• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Đức Đại Thế Chí Bồ Tát

Aug 13 2017

Biểu tượng cho cõi Cực Lạc là hình ảnh của Tây Phương Tam Thánh, với Vị Giáo Chủ là Đức A Di Đà Phật, cùng với hai cánh tay “đắc lực” của Ngài là Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí Bồ Tát.

Quán Thế Âm Bồ Tát vang danh trong cõi Ta Bà, dưới nhiều danh hiệu khác nhau tùy từng nơi Ngài xuất hiện. Người Đời đã tốn không ít giấy mực ca ngợi Công Đức của Vị Đại Bồ Tát này, trọn lòng thương lo, chăm sóc cho Chúng Sanh, không bao giờ quản công lao lên xuống để cứu độ Chúng Sanh.

Đức Đại Thế Chí Bồ Tát thì ngược lại, Ngài rất ít xuất hiện ở cõi Ta Bà, chỉ trừ trường hợp “Tiếp Dẫn” mà thôi. Tuy nhiên, toàn thể Thánh Chúng của Cực Lạc đều do một tay Ngài dạy dỗ, huấn luyện. Những ai đã phát nguyện vãng sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc, nếu may mắn trở thành Thánh Chúng, đều bắt buộc phải qua thời gian tu tập từ lúc còn trong thai sen cho đến khi xuất Liên Hoa, rồi trở thành Bồ Tát, tức là sẽ được cái cơ hội gần gũi, nhận được sự chỉ dạy, sự uốn nắn của một vị Đại Bồ Tát mà Đức A Di Đà Phật đã đặt cho cái tên là ĐẠI HÙNG ĐẠI LỰC ĐẠI THẾ CHÍ!

Kính bạch Sư Phụ,

Cái Ý nghĩa của Đại Hùng Đại Lực Đại Thế Chí là như thế nào mà Đức A Di Đà Phật đã đặt cho Ngài Đại Thế Chí Bồ Tát?

Cái thưở mà Ngài Đại Thế Chí còn là một chúng sanh thường tình của cõi Ta Bà, Ngài đã ngưỡng mộ Đức A Di Đà Phật, một lòng khâm phục và tha thiết trở thành một vị Bồ Tát của Cực Lạc.

Ngài đã ngày đêm trau giồi và khắc phục những thói hư tật xấu của mình. Không được ai chỉ bảo, hướng dẫn để sửa đổi từng điểm sai lầm từ ở cái Tâm, cái Tánh của mình; cũng không ai vạch vòi chỉ rõ từng ý tưởng sái quấy, kém thanh cao của mình, Ngài Đại Thế Chí đã tận dụng hết tất cả Cường Lực, Ý Lực, Tâm Lực để tôi luyện cái Tâm của mình trở thành một viên Ngọc cứng chắc.

Ngài không được cái may mắn uống từng lời Pháp, Ngài cũng chẳng được ai giảng cho nghe bất kỳ một lời Pháp nào cả, Ngài chỉ biết duy nhất có một lời niệm Phật; gọi tên Phật với tất cả sự tha thiết, trìu mến, kêu gọi Phật với trọn tấm chân tình. Ngài thực sự ngưỡng mộ Oai Đức vô cùng cực của Đức Phật A Di Đà, Ngài mong mỏi được là Bồ Tát của Cực Lạc để mãi mãi và vĩnh viễn được gần gũi Phật, được góp một bàn tay để làm cho Thế Giới Cực Lạc ngày càng rộng lớn.

Chỉ có mỗi một lời niệm Phật mà thôi, Ngài đã hoán chuyển được cái Tâm, cái Ý, cái Tánh của mình. Ngài đã đem hết cái nhẫn nại bình sinh, cái ý chí tột cùng, và một tấm lòng quyết hướng về Đức A Di Đà Phật, để hun đúc cái viên Ngọc Tâm của Ngài trở nên cứng chắc vô cùng cực và rực sáng hào quang, thiêu hủy hết tất cả những cặn cáu không tốt đẹp trong Tâm của Ngài. Cuối cùng rồi, cái Tâm thức đó đã trở nên Thuần Khiết, trong vắt đến không còn gợn một chút cáu bợn nào cả. Đây quả thật là một viên NGỌC TÂM hoàn toàn trong sáng!!

Tên của Ngài là ĐẠI THẾ CHÍ, đó chính là một sự quyết tâm để san bằng hết tất cả mọi chông gai, nỗi khó khăn, sự nhọc nhằn, bao vướng mắc để đạt đến cái kết quả mỹ mãn và thành công. Ngài là một biểu tượng của cái Ý lực, Cường lực, Tâm lực vô cùng là mạnh mẽ, cho nên Đức A Di Đà Phật đã không ngần ngại ban cho Ngài hai chữ Đại Hùng, Đại Lực.

Trên bước đường tu tập, một người quyết tâm cải sửa hết toàn bộ Tâm - Ý - Tánh của mình, luôn trau giồi cho viên Ngọc trong Tâm thức của mình từ từ sáng ngời lên, trước nhỏ, sau lớn lần và rực rỡ, họ đã đạt được cái ý nghĩa thâm sâu của từ ngữ ĐẠI THẾ CHÍ.   

Ngay từ khi còn tại thế, họ đã mang cái ý nghĩa đó trong cuộc sống tâm linh của mình rồi, một khi đã bỏ báu thân, họ trở thành Cư Dân của Cực Lạc, họ vẫn còn tiếp tục mang cái tính chất Đại Thế Chí để phát huy cái rực rỡ, cái hào quang của viên Ngọc trong Tâm thức của mình, chắc chắn rằng họ tiến đến Quả vị Bồ Tát, rồi quả vị Phật, không quá lâu!

Đức Đại Thế Chí Bồ Tát là tấm gương rực sáng cho bất cứ ai tha thiết muốn được vãng sanh về cõi Tịnh Độ Tây Phương.

Chúng sanh ngày nay có quá nhiều phương tiện để tu tập; Kinh không thiếu, Pháp tràn ngập, nhiều chùa cao, miểu rộng, Tăng tài có đủ, thậm chí cả đến việc ẩm thực cũng dễ dàng, không thiếu thốn v..v.. thế mà vẫn cho là việc tu tập sao quá khó, quá phức tạp.

Ngài Đại Thế Chí chưa từng được một ai dẫn dắt cho tu tập, chưa từng được nghe qua một lời Pháp nào cả, Ngài trước sau chỉ có mỗi một tấm lòng, đó là tấm lòng quy hướng về Phật A Di Đà, tấm lòng được trở thành Bồ Tát của Cực Lạc. Ngài đã dùng tấm lòng đó để niệm Phật A Di Đà, để sửa đổi toàn diện bản thân mình hầu đạt tiêu chuẩn để được rước về Cực Lạc. Viên Ngọc Tâm của Ngài rực sáng cũng từ ở cái sức mạnh tuyệt luân của cái Ý, cái Tâm và cái Chí của Ngài.

Tu tập không thể nào quá nhu nhược và quá dễ dãi với bản thân mình. Tu tập là phải khắc phục sự chông gai, sự khó khăn, phải biết xem trọng từng bước tiến của mình. Không thể nào vui thì tu, buồn thì bỏ, ngưng tu vì cuộc vui đang chờ, vì bạn bè đang đợi. Đọc một bài pháp chỉ cốt sao cho mau hết, lười tư duy, biếng thâm nhập và không buồn áp dụng Pháp vào cuộc sống từ vật chất đến tâm linh.

Bản chất tiềm tàng của tu tập là sửa đổi, sửa đổi để có được cái tốt đẹp hơn, cái vừa ý hơn, và nhất là sửa đổi để được thăng hoa, tức là đạt được cái tột cùng!

Sự sửa đổi bao giờ cũng phải đi kèm với Sám Hối. Vì nhận thức được rằng tôi đã làm sai, do đó tôi phải sửa đổi cái sai lầm. Khi đã có hành động không đúng, điều không đúng chẳng khác nào một mủi tên bắn ra, chắc chắn phải gây thương tích cho người nhận mủi tên đó. Dù thương tích nặng hay nhẹ, dù cho vết thương nhỏ hay lớn, nếu không biết ăn năn, sám hối, tức là tôi mặc nhiên chấp nhận việc tôi tạo nên thương tích cho kẻ khác là một hành vi đúng.

Ngài Đại Thế Chí Bồ Tát đã vượt qua hết tất cả những rào cản làm cho Tâm mình xáo trộn, làm cho ý mình đen tối, làm cho thói hư tật xấu tuôn ra như thác lủ. Ngài tự mình chống đỡ, chém chặt không ngừng nghỉ; khi thì vung gươm mạnh như vũ bão, khi thì trau chuốt, giùi mài cho thành hình thành dáng. Ngài can đảm lóc bỏ đi những phần dị dạng trong Tâm mình, cái gì không vừa mắt, cái gì làm mất đi tính chất rực rỡ của cái Tâm cũng đều được Ngài thẳng tay gọt giũa. Nhờ đó mà viên Ngọc Tâm của Ngài đã sáng chói, đã rạng ngời và trở nên trong vắt.

Đức A Di Đà Phật đã đặt Ngài vào một vị trí hoàn toàn tương hợp với cái ĐẠI HÙNG, ĐẠI LỰC của Ngài. Nhờ cái Đại Hùng, Đại Lực đó mà Tâm của Ngài đã trở thành một viên ngọc trong suốt và cứng chắc.

Thánh Chúng trên thai sen trải qua nhiều giai đoạn, từ Hạ phẩm Hạ sanh cho đến Thượng phẩm Thượng sanh cũng chỉ để làm cho viên Ngọc Tâm của mình rực sáng và thuần khiết.

Bắt đầu từ giai đoạn Sám Hối để cho tiêu dứt hẳn từng nghiệp một.

Sau đó thì vừa Sám Hối vừa quán chiếu để giùi mài cái Tánh. Loại lần những Tánh xấu và biến toàn bộ các Tánh tốt thành Từ Bi, sáp nhập vào Tâm.

Giai đoạn sau cùng là chuyển thể cái Ý, làm cho tiêu hết những ý xấu xa, lọc lừa, ý đầy thủ đoạn gian trá, ý thấp hèn, kém cao thượng...và sau đó thì hòa nhập toàn thể những ý tốt vào Tâm.

Khi Tánh và Ý đã hòa quyện vào Tâm rồi, Tâm rực sáng hẳn lên. Tuy nhiên, muốn cho Tâm trở nên trong vắt, không còn chút cặn cáu nào nữa cả, bắt buộc phải dùng Sám Hối để làm sạch hoàn toàn Vô Minh. Khi Tâm đã trở nên thuần khiết thì mới có thể triển khai được sức mạnh của Tâm trong việc cứu độ chúng sanh!

Thánh Chúng từ Hạ phẩm lên đến Thượng phẩm đều phải qua sự chỉ dạy của Đức Đại Thế Chí Bồ Tát.

Nhìn vào quá trình tu tập của Thánh Chúng cõi Cực Lạc từ Hạ phẩm Hạ sanh thấu suốt Thượng phẩm Thượng sanh, rồi đến Bồ Tát Bổ Xứ, tức là những vị Bồ Tát tu tập để có thể chứng quả vị Phật trong tương lai, cái chánh yếu, cái cốt tủy của việc tu tập vẫn chính là SÁM HỐI!

Điều này đã nói lên một cách hùng hồn rằng: việc Sám Hối vô cùng...vô cùng ...quan trọng và tối cần thiết; nó cũng tỏ rõ rằng: vì nghiệp chướng quá sâu dầy cho nên việc Sám Hối không thể nào sớm chấm dứt được!

Phật tử dù tại gia hay xuất gia, khó có ai từ chối việc vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Do đó, dù còn tại thế, vẫn phải trau giồi phần Sám Hối một cách tích cực và chân thành.

Tối thiểu phải có mỗi ngày một thời khóa Sám Hối - Trì Chú - Niệm Phật bên cạnh những thời khóa tụng niệm khác. Chúng Sanh nếu chểnh mảng và không dốc lòng Sám Hối từ ngay khi còn sống, nếu được duyên may trở thành Thánh Chúng của Cực Lạc, chắc chắn sẽ phải mất nhiều thì giờ và đôi lúc tạo sự chán nản cho Thánh Chúng vì phải ở quá lâu trên thai sen.

Kính bạch Sư Phụ,

Kính xin Sư Phụ từ bi giải thích cho con được rõ ý nghĩa của đóa sen màu xanh trên tay của Đức Đại Thế Chí Bồ Tát.

Khi được sanh vào trong hoa sen, thai noãn của hoa sen là một vị rất nhỏ và trong suốt. Mỗi ngày vị này sẽ được Đại Thế Chí Bồ Tát cùng với vô số các vị Bồ Tát của Cực Lạc giúp đỡ cho nghe Pháp, nghe Kinh, nghe lời giảng pháp, được giúp cho Sám Hối, Trì Chú, Niệm Phật. Thai noãn thâm nhập Kinh tạng, thâm nhập lời Pháp mà lớn dần, cho đến khi hoa sen nở ra.

Hoa sen nở, thai noãn cũng lớn dần và trong suốt. Khi nào cần biết đến hình tướng của vị này ở kiếp mới vừa qua, chỉ cần nói tên tuổi, ngày sanh, ngày tử, tự nhiên vị này đang ở hình thái trong suốt, sẽ từ từ lấy hình dạng của kiếp mới vừa qua, theo lời yêu cầu. Khi xong việc, hình tướng đó sẽ chấm dứt để trở về với trạng thái trong suốt như trước; điều này có nghĩa là trong cái KHÔNG có cái HỮU.

Thánh Chúng đó tu tập và tiến lần đến Thượng phẩm. Việc tu tập kéo dài cho đến khi cái HỮU trong người của vị này hoàn toàn biến mất, không còn lưu lại bất kỳ một dấu vết nào nữa cả, lúc đó vị này mới đủ tư cách, đủ điều kiện bước vào Quả vị Phật; Thầy nói rằng: Quả vị Phật chớ chưa phải là Phật!

Tóm lại là màng Vô Minh phải biến mất hẳn hoàn toàn, không còn một chút gợn nào cả, vị Bồ Tát này mới thực sự bước vào Quả vị Phật.

Nói về màu sắc của hoa sen trong ao Liên Trì, màu sắc này sẽ thay đổi tùy theo phẩm vị, tùy theo công đức tu tập của mỗi Thánh Chúng.

Lúc đầu tiên, khi còn là thai noãn của hoa sen, vị Thánh Chúng này rất nhỏ và trong suốt, ngự trong một hoa sen cũng trong suốt.

Sau một thời gian tu tập trên thai sen, hoa sen sẽ đậm màu lần lần để trở thành hoa sen trắng.

Sự dốc tâm tu tập sẽ giúp cho hoa sen nở, Thánh Chúng trên hoa sen cũng lớn dần...lớn dần...và công năng tu tập càng lên cao sẽ tác động vào sự đổi màu của hoa sen: từ trắng đổi sang vàng nhạt rồi đến vàng đậm, sau đó đổi thành màu hường, cường độ sẽ tăng lần từ hường nhạt đến hường đậm và cuối cùng thì hoa sen trở nên một màu đỏ rực.

Màu sắc của hoa sen thay đổi tương ứng với phẩm vị của Thánh Chúng trên hoa sen. Hoa sen màu đỏ rực, chắc chắn rằng Thánh Chúng ngự trong hoa sen đó phải ở bậc Thượng Phẩm. Đó là những vị Bồ Tát mới thành tựu Đạo Quả. Các vị này còn phải trải qua thời gian tu tập Sám Hối cho đến khi hoàn toàn tiêu dứt hẳn màng vô minh, khi đó mới chánh thức trở thành BỒ TÁT BỔ XỨ và hoa sen màu đỏ rực sẽ đổi màu thành HOA SEN MÀU XANH (đó là một sự pha trộn giữa màu xanh lá cây và màu xanh da trời).

Đại Thế Chí Bồ Tát là một vị Bồ Tát Bổ Xứ từ lâu, thuộc trong hàng ngũ của các vị Bồ Tát chuẩn bị để thành Phật sau này. Điều này được thể hiện rõ ràng qua đóa sen màu xanh trên tay của Ngài.

Trong hai cánh tay đắc lực của Đức Phật A Di Đà, Chúng Sanh của cõi Ta Bà đã quá quen thuộc với Đức Quán Thế Âm Bồ Tát trong công việc cứu độ không ngừng nghỉ của Ngài.

Đức Đại Thế Chí Bồ Tát là một tấm gương sáng chói cho những ai bước vào đường tu tập và kiên quyết phát nguyện chọn mái nhà Cực Lạc làm nơi dừng chân cuối cùng, sau bao nhiêu kiếp trôi lăn trong vòng Sanh Tử Luân Hồi. Người tu tập quyết noi theo gương của Ngài để tôi luyện con người mình cho thật kiên cường, thật nhẫn nại; đem hết Tâm Lực , Ý Lực, Cường Lực để vượt mọi chông gai, hiểm trở, mọi khó khăn, vướng mắc, và nhất là phải can đảm tiêu diệt tất cả những thói hư tật xấu, nhất là tánh Ù LÌ, lúc nào cũng chờ người khác làm cho mình.

Không kiên nhẫn, không cố gắng để tự giải quyết bài toán khó thì mãi mãi sẽ bị quay cuồng bởi những bài toán khó.

Muốn thành công trong việc tu tập, muốn đạt được cái ước nguyện vãng sanh Cực Lạc, bắt buộc phải hành đúng theo gương của Đức ĐẠI HÙNG ĐẠI LỰC ĐẠI THẾ CHÍ BỒ TÁT!!!


+ 75