• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Ấn Tâm

Oct 29 2018
1199130952 1199130952
Kính bạch Sư Phụ,
Nghi thức hành trì Sám Hối mỗi ngày bao gồm việc: Sám Hối - Trì Chú - Niệm Phật. Về vấn đề Trì Chú, có người cho rằng:
  1. Trì Chú mà thiếu Sư Thừa, tức là không có Thầy chỉ dạy câu Thần Chú, không được chỉ cho cách “Bắt Ấn” đi kèm với câu Thần Chú được trì, sẽ bị tội rất nhiều với chư Phật và Bồ Tát vì đó là hành động ăn cắp Pháp của Phật, do đó sẽ mang đến kết quả không tốt đẹp cho người Trì Chú.
  2. Trì Chú sẽ dễ bị Tẩu Hỏa Nhập Ma.
  3. Trì Chú lâu ngày sẽ bị phản ứng này hay phản ứng nọ.

Xin Sư Phụ từ bi giải thích cho con được rõ: những nhận xét vừa nêu trên có quả thật là mang tai hại đến cho người Trì Chú hay không? Trì Chú như thế nào mới được gọi là đúng cách?

Tâm Chúng Sanh thật là “quái dị”, lúc nào cũng nghĩ chuyện xa vời! Chư Phật và Bồ Tát nói lên một câu Thần Chú là đã đem hết Tâm ý của mình đặt vào câu Thần Chú đó. Câu Thần Chú được nói lên, mang tính cách bất kỳ, có nghĩa là ngay khi có một sự việc nào đó bất chợt xảy ra, rất vội vã, rất cấp bách, đòi hỏi một sự giải quyết nhanh như chớp. Thường đó là những Chướng Nạn mà Chúng Sanh gặp phải trong một tình trạng nguy khốn, cấp bách, cho nên câu Thần Chú thường là ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ.

Mỗi một chướng nạn của Chúng Sanh, chư Phật và Bồ Tát đều cho câu Thần Chú để giải nạn tai đó. Bất kỳ Chúng Sanh nào cũng đều có thể sử dụng câu Thần Chú của Phật và Bồ Tát mà không ngại bất cứ một điều gì không hay sẽ xảy tới cho mình. Chỉ có điều rằng, nếu người sử dụng không thông hiểu công dụng của từng câu Chú thì kết quả mang lại sẽ không được chính xác ngay tức khắc.

Thí dụ: một Chúng Sanh gặp nạn “binh đao khói lửa”, sẽ không thể nào sử dụng một cách thành công câu Thần Chú khi gặp nạn “cọp vồ”. Vì sao? Vì 2 việc khác nhau, ở vào 2 trường hợp xảy ra cũng khác nhau. Hoặc là: một kẻ bị vướng vào nạn “bị dục vọng bức bách, làm cho thần trí rối bời”, sẽ không thể nào đem câu Thần Chú “chống binh đao khói lửa” mà áp dụng để giải nạn tai được, vì như vậy sẽ không đem lại một kết quả tốt đẹp ngay tức khắc.

Tuy nhiên, bất kỳ một câu Thần Chú nào của chư Phật và Bồ Tát, nếu được Chúng Sanh dốc tâm trì luyện (trì luyện có nghĩa là lập đi lập lại rất nhiều lần, trong nhiều ngày cho đến khi nhập tâm), cũng đều có thể áp dụng trong bất cứ trường hợp nào cũng được. Điều quan trọng nên ghi nhớ là: mỗi câu Thần Chú đều có tính chất riêng của nó, phù hợp với từng trường hợp xảy ra. Nếu người hành trì câu Thần Chú để làm việc sái quấy có tính cách hại người, đương nhiên người đó sẽ nhận chịu một phản ứng ngược rất tai hại.

Người đã làm quen với việc tu tập, khi trì Chú thường sử dụng ẤN đi kèm. Ấn được ví như thanh gươm làm gia tăng sức mạnh của câu Thần Chú. Nhưng, nếu một người chỉ biết có câu Thần Chú mà không biết cái Ấn đi kèm, người đó cũng vẫn có thể trì Chú có kết quả được. Câu Thần Chú đã được lập đi lập lại với một cái Tâm chân thật, tha thiết, một cái Tâm trong sáng, không gút mắt, không ẩn tàng ác ý, chỉ cốt cầu xin cứu độ; họ đã thật sự trì Chú với một TÂM LỰC vô cùng mạnh mẽ, và chính cái Tâm Lực này mới đúng nghĩa là cái Ấn, triển khai được công năng của câu Thần Chú.

Thầy cũng cần nhắc qua là: đã hơn 2500 năm trôi qua, những gì thuộc về nguyên thủy cũng đã biến dạng, biến hóa, đổi thay rất nhiều theo Tâm Chúng Sanh, ngay cả việc bị bôi xóa hẳn, không còn vết tích nữa. Do đó, Chúng Sanh cũng đừng lụy vào cái Ấn quá nhiều, có cũng được, không có cũng chẳng sao! Như Thầy đã đề cập ở trên, hình dạng của cái ẤN có thể thay đổi, nhưng cái Tâm Lực của một người thì chắc chắn không có sự đổi thay hay biến dạng. Người đó có thể có Tâm Lực rất yếu, hoặc nếu Tâm Lực của họ mạnh mẽ, thì cái gì cũng có thể phát huy được cả, với sức mạnh của Tâm Lực. Cùng một câu Thần Chú được trì lên, nhưng 2 kết quả có thể hoàn toàn trái ngược; đó chẳng qua là do ở cái Tâm khác biệt! Người thì mang tấc dạ chân thành tha thiết, dốc lòng cầu xin sự chở che của chư Phật và Bồ Tát, kẻ thì Tâm nhiều gút mắt, vụ lợi, chỉ biết làm lợi cho mình, không bao giờ nghĩ đến điều lợi cho kẻ khác, đó là chưa kể đến sự háo danh, thiếu sự chân thật, kết quả chắc chắn sẽ không thể nào giống nhau được.

Câu Thần Chú nào của Phật và Bồ Tát, nếu được hành trì đúng cách, với một Tâm Lực mạnh mẽ đúng nghĩa, luôn luôn mang đến cho người hành trì một cảm giác sảng khoái, dễ chịu sau đó.

Câu Thần Chú nào của Phật và Bồ Tát cũng đều phát ra một ánh hào quang, do đó khi trì Chú, người hành trì bắt buộc phải quán tưởng ánh hòa quang, giữ Tâm thật Bình, không loạn động, tránh tâm viên ý mã để ánh hào quang lớn dần và bao quanh người hành trì. Tâm Lực càng mạnh, người hành trì sẽ càng đắm chìm trong ánh hào quang.

Kính bạch Sư Phụ,
Theo sự chỉ dạy của Sư Phụ thì hàng đệ tử chúng con nên trì những câu Thần Chú thuộc thể loại nào? Và biết được nhiều câu Thần Chú có thật sự đem lại nhiều lợi lạc hay không?

Thầy phải dùng từ ngữ “BIỂN CHÚ” mới diễn tả được hết số lượng câu Thần Chú trên cõi Ta Bà này. Mười phương chư Phật với hằng hà sa số chư Phật và Bồ Tát, tất cả đều hướng về cái cõi Ta Bà với một mục đích duy nhất là CỨU ĐỘ CHÚNG SANH. Vị Phật nào, vị Bồ Tát nào cũng dốc hết Tâm ý của mình để cho Chúng Sanh từng câu Thần Chú. Mỗi lần cứu độ là câu Thần Chú được thốt ra. Từ bao nhiêu ngàn năm nay, đã bao nhiêu triệu...triệu lần cứu độ, với bao nhiêu triệu lần chướng nạn xảy tới cho Chúng Sanh trên toàn cõi Ta Bà này, số câu Thần Chú mà chư Phật và Bồ Tát đã thốt ra có thể gom lại thành một đại dương mênh mông.

Cứ mỗi trường hợp, mỗi tai nạn xảy tới, đều có câu Thần Chú để giải quyết. Có những câu Thần Chú mà nếu ngày giờ này Chúng Sanh có dịp trì lên, sẽ làm cho Chúng Sanh bỡ ngỡ rất nhiều vì chưa từng nghe và chưa từng biết qua. Đó là chưa kể Thần Chú của giới Tà Đạo, tuy không nhiều như của Chánh Pháp (của Phật và Bồ Tát), nhưng cũng hằng hà sa số, Chúng Sanh khó lòng mà phân biệt được.

Chư Phật và Bồ Tát cũng đã cảm nhận được điều này, cho nên đã thống nhất hóa toàn bộ các câu Thần Chú, để cho đến ngày hôm nay, chỉ còn lại rất ít những câu Thần Chú dễ đọc, dễ nhớ nhưng vô cùng là diệu dụng, được lưu truyền khắp trong dân gian, nhất là cho những người ngoài cửa Đạo. Chỉ những người để tâm nghiên cứu với một mục đích chính đáng hẳn hòi thì mới có thể truy nguyên được những câu Thần Chú cổ xưa.

Bồ Tát Quán Thế Âm là một vị Đại Bồ Tát rất quen thuộc với cõi Ta Bà. Ngài thương Chúng Sanh như con đẻ, Ngài cảm nhận được từng hơi thở, từng nỗi đớn đau của Người lẫn Vật. Từng ngọn rau tấc đất, từng cỏ cây, hoa lá đều thấm nhuần ơn mưa móc của Ngài. Lúc nào Ngài cũng mở rộng vòng tay để bảo vệ Chúng Sanh của cõi Ta Bà. Tâm Ý của Ngài hợp cùng Bổn Nguyện của rất nhiều vị Phật và Bồ Tát được đúc kết lại qua Thần Chú Đại Bi. Đây là Thần Chú Như Ý, có nghĩa là có thể dùng trong bất cứ trường hợp nào, khi gặp bất kỳ nạn tai nào có thể tác động lên phần thể xác lẫn phần tâm linh.

Bồ Tát Quán Thế Âm còn có một câu Thần Chú khác, được xem là tuyệt tác của Ngài, đó là Lục Tự Đại Minh Chơn Ngôn. Chơn Ngôn này còn mang một mỹ danh là “Lấp Biển Vá Trời”, nhưng rất tiếc là rất ít người hiểu và hành được cái tính chất quá độc đáo của câu Thần Chú này. Âu cũng là cái kém DUYÊN của Chúng Sanh của cõi Ta Bà, 2 tay nắm chặt 2 viên ngọc quý nhưng ...chỉ biết nắm chặt mà không biết sử dụng để được nhìn tận mắt sự biến hóa vô cùng cực của 2 viên ngọc quý này.

Điều kiện để đạt được cái kết quả TỐI THƯỢNG cho sự thăng hoa, qua công năng của 2 câu Thần Chú này là:

  1. Sự chân thành Sám Hối về tất cả những Nghiệp Chướng mà mình đã gây tạo từ nhiều đời nhiều kiếp cho đến hiện kiếp.
  1. Đem hết Tâm Lực để trì Chú, tuyệt đối không trì Chú bằng cái miệng; la càng nhiều, hét càng lớn, càng múa may tay chân nhiều chừng nào, cái kết quả càng “tệ hại” chừng nấy! Thần Chú là Tâm Ý của Phật và Bồ Tát thì phải đem Tâm Lực của mình để tôi luyện thì mới mong tiếp nhận được hết cái Tâm Ý đó.
  1. Phải tuyệt đối sửa Tánh. Nếu không “bào” cái lớp vỏ sần sùi, đen đúa ở bên ngoài bỏ đi thì làm sao lộ được phần trắng ngần, ngọt ngào, thơm tho của một “Trái Chín”?
  1. Phải luôn giữ Tâm Bình, Tâm không loạn động. Tâm Bình được giữ trong khi trì Chú là việc đương nhiên! Trì Chú mà Tâm viên ý mã thì thật không khác gì việc cầm con dao để gọt vỏ một trái cây mà tay cứ run rẩy mãi thì chắc chắn rằng sẽ đứt tay và sẽ không bao giờ hoàn tất được công việc. Tâm không giữ Bình khi trì Chú, bắt buộc phải làm lại từ đầu vì công năng của câu Thần Chú đã mất rồi, ánh sáng không thể phát ra được. Tâm Bình cũng phải giữ trong suốt thời gian sống trong ngày. Có giữ được Tâm Bình mới có thể lắng nghe được tiếng nói của người đang trực diện với mình, mới hiểu được một cách thấu đáo từng lời nói, từng ý tưởng, từng đề nghị của những người mình đang giao tế. Có giữ được Tâm Bình mới chuyển hóa được những cảm xúc của mình trong Hỉ - Nộ - Ái - Ố - Ai - Bi - Dục Lạc, để mới có thể tránh được việc gây tạo nên Nghiệp Chướng, dù rất là nhỏ nhặt. Việc giữ Tâm Bình đòi hỏi một sự trì chí, đi từng bước một, chậm rãi nhưng liên tục. Từ trong gia đình, ra đến ngoài xã hội, muốn giữ được hòa khí, duy trì được sự giao tế tốt đẹp với người chung quanh, bắt buộc phải tập giữ Tâm Bình.
  1. Cuối cùng là Hành Thiện. Càng hành Thiện nhiều, phước báu càng chất chồng, cái lá chắn che chở tai ương của mình càng kiên cố lên. Sự khổ đau của Chúng Sanh trùng trùng điệp điệp, hằng ngày có biết bao nhiêu người đói lạnh, thiếu ăn, thiếu mặc. Lòng từ tâm của mình đặt vào đúng trường hợp, đúng người cần, lòng từ tâm đó sẽ khiến cho Tâm Thức của mình phát ra ánh sáng. Cái ánh sáng đó nếu được phát ra liên tục cho đến cuối cuộc đời mình, thì chính nó sẽ dẫn đường cho cái Thần Thức của mình thăng hoa. Lòng từ tâm sẽ không có sự phân biệt người đồng loại hay dị chủng, người cùng màu da hay khác tiếng nói. Kẻ nào bất hạnh hơn tôi, đau khổ hơn tôi, kém may mắn hơn tôi, thiếu phước hơn tôi, thiếu ăn, thiếu mặc hơn tôi, những kẻ bị hất hủi, đuổi xua, bị đánh đập, chưởi mắng, những kẻ lang thang, đói lạnh, những kẻ thiếu tình thương, ốm đau, yếu ớt, bệnh hoạn không người chăm sóc, giúp đỡ v.v… đều là những mảnh đời vụn nát, rất cần...rất cần một lời an ủi, một tia nhìn trìu mến, một lời thăm hỏi dịu dàng, một bàn tay chăm sóc, thương yêu và che chở. Sự hành thiện nào cũng đem lại lợi lạc cho cả đôi bên: người ban phát lẫn kẻ nhận lấy. Tuy nhiên, nếu biết đặt lòng từ tâm của mình vào đúng người, đúng hoàn cảnh, đúng trường hợp thì mình sẽ nhận được một sự rung động trong Tâm; chính ngay cái lúc mà Tâm rung động đó, cái ánh sáng ở Tâm mới chợt lóe lên và phủi nhẹ một lớp bụi Vô Minh trên Tâm Thức của mình.

Chúng Sanh đã có sẵn trong tay 2 Thần Chú cực kỳ diệu dụng, tại sao không triển khai công năng của nó? Tại sao không đem hết Tâm Lực của mình để hành trì nó, nhờ đó mà mình có thể giúp được cho bản thân mình, hoán chuyển toàn bộ Tâm - Ý - Tánh của mình? Tâm - Ý - Tánh có rực sáng thì Chúng Sanh mới mong thoát kiếp Luân Hồi, xa lìa Sanh Tử, tránh cảnh Trầm Luân.

Chúng Sanh nào cũng mong mỏi đi về Cực Lạc khi bỏ báu thân, nhưng, Thần Chú của Bồ Tát Quán Thế Âm thì không xem trọng, tự cho là quá giản dị, kém công năng, không có gì đặc biệt. Tất cả những tư tưởng đó đều là từ ở cái Tánh “VỌNG NGOẠI”. Lúc nào cũng cho rằng “ĐỒ” của Người tốt hơn của Mình, do đó mà “cỏ của người hàng xóm sao luôn luôn xanh mướt, đẹp hơn cỏ nhà mình”. Dùng câu Thần Chú của Bồ Tát Quán Thế Âm để đốt lần lượt những lớp bụi Vô Minh bám trên cái kiếng Tâm của mình, lần lần để lộ cái trong sáng của tấm gương Tâm; từ đó, Chúng Sanh mới có thể thấy được hình ảnh của Đức A Di Đà Phật.

Hằng ngày, Chúng Sanh niệm Phật, kêu réo, gọi Ngài, có khi khan cả cổ, nhưng vẫn không thấy được Ngài. Ngài không hiện ra ở trước mắt của Chúng Sanh. Ngài chỉ hiện ra qua cái Tâm Thức của Chúng Sanh mà thôi. Do đó, nếu hằng ngày Chúng Sanh không lo chuyên tâm lau chùi cái kiếng Tâm của mình, để cho cái Tâm Thức luôn luôn bị bụi Vô Minh bám chặt, thì chắc chắn rằng, từng kiếp trôi qua, Chúng Sanh cũng sẽ không có cơ hội mà thấy được Phật đâu!

Nếu Chúng Sanh muốn có Ấn đi kèm với câu Thần Chú, có thể sử dụng các loại Ấn sau đây. Đặc tánh của các Ấn này là thích hợp cho mọi câu Thần Chú của Chánh Pháp.

  1. Ấn Kiết Tường: ngón cái đặt lên trên ngón áp út. 3 ngón còn lại dựng đứng lên. Đây là Ấn của Bồ Tát Quán Thế Âm thường sử dụng.
  2. Ấn Di Đà: ngón cái đặt lên đầu ngón trỏ, tiếp giáp với móng tay của ngón trỏ, tạo thành một vòng tròn. 3 ngón còn lại dựng đứng lên. Đây là Ấn của Phật A Di Đà thường sử dụng.
  3. Ấn Kim Cang: ngón cái đặt lên đốt cuối cùng của ngón áp út. 4 ngón tay còn lại cong xuống, đè lên ngón cái. Đây là cái Ấn vô thưởng vô phạt, có nghĩa là câu Thần Chú nào cũng sử dụng được cái Ấn này. Ấn rất là mạnh mẽ, khi trì Chú nhập tâm rồi thì chính nó sẽ phát huy một cách mạnh mẽ công năng của câu Thần Chú.

Ấn Kiết Tường hay Ấn Di Đà được sử dụng lúc mới bắt đầu trì Chú, nhưng khi trì nhập tâm rồi thì các ngón tay sẽ tự động xếp xuống để trở thành Kiết Tường Kim Cang hay Di Đà Kim Cang để dễ dàng phù trợ cái Tâm Thức của mình cho rực sáng lên.

Nói tóm lại, dù có Ấn hay không có Ấn khi trì Chú, điều đó không quan trọng! Cái Ấn chánh yếu chính là cái Tâm Lực của người hành trì. Trì Chú mà thiếu Tâm Lực thì câu Thần Chú có trì đến một vạn ngày cũng vẫn trơ trơ, không mang lại kết quả nào cả, người hành trì cũng vẫn không nhận được một Trí Huệ phát sáng trong Tâm Thức của mình. Vì sao? Vì câu Thần Chú là Tâm Ý phát ra từ chư Phật và Bồ Tát, Tâm Ý đó phải được đối lại bằng Tâm Lực của người trì Chú; hai bên có tương xứng thì câu Thần Chú mới phát ra ánh sáng được.

Kính bạch Sư Phụ,
Như vậy thì cái Tâm Lực phải đạt những tiêu chuẩn như thế nào mới được gọi là tương xứng với Tâm ý của Phật và Bồ Tát?

  • Điều trước tiên là sự Chân Thành
  • Điều thứ hai là sự Tha Thiết
  • Điều thứ ba là Tâm Bình Thản

Trì Chú mà đầu óc rối bời, Trì Chú mà cốt sao cho mọi người hiểu rằng mình biết được nhiều câu Chú, Trì Chú mà với hậu ý nào đó… như vậy sẽ không phát huy được trọn vẹn cái Tâm Lực của mình đâu! Tâm Lực là một cái gì không thể diễn tả được, nó tiềm tàng trong Tâm Thức của người Trì Chú, nó mang một sự háo hức, một sự xúc động, một sự chân thành, một sự tha thiết để cầu xin chư Phật và Bồ Tát giúp cho mình đạt được một cái gì mà mình mong muốn.

Người tu tập chân chính khi trì Chú, mục đích chánh yếu là làm sao hướng công năng tu tập của mình vào việc giúp cho Trí Huệ được phát sáng, hầu gột rửa những Vô Minh Phiền Não, cũng như dùng công năng của câu Thần Chú để làm tiêu mòn Nghiệp Lực mà mình đã gây tạo từ nhiều đời nhiều kiếp.

Người tu tập chân chính còn dùng câu Thần Chú để phát sáng lòng Từ Bi của mình đối với tất cả Chúng Sanh. Như vậy mới đúng với Tâm Ý của chư Phật và Bồ Tát. Tuyệt đối không dùng câu Thần Chú để cầu xin những lợi lạc cá nhân, những điều xét ra không ích lợi và tốt đẹp cho Chúng Sanh.

Nên nhớ rằng: chư Phật và Bồ Tát làm bất kỳ một điều gì cũng đặt lợi lạc của Chúng Sanh lên hàng đầu, như vậy thì Chúng Sanh cũng phải làm đúng y như thế trong phép đối xử với nhau. Dùng Chú của Phật, Pháp của Phật để tu tập, làm lợi ích cho Chúng Sanh, giúp Chúng Sanh cải sửa, hoán chuyển những điều sai trái của họ, giúp cho Tâm - Ý - Tánh của họ tốt đẹp hơn, tức là người tu tập đã đạt được cái tiêu chuẩn là hòa nhập được cái Tâm Lực của mình vào cái Tâm Ý của chư Phật và Bồ Tát. Được như vậy thì dù có Sư Thừa hay không có Sư Thừa, điều đó không quan trọng! Một người ở tận rừng núi xa xôi, nhờ một Duyên may mà hiểu biết được một câu Thần Chú hay một lời Pháp, người đó đem hết Tâm Lực, đem hết tấm Lòng Thành của mình để hành trì Pháp - Chú, người đó vẫn mang lại một kết quả tốt đẹp như thường.

Ngay cả một câu Thần Chú thuộc về Tà Đạo được một người hoàn toàn ngay tình, không hiểu biết, trì lên, tấm lòng của họ quá tha thiết muốn giúp đỡ Chúng Sanh, họ dốc toàn Tâm Lực, đem sự chân thành, trọn tấm lòng quảng đại để trì luyện cho thành đạt câu Thần Chú. Trong trường hợp này, do ở Tâm Lực của người trì Chú quá mạnh, quá tha thiết, và rất chân thành, cái thực chất TÀ của câu Thần Chú không được triển khai theo chiều hướng quấy trá, mà trái lại công năng của câu Thần Chú lại nghiêng hẳn về việc làm lợi ích cho Chúng Sanh.

Do đó mà Thầy đã nói: Tâm Lực của người hành trì vô cùng quan trọng. Nếu người hành trì không dốc hết Tâm Lực của mình, hay không có Ý đem lại lợi lạc cho Chúng Sanh, dù là câu Thần Chú của Phật hay của Bồ Tát, cũng vẫn không mang lại kết quả tốt đẹp được.

Còn một điều Thầy cần phải lưu ý là: khi người hành trì còn mang quá nhiều tánh xấu, khiến cho Tâm - Ý lúc nào cũng bị chao động bởi những tư tưởng phát ra do ở những tánh xấu, kết quả tốt đẹp của việc trì Chú chẳng những không có mà còn gây nên những phản ứng ngược, khiến cho người hành trì gặp điều không may. Do đó, không thể nào nói rằng: tôi trì câu Thần Chú của Bồ Tát Quán Thế Âm mà tại sao tôi lại bị tẩu hỏa nhập ma? Tẩu hỏa nhập ma là câu nói để diễn tả rằng: người hành trì một câu Thần Chú mà không dốc hết Tâm Lực của mình trong lúc trì Chú, lúc nào cũng triển khai những ý tưởng xấu xa, đen tối (qua Tâm viên ý mã), họ sẽ bị phản ứng ngược lại vào trong Tâm Thức của mình. Nên nhớ: tất cả những gì xuất phát từ Tâm Thức cũng đều trở vào Tâm Thức cả .

Trì Chú bao giờ cũng phải đi kèm với quán tưởng hào quang. Nếu trong trường hợp bị Tâm viên ý mã, hành giả nên ngưng trì Chú, ngưng quán tưởng, ngừng nghỉ độ 5 phút cho thư giãn rồi mới hành trì trở lại; đừng bao giờ vẫn cứ tiếp tục trì Chú, quán tưởng, khi bị Tâm viên ý mã. Hằng ngày nên cố gắng tập giữ Tâm Bình; lúc đầu hơi khó khăn một chút, nhưng sẽ quen dần và dễ dàng hơn. Càng giữ được Tâm Bình càng tránh được Tâm viên ý mã khi trì Chú, khi niệm Phật. Trước khi bắt đầu thời khóa tu có trì Chú, có niệm Phật, hành giả nên tránh nghĩ suy quá nhiều, tránh coi phim ảnh rất dễ bị Tâm viên ý mã trong lúc tu. Cứ mỗi lần bị Tâm viên ý mã là phải ngừng trì Chú, ngừng niệm Phật, do đó mất rất nhiều thì giờ. Nên cố gắng tập giữ Tâm Bình để cho thời khóa tu được trọn vẹn, không bị đứt quãng.

Kính bạch Sư Phụ,
Tùy theo từng quan niệm của mỗi người mà cách thức tu tập thay đổi rất nhiều: có người chú tâm đến việc làm công quả nơi các chùa chiền, có người cho rằng tụng càng nhiều quyển Kinh càng trở nên tinh tấn, cũng có người bảo rằng phải bố thí hành thiện, đó mới đúng là phép tu, có người chủ trương phải ngồi thiền mỗi ngày nhiều lần mới mở được Trí Huệ, có người thì đi đứng nằm ngồi không xa lìa câu niệm Phật. Xin Sư Phụ từ bi giúp cho hàng đệ tử chúng con hiểu rõ: nên tu tập như thế nào để đem lại một kết quả tốt đẹp, và một thời khóa tu phải nên kéo dài bao nhiêu thời gian mới gọi là đầy đủ?

Trong những bài Pháp trước, Thầy đã có đề cập qua về cách thức tu tập và thời gian tu tập. Tuy nhiên, Thầy vẫn nhắc lại để Chúng Sanh hiểu rằng đây là một vấn đề cần phải lưu ý khá nhiều, nếu mình quyết tâm trau giồi phần Tâm Linh của mình.

Nếu nói về thời gian tu tập bao nhiêu là đủ, thì đây là một câu hỏi rất khó trả lời. Tại sao? Vì mỗi một Chúng Sanh đều có thì giờ của Chúng Sanh đó, phải tùy theo thời giờ của mình mà sắp xếp việc tu tập. Một người có 10 tiếng đồng hồ rỗi rảnh, việc tu tập phải khác với người chỉ có 1 tiếng đồng hồ rỗi rảnh. Người có được 1 tiếng đồng hồ để lo việc tu tập sẽ hoàn toàn khác biệt với người chỉ có được vỏn vẹn 5 phút tu tập mà thôi.

Tuy nhiên, như Thầy đã từng nói, việc tu tập không nhất thiết phải quá cứng ngắt, theo đúng qui trình, đúng giáo điều. Có những người sắp xếp việc tu tập rất có thứ tự lớp lang, nào là Sám Hối, nào là Tụng Kinh, nào là Ngồi Thiền, nào là Trì Chú, nào là Niệm Phật… nhưng kết quả mang đến lại không được như ý. Tại vì sao? Chỉ vì thiếu TÂM LỰC mà thôi! Một người có đến 10 tiếng đồng hồ để tu, so với một người chỉ có 5 phút để tu, nhưng… trong 5 phút ngắn ngủi đó, người này đã đem hết Tâm Lực của mình, dốc hết toàn lực để Niệm Phật hay Trì Chú (Thầy không đề cập đến việc Sám Hối, thời gian 5 phút chỉ để trì một câu Thần Chú ngắn và niệm Phật mà thôi), người này đã thật sự nhiếp tâm, có nghĩa là họ an trụ vào Tâm của mình, hoàn toàn không biết tất cả những gì xảy ra chung quanh mình, họ được che chở bởi ánh sáng của câu Thần Chú, của lời Niệm Phật. Sau 5 phút đó, họ sẽ cảm thấy thơ thới, đầu óc được thư giãn và cảm giác vui tươi ngập tràn. Người này chỉ có 5 phút vỏn vẹn để tu tập, điều đó nói lên rằng họ rất là bận rộn, làm việc suốt cả ngày, vô cùng mệt nhọc. Trong 5 phút ngắn ngủi đó, họ đã an trụ được trong Tâm và tận hưởng cái ánh sáng toát ra từ ở câu Thần Chú, từ ở lời Niệm Phật, giúp cho họ tìm lại sự sống động, sự vui tươi sau một ngày làm việc quá là mệt nhọc.

10 tiếng đồng hồ cho một người không dốc hết toàn lực để tu, không có Tâm Lực để tu, đó là chưa kể tu theo thị hiếu, người đó vẫn không thể nào an trụ vào Tâm của mình được. Một khi không an trụ được vào Tâm thì không thể nào tìm được sự thoải mái qua việc tu tập đâu. Cho nên, tu cách nào cũng được cả, tu bao nhiêu lâu cũng được cả, nhưng… phải đem hết Tâm Lực của mình mà tu tập, điều đó mới đáng kể!

Đương nhiên rằng, một người dốc hết toàn lực vào việc tu tập, họ cũng rất cần phải ĂN NĂN SÁM HỐI. Hiện diện trên cõi Ta Bà, người nào cũng có vô số… vô số Nghiệp Lực bao quanh. Một khi vòng Sanh Tử vẫn còn thắt chặt thì Chúng Sanh sẽ không an ổn với Nghiệp Lực trùng trùng bao vây mình. Cho nên bất kỳ lúc nào cũng phải ăn năn sám hối để làm cho nhẹ bớt đi những món nợ giữa chủ nợ và con nợ. Các món nợ đó cần phải làm cho nó uyển chuyển hơn, không cứng ngắt qua việc hành trì Sám Hối. Một người tỏ dạ chân thành, tha thiết sám hối, sự ăn năn hối lỗi xuất phát từ một sự nức nở, nghẹn ngào của một người thật sự biết rằng mình đã tạo lỗi, đã làm điều sai trái với kẻ khác, họ chân thành hối lỗi và quyết tâm dứt đoạn cái Tánh đã tạo nên nghiệp chướng đó, và đồng thời luôn luôn hồi hướng công đức tu tập, phước đức hành thiện cho oan gia trái chủ của mình, Nghiệp Chướng nặng nề giữa đôi bên con nợ và chủ nợ sẽ nhẹ nhàng lần và từ từ phai nhạt.

Tất cả mọi việc có liên quan đến sự tu tập đều thắt chặt với 2 chữ TÂM LỰC. Thiếu Tâm Lực là thiếu sự Chân Thành, thiếu sự Tha Thiết, thiếu sự Bình Tâm, dù cho Sám Hối, hay Trì Chú hay Niệm Phật suốt cả một đời, vẫn không đem lại kết quả như ý mình mong muốn được. Màng Vô Minh vẫn còn đen ngòm dày đặc, Trí Huệ vẫn lu mờ không tỏ rạng, kiếng Tâm sẽ không có dịp được lau chùi để có thể hiện rõ hình ảnh của Phật hay Bồ Tát. Cái cơ hội Thăng Hoa của Thần Thức sẽ không có và vòng Sanh Tử sẽ chực chờ để siết chặt thêm một lần nữa trong kiếp Luân Hồi.

Song song với việc Sám Hối là việc cần thiết phải ĐỌC PHÁP - TƯ DUY PHÁP và ÁP DỤNG PHÁP.

Đọc Pháp để tiếp nhận những lời chỉ dạy của Phật và Bồ Tát.

Tư duy Pháp là để thấu đáo lời Pháp. Phật và Bồ Tát không tiếc lời với Chúng Sanh và cũng không hẹp bụng với Chúng Sanh mà không vạch vòi, chỉ dạy cho cặn kẽ. Có điều rằng, nếu mình chịu khó tư duy, đem hết sức mình để tìm hiểu cái ý ẩn tàng trong lời Pháp, có đôi khi phải đối chiếu lời Pháp này với lời Pháp kia để mới có thể hiểu một cách trọn vẹn lời Pháp, khi đó Chúng Sanh sẽ cảm nhận được một sự rung động lạ thường và chắc chắn rằng mình sẽ cảm thấy bước chân của mình trên con đường tu tập sẽ vô cùng vững vàng và đầy hứng khởi.

Việc áp dụng Pháp vào đời sống của một Chúng Sanh cũng không kém phần quan trọng, vì nó làm thay đổi cái quan niệm Sống của Chúng Sanh đó. Một người, trước kia, lấy cuộc sống vật chất làm trọng, lấy cuộc vui thâu đêm suốt sáng làm hỉ hạ, lấy vinh hoa phú qúy làm câu móc ở Đời, ngày nay, nhờ một duyên hạnh ngộ, gặp được Thiện Tri Thức dẫn dắt, chỉ dạy, biết hoán chuyển Tâm - Ý - Tánh của mình, sửa đổi cuộc sống trở nên có chừng mực, biết dùng lời Pháp để cải sửa cái bản chất con người của mình, sống biết Tương Trợ, Tương Hòa và Tương Hợp, luôn mong cầu sự Lợi Lạc cho mọi người chung quanh mình. Đó mới chính là tầm quan trọng của LỜI PHÁP. Đọc Pháp là uống từng lời Pháp để cảm nhận được sự nhẹ nhàng di chuyển của Lời Pháp trong Tâm Thức của mình. Lời Pháp đó phải tan biến đi để trở thành chất đốt, nung cho sáng ngọn đèn Trí Huệ của người đọc Pháp. Trí Huệ có rực sáng mới soi thấu được cái Tâm Thức và mới nhận ra được những vô minh phiền não kết tụ ở nơi nào trong Tâm Thức để mà quét sạch nó đi.

Tu tập là cho chính bản thân mình chớ không cho bất kỳ ai cả, dù người đó là Cha hay Mẹ của mình, là Huynh Đệ ruột rà, là Thâm Tình huyết thống. Họ chỉ có thể nhận được Món Quà do mình ban phát, chớ không thể nào nhận được cái ly nước mà mình đang uống. Ly nước đó chỉ có MÌNH mới uống được, không ai có thể uống giùm mình và mình cũng không thể uống giùm cho bất cứ ai được cả. Nhưng, nếu mình đem hết Tâm Lực đặt trọn vào việc tu tập thì chắc chắn rằng Món Quà mà mình ban phát cho Thâm Tình ruột thịt của mình sẽ rất là đáng giá và vô cùng trân quý.


+ 80