Thần Chú là câu nói phát ra từ Tâm và Ý của Chư Phật và Bồ Tát.
Trước một sự việc xảy ra, trong một hoàn cảnh nào đó, một cảnh huống nào đó, hoàn toàn không dính líu vào một nghiệp chướng nào cả, sự nhanh nhẹn cứu vớt người phước đức gặp nạn tai, hoặc để hoán chuyển chớp nhoáng một tình huống nào đó, Chư Phật và Bồ Tát sẽ thốt ra một câu nói, thường là ngắn gọn để giải quyết ngay tại chỗ, liền tức khắc, những khó khăn xảy đến.
Một câu nói có tính cách hóa giải được sự bất trắc, chuyển xấu thành tốt, chuyển bại thành thắng thì đương nhiên phải gọi nó là Thần Chú.
Tuy nhiên, điều cần phải ghi nhận là: lời nói đó tuy nói ra bằng miệng, nhưng nó xuất phát từ ở Tâm và Ý của Chư Phật và Bồ Tát. Tâm Ý của Chư Phật và Bồ Tát là một Tâm Ý “rỗng”, có nghĩa là một gương phẳng lặng, hoàn toàn trong sáng, không có bất kỳ một tỳ vết nào cả, cho nên dễ dàng tiếp nhận tất cả những gì chiếu vào và phản chiếu trở lại.
Trì Chú là lập lại câu Thần Chú của Phật và Bồ Tát; vì câu Thần Chú xuất Phát từ Tâm Ý của Phật và Bồ Tát nên nó mang tính chất “TRÍ HUỆ”. Do đó, trì Chú là đem ánh sáng phản chiếu từ Tâm Ý của chư Phật và Bồ Tát vào Tâm Thức của Hành Giả, đào luyện nó mỗi ngày một chút, để cho ánh sáng đó luân lưu khắp trong cơ thể của mình, hòa lẫn với chân khí để tạo thành một vòng hào quang bao quanh cơ thể như một khí cụ chở che, chống lại sự xâm nhập của độc khí hay tà khí, trược khí từ bên ngoài vào trong cơ thể.
Người tu tập chân chính, siêng năng trì Chú sẽ lần hồi tạo cho mình một màn chắn Hào Quang bao bọc từng bộ phận của nội tạng. Do đó, càng tu tập, càng ít bệnh hoạn, cuộc sống có phần thơ thới, nhẹ nhàng. Tuy rằng vẫn phải đối phó với nghiệp lực luôn xảy tới, nhưng với công năng tu tập, lúc nào cũng chân thành sám hối, ăn năn, luôn hành trì bố thí, hồi hướng công đức tu tập cho các oan gia trái chủ, bên cạnh đó không ngừng việc đào luyện trí huệ qua việc trì Chú và niệm Phật. Trí huệ gia tăng giúp cho hành giả minh mẫn, vừa lợi ích cho bản thân mình mà cũng vừa làm cho oan gia chủ nợ của mình hài lòng vì mình cũng chia sẻ một phần trí huệ đó cho họ qua việc hồi hướng.
Trí huệ gia tăng, Tâm thức ngời sáng, tất cả các thức như bừng lên, nhứt cử, nhứt động của người tu tập tựa như đang được theo dõi thật khít khao, sát nút, khó lòng có cơ hội để tạo sự sai lầm, gây nên nghiệp chướng. Nhờ có ngọn đèn Trí Huệ mà người tu tập sẽ nhận rõ để tránh né hầm hố, chông gai, cạm bẫy, đường về Cực Lạc sẽ bớt đi sự cực nhọc và trở nên thênh thang hơn.
Kính bạch Sư Phụ,
Mỗi lần trì Chú, bắt buộc phải trì bao nhiêu câu thần Chú là đủ? Ở thể loại nào? Thời gian trì Chú phải là bao nhiêu lâu?
Nếu nói về thể loại của câu thần Chú thì con cứ tính đi, từ ngày Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật chứng quả vị Phật và trở nên vị Giáo Chủ của cõi Ta Bà, đến nay đã hơn 2500 năm. Một Phật ra đời, ngàn Phật hộ trì, hàng hàng lớp lớp Bồ Tát tiếp sức để cứu độ chúng sanh.
Sau khi Đức Bổn Sư nhập diệt, các vị Tổ tiếp nối con đường của Ngài mà dẫn dắt chúng sanh trên bước đường tu tập. Trùng trùng điệp điệp câu Thần Chú của Phật và Bồ Tát đã được thốt ra để cứu độ, để giúp chúng sanh thoát hiểm, để dắt dìu chúng sanh. Cảnh huống nào chúng sanh cũng lâm vào, hiểm nguy nào chúng sanh cũng gặp phải, nạn tai nào chúng sanh cũng trải qua, do đó mà có vô số thể loại câu Thần Chú.
Bồ Tát Quán Thế Âm đã cực nhọc rất nhiều với chúng sanh của cõi Ta Bà từ khi Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật còn tại thế. Đức Bổn Sư đã không còn hiện diện ở cõi Đời nữa, nhưng vị Đại Bồ Tát này cũng vẫn không ngừng trải tấm lòng quảng đại của mình để che chở và chỉ dạy cho toàn thể chúng sanh của cõi Ta Bà. Ngài hiện thân ở khắp mọi nơi, không phân biệt màu da, chủng tộc, dưới nhiều danh hiệu khác nhau, thích hợp với từng vùng, từng địa phương, từng tín ngưỡng.
Ngài đã ban cho chúng sanh của cõi Ta Bà hai Thần Chú có thể khẳng định là “Tuyệt Diệu”. Đó là Chú Đại Bi và Lục Tự Đại Minh Chơn Ngôn.
Với hai Thần Chú này, chúng sanh có thể hoán chuyển cả một vũ trụ to lớn đừng nói chi đến hoán chuyển cái vũ trụ nhỏ bé của chính mình. Nói như thế để thấy rằng cái công năng vô bờ bến của hai Thần Chú này “Siêu Việt” đến mức nào! chúng sanh vì quá thờ ơ, lơ là với việc tu tập nên đã đánh mất đi những viên ngọc quý mà Bồ Tát Quán Thế Âm đã trân trọng trao cho chúng sanh của cõi Ta Bà, nhưng được đáp lại bằng sự hững hờ, và càng đau xót hơn khi hai thần Chú này đã được những kẻ có tâm xấu ác sử dụng vào trong tà đạo để hại người.
CHÚ ĐẠI BI:
Chú Đại Bi là một sự tổng hợp của rất nhiều tên của Phật và Bồ Tát.
-
Mỗi chữ trong Chú Đại Bi là tên của một vị Phật hoặc một vị Bồ Tát. Cứ đếm bao nhiêu chữ là bao nhiêu vị Phật và Bồ tát. Mỗi một vị Phật, mỗi một vị Bồ tát có một bổn nguyện, khi tên của vị Phật hay Bồ tát đó được đọc lên là bổn nguyện của vị Phật hay Bồ tát đó tự động như một bông hoa nở rộ ra. Vì vậy, người trì Chú Đại Bi càng nhiều chừng nào, sẽ mang lại điều lợi ích cho người đó chừng nấy, chớ không mang lại điều sai trái cho người đó. Trì một lần, bổn nguyện nở một lần, trì hai lần bổn nguyện nở hai lần, trì ngàn lần bổn nguyện nở ngàn lần. Mà bổn nguyện của Chư Phật và Bồ tát là luôn luôn làm lợi ích cho chúng sanh chứ không làm điều bất lợi.
- Chú Đại Bi có một công năng rất là tuyệt vời ít ai biết đến. Chú Đại Bi được xem như là một Chú Như Ý. Người trì Chú Đại Bi tâm nguyện phải chân thành, đem tâm nguyện của mình đặt vào trong Chú Đại Bi thì sẽ thấy được một kết quả rất là đặc biệt. Chú Đại Bi giúp cho người trị bệnh, giúp cho người tìm thấy sự an bình, giúp cho người giảm đi mệt mỏi, giúp cho người khi cảm thấy quá căng thẳng đầu óc, Chú Đại Bi giúp cho người chiếm lấy một cảm tình, Chú Đại Bi giúp cho hàng phục những người bướng bỉnh, Chú Đại Bi giúp cho hàng phục những ma chướng trong người của mình. Tóm lại Chú Đại Bi là một Chú Như Ý. Luyện được một Chú Đại Bi thành đạt sẽ mang đến cho người trì Chú một công năng rất là cao và có thể giúp đỡ cho kẻ khác rất nhiều.
Bên cạnh đó, Chú Đại Bi còn giúp để:
- Phá màn vô minh
- Đốt tan nghiệp chướng
- Đốt tan tất cả những tà khí, độc khí.
Người trì Chú Đại Bi sẽ cảm thấy thơ thới trong lòng, sự thơ thới đó chính là một sự sảng khoái của tất cả các thức của mình.
Những kẻ xấu ác lợi dụng công năng của Chú Đại Bi để làm chuyện quấy trá, tuy nhiên, kết quả chỉ có thể đến một lần mà thôi, sau đó rồi thì kẻ xấu ác sẽ phải gánh chịu một kết quả không tốt đẹp cho đến suốt cuộc đời của họ.
Vì vậy, đừng bao giờ dùng Chú Đại Bi vào những công việc xét ra không ích lợi cho kẻ khác.
Chú Đại Bi có một phản ứng ngược rất là nặng nề và kẻ sử dụng Chú Đại Bi trong một chiều hướng xấu, sẽ phải nhận chịu một phản ứng ngược vô cùng tai hại.
Chú Đại Bi như tên của nó, nếu đem hết tất cả Tâm Thành, đem tất cả lòng Từ để trì Chú Đại Bi và hồi hướng lại cho khắp pháp giới chúng sanh, công đức sẽ vô lượng, vô biên.
Nên ghi nhớ một điều rằng: đừng bao giờ trì Chú Đại Bi bằng cái miệng, sẽ không có kết quả. Phải trì Chú Đại Bi bằng cái Tâm, Tâm Từ Bi, Tâm Hỷ Xả, kết quả mang đến có thể nói là ngút trời.
Nếu một người trì Chú Đại Bi đã lâu mà vẫn không thấy một kết quả như ý mình mong muốn, điều đó chứng tỏ rằng người này đã không trì Chú Đại Bi với tất cả Tâm Thành của mình.
Bài Chú mang tên Đại Bi, đòi hỏi phải được trì với tất cả Tâm Từ Bi, Tâm Hỷ Xả của mình. Phải trì Chú với Tâm Bình, Tâm Bất Loạn, không còn bất kỳ một hình ảnh nào trong lòng mình ngoại trừ lòng Từ Bi.
Lòng Từ Bi khi đó sẽ như một ánh hào quang rọi sáng cả một vùng mình mong muốn được chở che, bao bọc chung quanh người mình muốn trị bịnh và phá tan màn vô minh dày đặc mà mình tha thiết muốn làm cho nó mỏng dần.
Người trì Chú Đại Bi càng lâu ngày, Tâm càng Bình, trí huệ càng phát sáng. Phải nhớ rằng, Chú Đại Bi càng trì nhiều, càng trì lâu, bổn nguyện của Phật và Bồ tát càng phát ra nhiều, mà càng phát ra nhiều thì càng làm cho trí huệ của người trì Chú thêm rực sáng. Trí huệ càng sáng tỏ, đường tu tập mới có cơ tiến triển, và điều vô cùng quan trọng là nghiệp lực mới có thể tiêu lần đi được. Khi trí huệ được gia tăng, người tu tập sẽ nhận thức được rất là sâu sắc tâm tư của mình. Và càng lắng tâm chừng nào, càng trở về với tâm của mình chừng nào, sẽ càng giùi mài kiếng tâm của mình chừng nấy, như vậy sẽ càng tiếp nhận nhiều hào quang của Phật và Bồ tát. Cho nên người càng trì Chú Đại Bi, càng trở nên ít nói. Vì sao? Vì tâm họ phẳng lặng, nói nhiều sẽ làm tâm rung động, sẽ làm cho tâm mất đi cái Bình. Cho nên muốn biết một người có trì Chú Đại Bi nhiều hay ít, cứ nhìn vào cử chỉ và thái độ của họ là nhận ra được ngay rằng họ trì Chú Đại Bi có đúng phép hay không.
Kính bạch Sư Phụ,
Như vậy, cái kết quả của việc trì Chú Đại Bi là làm cho Trí Huệ của người trì Chú càng ngày càng phát sáng, càng hiện rõ Tâm Từ Bi, Tâm Hỷ Xả. Việc trì Chú tuyệt nhiên không gây tạo hiện tượng này hay hiện tượng kia. Thưa có đúng như vậy không?
Đúng vậy! Người trì Chú Đại Bi đúng phép và đúng mức, trí huệ phát triển, ánh sáng đó sẽ làm cho Tâm Ý của người trì Chú nghĩ như thế nào thì kết quả sẽ như thế nấy, vì luồng hào quang đó đi ngược trở lại. Nên nhớ rằng: khi một người cho ra một luồng hào quang mang tâm Từ Bi Hỷ Xả thì hào quang phản chiếu lại cũng sẽ mang Tâm Từ Bi Hỷ Xả. Nếu tâm không Từ Bi Hỷ Xả thì luồng hào quang phản chiếu sẽ không mang Tâm Từ Bi Hỷ Xả, khi đó nó không khác gì mũi tên nhọn đâm thấu tâm mình. Do đó, kết quả sẽ không như ý muốn và càng ngày chính mình sẽ tự đâm mình chết. Chúng sanh không hiểu rõ tận tường cho nên đã làm những điều vô cùng quấy trá. Chúng sanh đã lợi dụng Chú Đại Bi rất nhiều để thủ lợi, nhưng họ không biết rằng lợi không đến với họ mà chỉ toàn là sự nguy hại mà thôi.
Cho nên công năng của Chú Đại Bi cũng như của bất cứ một câu Thần Chú nào của chư Phật và Bồ Tát là để giúp Phát Trí Huệ. Nhờ có Trí Huệ, việc tu tập được dễ dàng, tránh tạo nghiệp, có được sự An Bình đúng nghĩa. Nếu vì lợi lộc riêng tư mà đi ngược với Tâm Từ Bi Hỷ Xả thì sẽ phải nhận chịu một phản ứng ngược vô cùng tai hại do bởi chữ Tham.
Trong Chú Đại Bi, câu cuối cùng là câu Chú quan trọng, chánh gốc, chánh yếu. Nếu không thể nào thuộc được nguyên bài Chú Đại Bi thì nên cố gắng học thuộc câu Chú cuối cùng và trì 108 lần.
Muốn đem lại kết quả tốt, cần phải trì tối thiểu 21 lần Chú Đại Bi cho mỗi khóa tu.
Khi trì Chú phải bắt Ấn. Ấn không khác thanh gươm, giúp gia tăng sức mạnh của câu Thần Chú.
Cái ấn giản dị nhất có thể áp dụng vào trong bất kỳ câu Chú nào chính là Ấn Kiết Tường.
- Bàn tay dựng đứng lên
- Ngón áp út hơi cong xuống
- Ngón cái đặt lên đầu ngón áp út
- Ba ngón còn lại vẫn ở vị thế thẳng
Ấn Kiết Tường tự bản thân của nó rất nhẹ nhàng, nhưng trong cái nhẹ nhàng tiềm ẩn cái dai sức, chớ không phải là nhẹ nhàng mà dễ cắt bỏ đâu!
Nếu bây giờ muốn tăng cường sức mạnh của Ấn, chỉ cần xếp 3 ngón tay dựng đứng xuống, 2 ngón trỏ và giữa đè lên ngón cái.
Chú Đại Bi dù rằng mang tên là Chú Như Ý, cũng vẫn phải là ý tốt, không thể là ý xấu được. Nếu lợi dụng Chú, đem tâm ý xấu đặt vào câu Chú, chắc chắn sẽ không tránh khỏi một phản ứng ngược vô cùng tai hại.
Bấm vào đây để xem bài Chú Đại Bi bằng tiếng Phạn và cách phát âm »
LỤC TỰ ĐẠI MINH CHƠN NGÔN:
Lục Tự Đại Minh Chơn Ngôn so về công năng còn mạnh hơn Chú Đại Bi đến vài ba phần. Chơn Ngôn này còn có tên là Chú Lấp Biển Vá Trời, muốn như thế nào cũng được cả! Điều này nói lên cái gì? Nói lên rằng: Tâm và Ý rất ư là mạnh mẽ. Tâm Ý của Chư Phật và Bồ Tát hợp cùng Tâm Ý của chúng sanh, nếu cả hai Tâm Ý đó hòa hợp lẫn nhau thật là khít khao thì chuyện “Lấp Biển Vá Trời” sẽ không còn là chuyện “kinh thiên động địa” nữa.
Từ xưa đến nay, ít có người trì cho đúng cách nên không nhận ra được công năng “siêu việt” của Thần Chú này.
OṂ MAṆI PADME HŪṂ chỉ vỏn vẹn có 6 chữ, nhưng có một khả năng rất cao trong việc phá màn vô minh, đốt tan nghiệp chướng, trị bệnh, tẩy độc do tà khí hay độc khí, ngăn chận biến động xảy tới, để kiết giới, để sái tịnh v.v…
Hào quang của Lục Tự Đại Minh vô cùng… vô cùng rực rỡ; nếu dùng để đốt vô minh thì thật không có gì sánh bằng.
Bồ Tát Quán Thế Âm cho chúng sanh của cõi Ta Bà Thần Chú Đại Bi và Lục Tự Đại Minh Chơn Ngôn với Tâm Ý là: chúng sanh sẽ sử dụng hai Thần Chú này như 2 ngọn đuốc soi đường song song, để giúp cho chúng sanh có thể phá tan bóng đêm, thấy rõ được con đường mình đang đi cũng như tất cả những chướng ngại ở trước mặt.
Khi trì Lục Tự Đại Minh Chơn Ngôn, tay bắt ấn Kiết Tường co lại; quán tưởng một dòng nước chảy đều trong cơ thể của mình.
Cần phải quán tưởng như thế trong lúc trì để cho câu Chú đó thâm nhập vào trong người của mình. Mỗi lần trì 30 phút (nhớ vặn đồng hồ reo hay timer để không bị phân tâm), trì ròng rã trong 10 ngày, qua đến ngày thứ 11 bắt đầu quán hào quang; hào quang đó từ một điểm sáng nơi tam tinh sẽ tỏa lần… tỏa lần… ra cho đến khi bao bọc lấy toàn thân của người trì Chú, cứ như thế tiếp tục trì cho đến khi nào mình muốn chấm dứt, nhưng phải tối thiểu là 30 phút.
Nếu khi hành trì Nghi Thức Siêu Độ Cho Thân Nhân, cần nên trì Lục Tự Đại Minh khi cúng cho vong linh, để cho ánh hào quang của người chủ lễ tỏa ra bao bọc lấy vong linh, vong linh được trọn vẹn trong ánh hào quang đó sẽ cảm thấy nhẹ nhàng rất nhiều, ánh hào quang cũng sẽ giúp cho trí huệ của vong linh được tỏa sáng.
Khi tu tập, không cần phải trì nhiều câu Chú đâu! Chỉ cần trì Chú Đại Bi và Lục Tự Đại Minh Chơn Ngôn cho thật đúng cách, cũng đủ hoán chuyển mọi tình huống và xoay chiều mọi hoàn cảnh.
Chú Đại Bi được trì khi tu tập hằng ngày nhưng không dùng để siêu độ cho vong linh.
Đối với vong linh, lại càng không nên sử dụng nhiều câu Chú vì vong linh không có khả năng để nắm vững những câu dài.
Lục Tự Đại Minh Chơn Ngôn phối hợp với chơn Ngôn Siêu Độ Hương Linh: HA’ANH CA THU SHU PHU sẽ giúp cho hương linh được nhẹ nhàng.
Dù cho người chủ lễ không giúp được cho hương linh một cách đúng mức, khi vong linh trì câu Chú đó cũng sẽ giúp cho vong linh được nhẹ lần… nhẹ lần.
Lục Tự Đại Minh Chơn Ngôn phải được trì với Tứ Vô Lượng Tâm – Từ Bi Hỷ Xả. Điều đó có nghĩa là: Người tu tập chân chính khi hành sử Từ Bi Hỷ Xả sẽ tỏa ra ánh hào quang bao chung quanh người đó. Khi họ cất tiếng để trì câu Chú Lục Tự Đại Minh với Tâm Từ Bi Hỷ Xả thì câu Chú này sẽ làm cho cái hào quang của Từ Bi Hỷ Xả rực sáng lên, tỏa rộng ra. Người hành trì Lục Tự Đại Minh khi đó sẽ hòa quyện vào trong ánh hào quang của Tứ Vô Lượng Tâm và đồng thời trong hào quang của câu Thần Chú. Quả là một sự ngập chìm trong “Biển Hào Quang”! Và họ sẽ nhận được một cảm giác rất nhẹ nhàng, thăng hoa.
Nếu trì Chú mà Tâm vẫn còn đầy sự ganh tị, hờn ghét, sân hận thì thật khó lòng tiến đến sự nhẹ nhàng, thoải mái được.
Trì Lục Tự Đại Minh cần phải hành sử Tứ Vô Lượng Tâm vì Tứ Vô Lượng Tâm sẽ chuyên chở cái Lực của câu Thần Chú, mà Tâm của mình càng Từ Bi Hỷ Xả chừng nào thì công năng của câu Thần Chú càng lên cao chừng nấy.
Người tu tập chân chính hành trì nghi thức Sám Hối mỗi ngày với 3 giai đoạn: Sám Hối – Trì Chú – Niệm Phật.
Sám hối là điều tối ư quan trọng, không thể lơ là được.
- Chúng sanh còn trên dương thế phải luôn sám hối, hồi hướng công đức tu tập cho các oan gia trái chủ để làm giảm bớt nghiệp chướng sâu dày từ nhiều đời nhiều kiếp.
- Sám hối cũng làm nhẹ bớt đi cái gánh nặng nghiệp lực của Thiên Chúng. Khi Phước Trời đã mãn, trở lại với kiếp Người, Nghiệp Lực giảm bớt đi, cuộc đời mới cũng sẽ được may nhiều, rủi ít.
- Thánh Chúng có sám hối mới trở nên nhẹ lần trên thai sen và mới có thể xuất Liên Hoa được.
- Vong linh được hướng dẫn sám hối để trở nên nhẹ nhàng, dễ dàng tiếp nhận sự giúp đỡ của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát trong việc tìm đường thác sanh.
Một sự sám hối chân thành, tha thiết xuất phát từ Tâm chớ không từ đầu môi chót lưỡi, đó là một sự nức nở, nghẹn ngào của tiếng Lòng, thật sự ăn năn, hối lỗi về những nhiệp tội do mình gây tạo.
Phải đem Tâm thành sám hối trước, sau đó quán tưởng các nghiệp tội của mình, dùng hào quang của câu trì Chú để đốt vô minh, thiêu hủy lần nghiệp chướng. Trì Chú ở vào giai đoạn thứ 2.
Tu tập đúng với cái thứ tự: Sám Hối * Trì Chú * Niệm Phật, sẽ mang đến cho hành giả một công năng đầy đủ 7 phần công Đức.
Nếu chỉ chăm chút có phần Trì Chú hoặc chỉ thuần Niệm Phật, công đức tu tập chỉ nhận được có một phần mà thôi.
Dù người xuất gia hay người còn tại gia, người tu tập nhiều hay tu tập ít, một khi đã phát nguyện vãng sanh về Cực Lạc bắt buộc phải luôn luôn chân thành sám hối.
Tất cả những tội lỗi đều xuất phát từ một Tâm không Lành, Tâm xấu ác. Ngày giờ này, Tâm chân thành rung động, Tâm biết xót xa trước nỗi khổ của kẻ khác, Tâm nhận thức được những sai lầm, những đớn đau, Tâm ăn năn hối lỗi, cầu xin tha thứ.
Chính cái ánh hào quang rực lửa của câu Thần Chú mới có đủ khả năng thiêu đốt những ray rứt, nỗi dằn vật, sự vày vò, ăn năn tiềm ẩn trong Tâm của người thành tâm sám hối.
Tâm trở nên thanh tịnh, trong sáng, không còn gợn đục mới có thể tiếp nhận được hào quang của Phật và Bồ Tát khi người tu tập nhất tâm Niệm Phật.
Việc tu tập phải được tiến hành theo đúng từng giai đoạn mới mong mang đến kết quả tốt đẹp.
Tất cả các giai đoạn đều bổ túc cho nhau và dính chặt vào nhau.
-
Nếu chỉ thuần sám hối mà không trì Chú, không niệm Phật: cái kết quả sẽ không khác gì việc nấu một nồi canh mà không vặn lửa, mãi mãi các vật liệu trong nồi canh vẫn còn đó, nước vẫn không sôi, rau cải không chín, nồi canh sẽ không có sự hài hòa giữa tất cả các vật liệu để vào, hầu tạo nên một hương vị đúng của món canh mà mình muốn nấu.
-
Nếu chỉ trì Chú mà không sám hối, không niệm Phật: đó là hành động vặn lửa để nồi nước sôi lên và cứ tiếp tục sôi cho đến khi cạn nước mà không bỏ bất cứ vật liệu nào vào nồi để nấu cả.
Trì Chú mà không sám hối, không niệm Phật chỉ có thể chấp nhận được khi không phải là thời khóa tu.
Khi đó, người hành trì sử dụng công năng của câu Thần Chú để Kiết giới hay để sái tịnh cho mình.
- Kiết giới
Tức là trì câu thần Chú khoảng thời gian từ 10 – 15 phút, vừa trì vừa quán tưởng hào quang của câu thần Chú tỏa sáng chung quanh người của mình; hào quang càng lúc càng dày đặc và trở thành một màn chắn bao quanh mình, chống lại sự xâm nhập của tà khí, độc khí. Khi đi đến nơi đông người như chợ búa, các thương hiệu, nơi sở làm, nhà thương, nghĩa địa … những nơi nào mà mình nghĩ là có nhiều tà khí, trược khí, dễ bị lây nhiễm vào người, trước khi đi, chuẩn bị kiết giới.
- Sái Tịnh
Dùng công năng của câu thần Chú để đốt hết tà khí, độc khí vướng lên người mình, ngấm vào người mình. Một người dù có Kiết giới trước khi đến chỗ đông người, đạo lực vẫn chưa đủ đầy để tạo một lớp hào quang dày ngăn chận hoàn toàn độc khí xâm nhập vào người mình.
Do đó khi trở về nhà, sau khi tắm rửa xong, thay bộ đồ sạch vào, vẫn phải nhất tâm trì Chú tối thiểu là 01 tiếng đồng hồ, quán hào quang rực lửa đốt hết những trược khí trên người của mình.
Cần phải ghi nhớ rằng: muốn tiến đến giai đoạn tự mình Kiết giới hay sái tịnh, hành giả bắt buộc phải qua một thời gian dài tu tập, phải sám hối để bớt đi nghiệp chướng, phải trì Chú để thân tâm được nhẹ nhàng, màn vô minh mỏng dần, phải niệm Phật để trí huệ được phát sáng, đạo lực càng ngày càng gia tăng, cảm thấy trong người thoải mái, nhẹ nhàng, bệnh tật cũng giảm lần đi. Khi đó hành giả đã tạo được một ánh hào quang bao chung quanh mình qua công năng tu tập.
Kiết giới là làm cho cái hào quang đó dày ra thêm để có khả năng chống đỡ.
Sái Tịnh là hành động phủi sạch lớp bụi, lớp ô trược bám vào cái hào quang đó và sau đó làm cho cái hào quang được rực rỡ thêm qua công năng của câu trì Chú.
Tất cả phải đi từng bước ngắn, gọn, chậm rãi, không hối hả và thật vững chắc.
-
Nếu không sám hối, không trì Chú, chỉ thuần niệm Phật: tức là hành động bỏ hết tất cả vật liệu nấu vào nồi, không đổ nước, không vặn lửa, cứ ngồi chờ nồi canh chín.
Nếu bảo rằng niệm Phật để được vãng sanh, ngoại trừ một cơ duyên đặc biệt giữa người Niệm Phật với Cực Lạc nên được tiếp dẫn ngay lúc lâm chung, còn thì cần phải sám hối, trì Chú để làm tan nghiệp chướng, kiếng Tâm được tỏ rạng, Tâm thanh tịnh, giữ không loạn động mới có thể giao cảm được, đón nhận được hào quang chói rạng của Phật và Bồ Tát mỗi khi hành trì việc niệm Phật.
Niệm Phật cũng giống như trì Chú, phải niệm với một Tâm Lành, Tâm Từ Bi, Tâm Hỷ Xả, tuyệt đối không xen lẫn sự ganh tị, đố kỵ, hiềm khích cùng sân hận, như thế mới quyết chắc được việc vãng sanh Cực Lạc.
Thánh Chúng của Cực Lạc còn phải ngày đêm sám hối trên thai sen, còn phải khổ công trì Chú để đốt cho tan nghiệp chướng mới mong được nhẹ nhàng mà xuất Liên Hoa.
Đã một lòng mong mỏi về cõi Tây Phương thì tại sao lại chối từ sám hối và trì Chú?
Nếu niệm Phật chỉ bằng cái miệng thì đến phút cuối của cuộc đời, tay trắng vẫn hoàn tay trắng, đã bỏ lỡ đi thời gian dài tu tập mà không thu hoạch được điều lợi ích và tốt đẹp cho mình. Thật uổng lắm thay!!!
Đối với người lớn tuổi, đứng ngồi khó khăn hay trên giường bịnh, nghi thức sám hối được hành trì một cách đơn giản nhưng phải thật là tha thiết.
- Trước tiên, việc sám hối được thay thế bằng một lời chân thành xuất phát từ chân tâm:
Con tên là……… pháp danh …………. Cầu xin Đức A Di Đà Phật cùng Bồ Tát Quán Âm – Thế Chí chứng minh cho lòng con hết dạ ăn năn sám hối về những nghiệp tội con đã gây tạo nên từ nhiều đời, nhiều kiếp.
Sau đó lập lại càng nhiều càng tốt với sự xúc động chân thành đến rơi nước mắt, câu: Con chân thành sám hối, ăn năn, cầu xin nghiệp chướng được tiêu trừ. Nếu vì bịnh hoạn không nói được thành lời thì nói trong đầu cũng được.
- Sau khoảng 5 phút sám hối thì sang qua trì câu Chú OṂ MAṆI PADME HŪṂ
Câu Chú được trì trong trạng thái Bình, không nghĩ ngợi bất kỳ điều gì cả, ráng cố gắng giữ Tâm bất loạn. Trì Chú trong 5 phút ra thành lời hoặc trong đầu.
- Sau đó, cũng giữ Tâm bất loạn, Tâm An Bình để niệm danh hiệu Phật hay danh hiệu Bồ Tát. Niệm ra tiếng hay niệm trong đầu cũng được, càng nhiều càng tốt.
Người lớn tuổi có thể ngồi trên ghế, ở bất cứ nơi nào mà mình cảm thấy thuận tiện, thoải mái, hoặc ở trong nhà, hoặc ngoài sân vườn, không cần phải trọng hình thức, cốt sao Tâm mình chân thật, xúc động thật sự mỗi khi mình sám hối.
Tối thiểu phải hành trì nghi thức sám hối một lần trong ngày.
Ngoài ra, tùy thời giờ rỗi rảnh, cứ niệm câu: Con chân thành sám hối ăn năn, cầu xin nghiệp chướng được tiêu trừ.
Cứ xen kẽ câu sám hối rồi tới câu niệm Phật, thỉnh thoảng xen vào câu trì Chú.
Vào phút lâm chung, câu trì Chú giúp cho người sắp sửa ra đi một sự sáng suốt, không mê muội, nhận rõ hướng đi. Khi còn sức khỏe, còn hơi sức, không nên lơ là với việc trì Chú. Tâm thức đã khắc ghi câu thần Chú, đã đóng dấu ấn vào Tâm thức thì ở phút cuối của cuộc Đời, mới mong có được ngọn đèn thắp sáng, hướng dẫn thần thức mình không đi lạc hướng.