• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Định Mệnh

Nov 25 2019
Định Mệnh 1012175659

Kính bạch Sư Phụ,

Mỗi khi gặp một chuyện không may nào đó xảy đến trong cuộc đời, người trong cuộc thường hay buột miệng than rằng: ĐỊNH MỆNH!

Như vậy Định mệnh là cái gì mà sao nó có quá nhiều uy lực, khiến cho người ta không thể nào chống trả lại được, chỉ biết cam lòng nuốt nước mắt, ngậm đau khổ, chịu đắng cay mà chấp nhận?

Nghiệp Lực đến với Chúng Sanh rất rõ ràng qua 3 Dạng Thức:

Dạng thức thứ nhất:

Nghiệp Lực "mặt đối mặt" bao gồm:

  • Nghiệp Lực giữa Vợ Chồng
  • Nghiệp Lực giữa Cha Mẹ và Con Cái
  • Nghiệp Lực giữa Anh Chị Em
  • Nghiệp lực giữa Bà Con Dòng Họ (Bên Chồng lẫn Bên Vợ)
  • Nghiệp Lực với những bạn bè thân thiết, hay với người có tình cảm gắn bó với mình…

Dạng thức thứ hai:

Nghiệp Lực dưới hình thức Bài Học:

Dạng Nghiệp Lực này đưa đến những bực mình nho nhỏ và thường xuyên xảy đến, cho đến khi nào người trong cuộc nhận chân ra được đây chính là cái Quả của việc làm sai trái của mình từ trong Quá Khứ, mà những sai trái đó phần lớn là do từ ở những Tánh xấu mà ra, nếu người này tích cực chỉnh sửa Tánh Tình của mình, từ từ những bực mình khó chịu cũng sẽ tan biến đi.

Thầy đơn cử thí dụ cho dễ hiểu:

Một người cứ hay bị lường gạt, quỵt nợ, giựt tiền, chắc chắn trong Quá Khứ đã từng có những việc làm liên quan đến những cái Tánh Bất Lương, Tánh Lường Gạt, Tánh Ăn Quỵt, Tánh Nói Láo, Tánh Cướp Giựt, Tánh Thiếu Thành Thật, Tánh Hay Đặt Chuyện….

Khi gặp việc khó khăn xảy ra trong đời sống thường nhật, người trong cuộc phải rất là vất vả mới nhận được sự giúp đỡ của Bà Con hay của những người quen biết. Trong trường hợp này, hãy nên xem xét lại những Tánh Xấu sau đây: Tánh Lơ Là, Tánh Thờ Ơ, Tánh Lãnh Đạm, Tánh Thiếu Để Tâm, Tánh Thiếu Tương Trợ, Tánh Thiếu Sốt Sắng, có Tinh Thần Sống Chết Mặc Ai..

Chính những Tánh Xấu này, trong Quá Khứ, đã khiến cho mình không thể mở LÒNG TỪ để sẵn sàng cứu giúp người khốn khó.

Dạng thức thứ ba:

Nghiệp Lực dưới dạng thức này vô cùng mạnh mẽ và ào ạt, người không biết tu tập (một cách chân chính) rất khó chống đỡ. Dạng Nghiệp Lực này được Chúng Sanh gọi dưới cái tên là ĐỊNH MỆNH.

Chúng Sanh đã đặt ra 2 chữ ĐỊNH MỆNH với một hàm ý rằng, cái số phận của một con người đã được đặt để rồi, đã được định sẵn rồi, không sửa đổi được đâu, chỉ có CHẤP NHẬN mà thôi!

Đã biết rằng thực chất của Định Mệnh chính là Nghiệp Lực, mà Nghiệp Lực là tiến trình của NHÂN và QUẢ, những Hạt Nhân đã được gieo trồng trong Quá Khứ và luôn cả trong Quá Khứ của Hiện Kiếp, nếu được gieo rắc một cách bừa bãi không tuyển chọn, không lựa lọc, thì Quả Trái khi chín muồi nhận được, sẽ làm ngẩn ngơ người gieo trồng Nhân Hạt.

Vì không chọn lọc cho nên không biết được Nhân gieo xuống là Nhân gì? Nhân Lành hay Nhân Dữ, Nhân Tốt hay Nhân Xấu, “Nhân nào thì Quả nấy!” Bỏ Hạt Dưa xuống thì sẽ nhận được trái Dưa, gieo trồng Hạt Bí thì chắc chắn rằng sẽ thu hoạch được trái Bí, không thể nào có một sự lẫn lộn là gieo Hạt Cà mà lại nhận được Quả Mướp bao giờ. Có làm vườn thì phải hiểu rằng gieo xuống Hạt nào thì sẽ nhận được Quả Trái từ ở cái Hạt gieo xuống.

Mỗi một Hành Động (do mình tạo ra) được ví như một Hạt Giống, mà việc tạo ra chính là động tác vùi cái hạt giống xuống đất. Hạt Giống đã xuống đất rồi, nhờ có tưới nước hằng ngày, Hạt Giống đó sẽ đâm chồi nảy lộc mà mọc lên cái cây.

Những việc mà mình vừa mới tạo ra có thể mang đến kết quả ngay, mà cũng có thể không nhìn thấy được cái kết quả, nhưng, 1 ngày hay 2 ngày, có lúc 1 tuần hay 2 tuần, thậm chí đến 1 hay 2 tháng hoặc một vài năm….và xa hơn nữa là 1 KIẾP hay 2 KIẾP, tùy vào cái tính chất của Hạt Giống mà mình gieo xuống, nó sẽ đâm chồi nảy lộc để mọc lên cái cây, khi cành, lá đã sum sê, cây đơm bông kết TRÁI. Nhìn Quả treo lủng lẳng trên cành, mình sẽ biết một cách đích xác tên gọi của nó là Quả gì? Và Quả Trái đó có mượt mà, tốt đẹp, thơm ngon không? Hay nó có mùi vị khác thường, trông xấu xí không đẹp mắt?

Những việc làm thiếu đắn đo, thiếu suy nghĩ, làm để thỏa mãn Tự Ái, làm vì một lời nói khích, làm vì Sân Hận, làm vì Si Mê, làm vì Tham Lam…. một cái vung tay cho Hành Động của mình, thật không khác gì một nắm Hạt Giống liệng bừa xuống đất, không cần biết đó là Hạt Giống gì? Sẽ cho ra Trái gì? Và Hạt Giống đó xấu tốt ra sao? Quả Trái thu hoạch được có ngon ngọt, đắng cay, chua chát như thế nào? BẤT CẦN BIẾT !

HÌNH DẠNG của Quả Trái cũng như sự căng đầy, mơn mởn của nó tùy thuộc rất nhiều vào cái HẠT GIỐNG đem gieo trồng.

Một hành động gây tạo nên do ở lòng Sân Hận, ở sự thiếu nhún nhường hoặc tự cao tự đại, sẽ đưa đến kết quả là một cuộc sống không Bình Yên, không Phẳng Lặng; Sóng Gió cứ liên tục nổi lên và lúc nào cũng phải Đề Cao Cảnh Giác.

Đem Tâm Lành đối xử với người chung quanh, lấy Nghĩa Nhân mà giao tiếp với NGƯỜi thì lo gì không tìm được sự An Lành, Thoải Mái trong cuộc sống!

Một sự Sợ Hãi hay một sự Vững Tin trong cuộc sống, tất cả đều là do ở chính bản thân mình, không ai ban phát cho mình.

Định Mệnh không do một Đấng Tối Cao nào đặt để cho mình. Bất cứ một trạng thái nào từ vui tươi, thanh thoát, an lành, cho đến khốn khổ, buồn đau, lo âu, sợ hãi đều là do ở chính bản thân tôi, nó là kết quả của những gì tôi đã làm thì ngày giờ này tôi phải nhận chịu những điều hoặc tốt đẹp, hoặc không tốt đẹp, hoặc sợ hãi hoặc không sợ hãi đến với tôi.

Nếu tôi liên tục gặp nhiều việc làm cho tôi sợ hãi, làm cho tôi điêu đứng, làm cho tôi phải lo âu, tôi sẽ bảo rằng: Định Mệnh đó là một Định Mệnh xấu.

Nếu tôi sống một cuộc đời thanh thản, vui vẻ, gặp nhiều may mắn thì tôi bảo rằng: Định Mệnh đó là một Định Mệnh tốt.

Chúng Sanh thường hay nói rằng: “Tôi sanh ra Đời dưới một ngôi sao xấu, hay tôi sanh ra Đời dưới một ngôi sao tốt”. Thật sự ra Ngôi Sao tốt hay Ngôi Sao xấu, Định Mệnh tốt hay Định Mệnh xấu, Định Mệnh có “Quái Ác” hay không, hay Định Mệnh rất là “Đãi Ngộ” con người, tất cả là do ở chính tôi. Chính tôi đã làm gì? Chính tôi đã gieo Nhân, chính tôi đã hành động, chính tôi đã tạo ra tất cả những thứ đó từ trong Quá Khứ, để rồi ngày giờ này, khi mà những cái Nhân LÀNH hay là những cái Nhân KHÔNG LÀNH bắt đầu trổ lá, trổ hoa, trổ trái, chừng đó tôi sẽ hưởng những trái ngọt, trái ngon hay trái chua, trái đắng.

Thật sự ra, 2 chữ Định Mệnh, tự nó không nói lên được cái gì hết, mà nó phải đi kèm với cái Nhân mà tôi đã gieo nó, để rồi tôi nhận được cái Quả của ngày hôm nay, và cái QUẢ đó, tôi phải ôm lấy, phải chấp nhận nó chớ không thể nào liệng vào đâu được hết, mà cũng chẳng cho ai được cả. Nó luôn “bám” lấy tôi, không bao giờ rời, cho nên tôi xem nó như là một Định Mệnh đến với tôi! Nếu Quả đó là Quả đắng, Quả chua, tôi sẽ phải giữ nó để “ăn” cho hết; dù ăn không nổi, cũng vẫn phải ăn! Còn nếu đó là những Quả ngon, Quả ngọt thì tôi vừa “ăn”, vừa kéo dài cảm giác sung sướng đó!

Cho nên, Định Mệnh là do chính mình tạo nên, mà mình tạo nên từ lúc nào? Mình tạo nên từ trong Quá Khứ, để rồi cho tới ngày hôm nay, mình nhận được những cái Quả tốt đẹp hay là những cái Quả không tốt đẹp, và chính những cái Quả đó đã kết hợp lại thành ra 2 chữ Định Mệnh hoặc Tốt hoặc Xấu.

Một khi đã hiểu rõ ràng 2 chữ NHÂN và QUẢ thì sẽ thấy rằng: tất cả mọi việc trên Đời, không có ngoại trừ bất kỳ cái gì hết, dù cho một việc nhỏ như hột cát, cũng vẫn bị chi phối bởi Nhân và Quả. Nghiệp Lực là kết quả của tiến trình Nhân và Quả. QUẢ TỐT sẽ đưa tới Nghiệp Lực Tốt, QUẢ XẤU sẽ đưa tới Nghiệp Lực Xấu. Vì vậy, nếu một người không hiểu được thế nào là Nghiệp Lực thì họ cũng phải hiểu rằng: nếu họ trồng xuống những Hạt thúi, Hạt hư, Hạt lép, Hạt không ngon, thì đương nhiên QUẢ TRÁI họ nhận được cũng sẽ là những Quả không ngon, không đẹp, Quả èo uột, Quả dị dạng.

Luật Nhân Quả là Luật chung của VŨ TRỤ, cõi Ta Bà nằm trong Vũ Trụ là phải bị quay cuồng theo Vũ Trụ, và đương nhiên bị chi phối bởi Nhân và Quả. Không cần biết người gieo Hạt Giống thuộc về Chủng Tộc nào hay theo một Tín Ngưỡng nào, chỉ biết rằng, nếu chính tay người đó đã đặt Hạt Giống xuống đất thì khi những điều kiện thuận lợi đã hội đủ, Hạt Giống sẽ nảy mầm và đơm hoa kết Trái. Quả Trái chín muồi sẽ tự động rơi vào túi của người đã gieo Hạt, bất kể đó là Quả gì và ngon ngọt, đắng chua như thế nào, cũng chỉ chính người đó cảm nhận được mà thôi.

Do đó, ĐỊNH MỆNH chỉ là một từ ngữ để diễn tả NHÂN và QUẢ, tác động một cách trực tiếp vào cuộc sống của một con người, không phân biệt Chủng Tộc, màu da, tiếng nói cũng như niềm tin Tôn Giáo.

Trong 3 dạng thức của Nghiệp Lực, như Thầy đã nói ở trên, những Nghiệp Lực tạo nên cái gọi là “ĐỊNH MỆNH” bao gồm những Hạt Nhân “cực kỳ” Xấu, do đó Quả Trái nhận được đa số là Quả Dị Dạng, nếu không thì cũng là Quả thật Chua hay thật Đắng. Cuộc đời của một Chúng Sanh liên tục nhận nhiều Quả Trái Đắng, Chua, khiến cho nước mắt không lúc nào ngừng chảy, thân thể rã rời, mòn mỏi với thời gian, Chúng Sanh đó tự an ủi bản thân mình bằng những từ ngữ “SỐ PHẬN” hay văn hoa hơn là “ĐỊNH MỆNH”. Những khi quá đớn đau, quá khổ sở, Chúng Sanh kêu Trời, gọi Phật để giúp đỡ và thậm chí trách móc cả Trời lẫn Phật tại sao không cứu vớt mình, để cho mình quá KHỔ như vầy? Bao nhiêu lời oán trách cứ trút lên cho Phật Trời, và đổ lỗi cho Phật Trời đã không công bằng, đã thiên vị, ban cho Người khác nào là Vật Chất đủ đầy, nào là Tinh Thần thoải mái, yên vui, còn mình thì vừa Nghèo, vừa Khổ, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu cả nụ cười.

Ngày mà Chúng Sanh đó vung tay gieo hàng loạt những Nhân Hạt “cực kỳ” XẤU, Chúng Sanh đó có “tham khảo” Ý Kiến của Phật Trời hay không? Chúng Sanh đó đã từng thản nhiên trước sanh mạng của một hay nhiều Người, Chúng Sanh đó đã ngang nhiên chiếm đoạt tài sản của Người, Chúng Sanh đó đã đắc ý với việc phá hủy Hạnh Phúc của Người, Chúng Sanh đó đã bỏ ngoài tai những lời van xin, cầu khẩn của người gặp nạn…..và còn rất...rất nhiều HÀNH ĐỘNG khác được xem là thiếu Suy Nghĩ, thiếu Đắn Đo và nhất là thiếu TỪ BI mà Chúng Sanh đó đã không chùn tay, không ngần ngại trong việc đối xử với Người Đồng Loại của mình.

Ngày này, ở Hiện Kiếp, những Quả Trái “Đồng Loạt” chín muồi, cứ thi nhau mà rơi mà rụng vào túi của Chúng Sanh đó, Nhân nào thì Quả nấy, đã gieo Nhân Đắng Cay, gieo Nhân Sát Hại, gieo Nhân Khổ Đau, gieo Nhân Mất Mát….thì hàng loạt những Quả Trái Đắng Cay Chua Chát có rụng vào trong túi áo của mình, hay những Khổ Đau, những Hận Tủi, những Nhọc Nhằn, những Thương Tật và nặng nề hơn nữa là những Tai Ương chạm đến Sanh Mạng của Mình, tất cả đều là một việc “Rất Bình Thường” của cái tiến trình NHÂN và QUẢ.

Một người chọn cuộc sống “Giang Hồ vào Sanh ra Tử”, xem sanh mạng Người như những chiếc lá khô, không thích tuân thủ những Quy Luật của Xã Hội, của Quốc Gia, sau gần 50 năm biệt dạng, người đó đã trở thành một Nhà Truyền Đạo nổi tiếng trong vùng. Có một ngày, bản tin nói về Nhà Truyền Đạo bị bắt giữ và sẽ được đưa ra Tòa Án để trả lời về những hành vi đã sát hại rất nhiều người trước đó.

Vấn đề nêu trên để trả lời thắc mắc của những ai cho rằng mình là Người THIỆN, chưa từng làm ÁC bao giờ. Người đảm nhận vai trò Truyền Đạo đương nhiên phải hiểu thế nào là một đời sống mẫu mực? Thế nào là Sân Hận? Thế nào là Tham Luyến? Thế nào là Lòng Thương Người và nhất là, thế nào là Sự Tôn Trọng giữa Cá Nhân này với Cá Nhân kia. Chính sự tôn trọng đó đã không cho phép người này làm đau đớn người kia dưới bất cứ hình thức nào.

Nhờ ở sự che đậy quá khéo léo, người Đời đã không nhìn thấy được con người thật của Nhà Truyền Đạo. Non nửa thế kỷ đã qua, mọi người hầu như quên bẵng đi những hành động Sát Hại đã xảy ra từ trong Quá Khứ của Hiện Kiếp. Cái thực chất của cá nhân Nhà Truyền Đạo vẫn là Một Kẻ Sát Nhân, do đó cái bản án Sát Nhân vẫn còn đó dù rằng người phạm tội chưa xuất đầu lộ diện. Nửa thế kỷ trôi qua hay cả một đời người cho đến phút lâm chung, nếu người phạm tội chưa từng một lần nào hiện diện trước tòa án, Bản Án Sát Nhân vẫn không chính thức được tòa án xóa bỏ.

Người phạm tội qua đời, Thần Thức bỏ thân xác cũ để bước vào một thân xác mới, không có dịp để nhận chịu những hình phạt từ Bản Án Sát Nhân của kiếp mới vừa qua. Điều đó có nghĩa là họ đã vượt thoát được Luật Pháp của Loài Người. Tuy nhiên, Tâm Thức của họ, khi còn sống, đã khắc ghi rất rõ ràng, từng chi tiết một của từng hành động sát nhân, và tất cả đã theo chân của Thần Thức cùng tiến vào thân xác mới, chờ cơ hội để triển khai.

Một người sống rất THIỆN ở hiện kiếp, nhưng rất ÁC ở kiếp quá khứ, Hạt giống Ác đã gieo trong kiếp quá khứ, chưa đủ điều kiện thuận lợi để đơm bông kết Trái, ngày giờ này ở hiện kiếp, thời gian đủ để cho Hạt Giống nảy mầm mọc lên cái cây, Cây Nhân Quả trổ Trái không Hiền, đem đến biết bao điều phiền não, bi thương cho người nhận QUẢ.

Vì vậy, đừng bao giờ nghĩ rằng Thượng Đế đã quá bất công với người “Ăn Hiền Ở Lành”, đó là chưa kể rằng, Thượng Đế không dành thì giờ để xen vào hay giải quyết việc của Chúng Sanh. Các Đấng Từ Bi đã vô cùng bận rộn trong việc cứu độ Chúng Sanh, ngày lẫn đêm không dứt tiếng kêu la cầu xin cứu giúp, các Ngài phải lựa lọc để cho sự giúp đỡ không vấy vào Nghiệp Lực của người cầu cứu. Cho nên, Chư Phật và Bồ Tát không có thì giờ để ban phát Định Mệnh cho ai cả, mà tất cả những khổ đau, những nhọc nhằn, những bất hạnh của cuộc đời một người là do chính bản thân của người đó đã tạo ra trong Quá Khứ, do ở việc thiếu sự lựa chọn những Hạt Giống TỐT. Ngày giờ này, ở Hiện Kiếp, người đó nhận lại toàn bộ hoặc một phần những Quả Trái đã “chín muồi” từ ở những Hạt Giống KHÔNG TỐT mà người đó đã gieo.

Kính bạch Sư Phụ,

Như vậy thì có thể nào thay đổi được Định Mệnh hay không?

Nếu đã là NHÂN và QUẢ thì đương nhiên là THAY ĐỔI ĐƯỢC, Thầy khẳng định điều đó.

Muốn thay đổi Định Mệnh, phải thay đổi Lối Sống của mình, mà lối sống của mình ảnh hưởng bởi cái gì? Bởi chính cái TÁNH của mình! Một người lúc nào cũng Sân Hận, lúc nào cũng hung hăng, cũng biểu lộ một sự không hiền hậu, thích gây hấn, thì làm sao có thể tạo nên một Định Mệnh TỐT được?

Đừng nói đến chuyện Tiền Kiếp, chỉ nói chuyện hiện tại đây thôi; 3 năm về trước, người đó vẫn mang cái Tánh hung hăng, 1 năm về trước, Tánh đó vẫn còn, 3 ngày về trước, Tánh đó vẫn không mất, tức là cái Tánh đó không được sửa đổi, trước sau như một, như vậy, tất cả những hành động xuất phát từ cái Tánh đó đều đưa đến một kết quả y như nhau.

Ngày xưa, chỉ vì tôi cộc cằn, khó chịu, hay cau có với mọi người khiến cho không có ai hứng thú để giao tế với tôi. Ngày hôm nay, tôi trở nên điềm đạm hơn, bình tỉnh, nhẹ nhàng và biết lắng nghe, sự giao tế với người chung quanh đã không còn là điều khó khăn nữa, mọi chuyện đều được giải quyết trong sự ôn hòa và thông cảm lẫn nhau.

Sửa được Tánh là chuyển được Tâm, là xoay trở được Ý, sẽ không tạo vòng Nghiệp Lực. Vì vậy, dù cho một người có niềm tin Tôn Giáo nào đi chăng nữa thì cái nguyên tắc chính yếu vẫn là Tâm-Ý-Tánh, không bao giờ thay đổi cho bất kỳ một Tôn Giáo nào hay một Giống Dân nào cả. Không có một Dân Tộc nào mà không có Tâm, hay không có Ý, hoặc không có Tánh, do đó, nếu hoán chuyển được Tâm-Ý-Tánh của mình, tức nhiên là mình đã nới rộng được cái Vòng Nghiệp Lực của mình rồi, không thắt chặt nó lại để có thể tạo nên một Nghiệp Lực, mà tạo nên Nghiệp Lực chính là cái gì? Chính là cái KẾT QUẢ của việc mình gieo xuống một Hạt Giống Không Tốt.

Trong cuộc sống hằng ngày, nếu chuyện không may cứ liên tục xảy tới cho mình, tức khắc sẽ hiểu rằng, những Hạt Giống mà mình gieo trồng trong Quá Khứ đã không được chọn lọc, phần lớn là những Hạt Lép, Hạt hư, do đó mà Quả Trái không ngon ngọt như mình mong đợi. Cây Nhân Quả mọc lên cho ra toàn là Trái CHUA!

Đã lỡ trồng một cái cây “CHUA”, thì phải tìm cách vun bồi lại cái cây, phải vun phân tưới nước để làm cho Trái bớt Chua. Chuyện trước tiên cần làm là phải đào xới miếng đất có cái cây trên đó để cho đất được xốp lên, sau đó thì rải phân tưới nước vào, đất sẽ hấp thụ phân, còn cái rễ của cái cây thì hấp thụ phân từ ở trong đất.

Trong vấn đề tu tập, cái gì tượng trưng cho NƯỚC? Việc VUN PHÂN mang ý nghĩa như thế nào?

Một cái Tâm luôn vọng động, nay nghĩ đến chuyện quấy này, mai lại nghĩ đến việc không hay khác, không bao giờ giữ cho yên ổn được, cái Tâm đó thể hiện hoàn toàn cái tính chất cứng rắn, khô cằn, thiếu sự mềm xốp của cái mảnh đất có mọc cái cây trên đó. Để làm mất đi sự khô cằn, nứt nẻ của đất, chỉ cần cho nước vào rỉ rả, từ từ đất sẽ mềm trở lại và dễ đào xới hơn.

Một cái Tánh hung hăng, dữ tợn, hay sân hận sẽ tiếp tay làm cho Tâm vọng động thêm. Ngược lại, một sự dịu dàng, nhẹ nhàng, khoan thai, từ tốn sẽ đem đến sự Bình An, sự Trầm Tĩnh cho Tâm. Tâm không vọng động thì Ý mới khởi sinh điều Tốt Đẹp và Cao Thượng.

Muốn hoán chuyển một cái QUẢ không Lành, một cái TRÁI không ngon, chuyện cần thực hiện trước tiên là SỬA TÁNH, sau đó là chuyển đổi cái TÂM.

Sửa Tánh thì đương nhiên Tâm sẽ chuyển đổi liền, mà Tâm chuyển đổi thì Ý cũng sẽ xoay chiều theo Tâm, không còn đen tối nữa. Bất cứ một Tánh xấu nào được cải sửa đều có một Tánh Tốt đối nghịch thay thế vào. Tánh hẹp hòi, ích kỷ bị triệt tiêu, tức khắc sẽ được thế vào bằng Tánh Quảng Đại, Hào Phóng. Càng sửa đổi nhiều Tánh Xấu, càng nhận lại nhiều Tánh Tốt. Tánh càng Tốt, Tâm càng ngời sáng, Ý càng cao thượng, màn Vô Minh càng mỏng dần, sự hung hãn của Nghiệp Lực cũng bớt dần đi; bên cạnh đó là sự thiết tha, chân thành Sám Hối Ăn Năn về những điều sai trái mà mình đã gây tạo ra từ Quá Khứ đến Hiện Tại, sau đó, đem Tâm Thành Hối Lỗi đó mà Trì Chú, mà Niệm Phật để mong nhờ vào Công năng của Câu Thần Chú cũng như Hào Quang của Lời Niệm Phật làm tiêu trừ một phần nào những hình ảnh Nghiệp Chướng trong Tâm Thức của mình. Sau cùng là lời chân thành Hồi Hướng Công Đức Sám Hối- Trì Chú- Niệm Phật cũng như những Phước Đức thu nhặt được qua việc Hành Thiện, đến cho tất cả những ai đã chịu nhiều Đau Khổ, nhiều Thiệt Thòi do ở những hành vi thiếu nghĩ suy, nhiều nông nổi của mình.

Hằng ngày, sau thời khóa tu Sám Hối-Trì Chú-Niệm Phật, phải luôn luôn nguyện cầu cho các Oan Gia Trái Chủ, dù hiện diện ở bất cứ nơi chốn nào, cũng đều có được một cuộc đời tốt đẹp, tràn đầy Phúc Lợi, Bình An và Hạnh Phúc. Sau đó, muốn Niệm Phật thêm bao nhiêu lần cũng được cả và hồi hướng công đức Niệm Phật cho các Oan Gia Trái Chủ. Phải luôn luôn ghi nhớ rằng: việc Trì Chú hay Niệm Phật muốn mang lại kết quả hữu hiệu, phải được thực hiện SAU KHI SÁM HỐI. Đem cái Tâm chân thành Sám Hối mà Trì Chú hay Niệm Phật mới có thể hưởng trọn vẹn cái Công Năng, mới dùng cái Công Năng đó để làm sáng Tâm Thức lên, Tâm Thức có sáng thì hình ảnh Nghiệp Chướng trong Tâm Thức mới có thể mờ dần đi.

Từ - Bi - Hỷ - Xả là 4 ĐỨC TÁNH CỦA TÂM, giúp cho Tâm ngời sáng, Tâm rực rỡ lên. Tâm có sáng rực thì TRÍ HUỆ mới phát sáng, đường tu tập mới có thể lên cao. Làm sao để có được Từ Bi Hỷ Xả? Tất cả đều là do sự hoán chuyển cái TÁNH mà thôi. Toàn bộ những Tánh Xấu đều được giùi mài, chỉnh sửa để trở thành 4 ĐỨC TÁNH CĂN BẢN Từ Bi Hỷ Xả vun phân tưới nước cho mảnh đất TÂM luôn mềm mại, ẩm ướt, đầy đủ chất bổ dưỡng, sẵn sàng cho bất cứ Hạt Giống Bồ Đề nào gieo xuống.

TÂM TỐT - Ý TỐT - TÁNH TỐT thì làm sao có thể gây tạo được những Nghiệp không Lành với người chung quanh?

Nói tóm lại, nếu đã lỡ trồng những cây cho ra Quả Trái không ngon ngọt thì sẽ hết lòng chỉnh sửa, và kể từ ngày bắt tay vào việc chỉnh sửa, thì nên cố gắng lựa lọc và gieo trồng những cây trái hữu ích hơn trên mảnh đất mà mình đã tốn nhiều công sức đào xới, vun phân.

Những Hạt Giống tuy rằng rất nhỏ, nhưng tiềm năng phát triển thì vô cùng mạnh mẽ. Không nhất thiết phải là Hạt Giống to mới cho ra Quả Trái mượt mà, ngon ngọt, những Hạt Giống lép hay khô cằn vẫn có Trái treo lủng lẳng trên cành, chỉ có điều rằng những Quả Trái đó toàn là Quả đắng, Quả chát, Quả chua hay Quả dị dạng, không đáp ứng được sự mong mỏi của người gieo Hạt. Vì vậy, bắt buộc phải lựa Hạt Giống. Muốn lựa Hạt Giống, tuyệt đối phải có TRÍ HUỆ. Trí Huệ ví như ngọn đèn thắp sáng, nhờ đó mà mới nhìn thấy được Hạt Giống nào tốt, Hạt Giống nào xấu, có những Hạt Giống bị khô cằn đi, nó trở thành Hạt lép, Hạt hư, phải loại bỏ ra ngoài, chỉ chừa lại những Hạt tròn trịa, nõn nà.

Cho nên, TU TẬP giúp cho Trí Huệ được phát sáng, dễ dàng nhận ra ngay những việc nào nên làm, những việc nào không nên làm. Thầy đã đề cập rất kỹ càng trong bài Pháp NHÂN và QUẢ.

Kính bạch Sư Phụ,

Với con số 518,000 cái Lá Số Tử Vi, xác suất có được chỉ có thể biểu tượng đại khái cuộc đời của một con người mà thôi, còn đi vào trong chi tiết thì còn tùy vào Tâm-Ý-Tánh của mỗi người rất nhiều. Như vậy, một người HIỂU ĐẠO có nên tin, nên lụy vào việc coi bói hay coi Tử Vi không?

Việc đi coi bói hay đi coi Tử Vi cũng chỉ là để “nhìn” cái Định Mệnh của mình hay được “nghe” nói về cái Định Mệnh của mình, mà Định Mệnh của mình là do mình tạo nên thì cần gì phải đi coi! Người tu tập chân chính không để ý đến những việc đó, Định Mệnh do mình tạo dựng thì mình có thể sửa được.

Mục đích của việc tu tập là để sửa đổi, để hoán chuyển tất cả những gì không tốt đẹp từ trong Quá Khứ mà mình nhận thấy được trong Hiện tại. Mình không thể quay đầu lại để nhìn thấy được những gì mình đã làm trong Quá Khứ, mà chỉ có thể thấy được những gì đến với mình ở Hiện Tại mà thôi. Ngày hôm nay, ở Hiện Kiếp, trên tay mình đang nắm đầy những Quả Trái đủ mọi hình dạng, đủ mọi tính chất. QUẢ của Hiện Tại là từ ở những cái NHÂN được gieo trồng trong Quá Khứ, nhìn những Quả dị dạng trên tay, người tu tập chân chính tức khắc phải hiểu rằng, tôi sẽ phải làm sao với những Quả Trái không Tốt Đẹp này?

Một sự Quyết Tâm sửa đổi toàn vẹn Tâm-Ý-Tánh sẽ làm thay hình đổi dạng những Quả Trái kém ngọt, kém ngon, kém đẹp mắt. Những Quả Trái trong Hiện Tại đã được chỉnh sửa rồi, đã trở thành ngon ngọt, tức nhiên nó sẽ cho ra những cái Nhân tốt đẹp, đơm bông kết thành Trái Ngọt cho mùa gặt hái ở kiếp Vị Lai. Những Quả Trái của kiếp Vị Lai có đẹp đẻ, có thơm ngon, chính là nhờ ở cái NHÂN của cái QUẢ Hiện Tại tạo nên.

Người Đời hay tò mò, háo hức, muốn hiểu, muốn biết về Cuộc Đời của mình, do đó mà thích coi bói hay coi Tử Vi. Người ta đã quên rằng, cuộc đời không phải chỉ có ở Hiện Tại, mà nó có liên quan rất nhiều đến Quá Khứ.

Người không biết tu tập, trước một việc không may, hay một cảnh huống nào đó xảy đến với mình, chỉ biết ôm mặt khóc, buồn đau, tủi hận và đôi khi trách móc Phật Trời sao quá bất công với mình. Việc đi coi bói hay coi Tử Vi được xem như là Cứu Cánh giúp cho người đó thoát khổ.

Người biết tu tập, biết hoán chuyển Trái chua thành Trái ngọt, cũng như hoán chuyển Cuộc Đời mình từ Xấu thành Tốt dễ như trở bàn tay.

Chìa khóa then chốt cũng chỉ nằm trong Tâm-Ý-Tánh, và cái bản Tử Vi, nếu được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng do một người biết tu tập chân chính, thì cái kết luận cho Cuộc Đời của người không may đó cũng chỉ là “Phải hoán chuyển Tâm-Ý-Tánh” mà thôi!

Nhìn vào một bản Tử Vi, chỉ cần xét 2 CUNG: Cung Phúc Đức và Cung Tật Ách là đủ biết rằng mình đã vẫy vùng như thế nào trong Quá Khứ. Một người biết tu tập chân chính chỉ cần nhìn vào 2 Cung đó là có thể hiểu được đường hướng để hoán chuyển cái Định Mệnh của mình. Nếu cung Phúc Đức vượt lên cao, có nghĩa là, tôi đã gieo nhiều Nhân Lành, và bây giờ tôi sẽ tiếp tục để gieo thêm Nhân Lành. Nhìn vào Cung Tật Ách thấy quá Xấu thì biết rằng tôi đã gieo những cái NHÂN không Lành trong Quá khứ, ngày hôm nay ở Hiện Kiếp, tôi phải làm đủ mọi cách để vun bồi nó, và làm cho nó trở thành tốt đẹp hơn, cũng như biến Trái Chua thành Trái Ngọt!

Tu tập là phải như vậy mới đúng, chớ tu tập không phải là ngồi ê...a...đâu!

Mê Tín Dị Đoan thì không thể nào hành sử được cái Vòng Nghiệp Lực Tâm-Ý-Tánh cũng như không thể hoán chuyển được Vòng Nghiệp Lực Tâm-Ý-Tánh.

Tu tập là phải quán chiếu Nội Tâm của mình. Bước đầu tiên của việc quán chiếu là phải nhìn thật kỹ toàn bộ những cái TÁNH của mình; nếu mình có quá nhiều Tánh Xấu, chắc chắn rằng Tâm mình không Lành; Tâm không Lành thì Ý cũng Bất Thiện. Cho nên khi quán chiếu nội tâm mà mình nhận thấy rằng mình An Ổn với cái Nội Tâm của mình, như vậy Định Mệnh đến với mình sẽ là những điều Tốt Đẹp.

Người ta nói “Định Mệnh An Bài”, câu nói đó KHÔNG ĐÚNG! Định Mệnh an bài nếu mình Ù LÌ, không quán chiếu nội tâm, không tư duy Tâm-Ý-Tánh của mình, do đó mình chấp nhận cái gì mà mình đã tạo nên. Trái Chua thì tôi nhận Trái Chua, và tôi giữ Trái Chua đó cho tới suốt cuộc đời tôi; Trái Dị Dạng thì tôi cam chịu, một cái cây đầy Trái Dị Dạng, tôi sẽ ôm giữ nó cho đến suốt cuộc đời tôi, đó là tôi chấp nhận cái Định Mệnh đó, và tôi cho rằng cái Định Mệnh đó đã được AN BÀI.

Nếu tôi không chấp nhận cái Định Mệnh đó, tôi bắt buộc phải tranh đấu, phải sửa đổi, phải tìm đủ mọi cách để khắc phục nó. Muốn khắc phục được nó, tôi phải tu tập, tôi phải đem hết Tâm Lực, Cường Lực, Ý Lực của tôi ra, tôi phải trải Tâm-Ý-Tánh của tôi ra một cách rõ ràng, phải thành thật với bản thân tôi, không che đậy, không dấu diếm, như vậy tôi mới có thể nhận ra được rằng tôi sẽ phải sửa cái Định Mệnh của tôi bằng cách nào? Cái Định Mệnh đó chịu ảnh hưởng từ ở cái Tánh nào của tôi? Khi tôi đã tìm ra được cái Tánh đó rồi, tôi bắt buộc phải nhìn lại cái Tâm của tôi, Tâm Tánh dính liền nhau, Tánh này thì phải cho ra Tâm này, không thể khác được. Một người có Tánh Hung Hăng thì không thể nào có được một Tâm An Lành. Vì vậy tôi phải Thành Thật với bản thân tôi, phải trải cái Tâm-Ý-Tánh của tôi ra và tôi Phán Xét từng điểm một.

Như vậy, tôi mới có thể hoán chuyển được cái Định Mệnh của tôi vì cái Định Mệnh đó là do ở TÔI, không do ở bất cứ AI đã An Bài cho tôi cả. Cho nên, “Định Mệnh An Bài” là một câu nói mà Chúng Sanh thường hay thốt ra mỗi khi gặp chuyện không may xảy tới cho mình. Chính ra, đúng thật ý nghĩa của nó là, nói lên SỰ Ù LÌ CỦA CHÚNG SANH !!!


+ 66