• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Sự Để Tâm

Mar 18 2018
599945639 599945639

Sự ĐỂ TÂM là một đức tánh rất đáng đề cao của một người làm việc không tắc trách, với tất cả sự để ý, sự cẩn thận và tỉ mỉ, từ việc lớn lao có tính cách quan trọng cho đến việc rất là nhỏ nhặt, xem ra không đáng kể.

Người để tâm không hành xử mọi việc một cách chiếu lệ, cho lấy có, lấy rồi mà không cần biết cái kết quả của việc mình làm sẽ ra sao?

Người để tâm luôn luôn làm việc với tất cả tấm lòng rung động của mình; việc dù nhỏ nhặt cách mấy, dù tầm thường cách mấy, họ vẫn hoàn tất với sự hăng say, với lòng tha thiết, với niềm hứng khởi và tươm tất.

Nên nhớ rằng: có việc nhỏ mới ra việc lớn; phải biết “đột” từng mủi chỉ, từng đường kim thì mới có thể may thành một chiếc áo hay chiếc quần được. Trong bất kỳ một việc gì, từ quan trọng đến tầm thường, nếu không có sự để tâm thì rất khó lòng chuyển đạt tư tưởng của mình cho có lớp lang thứ tự.

Khi nói chuyện với một người hay trước một đám đông về một đề tài nào đó, nếu thiếu sự để tâm thì đề tài đó sẽ có cơ càng lúc càng xa rời điểm chánh yếu, người nói chuyện sẽ không thể nào diễn đạt được cái ý chánh của việc mình muốn nói.

Khi muốn làm một điều gì cho ai đó mà thiếu sự để tâm, thì việc làm đó sẽ không mang đến một kết quả tốt đẹp, vì sao? Vì mình sẽ nhớ trước quên sau, thiếu sự sắp xếp, sự hoạch định cái nào phải làm trước, cái nào phải làm sau; có những cái thật nhỏ nhặt nhưng nó lại có thể làm cho công việc được thành tựu, thiếu sự hiện diện của nó thì sự giúp đỡ sẽ trở nên vô nghĩa, không đem đến kết quả như ý muốn được.

Việc tu tập đòi hỏi những bước đi thật ngắn, thật vững chãi và điều quan trọng nhất đó là một Sự Để Tâm tuyệt đối của người hành trì trong suốt quảng đường mà người đó dấn thân. Đa phần Chúng Sanh khi bước vào đường tu tập đã hành xử như một cái máy, thiếu sự để tâm mỗi khi hành trì Sám Hối cũng như khi Trì Chú hay Niệm Phật.

Thầy đơn cử một thí dụ: một người đang hành trì nghi thức Hồng Danh Sám Hối. Người đó chỉ cố gắng để xướng lên cho thật đúng tên của từng vị Phật. Cứ mỗi lần một danh hiệu Phật được cất lên, sẽ có tiếng chuông đi kèm, và sau đó là 1 lạy của người hành trì. Cách thức Sám Hối này hoàn toàn không phù hợp với ý nghĩa của việc Sám Hối.

Một lời “Chí Tâm Đảnh Lễ” thốt ra, hành giả dâng lên cho Phật tất cả tấm lòng Sám Hối ăn năn, trọn niềm thiết tha hối lỗi, biết lỗi và nhận lỗi, cầu xin Phật chứng minh cho sự rung động chân thành, thật sự ăn năn hối lỗi của mình; kế tiếp đó là lời cầu xin Phật giúp cho mình có được Trí Huệ để có thể làm tiêu tan những Phiền Não mà mình đã liên tục tạo ra từ nhiều kiếp trong quá khứ cho đến hiện kiếp.

Nói tóm lại, đó là một lời cầu nguyện, một lời sám hối ăn năn xuất phát từ ở một cái Tâm Rung Động chân thành, một cái Tâm biết rằng mình đang Sám Hối lỗi lầm, đang nhận thức được những điều sai trái mà mình đã gây tạo ra, hoàn toàn không phải là công việc của một con két!! Con két được huấn luyện để nghe và lặp lại những gì mà người ta muốn dạy nó; con két không lặp lại với cái Tâm Rung Động, con két cũng không thể nhận thức được lỗi lầm của nó để mà Sám Hối ăn năn. Do đó, khi tu tập, bắt buộc phải Để Tâm rất nhiều vào việc Sám Hối thì mới mong đem lại kết quả tốt đẹp.

Người tu tập phải biết rằng: công năng của câu Thần Chú phát ra ánh hào quang, ánh sáng đó hòa lẫn vào Chân Khí của người hành trì để tạo thành một màn chắn bao chung quanh người đó. Không phải một ngày một bữa mà có thể tạo nên cái vòng hào quang đó. Đây là một công việc có tính cách liên tục, thường xuyên và rất là trì chí. Từng giọt nước nhỏ xuống cho đến khi cái ly đầy nước. Ly nước đã đầy thì Đạo Lực của người hành trì cũng lên cao. Tất cả sự thành tựu đều xuất phát từ ở sự để tâm. Có để tâm mới giữ được Tâm Thanh Tịnh, Tâm An Bình khi Trì Chú, mới tránh được Tâm Viên Ý Mã dễ dàng làm gián đoạn ánh hào quang khi Trì Chú, gây tạo sự mất thì giờ cứ trở đi trở lại điểm bắt đầu.

Lời niệm Phật cũng giúp cho hành giả có được ánh hào quang phát sáng y như khi Trì Chú vậy, và ánh hào quang đó cũng hòa quyện vào chân khí để tạo nên vòng hào quang bao bọc người tu tập. Nếu việc niệm Phật được hành trì đúng thì tự nhiên Tâm rung động, những sự rung động liên tục...liên tục sẽ tạo thành một luồng sóng, và luồng sóng đó có thể “tiếp bắt” được băng tần của chư Phật và Bồ Tát. Tâm loạn động thì không thể nào “kết tụ” được những luồng sóng để mà giao cảm với Phật và Bồ Tát được. Cho nên tu tập mà thiếu sự để tâm thì việc tu tập khó thành đạt, chỉ làm mất thì giờ mà thôi!! Có nhiều người vừa niệm Phật vừa ngủ, vừa chuyện trò vừa niệm Phật, niệm Phật mà lòng đầy sân hận, niệm Phật mà tâm tư rối bời. Nếu Tâm đã không BÌNH thì đừng nên niệm Phật, vì một khi không để tâm vào trong lời niệm Phật thì dù cho niệm đến ngàn ngày, đến khan cổ họng, kết quả cũng chẳng được gì cả. Tốt hơn nên chờ Tâm lắng đọng, Tâm hoàn toàn thanh tịnh, lắng nghe lời niệm Phật mình thốt ra, khi đó mới thực sự nhận thức được sự chân thành rung động của Tâm, mới có cơ hội giao cảm được với chư Phật và Bồ Tát.

Tu tập trong vòng 5, 10 phút mà để hết Tâm của mình vào việc tu tập thì kết quả cũng vẫn là tốt đẹp, còn hơn ngồi hằng 2, 3 tiếng đồng hồ mà đầu óc cứ “phiêu phiêu, phưởng phưởng” về một cõi xa xăm nào đó, không kiểm soát được Tâm ý của mình, để cho Tánh xấu ùn ùn kéo tới, tạo nên vô số Tâm Viên Ý Mã trong lúc Trì Chú, hay khi niệm Phật (nhất là khi Trì Chú) thì cái công năng của câu Thần Chú sẽ càng làm tăng thêm cường độ của cái Tánh xấu của mình.

Do đó, đừng lơ là với 2 chữ ĐỂ TÂM, nhất là để tâm trong sự tu tập, một công việc vô cùng tế nhị, đòi hỏi một sự thận trọng, tỉ mỉ, cân nhắc trong từng bước đi, trong mỗi suy tư, và mỗi hành động của người tu tập chân chính.

Trong cuộc sống hằng ngày, nếu thiếu sự để tâm sẽ khó thành công trong mọi dự tính. Từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội, tiến tới sở làm, nếu mọi người đều rất là hững hờ với sự để tâm thì chắc chắn rằng tư cách của mình sẽ bị xem thường. Khó có ai trọng vọng một người mà lúc nào cũng quên đầu, quên đuôi, thiếu trước, thiếu sau. Các cấp chỉ huy sẽ không thể đặt tin tưởng vào những nhân viên làm việc cẩu thả, qua loa, thiếu tinh thần trách nhiệm, không sớm thì muộn, những nhân viên loại này cũng sẽ bị sa thải.

Sự cẩn thận, sự để ý, sự chăm chút cũng như sự tỉ mỉ sẽ nâng cao giá trị của một người và giúp cho công việc mà người đó thực hiện, được đánh giá cao về phẩm chất.

Trong gia đình, nếu người Mẹ hay người Cha thiếu sự để tâm trong việc giáo dục con cái, chắc chắn rằng bậc làm Cha Mẹ đó sẽ khó có được những đứa con như ý mình mong muốn. Mai kia, khi con cái trưởng thành, bước chân lên đường Đời, giao tiếp trong xã hội, ganh đua nơi sở làm, sự thiếu chăm chút của Mẹ Cha khi con cái còn thơ dại sẽ góp phần không nhỏ vào việc làm giảm đi cái giá trị của con mình trên bước đường Công Danh Sự Nghiệp, hay trong bất cứ mọi giao tế nào trong xã hội.

Càng có sự để tâm của Cha Mẹ trong vấn đề giáo dục con thơ, giá trị của Cha Mẹ lẫn con cái đều được gia tăng. Con cái càng được trọng vọng, Cha Mẹ càng được nể vì, kính trọng. Đứa con là hình ảnh của Mẹ Cha; hun đúc, dạy dỗ một đứa con cho nên người hữu dụng, làm lợi ích cho Quốc Gia, Dân Tộc, đó chính là Thiên Chức cao cả của bậc Sanh Thành. Thiên chức đó có thành tựu được hay không là nhờ vào sự để tâm, sự chắt chiu, sự nghiêm khắc và mài giũa không ngừng nghỉ của Bậc Sanh Thành trong việc giáo dục con cái từ thưở ấu thơ.

Những người cầm quyền, những vị chức trách trong một Quốc Gia hùng cường, giàu mạnh, chắc chắn không thể nào lơ là với sự để tâm. Những dự án 5 năm, 10 năm hay 20, 30 năm đều bắt buộc phải nghiên cứu, bàn thảo thật tỉ mỉ, thật cẩn thận, ngay cả việc thử nghiệm để thẩm định kết quả của dự án. Tất cả các công trình, các đề án đều nhằm vào việc ích nước lợi dân, do đó nếu thiếu sự để tâm, sẽ dễ dàng đưa Quốc Gia xuống hố sâu vực thẳm, khiến cho dân tình khốn khổ, điêu linh, cảnh nước mất nhà tan xảy ra không khó!!

Như Thầy đã nói ở trên, Sự ĐỂ TÂM là một đức tánh rất đáng đề cao. Từ Đời đến Đạo, từ gia đình đến xã hội, đến Quốc Gia, Dân Tộc, nếu chịu khó để tâm vào trong bất cứ việc gì, từ lớn tới nhỏ, dù là thật nhỏ, bước chân của mình sẽ vững vàng hơn, chắc chắn hơn. Tất cả những khó khăn, trắc trở, nhờ có sự để tâm mà trở nên nhẹ nhàng hơn do ở việc phòng bị và chuẩn bị. Sự để tâm giúp cho mỗi cá nhân luyện tập được nhiều Tánh tốt:

Đến với Đạo mà thiếu sự tỉ mỉ, trì chí, nhẫn nại, siêng năng, cần cù, chịu khó thì sẽ khó lòng thăng tiến được.

Người học trò đến trường mà thiếu sự để tâm, chắc chắn rằng không thể trở thành một học trò giỏi được.

Một nhân viên làm việc thiếu sự để tâm sẽ khó mà chu toàn công việc được giao phó.

Người Mẹ chăm sóc con còn thơ dại mà thiếu sự để tâm thì tránh sao cho khỏi những việc thương tâm có thể xảy ra cho đứa con của mình.

Trong đời sống vợ chồng, nếu sự để tâm không có thì e rằng Hạnh Phúc gia đình có cơ nguy sụp đổ.

Trong giao tế hằng ngày, đối xử lẫn nhau mà thiếu sự để tâm thì mối giao hòa khó có thể dài lâu.

Do đó, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, hành xử bất kỳ việc gì, dù lớn hay nhỏ, dù quan trọng hay tầm thường, sự để tâm vẫn luôn luôn được quan tâm tới. Có như vậy mọi việc mới mong TỐT ĐẸP và THÀNH CÔNG.


+ 77