• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Lợi Ích Của Việc Sám Hối

Sep 06 2021

Kính bạch Sư Phụ,

Sư Phụ đã có một bài Pháp giải thích rất rõ ràng về việc tại sao phải sám hối. Tuy nhiên, có người đặt câu hỏi rằng, hằng ngày tôi chí cốt niệm Phật để được vãng sanh Cực Lạc, như vậy tôi có cần phải sám hối hay không?

Kính xin Sư Phụ từ bi giải đáp câu hỏi này để mọi thắc mắc được sáng tỏ, đồng thời người tu tập cũng sẽ hiểu thấu đáo hơn về ý nghĩa cũng như sự lợi ích của từng bước tu, giúp cho đường tu được thẳng tiến dễ dàng, không gập ghềnh, không chướng ngại do ở sự kém hiểu biết, hoặc hiểu biết chưa tường tận.

Niệm Phật là một giai đoạn trong 3 giai đoạn của “hành trình sám hối” bao gồm: giai đoạn sám hối - giai đoạn trì Chú - giai đoạn niệm Phật. Theo đó thì niệm Phật thuộc vào giai đoạn thứ 3.

Đa số Chúng Sanh đều cho rằng, chỉ cần niệm Phật là được Phật rước vào phút lâm chung, và Chúng Sanh khẳng định điều đó qua lời nguyện của Đức A Di Đà Phật là, nếu có Chúng Sanh nào vào phút lâm chung, giữ được nhất tâm bất loạn, niệm Danh Hiệu A Di Đà Phật từ 1 lần cho đến 7 lần, từ 1 ngày cho đến 7 ngày, Đức A Di Đà Phật sẽ đến tiếp dẫn về Tây Phương Cực Lạc Quốc.

Lời nguyện đó của Phật hoàn toàn đúng, không sai, chỉ có Chúng Sanh hiểu sai, hiểu chưa thấu đáo, kém tư duy về lời nguyện của Phật mà thôi!!

Muốn giữ được Nhất Tâm Bất Loạn, người tu tập phải qua một quá trình thường xuyên, hằng ngày chỉnh Tâm, chỉnh Ý và sửa Tánh.

Tâm và Ý có dính líu rất nhiều đến Màn Vô Minh. Nói đến màn vô minh là phải nghĩ ngay đến những sợi dây Nghiệp Lực chằng chịt, chồng chất lên nhau từ nhiều đời nhiều kiếp, che bít cái ánh sáng Trí Huệ của cái Tâm. Tâm đen tối thì làm sao ý trong sáng cho được?

Cội nguồn của những nghiệp chướng, những oan trái chính là từ ở những Tánh Xấu, những Thói Hư. Sửa được những tánh xấu, xoay chiều những thói hư thì cái cơ hội để tạo thêm nghiệp mới sẽ không còn nữa, điều đó có nghĩa là màn vô minh sẽ không tiếp tục dày cộm lên, tuy nhiên vẫn phải từ từ gột rửa màn vô minh bằng sự chân thành sám hối, bằng tấm lòng thiết tha xuất phát từ Tâm Ý, thật sự ăn năn, chân thật ăn năn, sám hối trong sự thổn thức, nghẹn ngào khi những hình ảnh nghiệp chướng như hiển hiện trước mắt mình.

Đừng vội nghĩ rằng tôi chưa từng làm hành động này hay hành động nọ. Chúng Sanh có tin tưởng được trí nhớ của mình hay không? Chỉ cần một tháng về trước, bao nhiêu chuyện xảy ra từ chuyện nhỏ đến chuyện to trong tháng đó, Chúng Sanh có khả năng tự nhớ lại hết được hay không? Huống hồ gì chuyện của cả nguyên một Kiếp Người, mà không phải chỉ một kiếp thôi đâu, mà là nhiều...nhiều kiếp tiếp nối nhau với vô số nghiệp lực chồng chất lên nhau không khác gì mạng nhện!!

Sự thành tâm thành ý đốt lên ngọn lửa sám hối mới giúp cho tan chảy lần lần những nghiệp chướng hằn sâu trong màn vô minh.

Chính vì nghiệp chướng hằn sâu trong khi sức người thì kém cỏi, đạo lực không đủ để xóa cho sạch những hình ảnh nghiệp chướng trong Tâm Thức, nên Chư Phật và Bồ Tát mới cho Chúng Sanh câu Thần Chú để hỗ trợ, tăng sức thêm trong việc làm mờ dần hình ảnh của các nghiệp lực.

Hai giai đoạn Sám Hối và Trì Chú đã giúp cho Tâm Thức bớt đi một phần nào sự u tối để sẵn sàng đón nhận ánh hào quang của Chư Phật và Bồ Tát qua lời niệm Phật ở giai đoạn thứ 3. Hào quang của Phật và Bồ Tát cũng góp phần tích cực vào việc xóa mờ hình ảnh của nghiệp chướng trong Tâm Thức.

Do đó, giai đoạn Sám Hối là giai đoạn cực kỳ quan trọng của hành trình tu tập. Bước đầu tiên của việc tu tập là phải biết sám hối. Suốt quá trình tu tập, việc sám hối càng lúc càng trở nên nặng nề hơn, vi tế hơn qua việc quán tưởng khi sám hối.

Sám Hối chính là đầu mối giúp cho người tu tập tiến lên những nấc thang cao hơn. Người tu tập muốn vượt lên cao, bắt buộc phải có Trí Huệ, mà trí huệ chỉ có thể phát sáng khi tâm thức được tẩy sạch lần hồi màn vô minh, tức là phải theo đúng hành trình của giai đoạn sám hối - trì Chú - niệm Phật.

Muốn trì Chú, muốn niệm Phật bao nhiêu lần, bao nhiêu lâu trong ngày cũng đều được cả, nhưng với điều kiện là phải đi kèm với ít nhất 01 lần sám hối trong ngày, phải là sự chân thành sám hối, sự tha thiết ăn năn hối lỗi, chớ không phải chỉ là một sự sám hối đầu môi chót lưỡi, làm cho lấy có, cho xong chuyện.

Chúng Sanh phải nhớ rằng, sự thiếu thành tâm, thành ý trong việc sám hối sẽ mang đến kết quả là mất thì giờ, làm tiêu hao công sức, cuối cùng thì chẳng thu hoạch được kết quả tốt đẹp nào cả, Tâm Thức vẫn còn tối mò mò, màn vô minh vẫn còn dày đặc, ánh sáng trí huệ vẫn chưa lóe lên.

Chúng Sanh nào cũng mong mỏi được vãng sanh về Cực Lạc, nhưng lại không tha thiết đến việc sám hối.

Chúng Sanh có biết rằng trong 3 Bậc Thượng - Trung - Hạ của Hạ Phẩm, các Thánh Chúng chuyên tâm ngày đêm sám hối, nhất là Thánh Chúng trên Thai Sen của Hạ Phẩm Hạ Sanh chí cốt sám hối để Thần Thức được nhẹ lần...nhẹ lần cho tới khi hoa sen nở, Thần Thức bước ra khỏi Thai Sen, hòa nhập vào cuộc sống của Cực Lạc.

Việc sám hối không dừng lại ở Bậc cao nhất của Hạ Phẩm (Thượng Phẩm Hạ Sanh) mà vẫn còn tiếp tục ở các Phẩm cao hơn, Trung Phẩm và Thượng Phẩm. Ngay cả các Vị Bồ Tát Nhất Sanh Bổ Xứ cũng vẫn không xa rời việc sám hối. Chúng Sanh hãy tưởng tượng đi, Chúng Sanh đã trải qua vô thỉ kiếp thì cũng sẽ có ngần ấy nghiệp lực đã gây tạo ra.

Ngày hôm nay, ở hiện kiếp, Chúng Sanh có duyên may gặp được Phật Pháp, làm quen với Tây Phương Cực Lạc Quốc, mang một niềm hy vọng là mình sẽ thoát được cảnh Luân Hồi Sanh Tử, sẽ không còn đắm chìm trong Biển Khổ Trầm Luân, xa rời được Bến Mê, tìm về với vòng tay mở rộng của Đức A Di Đà Phật để thật sự sống cuộc đời ung dung tự tại, không còn tranh đua, không còn phải đeo mang những xích xiềng của những dây nghiệp lực dài lê thê nữa.

Muốn được như thế, Chúng Sanh phải phát nguyện tu tập, chân thật tu tập.

Thầy cần phải nhấn mạnh một điều rằng: tu tập không có nghĩa là phải cạo đầu xuất gia. Việc tu tập đòi hỏi một sự quyết tâm chỉnh sửa bản thân mình, và đòi hỏi một kỹ luật tự giác. Không có ai theo dõi để xem mình tu tập ra làm sao, cũng chả có một hội đồng Giáo Phẩm nào thẩm định việc tu tập của mình cả, tất cả đều là do mình tự biên tự diễn.

Tuy nhiên, việc tự biên tự diễn vẫn tuân theo những nguyên tắc thiết yếu, vì đây là đường lối chung để dẫn đến sự thành công. Đi nhanh hay đi chậm, quyết tâm đi hay đi một cách thờ ơ, tất cả hoàn toàn tùy thuộc vào người tu tập đang dong ruổi trên con đường tiến về Cực Lạc.

Với tư cách của một người thành đạo trước, với chút ít trí huệ, Thầy tình nguyện dẫn dắt để Chúng Sanh dễ dàng thấu đáo phương hướng, tránh được cảnh lầm đường lạc lối và mau chóng quy tụ dưới mái nhà Cực Lạc.

Ngày còn trên Dương Thế, nếu Chúng Sanh chuyên tâm sám hối, chắt chiu, giùi mài sửa những Tánh xấu, những Thói hư thì dần dà những cảnh huống, những khó khăn, những trái ngang cũng sẽ giảm lần đi cường độ, tuy rằng chúng không hoàn toàn biến mất, nhưng sự hung hãn sẽ không bùng phát dữ dội để có thể khiến cho người tu tập phải ngã quỵ.

Đừng vội nghĩ rằng chết là hết! bao nhiêu công trình tu tập hằng ngày sẽ bỏ sông bỏ biển hết. Thật ra không phải như thế! Nếu Chúng Sanh tu tập theo đúng cách thức mà Thầy đã nêu ở trên thì việc Vãng Sanh Cực Lạc sẽ không xa vời đâu, bên cạnh đó, tất cả những điều học hỏi được trên bước đường tu tập, công sức bỏ ra cho việc hành trì sám hối - trì Chú - niệm Phật mỗi ngày, việc đọc Pháp, tư duy Pháp, hành Pháp, áp dụng Pháp...đều là những hành trang vô cùng quý giá dính liền với Thần Thức trên Thai Sen, giúp cho việc sám hối của Thánh Chúng mau đem đến kết quả tốt đẹp, thu ngắn bớt thì giờ trên Thai Sen. Nếu Thánh Chúng sớm hòa nhập vào sinh hoạt của Cực Lạc thì sẽ có cơ hội học hỏi nhiều hơn, và điều quan trọng là sẽ mau chóng lên Phẩm.

Ngoài ra, còn một điều mà Chúng Sanh của Cõi Ta Bà gần như không bao giờ để ý đến, đó chính là Sám Hối ở cõi Ta Bà dễ dàng hơn là sám hối trên Thai Sen ở Cực Lạc. Chỉ cần Chúng Sanh chịu khó tư duy là sẽ hiểu ngay ý nghĩa của câu nói này.

Ở cõi Ta Bà, hằng ngày Chúng Sanh đối diện với rất nhiều những cảnh huống, những sự kiện, những bài học về nghiệp lực, cho nên đã thấy rõ cái hậu quả của những nghiệp lực mà mình đã gây tạo nên, do đó sẽ gia sức sám hối vì mình sợ nghiệp lực đến đòi nợ và gây cho mình sự khổ đau. Vì vậy, khi gia sức để sám hối thì việc sám hối sẽ có thể rất là chân thành, chân thành vì sợ hãi, mà cũng có thể là chân thành vì nhận ra được điều sai trái của mình.

Nói tóm lại là mọi việc hiển hiện trước mắt mình, điều lỗi lầm mình cũng đã thấy rõ, việc thành tâm sám hối cũng đã được ghi nhận, do đó việc sám hối rất là rõ ràng và đương nhiên, không có gì phải nghi ngại cả.

Còn ở Cực Lạc, Thánh Chúng không thể nào thấy được những nghiệp chướng của mình, chỉ mơ hồ biết được đó là nghiệp chướng, và lại càng không nhận ra được hậu quả nào của nghiệp chướng để khiến cho Thánh Chúng có thể giật mình ngẫm nghĩ, tư duy.

Cho nên, việc sám hối trở nên mờ mờ ảo ảo, Thánh Chúng khó lòng đem hết chân thành để sám hối. Một khi không đem hết chân thành để sám hối thì xem như việc sám hối cứ giậm chân tại chỗ, và không bao giờ có thể chấm dứt được.

Điều đáng nói là Thánh Chúng của Cực Lạc không nhận chân ra được cái gì là thật, cái gì là không thật? Vì cái gì cũng hiện ra trước mắt cả, từ nghiệp chướng do mình tạo ra cho đến hậu quả của việc mình làm, rồi môi trường chung quanh mình, tất cả làm cho Thánh Chúng hoa mắt lên, không còn phân biệt được thực hư, chính vì vậy mà khó lòng đạt được một sự chân thành sám hối.

Còn ở cõi Ta Bà thì mọi chuyện hiển hiện trước mắt, cho nên rất dễ dàng nhận ra được khi nghiệp lực đến để đòi nợ.

Thầy đơn cử một thí dụ sau đây cho dễ hiểu:

A và B có chuyện bất hòa, 2 bên gây gổ nhau rất kịch liệt, bất thình lình, A rút dao ra và đâm túi bụi vào người của B, vừa lúc đó thì vợ con B chạy ùa tới để can ngăn. Nhìn thấy B ngã gục, chưa biết sống chết ra sao, cộng thêm hình ảnh la khóc vô cùng thương tâm của vợ con B, khiến cho A sững sờ hối hận trước sự nóng nảy không kềm chế được của mình.

Sẽ có 2 trường hợp xảy ra:

Trường hợp 1:

A thật sự ăn năn, hối lỗi do hành động quá đáng của mình. Một mặt đưa B đến bệnh viện để chữa trị, đài thọ tất cả những chi phí điều trị bao gồm nhà thương, thuốc men, hồi phục, luôn cả đền bồi thiệt hại về thương tích. Nhờ gia đình của B từ chối không khởi tố, nên A tránh được cảnh tù tội.

Bên cạnh đó là một sự thành tâm thành ý sám hối, ăn năn của A về cái tánh Sân của mình, lòng dặn lòng quyết phải sửa đổi những tánh xấu để tránh gây điều nông nổi lần nữa. Việc sám hối cũng được thực hiện cùng B nhằm xóa đi nghiệp chướng, oan trái giữa đôi bên (ngay trong hiện kiếp).

Trường hợp 2:

A bị cảnh sát bắt giữ về tội cố ý sát hại người và nhận chịu bản án phạt giam cùng một số tiền bồi thường cho nạn nhân B. Sau khi mãn hạn tù, A có đi tìm B nhưng B đã dọn nhà đi nơi khác. Gần cuối cuộc đời, A có duyên may gặp được Thiện Tri Thức chỉ dẫn cho tu tập, nhờ đó mà được Vãng Sanh Cực Lạc.

Trên Thai Sen của Hạ Phẩm Hạ Sanh, Thánh Chúng A đang đối diện với đoạn phim từ Tâm Thức, cho thấy cái hình ảnh 2 người đàn ông đang đấu khẩu nhau, rồi thì một người rút dao ra và đâm người kia túi bụi ngã gục, sau đó thì có người đàn bà và con trẻ ùa tới.

Nói là đoạn phim nhưng thật ra, cảnh tượng giống y như đang xảy ra trong thực tế, và những nhân vật trong đó có hành động y như ở ngoài đời vậy.

Thánh Chúng A đã hòa mình vào hiện trường và hành động, trong lúc hành động đã làm chuyện sát hại, đâm chém người, nhưng vẫn không nhận ra được rằng mình đang gây tạo nghiệp sát, cho tới khi được chỉ dẫn cho biết rằng mình đã gây tạo nghiệp chướng, và cảnh tượng mà Thánh Chúng vừa thấy, đó là một cảnh tượng ẢO, có nghĩa là không xảy ra thật sự ở trước mắt. Nó chỉ là một cuốn phim quay lại cho Thánh Chúng A nhìn thấy để biết rằng mình đã làm sai, đã tạo nghiệp chướng như thế nào?

So sánh 2 hình ảnh, một ở Dương Thế và một ở Cực Lạc, sự nhận xét sẽ như sau đây:

Ở Dương Thế, người A có một sự rung động thật sự khi nhìn thấy người B ngã gục, nhìn thấy cảnh thương tâm của vợ và con của người B đang than khóc, réo gọi chồng. Từ đó dẫn đến một sự chân thành sám hối ăn năn của người A về cả 2 phương diện vật chất lẫn tâm linh.

Ở Cực Lạc, Thánh Chúng A trên Thai Sen, chứng kiến khúc phim quay lại cảnh mình đang ở tại hiện trường và đang gây tạo ra nghiệp chướng. Thánh Chúng A hòa mình vào hiện trường và đã không nhận thức được là mình đã hành động sát hại, mà chỉ nhìn thấy như là mình đang tham gia ở trong một cái phim thôi ( tất cả cũng chỉ là do màn vô minh còn quá dày nên khó lòng nhận thức đúng), vì vậy không thấy được hậu quả của việc mình làm, cho nên không thể nào có được sự rung động đưa đến một sự ăn năn, sám hối chân thật. Nếu đã gọi là không rung động chân thật thì việc sám hối sẽ trở nên giậm chân tại chỗ.

Do đó, nếu Chúng Sanh không bắt đầu sám hối ngay khi còn ở tại cõi Ta Bà thì, nếu có được về đến Cực Lạc cũng sẽ mất nhiều thì giờ, nhiều công khó. Thánh Chúng trên Thai Sen Hạ Phẩm Hạ Sanh đối diện với khúc phim của nghiệp lực, không nhận ra đó là ẢO, cứ nghĩ đó là THẬT và hòa mình sống với ảo, ở hẳn trong cái ảo, và cho nó là thật. Vì vậy rất khó lòng thực hành sám hối và cũng sẽ rất khó cho những Vị Bồ Tát giúp cho Thánh Chúng sám hối.

Nói tóm lại, SÁM HỐI là một việc cực kỳ quan trọng!! Đã là Chúng Sanh của cõi Ta Bà, mang trên người vô số...vô số nghiệp chướng, nay muốn được thăng hoa tìm về một nơi An Lành không còn dính líu với việc Tử Sanh, không còn phải đối diện với Biển Khổ Trầm Luân, điều kiện tiên quyết vẫn là phải sám hối, phải chỉnh tâm, chỉnh ý, sửa tánh. Không sám hối thì muôn đời vẫn không thể nào giải thoát được khỏi cảnh Sanh Tử Luân Hồi.

Chúng Sanh hiện đang trải qua một cuộc sàng lọc to lớn, nhưng vẫn còn kịp để đem hết Tâm Thành sám hối, ăn năn tất cả những nghiệp chướng mà mình đã vô tình hay cố ý gây tạo nên từ nhiều kiếp trong quá khứ cho đến kiếp hiện tại.

Đem Thân Xác Người của mình để sám hối vẫn vô cùng dễ dàng hơn là đợi đến khi chỉ còn là Thần Thức, dù đó là Thần Thức trên Thai Sen. Một sự ra đi trong minh mẫn, với trí huệ đủ đầy mới có được một sự chọn lựa nơi An Trụ lâu dài cho Thần Thức.

Tất cả những bài Pháp tiếp tay với Chúng Sanh trong việc chỉnh Tâm - chỉnh Ý - Sửa Tánh nhằm bào mòn cái màn Vô Minh dày đặc, Thầy cũng đã chu toàn đầy đủ, giúp Chúng Sanh được dễ dàng trong việc sám hối ngay từ khi còn trên Dương Thế. Đừng để quá muộn màng, có hối tiếc cũng không còn kịp đâu!

 


+ 54