• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Làm Thế Nào Để Tiêu Nghiệp

Nov 09 2013
Bridge over foggy water - Kate Eleanor Rassia - 48419264 Bridge over foggy water - Kate Eleanor Rassia - 48419264 500px

Kính bạch Sư Phụ,
Người ta thường nói: tu tập để cho tiêu nghiệp ... nhưng bằng cách nào để tiêu được nghiệp?

Người tu tập phải hiểu một cách tường tận về vòng chu kỳ của nghiệp lực thì mới có thể áp dụng vào đường đời lẫn đường đạo được. Nếu không làm đúng điều đó, việc tu tập sẽ khó đem đến kết quả như ý muốn.

Tu chân chính là luôn kiểm Tâm, Ý, Tánh. Tâm lúc nào cũng phẳng lặng, Ý không vọng động, Tánh không khởi lên, thì nghiệp chướng sẽ khó lòng trỗi dậy để quấy phá.

Nếu bảo rằng tụng Kinh, niệm Phật hay trì Chú để cho tiêu nghiệp, điều đó không đúng. Trong lúc tụng niệm, Tâm - Ý - Tánh được kiểm soát, và được đè nén xuống. Nhưng sau khi tu xong, tâm vẫn khuấy động, ý vẫn phừng phừng, tánh xấu vẫn không chừa, càng làm cho nghiệp chướng có cơ hội vùng vẫy nhiều hơn nữa.

Vòng chu kỳ của nghiệp lực phải luôn luôn ghi nhớ để mà hành sử nó liên tục từ ngày này qua ngày khác, không gián đoạn, thì mới có thể đè nén được nghiệp chướng trỗi lên.

Nhưng con ơi, nên nhớ rằng, điều cốt yếu không phải là đè nén nghiệp chướng. Nghiệp chướng là kết quả của việc mình đã làm. Ngày giờ này, quả đã đầy trên cây, không thể nào phủ nhận được việc đó. Điều quan trọng là làm sao để quả đó đừng rơi xuống đất!

Con có biết, nhờ đâu mà quả đó có thể rơi xuống đất được?

Bạch Sư Phụ, quả có thể rơi xuống đất được là nhờ vào sức mạnh của gió làm cây rung chuyển. Quả chín muồi sẽ rơi xuống trước; quả chưa chín muồi sẽ còn đợi cho chín muồi, rồi nương vào sức gió mà rơi xuống.

Thế thì con có thể cho Thầy biết, cái gì tạo ra gió trong trường hợp này?

Kính bạch Sư Phụ, có phải do tâm động hay không?

Tâm động chưa đủ. Phải là: Tâm động! Ý động! Tánh động! 3 điều đó họp lại mới tạo thành gió được.

Do đó, muốn cho quả Nghiệp-Nhân của mình không rơi xuống:

  • Chuyện thứ nhất, phải giữ tâm bình.
  • Chuyện thứ hai, phải giữ cho ý không rung động.
  • Chuyện thứ ba, một khi tâm không động, ý không rung động, sẽ không thể nào làm ngòi nổ cho tánh xấu của mình bộc phát lên cao.

Vì vậy, giùi mài Tánh là một điều vô cùng quan trọng. Nó dự phần vào việc tạo ra gió, làm rung chuyển cây Nhân-Quả để bao nhiêu trái chín muồi đều rơi rụng xuống.

Do đó, ý nghĩa của việc tu tập là làm sao luôn luôn giữ tâm thanh tịnh. Tâm được tịnh rồi, ý sẽ không thể nào vọng động được. Tâm và Ý đã ở trạng thái Bình thì không thể nào khơi dậy những tánh xấu trong người được. Cho nên, DIỆT TÁNH XẤU là điều tối ư quan trọng và cần thiết! Nếu không diệt được tánh xấu, dù cho có niệm bao nhiêu danh hiệu Phật, có trì bao nhiêu câu Chú, thậm chí có bố thí bao nhiêu tiền của cũng vẫn không đem lại một kết quả đáng kể, bất quá chỉ hưởng được chút ít phước mà thôi.

Cho nên, người tu hành chân chính, tại gia hay xuất gia, đều phải làm cho đúng ý nghĩa của việc tu tập nói trên, thêm vào đó, lúc nào cũng sám hối không ngừng thì mới hy vọng được tiêu nghiệp.

Muốn được kết quả tốt đẹp trên đường tu tập, cần phải hiểu thấu đáo vòng nghiệp lực. Nếu không thấu triệt được nó thì không thể nào phá được nó, như thế thật khó lòng mà tiến lên cao. Dù cho có may mắn được vãng sanh về Cực Lạc, cũng vẫn phải chấp nhận một phẩm rất thấp.

Cho nên, đã quyết tâm tu tập, đã phát nguyện tu tập, thì phải ráng cố gắng hiểu cho được thấu đáo vòng nghiệp lực, thì mới có thể thoát được những nghiệp chướng quá nặng nề.


+ 89