Si Trong Loài Súc Sanh
Đối với hàng súc sanh, vì bị đọa vào nghiệp súc sanh, cho nên chữ Si nặng vô cùng. Chữ Si làm cho tối tăm, cho không còn biết đường nào để trở lại trong lục đạo. Có thể nói rằng, chữ Si đã tác động mạnh kinh khủng vào trong hàng chúng sanh, mà nhất là hàng súc sanh. Càng si chừng nào thì cơ hội để trở thành súc sanh càng nhiều chừng nấy. Cho nên Thầy bảo rằng chữ Si vô cùng, vô cùng kinh khủng, vì nó có khả năng làm cho một chúng sanh từ kiếp người trở xuống hàng súc sanh một cách dễ dàng. Mà đã là súc sanh rồi thì cơ may muốn thoát kiếp súc sanh cũng không phải dễ. Cuộc đời của một súc sanh đối với người thì ngắn ngủi, nhưng phải hiểu rằng đối với một súc sanh, một ngày qua của loài người bằng không biết bao nhiêu năm của hàng súc sanh. Điều đó nói lên rằng: hàng súc sanh đã chịu trầm luân khổ sở không biết bao nhiêu mà nói!
Nhìn thấy một con vật nhởn nhởn nhơ nhơ; một con chim nhảy nhót ở ngoài vườn, trên bãi cỏ; một bầy vịt thả ra trên dòng nước; những con khỉ nhảy nhót trên cây... tất cả đều đem đến cho loài người một cái nhìn thú vị, một cái nhìn thơ mộng, một cái nhìn đầy sự thích thú, thơ thới trong lòng trước một cảnh vật rất đẹp. Nhưng họ có biết đâu, trong mỗi một súc sanh, chữ Si đã phá nát cả tâm trí nó, không còn có cơ để có thể nghĩ ngợi gì hơn nữa. Thỉnh thoảng lắm mới có một súc sanh tỏ ra hơi khôn ngoan, nhưng cái khôn ngoan đó cũng chỉ là cái khôn ngoan của loài súc sanh, không thể nào là cái khôn ngoan của con người được. Từng giây đau khổ, từng phút đau khổ, từng giờ đau khổ diễn ra trong tâm tư của một súc sanh, do đó mà một ngày của con người kéo dài như hàng năm vô tận của một súc sanh.
Bên trong của nó toàn là tối đen, mù mịt, không biết gì hết ngoài việc kiếm sống, kiếm được miếng ăn. Duy nhất chỉ còn một sự sót lại trong nó là “sự sợ hãi.” Nó sợ những kẻ mạnh hơn nó, lớn hơn nó, dữ hơn nó sẽ tiêu diệt nó, đó là do từ ở tánh tham sống sợ chết của chúng sanh. Cho nên, một kiếp người càng bị lậm vào chữ Si nhiều chừng nào thì cơ hội trở thành một súc sanh không quá xa. Vì vậy phải để ý rất nhiều.
Si Trong Loài Người
Đối với người, Si luôn luôn đi kèm với một từ ngữ khác, đó là chữ MÊ. Vì mê cho nên mù quáng, vì mê cho nên không còn nhìn thấy, không còn phân biệt được phải trái, không còn nghe được những gì trung thực, cho nên hoàn toàn mù mịt tối tăm để rồi rơi vào hố sâu vực thẳm. Kẻ mê tiền thì sẽ rơi vào hố sâu vực thẳm của việc mê tiền, kẻ mê sắc dục thì sẽ rơi vào hố sâu vực thẳm của sắc dục, kẻ mê quyền tước thì sẽ rơi vào hố sâu vực thẳm của quyền tước. Trên thế gian này, cứ có bao nhiêu cái mê là sẽ có bao nhiêu loại Si. Càng mê nhiều thì càng si nhiều. Càng si nhiều thì càng đắm nhiều, cho nên đánh mất lương tri, căn thức không còn và mặc tình cho nghiệp lực dấy lên. Một khi đã mê rồi, đã đắm rồi thì không còn nghe lời khuyên bảo nữa. Người đó như ngây như dại và như bị sức hút của nam châm, không thể nào vùng vẫy được. Vì vậy, làm những điều sai trái là một việc không thể nào tránh được. Chữ Si dính liền với chữ Mê mà một khi đã mê rồi thì lửa Sân, lửa Hận tha hồ bốc lên vì không còn biết phân biệt phải trái nữa.
Con có thể nào đơn cử cho Thầy một thí dụ mà người đã bước vào mê rồi thì tại sao lại gắn liền với chữ sân?
Kính bạch Sư Phụ,
Thí dụ như là: một người mê tiền thì họ sẽ làm đủ mọi cách để có được đồng tiền mà không cần biết chuyện của họ làm có hợp pháp hay không hoặc là có hợp đạo nghĩa hay không? Rồi nếu có ai ngăn cản họ thì họ sẽ tức giận, có thể chửi bới hay là làm những hành vi ném đá dấu tay, gây nên sự phiền lụy, đau đớn cho người thực tâm khuyên bảo.
Làm sao từ đó để tiến đến chữ Si? Dùng thí dụ đó để tiến đến chữ Si.
Từ sự mê tiền, họ đã vướng mắc vào chữ SÂN, có thể đã tạo ra không những một vòng mà còn nhiều vòng nghiệp lực nữa.
Sự mê tiền đã dẫn dắt họ vào con đường phi nhân, bất kể luân thường đạo lý, trong bỗng chốc, họ trở thành một kẻ bất nghĩa, bất nhân, mất hẳn tình người. Sự đạo đức trở nên mờ ảo trước mắt họ; trong họ giờ đây chỉ có chữ "Tiền" là mang một ý nghĩa trọn vẹn. Vì tiền mà đánh đổi tình bạn, vì tiền mà đánh mất đi hạnh phúc gia đình, vì tiền mà dứt tình huynh đệ, cắt bỏ thân tình dòng họ, và cũng vì tiền mà họ phải mắc vòng lao lý, sống đời quạnh hiu trong cảnh tù đày.
Rất đúng, rất đúng! Trong thí dụ trên, từ ngữ “MÊ TIỀN” còn nặng nề hơn chữ “THAM TIỀN,” con có biết vì sao không?
Kính bạch Sư Phụ,
Có phải Tham là mình mong muốn để chiếm lấy cái vật đó, còn Mê là mình trở thành kẻ nô lệ bị vật đó sai khiển không?
Đúng vậy! Mê là khi mình đã trở thành nô lệ của nó rồi, không có nó mình không thể nào chịu đựng nổi. Giống như một người ghiền thuốc phiện, đã trở thành nô lệ của thuốc phiện vậy! Một người mê tiền thì bất chấp thủ đoạn, bất chấp tất cả mọi sự nguy hiểm đến với mình. Làm đủ mọi cách để có được đồng tiền và luôn cả việc sẵn sàng hy sinh tánh mạng mình để lấy được đồng tiền mình mong muốn. Thành ra từ cái mê đã trở thành cái si.
Si là ngu đần, là không còn phân biệt được phải trái, chánh tà, đúng sai.
Người si mất đi căn thức, không dùng tâm thức của mình để phân biệt được hết tất cả những sự việc xảy ra trước mắt mình. Họ chỉ có một điều duy nhất mà thôi, là Mê, là làm nô lệ cho cái gì mà mình mong muốn. Kẻ mê Sắc dục thì làm đủ mọi cách để chiếm cho được người mình ưa thích. Đó là Thầy nói về chiếm đoạt kẻ khác. Rồi đưa lần đến việc hủy hoại thân thể mình, vì mê sắc dục cho nên đắm chìm trong sắc dục! Từng ngày qua, hàng giờ, hàng phút, hàng giây, không cần biết đến sức khỏe của mình, không cần biết đến thời giờ của mình, không cần biết đến tâm tư của mình và ngay cả đến những gì thuộc chánh tà cũng vẫn không phân biệt được. Rồi thì sắc dục còn dính liền đến những thứ tạo nên cho mình một cảm giác phiêu phiêu, phưởng phưởng. Vừa đắm trong sắc dục vừa phiêu phiêu phưởng phưởng, thật tình không có gì hơn! Đến khi tỉnh lại thì hỡi ơi! Mình chỉ còn là một linh hồn mà thôi. Vì trong lúc phiêu phiêu, phưởng phưởng để thỏa mãn sự ham thích sắc dục của mình, mình đã không còn điều khiển được tâm thức của mình, để cuối cùng rồi thì mình tự làm hại lấy mình và đem đến cái chết cho bản thân mình.
Do đó, chữ Si vô cùng quan trọng. Và nhớ rõ một điều, Si lúc nào cũng phải dính chặt với chữ Mê không rời ra nửa bước. Do đó, chính cái Mê mới thúc đẩy để phát sinh ra cái Si. Chính cái mê mới làm phá nát tâm thức của một người để cho căn thức không còn hoạt động được nữa.
Đa số những kẻ có vong nhập trong người đều bị phá nát để biến thành si. Thầy nói phá nát đó chính là phá nát tâm thức của mình, để cho mình hành động mà không biết mình hành động. Một khi mình hành động mà không biết mình hành động thì đó là hành động của một người Si. Y hệt như hành động của một súc sanh. Cho nên tai hại vô cùng. Rất tai hại!
Chữ Si vô cùng quan trọng, khiến cho một người ở cảnh giới NGƯỜI phải bước vào cảnh giới của súc sanh. Vì sao? Vì chữ Si đã làm xóa đi căn thức của một người cho nên không còn phân biệt được chánh tà, phải trái. Nên nhớ một điều rằng, đừng bao giờ tự đặt mình vào chữ Mê. Vì chữ Mê không bao giờ rời khỏi chữ Si. Có mê thì có si, mê rồi mới tới si. Chính vì Mê cho nên làm thành Si chứ không phải vì Si mới ra Mê. Vì vậy phải biết thắng mình lại, đừng quá mê đắm vào trong bất cứ một cái gì.
Một người mê đắm vào thần thông thì sẽ đi đến chỗ si mê vì thần thông và tìm cầu để được thỏa mãn. Nếu có được toại ý đi chăng nữa, thì sự toại ý đó vẫn là một sự toại ý không hợp lý hợp tình. Nên nhớ rằng: một con người đúng với ý nghĩa của một con người, không bao giờ tìm đến thần thông.
Phải đặt câu hỏi rằng: "Vì sao tôi hiện hữu?"
Câu trả lời: "Tôi hiện hữu vì tôi là kết quả của nghiệp lực mà tôi đã tạo nên trong tiền kiếp."
Câu hỏi kế tiếp: "Khi tôi đã hiện hữu rồi, tôi phải làm gì để cho đúng nghĩa của một con người?"
Câu trả lời: "Tôi phải làm sao để đừng dấy nghiệp nữa."
Câu hỏi kế tiếp: "Làm sao để tôi đừng dấy nghiệp nữa?"
Câu trả lời: "Tôi phải hiểu rõ ràng về vòng nghiệp lực. Một khi tôi đã hiểu rõ ràng về vòng nghiệp lực thì tôi có cách để có thể thoát ra được vòng nghiệp lực."
Câu hỏi kế tiếp: "Nếu tôi thoát khỏi vòng nghiệp lực thì việc gì sẽ xảy ra cho tôi?"
Câu trả lời: "Nếu tôi thoát được vòng nghiệp lực thì vòng sanh tử của tôi sẽ bị chặt đứt, không còn dính liền nữa. Khi vòng sanh tử đã không còn dính liền nữa thì tôi đã thoát khỏi vòng luân hồi. Tất nhiên tôi không còn bị chi phối bởi nghiệp lực nữa."
Cho nên kiếp con người, chỉ là một dây câu hỏi và trả lời những câu hỏi đó mà thôi. Đừng mong cầu tìm đến thần thông. Thần thông không phải để dành cho người bình thường. Thần thông dành cho loài người ... đúng, nhưng ở một phương diện cao hơn. Đó là kết quả của bao nhiêu công sức tu tập, trau giồi, trau chuốt để thoát được vòng nghiệp lực và sẽ trở thành ra an nhiên tự tại. Một khi đã an nhiên tự tại rồi thì mình tự bảo quản lấy tâm thức của mình, thân xác của mình. Mình muốn tách rời nó bất kỳ lúc nào cũng được, nhưng phải qua một thời gian tu tập đúng nghĩa để có thể đạt được một cương vị cao như vậy. Chứ không phải nhờ vào những tà pháp, những thứ không đúng, những vật độc hại có thể tạo nên tai ương, bịnh tật cho những kẻ chung quanh mình. Cho nên đã là kiếp người, Thầy nói rằng, một kiếp người bình thường, thì đừng nên mong cầu thần thông vì sẽ đem nhiều rắc rối đến cho mình và sẽ không thể nào giúp được cho những người xung quanh mình một cuộc sống an bình được.
Cho nên cố gắng hành sử kiếp người trong tất cả những câu hỏi và lời đối đáp mà Thầy đã nói ở trên. Bao nhiêu đó đủ để giúp cho con người thoát vòng sanh tử và tìm một cuộc đời tốt đẹp hơn ở cõi Cực Lạc, thảnh thơi hơn và an nhiên tự tại hơn.
Thầy nhắc lại về chữ Si. Chữ Si dính liền với chữ Mê như bóng với hình, không thể tách rời ra được. Đầu mối của Si là Mê. Chúng sanh nên nhớ một điều, từ kiếp người bước qua kiếp súc sanh cũng bằng một chữ Si. Do đó phải thận trọng rất nhiều. Đừng bao giờ rơi vào chữ Mê. Hố sâu vực thẳm của Mê thăm thẳm không có đáy, cho nên bước vào Mê rồi thì thấy rằng việc mình có thể từ kiếp người bước qua kiếp thú không bao xa đâu. Cho nên phải thận trọng rất nhiều trong vấn đề Si Mê.
Một lời khuyên chân thành của Thầy đến với tất cả chúng sanh:
Trong tam độc “Tham, Sân, Si,” Si tuy rằng đứng hàng thứ ba nhưng nó lại ở một địa vị cao nhất trong tam độc, vì nó có thể đưa Người trở thành Thú dễ như chơi. Do đó, chúng sanh nên thận trọng, cố gắng đừng để sa vào hố sâu vực thẳm của chữ Mê.
Thầy mong rằng những lời pháp của thầy hôm nay sẽ làm cho chúng sanh giật mình và suy nghĩ lại về những điều mà mình đã say đắm. Nên sớm rứt rời nó vì nó sẽ đưa mình lần đến chữ Mê, rồi chữ Si, từ đó sẽ không còn đường trở lại kiếp người nữa đâu! Từ kiếp thú trở lại kiếp người trùng trùng khổ khổ, và có thể nói rằng không phải một sớm một chiều đâu. Do đó nên thận trọng, thận trọng rất nhiều!