• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Tự Ái - Phần 2

Jan 19 2014
Hugo Camara Hugo Camara 500px

Kính bạch Sư Phụ,
Có phải là do cái “Nhân” của nghiệp lực khiến cho mỗi cá nhân có tự ái khác nhau? Ví dụ như: người tạo cái “Nhân” lúc nào cũng nghĩ quấy cho kẻ khác, thì bây giờ cái “Quả” mà họ gặp là lúc nào cũng chịu hàm oan. Cái tự ái của họ sẽ dính líu rất nhiều đến cái nghiệp đó. Do đó, nếu nói một điều gì oan ức cho họ, tức khắc sẽ làm chạm đến cái Tự Ái, họ đau khổ vì không được minh bạch, khiến cho họ phải rơi lệ. Nghiệp lực do chính họ tạo nên trong quá khứ đã làm cho Tự Ái của họ ngày nay xoay chung quanh một cái quả là lúc nào cũng nhận chịu sự oan tình.

Con tư duy rất đúng!

Vấn đề này rất là phức tạp, cần phải hiểu thật ngọn ngành mới có thể giải thích được những nghiệp chướng nặng nề, hoặc tất cả những điều không tốt đẹp đến với mình. Vì Tự Ái được xem như là lớp nghiệp chướng đầu tiên, nằm tận cùng, cho nên tất cả những điều không tốt đẹp xảy tới cho một cá nhân, đều phải đi qua nghiệp chướng này. Khi phải giải quyết tất cả những điều không tốt đẹp đến với mình, thì chắc chắn rằng không thể nào bỏ qua nghiệp chướng đến từ Tự Ái. Tất cả đều phải đi qua nó!

Nếu mình phân tích được tính chất của Tự Ái, của nghiệp chướng này, thì mình mới có thể giải quyết được tất cả những nghiệp chướng khác tuần tự xảy đến cho mỗi cá nhân. Cái vòng nghiệp lực Tâm - Ý - Tánh muốn phá vỡ nó phải đi từ cái đầu mối, tức là cái Tự Ái. Nếu con diệt đi cái Tự Ái thì lấy gì để khởi lên cái ý. Ví dụ: như Tham - Sân - Si, hoặc thích nghe lời nói ngọt ngào, ve vuốt. Nếu Tự Ái đã bị diệt thì dù người ta có khen, tâm con vẫn không vọng động; hoặc bị người làm tổn, chê bai, tâm con cũng không động.

Tâm không động lấy gì khởi lên Ý? Ý đã không khởi thì Tánh sẽ không bộc phát. Tâm - Ý - Tánh được Bình thì nghiệp lực đâu có cơ hội hình thành. Cho nên, muốn cho nghiệp lực dừng lại, việc trước tiên là phải diệt đi nghiệp chướng từ Tự Ái. Khi nghiệp chướng từ Tự Ái không còn khởi lên thì lúc đó mới có thể giữ được Tâm Bình.

Khi đã giữ được Tâm Bình thì bất cứ một nghiệp chướng nào tiến vào cũng đều bị Tâm Bình đẩy ra, do đó sẽ không có một nghiệp chướng nào có thể tấn công ồ ạt được.

Tuy nhiên, điều quan trọng là làm sao để giữ Tâm Bình một cách thường xuyên? Tâm Bình không thể giữ trong năm phút, mười phút hoặc thậm chí một tiếng, hai tiếng hoặc ba tiếng đồng hồ được.

Kính bạch Sư Phụ,
   Thầy đã có dạy rằng: Tâm Bình phải đi kèm với Từ Bi.
   Thầy bảo rằng: khi Tâm con trong sáng thì kiếng tâm của con mới có thể phản ảnh được ánh hào quang Từ Bi Hỷ Xả từ chư Phật và Bồ Tát giao cảm, ban xuống cho. Ví dụ như Tâm con đã giữ được Bình trong 1 - 2 giờ, rồi nó cũng trở lại với cái Tự Ái; cái Tự Ái khiến cho con lúc nào cũng chỉ nghĩ đến con, thương đến cái thân của con, thân phận của con, cái gì làm tổn đến con, không thuận ý con thì con than thân trách phận; suốt một kiếp của con cũng chỉ là rơi lệ cho bản thân con mà thôi.
   Nếu bây giờ con phát tâm tu tập, con diệt hẳn đi Tự Ái của con thì con sẽ tìm được sự An Bình nơi Tâm của con, con không còn chỉ biết thương lấy thân con; con có dịp để Tâm con lắng đọng, nghĩ và thương đến những người khác một cách chân thành.
   Kính bạch Sư Phụ, chính cái đó là cái Tâm Bình đi kèm với Từ Bi Hỷ Xả. Con không chỉ nghĩ đến thương chính mình mà con còn nghĩ đến thương kẻ khác nữa.


Con ơi, quanh đi ngoảnh lại, điều cốt yếu vẫn là sự Tu Tập! Người có tu tập mới có thể hiểu rõ, định rõ, vạch rõ tất cả những gì không ổn, không hay xảy tới cho mình.

Nhờ có tu tập, trí huệ mới phát sáng, sự suy tư mới trở nên chính chắn, do đó phân biệt được điều nên làm, điều không nên làm và điều quan trọng là phân định được đâu là bạn, đâu là thù. Khi đã định được Bạn và Thù rồi thì khi đó dùng Trí Huệ để biến Thù thành Bạn thì mới đúng ý nghĩa của Cứu Độ Chúng Sanh. Mục đích rốt ráo của Tu Tập là cứu độ chúng sanh! Biến Thù thành Bạn và cải sửa những gì không tốt đẹp trở thành ra ích lợi. Nếu làm được như vậy, tức là mình đã đẩy lùi được nghiệp chướng đến với mình. Dù cho nó đến ồ ạt, liên tục, nhưng mà mình không thụ đắc nó thì nó cũng không thể nào làm hại mình được.

Cho nên Thầy đã nói: Tự Ái cần phải được định rõ tính chất của nó. Một khi đã định rõ tính chất của nó rồi thì cần phải diệt đi tính chất đó. Khi Tự Ái không còn hiện hữu nữa thì lúc đó mới tìm được sự an bình đúng nghĩa, một sự An Bình triền miên. Như thế mới có thể ngăn chận được nghiệp lực ào ạt tiến đến với mình.


+ 119