• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Vai Trò Của Chư Thần Trong Việc Vận Hành Cõi Ta Bà

Jul 06 2022

Kính bạch Sư Phụ,

Qua bài Pháp Vô Tình Chúng Sanh, Sư Phụ có đề cập đến "Lòng Từ Mẫn của Chư Thần" đối với Loài Vô Tình. Theo con được biết, Loài Vô Tình đã góp phần rất là nhiều trong việc tạo dựng một khung cảnh xanh tươi, thoáng mát, đẹp mắt, quyến rũ, và làm cho cái Hành Tinh Xanh của chúng ta càng ngày càng khởi sắc, càng đậm nét tươi xanh hơn. Tất cả những bức tranh thiên nhiên sống động, cực kỳ diễm lệ mà toàn thể Chúng Sanh của cõi Ta Bà đã từng say mê, ngơ ngẩn đắm chìm trong vẽ đẹp tuyệt vời của chúng, chính là do sự đóng góp của các Chư Thần qua Lòng Từ Mẫn, tạo nên niềm cảm hứng, sự khích động, sự hân hoan, lòng háo hức muốn phô trương tất cả những nét đẹp, những linh động, những sinh khí tiềm tàng của tất cả Loài Vô Tình.

Đối với Hữu Tình Chúng Sanh, con muốn biết xem các Chư Thần đã có những đóng góp nào hay không vào trong đời sống của Loài Người? Chắc chắn rằng, Chúng Sanh của cõi Ta Bà đã quá quen thuộc với 2 chữ Chư Thần. Tuy nhiên, người ta lại thường nhắc đến Chư Thần với ý niệm mê tín dị đoan nhiều hơn là một sự đóng góp.

Kính xin Sư Phụ từ bi giúp cho con cũng như những người hữu duyên được giải tỏa những thắc mắc và đồng thời làm sáng tỏ cái ý niệm mê tín dị đoan mà Chúng Sanh đã gán cho Chư Thần.

Vòng tròn Sanh Tử đã đưa Chúng Sanh trở đi trở lại cõi Ta Bà này không biết bao nhiêu lần rồi. Ngày hôm nay, ở hiện kiếp, Chúng Sanh ra Đời, lớn lên, sống với cuộc sống của mình, dù cho giàu có, hay nghèo hèn, Chúng Sanh cũng đều nghĩ rằng, đây là một điều tự nhiên.

Cuộc sống là tự nhiên, con người là tự nhiên, phong ba bão táp là tự nhiên, núi non sông ngòi biển cả là tự nhiên. Trước mắt của Chúng Sanh, cái gì cũng là tự nhiên có sẵn, do đó mà tự nhiên biết, tự nhiên hưởng và cũng tự nhiên phá hoại.

Chúng sanh gần như không bao giờ nghĩ rằng cái cảnh trí này, cái môi trường kia, cái khung cảnh nọ không phải tự nhiên mà có. Thật sự ra, nó là một sự góp phần không nhỏ từ các Loài Vô Tình, qua nhiều năm, nhiều tháng, có khi nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm, thậm chí đến cả triệu năm. Chúng được bảo trì, chở che và điều hành bởi những Vị có tên là CHƯ THẦN. Những Vị này lãnh cái nhiệm vụ vô cùng lớn lao, khó khăn, nguy hiểm và đầy rắc rối để gìn giữ tất cả những cái gì được cho là tự nhiên dưới mắt của Chúng Sanh.

Chúng Sanh, có người loáng thoáng biết đến 2 chữ Chư Thần, nhưng cũng có người chưa bao giờ nghĩ tới sự hiện diện của Chư Thần. Đa phần mọi người cho rằng, tất cả những gì thuộc về Môi Trường hay có liên quan đến Môi Trường, đều là sự tự nhiên của Vũ Trụ, sự tự nhiên của cõi Ta Bà. Chúng Sanh chưa từng bao giờ nghĩ rằng, đây chính là công khó, là sức lực, là sự đóng góp của Chư Thần, của hàng hàng lớp lớp Chư Thần trên toàn cõi Ta Bà đến với tất cả Chúng Sanh.

Từ xưa đến nay, trải qua không biết bao nhiêu chu kỳ của cái cõi Ta Bà này, Chư Thần đã đóng góp rất…rất là nhiều cho sự thành tựu của cõi Ta Bà để luôn được xanh tươi, mỹ miều; công sức của Chư Thần đưa ra không phải là nhỏ đâu. Bàn tay nối tiếp bàn tay, mỗi Chư Thần đảm nhận một công việc, một chức vụ để làm cho tất cả mọi thứ được diễn tiến tốt đẹp, đem lại nhiều lợi ích cho Chúng Sanh cõi Ta Bà.

Có thể nói rằng, không có sự đóng góp của Chư Thần, Chúng Sanh của cõi Ta Bà không thể nào thành tựu được những điều tốt đẹp. Chúng sanh không nhìn thấy được tận mắt mình công việc của Chư Thần, những công việc đó không phải chỉ thuần là địa lý hay là những cái gì mà Chúng Sanh có thể nhìn, nghe, biết được, mà chính là sự đóng góp của Chư Thần vào trong những điều rất là vi tế, Chúng Sanh hoàn toàn không biết được.

Có những Chúng Sanh có Tâm Lành, biết nghĩ đến lợi lạc của kẻ khác, biết nghĩ đến sự trường tồn của một dân tộc hay của một Quốc Gia và thậm chí của cõi Ta Bà, đã đem công sức của mình để tìm tòi, phát minh ra những gì ích lợi, tốt đẹp cho mọi Chúng Sanh. Chúng Sanh đâu có biết rằng, ủng hộ cho những công trình đó để đi đến sự thành công mỹ mãn, đều là do Chư Thần.

Chúng Sanh gặp nạn, Chúng Sanh gặp điều không hay, những tiếng rên xiết, những tiếng kêu la, người xuất hiện trước tiên chính là Chư Thần.

Chư Thần có trách nhiệm trong vùng mình cai quản, luôn luôn theo dõi và để ý đến tất cả những gì xảy ra ở trong vùng mình cai quản. Một Chúng Sanh gặp phải tình huống nào đó do ở nghiệp lực của mình, Chư Thần vẫn âm thầm giúp cho phương tiện để mà thoát cái nạn tai. Không trực tiếp để giúp vì không thể vấy vào nghiệp lực của Chúng Sanh, nhưng tạo phương tiện để giúp cho Chúng Sanh đó sử dụng cái phương tiện để thoát được nạn tai, thì nó vẫn không nằm ngoài cái công việc của Chư Thần. Chỉ trừ khi nào Chúng Sanh …. (nói nôm na là, hết thuốc chữa), Chư Thần khi đó đành phải bó tay.

Chư Phật và Bồ Tát cũng làm việc không ngừng nghỉ để cứu độ Chúng Sanh, nhưng chính Chư Thần mới thực sự tiếp tay, tiếp sức để hoàn tất mọi việc.

Chư Thần làm việc với tất cả bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn mong mỏi đem lại nhiều điều tốt đẹp cho Chúng Sanh trong vùng mình cai quản và không bao giờ màng đến sự trả ơn. Chúng Sanh đâu có biết rằng, Chư Thần không bỏ sót những việc làm của Chúng Sanh, Chư Thần cảm nhận được những gì mà Chúng Sanh tha thiết tri ân, cũng như một sự hững hờ hay vô tâm của Chúng Sanh đối với Chư Thần.

Chư Thần cũng không bao giờ để bụng những hành động, hay cử chỉ không tốt đẹp của Chúng Sanh đối với Chư Thần.

Công việc của Chư Thần trong một vùng là trông coi, chăm sóc những biến động về địa lý, những sự chỉnh sửa, những lệch lạc của địa lý, giúp cho mưa thuận gió hòa, mọi người sống yên ổn. Tuy nhiên, song song với công việc của Chư Thần còn có sự thể hiện một cách rõ rệt Tâm Chúng Sanh. Dù cho Chư Thần có cố gắng để ngăn chận hay làm dịu bớt đi những biến động về địa lý, nhưng với một cái Tâm xấu ác, quái dị, bất cần, vô ơn của Chúng Sanh trong vùng đó thì Chư Thần cũng phải bó tay luôn.

Tâm Chúng Sanh là một động lực rất là mạnh để lôi kéo những biến động đến với Chúng Sanh trong vùng đó. Nhiều khi Chúng Sanh gặp phải sự phá tác một cách tàn bạo của những biến động về địa lý khiến cho tạo nên những cảnh hoang tàn xiêu vẹo, Chúng Sanh đổ lỗi cho Trời Đất, nhưng không bao giờ Chúng Sanh đổ lỗi cho chính bản thân mình.

Ông Trời ở quá cao, khó lòng mà chỉ chọt bên này, bên kia, bên nọ cùng một lúc để xảy ra hết biến động này, đến biến động khác. Ông Trời không có làm việc đó bao giờ. Tình thương của Trời dành cho Chúng Sanh rất là lớn lao, chớ không thu nhỏ lại, không ích kỷ hẹp hòi. Chúng Sanh trách móc ông Trời, trách móc luôn cả Chư Thần. Thật sự ra không có ai gây tạo ra được hết, mà tất cả là do Chúng Sanh, Chúng Sanh tạo ra, rồi Chúng Sanh than khóc, Chúng Sanh kêu cứu, Chúng Sanh đổ lỗi; nói tóm lại là, Chúng Sanh ban ra nhiều bản án lắm, hết cho người này đến cho người khác, mà không bao giờ tự mình ban cho mình một bản án!

Công việc của Chư Thần có thể nói rằng hàng hàng lớp lớp!

Chư Thần luôn để mắt đến Con Người, điều này không có nghĩa là Chư Thần chen vô đời sống của Con Người, Chư Thần không bao giờ làm chuyện đó. Chư Thần để mắt đến Con Người là dòm ngó, là xem coi sự đối phó của Con Người trước những sự đổi thay của biến động về địa lý, về môi trường ra làm sao. Chư Thần luôn để ý đến Con Người là để kịp thời ngăn chận, cứu giúp người Phước Đức gặp nạn tai, cũng như làm cho nhẹ đi những tình huống đối với những Chúng Sanh đang gây tạo nên nghiệp chướng.

Bên cạnh đó, Chư Thần còn có trách nhiệm đối với Vô Tình Chúng Sanh, đối với những cây đại thụ, đối với những cánh rừng bạt ngàn, trách nhiệm đối với núi non chơm chởm, trách nhiệm đối với sông sâu, với biển cả, với ao hồ, với sông rạch. Tất cả những thứ đó có ảnh hưởng đến đời sống của Chúng Sanh, cho nên lúc nào Chư Thần cũng phải ghé mắt tới và cố gắng để kịp thời ngăn chận những điều không hay xảy đến.

Tuy nhiên, như Thầy đã nói khi nảy, Chư Thần dù có đem bao nhiêu công sức cũng vẫn không thể nào chuyển đổi tình thế, làm nhẹ đi tình huống khi mà cái Tâm của Chúng Sanh quá là đen tối, quá là quái dị.

Những lúc gạo cơm đầy đủ, cây trái sai quằn, Chúng Sanh vui trong tiếng cười hạnh phúc, trong những tình cảm nồng thắm, Chư Thần cảm thấy vui và hân hoan với những gì tốt đẹp mà Chúng Sanh nhận được.

Sự mất mùa, cảnh đói khát, cuộc sống nghèo khó thiếu thốn, khiến cho Chư Thần cảm thấy xót xa, thương tội cho Chúng Sanh. Nhưng, tất cả những thứ đó, dù cho Chư Thần có muốn giúp đỡ cũng không giúp được vì nó thuộc vào Tâm Chúng Sanh.

Tâm Chúng Sanh vô cùng là nặng nề, nó quan trọng là vì nó có thể quật ngã được Chúng Sanh một cách dễ dàng. Cho nên, khi Chúng Sanh không thỏa đáng được những điều mà mình mong ước thì đừng nên đổ lỗi cho Chư Thần.

Chư Thần không có cái tâm xấu ác, Chư Thần chỉ biết làm công việc của mình là đem lại sự yên ổn cho Chúng Sanh. Chúng Sanh có tỏ dạ tri ân tha thiết đến Chư Thần, thì Chư Thần cũng không lấy đó làm một sự hãnh diện, và Chư Thần cũng không bao giờ có một sự phân biệt giữa Chúng Sanh này với Chúng Sanh kia. Tuy nhiên, nếu Chúng Sanh nào thành tâm thành ý tri ân sự đóng góp của Chư Thần, thì Chư Thần cũng đền đáp lại bằng với tất cả sự thành tâm thành ý của mình.

Chư Thần không có mong mỏi Chúng Sanh bái lạy hay cúng kiến cho mình, Chư Thần hoàn toàn không làm việc đó, Chư Thần chỉ làm đúng trong cái vai trò của mình, là đem lại sự bình yên và tốt đẹp cho vùng đất các ngài cai quản. Nếu Chúng Sanh trong vùng đó biết được cái giá trị của việc chỉnh sửa Tâm-Ý-Tánh của mình, thì như vậy, chính Chúng Sanh sẽ hưởng được cái kết quả của việc mình làm, Chư Thần không bao giờ thốt ra rằng, đó là nhờ ở sự giúp đỡ của Chư Thần.

Mọi người cứ nhìn vào cái cõi Ta Bà thênh thang, bao la bát ngát, nếu không có Chư Thần, thì ai sẽ đảm nhận cái công việc giữ gìn cõi Ta Bà để cho luôn được xanh tươi, đẹp đẽ, linh động và khởi sắc? Công khó của Chư Thần đóng góp vào trong đó muôn vàn là to tát. Mỗi khi địa lý đổi thay, mỗi khi có biến động, mỗi khi Tâm Chúng Sanh có quá nhiều thay đổi….. những nhọc nhằn trong những cuộc đổi thay càng khiến cho Chư Thần mệt mỏi hơn vì phải gia tăng phần việc của mình.

Trong thiên nhiên, những sự tiến hóa từ động vật cho đến thực vật, có nghĩa là các Loài Vô Tình, đều dưới sự quan sát của Chư Thần. Tuy rằng những sự tiến hóa có tính cách hoàn toàn tự nhiên, nhưng vẫn phải có một sự sắp xếp có trật tự lớp lang, không thể nào gọi là bừa bãi, muốn làm gì thì làm.

Ở một độ cao bao nhiêu thì mới xuất hiện những loại cỏ cây hoa lá thích ứng với độ cao đó. Vùng khí hậu lạnh sẽ có những cây cỏ thích hợp với khí lạnh, những nơi có khí hậu nóng bức không có nghĩa là cỏ cây không sống được, mà sẽ có những loại bông hoa, khi ánh nắng càng gay gắt, hoa nở càng rực rỡ, hoặc là những loại cây trái chỉ có thể phát triển tốt đẹp ở những vùng nóng bức mà thôi. vv…vv. Nói tóm lại, tùy vào độ cao thấp của một vùng, tùy vào khí hậu của mỗi nơi, mà loài Vô Tình có mặt và phát triển, tạo nên những sắc thái đặc biệt cho từng vùng của Cõi Ta Bà.

Dù rằng sự hiện diện của các Loài Vô Tình có liên quan trực tiếp đến môi trường của Cõi Ta Bà, nhưng vẫn không thể nằm ngoài tầm quan sát của các Chư Thần. Trong một khu rừng mà thú dữ quá nhiều có thể tạo nên một mối đe dọa lớn cho dân chúng ở trong vùng, Chư Thần bắt buộc phải giải quyết bằng cách di dời những thú dữ đó từ vùng này qua vùng khác để tránh cái mối họa cho Chúng Sanh trong vùng đó. Thông thường thì những ác thú tập trung nhiều ở tận trong rừng sâu. Những động vật quý hiếm cũng không lãng vãng ở những nơi gần với khu dân cư, hay trong rừng thưa để có thể bị bẩy rập một cách dễ dàng.

Kính bạch Sư Phụ,

Vạn vật là hữu hình, Chư Thần là vô hình, như vậy thì làm sao các Vị đó xoay chuyển và ảnh hưởng được đến các Loài từ Vô Tình cho tới Hữu Tình Chúng Sanh?


 

Chúng Sanh hữu tình, nhưng Mắt vẫn không thấy, Tai vẫn không nghe, và cũng không cảm nhận được những Vị đang làm việc một cách âm thầm, tại vì sao “âm thầm”? Vì Chúng Sanh không nhìn thấy các Vị đó, nhưng các Vị vẫn nhìn thấy Chúng Sanh, và các Vị vẫn hoạt động y như một Con Người. Mỗi Vị đều có phần việc để lo, để chu toàn với mục đích là tạo trật tự, tạo lớp lang cho cõi Ta Bà, chớ không phải muốn làm gì thì làm.

Chúng Sanh chỉ nhìn thấy được nơi đây là cảnh đẹp, nơi kia là núi xinh, nọ là phong cảnh hữu tình, phồn vinh, tốt đẹp, chớ Chúng Sanh đâu có thấu suốt được hoạt động của Chư Thần, công khó của Chư Thần trong việc chung tay góp sức với các Loài Vô Tình để tạo nên một tuyệt phẩm thiên nhiên.

Chúng Sanh chỉ nhìn thấy mưa rơi, tuyết phủ, chớ Chúng Sanh đâu có tận mắt chứng kiến được sự làm việc của Chư Thần trong việc gom mây, góp gió để tạo thành mưa rơi xuống, giúp cho mùa màng phì nhiêu, cây trái sai quằn.

Chỉ vì không thấy được, không nghe được, không cảm nhận được, mà Chúng Sanh từ chối sự hiện hữu của Chư Thần, thậm chí có kẻ còn buông lời nghi ngờ và xúc phạm.

Kính bạch Sư Phụ,

Cái việc mà Chư Thần ảnh hưởng được vạn vật chung quanh, tuy rằng các Vị đó không hiện hữu bằng xương bằng thịt, đó có phải là Thần Thông đặc biệt của Chư Thần hay không?

Đây là điểm mấu chốt mà Chúng Sanh đã căn cứ vào đó để biện minh cho sự mê tín dị đoan của mình. Để hiểu vấn đề một cách rõ ràng hơn, Thầy đề nghị nên xem lại bài Pháp nói về Mê Tín Dị Đoan.

Trở lại với câu hỏi trên thì, Chư Thần thật sự không có Thần Thông Đặc Biệt gì cả. Gọi là “Thần Thông đúng nghĩa” là phải qua một sự trui rèn tập luyện từ những Vị đã Thăng Hoa. Chư Thần được tuyển chọn để làm việc, để vận hành cõi Ta Bà từ rất…..rất lâu xa, có khi cả triệu năm về trước. Khi đảm nhận công việc, Chư Thần được cấp phát tất cả các phương tiện để làm việc một cách thích nghi với từng hoàn cảnh, từng môi trường, từng vùng địa lý. Chúng Sanh gọi đó là thần thông, nhưng thật ra chúng chỉ là những phương tiện giúp cho các Chư Thần có được một khả năng đặc biệt, hơn hẳn Loài Người để mới có thể hoàn tất được công việc bảo vệ cho Chúng Sanh cõi Ta Bà.

Do đó, Chúng Sanh cũng nên thay đổi cách nhìn của mình về Chư Thần. Đó chính là những Vị đã âm thầm làm việc, đã đóng góp công sức vô cùng tận, trong một thời gian quá dài, vào sự vận hành của cõi Ta Bà gồm luôn cả việc bảo vệ, chở che cho toàn thể Chúng Sanh của cõi Ta Bà.

Cũng đừng đồng hóa Chư Thần với mê tín dị đoan mà buông lời xúc phạm, và cũng đừng tiếp tay với bọn tà đạo, mượn tiếng của Chư Thần để làm điều sai trái, dẫn dụ những người non lòng nhẹ dạ.

Trên đây chỉ là những điều rất là sơ lược về sự đóng góp của Chư Thần trong việc vận hành cõi Ta Bà.

Chúng Sanh đã biết rằng, cõi Ta Bà nằm trong cái Vũ Trụ mênh mông, quá sức là lớn lao. Tất cả sự vận hành của cõi Ta Bà cũng phải “ăn nhịp, đồng điệu” với Vũ Trụ. Không có sự tiếp tay của các Chư Thần, sẽ vô phương có sự vận hành. Cõi Ta Bà đã trải qua không biết bao nhiêu Chu Kỳ, con số không thể nào tính đếm được. Như vậy sự hiện diện của các Chư Thần cho đến ngày hôm nay cũng không thể nào gọi là ngắn ngủi được. Chúng Sanh rủ bỏ xác thân, đến rồi đi, đi rồi lại đến, thay không biết bao nhiêu sắc áo, Chư Thần vẫn còn đó, vẫn không rời phần việc của mình, vẫn luôn luôn che chở và bảo vệ Chúng Sanh. Dù cho Chúng Sanh đi ngang về dọc khắp cõi Ta Bà, bất cứ nơi nào Chúng Sanh dừng chân, cũng vẫn luôn đón nhận sự bảo bọc, sự giúp đỡ từ ở các Chư Thần.

Một điều mà Chúng Sanh có thể chưa được biết qua, đó là, Ngàn Tai Ngàn Mắt của Bồ Tát Quán Thế Âm chính là Các Chư Thần!!

Chúng Sanh cất tiếng khóc than, cầu cứu, người có mặt trước tiên chính là Chư Thần. Nếu Chúng Sanh là người Phước Đức gặp nạn tai, và nạn tai đó không có liên quan đến một nghiệp lực nào cả, tức khắc Chư Thần sẽ trực tiếp giúp cho Chúng Sanh đó thoát nạn. Nếu nạn tai đó là một sự triển khai của nghiệp lực, Chư Thần không thể trực tiếp giúp vì không thể vấy vào nghiệp lực của Chúng Sanh, khi đó Chư Thần sẽ tạo phương tiện để giúp cho Chúng Sanh đó qua khỏi nạn tai. Như trường hợp một người sắp sửa chết đuối (do ở nghiệp chết đuối), nhưng lại là một người phước đức, chưa tới số chết, Chư Thần sẽ giúp bằng cách khiến cho có người nghe tiếng kêu cứu, chạy đến giúp đỡ. Nếu Chúng Sanh đó không phải là người Phước Đức, chỉ thuần gặp nạn tai và chưa chấm dứt mệnh số, Chư Thần giúp bằng cách khiến cho người bị nạn tình cờ vớ được một sợi dây leo mọc dưới nước thật là cứng chắc, hoặc là một vật gì đó tương đối lớn trôi trên mặt nước, giúp cho người bị nạn có thể cầm cự để nổi lên mặt nước mà chờ người cứu.

Như thế thì sự hiện hữu của Chư Thần không phải là một điều hoang tưởng, cũng không phải là một điều thuộc về mê tín dị đoan. Sự hiện hữu của Chư Thần là sự thật, một sự thật mà tất cả Chúng Sanh của cõi Ta Bà phải chấp nhận và phải nhận thức được rằng, những công trình quá sức lớn lao của cõi Ta Bà sẽ không có một Chúng Sanh nào có thể tự mình đảm đương được, ngoại trừ Chư Thần.

Thiếu sự bảo vệ của Chư Thần, thiếu sự chăm chút của Chư Thần thì liệu rằng Chúng Sanh có qua được những nạn tai về biến động, về tất cả những sự đổi thay từ môi trường cho đến địa lý, đến hoàn cảnh của cõi Ta Bà hay không?

Cho nên, dù rằng Chư Thần không đòi hỏi, không yêu cầu, nhưng đã là một Chúng Sanh của cõi Ta Bà, nhận chịu sự giúp đỡ, bảo bọc, chở che của Chư Thần thì phải hiểu được giá trị của sự hiện diện của Chư Thần trên cõi Ta Bà.

Nếu không tỏ ra được cái lòng tri ân đối với các Chư Thần, thì cũng đừng nên nói những lời xúc phạm, sái quấy đối với các Chư Thần. Đã là Chúng Sanh của cõi Ta Bà thì điều trước tiên là phải sống với tấm lòng tri ân và kính trọng những Vị đã đem đến sự an ổn, sự bình yên cho cái vùng của mình đang sinh sống. Có được như vậy thì cõi Ta Bà mới có thể thoát được những điều không tốt đẹp xảy tới do những biến động gây nên từ ở Tâm Chúng Sanh quá là xấu ác, quá là dữ dằn. Sự đóng góp của Chư Thần cho Chúng Sanh của cõi Ta Bà phải nói rằng vô cùng tận, không biết lấy lời gì để kể cho xiết, nhưng mà Chúng Sanh của cõi Ta Bà vô cùng là thờ ơ, vô cùng là lãnh đạm và đôi khi có những lời lẽ thiếu lễ độ đối với Chư Thần. Tuy nhiên, các Vị cũng không xem đó là quan trọng, nếu thật sự xem nó là quan trọng thì chắc là không còn một Chúng Sanh nào trên cõi Ta Bà này nữa đâu.

Ngày hôm nay, ở vào thời điểm này, cõi Ta Bà hiện đang đối mặt với sự Thành - Trụ - Hoại - Không của một Chu Kỳ. Chúng Sanh đang lâm vào một tình huống vô cùng là khó khăn, phải đối diện với nào là dịch bệnh, hỏa hoạn, lụt lội, thiên tai, hạn hán, gần đây nhất là chiến tranh, có thể đưa tới một nạn đói kinh khủng trên toàn cõi Ta Bà.

Tất cả những tình huống này đều phát khởi từ ở cái Tâm Chúng Sanh không Lành, nếu không muốn nói là một cái Tâm Chúng Sanh To Lớn, được bao bọc, được quấn chặt bởi vô số là Tánh Xấu, là Thói Hư của hàng hàng lớp lớp Chúng Sanh đang đắm chìm trong quỷ đạo của Tham - Sân - Si.

Tiếc thay, những cái Tâm Chúng Sanh chói sáng thì lại quá leo lét và quá ít ỏi, phải chìm dần trong cái Tâm Chúng Sanh Đen Ngòm To Lớn đó.

Những tình huống vô cùng bi đát xảy ra ngày hôm nay trên cõi Ta Bà, dù rằng xuất phát từ một cái Tâm Chúng Sanh đen ngòm, quái dị, khó xoay chuyển, nhưng điều đó vẫn không khiến cho Chư Thần thờ ơ, quay lưng đi. Vàng thau lẫn lộn! Kẻ Tốt, người Xấu, người dư Phước, kẻ kém Phước, người vướng nạn tai này, kẻ sa vào tình huống nọ, tất cả đã tạo nên một sự hỗn loạn trên cõi Ta Bà ngày hôm nay. Chư Thần đã phải làm việc nhiều hơn, tích cực hơn để cứu vớt những người Phước Đức, những người bị vạ lây ra khỏi bóng đêm, tránh xa tình huống.

Do đó, Chúng Sanh phải thấu hiểu rằng, mọi việc thành tựu của Vạn Vật không phải tự nhiên mà có, đó là một sự đóng góp vô cùng lớn lao từ ở công sức của Chư Thần. Mọi nhận thức đúng đắn của Chúng Sanh đưa đến một sự cảm thông tốt đẹp giữa Chư Thần và Chúng Sanh, đồng thời tạo nên một bầu không khí ôn hòa, vui tươi, phấn khởi và đầy tri ân giữa Con Người và Thần Linh.


+ 38