của con mới khiến cho Phật và Bồ Tát giúp thêm sức mạnh để xóa hẳn những hình ảnh Nghiệp Chướng này trong Tâm Thức của con.

Bên cạnh đó, con đã nhận chân ra được cái Tánh nào đã thúc đẩy con tạo nên Nghiệp Chướng đó. Con quyết tâm và đem hết sự can đảm của mình để diệt trừ cái Tánh đó. Một tánh xấu được triệt tiêu, một Nghiệp Chướng sẽ được tiêu trừ. Nhiều tánh xấu lần lượt rủ áo ra đi sẽ mang theo nhiều Nghiệp Chướng đã tạo ra hay sẽ không có cơ hội để tạo nên do bởi tánh xấu đó. Đó chính là SỰ QUÁN TƯỞNG KHI SÁM HỐI.

Cứ mỗi một thời khóa Sám Hối - Trì Chú - Niệm Phật là con làm cho một Nghiệp Chướng được tiêu trừ, con giúp cho Tâm Thức của con sáng lần lên và đương nhiên con bật sáng ngọn đèn Trí Huệ của con. Cứ mỗi Nghiệp Chướng được tiêu trừ, thân tâm con trở nên nhẹ nhàng hơn vì không phải chỉ có Nghiệp Chướng tiêu trừ, mà cả cái Tánh xấu của con cũng tan biến đi. Con sẽ cảm nhận được một sự nhẹ nhàng đúng nghĩa của một người tu chân chánh. Từ từ những tánh xấu của con biến mất, các Tánh Tốt cứ lần lượt túa vào và kết thành Từ Bi Hỷ Xả. Khi con sống trong Từ Bi Hỷ Xả, con sẽ có dịp biết thế nào là cảm giác Cực Lạc, con sẽ được sống thường xuyên trong cảm giác đó cho đến ngày con nhắm mắt hắt hơi, con sẽ thật sự bước vào và an trụ trong cảnh giới Cực Lạc.

Kính bạch Sư Phụ,
Những điều Sư Phụ vừa trình bày ở trên đã giúp cho con hiểu rằng: muốn Sám Hối một cách có hiệu quả, nếu không muốn nói là “nhanh chóng”, con bắt buộc phải dùng Tâm Thức để sám hối. Quán tưởng khi sám hối có nghĩa là con phải sử dụng cái Tâm Thức với tất cả các hình ảnh của Nghiệp Chướng đã được họa khắc trong tâm thức, con phải quán tưởng từng hình ảnh Nghiệp Chướng một, tức là con phải tự lật từng trang Tâm Thức của con. Con có quán tưởng như vậy khi con hành trì Sám Hối mỗi ngày, con mới dễ dàng làm cho Nghiệp Chướng của con được tiêu trừ ngay trong hiện kiếp, chớ không đợi đến lúc con về đến Cực Lạc mới bắt đầu việc sám hối. Như thế con sẽ tiết giảm được thời gian trên thai sen rất là nhiều.

Con đã thấu đáo lời Thầy rồi đó!

Thầy còn một điều nữa để nhắc nhở con:

Thứ 1: câu Thần Chú dùng trong việc sám hối chính là Lục Tự Đại Minh Chơn Ngôn. Việc cần yếu trước tiên là phải luyện câu Thần Chú đó cho thành đạt, khi đó cái công năng của câu Thần Chú mới triển khai tích cực được, tức là mới đốt được Vô Minh Nghiệp Chướng. Việc luyện câu Thần Chú cho thành đạt, Thầy đã nói rất rõ trong bài pháp về TRÌ CHÚ; đừng hấp tấp, vội vàng, hãy cố gắng luyện câu Thần Chú cho thành đạt trước để cái Lực của câu Thần Chú ngấm vào trong nội lực của mình, tạo thành một ĐẠO LỰC. Mỗi khi câu Chú được trì lên, hào quang sẽ tỏa sáng trong người mình và chung quanh mình, khi đó mới dùng cái hào quang này để đốt những hình ảnh của Nghiệp Chướng bằng một cái lịnh do mình đưa ra từ trong đầu.

Mỗi ngày phải trì Chú tối thiểu là 30 phút (theo cách thức đã chỉ dẫn) để luyện Đạo Lực của mình. Khi nào trì Chú, quán hào quang mà thấy được hào quang ngập tràn trong đầu mình, trong khắp châu thân của mình thì xem như bước đầu tiên mình đã đạt. Cứ tiếp tục mỗi ngày cho đến khi việc quán tưởng trở nên rất trơn tru và dễ dàng, có nghĩa là không cần phải trì Chú quá lâu hào quang mới tỏa sáng và cần phải kiểm soát lại thực lực của mình bằng cách: bắt Ấn Kiết Tường đặt lên một vết thương nhỏ, thí dụ như cạo râu sơ suất bị chảy máu, hoặc bị đứt tay nhẹ, có máu chảy ra chút đỉnh, Trì Chú quán tưởng hào quang giúp cho máu ngưng chảy và vết thương khép lại. Đạt được việc này thì mới đoan chắc rằng Đạo Lực mình có. Khi đó mới dùng Đạo Lực để trì Chú quán tưởng hào quang thiêu đốt những hình ảnh Nghiệp Chướng mỗi khi Sám Hối. Trong thời gian luyện tập để câu Thần Chú được thành đạt, cứ sám hối theo nghi thức thông thường, khi đến phần trì Chú thì phải trì tối thiểu 30 phút và đào luyện Đạo Lực trong thời gian 30 phút đó. Ngoài thời gian thường xuyên mỗi ngày hành trì Nghi Thức Sám Hối, nếu có thể trì Chú thêm để luyện tập cho thành thục thì vẫn được. Muốn trì bao nhiêu lần cũng được cả, trì càng nhiều và quán tưởng khi trì Chú càng nhiều, sẽ càng mau thành đạt. Tuy nhiên, bắt buộc phải có tối thiểu một lần hành trì nghi thức Sám Hối - Trì Chú - Niệm Phật trong ngày. Không thể nào cứ trì Chú mà không Sám Hối.

Thứ 2: nếu hành trì Quán Tưởng khi Sám Hối, đến giai đoạn Niệm Phật, hành giả phải biết rằng: mình niệm Phật, niệm Bồ Tát tức là mình kêu gọi Phật, kêu gọi Bồ Tát đến để minh chứng cho mình đang sám hối, đang ăn năn, đang nhìn thấy rõ tội lỗi của mình, mình nói lời hối lỗi, nói lời chừa bỏ không bao giờ tái phạm lỗi lầm xưa. Cứ kèm theo lời niệm Phật, niệm Bồ Tát là quán tưởng những hình ảnh Nghiệp Chướng của mình và tha thiết cầu xin Phật và Bồ Tát giúp để xóa tan những hình ảnh Nghiệp Chướng đó trong Tâm Thức của mình. Do đó, Thầy đã nhắc nhở rất nhiều lần: Niệm Phật phải đi kèm với Sám Hối, niệm Phật mà không sám hối thì chỉ là một sự niệm Phật qua đường, đầu môi chót lưỡi mà thôi, vì không có sự xúc động, cũng như không có sự rung động chân thành của tâm thức, mãi mãi Vô Minh vẫn còn đó, những lớp hình ảnh Nghiệp Chướng trong Tâm Thức không có cơ hội để mỏng lần và tan biến.

Cõi Ta Bà là một trường tranh đấu: tranh đấu với ngoại cảnh và tranh đấu với cả nội tâm của chính mình.

Ngoại cảnh chính là những khó khăn, những cảnh huống, những tình thế éo le mà mình phải đối diện, phải chống trả và phải lăn lộn trong đó. Đây chính là Những Bài Học Nghiệp Lực, cũng có thể trở đi trở lại với mình rất là nhiều lần, qua nhiều kiếp mà mình vẫn chưa nhận chân được nó, hay vẫn chưa thấm thía được nỗi đau do nó mang đến. Rồi một ngày nào đó, do ở sự chân thành tu tập, Trí Huệ mình phát sáng, soi thấu được cái tính chất của những bài học nghiệp lực này, tức khắc mây mù sẽ tan, cảnh huống cũng giảm lần, những khó khăn không còn làm vướng bận bước chân mình nữa. Từ bi thay cho sân hận để làm dịu đi những nỗi khổ đau cùng cực.

Ngoại cảnh cũng có thể là những nghiệp lực sống, mặt đối mặt; những nghiệp lực này có thiên hình vạn trạng. Nó có thể là Cha hay là Mẹ của mình, có thể là Anh Chị Em ruột thịt của mình, là Bà Con dòng họ xa gần của mình, là Bạn Bè thân quen của mình và quan trọng hơn cả, nó có thể là Người Phối Ngẫu của mình, người cùng chia cơm xẻ áo buồn vui với mình, đi chung với mình trên cùng một tuyến đường Đời, nhưng lại là người có thể đánh mình ngã gục mà mình không hay.

Đối diện với những nghiệp lực sống, điều cần yếu trước tiên là phải thấu hiểu thế nào là NHÂN QUẢ. Mình đã từng gieo Nhân không lành trong quá khứ thì việc nhận được một Quả không ngon, không ngọt và đôi khi dị dạng, đó là điều rất tự nhiên và thuận lý. Nhận chân ra Nhân Quả không chưa đủ, dù cho vô tình hay cố ý đã gieo nhân xấu ác, bắt buộc phải đem tấm chân tình để sám hối ăn năn, và không ngừng dùng công đức tu tập của mình để bón phân cho cái quả kém ngon ngọt đó, từ từ thay hương đổi vị mà trở nên ngọt ngào, thơm ngon hơn. Nếu có phải tốn nhiều công sức hơn nữa, vẫn cam lòng nhận chịu, vì cái công sức đó sẽ không tiêu hao vào đâu cả, mà nó sẽ đương nhiên trở thành ra PHƯỚC HUỆ của mình và bù lại, sự thành tâm sám hối ăn năn, một sự sám hối đúng nghĩa sẽ giúp cho Tâm Thức của mình mờ lần những vết đen do cái Nhân Nghiệp Chướng mà mình đã gieo trồng trong quá khứ.

Ngoài việc tranh đấu với ngoại cảnh, việc luôn chiến đấu, vật lộn với Nội Tâm của chính bản thân mình cũng tạo nên nhiều gay go, nhiều khó khăn và nhiều thử thách. Hằng ngày mình phải luôn luôn tả xông hữu đột với một đạo quân có cái tên là “ĐẠO QUÂN MA”, nó vô hình nhưng nó rất mạnh mẽ. Nó có thể xô mình xuống hố sâu, nó có thể vùi mình trong vũng bùn lầy, nó có thể làm cho mình thân bại danh liệt và nó cũng có thể làm cho mình chết trong giây phút. Đạo quân đó chính là toàn bộ những tánh xấu của mình, những thói hư, những tật xấu mà mình không kiểm soát được; nó chẳng khác gì những con ngựa bất kham, nhảy bổ vào bất kỳ ai, bất kỳ nơi nào, gây thương tích, gây đổ vở, tạo nên bao nhiêu phiền phức. Nghiệp Chướng mình gây ra, khổ đau mình mang đến cho kẻ khác, sân hận mình tạo nên cho người chung quanh, nhất nhất những điều bất lợi cho Người hoặc cho chính Bản Thân mình cũng đều là từ ở những con ngựa bất kham này. Nếu mình không can đảm, không quyết liệt, không cương quyết để tiêu diệt nó, thì chính nó sẽ hủy diệt mình. Nó sẽ không làm cho mình chết ngay tức khắc đâu, mà chết từ từ; mình sống nhưng không khác người đã chết, sống không có Trí Huệ, sống trong sự Si Mê, sống trong lầm lạc, sống trong đau khổ, trong vật vã của hố sâu đen thẫm, không còn nhìn thấy được cái ánh sáng quen thuộc để có thể phân định được mọi sự vật quanh mình. Nói đến Nghiệp Lực là phải đề cập ngay đến cái Tánh Xấu vì đó là đầu cầu để bước tới Nghiệp Chướng. Không có Tánh xấu thì Nghiệp Chướng sẽ muôn đời không ló dạng.

Tranh đấu với nội tâm là tranh đấu với chính những tánh xấu của mình để kịp thời ngăn chận sự phá tác của nó, có thể tạo một ảnh hưởng lớn lao, làm mờ đi Tâm Thức của mình, lôi kéo mình vào vòng Sanh Tử Luân Hồi không ngừng nghỉ.

Thánh Chúng trên thai sen không thể nào sờ mó vào những cái tánh xấu đã gây tạo nên vô số Nghiệp Chướng, khiến cho ngày giờ này Thánh Chúng phải vô cùng là cực nhọc vì rất khó hình dung những tánh xấu, khi phải sám hối những Nghiệp Chướng của mình. Thánh Chúng cũng vẫn là một Thần Thức được đới nghiệp vãng sanh, do đó chỉ có thể cảm nhận chớ không thể hình dung được cái thực chất tai hại của những tánh xấu.

Chúng Sanh còn tại thế, với sự phụ trợ của Ngũ Thức, của Ý Thức, của Trí Tuệ, ngoài ra còn phải kể đến sự giúp đỡ của các Thiện Tri Thức, sẽ dễ dàng nhận định từng tánh xấu, từng thói hư với tất cả sự phá tác của nó. Chúng Sanh sẽ hiểu được một cách sâu sắc, Nghiệp Chướng loại nào được tạo nên từ ở Tánh Xấu nào? Một khi hiểu rõ rồi thì muốn làm tiêu Nghiệp Chướng đó, chỉ cần quán tưởng Nghiệp Chướng đó khi chân thành sám hối, và đồng thời ra sức triệt tiêu cái Tánh Xấu, cái Thói Hư làm nền tảng cho việc tạo nên Nghiệp Chướng đó.

Cho nên Thầy đã từng nói rằng: nếu dốc tâm tu tập ở cõi Ta Bà thì sẽ dễ dàng thành đạt hơn là chờ đợi cho đến ngày về Cực Lạc. Một con người với đầy đủ Linh Hồn và Thân Xác sẽ dễ dàng tu tập hơn là khi chỉ còn lại có một Thần Thức mà thôi. Tu tập một cách đúng mức và chân chính ngay khi còn hiện thế là đã hoàn tất được một đoạn đường dài của việc tu tập ở Cực Lạc, làm ngắn bớt thời gian trên thai sen, giúp cho hoa sen mau nở, giúp cho Thánh Chúng (chính là mình) mau hòa nhập vào sinh hoạt của Cực Lạc, và chóng trở thành Bồ Tát của Cực Lạc để dự phần vào việc cứu độ Chúng Sanh của cõi Ta Bà, chắc chắn rằng sẽ gồm luôn những người thân thương của mình trong đó.

Kính bạch Sư Phụ,
Lời Thầy giảng dạy, phân tích và chỉ dẫn khi hành trì sám hối rất đầy đủ, rất mạch lạc và sâu sắc.
Con kính xin Thầy từ bi giúp cho con hành trì đúng việc quán tưởng khi sám hối bằng một thí dụ để con có thể hình dung một cách dễ dàng việc quán tưởng mỗi khi con sám hối.

Thầy sẽ lấy một thí dụ dựa trên cái Tánh mà phần lớn Chúng Sanh hay mắc phải, đó là TÁNH THỊ PHI.

Nghi thức Sám Hối cũng sẽ lần lượt theo các phần sau đây:

  1. Nguyện Hương
  2. Kỳ Nguyện
  3. Tán Thán Phật
  4. Quán Tưởng
  5. Đảnh Lễ Tam Bảo
  6. Tán Lư Hương
  7. Chú Đại Bi
  8. Sám Hối
  9. Khai Kinh Kệ
  10. Phật Thuyết Kinh Thập Nhị Phật Danh So Sánh Công Đức Trừ Chướng Diệt Tội
  11. Quán Tưởng Khi Sám Hối như sau:

Đệ tử (pháp danh) cúi lạy Đức Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật, cúi lạy Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, cúi lạy Đức Đại Thế Chí Bồ Tát, cúi lạy Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, cúi lạy Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát.

Trong quá khứ, con đã vì cái tánh thị phi của mình mà gây tạo biết bao điều phiền muộn cho kẻ khác. Con đã nghe đầu này rồi đi nói lại đầu kia, mà điều con nói lại cũng đâu có đúng với sự thật, con đã thêm mắm, giặm muối, đã đặt ra chuyện này, thêu dệt chuyện kia, phẩm bình vô căn cứ, con đã làm cho người nghe, nổi lên niềm sân hận, con đã khiến cho kẻ nói, uất ức nghẹn lời. Rồi thì đôi chối xảy ra, chia phe chia nhóm; trước tiên thì đấu võ mồm khiến cho người sầu kẻ tức, uất hận đến trợn ngược tròng mắt, tay chân run rẩy như kẻ sắp lìa đời. Sau võ mồm thì bắt đầu xáp lá cà; đầu tiên thì đập lộn nhau bằng tay bằng chân, sau đó thì cả đôi bên không từ nan gậy gộc, rồi dao mác, cứ thi nhau mà bủa xả đối phương, không nương tay, không thương tiếc, kẻ bị thương người thiệt mạng, thật là một cảnh hãi hùng, không khác bãi chiến trường!

Con vì si mê lầm lạc, không nghĩ tưởng đến hậu quả của lời nói của mình, con cứ mạnh dạn nói những lời không nên nói, cứ kể lại cho người khác nghe những lời nói chẳng những không đúng mà còn thêm vào những lời thêu dệt, phẩm bình vô ý thức của con. Con đã tạo nên niềm sân hận tột cùng giữa người nói và người nghe. Cái kết quả là cái bãi chiến trường vô cùng hãi hùng với nhiều người mang thương tích lẫn chết chóc.

Kính lạy chư Phật, lạy chư Bồ Tát, ngày hôm nay, nhờ có Thiện Tri Thức dẫn dắt cho tu tập, con đã hiểu rõ thế nào là Tâm xấu ác, con đã thấu hiểu thế nào là Ý không lành, đen tối, xấu xa, và nhất là con đã thấm thía rất nhiều với những tánh xấu, những thói tật hư đốn mà con đã cưu mang chúng từ bấy lâu nay, từ cái thuở xa xôi trong quá khứ.

Từng kiếp trôi lăn trong vòng Sanh Tử Luân Hồi, con đã không ngừng tạo Nghiệp qua những tánh xấu của con. Tâm Thức của con đen mờ vì đã khắc ghi không biết bao nhiêu Nghiệp Chướng; Ý thức của con cũng không thể nào sáng được vì chứa toàn những tư tưởng đê tiện thấp hèn; những tánh xấu của con thật không khác một bầy thú hoang, chưa từng được huấn luyện, lúc nào cũng chực chờ để chụp, để vồ hay cắn xé bất cứ ai tiến đến gần. Con đã không kềm chế được cái bản năng hoang dại của chúng, và đành để cho chúng dẫn dắt cuộc đời con cứ tiếp tục lên xuống cõi Ta Bà.

Ngày nay nhờ có tu tập một cách chân chính, con đã hoán chuyển được toàn bộ Tâm - Ý - Tánh của con. Cái rực rỡ của một cái Tâm trong sáng, cái rạng ngời của một cái Ý cao thượng, và sự nhẹ nhàng, thanh cao tiến lần đến Từ Bi của những Tánh Tốt của con, đã giúp con tìm được một sự An Bình Đúng Nghĩa ở hiện kiếp.

Kính lạy chư Phật và Bồ Tát, lòng con tha thiết, chân thành sám hối ăn năn cái Nghiệp Chướng mà con vừa quán tưởng ở trên. Con thật sự vô cùng ghê tởm bản thân con, con không thể tưởng tượng được tại sao con đã có thể đối xử với người đồng loại như vậy? Phải chăng để thỏa mãn cái Tự Ái trong con? Hay để làm hả hê cái Muốn của con là nhìn thấy hai bên chửi rủa nhau, đập lộn nhau qua một lời nói sai sự thật của con? Và cái bãi chiến trường đã bỗng chốc thành hiện thực chỉ vì cái tánh thị phi của con. Con đã tạo nên một việc quá thương tâm mà đúng lý ra không thể nào xảy ra được giữa Người và Người. Con thực sự buồn chán con người của con và vô cùng xấu hổ vì đã hành xử không đúng với tư cách của một con Người. Con cúi xin các Đấng Từ Bi minh chứng cho lòng chân thành tha thiết sám hối của con (những lời này phải được diễn tả trong sự nghẹn ngào, nức nở chân thành từ trong tâm, như thế mới có thể làm mờ đi vết đen của Nghiệp Chướng trong Tâm Thức của mình được).

Đối trước tôn tượng của chư Phật và Bồ Tát, con thành tâm phát lời thệ nguyện: đem trọn công đức tu tập Sám Hối - Trì Chú - Niệm Phật của con, hồi hướng cho tất cả các Oan Gia Trái Chủ của con từ trong tiền kiếp cho đến hiện kiếp. Với tất cả lòng chân thành tha thiết, con nguyện cầu cho các oan gia trái chủ luôn tìm được niềm vui, vạn sự hanh thông, phúc lợi tràn đầy, hạnh phúc viên mãn, dù ở bất cứ nơi chốn nào mà các oan gia trái chủ hiện diện. Con cũng xin nguyện cầu cho các oan gia trái chủ được duyên may, gặp Thiện Tri Thức dẫn dắt để hoán chuyển được Tâm - Ý - Tánh của mình, hầu tìm về một cảnh giới thác sanh tốt đẹp hơn sau khi bỏ báu thân.

Đối với những Oan Gia Trái Chủ nào không may hiện nay bị đọa vào Tam Đồ, thì lời thành tâm hồi hướng của con cũng giúp cho Thần Thức của các oan gia trái chủ đó có được chút Trí Huệ lóe sáng để có thể ăn năn sám hối những Nghiệp Chướng của mình, nhờ đó mà thoát được Tam Đồ, có cơ hội trở lại kiếp Người, có duyên may gặp được Thiện Tri Thức giúp cho trau giồi Tâm - Ý - Tánh của mình, hầu tạo cơ hội để tìm về một cảnh giới thác sanh tốt đẹp hơn.

Sau đó thì trì Chú Lục Tự Đại Minh Chơn Ngôn kèm với quán tưởng hào quang rực sáng thiêu đốt Nghiệp Chướng vừa mới sám hối (trì 10 phút).

Kế tiếp là niệm Phật, tối thiểu là 15 phút. Cách thức niệm Phật như sau:

Khấn: Nam Mô A Di Đà Phật, con đã làm chuyện sai lầm, đã tạo Nghiệp Chướng sâu dày, ngày nay con đã thấu hiểu tội lỗi của con, con thật sự ăn năn, con thành tâm sám hối, cầu xin Phật cứu con, giúp cho Nghiệp Chướng của con được tiêu trừ.

Sau lời khấn là lời niệm Phật (lời niệm Phật, lời khẩn cầu cũng phải thật là tha thiết tạo một sự xúc động chân thành mới mang lại kết quả tốt đẹp được).

Nếu hành giả muốn kéo dài việc niệm Phật thì càng tốt, miễn sao việc niệm Phật phải luôn luôn đi kèm với Sám Hối thì mới đúng nguyên tắc để làm tiêu nghiệp chướng.

Sau phần quán tưởng khi sám hối gồm có Sám Hối - Trì Chú - Niệm Phật, hành giả sẽ tiếp tục các phần kế tiếp:

12. Tụng Bát Nhã Tâm Kinh

13. Trì Vãng Sanh Tịnh Độ Thần Chú

14. Phục Nguyện

15. Phổ Nguyện

16. Hồi Hướng (đọc lại phần phát nguyện hồi hướng cho oan gia trái chủ ở đoạn trên)

17. Tự Tam Quy

Hoàn mãn

Để giúp cho việc quán tưởng khi sám hối được dễ dàng, Thầy sẽ liệt kê ra đây những Tánh Xấu mà Chúng Sanh thường thụ đắc.

Đừng vội nghĩ rằng: tôi không bao giờ hay chưa từng có những tánh xấu này! Có thể ở hiện kiếp, ngày hôm nay, nhờ vào việc giáo dục kỹ lưỡng từ trong gia đình, ở học đường, hay qua tôn giáo, mà tôi đã được uốn nắn để sửa đổi những tánh xấu từ khi còn thơ dại. Ngoài ra còn phải kể đến môi trường, hoàn cảnh sống cũng đóng góp khá nhiều vào việc làm nảy sinh tánh xấu hay phát lộ những tánh tốt của một người.

Chúng Sanh hiện đang có mặt ở cõi Ta Bà đâu phải lần đầu tiên hiện diện, đến rồi đi, đi rồi đến, số lần không kể xiết, do đó mới gọi là từ vô thỉ kiếp. Số kiếp trải qua không đếm được thì Nghiệp Chướng tạo thành cũng khó lấy chi đo lường. Cứ mỗi một kiếp trải qua, Tâm Thức lại khắc ghi tất cả những gì đã xảy ra trong kiếp đó, chuyện đúng, chuyện sai, chuyện phải, chuyện quấy, chuyện hiền, chuyện dữ, ác nghiệp hay thiện nghiệp, xấu xa hay cao thượng, Tâm Thức không bỏ sót một mảy may việc nào cả.

Quán tưởng khi sám hối là tự mình lật trang Tâm Thức đã có khắc ghi nghiệp lực của mình. Sự quán tưởng được kết nối chặt chẽ với tâm thức, Tâm Thức không có khắc ghi thì sẽ không có gì để quán tưởng cả.

Có thể nói rằng: từ vô thỉ kiếp cho đến hiện kiếp, không có một Nghiệp Chướng nào mà Chúng Sanh từ nan để làm. Cứ nhìn vào trong bảng liệt kê những tánh xấu thì tức khắc sẽ nhận ra được điều đó; những cảnh huống mà Chúng Sanh gánh chịu trong cuộc đời của mình là kết quả của những Nghiệp Chướng mà Chúng Sanh đã gây tạo ra từ những tánh xấu của mình.

Việc tạo nên một nghiệp chướng, đôi khi còn là một sự phối hợp của nhiều tánh xấu, hoặc là những thói tật hư xấu bao quanh một Tánh xấu. Qua thí dụ về tánh thị phi mà Thầy đề cập ở trên khi hành trì quán tưởng khi sám hối, cái tánh chánh yếu là TÁNH THỊ PHI, cổ võ cho tánh thị phi là tánh nói dối, thêu dệt, đặt điều; kế tiếp là tánh sân hận, tánh thích hơn thua, tánh hiếu chiến, tánh tự ái, cộng thêm với một chữ SI to tướng! Tất cả những cái tánh lớn nhỏ này đã hợp nhau lại và tạo nên hình ảnh của một bãi chiến trường thật là thảm hại.

Sau đây là bảng liệt kê những tánh xấu, ngoài ra còn nhiều thói tật khác tùy thuộc vào từng tính chất của mỗi chúng sanh. Thầy rất mong Chúng Sanh hãy thành thật với bản thân mình để ghi ra và bổ túc vào cái bảng liệt kê này. Hằng ngày tu tập, quán tưởng sám hối trên từng tánh xấu một, lần hồi tánh xấu, thói hư sẽ tan biến, Chúng Sanh cảm thấy sự nhẹ nhàng trong tâm tư của mình; từ nội tâm đến ngoại cảnh, trong từng giao tế, trong cách đối đãi, luôn giữ chữ BÌNH cho thật ngời sáng, lo gì Nghiệp Chướng tạo nên!

Nghiệp của quá khứ tiêu trừ dần, nghiệp của hiện tại không có cơ hội để gây tạo, chắc chắn rằng phút lâm chung sẽ tương ngộ được Tây Phương Tam Thánh.

1. A dua
2. Ác độc
3. Ăn bám
4. Ăn cắp
5. Ăn chận, ăn bớt
6. Ăn chơi phung phí
7. Ăn quỵt
8. Ăn vụng
9. Ẩu tả
10. Ba hoa
11. Bất cần
12. Bất cẩn
13. Bất hiếu
14. Bất lương
15. Bất nghĩa
16. Bất nhân
17. Bất nhất
18. Bất trung
19. Bi quan/tiêu cực
20. Biện hộ
21. Bỏ mứa thức ăn
22. Bốc đồng
23. Bốc hốt
24. Bội bạc
25. Bỏn xẻn
26. Bừa bải
27. Bướng bỉnh
28. Cả nể
29. Cãi ẩu
30. Cãi bướng
31. Cãi lẫy
32. Cãi lời
33. Cáu kỉnh
34. Càu nhàu
35. Cáu tiết
36. Cay cú
37. Chấp nê
38. Che đậy
39. Chểnh mảng
40. Chỉ biết tư lợi
41. Chỉ trích
42. Chọc ghẹo
43. Chửi bới
44. Chửi lén
45. Chửi lộn
46. Chửi mắng
47. Chửi rủa
48. Chữi thề
49. Chửi xéo, chửi xiên
50. Chửi bông lông
51. Cờ bạc
52. Cố chấp
53. Có mới nới cũ
54. Cộc cằn
55. Coi trọng hình thức
56. Cự nự
57. Cực đoan/Bảo thủ
58. Cướp giựt
59. Đa nghi
60. Dâm dục
61. Đâm thọc
62. Đàn ca xướng hát
63. Đanh đá
64. Đánh đập người / thú
65. Đánh lộn
66. Đay nghiến
67. Dễ bỏ cuộc/thối chí
68. Dê gái, mê trai
69. Dễ thất vọng
70. Dễ tin
71. Đổ thừa
72. Độc đoán
73. Độc tài
74. Đòi hỏi
75. Dông dài
76. Dụ dỗ
77. Dựa dẫm
78. Đua đòi
79. Ganh tỵ
80. Ghen ghét
81. Ghen tuông
82. Gian dối lọc lừa
83. Gian lận
84. Gian xảo
85. Giao du kẻ xấu ác
86. Giấu đút
87. Gièm pha
88. Hà tiện, keo kiết
89. Hại người
90. Ham ăn
91. Ham chơi cặp bè cặp bạn
92. Hăm dọa
93. Ham ngủ
94. Háo sắc
95. Hay biện minh
96. Hay rên rỉ kêu than
97. Hẹp hòi
98. Hiếp đáp kẻ thế cô
99. Hiếu chiến
100. Hoang phí/phung phí tiền của, vật dụng và thức ăn
101. Hối lộ kẻ khác
102. Hổn hào
103. Hờn mát
104. Hủ lậu
105. Hứa càn
106. Hứa suông
107. Hung hăng
108. Ích kỷ
109. Kênh kiệu
110. Kêu ca
111. Khêu gan
112. Khêu gợi
113. Khi dễ
114. khiếm nhã
115. Khiêu khích
116. Khinh người
117. Khinh sư diệt tổ
118. Khoác lác
119. Khoe khoang
120. Không cẩn thận
121. Không chịu sửa sai
122. Không chịu xin lỗi
123. Không công bằng
124. Không đúng hẹn
125. Không giữ chữ tín
126. Không muốn tự lực cánh sinh
127. Không nhường nhịn
128. Không tế nhị
129. Không thích bị phê bình
130. Kiêu ngạo
131. Kỳ thị
132. La cà
133. Làm biếng
134. Làm dáng
135. Làm ngơ trước người hoạn nạn
136. Làm tùy hứng
137. Lẳng lơ
138. Láo xược
139. Láu cá
140. Lên mặt dạy đời
141. Lợi dụng
142. Lòn cúi
143. Lừa đảo
144. Lường gạt
145. Lưu manh
146. Mê tín dị đoan
147. Miệt thị
148. Mua sắm quá độ
149. Mưu mô xảo quyệt
150. Nạt nộ
151. Ngang ngược
152. Ngông cuồng
153. Ngược đãi người và súc vật
154. Ngụy biện
155. Nhận hối lộ
156. Nhiều ác cảm
157. Nhu nhược
158. Nhút nhát
159. Nịnh hót và thích người nịnh hót mình
160. Nói chọc tức
161. Nói dai
162. Nói láo
163. Nói lẩy
164. Nói lời bãi buôi qua lề
165. Nói lời đâm thọc
166. Nói lời hung ác
167. Nói lời thêu dệt
168. Nói lời xằng bậy
169. Nói mắt mỏ
170. Nói mỉa mai
171. Nói oan
172. Nói môi miếng
173. Nói một đường làm một nẻo
174. Nói nhiều
175. Nói phách
176. Nói quá lố
177. Nói sau lưng người
178. Nóng nảy
179. Nông nỗi, bồng bột
180. Ở dơ
181. Phân bì
182. Phản bội
183. Phàn nàn
184. Phản quốc
185. Phỉ báng người
186. Phô trương
187. Quá nhạy cảm
188. Quơ đũa cả nắm
189. Rủa xả
190. Rượu chè, đàng điếm
191. Sanh nạnh
192. Sát sanh hại vật
193. Sỉ nhục người
194. Siểm nịnh
195. Sợ khó khăn
196. Sỗ sàng
197. Tàn ác - thích nhìn kẻ khác đau khổ, thích giày vò tinh thần, thể xác của kẻ khác
198. Tham lam: tiền tài, danh lợi, quyền thế, của cải, tình cảm
199. Thành kiến
200. Thấy người sang bắt quàng làm họ
201. Thề độc
202. Thị phi: thêm bớt, đặt điều, thêu dệt, phẩm bình
203. Thị uy
204. Thích bắt chước tật xấu
205. Thích chiều theo cảm tính
206. Thích đầu độc kẻ khác
207. Thích khiêu khích
208. Thích phán xét và phê phán
209. Thích than thở
210. Thích xúi bậy
211. Thiên vị
212. Thiếu điều độ
213. Thiếu khoan dung và độ lượng
214. Thiếu kiên nhẫn
215. Thiếu lễ độ
216. Thiếu suy nghĩ
217. Thiếu thành thật
218. Thiếu thủy chung
219. Thiếu tình đoàn kết
220. Thiếu tình thương người và súc vật
221. Thiếu tình tương trợ
222. Thiếu trầm tỉnh
223. Thiếu tự giác
224. Thiếu tự tin
225. Thiếu tự trọng
226. Thiếu văn minh lịch sự
227. Thiếu vệ sinh
228. Thờ ơ
229. Thù dai/Để bụng
230. Thủ đoạn
231. Tính toán từng chút
232. Tò mò nhiều chuyện
233. Tranh giành
234. Tranh luận
235. Trễ nải
236. Tự cao tự đại
237. Tự đắc
238. Tự mãn
239. Tự phụ
240. Tự ti mặc cảm
241. Ù lì
242. Ương ngạnh
243. Vô kỷ luật
244. Vô lễ
245. Vô trách nhiệm
246. Vong ơn
247. Vu oan giá họa
248. Xỉ vã
249. Xỉa xói
250. Xoi mói
251. Xon xỏn
252. Yếu đuối


+ 97
View Desktop
Version
\