Từng cái Biển Khổ nho nhỏ đó liên kết với nhau, di động, và tạo thành những đợt sóng nhấp nhô, khi trồi khi sụt, khi lên khi xuống, không khác một đại dương bao la, một đại dương ngập tràn nước mắt, đầy dẫy đau thương, hòa lẫn sự tức tưởi, nghẹn ngào, nỗi chua chát, xót xa.
Lòng sân hận, nỗi oán hờn không khác ngọn lửa thiêng làm cho nước trong biển khổ đó luôn luôn sôi sục và thiêu đốt tâm can của chúng sanh đang nhấp nhô, chới với trong biển khổ.
Chúng sanh càng tạo nhiều cảnh trái lòng, càng gây nên nhiều phiền phức, nhiều trái tai gai mắt thì cái biển khổ nho nhỏ của từng chúng sanh sẽ lớn lần thêm, và tạo dịp cho nước trong cái đại dương mênh mông bát ngát kia càng lúc càng dâng cao.
Từ trên cao dòm xuống, Chư Phật và Bồ Tát phải động lòng rơi lệ, vì trong cái đại dương đang sôi sục kia có biết bao nhiêu cái thương tâm, bao nhiêu nỗi đớn đau cần phải cứu giúp.
Đó chính là những thôi thúc đã khiến cho Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật phải xót dạ và tình nguyện đến cõi Ta Bà để xoa dịu một phần nào những mối đau thương của chúng sanh trong BIỂN KHỔ.
Phải sử dụng từ ngữ “Biển Khổ” mới diễn tả đúng cái rộng lớn, cái to tát của một đại dương ngập tràn máu lệ, trong đó dung chứa biết bao nhiêu nỗi nhọc nhằn, muôn điều sầu khổ, những nhơ bẩn, tanh hôi.
Chúng sanh đã lặn hụp trong biển khổ này, nhởn nhởn, nhơ nhơ, vui đùa thoả thích, vẫn không nhận ra chung quanh mình, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, đâu đâu cũng là khổ đau, cũng là nước mắt, cũng là sân hận.
Chúng sanh trong Biển Khổ đó càng lúc càng đông đảo, nhưng thương thay, người ta vẫn vui chơi, vẫn rộn ràng, vẫn hoan hỷ với cái thân phận của mình, không ai nhìn thấy nước trong Biển Khổ đó cứ luôn sôi sục, luôn bùng lên từng bựng lửa, thiêu đốt không thương tiếc thịt da của chúng sanh.
Mọi người vẫn thản nhiên, vẫn thoả thích, vẫn không hề biết rằng mình đang bị đe doạ bởi loài thú dữ tràn ngập trong Biển Khổ.
Đâu đâu cũng toàn rực lửa, nhưng người trong Biển Khổ thì không hề nhận ra điều đó. Họ chẳng bao giờ cất tiếng than van, họ hân hoan và chấp nhận những gì xảy đến cho mình.
Họa hoằn lắm mới có một kẻ lội được vào bờ, leo lên và thoát được cái Biển Khổ đó. Tuy nhiên, con số vài chục người, vài trăm người hay thậm chí vài ngàn người, vẫn là một con số quá sức khiêm nhường so với số đông đảo người đang lúc nhúc trong Biển Khổ.
Sự hiện diện của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật nơi cõi Ta Bà vẫn không ngoài mục đích giúp cho chúng sanh nhận chân ra được mình đang lặn hụp trong Biển Khổ, mình đang mang nhiều vết phỏng trên người và nhất là mình đang bị bao vây bởi những loài thú dữ, luôn chực chờ để xé nát và hủy diệt thân mình.
49 năm miệt mài, bận rộn để xoa dịu từng vết phỏng trên thịt da của chúng sanh, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật cũng không làm sao đạt thành ước nguyện của Ngài trước một khối chúng sanh quá lớn đang lặn hụp trong Biển Khổ.
Ngài đã phải cầu viện đến Đức A Di Đà Phật, vận dụng mọi phương cách, mọi khả năng để giúp cho chúng sanh thoát khỏi Biển Khổ.
Đức A Di Đà Phật cũng không sao tránh được sự não lòng khi nhìn thấy một đại dương mênh mông, sùng sục lửa đỏ, với hằng tỉ chúng sanh trồi lên, hụp xuống ở trong đó. Muốn cứu vớt một chúng sanh phước đức nào đó cũng không phải dễ dàng nhận ra được giữa cái rừng người dày đặc.
Ngài chỉ còn có một phương cách duy nhất là đưa ra những điều kiện thật dễ dàng, khuyến khích chúng sanh hãy làm đủ mọi cách để tiến vào Bờ.
Chính Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật cũng đã vạch rõ từng bước đi, từng cách thức, những cách đối phó với loài thú dữ.
Nói tóm lại, đường đi nước bước để tiến vào Bờ đã được quy hoạch rõ ràng, chỉ cần chúng sanh có một sự quyết tâm muốn đi, một ý chí vững mạnh để vượt qua tất cả những chông gai, những trắc trở gặp phải và nhất là một niềm tin sâu sắc là mình sẽ rời được cái Biển Khổ này.
Chính chúng sanh đó phải nhận chân ra được rằng mình đang bị phỏng đầy mình, rất là đau đớn, cần phải tìm một nơi để tránh lửa; với chí phấn đấu, họ tìm đủ mọi cách vượt gian khổ, vượt chông gai, bất chấp mọi khó khăn, quyết tiến vào Bờ.
Từ trên cao nhìn xuống, Chư Phật và Bồ Tát nhận ra ngay kẻ đang tiến vào Bờ, các Ngài đều ở tư thế sẵn sàng để cứu vớt kẻ đã lìa được Biển Khổ.
Lời của Thầy hôm nay là một sự nhắc nhở để cho chúng sanh nhận ra rằng: hiện giờ mình đang lặn hụp trong Biển Lửa, chung quanh mình toàn là lửa, trên lửa, dưới lửa, bên phải, bên trái đều có lửa, toàn thân mình lửa rực cháy sáng.
Nếu vẫn tiếp tục như thế thì ngày qua ngày, mình sẽ bị lửa đốt lần… đốt lần… cho đến khi tàn rụi; lúc đó dù có muốn được cứu vớt cũng không còn sức lực để tiến vào Bờ. Cần phải can đảm chịu đựng nỗi đau, cố gắng bằng mọi cách, đem chí phấn đấu của mình để vượt qua vòng lửa đỏ mà tiến vào Bờ. Như vậy Chư Phật và Bồ Tát mới nhìn được cái mục tiêu mà cứu vớt.
Thầy mong rằng chúng sanh thấu hiểu được tấm lòng tha thiết thật thâm sâu của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, cũng như một lòng Từ trải rộng của Đức A Di Đà Phật.
Cả hai Vị Phật này đã đồng lòng tìm đủ mọi cách để đưa chúng sanh từ giữa lòng Biển rực lửa tiến được vào Bờ.
Lòng hy sinh của Đức Bổn Sư thật vô cùng tận, Ngài đã không ngăn được giọt lệ của mình trước cảnh huống quá đau lòng của chúng sanh, tình nguyện bước vào Biển Khổ của chúng sanh để tìm phương tế độ.
Đức A Di Đà Phật cũng cảm thấy vô cùng xao xuyến trước cảnh tượng quá ư là não lòng của chúng sanh nơi cõi Ta Bà. Ngài cũng đã không nề cực nhọc, lên xuống tiếp độ chúng sanh nào tiến được đến Bến Bờ để đưa về an trụ nơi miền Cực Lạc của Ngài.
Thầy trọn lòng mong mỏi tất cả chúng sanh sớm nhận chân ra được lửa đang cháy trên người mình, biết đau đớn, biết xót xa, và hãy cố gắng bằng đủ mọi cách tiến cho được đến Bến Bờ, việc cứu vớt chỉ là trong gang tấc mà thôi!
Chư Phật và Bồ Tát, trùng trùng điệp điệp sẵn sàng chờ đợi để cứu vớt.
Thầy cũng ước mong mọi chúng sanh nhận ra được tình thương dạt dào, sâu đậm của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đối với chúng sanh trong cõi Ta Bà.
Để đáp lại tấm chân tình đó, chúng sanh sẽ cố gắng tu tập, đi thật đúng con đường mà Đức Bổn Sư đã đem tâm huyết để vạch ra, thật chi tiết và thật rõ ràng.
Việc tu tập giúp cho chúng sanh có được Trí Huệ phát sáng, sẽ dễ dàng nhận ra được những vết thương do lửa cháy phỏng trên người; chính những vết thương đó là chứng tích của những ngày tháng mình đã lăn lộn, đã lặn hụp trong Biển Khổ mà mình không hề hay biết.
Cần phải tìm cách xa rời cái Biển Khổ đó, theo đúng con đường mà Đức Bổn Sư đã vạch sẵn, cố gắng vượt mọi gian khổ để tiến được vào Bờ hầu đón nhận một sự cứu vớt!