• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Chứng Đắc

Sep 17 2016
453801976 453801976

Kính bạch Sư Phụ,
Thế nào là một người tu đắc đạo? Hay nói khác đi là một người chứng đắc.

Người đắc đạo là người được đạo. Thế nào là được đạo? Có vô số vấn đề vây quanh chữ “Đạo”, mà chữ “Đạo” cũng không hẳn có một ý nghĩa duy nhất thuộc về tu tập.

Để hiểu một cách rõ ràng về chữ ĐẠO, Thầy có thể hình dung nó như là cái trục ở giữa của cái bánh xe đạp. Từ trong trục đó chĩa ra nhiều cây căm để giữ cái niền bánh xe cho cứng. Đạo là cái trục mà mỗi cây căm tượng trưng cho một vấn đề phải chu toàn.

Đạo Làm Người

Là một chúng sanh trong cõi Ta Bà, phải hiểu được những điều căn bản của đạo làm Người, phải hiểu được thế nào là Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín. Phải giữ tròn tất cả những điều đó thì mới có thể cùng sống chung với nhau trong sự thuận hòa, không nảy sinh hiềm khích.

Đạo làm Người còn dính liền với bổn phận, với trách nhiệm đối với xã hội, đối với quốc gia. Một cá nhân đối với những người chung quanh mình phải biết chia sẻ, phải biết hành xử sao cho tương hợptương trợ. Mỗi người trong xã hội đều đóng một vai trò tùy theo khả năng của mình, không có người nào được xem là vô dụng cả; chỉ có những kẻ ăn không ngồi rồi, vô công rỗi nghề, làm những điều quấy trá, phá hại trật tự mới bị đào thải khỏi xã hội. Còn thì tất cả đều giữ một vai trò theo đúng khả năng của mình trong xã hội để cùng chia sẻ và cùng trao đổi.

Để bảo vệ sự sinh tồn của một quốc gia, những người sống trong Quốc Gia đó phải tạo cho mình một bổn phận, và một trách nhiệm đối với quốc gia. Nên nhớ rằng: điều này hoàn toàn có tính cách tự nguyện, không có sự bắt buộc. Quốc Gia còn thì người dân còn nơi nương náu, Quốc Gia mất thì chắc chắn rằng người dân cũng sẽ phải sống kiếp lang thang.

Cho nên không cần chờ đợi những người có chức trách ban phát cho tôi một công việc, một trách nhiệm hay một bổn phận gì đó để bảo vệ sự sinh tồn của Quốc Gia, mà chính tôi phải tự động, phải nhận ra được rằng tôi có bổn phận bảo vệ sự tồn vong của nơi tôi sinh sống.

Đạo làm Người cũng gắn liền với sự hình thành của một mái ấm, mái gia đình.

Gia đình là nền tảng GỐC để tạo dựng một xã hội, một quốc gia. Chủ của gia đình chính là Cha cùng Mẹ. Những đứa con được sanh ra sẽ lần lượt trở nên những thành viên của gia đình, dưới sự chỉ đạo, huấn luyện của mẹ cha. Trong vấn đề dạy dỗ con cái, nếu bậc làm cha mẹ quá thờ ơ trong một số vấn đề then chốt sau đây thì cái nền tảng Gốc đó sẽ tự động đổ vỡ hay lung lay, từ đó việc tạo dựng một xã hội tốt đẹp, ích lợi cho số đông chúng sanh sẽ khó lòng thành công tốt đẹp được.

  1. Sự nuông chiều con cái một cách thái quá là một hành động: “mình tự cầm dao giết chết con của mình”.

Sự mang nặng đẻ đau, sự cực nhọc thức khuya hôm sớm để chăm sóc, nhất là khi con đau, con yếu và thông thường nhất là khi đứa bé chiếm địa vị “độc tôn” trong dòng họ, sự chiều chuộng, nâng niu đứa bé sẽ càng lúc càng mãnh liệt hơn.

Từ lúc còn thơ dại, chỉ mới biết đi lẫm đẫm, đứa bé đã nhận thức được sự nuông chiều đó rồi. Chính bậc cha mẹ đã tiếp tay để tạo nên thói quen xấu cho con mình và dẫn lần đến cái Tánh Muốn gì được nấy. Càng trưởng thành, cái Muốn càng lên cao, đứa con sẽ thụ đắc nhiều hơn. Càng thụ đắc, sự đóng khung càng gia tăng, va chạm vào nhau, gây nên biết bao nhiêu đổ vỡ; đó là chưa kể đứa con sẽ bị lôi cuốn vào trong từng cái “khung Muốn” và gây tạo nên vô số cảnh huống của cuộc Đời.

Bậc làm cha mẹ khi đó sẽ có 02 phản ứng trước thảm trạng này:

  • Hoặc xót xa rơi lệ nhìn con mình đang quằn quại trong khổ đau.
  • Hoặc xoay ngược lại đổ trút hết nguyên nhân của những cảnh huống lên trên chính bản thân con mình.
  1. Thời gian từ lúc mới bập bẹ biết nói cho đến 12 tuổi, đứa bé cần phải được chỉ dạy một cách “sát nút”, “khít khao”, không để lọt bất cứ một “khe hở” nào!

Đây là khoảng thời gian mà Trí Tuệ của một đứa bé chưa được phát triển đúng mức, vẫn còn cần đến sự “để ý”, “ghé mắt đến” của bậc cha mẹ rất nhiều.

Một hành động, một cử chỉ, một lời nói không được cân nhắc, lọc lừa, sẽ vô tình tạo nên nghiệp chướng.

Tuổi thơ dại thích những trò chơi thiếu suy nghĩ, thích tạo nên những điều nông nỗi và nhất là Tánh Háo Thắng rất cao, thích làm những gì tỏ rõ sự gan dạ, anh hùng.

Có thể nói rằng: rất nhiều nghiệp chướng được gây tạo nên trong khoảng thời gian này. Dù rằng đó là sự vô tình, nhưng cũng vẫn tạo nên nghiệp chướng vì nghiệp chướng đâu có thể nào phân biệt được đâu là vô tình, đâu là cố ý?

  1. Bậc cha mẹ muốn đúc một cái khuôn thật tốt, thật đẹp, thật vừa ý lên con của mình thì thời gian thích nghi nhất, vừa vặn nhất và hợp lý nhất là trong khoảng thời gian 12 năm đầu của đứa bé. Quá thời gian này rồi sẽ khó lòng đúc được một cái khuôn đúng ý!
     
  2. Bậc làm cha mẹ cần phải tỏ ra cương quyết và cứng rắn từ chối tất cả những điều gì xét ra bất lợi, không cần thiết và có thể gây nguy hại cho con mình về sau. Một sự thỏa mãn TỰ ÁI của đứa bé ngay bây giờ ở hiện tại, có thể sẽ mang đến cho nó một vết thương lở loét trong tương lai.
     
  3. Điều vô cùng quan trọng của bậc sanh thành đối với con cái là nuôi dưỡng đứa bé, không những giúp cho nó phát triển phần thân xác khỏe mạnh, cứng cáp mà còn chăm chút, dắt dìu để cho phần Tâm Linh của đứa bé được luôn ngời sáng.

Những thói hư thật xấu cần phải ngăn chận và sửa đổi từ trong trứng nước, không đợi đến lúc đã thành một cái Tánh quá cứng chắc rồi thì quả thật đã muộn màng, muốn sửa đổi sẽ phải mất nhiều thời gian và công sức. Những Tánh tốt thường mất rất nhiều thời gian để tôi luyện, trong khi Tánh Xấu thì chỉ cần một cái búng tay, từ tốt trở thành xấu ngay.

Một đứa bé lớn lên với nhiều Tánh tốt vẫn là một “Phúc Lợi” cho bản thân của nó, và đồng thời nó cũng là “Viên Ngọc Quý” của xã hội, của Quốc Gia.

Vì vậy, muốn chu toàn Đạo Làm Người, bắt buộc phải chu toàn bổn phận và trách nhiệm của bậc làm Cha Mẹ đối với con cái. Nấc thang Gia Đình có vững chắc thì mới tạo dựng được nấc thang Xã Hội kế tiếp, lành mạnh, biết đoàn kết chặt chẽ, biết tương trợ và biết sống tương hòa.

Cả hai nấc thang góp phần để tạo dựng nên nấc thang Quốc Gia phồn thịnh về cả hai mặt vật chất lẫn tinh thần. Người dân trong Quốc Gia liên kết nhau qua sợi dây NHÂN ÁI, cùng chia sẻ, cùng hỗ trợ để tạo thành một khối vững chắc, không có gì chọc thủng, không có gì phá vỡ được.

Đạo Tu Thân

Tu thân là sửa đổi thân tâm của mình cho càng ngày càng thêm hoàn hảo. Nếu mỗi cá nhân đều xem trọng việc sửa đổi thân tâm thì lo gì gia đình không yên, quốc gia không thịnh!

Cha mẹ chăm lo trau giồi Tâm Tánh cho thật tốt, luôn làm gương sáng để con cái soi vào và chúng cũng tự sửa đổi, chắt chiu phần Thân Tâm của mình, chắc chắn rằng gia đình sẽ vững vàng và luôn được trọng vọng. Có tu thân mới có được một mái gia đình êm ấm đúng nghĩa, với kỷ cương, với gia pháp, làm nền tảng cho sự lâu dài và thịnh vượng của một dòng họ.

Một Quốc Gia được điều khiển bởi những người chức trách biết tu thân thì sự phồn thịnh, sự vững mạnh của Quốc Gia là một điều quá sức hiển nhiên!

Đạo tu thân khởi đầu cho một cái đạo kế tiếp, đó là Chánh Đạo.

Chánh Đạo Là Gì?

Tùy vào sự tin tưởng của mỗi người về Đức Phật hay về Đức Chúa, hoặc về một Đấng nào đó mà sẽ có những niềm tin tôn giáo khác nhau. Dù cho bất kỳ một niềm tin nào, cái rốt ráo vẫn là gì? Vẫn là giúp cho người đó thăng hoa! Nếu một tín ngưỡng hay một niềm tin làm cho một người càng ngày càng đi xuống thì niềm tin đó là một niềm tin sai lầm, không đúng. Cho nên, bất kỳ một niềm tin nào giúp cho mình sửa đổi được tâm tánh, làm cho cuộc sống từ vật chất đến tâm linh của mình càng ngày càng sung túc, niềm tin đó mới thực sự là một niềm tin đúng nghĩa.

Khi mình đã chọn cho mình một niềm tin rồi thì tất cả những nguyên tắc, những giáo điều đã được vạch ra từ ở tín ngưỡng đó phải được mình hành sử một cách đúng đắn. Hiểu đúng, thâm nhập đúng và làm đúng, sẽ giúp cho Trí Huệ càng phát sáng. Nhờ vào con đường mà mình đã lựa chọn, cộng thêm sự quyết tâm sửa đổi, Thân Tâm mình ngày thêm ngời sáng. Mình đã thật sự thay đổi, hoàn toàn khác biệt với trước kia, thuần Tánh hơn, cao thượng hơn, cách hành xử của mình trong mọi vấn đề được tế nhị hơn, hợp lý hơn, sâu sắc hơn, như vậy mới có thể gọi là đem lại một kết quả tốt đẹp được.

Sau cùng, cái rốt ráo của Đạo chính là Đắc Đạo. Đắc Đạo có nghĩa là được Đạo, được hết tất cả những gì ở trên mỗi cây căm và thông suốt hết tất cả những gì ở trên đó. Từ đó hiểu được lời của chư Phật, chư Bồ Tát, thấu đáo được những điều chỉ dạy của chư Phật và Bồ Tát. Thật sự ra Chư Phật và Bồ Tát không nói lời xa xôi, ngoài tầm với của chúng sanh. Những điều mà các Ngài nói lên đều bao gồm hết ở trên mỗi cây căm, chỉ có điều rằng hành giả không tư duy cho nên không nhận ra được. Một khi sửa được Tâm – Ý – Tánh, tức khắc sẽ không tạo vòng nghiệp lực nữa. Vòng nghiệp lực đã không tạo ra thì sẽ sống đời an vui; một người sống đời an vui sẽ dễ dàng đem phúc lợi đến cho từng cá nhân, cho gia đình, cho xã hội, cho quốc gia và cho tất cả những người mình giao tế. Sau đó, một Tâm Bình An Thanh Tịnh, Trí Huệ được phát sáng thì việc giao cảm với chư Phật và Bồ Tát sẽ không có gì là xa xôi cả! Tâm mình thanh tịnh, tâm mình bình an, sống không gút mắt, sống không phiền não, xem tất cả mọi việc là CÓ nhưng sau cái CÓ chính là cái KHÔNG, tức là phải công nhận sự hiện hữu của nó để có thể giải quyết tất cả những khó khăn, rối rắm xảy ra. Nhưng một khi đã bình được tất cả những rối ren rồi thì nó sẽ trở lại với cái KHÔNG. Tâm khi đó sẽ không còn bị vướng mắc, lụy phiền gì nữa cả. Cho nên người đắc đạo không có nghĩa rằng chỉ biết được lời của chư Phật và Bồ Tát mà thôi, người đắc đạo còn phải biết dùng lời của chư Phật và Bồ Tát để áp dụng vào trong tất cả mọi trường hợp có thể xảy ra, dùng nó như là vật hóa giải để biến cái CÓ thành cái KHÔNG.

Thưa Sư Phụ, Thế nào là biến cái CÓ thành cái KHÔNG?

Nếu một người mà vòng nghiệp lực còn quá rối rắm, theo con, cái gì có thể gây nên vướng mắc?

Dạ chính là cái Tâm – Ý – Tánh của người đó!

Đúng vậy! Cho nên mỗi sự việc, mỗi cảnh huống mà họ gặp phải đều bị cuốn hút vào Tâm – Ý – Tánh để tạo nên hết vòng nghiệp lực này đến vòng nghiệp lực khác. Người Đắc Đạo có thể kiểm soát được Tâm – Ý – Tánh của mình, có nghĩa là họ không bao giờ tạo ra vòng nghiệp lực; một khi vòng nghiệp lực không có cơ hội tạo nên thì tất cả những gì họ cần giải quyết họ sẽ giải quyết với một Tâm Thanh Tịnh, Bình An, Một Tâm An Nhiên Tự Tại, không bị vướng mắc vào những điều cần giải quyết, họ nhìn vào là thấy ngay được nơi đâu là mấu chốt của vấn đề. Từ đó họ sẽ bắt đầu tháo gỡ, tới một lúc, cuộn chỉ rối nùi đó được tháo xong thì trong tay của người đó có còn cái cuộn chỉ nữa hay không?

Dạ thưa không.

Tức là đã biến Hữu thành Không.

Đây là một cái vòng tròn, nửa vòng tròn trên bao gồm tất cả những gì mà một chúng sanh trên cõi đời này phải chu toàn, từ lúc mở mắt chào đời cho tới khi trưởng thành, không một chúng sanh nào mà không trải qua. Nhưng, nửa vòng tròn sau Thầy tạm gọi nó là nửa vòng tròn tâm linh, nửa vòng tròn này tuy nó đến sau, nhưng nó lại khống chế nửa vòng tròn trước, vì sao? Khi một người đã thấu đáo được những lời của chư Phật và Bồ Tát, người đó Tâm cũng đổi, Tánh cũng đổi, Ý cũng đổi; tất cả đều đổi thay, như vậy bản thân người đó không tạo ra vòng nghiệp lực. Nếu họ có phải trở lại nửa vòng tròn trước để giải quyết tất cả những vấn đề khó khăn thuộc nửa vòng tròn trước đó, thì mọi việc sẽ rất là dễ dàng không trở ngại, bởi vì bản thân của họ không bị vướng mắc vào trong tất cả những điều hiện hữu trong nửa vòng tròn trước; điều này cần phải tư duy, thật ra không khó hiểu nhưng cần phải chịu khó tư duy!

Người ta bảo rằng người này Đắc Đạo, đó là người ta chỉ thấy được cái kết quả của người đó tu tập, tức là chỉ thấy được một phần của nửa “vòng tròn tâm linh” trong nguyên một cái vòng tròn.

Thật sự ra, người Đắc Đạo là người đã từng trải qua tất cả những điều ở trên nửa vòng tròn trước, rồi sau đó, chọn cho mình một hướng đi, chọn cho mình một niềm tin, và trau giồi bản thân mình dựa trên cái niềm tin đó, cho đến khi mình hiểu được một cách tận tường những lời của Chư Phật và Bồ Tát đã chỉ dạy cho mình, họ hành sử thật đúng đắn những lời chỉ dạy đó. Sự hoán chuyển toàn bộ Tâm – Ý – Tánh giúp cho họ trở nên “trơn tru” trước nghiệp lực. Phiền não đến… cũng tan! Cảnh huống xảy ra … rồi cũng phải ra đi! Khó khăn nào tới… cũng không thể ở lâu được!

Có thể nói một cách ví von rằng: mọi rối rắm của cuộc Đời đến với họ thật không khác gì “nước đổ đầu vịt,” hoàn toàn không tác động, không ảnh hưởng trên bản thân của họ. Khi bắt buộc phải giải quyết những vấn đề khó khăn thuộc nửa vòng tròn trước, họ sẽ giải quyết với TÂM ĐẠO.

Họ xem như là vô nhiễm, không nhiễm vào những gì của Đời, đó chính là cái kết quả của việc tu tập! Ngày nào mà một chúng sanh không còn tạo ra vòng nghiệp lực nữa thì có thể nói một cách rõ ràng rằng người đó đã đắc đạo, có nghĩa là họ đã thâm nhập được hết tất cả những lời của chư Phật và Bồ Tát để làm kim chỉ nam cho việc sửa đổi con người của mình, biến họ trở thành một người hoàn toàn mới về phương diện tâm linh, Thầy không nói về phương diện vật chất, vì người đó cũng vẫn là người đó, nhưng về phương diện tâm linh, người đắc đạo là một người hoàn toàn khác biệt với chính bản thân họ trước kia, họ có thể biến cái HỮU thành cái KHÔNG và tất cả những gì của Đời xâm nhập vào người họ đều bị rơi xuống hết! Họ không thụ đắc, do đó họ không bị nhiễm những thứ đó vào trong người của họ. Người Đắc Đạo hay người Chứng Đắc cũng là một. Muốn trở nên một người Đắc Đạo hay Chứng Đắc bắt buộc phải qua một quá trình tu tập đã được chỉ dẫn rất tỉ mỉ và chi tiết trong những bài Pháp trước.

Sự chứng đắc chỉ có được khi việc gây tạo nghiệp lực không còn xảy ra nữa. Điều này dính liền (như bóng với hình) với việc hoán chuyển Tâm – Ý – Tánh. Người Chứng Đắc đã đi qua cái quá trình sửa Tâm, sửa Ý, sửa Tánh thì cơ hội để tạo vòng Nghiệp Lực sẽ không xảy ra. Như vậy, bất kỳ việc gì từ ở Đời sẽ khó lòng va chạm vào người Đắc Đạo được.

Với Trí Huệ, người Chứng Đắc sẽ dễ dàng biến HỮU thành KHÔNG, biến cái Xấu thành cái Tốt, biến cái Dữ hóa ra cái Hiền.

Do ở chỗ họ không thụ đắc nên không bị vướng mắc. Trí Huệ giúp cho họ nhận ra những gút mắt của việc khó khăn cần giải quyết, do đó, họ thản nhiên và từ tốn tháo gỡ nùi chỉ rối, để rồi cuối cùng nùi chỉ rối đó không còn trên tay nữa, tức là họ đã biến cái CÓ thành cái KHÔNG!


+ 70