• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Đạo Hiếu

Sep 04 2015
Đạo Hiếu 164649821

Đạo Hiếu là một đề tài mà Người Đời đã tốn rất nhiều văn chương, chữ nghĩa, bút mực để diễn tả, để ca ngợi, để nói về.

Tại sao người ta thường hay đồng hóa Đạo Hiếu với Ngài Mục Kiền Liên?

Ngài Mục Kiền Liên đã vì tình thương yêu sâu đậm đối với Mẹ của mình đang chịu cảnh trầm luân, đọa đày nơi địa ngục, tha thiết khẩn cầu Đức Thế Tôn giúp cho mình làm tròn chữ Hiếu. Tấm lòng Hiếu Thảo của Ngài Mục Kiền Liên đã cảm động được Đức Thế Tôn, cho nên Ngài đã hết lời chỉ bảo, dẫn dắt cách thức để cảm hóa mẹ hiền, phá tan cửa ngục, cứu mẹ thoát cảnh đọa đày.

Đức Thế Tôn cũng nhân cơ hội đó mà nói Kinh Phụ Mẫu Báo Trọng Ân. Lời Kinh thật muôn vàn cảm động, khuyên tất cả chúng sanh đừng bao giờ phụ bỏ ơn sanh thành dưỡng dục của mẹ cha. Đó là những Người đã chia sẻ máu thịt để tạo nên hình hài của mình, đã vì mình mà chịu trăm cay nghìn đắng, và đã đem hết sức lực, tâm lực để nuôi dưỡng mình nên vóc, nên hình.

Đạo Hiếu vô cùng quan trọng! Là một chúng sanh trên Cõi Đời, không ai có thể thoát được Đạo Hiếu cả.

Không ai có thể tự tạo cho mình một hình hài hiện hữu trên thế gian mà không qua sự chia sẻ máu thịt với Đấng Sanh Thành của mình.

Có ai mà không do Mẹ Cha sanh ra?

Dù cho khoa học kỹ thuật hiện đại có tân tiến vượt bực, đã tạo ra những đứa bé không cần đến sự ấp ủ, chở che của bụng mẹ, đứa bé cũng vẫn phải cần đến tinh cha huyết mẹ kết lại thành thai noãn mà tượng hình. Hay cho dù đó là một kẻ mồ côi, sống nương tựa vào tình thương của ai đó, cũng vẫn không thể chối từ Đạo Hiếu với người đã dưỡng nuôi mình. Sanh Dưỡng Đạo Đồng! Dù chỉ có công nuôi dưỡng, dạy dỗ, công đó cũng vẫn được sánh bằng núi Thái. Đạo Hiếu đến với tất cả mọi người, một con người đúng nghĩa trong Phép Đối và Đãi của con cái với bậc sanh thành.

Một điều quan trọng cần phải luôn ghi nhớ là: Nghiệp Lực ảnh hưởng rất lớn lao đến Đạo Hiếu.

Kính bạch Sư Phụ,
Có những đứa bé vừa mới chào đời, trong vòng tay của mẹ cha nhưng đã khóc thét, không cách gì vỗ nín được cho đến khi sang tay qua người khác mới chịu dứt tiếng khóc. Đây có phải là dấu hiệu của một nghiệp lực nặng nề đã xảy ra giữa đứa bé cùng với người cha hoặc người mẹ hay không?

Đúng vậy! Tiếng thét của đứa bé là một dấu hiệu cho biết rằng oan trái rất sâu dày đã xảy ra giữa đứa bé cùng với cha mẹ của nó trong quá khứ và ngày hôm nay, ở hiện kiếp, mọi việc sẽ bắt đầu bằng nước mắt.

Kính bạch Sư Phụ.
Trước tình cảnh như vậy, bậc làm cha mẹ sẽ phải đối phó với nghiệp chướng xảy đến với mình như thế nào?

Cần phải ghi nhận rõ ràng 02 trường hợp có thể xảy ra:

Trường hợp thứ nhất: đứa bé sanh ra Đời để đòi Nợ (đứa bé là CHỦ NỢ)

Trường hợp thứ hai: đứa bé hiện diện trên cõi Đời để trả Nợ (đứa bé là CON NỢ)

A. TRƯỜNG HỢP THỨ NHẤT

  • Tiếng khóc thét không dứt của đứa bé còn nằm trong vòng tay của cha hay mẹ.
  • Vừa mới lọt lòng Mẹ đã phải bắt đầu một sự chửa trị tốn hao rất nhiều tiền bạc và công sức của Mẹ Cha.
  • Rất nhiều việc không may xảy đến cho Cha mẹ sau ngày đứa bé chào đời.

Đây là tất cả những dấu hiệu nói lên tính cách “CHỦ NỢ” của đứa bé.

Thông thường thì cha mẹ bị “làm khổ” nhiều ở sự bệnh hoạn, ốm đau của đứa bé. Nếu nó là một chủ nợ thì cha mẹ sẽ khó sống yên, đứa nhỏ cứ nay đau mai mạnh, đôi khi bị nhiều tật bệnh thật trầm kha, tưởng có thể chết được. Tiền bạc, công sức cứ tuôn ra mà lo cho đứa bé. Có đôi lúc hoàn cảnh gia đình buộc ràng (như đứa con là cháu đích tôn, nối dõi tông đường, hoặc người Mẹ chỉ có thể một lần sanh nở mà thôi v.v…) khiến cho cha mẹ dù có phải bán nhà, tiêu hao tài sản, vay mượn khắp nơi cũng vẫn phải cắn răng, bấm bụng mà chịu đựng để lo cho đứa bé được bình an, khỏe mạnh.

Có một điều đáng nghi nhận là: nếu đứa bé là Chủ Nợ, tình thương của cha mẹ đối với đứa bé sẽ rất là tha thiết, khó diễn tả, khiến cho cha mẹ không đành lòng dừng bước trong việc chạy chữa cho con của mình. Có những lúc đứa nhỏ bệnh triền miên, gần như không có một ngày nào dứt bệnh, bậc làm cha mẹ phải hiểu rằng: “đây là Chủ nợ của tôi!”

Nhận định được điều đó để thấy rằng Nghiệp Chướng rất công bình, có vay thì có trả, vay nhiều thì trả nhiều, vay ít thì trả ít. Đã gọi là vay trả thì không thể than Trời, trách Đất được, không thể “đùn” Nghiệp Chướng đó cho kẻ khác lãnh giùm mình được.

Một điều cần phải khắc ghi là: Tuyệt đối Không bao giờ trút tất cả sự sân hận, phiền muộn lên đôi vai mỏng manh yếu ớt của đứa bé. Làm như thế chỉ khiến cho Nghiệp Lực càng nặng nề hơn, khó lòng bôi xóa.

Cần phải sáng suốt giải quyết theo đúng đường lối sau đây:

Về mặt vật chất:

Dĩ nhiên là cha mẹ phải làm tròn bổn phận của Đấng sanh thành: Chạy chữa, thuốc men, chăm sóc, lo lắng cho đứa bé. Việc chữa trị có khi đi kèm với số y tế phí lớn lao khiến cho cha mẹ có đôi lúc không kham nổi, phải vay mượn, tạo nợ nần. Những khó khăn về tài chánh có khi khiến mẹ cha bực bội, gây gổ nhau, gia đình kém đi niềm hòa thuận. Cần phải giữ bình tĩnh để trấn áp sự bực dọc. Đừng hành động theo thói thường của người Đời là trút giận lên đứa nhỏ.

Phải luôn luôn ghi nhớ rằng: vay như thế nào thì sẽ phải trả như thế nấy!

Về mặt tâm linh:

Khi nhận ra đứa bé là “Chủ Nợ”, bậc làm cha mẹ phải đem hết Tâm Thành mà ăn năn sám hối nghiệp chướng mình đã gây tạo nên. Phải tha thiết sám hối với oan gia, chính là thần thức của đứa con của mình.

Cha mẹ phải vừa dốc lòng tu tập, vừa làm hạnh bố thí, đem tất cả công đức đó hồi hướng cho đứa bé để nghiệp chướng giữa đôi bên được sớm tiêu trừ. Tất cả những việc làm gì có tính cách tốt đẹp, ích lợi cho kẻ khác cũng đều vì đứa nhỏ mà làm và hồi hướng công đức lại cho đứa bé.

Người đời ít ai để ý đến việc này, con cái bệnh hoạn, tốn hao tiền bạc đôi khi lên đến bạc trăm ngàn hay bạc triệu, nhưng không bao giờ nghĩ đến việc làm giảm đi cường độ của nghiệp lực.

Chân thành tu tập, sám hối, ăn năn, bố thí với danh nghĩa của đứa bé, nhân danh đứa con của mình mà làm muôn điều lợi lạc cho cá nhân, cho đoàn thể, cho xã hội, từ từ nghiệp chướng sẽ giảm lần cho đến khi nghiệp chướng đi ngược dòng lại, có nghĩa là một sự tiếp tay giữa đôi bên (cha mẹ và con cái) để tạo nên một hạnh phúc viên mãn.

Chúng sanh khi đã hiểu rõ tường tận nguồn căn sẽ không còn cảm thấy khổ đau, cực nhọc khi phải chăm sóc cho đứa con nhiều tật bệnh.

B. TRƯỜNG HỢP THỨ HAI

Nếu đứa nhỏ là “CON NỢ”, sẽ thấy ngay là: nó rất dễ nuôi, không phá phách, không gây điều tổn hại cho mẹ cha.

Nhưng phải biết rằng: nếu đứa nhỏ là Con Nợ thì cha mẹ nó phải là Chủ Nợ của nó. Đôi khi lại xảy ra phản ứng ngược là cha mẹ Chủ nợ này lại ghét cay ghét đắng đứa bé vì có thể cho rằng đứa nhỏ ra đời không đúng lúc, và sự chăm sóc đứa nhỏ cũng không đúng mức. Đứa nhỏ lớn lên không nhận được sự dạy dỗ kỹ càng, lòng thương yêu trìu mến của Đấng Sanh Thành. Cũng có khi ngay từ thuở sơ sinh cho đến lúc tập tễnh, mở trí được chút ít, đứa bé không tìm được một chút ấm áp nào trong vòng tay của mẹ hoặc cha. Nó cảm thấy bị hất hủi và không được ngó ngàng tới. Cha mẹ thì cứ tiếp tục sự thờ ơ và đôi khi còn tỏ ra hãnh diện vì đứa nhỏ lớn lên không đòi hỏi sự chăm sóc nhiều, cha mẹ tự cho rằng mình có phước, không phải cực nhọc với con cái, không bị con cái quấy rầy, đem điều bực dọc, tốn hao cho mình.

Đó là chưa kể việc đem con của mình vất bỏ hay cho kẻ khác.

Kính bạch Sư Phụ,
Có phải rằng cái quả không lành đó của đứa bé là kết quả của cái Nhân mà đứa bé đã từng gieo trong quá khứ, cho nên ngày giờ này ở hiện kiếp, bị chính cha mẹ mình hất hủi, bạc đãi?

Những điều con nói đó thuộc về bài học, không nằm trong vòng nghiệp lực.

Trường hợp này có liên quan đến nghiệp lực giữa đứa con và cha mẹ: cha mẹ là CHỦ NỢ, đứa con là CON NỢ, cả hai bên tạo oan trái với nhau từ quá khứ và cần phải thanh toán nghiệp lực trong hiện kiếp.

Trong trường hợp này, cha mẹ làm hủy mất đi Bổn Phận, Trách Nhiệm của Bậc Sanh Thành.

Bổn Phận, Trách Nhiệm của Bậc làm cha mẹ lại là đầu dây khởi nên ĐẠO HIẾU.

Đứa con vì nhận thấy rằng cha mẹ đã chu toàn cho mình quá nhiều, đã quá thiết tha, quá lo lắng, không nệ hà bất kỳ một điều gì để đem lại niềm Hạnh Phúc cho mình, một sự ĐỐI quá tốt, quá lớn lao, phải được ĐÃI lại bằng sự HIẾU ĐẠO.

Nhưng nơi đây, vì có vướng vào nghiệp lực, cho nên cha mẹ đã hành xử không tròn bổn phận và trách nhiệm đối với đứa nhỏ khi cha mẹ đóng vai trò “CHỦ NỢ”. Đây là điểm sai lầm thứ nhất.

Điểm sai lầm thứ 2:

Cha mẹ không đem hết tâm tư của mình để dạy dỗ đứa nhỏ cho nên Người, cho đúng với Đạo Nghĩa làm Người, đã bỏ mặc buông xuôi, để cho đứa nhỏ tự lớn lên, hoặc là dạy dỗ một cách thờ ơ, làm cho đứa nhỏ thay vì trở thành một người TỐT trên Dương Thế thì lại trở nên một người không ra gì.

Điểm sai lầm thứ 3:

Khi trở thành “chủ nợ”, bậc làm cha mẹ có nhiều cơ hội để hất hủi đứa nhỏ; sự bạc đãi càng lúc càng gia tăng sẽ gieo vào đầu đứa nhỏ những ý tưởng đen tối, kém thân thiện về Đấng Sanh Thành của mình. Từ điểm đó, đứa bé có thể đâm ra oán ghét những người thương yêu con cái mình thật sự và nảy sinh lòng ganh tị, đố kỵ, hờn ghen đối với những đứa trẻ được sự nâng niu, chiều chuộng của mẹ cha.

Đôi lúc, cảnh huống càng trầm trọng, nặng nề hơn khi đứa bé “con nợ” này vì thiếu người dẫn dắt, đã bộc lộ tánh ganh tị của mình qua những hành động gây tai hại, thương tích hoặc xúc phạm đến những đứa trẻ mà nó cho là hạnh phúc, là may mắn hơn nó.

Vô tình nó đã gây nên nghiệp chướng với những đứa trẻ khác. Từ một nghiệp chướng nặng nề chưa giải quyết xong, lại vòng quấn thêm một hay nhiều nghiệp chướng khác tương quan.

Người tu tập chân chính khi nhận thức rằng đứa con mình sanh ra không đem đến cho mình bao sự phiền hà, muôn điều cực nhọc, đứa con rất ngoan, nếu không muốn nói là “tử tế” với mình, tức khắc phải hiểu rằng đứa nhỏ này có dây tơ rễ má Nghiệp Lực với mình và nó chính là “Con Nợ” trong một oan trái giữa mình và nó trong quá khứ.

Khi nhận biết được Nghiệp Lực giữa cha mẹ và đứa con “Con Nợ”, người biết tu tập tức khắc phá vòng Nghiệp Lực ngay bằng cách làm đúng bổn phận của một Đấng Sanh Thành. Sanh đứa bé ra, cho nó chào đời, cho nó một cuộc sống thì phải tìm cách nuôi dưỡng nó, lo lắng, chăm sóc cho nó, dù rằng nó “tử tế” bao nhiêu cũng vậy, cũng vẫn làm đầy đủ bổn phận của một Đấng Sanh Thành.

Trong việc nuôi dưỡng và dạy dỗ đứa nhỏ nên thể hiện lòng Từ Bi, chỉ dạy tận tình, hướng dẫn cho đứa nhỏ biết tu tập, biết sám hối ăn năn; dù nó không biết đích xác được rằng chính nó đã tạo ra một oan trái lớn với cha mẹ nó từ trong tiền kiếp, những lời ăn năn sám hối của nó khi tu tập sẽ xuất phát từ Tâm Thành của chính nó, như thế mới làm tiêu đi được nghiệp chướng mà nó đã gây tạo nên.

Bậc làm cha mẹ, mỗi khi tu tập, cũng hoan hỉ tha thứ hết tất cả những lỗi lầm mà đứa nhỏ đã gây tạo với mình trong kiếp quá khứ. Như vậy, vòng nghiệp lực được hóa giải và đồng thời giúp cho một chúng sanh được phát Trí Huệ của mình và trở nên một người sống xứng đáng với Đạo Nghĩa làm Người, có thể có được một cuộc đời thăng hoa trong tương lai.

Người tu tập, nhất cử nhất Động đều dùng Trí Huệ để phán đoán, để hiểu rõ thực chất của mọi việc xảy ra, nhất là nguyên ủy của vấn đề. Nắm vững được nguyên nhân mới có thể biết được những gì mình cần phải làm và có bổn phận phải làm.

Như thế mới không bị du vào một Nghiệp Lực khác “quái ác hơn”!

Bậc làm cha mẹ thiếu suy nghĩ, thiếu tu tập sẽ hoặc vô tình hoặc cố ý đẩy con cái của mình vào những hoàn cảnh, những công việc xét ra chỉ có lợi cho mình mà hoàn toàn bất lợi hay tai hại cho đứa con.

Điều này chắc chắn rằng cha mẹ đã tự quàng vào cổ mình một nghiệp chướng khác, nặng hay nhẹ tùy theo mức độ của cái MUỐN của mình và ở việc ĐÒI quá nhiều nơi đứa con “Con Nợ” của mình.

Cả hai trường hợp, đứa con là “chủ nợ” hay đứa con là “con nợ”, đều có liên quan đến Đạo Hiếu rất nhiều. Dưới sự khéo léo hướng dẫn của Bậc làm Cha Mẹ biết tu tập, đứa con nào cũng sẽ làm tròn Đạo Hiếu một cách tốt đẹp.

Đạo Hiếu còn là đầu mối cho tất cả những hành vi THIỆN của đứa con trong tương lai; tương lai đó bao gồm luôn cả những thế hệ sắp tới!

Bậc làm cha mẹ biết tu tập rất là hữu ích, vừa giúp cho chính bản thân mình, vừa giúp cho con cái mình và cũng giúp luôn cho những thế hệ con cháu mai sau. Nếu bậc làm cha mẹ không sáng suốt, không cư xử, đối đãi với con cái mình một cách đúng mức, sẽ làm cho Đạo Hiếu không thể nào vượt cao lên được, sẽ vô tình khiến cho con cái mình có thể rơi vào những nghiệp chướng nặng nề, và khi bỏ thân xác rồi sẽ lại phải vướng vào những nghiệp chướng tương tự … cứ tiếp tục… tiếp tục không bao giờ chấm dứt.

Nói đến Đạo Hiếu, đừng nên nói suông, chỉ có một chiều. Đạo Hiếu gây nên tác động hai chiều:

  • Thái độ của Bậc làm cha mẹ có ảnh hưởng rất nhiều đến việc hành xử Đạo Hiếu của đứa con.
  • Đứa con sẽ nhìn vào cách cư xử của cha mẹ đối với con cái để thẩm định Đạo Hiếu của mình.

Có khi đúng lý ra, đứa con hành xử Đạo Hiếu 10 phần, nhưng vì thái độ, hành động, cách cư xử và nhất là tính cách trân quý của cha mẹ đối với đứa con, khiến cho cường độ của Đạo Hiếu bị giảm sụt, còn lại chỉ 7, 8 phần mà thôi. Đôi khi chỉ số đó còn thấp hơn nữa và đôi lúc cũng hoàn toàn biến mất.

Vì vậy, bậc làm cha mẹ, dù đang ở vị thế Chủ Nợ hay Con Nợ, vẫn phải luôn luôn hiểu rõ rằng, Nghiệp Lực tác hại vô cùng, dù tình thế có thuận lợi cho mình hay nghịch lý với mình, cũng đều phải hành động, xử sự đúng với Đạo Nghĩa làm Người, đúng với tư cách của một người tu tập. Nghiệp lực cho dù có xảy ra cũng sẽ không quá nặng nề đâu. Sự siêng năng tu tập sẽ mang điều phúc lợi, giúp cho việc đối phó với nghiệp chướng được dễ dàng hơn nhờ ở Trí Huệ sáng suốt. Việc tu tập cũng giúp cho con cái của mình có được một cuộc sống thăng hoa, không đắm chìm trong biển khổ, khó có cơ hội tạo thêm nghiệp chướng.

Tu tập là chuyển sửa lại những gì không được như ý và giúp cho cuộc sống của mình được An Bình, Thanh Tịnh, đúng như ý mình mong muốn.

ĐẠO HIẾU KHI CHA MẸ ĐÃ QUÁ VÃNG

Kính bạch Sư Phụ,
Khi cha mẹ đã quá vãng rồi, phải làm sao để chu toàn Đạo Hiếu?

Tỏ dạ Hiếu Đạo với cha mẹ đã quá vãng không thể nào bằng mâm cao, cỗ đầy được! Vì sao? Vì người con không biết được rằng cha mẹ tôi đã thác sanh vào cõi nào?

  • Nếu ngày giờ này cha mẹ tôi đang bị đọa đày nơi chốn tam đồ, chắc chắn rằng sẽ không thể nào có cơ hội để hưởng mâm cao cỗ đầy của tôi dâng cúng.
  • Nếu cha mẹ tôi đã tìm được chỗ thác sanh nơi cõi người, với thân xác mới, họ đâu còn dịp để hưởng những thức ăn của tôi nữa.
  • Là một Thiên Chúng của Cõi Trời hay là một Thánh Chúng của cõi Cực Lạc, cha hay mẹ của tôi lại càng không thể hưởng mâm cỗ mà tôi tự tay nấu nướng dâng lên để cúng.

Do đó, không thể nào tỏ dạ Hiếu Thảo của mình qua mâm cao, cỗ đầy được.

Đạo Hiếu chỉ có thể biểu lộ qua sự tu tập của mình mà thôi đối với cha mẹ đã quá vãng!

Khi mình tu tập là mình tạo nên chút ít công đức, dùng công đức đó hồi hướng cho cha mẹ. Dù cha mẹ đang ở bất kỳ cảnh giới nào:

  • Đang quằn quại khổ đau trong địa ngục do chính mình tạo ra, hay đang thúc thủ trong một màu đen tối âm u của thân xác thú hoặc sống kiếp Ngạ quỷ, ôm một nỗi sân hận ngập tràn.
  • Cũng có thể đã trở lại Cuộc Đời qua thân xác mới.
  • Hay ung dung, tự tại nơi Cõi Trời hoặc miền Cực Lạc.

Trong 6 nẻo luân hồi, các Đấng Sanh Thành của mình đều tiếp nhận được CÔNG ĐỨC mà đứa con hiếu thảo đã hồi hướng cho mẹ cha.

Nếu mẹ cha đang bị đọa Tam Đồ, công đức hồi hướng do công năng tu tập của đứa con sẽ tích lũy mỗi ngày một chút (không khác gì đồng tiền ở Thế Gian), một khi công đức đã đủ đầy rồi, mẹ cha thoát kiếp đọa đày, ung dung tìm nơi thác sanh theo nghiệp kế tiếp của mình.

Dù cha mẹ hiện đang có mặt trên Cõi Đời với thân xác mới, cũng vẫn tiếp nhận được công đức do đứa con tiền kiếp của mình hồi hướng cho. Công đức càng sâu dày, phúc lợi càng lên cao, cha mẹ càng lợi lạc, sung mãn.

Ở cõi Trời xa hay tận miền Cực Lạc, cha mẹ vẫn hoan hỉ nhận sự hồi hướng công đức của con cái. Công đức đó giúp cho cha mẹ được gia tăng Phước Trời; nơi cõi Cực Lạc Phương Tây, sự hồi hướng công đức dự phần rất lớn lao, giúp cho Thánh Chúng (cha mẹ của mình) không phải kéo dài thời gian nơi thai sen.

Vì vậy, Đạo Hiếu đối với những người có cha mẹ đã khuất bóng có tương quan chặt chẽ với sự tu tập của con cái. Càng tu tập, càng hồi hướng công đức, càng giúp cho cha mẹ thăng hoa, lợi lạc, hưởng nhiều điều tốt đẹp.

Phải nên nhớ rằng: công đức hồi hướng phải do chính đứa con chân thật tu tập, đem hết tâm thành tu tập, cha mẹ mới hưởng được một cách trọn vẹn.

Nếu nhờ người khác tu tập thế cho mình, kết quả chưa chắc đã trọn vẹn:

  • Nếu người làm công việc đó không đem hết tâm thành để giúp đỡ cho hương linh.
  • Nếu người đó không phải là bậc tu chân chánh, không quyết tâm tu tập, chỉ cốt hưởng lợi.
  • Nếu người đó không có khả năng để làm.
  • Nếu người đó không chân thật, trước mặt thì tỏ dạ ân cần nhưng sau lưng thì dải đải, hoặc làm cho lấy có.

Kết quả thì tiền mất tật mang, lãng phí thì giờ, cha mẹ mình không được hưởng gì hết, trước sau như một, không được thăng hoa ở một cảnh giới nào cả.

Thôi thì tự mình tu tập:

  • Kết quả công đức 7 phần, cha mẹ hưởng được 1 phần, mình cũng hưởng được 6 phần, cả đôi bên đều lợi lạc.
  • Việc tu tập không nặng nhọc, hoàn toàn có lợi cho bản thân mình. Tâm Tư mình luôn An Lạc, nghiệp chướng được tiêu trừ, căn lành được tăng trưởng, cuộc sống An nhiên, nhiều Tự Tại.
  • Tự tay mình chăm sóc phần HỒN cho mẹ cha, tất cả tâm tình, lòng yêu thương dạt dào để vào trong từng lời Kinh, từng lời tha thiết nguyện cầu, đó mới thể hiện một cách sâu xa và đích thực là ĐẠO HIẾU.

Kính bạch Sư Phụ,
Việc hồi hướng phải được thực hiện bởi chính người thân: con cái hay cháu nội, ngoại (trực hệ) mới có kết quả tốt. Nếu là do người không trực hệ thì kết quả sẽ không như ý. Điều này đúng hay sai?

Bất kỳ một người nào có cùng một dây máu mủ với hương linh, hồi hướng công đức tu tập cho Hương Linh đều đem lại Kết quả rất nhanh chóng và lớn lao.

Nếu việc hồi hướng công đức tu tập do một người không phải là cật ruột, hoặc là trực hệ với Hương Linh, cũng vẫn mang đến kết quả tốt đẹp nếu người đó đem hết tâm lực của mình, chí tâm tu tập, và chí cốt nguyện cầu cho Hương Linh, làm công việc hồi hướng chỉ cho chính Hương Linh đó mà thôi, kết quả vẫn rất là TRỌN VẸN.

Tuy nhiên, nếu trong hàng trực hệ như:

Con cái tu tập hồi hướng cho Cha Mẹ
Con cháu tu tập hồi hướng cho Ông Bà
Anh chị em tu tập hồi hướng cho lẫn nhau

Kết quả sẽ rất cao vì có trực hệ ở trong đó nên sự rung động sẽ rất nhanh.

Ngày mẹ cha còn sống, mình tự tay nấu nướng thức ăn ngon dâng lên cho Đấng Sanh Thành. Ngày mẹ cha khuất bóng cũng chính tay mình nâng niu, chăm sóc, lo lắng cho phần Hồn của Từ Thân.

Tình nào dạt dào bằng Tình Cha với Mẹ
Nghĩa nào sâu thẳm bằng nghĩa Sanh Thành

Đáp lại ơn sâu nghĩa nặng của Mẹ Cha, không có gì bằng giúp cho Đấng Sanh Thành tìm được một cảnh giới tốt đẹp để đi về.

Ngày Mẹ Cha còn sống, Đạo Hiếu đã được hành xử thiên về vật chất nhiều hơn.

Khi Mẹ Cha không còn hiện diện ở cõi Đời nữa, Đạo Hiếu phải được thể hiện một cách thiết thực qua việc hồi hướng công đức tu tập, công đức bố thí của con cái. Đó là cách duy nhất và chỉ 1 mà thôi để giúp cho Cha Mẹ của mình tìm được một hướng đi tốt đẹp.


+ 113