• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Thí Nghiệm Trên Động Vật

Aug 30 2014
Flow - Joshua Zhang - 69320731 Flow - Joshua Zhang - 69320731 500.px

Kính bạch Sư Phụ,
Có người hỏi rằng: “Vì vấn đề nghề nghiệp, họ bắt buộc phải làm những cuộc thí nghiệm trên các động vật.” Việc này sẽ ảnh hưởng đến sự tu tập của họ như thế nào? Vì họ sợ rằng khi làm thí nghiệm trên động vật là làm tổn hại đến một chúng sanh khác, gây nên nghiệp sát. Kính xin Sư Phụ từ bi giải thích cho con được rõ.

Trong cuộc đời, để kiếm sống, người ta có rất nhiều công việc làm. Có người thì chọn lựa được công việc để làm, có người thì không thể chọn lựa công việc để làm, cho nên bất cứ một công việc gì tạo nên cho họ một lợi tức để họ có thể sống được, thì họ vẫn phải làm. Tuy nhiên, điều cần thiết là phải nhớ rằng: vì việc kiếm sống, vì sự sinh tồn mà người đó bắt buộc phải rơi vào, dính líu vào nghiệp sát. Dù rằng không phải là nghiệp sát đối với Người mà là nghiệp sát đối với thú vật, thú lớn hay thú nhỏ, nghiệp cũng như nhau thôi! Bất kỳ một động vật nào cũng đều mang một thần thức. Nếu người đó bắt buộc phải lâm vào nghiệp sát thì họ phải luôn luôn sám hối. Sám hối nơi đây, Thầy muốn nói rằng: một sự sám hối chân thành, một sự sám hối rung động, xuất phát từ tâm. Vì hoàn cảnh, vì sự sinh tồn, vì miếng ăn, không thể nào tìm được một công việc khác hơn, ngoài khả năng của mình, cho nên bắt buộc phải lâm vào nghiệp sát.

Có người nói rằng: cứ tha hồ giết, vật thì dưỡng nhơn chứ nhơn đâu có dưỡng vật, nếu có phải sám hối thì cũng là qua loa cho có lệ. Điều đó rất là sai trái! Nếu bây giờ Thầy lấy một thí dụ: người ta đem con ra và người ta buộc một kẻ khác phải làm cho con đau đớn thì người đó sẽ được trả tự do, sẽ có hai trường hợp xảy ra:

  • Hoặc là người đó nói rằng: nếu tôi mất tự do thì tôi cam chịu, chớ tôi không muốn làm đau kẻ này, vì đây là trái với tâm từ bi của tôi.
  • Còn nếu bây giờ người đó bằng lòng làm đau con, nhưng trước khi họ làm đau con, họ quỳ xuống và đem hết tấc dạ chân thành mà ăn năn sám hối với con về việc họ bắt buộc phải làm đau con, vì họ cần phải được trả tự do để hoàn tất một công việc ích lợi nào đó. Sự ăn năn của họ là một sự ăn năn thật sự và hết dạ chân thành, họ làm đau con không phải vì một sự ghét hờn mà là vì họ cần sự tự do để chu toàn một công việc nào đó có ích cho mọi người. Việc họ làm đau con cũng vẫn tạo nên một nghiệp lực chớ không phải không tạo nên. Dù cho con có tỏ lời tha thứ cho họ, nhưng tự bản thân của họ vẫn là tạo nên một nghiệp lực rồi. Tuy nhiên, nghiệp lực đó có thể được biến trở thành một bài học, và bài học đó sẽ giúp cho họ hiểu rằng, đừng nên làm đau kẻ khác và phải lấy dạ chân thành mà xoa dịu nỗi đau của kẻ khác. Như vậy, nghiệp lực đó biến thể từ một nghiệp nặng nề là nghiệp sát, trở thành ra một bài học mang tính cách là phải trải lòng từ bi, và làm cho kẻ khác được xoa dịu những sự đau đớn. Còn nếu họ không nghĩ như vậy thì chính bản thân họ đã tạo nên một nhiệp lực rất nặng, vì đó là nghiệp sát!

Kính bạch Sư Phụ,
Nếu họ làm đau con mà niềm sân hận của con dâng lên thì sẽ khiến cho vòng nghiệp lực của con với họ khép kín lại. Còn nếu con không khởi lên niềm sân hận nào cả, thì sẽ không có sự hiện hữu của nửa vòng nghiệp lực từ phía bên con. Tuy nhiên, phân nửa vòng nghiệp lực từ phía của người kia vẫn có (vì họ đã tạo tác) thì họ vẫn phải trả, nhưng trả dưới hình thức là BÀI HỌC. Bài học này có thể sẽ xảy ra ngay trong hiện kiếp hoặc trong kiếp vị lai. Con tư duy như vậy có đúng hay không?

Đúng lắm!

Trở về với câu hỏi: Nếu một người vì lý do nghề nghiệp, vì lý do học vấn mà bắt buộc phải làm những việc có liên quan đến nghiệp sát thì người đó trước khi nhúng tay vào nghiệp sát, phải luôn luôn chân thành, Thầy nhấn mạnh là chân thành, rung động, ăn năn sám hối. Tôi làm vì một sự bắt buộc, hoặc là tôi vì sự sinh tồn, kiếm sống, hoặc là vì vấn đề học vấn của tôi. Nếu tôi không làm thì tôi sẽ bị đánh rớt và không thể nào tiến đến một kết quả là thi đậu được, lấy được bằng và rồi từ đó, có thể giúp đỡ được cho kẻ khác. Tuy nhiên phải luôn nhớ rằng tất cả những việc đó, ngoài việc tu tập, chân thành sám hối ăn năn, còn phải được trả lại bằng Sự Bố Thí. Bố thí cũng bằng tấc dạ chân thành, chứ không phải bố thí vì lợi lạc cho bản thân mình, như vậy mới làm nhẹ đi nghiệp sát của mình. Việc bố thí trong trường hợp này rất là cần thiết và quan trọng, vì được xem như là một sự đánh đổi lại những điều sái quấy mà mình đã làm cho kẻ khác, sau đó cũng phải cầu nguyện cho thần thức ở trong con vật được siêu thoát.

Nói tóm lại là phải chân thành sám hối, ăn năn về việc mình bắt buộc phải làm khiến mình lâm vào nghiệp sát, và sau đó là phải bố thí, cũng phải hết dạ chân thành bố thí, chứ không phải vì tiếng tăm hay vì một lợi lạc nào đó mà bố thí.

Kính bạch Sư Phụ,
Như vậy thì trước khi bắt tay vào việc sát hại một sinh vật (trong trường hợp này) thì phải thành tâm khấn nguyện lời ăn năn, sám hối và lời nguyện cầu cho con vật được mau siêu thoát. Có phải như vậy không?

Đúng lắm! Nếu một người luôn luôn ở vào cái thế phải lâm vào nghiệp sát thì gần như ngày nào cũng phải tu tập và ngày nào cũng phải sám hối ăn năn về nghiệp sát của mình.

Hồi hướng công đức tu tập của mình cũng như sự bố thí của mình cho thần thức mà mình đã phải xua đuổi ra khỏi thân xác của con vật, đó là một việc đương nhiên.

Tất cả cái gì cũng đều là một sự đánh đổi và bù đắp thì mới tốt đẹp cho cả đôi bên.


+ 129