• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Tứ Vô Lượng Tâm

Dec 16 2015
331349162 331349162

Kính bạch Sư Phụ,
Sư Phụ đã từng bảo rằng: người tu tập chân chính không lấy Đ
ạo Lực làm đầu mà phải lấy Tứ Vô Lượng Tâm làm Gốc. Từ Tứ Vô Lượng Tâm mới tiến đến được việc đào luyện để cho Đạo Lực có được kết quả tốt đẹp. Có Đạo Lực mà thiếu Tâm Từ Bi, Đạo Lực đó không dùng được trong việc cứu vớt chúng sanh. Thế thì làm sao để một chúng sanh có thể đào luyện được Tâm Từ Bi Hỷ Xả?

Tứ Vô Lượng Tâm: TỪ – BI – HỶ – XẢ chính là 4 tính chất độc đáo của cái Tâm.

Một chúng sanh muốn có được một cuộc sống An Nhiên, nhiều Tự Tại, muốn cho cuộc đời mình được Thăng Hoa, thoát khỏi những phiền não chất chồng làm dày thêm màng vô minh, cần phải chú mục vào việc đào luyện Tâm Từ Bi Hỷ Xả.

Đào luyện như thế nào để mang đến một kết quả tốt đẹp?

  1. Phải có một tấm lòng mở rộng: Có mở rộng cửa mới có thể tiếp đón được kẻ này, người nọ, có thể tiếp được người giàu có mà cũng không đóng cửa từ chối người bần hàn; kẻ sang người hèn đều cùng được đón nhận, người mạnh khỏe, kẻ ốm đau, tật nguyền, người cô thế gặp cảnh khốn cùng … đều được mở rộng vòng tay tiếp đón, hoàn toàn không có sự phân biệt và giới hạn.
  2. Phải biết chia sẻ lại những gì mình có.
  3. Tuyệt đối không bao giờ có ý tưởng là làm điều lợi lạc cho riêng bản thân mình. Tâm Từ Bi chỉ thành đạt và ngời sáng khi nào điều lợi lạc được trải rộng ra cho nhiều người cùng hưởng.

Đây là ba điều kiện căn bản để có thể tôi luyện được Tâm Từ Bi. Nên nhớ rằng: những điều thực hành kể trên hoàn toàn có liên quan đến cái Tánh.

Tánh ích kỷ, tánh ganh tị, tánh bảo thủ sẽ khiến cho một người lúc nào cũng khư khư ôm vào lòng bất cứ vật gì, hay tư tưởng gì, hoặc hành động nào mà mình thụ đắc; họ thiếu sự chia sẻ, thiếu sự cởi mở, sự rộng lượng cùng sự cảm thông, chắc chắn rằng họ không thể nào có được một Tâm Từ Bi.

Cho nên, Tâm – Ý – Tánh là những điều căn bản mà một người bước vào đường tu tập một cách chân chính cần phải hiểu rõ. Nếu từ căn bản, điều kiện Tâm – Ý – Tánh không chu toàn, việc có được một cuộc sống cao thượng sẽ là một vấn đề khó thực hiện.

Cái Tánh không tốt dẫn đến cái Ý không lành thì làm sao có thể đưa đến cái kết quả là 01 Tâm Từ Bi được?

Người có Tâm Từ Bi đương nhiên sẽ biết Hỷ – Xả.  Khi Tâm Từ Bi không có được, điều đó nói lên rằng các tánh xấu đã len lỏi vào phá tác cái Tâm, khiến cho Tâm khó lòng mang tánh chất Từ Bi, mà Từ Bi đã không có thì làm sao có được Hỷ Xả?

Từ – Bi – Hỷ – Xả tuy là 4 đặc tánh riêng biệt nhưng chúng đã hòa quyện vào nhau, bổ túc cho nhau để chỉ còn lại có một (01) mà thôi, và cái 01 đó đã bao bọc, ôm trọn và quấn chặt lấy cái Tâm.

Kính bạch Sư Phụ,
Kính xin Sư Phụ giải thích cho con hiểu rõ ý nghĩa của từng đặc tánh: Từ
Bi – Hỷ Xả.

Từ

Từ chính là sự mở rộng tấm lòng, biết chia sẻ, biết chăm sóc cho người; mà sự mở rộng tấm lòng bắt nguồn từ chữ Thương.

Chính cái Tình Thương mới khiến cho Tâm rung động; khi Tâm rung động ở chiều hướng Thương, sự chia sẻ mới được ghi nhận. Có thương mới có chia sẻ, nếu là ghét thì làm sao sự chia sẻ được nảy sinh? Cho nên bắt đầu của chữ Từ chính là chữ Thương.

Kính bạch Sư Phụ,
Như vậy người có lòng Từ sẽ biết Thương tất cả mọi người, mọi loài, không kể đó là bản thân mình hay những người thân ruột thịt của mình?

Đúng vậy!

Đối với người có lòng Từ, tình thương sẽ Bình Đẳng, không có sự phân biệt hoặc sự lựa chọn, không có giới hạn của thân hay sơ, của màu da hay của chủng tộc, của ngôn ngữ hay của phong tục tập quán.

Dưới mắt của người có lòng Từ, chỉ có một mà thôi, đó là một (01) chúng sanh đang cần sự chở che, sự giúp đỡ!

Bi

Bi diễn tả sự đau đớn của một chúng sanh.

Khi một người cảm nhận được những cảm giác, cảm xúc của kẻ khác gồm những nỗi đớn đau, những tình cảm thuộc Lục Dục Thất Tình, họ chia sẻ những tình cảm đó, họ cũng cảm thấy lòng quặn đau trước tình cảnh trái ngang của người bất hạnh, và xem niềm đau của kẻ khác cũng y như của chính bản thân mình.

Cả hai chữ Từ và Bi đều cùng xuất phát từ sự rung động của cái Tâm.

Tâm rung động theo chiều hướng “Thương” sẽ tạo nên lòng Từ.

Tâm rung động trước nỗi khổ đau của chúng sanh sẽ dẫn đến một sự xúc cảm tạo nên bởi chữ Bi.

Vì vậy Từ – Bi gần như tuy 2 mà 1.

Hỷ

Hỷ là sự chấp nhận mọi hình thái của tất cả những gì thuộc về của người khác, không phải của mình.

  • Dù cho kẻ khác hơn hẳn mình, cũng vẫn không lấy làm ganh tị hay hờn ghen, đố kỵ.
  • Dù cho kẻ khác kém hơn mình, cũng vẫn không lấy đó để miệt khinh.
  • Dù cho kẻ khác vui hơn mình, cũng vẫn không buông lời chê bai, dè bĩu.
  • Dù cho kẻ khác buồn hơn mình, cũng vẫn không xem đó là niềm tự hào.

Giữ được thế như như bất động trước những việc xảy ra của kẻ khác và chấp nhận hết tất cả những gì riêng thuộc về kẻ khác, đó là ý nghĩa của chữ HỶ.

Chữ Hỷ nơi đây không có nghĩa là VUI, mà nó là một sự thể hiện cái thế như như bất động. Chính nhờ cái như như bất động mà một người tu tập chân chính mới có thể chấp nhận được hết: cái vui, cái buồn, cái đau, cái khổ, cái đúng, cái sai, cái phải, cái quấy … của mọi chúng sanh, hoàn toàn không liên quan tới mình.

Một sự “Tùy Hỷ” nói lên rằng: dù có hay không có, dù nhiều hay ít, dù thương hay ghét, dù cho hay không cho, dù bằng lòng hay chối từ … mọi trạng thái xảy ra đều được chấp nhận một cách thản nhiên, hoàn toàn không xen lẫn một mảy may cảm xúc nào cả.

Xả

Xả nói lên một sự tha thứ hoàn toàn về những hành vi, cử chỉ, lời nói, thái độ, tư tưởng … của một người hay nhiều người, ảnh hưởng lên chính bản thân của mình.

Chữ Xả phải dính liền với hai chữ “Thản Nhiên”. Có thản nhiên mới có thể thực hành được sự xả bỏ; thiếu sự thản nhiên, rất khó lòng giữ được sự phẳng lặng của Tâm.

  • Tôi thản nhiên trước hành động hung hăng của người khác đối với tôi.
  • Tôi thản nhiên trước những lời công khai mạ lỵ của người khác đối với tôi.
  • Tôi thản nhiên trước cử chỉ hổn hào, láo xược của người khác đối với tôi.
  • Tôi thản nhiên trước sự miệt khinh của người khác đối với tôi.

Tôi bỏ qua được tất cả những điều không hay không đẹp mà người khác đối với tôi, đó chính là tôi đã thực hành được chữ XẢ vậy!

Tứ Vô Lượng Tâm, 4 đức tánh làm cho Tâm ngời sáng: Từ – Bi – Hỷ – Xả là những bậc thang thấp nhất, làm nền cho một cái thang cao chót vót hướng về Cõi Trời hay Cõi Cực Lạc.

Có bước qua được những bậc thang này mới có cơ hội trèo lên đến bậc thang cuối cùng: Sự Thăng Hoa.

Những bậc thang thấp nhất chính là những bậc thang cần phải được tạo nên với tất cả sự Để Tâm, sự Kỹ Lưỡng, sự Khéo Léo và nhất là với một sự Chắc Chắn tối đa, để một khi đã bước lên những bậc thang đó rồi thì cái cơ hội tiếp tục lên cao sẽ được dễ dàng hơn.

Nếu 4 nấc thang này quá ọp ẹp, dễ gãy đổ thì việc bước lên những nấc thang kế tiếp, chắc chắn sẽ không bao giờ có thể thành tựu được.

Cho nên, tu tập là phải chu toàn những nấc thang căn bản, những nấc thang thấp nhất để tạo sự vững chắc cho cái thang cao chót vót của mình.

Kính bạch Sư Phụ,
Để đào luyện Từ
 – Bi, người tu tập chân chính mở rộng trái tim đầy Tình Thương của mình, biết chia sẻ, biết lo lắng, biết hạn chế cái tánh ích kỷ, ganh tị, nhỏ nhen, hẹp hòi của mình.
Còn muốn đào luyện Hỷ
Xả, có phải là cần giữ TÂM BÌNH hay không?

Rất đúng! Không giữ Tâm Bình, không thể nào buông xả được. Tâm có Bình mới có thể giữ được trạng thái như như bất động. Tâm còn vọng động thật khó lòng bước lên cao được, khó có thể thăng hoa.

Con nên nhớ rằng: nếu Tâm không Bình, khi bước lên 1 trong 4 nấc thang đầu tiên, thang sẽ bị lung lay tức khắc, làm sao tiến lên được? Chỉ cần gãy một nấc thôi là cái bước sẽ trở nên quá dài, khó lòng bước lên cho được. Nếu gãy luôn 2 nấc thì chỉ còn có mỗi một cách là đứng nhìn, có muốn leo trèo cũng không thực hiện được đâu!

Điều căn bản cho người bước vào đường tu tập là phải tạo cho mình 4 nấc thang Từ – Bi – Hỷ – Xả thật vững vàng, thật chắc chắn, rồi sau đó mới nói đến việc tạo một Đạo Lực.

Trì Chú hay Niệm Phật đều bắt buộc phải được thực hiện cùng với Tứ Vô Lượng Tâm. Từ Bi Hỷ Xả tạo một ánh hào quang bao trọn cái Tâm. Ánh hào quang của câu thần chú cỡi lên hào quang của Tứ Vô Lượng Tâm, làm cho người hành trì ngập chìm trong ánh hào quang, tạo được một cảm giác thật nhẹ nhàng, thật thoải mái; công năng của câu Thần Chú khi đó mới thực sự triển khai, giúp cho hành giả gia tăng Đạo Lực.

Niệm Phật là niệm Từ Bi Hỷ Xả, chớ không niệm Sân Hận, niệm Tham Lam.

Giữ một Tâm Bình khi Trì Chú, khi Niệm Phật, hào quang của Từ Bi Hỷ Xả sẽ hòa quyện vào hào quang của câu Thần Chú, của lời Niệm Phật, giúp cho việc tu tập của hành giả ngày càng tăng tiến, Đạo Lực càng vững vàng hơn.

Bốn nấc thang đầu tiên Từ Bi Hỷ Xả có liên quan rất nhiều đến việc Sửa Tánh.

Cần phải diệt cho tận gốc, tận rễ cái tánh ích kỷ, tánh ganh tị, đố kỵ, hẹp hòi. Nếu còn sở hữu các Tánh Xấu này, 4 nấc thang đầu tiên sẽ khó lòng đứng vững được. Nói một cách rộng ra, nấc thang Từ hay nấc thang Bi, nấc thang Hỷ hay nấc thang Xả, đều đòi hỏi phải có những cây đinh mang tên Tình Thương, mang tên Chia Sẻ, mang tên Lo Lắng, mang tên Chở Che, mang tên Giúp Đỡ; mang tên Chấp Nhận, mang tên Tha Thứ, chính những cây đinh này mới đủ sức giữ chặt 4 nấc thang đầu tiên của một cái thang cao vòi vọi.

Còn đầy dẫy những tánh xấu, Tâm luôn luôn chao động, sự An Bình không thể nào có được, leo một cái thang cao chót vót mà tay chân luôn run rẩy, không sớm thì muộn, người leo thang cũng sẽ phải rơi khỏi cái thang.

Việc tu tập không khác gì leo núi; người leo núi không thể nào đứng từ dưới đất nhảy vọt lên là ở giữa lưng chừng núi được. Họ bắt buộc phải leo từng bước một, lần dò từ vách núi thấp nhất lên lần … lên lần đến vách núi cao hơn, cho đến khi tới Đỉnh. Không giữ được trạng thái Bình trong suốt cuộc hành trình leo núi của mình, e rằng khó giữ được toàn mạng khi sẩy chân.

Thầy đã từng nhắc nhở rất nhiều lần: Tâm Bình là một Chìa Khóa Lớn, mở được tt cả các cửa, giữ được Tâm Bình mới có thể Thăng Hoa.

Muốn giữ được Tâm Bình, cần phải chu toàn một cách nghiêm chỉnh với tất cả “Kỷ Luật Tự Giác”, với tất cả “Tâm Huyết”, toàn bộ TÂM – Ý –TÁNH của mình.

TÂM không BÌNH
Ý không BÌNH
TÁNH không SỬA

Chắc chắn rằng việc tu tập sẽ không mang đến kết quả như ý muốn !!!

 


+ 97