• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Tâm Thức

Feb 25 2016
73230217 73230217

Ngày nay trên thế giới có rất nhiều tín ngưỡng; niềm tin tôn giáo đã trải rộng khắp mọi nơi, tận đến hang cùng ngõ hẹp. Đa số chúng sanh của cõi Ta Bà đặt trọn niềm tin của mình vào bất kỳ tôn giáo nào mà mình cảm thấy thích hợp và mang lại cho mình một sự tin tưởng tuyệt đối về 1 tương lai tốt đẹp, nhiều lợi lạc.

Một tôn giáo được gọi là chân chính khi tôn giáo đó thật sự giúp cho các Tín Hữu một sự thăng tiến đúng nghĩa từ thể xác đến linh hồn.

Một tôn giáo chân chính lúc nào cũng kêu gọi các Tín Hữu của mình phải sửa chữa … sửa chữa chính bản thân mình để vươn lên, phải hiểu rõ ràng nguồn gốc của mình và tất cả những hành động có liên quan đến nguồn gốc đó. Việc sửa đổi một con người là làm sao để giúp cho con người đó được cải thiện tốt đẹp hơn. Đó là nguyên tắc căn bản của Đạo. Đi trái với nguyên tắc căn bản, Đạo sẽ mất đi tính cách chân chính của nó.

Tất cả các tôn giáo chân chính nào trên Cõi Ta Bà cũng đều quy về một mối: đó chính là chữ TÂM.

Tôi luyện cái Tâm là điều cốt yếu của một tôn giáo chân chính; dẫn dắt các Tín Hữu trên con đường tiến về một nấc thang cao hơn đều bắt buộc phải qua cửa ngõ của cái Tâm.

Thế Nào Là Tâm?

Thông thường chữ Tâm rất là dễ nói nhưng lại rất khó diễn tả. Khi nói đến chữ Tâm ai cũng chỉ vào ngực của mình và bảo rằng: “Tâm của tôi”. Người ta cho rằng Tâm có liên quan đến trái tim. Thật sự ra Tâm không có liên quan đến trái tim, mà Tâm chính là Trái Tim, Trái Tim của tất cả các Thức của một chúng sanh!

Mỗi chúng sanh đều có 8 thức: Ngũ thức – Ý thức – Mạc Na thức – A Lại Da thức.

Tâm thức là một điểm vô cùng cực nhỏ so với kích thước của tất cả các thức. Nó chỉ là một điểm sáng mà thôi, và cái điểm sáng này được bao bọc bởi 8 cái thức; nó nằm gọn lỏn trong 8 cái thức không khác gì trái tim và chính nó chỉ huy tất cả 8 cái thức.

Mỗi khi Tâm Thức lóe sáng, tất cả các thức đều phải theo Tâm Thức mà hành động. Người ta không thể định được nó ở vị trí nào? Hình thể ra làm sao? Người ta nói đến Tâm Thức nhưng vẫn chưa hiểu Tâm Thức là gì? Hoạt động của Tâm Thức ra làm sao?

Tâm thức hoạt động khi chúng sanh còn hơi thở và khi chúng sanh chỉ còn là một thần thức, sự hoạt động “tích cực” của Tâm Thức không còn nữa, điều đó không có nghĩa là Tâm Thức biến mất mà chỉ là một sự thu hẹp lại của toàn bộ Tâm – Ý – Tánh.

Chữ Tâm khó có lời định nghĩa vì người ta không thể nào hiểu một cách tận tường ý nghĩa của chữ Tâm.

Tất cả những việc làm nào xuất phát từ ở một sự rung động chân thật (Thầy nhấn mạnh là một sự rung động chân thật, không có che đậy, không có giả dối), một lời nói nào, một tư tưởng nào, một cử chỉ nào… xuất phát từ một sự rung động chân thật, đều là từ ở Tâm mà ra.

Tâm thức là “trái tim” của các Thức, vì sao? Ngũ thức qua trung gian của ngũ căn (Nhãn – Nhĩ – Tĩ – Thiệt – Thân) nếu không xuất phát từ một sự rung động chân thật thì cái kết quả của ngũ thức sẽ không thể gọi là chân thật được, nó không đúng với ý nghĩa thật sự của ngũ thức.

Thầy đơn cử một thí dụ sau đây:

Một người nhìn thấy hai người đang đánh lộn nhau.

Người A đập người B túi bụi.

Người B chỉ đỡ chớ không đánh trả lại. Người đứng nhìn cảnh tượng xảy ra này nhận xét rằng: Với cái tánh quá hung hăng của người A, đánh đập người B đến máu me thương tích đầy mình, mà người B chỉ biết đỡ chớ không đánh trả thì chẳng bao lâu, người B có thể ngã quỵ và tắt hơi.

Người đứng nhìn bỗng đem lòng thương hại người B và thấy lòng bồi hồi, xót xa, thật sự rung động, nảy sinh ý định nhảy vào can thiệp.

Cái gì đã thôi thúc người này bước vào vòng chiến để can ngăn? Đó chính là cái Tâm rung động. Tâm và Ý dính chặt vào nhau, Tâm rung động, tức khắc sẽ khơi dậy Ý làm đủ mọi cách để can ngăn hai người A và B, không cho người A đánh chết người B.

Hành động nhảy vào để can ngăn của người này chính là một sự liên kết chặt chẽ giữa Nhãn Thức và Tâm Thức, tạo nên cái Ý là sự quyết định nhảy vào vòng chiến, bất kể những rủi ro có thể xảy ra cho người này, nếu người A vì quá hung hãn cũng có thể đập luôn người can ngăn.

Vì vậy, Nhãn Thức hay tất cả ngũ thức của ngũ căn đều dính chặt với Tâm Thức để nảy sinh ra Ý Thức.

Chính cái Tâm Thức rung động mới khiến cho Ý nảy sinh, và nếu Ý nảy sinh là Ý tốt kèm theo một tánh tốt thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp.

Nếu cũng cùng thí dụ trên mà Tâm rung động theo chiều hướng xấu, không đúng, kết quả sẽ hoàn toàn trái ngược.

Nếu người A đập người B túi bụi, người đứng nhìn lại cổ võ cho người A đánh thêm và làm cho người B đau đớn thêm, Tâm của người đứng xem cũng rung động, nhưng lại là một sự rung động theo chiều hướng không tốt, chiều hướng sân hận, vì người đứng xem cùng một phía với người A. Họ cổ võ cho người A đp người B nhiều chừng nào tốt chừng nấy. Khi Tâm người đó rung động sẽ dính chặt với Ý nảy sinh.

Lấy thí dụ rằng: đừng đánh bằng tay, hãy lấy cây mà đập.

Ý ny sinh là một ý không tốt, người A nghe theo lời của người đứng xem, với bản tánh cố hữu là hung hăng, đã tìm cây và đập người B bằng cây thay vì bằng tay.

Do đó, cũng đồng thời là tâm rung động nhưng tâm rung động theo chiều hướng xấu, từ đó nảy sinh ra ý không lành, cộng thêm với Tánh xấu ác, hung dữ, tất cả sẽ liên kết nhau để tạo ra nghiệp chướng.

Tâm Thức là một từ ngữ rất mơ hồ diễn tả một sự rung động và sự rung động đó phải hiện hữu trước tiên, rồi sau đó mới có thể khơi mào cho những gì kế tiếp xảy ra.

Khi chúng sanh còn tại thế, Tâm Thức ghi nhận hết tất cả những việc gì xảy ra trong cuộc đời của một chúng sanh, nhưng có điều khác biệt là mọi diễn biến của cuộc đời của một chúng sanh sẽ được tích lũy trong Mạc Na Thức; trước khi chúng sanh đó hắt hơi cuối cùng, Mạc Na Thức sẽ chuyển hết tất cả những gì quan trọng mà A Lại Da Thức bắt buộc phải mang theo, bao gồm: nghiệp lực, oan trái và luôn cả năng khiếu, kiến thức của chúng sanh đó khi còn sống.

Cái túi A Lại Da Thức này sẽ được mang theo cùng với Thần Thức để tổ chức lại cuộc đời mới cho vong linh sau này.

Khi Thần thức lìa khỏi thân xác, tâm thức không ghi lại, không giữ lại, không chứa lại tất cả những gì thuộc về cuộc đời sinh hoạt của một chúng sanh.

Tâm thức chỉ hoạt động “tích cực” khi chúng sanh còn sống, và sự hoạt động của Tâm Thức dính liền với tám cái Thức khác.

Ý Thức dính chặt vào Tâm Thức, do đó một sự khởi Tâm sẽ đi liền ngay với Ý nảy sinh và một sự khởi Ý sẽ tức khắc được Tâm đáp lại ngay.

Thí dụ:

Nếu một chúng sanh vừa có ý muốn phát tâm bố thí, tâm thức sẽ bật đèn sáng lên liền tức khắc và đồng thời tất cả các thức đều nhận được ý đó, sẵn sàng chờ đợi để hành sử cái Ý vừa mới khởi lên, hành sử như thế nào thì tùy vào công việc mà mỗi thức được giao phó.

Như thế, tất cả những sự khởi tâm đều do Tâm Thức chủ động. Một sự Khởi Tâm Lành hay Khởi Tâm không Lành, Tâm Thức đều bật đèn sáng! Đó chính là dấu hiệu để báo cho tất cả các thức khác phải chuẩn bị để hành động.

Ý thức dính chặt với Tâm Thức.
Ý tốt nảy sinh, Tâm Thức bật đèn, đây là một sự báo động TỐT.
Ý xấu chớm lên, Tâm Thức vẫn bật đèn, nhưng đây là một sự báo động XẤU.

Khi đề cập đến Tâm – Ý – Tánh tức là nói về Tâm Thức – Ý Thức, mà cái Tánh lại là “ngòi nổ” có khả năng làm bật ngọn đèn Tâm Thức, tạo nên một tác động dây chuyền trên 8 cái Thức khác, và đóng vòng nghiệp lực trong một cái búng tay.

Khi chúng sanh còn sống, tất cả những hoạt động của chúng sanh đó trong suốt cuộc đời từ lời nói cho đến hành động, cử chỉ, tư tưởng, … đều có liên quan chặt chẽ đến Tâm Thức.

Chúng sanh ít bao giờ để ý rằng: từ lời, từ chữ, từ cử chỉ, từ một thiện niệm đến ngay cả một vọng niệm, từ một cái mống tâm chí đến một lời nói chơi, một tư tưởng cợt đùa thoáng qua đầu, một ý nghĩ không ác ý hay thật sự ác ý nhưng vẫn còn kềm giữ trong đầu… tất cả đều được Tâm Thức ghi nhận liền tức khắc, không xẩy một cái gì cả.

Cho nên, khi chúng sanh làm những chuyện quấy trá, khuất lấp, chúng sanh có thể khôn khéo trốn tránh được người Đời nhưng hoàn toàn không thể che dấu được Tâm Thức. Chỉ cần một cái mống tâm thôi là Tâm Thức đã bật đèn lên rồi để cho Mạc Na Thức làm việc ngay tức khắc; khi Mạc Na Thức đã nhận nhiệm vụ rồi thì sẽ có sự phân loại ngay, những gì có liên quan đến nghiệp lực, oan trái tức khắc sẽ được chuyển vào A Lại Da Thức, và tất cả những cái mống tâm đó dù có trở thành sự thật hay không thành sự thật đều có một sự tương hợp với ngũ thức.

Cho nên Tâm Thức vô cùng quan trọng! Bất kỳ một tôn giáo chân chính nào cũng đều dạy bảo Tín Hữu phải giữ Tâm của mình luôn là một Tâm Lành, đừng biến Tâm mình thành Tâm quái ác. Tâm có Lành thì Ý mới Lành; Ý có Lành thì mới có được Tánh Lành.

Tâm Lành – Ý Lành – Tánh Lành, chắc chắn nghiệp lực sẽ không có cơ hội xảy ra.

Nếu Tâm không Lành, tất cả mọi việc sẽ vây quanh chữ Tâm và làm cho sự rung động của Tâm càng ngày càng mạnh mẽ theo một chiều hướng không tốt.

Do đó, cần phải giữ Tâm của mình luôn luôn bình an, trong sáng, có nghĩa là nên tránh để tâm mình rung động.

Khi có sự rung động, tức khắc phải kiểm soát ngay là Tâm rung động tốt hay xấu? Nếu nhận ra là một sự rung động không tốt, tức khắc phải siết chặt Tâm… bằng cách giữ Tâm cho BÌNH.

Muốn giữ Tâm Bình, tuyệt đối không để cho Ý trồi lên vì khi Ý trồi lên, tức khắc Tánh sẽ lẫy lừng ngay.

Do đó mà lời khuyên giữ Tâm Bình đã được thường xuyên nhắc nhở hầu tránh việc tạo nghiệp dù rằng rất vô tình.

Khi Tâm được giữ Bình, mọi việc từ bên ngoài tác động vào Tâm sẽ được lọc lừa, kiểm soát kỹ lưỡng để phân định đúng hay sai nếu sự rung động của Tâm không phải là một sự rung động đúng nghĩa.

Tâm thức chính là Trái Tim của tất cả các thức vì tất cả mọi cái Thức của một chúng sanh đều bắt buộc phải qua trung gian của Tâm Thức; không có Tâm Thức sẽ không thể nào tiến qua Mạc Na Thức, tiến qua A Lại Da Thức được. Ngũ thức muốn được hành sử một cách trọn vẹn, đúng nghĩa đều phải qua Tâm Thức.

Cái thấy, cái nghe, cái biết của mình phải được Tâm Thức lựa chọn.

Người khôn ngoan tu tập luôn luôn nghe theo tiếng gọi của Tâm Thức chớ không tự mình làm, vì tự mình làm tức là chính bản thân mình đem những điều sai trái vào trong Tâm Thức.

Mình đã không kiểm soát được Tâm Thức, đã không làm cho Tâm Thức rung động tốt đẹp mà trái lại, làm cho Tâm Thức bị rối loạn lên bởi những ý tưởng xấu xa, thấp hèn của mình.

Tâm thức luôn dính chặt với Ý Thức, mà Ý thức thì sát cánh với cái Tánh. Bộ ba Tâm – Ý – Tánh tạo nên vòng tròn nghiệp lực chi phối toàn thể chúng sanh của cõi Ta Bà. Dù là ác nghiệp hay Thiện nghiệp, vẫn phải bắt buộc bước qua cửa ngõ của Tâm – Ý – Tánh.

So với Ý thức cũng còn có thể diễn tả được bằng lời, Tâm Thức là một cái gì hơi xa vời đối với khả năng của con người, chỉ có thể cảm nhận được mà không thể mô tả được một cách đích xác nó là cái gì? Và sự cảm nhận đó cũng còn rất là mù mờ. Tuy nhiên, khi Tâm rung động sẽ khiến cho chúng sanh cảm thấy bồn chồn, cảm thấy có một cái gì đó mà không diễn tả được.

Nếu chúng sanh đó có thể kiểm soát được sự bồn chồn, sự lo lắng, sự dao động, nói tóm lại là giữ được Tâm ở trạng thái Bình, tức khắc sẽ hiểu được rằng: sự rung động đó là một sự báo hiệu sẽ có việc xảy ra nhưng chưa biết được là việc gì, còn phải chờ sự làm việc của ngũ thức và của ý thức.

Khi tất cả mọi việc đều an trụ trong Tâm – Ý – Tánh rồi, lúc đó Tâm thức mới chuyển tất cả những chi tiết của sự việc xảy ra vào trong Mạc Na Thức. Lời nói thì rất lâu nhưng mọi việc xảy ra như một cái búng tay.

Tâm rung động rất nhanh, vì vậy phải rất là cẩn thận. Một khi Tâm đã rung động rồi, phải tự kiểm soát mình thật là nhiều.

Thật khó mà định nghĩa chữ Tâm bằng lời, bằng chữ. Muốn hiểu chữ Tâm, phải có sự nhận định rất sâu sắc và nhạy bén.

Càng tu tập nhiều chừng nào, trí huệ càng gia tăng, càng phát sáng, Tâm càng Định. Trí Huệ phát sáng và Tâm luôn luôn Định là hai việc song hành; do đó khi tu tập phải cố gắng làm cho trí huệ phát sáng. Trí Huệ là ngọn đèn của Tâm Thức, Trí Huệ phát sáng thì Tâm Thức mới rực rỡ lên, Tâm Thức có sáng ngời thì việc hành sử vòng nghiệp lực cũng sáng ngời.

Chỉ cần làm cho Tâm Thức mờ đi, một người sẽ dễ dàng tiến vào chữ Si.

Tánh là động lực làm tắt đi ngọn đèn Trí Huệ của Tâm Thức. Tánh xấu quá nhiều, không năng giùi mài, không sửa sẽ khiến cho ngọn đèn bị lu dần … lu dần. Khi ngọn đèn chỉ còn là mờ mờ, ảo ảo thì làm sao có thể thấy được những gì xảy ra ở chung quanh mình. Muốn nhận chân ra nghiệp chướng, cần phải sáng suốt. Nếu không tự nguyện sửa Tánh, Tánh quá xấu, quá dữ, nó sẽ không khác cái nút bật, làm cho ngọn đèn Trí Huệ lu mờ, làm cho Tâm Thức tối đen, đâu nhìn ra được cái bóng Nghiệp Chướng đang đổ ập vào người mình mà tránh né.

Tâm là đầu mối của tất cả những việc xảy ra chung quanh cuộc đời của một chúng sanh. Người có Tâm Lành sẽ có sự rung động theo chiều hướng tốt, những ý tưởng nảy sinh ra cũng là những ý tưởng tốt.

Người có Tâm Lành, có Ý Lành chắc chắn rằng Tánh của người đó cũng Lành, không có nhiều tánh xấu; những tánh xấu mà người đó thụ đắc cũng sẽ được chăm chút và trau giồi để chỉnh sửa cho hoàn hảo, cho phù hợp với cái Tâm Lành, Ý Lành của mình.

Tâm là một ngôi nhà ở giữa, có nhiều con đường để đi đến, mà mỗi một tôn giáo chân chính là một con đường để đi tới, đi bằng nhiều ngõ nhưng vẫn không thể nào vượt qua được ngôi nhà TÂM THỨC.

Tâm có thể đưa chúng sanh lên cao, Tâm cũng có thể đưa chúng sanh xuống thấp. Lên núi cao hay xuống vực thẳm cũng chỉ có một chữ Tâm mà thôi!

Cho nên, Tâm quan trọng vô cùng, Tâm khắng khít với chúng sanh khi còn sống, Tâm vẫn không lìa xa khi chúng sanh chỉ còn là thần thức.

Thần thức có thăng hoa được hay không? Thần thức có tìm về được một cảnh giới tốt đẹp hơn hay không, sự quyết định cũng vẫn là ở Cái Tâm.

Tâm đích thực là Trái Tim của tất cả các Thức ở trong mỗi chúng sanh.


+ 89