• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Cách Thức Tự Tu

Aug 25 2014
Grey Wag Tail and Lotus - Fuyi Chen Grey Wag Tail and Lotus - Fuyi Chen

Có một đạo hữu biên thư hỏi về việc tự tu ...

LacPhap.com có một vài ý kiến sau đây về vấn đề TỰ TU:

1/ Đạo Hữu chịu khó đọc trở lại bài Pháp “Mục Đích Của Việc Tu Tập”, nghiền ngẫm, tư duy để thâm nhập cốt tủy.

2/ Trả lời và thực hành 3 câu hỏi về:

  • giữ tâm bình
  • giữ ý không phát khởi
  • giữ tánh không lẫy lừng; can đảm triệt tiêu những thói hư, tật xấu.

Người xuất gia hay người tại gia, nếu tu tập chân chánh, vẫn không ra khỏi 3 câu hỏi này.

Các bài Pháp của LacPhap.com đều có sự liên kết rất chặt chẽ. Nếu chịu khó trau giồi, đọc đi đọc lại và nhất là Tư Duy đúng mức, sẽ giúp cho việc tu tập rất dễ dàng. Tất cả các bài Pháp đều giúp cho việc tạo dựng một căn bản Tu Tập vững chắc.

LacPhap.com tránh sử dụng nhiều từ ngữ Phật Học làm rối trí người mới làm quen với Đạo, khiến cho đa số người tu tập không hiểu thấu đáo lời Pháp, việc thâm nhập và hành Pháp trở nên khó khăn.

LacPhap.com chủ trương dùng những lời lẽ thật bình dị, dễ hiểu trong các bài Pháp để mọi người sẽ không còn cảm thấy sự cản trở trong vấn đề hiểu Pháp.

 

3/ Điều cần ghi nhớ là:

Khi đọc Pháp, phải đọc chậm rãi lần thứ 1. Đọc lần thứ 2 để nắm vững vấn đề. Đọc lần thứ 3 để xem coi bắt đầu tư duy từ đâu? Nếu chỉ “lướt” Pháp thì sẽ vừa mất thì giờ, vừa mất công sức, không đem laị lợi lạc cho bản thân mình. Pháp là ngọn đuốc soi đường giúp cho trí huệ phát sáng, phá tan sự tối tăm, mù mịt của Vô Minh. Không có Pháp, sẽ không thể nào hiểu một cách sâu sắc những nguyên ủy của màn vô minh.

 

4/ Nếu đã phát nguyện tu tập rồi thì phải sắp xếp một chương trình tu tập hẳn hòi:

a) Chánh yếu của việc tu tập là:

  • Làm sao đối phó với nghiệp lực cũ? (đã có từ tiền kiếp)
  • Làm sao để ngưng việc tạo nghiệp lực mới?
  • Khi nghiệp chướng kéo tới làm cách nào để ngăn chận nó?

b) Bao nhiêu thời khóa tu mỗi ngày?

Muốn thực hiện các việc này, điều bắt buộc là phải Sám Hối, chỉ có sám hối mới có thể làm mỏng lần màn vô minh. Sự sám hối phải tha thiết, phải chân thành chớ không phải làm cho lấy có, lấy lệ.

Ngoài việc sám hối, còn phải trì Chúniệm Phật mới phát sinh Trí Huệ, làm ngọn lửa thiêu đốt Vô Minh.

Chú Đại Bi: trì từ 3 biến đến 7 biến (trì càng nhiều càng tốt)
Sau đó, câu cuối cùng: “Án tất điện đô mạn đa ra bạt đà giạ ta bà ha” trì 108 biến.

Lục Tự Đại Minh Chơn Ngôn: trì 30 phút
OM MANI PADME HUM (Phạn ngữ)
ÁN MA NI BÁT DI HỒNG (Việt ngữ)
Công năng và thần lực của Chú ngang bằng với Chú Đại Bi.

Niệm Phật: tối thiểu 30 phút.

Thực hành thời khóa tu sám hối, trì Chú, niệm Phật cũng phải mất khoảng 1.5 tiếng đồng hồ.

Muốn tụng thêm các Kinh khác thì thuộc về một thời khóa riêng chớ không nhập chung vào thời khóa tu Sám Hối, trì Chú, niệm Phật (vì đây là thời khóa thường nhật)

c) Dành thời gian để đọc Pháp, tư duy Pháp.

d) Mỗi tháng một lần, tổ chức một ngày tu Bát Quan Trai tại nhà cho bản thân.

Hành giả nghiêm chỉnh khấn nguyện trước Chư Phật và Bồ Tát:

Con tên là .…. Pháp danh .…., hôm nay con phát nguyện thọ trì Bát Quan Trai Giới trong vòng 12 tiếng đồng hồ, từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối (giờ giấc này có thể thay đổi theo sự tiện nghi của mỗi cá nhân), cúi xin Chư Phật và Bồ Tát tác đại chứng minh.

Trong thời gian 12 tiếng[1], ngoại trừ thời gian để thọ trai và nghỉ ngơi (khoảng từ 1 đến 1 tiếng rưỡi đồng hồ), việc tu tập sẽ được sắp xếp như sau:

  • Hành giả bắt đầu với Kinh Lăng Nghiêm (riêng Chú Lăng Nghiêm phải trì cho thật nhiều, khoảng 15 phút, xong hồi hướng cho tất cả những sinh vật trong vùng mình ở như chó, mèo, chim chóc, gà vịt v..v…, giúp cho các loài súc sanh này có được chút trí huệ để sau khi thoát kiếp súc sanh, trở lại làm người, sẽ biết tu tập, tìm cầu giải thoát).

ĐẠI PHẬT ĐẢNH THỦ LĂNG NGHIÊM TÂM CHÚ

Án! A na lệ, tỳ xá đề, bệ ra bạt xà ra đà rị, bàn đà bàn đà nể, bạt xà ra bán ni phấn, hổ hồng đô lô ung phấn, ta bà ha. (Việt ngữ)

Om! Anale anale, visada visada, bandha bandha, bandhani bandhani, vaira vajyra-pani phat, hum bhrum phat, svaha. (Phạn ngữ)

  • Sau đó là vào thời khóa Sám Hối, trì Chú, niệm Phật. Trong thời gian thọ Bát Quan Trai Giới, cố gắng trì Chú, niệm Phật nhiều hơn.
  • Có thể chọn một vài bạn Đạo thích hợp với mình để cùng tu chung trong ngày thọ Bát Quan Trai Giới. Đây là dịp để cùng nhau chia sẻ sự tư duy của mình về Đạo; cùng đọc một bài Pháp hoặc một đoạn Kinh nào đó, rồi thì cùng nhau bàn bạc. Nếu có một vài vướng mắc, không thông suốt thì có thể suy nghĩ thêm sau khi đã tu xong.
  • Ráng giữ cho mình một kỷ luật tự giác, ngày thọ Bát Quan Trai Giới, tránh bàn chuyện thị phi, không nói chuyện ngoài đời, chỉ thuần việc Đạo mà thôi.

 

5/ Việc tu tập là cho bản thân mình, sự lợi lạc của mình. Kết quả tốt đẹp của việc tu tập là một hành trang quý giá mang theo vào giờ phút lâm chung.

Khi đã hiểu rõ những nguyên tắc căn bản của việc tu tập, với một lời phát nguyện chí thành tha thiết, với một tâm lực thật tràn đầy thì bất kỳ ở nơi nào, cũng có hình bóng của Như Lai. Trong tận nơi hang cùng, ngõ hẹp, không một mái chùa, không bóng dáng của bất cứ một vị Tăng Ni nào, điều đó không có nghĩa rằng không có sự hiện diện của Đạo Pháp.

Một người phát tâm tu tập, vừa khởi lời phát nguyện thì có biết bao nhiêu sự ủng hộ của Chư Thiên, Chư Thánh, Chư Thần, Già Lam Hộ Pháp… Người đó không cô đơn tu tập, không lẻ loi tu tập, vì các Đấng Từ Bi hiện diện trước mặt người đó để mỉm cười khuyến khích và cổ võ. Càng ẩn tu, càng tránh thị phi, bớt đi phiền não, giảm lòng sân hận, không tạo cơ hội cho Tự Ái nổi lên, có nhiều thời gian hơn để nghiền ngẫm những thói hư tật xấu và mạnh tay tiêu diệt nó.

 

6/ Song song với việc tu tập là làm Hạnh Bố Thí, chúng sanh khổ sở đầy dẫy, vô số, có biết bao nhiêu cách để bố thí ngoài việc bố thí bằng tài vật cho những người kém may mắn:

  • Người tu tập chân chính đem điều hiểu biết của mình về Đạo Pháp, an ủi, giúp đỡ, chỉ dẫn cho kẻ lạc đường, quờ quạng trong bóng đêm. Người đó đã làm một công đức vô lượng vô biên, đưa được người trong tối bước ra ngoài ánh sáng.
  • Giúp đỡ một người siêng năng, cần cù, ham học nhưng thiếu phương tiện cũng vẫn là một sự đóng góp lớn lao vào việc đào tạo những “trí tuệ lớn” cho xã hội, cho Quốc gia.
  • Giữ cho mình một tư cách đúng nghĩa của người tu tập là một việc vô cùng quý giá, làm gương sáng cho thế hệ trẻ và dẫn đường cho con cháu mình biết tránh hầm hố, chông gai của một cái Tâm luôn vọng động, một cái ý luôn điên đảo, sôi sục và cái Tánh quá lẫy lừng, luôn khởi phát.

 

7/ Càng tu tập, trí huệ càng phát sáng, sự mong cầu càng giảm đi, tánh xấu luôn được bào mòn, lâu ngày sẽ thấy Tâm an ổn, thanh tịnh và thường phát khởi những ý tưởng cao thượng. Mọi việc xảy đến với mình, trong đời sống hằng ngày, cũng sẽ được giải quyết rất ổn thỏa nếu không muốn nói là dễ dàng. Nhờ Tâm ở trạng thái Bình, nên sự phân định đúng sai, nên hay không nên, sẽ không còn khó khăn như trước nữa.

Nói tóm lại, nếu đã có một căn bản vững chắc về việc tu tập, đã có một chương trình tu tập được quy định rõ ràng, và nhất là luôn luôn đặt kỷ luật tự giác lên hàng đầu thì việc TỰ TU vẫn mang đến một kết quả tốt đẹp.

Ngồi trước Đạo Tràng là những giờ phút lắng đọng tâm tư, phải tập thản nhiên không thụ đắc những gì xảy ra chung quanh mình. Trước mặt mình là Chư Phật, Chư Bồ Tát, tất cả đã sẵn sàng để cùng tu chung với mình. Giữ Tâm thanh tịnh suốt thời khóa tu, cố gắng làm giảm thiểu tối đa “Tâm viên Ý mã”, từ từ sẽ tạo cho mình một thói quen và việc tự tu không còn là một điều khó khăn nữa.

LacPhap.com có đôi lời chia sẻ cùng Đạo Hữu. Kính chúc Đạo Hữu cùng tất cả các Bạn Đạo luôn được An Bình và thu thập nhiều kết quả tốt đẹp trong việc tu tập.

__________________

[1] - Bát Quan Trai: Cần phải hiểu rằng ý nghĩa của Bát Quan Trai Giới không nhất thiết chỉ trong một ngày đâu. Người tu tập đúng nghĩa, ngày nào cũng phải là ngày Bát Quan Trai, không nhất thiết chỉ trong 24 giờ. Vì sao? Điểm chánh yếu là thời gian Bát Quan Trai, hành giả bắt buộc phải khép mình vào khuôn khổ, không buông lung tư tưởng cho đến thân thể của mình. Tâm phải giữ cho bình, ý không được vọng động để tánh xấu không đựợc nổi lên. Giữ được tâm bình trong một khoản thời gian, là một điều không phải dễ đối với chúng sanh, do đó, không đòi hỏi nhiều hơn nữa, vì nhiều hơn nữa, chúng sanh vô phương làm được.


+ 65