• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Hình Tượng Của Phật Và Bồ Tát

Jul 03 2018

Kính bạch Sư Phụ,

Có người cho rằng: nếu Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật trở lại với Chúng Sanh thêm một lần nữa ở hiện đời, chắc có lẽ Ngài sẽ mang đến cho Chúng Sanh nhiều lợi lạc hơn trong việc tôi luyện đời sống Tâm Linh của mỗi Chúng Sanh.

Không như người Đời đã nghĩ đâu con!

Đó là tại vì Chúng Sanh còn chưa hiểu được cái ý nghĩa của hình tượng. Hình Tượng của một vị Phật hay Hình Tượng của một vị Bồ Tát, có nghĩa là, Chúng Sanh phải mang trong tâm tư của mình cái hình ảnh của vị Phật đó hay của vị Bồ Tát đó, và xem các Vị như là “Người Canh Gác” cho cái Tâm Thức của mình, cho cái Ý Thức của mình, và ngăn chận tất cả những Tánh xấu của mình, không cho chúng nổi lên.

Dù cho Đức Bổn Sư có ở cõi Ta Bà liên tục 500 năm thì cũng vậy thôi, không có gì khác biệt, mà Ngài cũng không muốn làm một công việc có tính cách không tự nhiên đó. Ở vào thời của Ngài, một người kéo dài sự sống đến 80 năm đã là một việc khó tìm, không phải dễ đâu, cho nên đã quá nhiều và đã quá đầy đủ rồi!! Vấn đề quan trọng và đáng nói là Ngài phải lưu lại cái hình tượng của Ngài trong tâm tư của mỗi Chúng Sanh. Nếu một người luôn luôn có hình tượng của Ngài hay hình tượng của một vị Bồ Tát mà mình rất là tha thiết, thì mỗi khi mình toan tính một việc gì hay sắp sửa làm một việc gì có thể gây tạo sự bất ổn, bất công hay bất lợi cho một kẻ khác, tức khắc hình ảnh của những vị đó sẽ hiện ra để ngăn chận những hành động sai lầm hay những tư tưởng quấy trá của mình và khiến cho mình kịp thời dừng tay lại.

Kính bạch Sư Phụ,

Việc tu tập là một sự tự nguyện, một sự cố gắng không ngừng của chính bản thân người tu tập. Nếu con tu tập mà lúc nào cũng có “người canh gác”, lúc nào cũng có kẻ dõi mắt theo từng việc làm, từng hành động, từng tư tưởng thì việc thành đạt của con thật sự không có gì đáng nói, đáng tôn vinh cả. Cái THÀNH phải là do tự nơi con gắng sức, cái ĐẠT phải là do tự con biết kềm chế con người của con, biết đặt mình vào một Kỷ Luật Tự Giác để lúc nào cũng có thể kiểm soát và gò cương đúng lúc.

Lời con trình bày đúng lắm!! Con có biết vì sao mà Đức Bổn Sư đã phải đặt ra Giới Luật?

Ngài thấy rằng: những người mới bước vào cửa Đạo, đa phần đều mang trong người một sự hăng hái tột độ. Vì quá hăng hái nên họ nghĩ rằng: mình tu không khó, muốn được như Phật cũng không khó; ngay từ bước đầu tiên họ đã đâm ra hơi ngã mạn rồi. Lần lần, với chút ít hiểu biết từ ở lời Pháp của Phật, với những cách ứng xử theo Phật, họ thu phục được sự kính trọng, sự nể vì của những người mến mộ; đồng thời, sự ngã mạn ngay từ buổi ban đầu dần dần lên cao. Số người mến mộ, kính phục càng lúc càng gia tăng thì niềm kiêu hãnh, sự tự kiêu của các Tăng Lữ cũng tăng vọt theo lên. Con phải biết rằng một khi sự ngã mạn gia tăng thì Tánh xấu nổi lên. Tánh xấu không khác gì những vết đen luôn làm mờ Tâm Ý của người tu tập. Tăng Lữ là những người thụ huấn lời chỉ giáo của Phật, làm đúng những điều Phật đã vạch ra và chỉ dạy, để cùng đi trên một tuyến đường với Phật. Tăng Lữ cũng sẽ thay thế Phật để giúp đỡ, dắt dìu mọi chúng sanh nào muốn theo chân Phật nhưng chưa đủ Duyên Lành để bước lên con đường mà Phật đã chuẩn bị sẵn sàng cho Chúng Sanh.

Đã gọi là thay Phật để chỉ dạy lại cho Chúng Sanh mà mang trên người vô số là Tánh xấu, Tâm Ý tối mò mò thì quả thật chỉ là đem tai tiếng xấu đến cho Phật và làm giảm đi thanh danh cùng uy tín của Phật mà thôi!! Đó là chưa kể cái mục đích tối hậu của việc tu tập là chỉnh sửa bản thân mình để ngày càng tốt đẹp hơn lên. Chỉnh sửa đâu không thấy mà chỉ thấy Tánh xấu càng lúc càng gia tăng theo cái ngã mạn!! Đó là lý do tại sao Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã phải đặt ra Giới Luật rất nghiêm minh cho người xuất gia lẫn người tu tại gia.

Trước khi nhập diệt, Ngài đã căn dặn: Sau khi ta nhập diệt thì các con hãy lấy Giới làm Thầy. Lấy Giới làm Thầy có nghĩa là từ người xuất gia chí đến người tu tại gia đều bắt buộc phải tuân hành GIỚI LUẬT một cách nghiêm chỉnh, không lơ là. Giới Luật đã được Đức Bổn Sư đặt ra nhằm mục đích trui rèn Tâm Tánh của người xuất gia. Những người này đã quyết lòng đến với Đạo, đã hy sinh vứt bỏ tất cả những lợi lạc, những vui thú của thế gian, kể cả mái ấm gia đình để tìm cầu sự GIẢI THOÁT, giải thoát khỏi vòng Sanh Tử, giải thoát khỏi kiếp Luân Hồi. Muốn bứt được vòng Sanh Tử, muốn xa lìa cái cảnh Trầm Luân lặn hụp, xuống lên không dứt của kiếp Luân Hồi, Chúng Sanh bắt buộc phải bứt lìa cái vòng dây Nghiệp Lực đang siết càng lúc càng chặt mỗi Chúng Sanh; mà muốn cho sợi dây nghiệp lực này nới lỏng ra, điều trước tiên phải làm là SỬA TÁNH. Tánh xấu xa, Tánh dữ dằn, Tánh hư đốn, sẽ là đầu mối gây tạo vô số Nghiệp Lực, làm cho sợi dây Nghiệp Lực càng ngày càng dài hơn, vòng quấn càng gia tăng, và độ siết càng mạnh mẽ hơn. Tích tụ nhiều Tánh xấu sẽ khiến cho Tâm Ý trở nên lu mờ, ngọn đèn Trí Huệ làm sao có thể sáng rực lên được mà thay Phật để dắt dìu Chúng Sanh? Ngay khi còn tại thế mà Trí Huệ đã không thể sáng tỏ được để soi đường dẫn lối cho Chúng Sanh, nói chi đến việc Thần Thức khi đã lìa thân xác, đèn Trí Huệ lu mờ thì làm sao thăng hoa cho được? Cho nên người xuất gia bắt buộc phải giữ GIỚI LUẬT rất là nghiêm minh, như thế mới có thể trau giồi được toàn bộ những cái Tánh của mình để trở thành GƯƠNG SÁNG cho hàng Phật Tử noi theo.

 

Tại sao người xuất gia phải bị chi phối bởi nhiều Giới Luật hơn là người tu tại gia?

  • Người xuất gia thọ Tỳ Kheo Giới phải giữ: 250 giới cho Tỳ Kheo Tăng và 348 giới cho Tỳ Kheo Ni.
  • Người tu tại gia, nếu thọ Ngũ giới thì chỉ giữ 5 Giới mà thôi. Nếu thọ Bồ Tát giới, phải giữ 10 giới trọng và 48 giới khinh.

 

Như Thầy đã trình bày ở trên, người xuất gia hoàn toàn sống cuộc đời không bị vướng bận bởi gia đình, họ đã phát thệ nguyện Cắt Ái Ly Gia, dành hết thì giờ của mình để chăm lo tu tập và phụng sự cho Chúng Sanh. Họ bắt buộc phải tuân hành Giới Luật thật là nghiêm chỉnh, không lơ là để cải thiện toàn bộ những Tánh xấu, những Thói hư của mình. Nếu nói về phương diện Lý thì người xuất gia tu tập sẽ dễ dàng thành đạt hơn người tu tại gia. Tất cả những Giới Luật dành cho hàng Tỳ Kheo đều nhắm vào việc trui rèn Tâm - Ý - Tánh, nhất là cái Tánh, để biến chúng trở thành những Đức Tánh sáp nhập vào Tâm, mang đúng cái tên gọi là TỨ VÔ LƯỢNG TÂM Từ Bi Hỷ Xả, làm nền tảng tiến đến quả vị Bồ Tát, quả vị Phật.

Người tu tại gia còn vướng bận mái gia đình, khó lòng xa rời cuộc sống, hằng ngày phải đối phó với nhiều công việc, nhiều lo toan và luôn bận bịu với giao tế. Vấn đề tu tập đối với người tại gia phải uyển chuyển rất nhiều. Dù sao thì họ vẫn mang một Tâm Đạo khá cao, lòng mong mỏi một đời sống Tâm Linh đúng nghĩa. Họ vẫn tha thiết với Đạo, vẫn hướng về một cảnh giới An Bình, Cực Lạc. Người tu tại gia phải theo những nguyên tắc có tính cách căn bản để làm cho mọi sự việc được nhẹ nhàng hơn. Họ thường hay thọ Ngũ Giới và Giới Luật mà họ phải tuân hành bao gồm 5 điều: không Sát Sanh - không Trộm Cắp - không Nói Láo - không Uống Rượu - không Tà Dâm.

Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật khi đưa ra 5 điều “Cấm” dành cho người tu tại gia, Ngài đã chỉ rõ: đây là 5 Nguyên Tắc Căn Bản để cho một Người sống đúng với ý nghĩa LÀM NGƯỜI. 5 nguyên tắc này thật ra vẫn thuộc vào trong TÂM - Ý - TÁNH. Giùi mài, Trau chuốt, Hoán chuyển 5 nguyên tắc này sẽ làm cho Tâm - Ý - Tánh rực rỡ lên, vì nó là 5 nguyên tắc căn bản cho cuộc sống của một con Người từ Đời đến Đạo, từ vật chất đến Tâm Linh.

 

Hãy thử tư duy từng giới luật của ngũ giới: 

  1. Không sát sanh: sát sanh bắt nguồn từ đâu? Do việc không kềm chế được lòng sân hận - sự tức tối vượt lên quá cao - hay vì quá tham muốn mà chiếm đoạt vật sở hữu của kẻ khác bằng bạo lực - sự sợ hãi cũng là động lực đưa đến việc giết chóc, sát hại. Sát sanh một con vật là để thỏa mãn hoặc cái Tham, hoặc cái Sân, hoặc cái Si. Tất cả đều thuộc về cái Tánh, cái Ý, dẫn đến việc sát hại.
  2. Không trộm cắp: vì tánh tham lam, không biết tôn trọng đồ vật của kẻ khác, lúc nào cũng muốn thỏa mãn cái MUỐN của mình mà không cần phải tốn hao công sức, tiền của để tạo nên, do đó đã không e ngại làm chuyện khuất lấp, lấy trộm của người.
  3. Không nói láo: nói láo là một cái Tánh cực kỳ xấu xa, phát xuất từ ở TÂM. Tất cả những ý không tốt đẹp, ý đen tối, ý kém cao thượng, ý muốn hại người… đều khởi lên từ ở cái Tánh Nói Láo. Một người khởi tâm muốn cho người ta khen ngợi mình, khâm phục mình, cho nên đã không ngần ngại nói khoát, nói những điều không đúng sự thật, nói thêm bớt để cho tình huống càng nặng nề hơn, họ sẵn sàng bóp méo câu chuyện để hãm hại Người hay mang lợi lạc đến cho bản thân mình.
  4. Không uống rượu: vì không kềm chế được cái Tánh buông lung của mình, cho nên không thể nào kiểm soát được bản thân mình, cứ chiều theo cái dục vọng, cái sở thích mà bất cần cái hậu quả của việc mình làm. Rượu vào thì lời ra, mà lời nơi đây toàn là lời trái tai, lời mang sân hận, lời chứa đầy dục vọng, lời thiếu suy nghĩ, thiếu đắn đo. Càng uống nhiều, càng đắm chìm trong Si Mê, mặc tình cho bao điều xằng bậy, nông nổi xảy ra, khi tỉnh rượu thì sự thể đã muộn màng rồi, có ăn năn, tiếc hối cũng không còn kịp nữa. 
  5. Không tà dâm: chỉ vì không thể kềm chế được cái ý đen tối, không đè nén được cái Ái Dục của mình, cho nên khi cái Tánh Dâm Dục phát khởi, chuyện Tà Dâm sẽ khó lòng tránh khỏi. Tùy theo mức độ Tà Dâm, tùy theo sự đồng thuận hay không đồng thuận của đối phương mà cái hậu quả của việc Tà Dâm có thể đưa đến việc Sát Hại, gây thương tích, hay ảnh hưởng đến tai tiếng, thanh danh của người trong cuộc.

 

Tuy rằng chỉ vỏn vẹn có 5 Giới, Ngũ giới vẫn xoay quanh TÂM - Ý - TÁNH. Mặc dù thấy đơn giản, Tâm - Ý - Tánh tiềm tàng trong tất cả mọi hành động của Chúng Sanh, luôn cả trong tư tưởng, trong lời nói, trong cử chỉ, khiến cho Chúng Sanh thăng hoa được cũng nhờ vào Tâm - Ý - Tánh, mà sa vào cảnh Trầm Luân cũng là do ở Tâm - Ý - Tánh. Có khắc phục được Tâm - Ý  Tánh của mình, tức là giữ được Tâm luôn An Bình, Thanh Tịnh, giữ được Ý không vọng động và cải sửa tất cả những Tánh xấu, thói hư thì việc Thăng Hoa sẽ không còn là điều khó khăn, không thực hiện được. Bờ bên này với bờ bên kia chỉ cách nhau có mỗi một BƯỚC mà thôi! Một bên thì “lót gạch”, có thể đứng vững vàng, một bên thì “sình lầy”, không đứng được vì bị lún sình. Chỉ có 1 cái bước qua và bước lại mà mọi việc đổi thay; chiều hướng tốt đẹp hay thê thảm, hoàn toàn do ở việc mình có chỉ huy được Tâm - Ý - Tánh của mình hay không?

Người Phật Tử khi đi đến chùa mang theo lễ vật, thành tâm lạy Phật kèm với một bảng liệt kê dài những điều mình muốn cầu xin. Người tu tại gia hằng ngày khuyến khích con em mình lạy Phật để được Phước. Người đang gặp cảnh khốn cùng, khó khăn, chí cốt lạy Phật để cầu xin tai qua nạn khỏi. Nói tóm lại, Chúng Sanh bái lạy Hình Tượng của vị Phật hay vị Bồ Tát luôn luôn đi kèm với một hay nhiều lời cầu xin.

Từ ngữ “bái lạy” mang một ý nghĩa nguyên thủy của một phong tục tập quán thuộc về giao tế, biểu lộ sự kính trọng của người hèn kém đối với người cao sang quyền quý, trong xã hội Ấn Độ, thời của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Tuy nhiên, việc bái lạy không được sự khích lệ của Đức Bổn Sư. Tập tục đó ngày hôm nay đã không còn nữa ở ngoài Đời, nhưng vẫn còn lưu lại nơi cửa Đạo. Tôn giáo nào cũng rất thích bái lạy vì đó là biểu hiện của một Tự Ái được vuốt ve!!

Đặt một tượng Phật hay tượng của vị Bồ Tát lên bệ thờ, người Phật Tử hằng ngày bái lạy. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao phải bái lạy tôn tượng của Phật hay của Bồ Tát? Việc bái lạy mang một ý nghĩa như thế nào?

Việc bái lạy tôn tượng của Phật hay Bồ Tát không mang một ý nghĩa đơn thuần là biểu lộ sự kính trọng đối với các Đấng Từ Bi. Người Phật Tử không lạy cái tượng, mà chính là lạy cái hình ảnh của cái tượng. Cái hình ảnh đó đã được khắc sâu vào Tâm Thức của người Phật Tử sau một thời gian dài huấn luyện Tâm Thức, cùng với việc quán tưởng cái hình ảnh của Phật hay Bồ Tát mỗi ngày. Sự quán tưởng cái hình ảnh Phật hay Bồ Tát là để tạo một đường dây nối giữa vị Phật hay vị Bồ Tát với chính cái Tâm Thức của người Phật Tử. Có như vậy thì khi bái lạy, người Phật Tử mới thấy được hình ảnh của tôn tượng Phật hay Bồ Tát trong đầu. Rồi thì lần lượt những Hạnh Nguyện mà các Vị đã làm cho Chúng Sanh, những lời Pháp, những lời chỉ dạy của các Vị hiện rõ trong Tâm Thức theo từng cái bái lạy của người Phật Tử.

Bái lạy là để tỏ lòng tri ân sâu xa về công trình kiến tạo cái Tâm Linh mà Vị Cha Lành của mình đã đem công sức để chỉ vẽ cho mình. Theo sau mỗi cái bái lạy là một lời hứa long trọng của người Phật Tử: Con luôn luôn noi gương của Phật để đi đúng con đường mà Phật đã vạch ra. Ngài đã dắt dìu để cho con không lạc đường lạc lối, con tạc dạ ghi ơn Ngài và con nguyện sẽ làm theo lời Ngài chỉ dạy để con cũng có được một Trí Huệ rực sáng y như của Ngài. Đó chính là ý nghĩa của việc bái lạy.

Chúng Sanh phải nhớ rằng: bái lạy không có nghĩa là cầu xin!! Cầu xin để được công danh sự nghiệp - cầu xin để được vợ đẹp con ngoan - cầu xin để được tiền của dồi dào - cầu xin để được khỏe mạnh sống lâu - cầu xin để được an hưởng vinh hoa phú quý v.v… Tất cả những thứ đó không phải là sản phẩm của Tâm - Ý - Tánh, cũng không phải là sản phẩm của Trí Huệ, mà đó là kết quả của cái Tánh Cần Cù, Tánh Nhẫn Nại, Tánh Siêng Năng làm việc, Tánh biết Chia Sẻ - biết Tương Trợ … mà mình đã đưa công sức của mình ra để đổi lấy những cái gì mà mình MUỐN. Hãy bái lạy với Tâm Phật của mình, đừng lấy Tâm Chúng Sanh mà bái lạy sẽ làm mất đi cái ý nghĩa của việc bái lạy!!  

Công khó của Phật hay của Bồ Tát là giúp đỡ làm sao để cho Chúng Sanh có thể tự mình đứng vững và Thăng Hoa được. Có Thăng Hoa mới thoát được vòng Sanh Tử Luân Hồi, mới An Nhiên Tự Tại dừng chân ở bất cứ nơi chốn nào trong Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới. Còn quá nặng trĩu trong cái Dục, cái Muốn, cái Tham, cái Sân, cái Si thì từng kiếp trôi qua, hết kiếp này đến kiếp khác, trong thân xác này đến thân xác khác, mãi mãi cái Thần Thức như người Lữ Hành Cô Độc, cứ luôn luôn tả xung hữu đột với những Nghiệp Lực của mình, tưởng chừng như không bao giờ vơi, nói chi đến chấm dứt! Việc tu tập không đòi hỏi một sự hành trì quá khó khăn, quá phức tạp, quá lễ mễ và quá xa rời những nguyên tắc căn bản mà Đức Bổn Sư đã đặt ra từ nguyên thủy.

Một Thần Thức dù ở kiếp này, hay ở kiếp quá khứ hoặc sẽ có mặt ở cõi Ta Bà kiếp Vị Lai, chung quy trước sau cũng chỉ là Thần Thức đó không đổi thay hình dạng mà chỉ đổi thay thân xác qua từng kiếp sống. Sự hiện diện của Thần Thức ở cõi Ta Bà đã nói lên rằng Thần Thức vẫn còn bị trầm luân, vẫn còn bị chi phối bởi vòng Sanh Tử Luân Hồi. Muốn bứt được vòng Sanh Tử, chỉ có một phương cách duy nhất là chỉnh sửa Tâm - Ý - Tánh mà Thần Thức đã cưu mang từ bấy lâu nay, trải qua nhiều kiếp từ quá khứ đến hiện tại, rồi sẽ đến tương lai.

Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật có mặt ở cõi Ta Bà cũng chỉ để giúp cho các Thần Thức làm thế nào chỉnh sửa Tâm - Ý - Tánh hầu thoát cảnh trầm luân. Có điều rằng qua cái thân xác, Thần Thức khó lòng lãnh hội tối đa sự chỉ dạy của Đức Bổn Sư. Đó chẳng qua là vì cái Tánh cũng có liên quan đến thân xác, nên đã ngăn trở rất nhiều trong việc hoán chuyển Tâm - Ý - Tánh do ở những Tánh xấu, những thói hư mà thân xác đã tích lũy và triển khai. Khắc phục được những thói tật xấu xa, thân xác sẽ giúp ích rất nhiều cho việc Thăng Hoa của chính Thần Thức của mình.

Chúng Sanh đừng nên đóng khung trong 2 chữ TÔN GIÁO. Dù cho bất cứ một Tôn Giáo nào ở cõi Ta Bà, cũng không thể nào tách rời cái Thần Thức ra khỏi thân xác, khi thân xác đó còn hơi thở, còn cử động. Mà đã là một Thần Thức thì không thể nào xa rời 3 chữ Tâm - Ý - Tánh, cũng như không thể nào thoát được sự chi phối của Nghiệp Lực. Đây là Định Luật căn bản cho toàn thể Chúng Sanh của cõi Ta Bà.

Tôn giáo chỉ khác nhau qua những cách thức hướng dẫn Tín Đồ: sống làm sao cho đúng với ý nghĩa làm người? Làm cách nào trau giồi đời sống Tâm Linh để tìm được sự An Bình, Thoải Mái ngay khi còn sự sống? Và điều quan trọng là giúp cho Tín Đồ chỉnh sửa Tâm - Ý - Tánh của mình như thế nào để được Thăng Hoa, tức là sẽ không còn chịu cảnh trầm luân Sanh Tử nữa.

Một Thần Thức muốn được về cõi Trời cũng phải biết hành Thiện rất nhiều, và cũng phải biết ít nhiều việc hoán chuyển Tâm - Ý - Tánh của mình ngay khi còn hiện Đời. Đó là chưa kể đến việc khi đã trở thành Thiên Chúng rồi mà chỉ chăm lo hưởng Phước, không biết tu tập để trau giồi Tâm - Ý - Tánh thì Phước Trời cũng chẳng kéo dài được lâu, vẫn phải theo Nghiệp Lực mà trở lại cõi Ta Bà để tiếp tục cảnh trầm luân.

Việc chỉnh sửa Tâm - Ý - Tánh chỉ có thể thực hiện được khi Chúng Sanh đã nhận ra được tầm quan trọng của Bộ Ba này. Lên cao hay xuống thấp, thăng hoa hay trầm luân, tất cả đều tùy thuộc vào Tâm - Ý - Tánh có rực rỡ hay lu mờ, đen tối.

Một người nếu đã nhận chân ra được rằng mình bắt buộc phải cải thiện cái Thần Thức, cái Linh Hồn của mình để được ung dung tự tại mà phóng lên cao, họ sẽ quyết tâm trau giồi Tâm - Ý - Tánh mà không nhất thiết phải là Tín Đồ của một Tôn Giáo nào. Khi Tâm - Ý - Tánh của họ rực rỡ, ngọn đèn Trí Huệ sẽ tự động thắp sáng, Thần Thức của họ ung dung lìa thân xác ra đi khi họ bỏ báu thân. Ánh sáng Trí Huệ ngập tràn theo mỗi bước chân của Thần Thức. Thần Thức sẽ tùy tiện dừng chân ở bất cứ nơi nào đem đến cho Thần Thức niềm phấn khởi.

Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật chưa từng bao giờ khuyên Chúng Sanh của cõi Ta Bà hãy tôn thờ mình, thì sẽ được rước về cõi này hay cõi kia. Ngài đưa hóa thân của Ngài đến cõi Ta Bà cũng chỉ vì thấy Chúng Sanh đã đi lầm đường lạc lối rất nhiều, và không ngừng tạo biết bao nhiêu là Nghiệp Chướng. Ngay trong thời đại của Ngài, dân tộc Ngài cũng đã chịu cảnh lầm than vì vấn đề các Tôn Giáo đập lộn lẫn nhau để tranh giành ảnh hưởng. Không lẽ sau hơn 2500 năm, Chúng Sanh của cõi Ta Bà không có chút gì thăng tiến trong đời sống Tâm Linh của mình hay sao?

Việc tu tập giúp cho Tín Đồ cải thiện đời sống Tâm Linh của mình, giúp cho mình thận trọng hơn trong từng bước chân, từng tư tưởng, từng hành động, từng lời nói, từng cách đối xử với nhau. Hãy tu tập trong sự sáng suốt, trong sự tư duy, trong tinh thần Từ Bi Hỷ Xả. Nguyên tắc căn bản của Đạo là sự ĐƠN GIẢN - sự CHÂN THẬT - sự THÀNH TÂM - không RƯỜM RÀ - không LỄ MỄ - không MÊ TÍN DỊ ĐOAN và tuyệt đối không ĐẶT NẶNG vấn đề TỰ ÁI. Chúng Sanh đến với nhau trong tinh thần CHIA SẺ - GIÚP ĐỠ và THA THỨ. Tuyệt đối không có việc Đạo này ghét Đạo kia, Tông phái này không ưa Tông Phái nọ.

Trước hình tượng của các Đấng Từ Bi, Chúng Sanh bái lạy với lòng thiết tha khấn nguyện: con xin nguyện sửa Tánh, nguyện sửa tất cả những thói hư tật xấu của con để giúp cho Tâm  Ý - Tánh của con được càng ngày càng rực sáng thêm lên. Đây là lời khấn nguyện mà bất cứ Đấng Từ Bi nào cũng muốn nghe, vì đó chính là ý nguyện của các Ngài khi đến cõi Ta Bà để cứu độ Chúng Sanh.

Hãy tỏ dạ chân thành trước bất kỳ một tượng Phật, tượng Bồ Tát. Hãy xem như Phật hay Bồ Tát đang ở trước mặt mình và mình đang nói chuyện với các Ngài. Hãy nói tất cả những gì mình tư duy, tất cả những gì mình đã làm được, đã sửa được, mình đã giúp đỡ được cho ai? Mình đã làm được những gì tốt đẹp trong ngày hôm nay cho mình lẫn cho Người? Đó là những điều mà Phật và Bồ Tát vô cùng thích thú để nghe.

Chúng Sanh hãy nên mạnh dạn, can đảm mà sửa đổi; hãy bỏ Tự Ái xuống, hãy quẳng xa Tham - Sân - Si; giùi mài cho thật kỹ những Thói Tật xấu xa của mình thì mới có thể tiến đến việc hoàn tất mỹ mãn sự hoán chuyển Tâm - Ý - Tánh. Việc giản dị chỉ có bao nhiêu đó thôi! Chúng Sanh không cần phải lên núi cao hay xuống vực thẩm để mà Thiền Định, để mà Tư Duy.

Thiền Định hay Tư Duy cũng không thể nào thoát được 3 chữ Tâm - Ý - Tánh đâu!!!

 

 


+ 70