• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Vòng Tương Quan Nghiệp Lực

Aug 12 2013
Breath of Narrabeen - AtomicZen - 7511933 Breath of Narrabeen - AtomicZen - 7511933 500px

Người tu tập đúng mức, đúng phép, luôn luôn phải kiểm từng lời ăn tiếng nói, phải kiểm soát từng tư tưởng một. Không thể nói bất kỳ những gì ở ngay miệng của mình, mà phải nói những gì từ trong tâm của mình xuất ra thì mới được. Tự trong tâm của mình xuất ra thì những điều đó mới là những điều chọn lọc, đáng nói. Còn những điều ở ngay miệng của mình là ma chướng của mình...

Nó lúc nào cũng chực chờ ở ngay miệng của mình, hay ngay mắt của mình, ngay mũi của mình. Nói chung lại là trong ngũ căn của mình, lúc nào ma chướng cũng sẵn sàng chờ đợi để khiến cho mình có thể thốt ra lời không đúng, nghĩ những điều không đúng, thấy những điều không đúng, nghe những điều không đúng. Cho nên, tâm phải kiểm gần như liên tục, liên tục.

Điều này nó kéo dây qua nghiệp chướng rất nhiều. Tại sao ma chướng ở ngay miệng mình lại chạm vào ma chướng ở miệng người khác?  Mà tại sao lại không là người kia chạm vào ma chướng của người này? Do đó, nó nằm vào những cái dây nghiệp lực rất ư là vi tế.

Nghiệp lực, khi người ta nói đến nó là chỉ nói ở cái mặt ngoài, chưa đề cập đến mặt trong. Chính cái mặt trong mới đáng sợ. Mặt ngoài có thể tìm cách để tránh né được, nhưng cái mặt trong mới rất là khó tránh. Chính vì vậy, nếu không tận tâm khoét cho hết tâm của mình, bốc vào trong tận cùng tâm của mình thì không thấy được cái vi tế của nghiệp lực. Cho nên, phải kiểm tâm luôn luôn là như thế. Vừa ló ra bất kỳ một dấu hiệu nào là phải chặt đứt ngay. Và nếu mình không tận sức của mình thì mình khó có can đảm móc đến tận cùng của tâm ra.

Điều này vô cùng vi tế, vô cùng quan trọng; bởi vì, người ta nói đến nghiệp lực, nhưng người ta không hiểu được tận cùng thâm sâu sự chuyển động của nghiệp lực như thế nào. Đôi khi tránh được ở điểm này nhưng không tránh được ở điểm kia. Là sao? Tránh được ở bề mặt, nhưng tận cùng ở bên trong không chặt được những rễ nhỏ nhỏ, vô cùng nhỏ, vì vậy, nó vẫn còn mọc ra. Mà những rễ nhỏ thì đừng khinh thường, vì những rễ nhỏ tới một lúc nào đó, nó sẽ trở thành cái rễ rất lớn. Chính cái rễ nhỏ mới bấu víu nặng nề hơn cái rễ lớn. Vì vậy mà nhiều đời nhiều kiếp, người ta cứ lăn mãi, lăn mãi vào chỉ một nghiệp lực mà thôi, chớ đừng nói đến nhiều nghiệp lực.

Cho nên phải tránh tạo nghiệp lực. Vì một khi nghiệp lực đã tạo ra rồi, thì rễ lớn rất dễ lấy lên, nhưng cái rễ nhỏ nhỏ nhỏ, nó bấu víu khó giựt lên lắm.

Kính bạch Sư Phụ,
Con hiểu như vầy về nghiệp lực không biết có đúng không? Nghiệp của con như một hình tròn bên này. Nghiệp của người kia như một hình tròn bên kia. Nhưng tại sao nghiệp của người kia vây đến con mà vẫn có một cái tác động rất mạnh…là tại vì nếu hai hình tròn tiến gần lại nhau, khi chạm nhau sẽ có sự cán lên nhau. Cái khoan chính giữa mà cản hai bên với nhau, là những cái rễ nhỏ nhỏ nhỏ nó bám giữa người này với người kia để mà kéo cho nghiệp lực giữa hai người lẫy lừng lên. Nghiệp người này ảnh hưởng đến nghiệp người kia. Con có những nghiệp giống tương đương nên tác động lên lẫn nhau…?

Không phải con có những nghiệp “giống” như nghiệp người kia…Mà là có một sự “tương quan”. Khi có sự tương quan mới kéo lại được gần. Và khi có sự tương quan, thì mới có vấn đề vòng tròn này ập vào vòng tròn kia, nhưng muốn có sự tương quan phải trở về với quá khứ.

Kính bạch Sư Phụ, có phải cái tương quan đó không hẳn là tốt hay là xấu, mà nó chỉ là một sự tương quan để khiến cho hai vòng tròn đó tiến lại gần nhau?

Đúng vậy! đúng vậy! cho nên con cứ tính đi, chúng sanh hằng hà sa số, đâu phải con chỉ có tương quan với một người? Con sẽ có tương quan với nhiều chúng sanh khác. Do đó, cứ mỗi lần vòng tròn của con tiếp xúc vào vòng tròn của một chúng sanh khác, nó sẽ tạo ra những cái khó khăn...

Do đó Thầy mới nói rằng là BẤT ĐỘNG! Tập cho tâm mình bất động ở chỗ là nếu vòng tròn của con không đi tùm lum, chạm đến hết vòng tròn này đến vòng tròn kia...

Đúng vậy! đúng vậy! Con đã hiểu lời ta nói. Giữ TÂM BẤT ĐỘNG, là không đem cái vòng tròn của mình để đặt lên trên vòng tròn của kẻ khác.

Hành động đem vòng tròn của mình đặt lên trên vòng tròn của kẻ khác, là con đã tạo gió. Vì hễ có gió là có sóng. Hễ có sóng nhỏ là có sóng to. Hễ có sóng to là sẽ có sóng thần. Con hiểu ta nói chăng?

Do đó phải giữ tâm bất động. Đừng đem vòng tròn của mình đặt lên trên bất kỳ vòng tròn nào khác. Người khôn ngoan chỉ tới đây mà thôi.

 Không như vầy:

Kính bạch sư phụ, cái gì khiến cho Nghiệp lực chuyển động?

Chính cái TÌNH CẢM. Cái tình cảm mới khiến cho nghiệp lực chuyển động. Nếu bây giờ không có tình cảm, nghiệp lực suốt đời sẽ đứng đó. Chính nhờ có tình cảm mới đẩy nghiệp lực đến gần với con.

Có tình cảm thì mới thấy bị phụ bạc, tức tối, tự ái, ganh tỵ, hay bất cứ những cái xúc cảm của con người...

Khá lắm, rất khá. Do đó, Thầy đã nói rất nhiều, tu tập là phải tư duy. Không tư duy, chỉ lập lại những lời của Phật và Bồ Tát là không đủ, không đủ. Chư Phật và Bồ Tát không có nhiều thời gian để giảng cho chúng sanh từng chút từng chút. Bên cạnh đó, trí tuệ của mỗi chúng sanh mỗi khác, không thể nào đồng nhất để mà giảng chỉ một lời mà thôi. Vì vậy, phải tùy theo trí tuệ của mỗi chúng sanh mà sẽ hiểu được lời của chư Phật và Bồ Tát nhiều hay ít, sâu hay cạn. Do đó, tu tập mà không tư duy, thì cũng chỉ là bưng ly nước uống ực, rồi thôi! Không biết được là ly nước đó mát, hay có vị ngọt chua cay như thế nào?


+ 126