• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Minh Tâm Kiến Tánh

Sep 22 2014
Beyond Reality - Felix Roser - 43001918 Beyond Reality - Felix Roser - 43001918 500px

Kính bạch Sư Phụ,
Xin Sư Phụ từ bi giải thích cho con được rõ thế nào là Minh Tâm Kiến Tánh thành Phật?


- Minh Tâm có nghĩa là rọi sáng cái Tâm mình.
- Kiến Tánh là thấy được cái Tánh của mình.

Trong quá trình thấu suốt được cái Tâm, nhìn thấy được cái Tánh, nhận chân ra được cái Ý, tức là đã khắc phục được một phần nào chính bản thân mình.

Tại sao chỉ mới khắc phục được một phần nào mà không là trọn vẹn?

Con đã biết qua về vòng tròn nghiệp lực Tâm - Ý – Tánh. Tánh chiêu cảm nghiệp lực rất nhiều. Gần như những nghiệp lực mà chúng sanh đã tạo nên, đều bắt nguồn từ ở cái Tánh quá lẫy lừng, buông lung, không được giùi mài. Một chúng sanh còn mang trong người quá nhiều tánh xấu, thì chắc chắn rằng không thể nào có được một cái Tâm an ổn, làm nền tảng vững chắc cho những ý nghĩ cao thượng được.

Mục đích của việc tu tập là làm sao tiến đến việc giữ một Tâm Bình và tôi luyện cái Tâm Bình đó để nó trở thành một tấm gương trong sáng, soi thấu được tất cả những sự việc xảy ra.

Một người tu tập chân chính sẽ không ngừng kiểm soát Tánh của mình, không ngần ngại vạch rõ những thói hư tật xấu của mình, và cũng không chùng tay khi bắt buộc phải chém chặt nó, tiêu diệt nó.

Một người với một cái Tâm trong sáng, không để gợn bất kỳ một ý tưởng bất thiện, bao nhiêu tánh xấu cũng đều thiêu hủy thành tro bụi, thì chắc chắn rằng việc tạo nên nghiệp lực với kẻ khác sẽ khó xảy ra.

Nghiệp lực của hiện kiếp đã không có cơ hội để hiện hữu, người đó sẽ được rảnh tay để đối phó với những nghiệp lực từ trong quá khứ. Những nghiệp lực này có thể xảy đến hoặc dưới hình thức “nghiệp lực sống” tức là mặt đối mặt, hoặc dưới hình thức các bài học.

Dù ở dưới bất cứ dạng thức nào, người tu tập chân chính, khi đã hiểu rõ tận tường những nguyên tắc căn bản của việc tu tập, sự tương quan của vòng nghiệp lực, những đầu mối của các nghiệp chướng đến với mình, thì việc tiếp nhận nghiệp lực, đối phó với nghiệp lực, hóa giải nghiệp lực, không còn là một sự khó khăn và lúng túng nữa. Màn vô minh, nhờ sự tu tập mà được mỏng lần...mỏng lần... để trở thành một tấm gương trong vắt.

Chư Phật và Bồ Tát cũng đã trải qua những thời gian dài để giùi mài Tâm – Ý – Tánh, và cũng đã bào mòn các nghiệp chướng sâu dày của mình để mới đạt được tấm gương trong vắt của Tâm. Với tấm gương đó, các Ngài đã soi thấu được rất rõ ràng Tâm của tất cả mọi chúng sanh.

Tu tập là tiến lần đến việc “thụ đắc” tấm gương trong sáng đó. Mình đi trên con đường mà Chư Phật và Bồ Tát ĐÃ đi. Mình SẼ có được những gì mà Chư Phật và Bồ Tát ĐÃ có. Sở dĩ mình chưa có thể thành Phật, thành Bồ Tát được là vì mình còn quá thương mình!

  • Biết rằng Tâm tôi còn vọng động, nhưng vẫn không dám đè nó xuống.
  • Biết rằng tôi vẫn còn nhiều Ý tưởng sai lầm, bất chánh, kém cao thượng, nhưng vẫn không dám tiêu diệt nó.
  • Biết rằng tánh xấu còn đầy dẫy trên người của tôi, làm cho tôi nhiều phen điêu đứng, kẻ giận, người hờn, oán thù chồng chất, nhưng tôi vẫn không đủ can đảm cầm dao chém chặt nó, để cho nó cứ mặc sức hoành hành, làm chủ cuộc đời tôi.
  • Nhận ra được Tâm tôi còn chưa An Tịnh.
  • Nhận ra được Ý tưởng của tôi còn nhiều gút mắt.
  • Nhận ra được tôi còn quá nhiều Tánh xấu bao quanh.

Nhưng, nếu tôi biết giảm bớt đi hai chữ Tự Ái, biết đè cái Ngã của mình nằm mọp xuống, can đảm để nhìn thấu suốt được thực chất của Tâm – Ý – Tánh của mình, đó cũng là một việc đáng mừng, đáng khuyến khích.

Thấy không chưa đủ - Hiểu không chưa đủ - Biết không chưa đủ - Phải HÀNH mới đủ! Vì có Hành mới có thể thụ đắc được những gì mà Chư Phật và Bồ Tát có.

Hạt giống Bồ Đề luôn luôn ở trong mỗi chúng sanh. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, ngay cả đang oằn oại, khổ đau trong chốn TAM ĐỒ, hạt giống đó không bao giờ biến mất. Nó chờ đợi...chờ đợi...để một ngày nào đó, khi đủ duyên lành, chúng sanh đó nhận chân ra được những điều sai trái của mình, hạ quyết tâm sửa đổi toàn diện bản thân mình.

Khi đó, Tâm - Ý – Tánh sẽ đồng rực sáng, hỗ trợ cho hạt giống Bồ Đề đơm bông, kết trái.


+ 120