• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Làm Thế Nào Để Cho Việc Tu Tập Đi Đến Kết Quả Tốt Đẹp?

Dec 13 2018
484587154 484587154

Tu tập không có nghĩa là tôi ngồi ê a tụng hết cuốn Kinh này đến cuốn Kinh kia, càng nhiều càng tốt.

Việc tu tập đòi hỏi nơi tôi trước tiên là một sự chân thành Sám Hối, Ăn Năn để trút bỏ hết những cặn cáu, những điều dơ bẩn, gớm ghê mà tôi đã làm từ trong kiếp quá khứ. Tôi bắt buộc phải làm cho nó tan biến đi để cho Tâm của tôi tìm lại sự An Lạc đúng như tôi mong muốn.

Khi tôi Trì Chú, tôi sẽ phải quán tưởng những hậu quả của những Nghiệp Chướng, những Oan Trái mà tôi đã gây tạo ra, sau đó, tôi dùng công năng của câu Thần Chú để đốt cho tiêu đi những oan trái đó.

Khi tôi niệm Phật, lòng tôi tha thiết cầu xin Phật minh chứng cho sự thành tâm hối lỗi của tôi, tôi thật sự ăn năn, quyết lòng tu tập, làm những điều tốt đẹp, lợi lạc cho kẻ khác, và cầu mong đem công đức đó đền trả lại cho những người mà tôi đã gây thương tổn cho họ. Lời niệm Phật sẽ là phương tiện giúp cho tôi được sự An Bình, để từ đó tôi mới có thể tìm được một Trí Huệ phát sáng. Và trong cái Trí Huệ phát sáng đó, tôi sẽ chiêm ngưỡng được Hào Quang của chư Phật và Bồ Tát.

Kính bạch Sư Phụ,
Người Đời luôn thắc mắc không biết An Vui từ đâu mà đến? Họ không ngần ngại hòa mình vào bất cứ cuộc chơi nào chỉ cốt tìm cho được sự An Vui, để rồi sau đó là một dây phiền não khuấy động tâm tư, làm bất an cuộc sống. Những ai chưa từng hiểu được giá trị của chữ BÌNH đều phải luôn luôn đối phó với vô số những điều Lo Âu (lo âu về tài chánh, lo âu về con cái, lo âu về cuộc sống, lo âu về những biến động có thể xảy ra trong vùng mình cư ngụ, lo âu về chiến tranh có thể bộc phát ở những vùng kém an ninh v.v… ), cũng như những điều Sợ Sệt cứ luôn theo sát bên mình như bóng với hình (sợ mất việc làm - sợ không đủ sức khỏe để làm việc - sợ mất hạnh phúc - sợ con mình mê chơi bỏ học v.v…). Đủ thứ điều sợ sệt, đủ thứ chuyện lo âu. Làm sao để người Đời có thể biến được tất cả những Sợ Sệt, những Lo Âu thành một chữ BÌNH để có thể tìm được sự An Lạc đúng nghĩa?

Thầy đã nói rất nhiều, muốn có được chữ BÌNH, cần phải sửa Tánh! Câu hỏi đặt ra là: chữ BÌNH từ đâu mà có? Khi một người đối diện với sự thiếu ăn, thiếu mặc, người đó có tìm thấy được chữ BÌNH hay không? Khi một người đang gặp sự thiếu hụt về tài chánh, người đó có tìm được chữ BÌNH hay không? Khi một người đang lâm vào cảnh mất việc làm, người đó có giữ được Tâm Bình Thản hay không? Tóm lại, vì Chúng Sanh đối diện với bao nhiêu cảnh huống, bao nhiêu sự khó khăn, phiền não đến với mình, cho nên không thể nào tìm thấy được chữ BÌNH ở trong Tâm của mình. Vì vậy, cần phải ĐI NGƯỢC DÒNG, TRỞ VỀ NGUỒN.

CHỮ BÌNH TỪ ĐÂU MÀ CÓ?

Chữ BÌNH chính là kết quả của những tháng ngày tu tập! Tu tập như thế nào? Như Thầy đã nói ở trên, tu tập không phải là ngồi tụng Kinh gõ mõ ê a. Tu tập phải tỏ ra tích cực. Tích cực bằng cách nào? Bằng cách quán chiếu bản thân mình.

Câu hỏi rằng: Tôi từ đâu mà tới đây?

Câu trả lời : tôi tới đây từ ở một cảnh giới không phải là Loài Người. Điều đó có đúng không?

  • Nếu tôi là Thiên Chúng, tôi có phải là loài Người không?
  • Nếu tôi đến từ ở Địa Ngục, tôi có phải là loài Người không?
  • Nếu tôi đến từ loài Ngạ Quỷ, tôi có phải là loài Người không?
  • Nếu tôi đến từ loài Súc Sanh, tôi có phải là loài Người không?

Cái gì lôi kéo tôi tới đây?

Nghiệp Lực lôi kéo tôi tới đây.

Sao gọi là Nghiệp Lực?

Nghiệp Lực là tất cả những gì tôi đã gây tạo nên mà tôi chưa nhận được hậu quả của việc làm đó, cho nên ngày hôm nay, chính cái Nghiệp Lực lôi kéo tôi hiện diện ở cõi Ta Bà dưới dạng thức của một Con Người. Khi tôi biết rằng tôi bị lôi kéo tới đây là do ở Nghiệp Lực, điều đó có nghĩa là Nghiệp Lực đã tròng sợi dây vào cổ tôi và lôi kéo tôi, tôi hoàn toàn bị chi phối bởi Nghiệp Lực.

Nếu tôi muốn thoát sợi dây đó, tôi phải làm sao?

Tôi phải tu tập.

Tu tập như thế nào?

Tôi phải sửa Tâm - Ý - Tánh mới có thể cắt được sợi dây Nghiệp Lực ra khỏi cổ của tôi.

Một khi tôi đã sửa được Tâm - Ý - Tánh của tôi rồi, thì ngoài cái việc tôi cắt được sợi dây Nghiệp Lực tròng vào cổ của tôi, tôi có còn được mối Lợi nào khác hay không?

Sự quấy phá của cái dây Nghiệp Lực được biểu hiện qua những cảnh huống mà tôi gặp phải hằng ngày như: thiếu ăn, thiếu mặc, con đau, con gặp nạn tai, bị người cướp giựt, kẻ trộm vào nhà, vợ lâm trọng bịnh, chồng mất việc làm, cha đau mẹ ốm, bữa đói, bữa no, gia đình ly tán v.v… Tất cả những phiền não, những âu lo, những sợ sệt đã siết lần cái cổ của tôi đến nghẹt thở.

Qua sự tu tập, tôi nhận biết được cái nguyên ủy của những cảnh huống, những sự khổ đau đến với tôi. Tôi hiểu được nguyên nhân vì sao tôi luôn luôn có sợi dây quấn trên cổ. Tất cả chỉ vì tôi quá si mê lầm lạc, quá thương bản thân mình đến độ mù quáng, nên đã gây tạo vô số điều lầm lỡ, hại người từ trong quá khứ. Tôi đã dửng dưng trước khổ đau của kẻ khác, tôi thản nhiên nhìn Người rơi lệ, tôi đã tỏ ra tai ngơ mắt điếc trước lời van xin khẩn cầu giúp đỡ của những kẻ khốn cùng. Tóm lại, tôi đã làm cho người đau đớn, thì ngày giờ này tôi phải nhận chịu sự đau khổ đến với tôi. Tất cả là từ ở một cái TÂM quá xấu ác, từ ở một cái Ý luôn có tư tưởng hại người và được hỗ trợ bởi những cái TÁNH quá là dữ dằn, độc ác, hẹp hòi, ích kỷ, tham lam.

Sợi dây Nghiệp Lực hiện diện trong đời sống hằng ngày của tôi bắt nguồn từ ở cái TÂM - Ý - TÁNH quá xấu xa của tôi! Như thế thì việc chỉnh sửa Tâm - Ý - Tánh sẽ giúp cho sợi dây Nghiệp Lực trên cổ tôi được nới lỏng ra. Tất cả những cảnh huống xảy ra trong cuộc đời tôi, nguyên thủy bắt nguồn từ ở cái sợi dây Nghiệp Lực này, ngày hôm nay, nếu tôi đã tìm ra được mắt tháo gỡ thì tôi sẽ kéo cái sợi dây ra khỏi cổ tôi, tức nhiên rằng, những cảnh huống sẽ không còn có cơ hội thoát ra từ ở sợi dây Nghiệp Lực nữa, điều đó có nghĩa là tôi sẽ không còn phải đối diện với những cảnh huống, những đau buồn như trước nữa.

Tôi đã làm gì trong quá trình sửa đổi Tâm - Ý - Tánh của tôi?

Tôi đã hoán chuyển được cái Tâm của tôi! Từ một cái Tâm ích kỷ, hẹp hòi, lúc nào cũng muốn gom hết về cho mình, tôi đã biến nó trở thành một cái Tâm rộng mở, một cái Tâm biết chia sẻ, biết tha thứ và sẵn sàng giúp đỡ. Nhờ đó mà tôi tìm được một sự nhẹ nhàng, thoải mái qua những việc làm tốt đẹp của tôi đối với mọi người chung quanh tôi.

Tôi đã không quản công sức ngồi kiểm điểm từng cái Tánh của tôi. Toàn bộ những Tánh Xấu, những thói hư đã được tôi phân tích một cách rõ ràng, trung thực và khách quan để tìm ra cái hậu quả của từng Tánh xấu, của từng thói tật không hay của mình. Nhờ đó, tôi mới thấm thía được nỗi khổ đau của những kẻ phải gánh chịu những hậu quả không lường được của hàng loạt những Tánh xấu mà tôi đã vung tay, không đắn đo, không thương tiếc đối với những người đồng loại của tôi.

Tôi cảm thấy hổ thẹn rất nhiều về nhân cách của mình, khi mình đã từng áp đặt những hậu quả tai hại, đau đớn, xót xa lên một người nào đó từ ở cái Tánh tình xấu xa đê tiện của mình. Suy đi gẫm lại thì rất là công bằng khi ngày giờ này mình gặp phải nhiều cảnh trái lòng! Tôi đã không xem trọng Người thì làm sao bắt buộc Người phải tôn trọng tôi? Tôi đã hãm hại Người thì đương nhiên sẽ bị người hãm hại lại, nếu Người không đủ bản lĩnh để đánh trả lại ngay tức khắc thì Ân Oán cũng sẽ sòng phẳng sau này, không thể tránh vào đâu được cả!

Nếu tôi cứ khư khư giữ mãi những Tánh xấu bên mình thì chắc chắn rằng: đường Đời ở hiện kiếp sẽ luôn luôn gập ghềnh đối với tôi, vì tôi sẽ liên tục gây tạo nhiều oan trái, nhiều sân hận với người ĐỒNG THỜI; bên cạnh đó, tôi còn phải đối phó với những Ân Oán mà tôi đã tạo ra trong quá khứ, ngày giờ này, ngay tại hiện đời, chúng lũ lượt kéo tới dưới cái tên là Nghiệp Lực để đòi lại những món nợ thuở xa xưa. Nợ của Hiện Kiếp tôi còn chưa thanh toán nổi, nợ của kiếp Quá Khứ thì quả thật còn rất xa vời, khó lòng làm cho vơi đi được. Tóm lại thì NỢ CỨ CHẤT CHỒNG, không thấy giảm sụt. Rồi từng kiếp qua đi, cứ mỗi lần thay hình đổi dạng thì nợ xưa còn đó, nợ mới tạo thêm, biết đến bao giờ mới thanh toán xong cái NÚI NỢ khổng lồ? Làm sao sống cho yên, cho vui, cho an nhàn, cho thoải mái, không lụy phiền, không âu lo?

Bỏ đi những Tánh xấu, triệt tiêu những thói tật không hay là một hành động vô cùng khôn ngoan, vì đó là phương cách duy nhất để làm cho cái NÚI NỢ khổng lồ phải từ từ thu nhỏ lại. Khi tôi không còn thụ đắc những Tánh xấu bên mình, không còn giữ những thói quen kích thích tôi nảy sinh những ý tưởng đen tối, đê tiện, thiếu tao nhã, tham lam, hay sân hận và hại người, chắc chắn rằng tôi sẽ khó lòng mang sự đau khổ đến cho kẻ khác. Tôi không còn tạo niềm vui trên cái đau, cái nhục của kẻ khác; tôi không tìm thấy niềm tự hào trước sự thất bại của kẻ khác; tôi không hân hoan khi kẻ khác mất đi Hạnh Phúc; tôi không ganh tị khi kẻ khác thành công hơn tôi. Tôi cổ võ để cho Người hừng chí; tôi khuyến khích để cho Người đi trọn hết con đường mình đã chọn; tôi giúp đỡ để cho Người hoàn tất một Công Trình...Những Tánh xấu của tôi, những cái Tánh đã dẫn dắt tôi trên con đường khúc khuỷu, tối đen, con đường đầy chông gai, hầm hố, ngày giờ này, đã được tôi triệt tiêu mất dạng. Cứ mỗi một Tánh xấu biến mất đi thì tôi lại có được một Tánh tốt thế vào. Tánh cần cù, tiết kiệm đã chiếm vị thế của cái Tánh lười biếng và hoang phí của tôi. Tôi không còn khinh khi, nhạo báng Người, mà trái lại luôn khuyến khích và cổ võ. Tôi luôn luôn cố gắng sống với những Tánh tốt, giao tế bằng những Tánh tốt, đối xử qua những Tánh tốt, tương trợ không vụ lợi, giúp đỡ vì Lợi Lạc chung hay vì quyền lợi của người cô thế.

Tự bản thân tôi, tôi đã thấu rõ thế nào là sự đau khổ của Người, do đó tôi tự an tâm tôi khi tôi phải đối diện với sự khổ đau, vì tôi biết rằng: khổ đau này là do chính tôi đã gây tạo nên từ trong quá khứ, cho nên, tôi thản nhiên chấp nhận và tìm phương cách giải quyết. Có điều tôi phải công nhận rằng: những Tánh tốt đã giúp tôi có nhiều BẠN hơn là THÙ. Từ ở những Tánh tốt, tôi biết thế nào là Cao Thượng, thế nào là Hy Sinh, thế nào là Chân Hạnh Phúc. Tôi được học hỏi rằng: sự Thành Đạt cho chính bản thân mình không bằng sự Thành Công cho Nhân Quần, cho Xã Hội. Nếu tôi có được cái khả năng, cái sáng kiến có thể phụng sự cho một đám đông thì tôi sẽ không ngần ngại sử dụng nó vào việc Lợi Ích chung, thay vì cứ khư khư cất giữ cho riêng bản thân tôi. Khi tôi sống với tinh thần chia sẻ và phụng sự, tôi sẽ cảm thấy mình cao cả và cuộc sống thật sự có ý nghĩa.

Sự dốc tâm tu tập giúp tôi thấm thía rất nhiều hai chữ SÁM HỐI. Tôi đã biết ý nghĩa của việc Sám Hối, tại sao phải Sám Hối và cái khả năng triệt tiêu Nghiệp Lực qua việc hành trì Sám Hối mỗi ngày. Tôi đem tất cả Chân Thành, đem trọn lòng tha thiết để Sám Hối, Ăn Năn từng Nghiệp Lực của tôi. Tôi không cần biết rõ tôi đã làm gì trong quá khứ, căn cứ vào những Tánh xấu tôi mang, ngày hôm nay ở hiện kiếp, với đầy đủ những hậu quả của Tánh xấu, tôi cũng có thể hiểu rằng tôi đã gây tạo những lỗi lầm gì trong những kiếp đã qua. Tâm Thức là một kho chứa không thiếu sót những gì tôi đã làm trong quá khứ, và ngay trong hiện tại nữa. Những điều phiền muộn đến với tôi ngày hôm nay, những cảnh huống liên tục kéo tới, cộng với toàn bộ những Tánh Xấu mà tôi thụ đắc, đã đủ để giúp cho tôi nhìn được một bức tranh tổng thể những gì tôi đã gây tạo nên trong kiếp quá khứ.

Bồ Tát Quán Thế Âm đã vô cùng chu đáo khi ban cho Chúng Sanh của cõi Ta Bà Thần Chú Đại Bi và Lục Tự Đại Minh Chơn Ngôn. Khả năng tiêu trừ Nghiệp Lực của 2 Thần Chú này quả thật là tuyệt vời! Sau khi đã đem trọn tấm chân tình để Sám Hối, Ăn Năn, tư duy, quán tưởng những hành động tác tệ mà mình đã gây tạo ra đối với đồng loại của mình, câu Thần Chú được trì lên để đốt tan Nghiệp Chướng; điều này mang một ý nghĩa là đẩy lùi Nghiệp Chướng, không cho tiến tới một cách hung hãn để giúp cho người tu tập có cơ hội tỏ rõ sự sám hối của mình. Nghiệp Lực chỉ thực sự biến mất khi người tu tập đã về được đến Cực Lạc, được sự hướng dẫn tu tập ở Cực Lạc và làm cho cán cân trở nên thăng bằng giữa Nghiệp Lực và công sức cứu độ Chúng Sanh của Thánh Chúng đó. Như thế thì càng gắng sức chân thành Sám Hối nhiều chừng nào ở hiện Đời, người tu tập sẽ càng giảm bớt đi thời gian Sám Hối trên thai sen ở Cực Lạc.

Với câu Thần Chú, Nghiệp Lực bị đẩy lùi, bóng đen của Nghiệp Lực không còn in đậm nét trên Tâm Thức nữa, người tu tập đem tâm thành Sám Hối Ăn Năn để niệm Phật, cầu xin Phật chứng minh tấm lòng tha thiết hối lỗi của mình. Hình ảnh Phật sẽ được quán tưởng để ngập tràn trong Tâm Thức của người tu tập. Lần lần, hình ảnh của Phật, của Bồ Tát sẽ luôn ngự trị trong Tâm Thức, làm sáng lần Tâm Thức và đồng thời thắp sáng ngọn đèn Trí Huệ của người tu tập.

Như thế thì việc sửa đổi Tâm - Ý - Tánh của tôi, đi kèm với sự chân thành Sám Hối đã giúp cho tôi không còn sự bực dọc, sự lo âu, sự sợ hãi khi phải đối diện với những cảnh huống do Nghiệp Lực mang đến. Tôi không còn cảm thấy lúng túng, run sợ khi phải đương đầu với những khó khăn. Trí Huệ bừng sáng trong Tâm, giúp tôi nhận biết được khi nào thì Nghiệp Lực tới, tôi phải đối phó với Nghiệp Lực ra làm sao? Và tôi cũng cảm nhận được luôn cả khi nó ra đi.

Tâm tôi giờ đây an ổn, lắng đọng và thoải mái. Tôi cảm thấy như có một luồng gió mát thổi vào Tâm tôi, và từ từ, tôi đón nhận một sự An Bình, Phẳng Lặng. Tôi quen dần...quen dần với cái An Bình đó, với sự Phẳng Lặng đó, và hình như chúng đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống thường nhật của tôi. Tôi không còn tha thiết đến những thú vui, đến bất cứ sinh hoạt nào làm khuấy động sự An Bình, Phẳng Lặng ở Tâm tôi. Nhờ sự An Bình của Tâm, tôi tư duy lời Pháp dễ dàng hơn, thấu đáo hơn. Tôi thâm nhập lời Pháp và hành theo lời Pháp. Việc hành theo lời Pháp giúp cho tôi cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái. Càng tư duy Pháp, tôi càng trở nên sáng suốt như có ngọn đèn bừng sáng trong đầu tôi.

Tất cả mọi thứ, ngày giờ này, đã được hoán chuyển. Tôi sống trong sự An Lành, Thoải Mái, không phải đối diện với quá nhiều lo âu. Nhờ vào việc sửa Tánh mà tôi biết được rằng: tôi đau khổ, tôi bực dọc, tôi thiếu thốn vì tôi đã làm cho kẻ khác bực dọc, đau khổ và thiếu thốn. Ngày hôm nay, tôi biết làm cho Người Hạnh Phúc, làm cho Người Vui Tươi, làm cho Người Thoải Mái, làm cho Người Phong Phú, thì tôi cũng sẽ hưởng lại trọn vẹn tất cả những gì mà tôi đã làm cho kẻ khác.

Cho nên, sự tu tập cần phải tích cực :

  • Tích cực để nhận biết được rằng mình đang đeo cái dây Nghiệp Lực trên cổ mình.
  • Tích cực để chân thành chấp nhận rằng Tâm - Ý - Tánh của mình quá xấu xa.
  • Tích cực để quyết tâm chỉnh sửa Tâm - Ý - Tánh của mình.
  • Tích cực để can đảm và mạnh dạn giùi mài, sửa đổi toàn bộ Tánh xấu cùng thói hư của mình.
  • Tích cực để hành sử Tứ Vô Lượng Tâm Từ - Bi - Hỷ - Xả trong mọi giao tế, mọi sự đối đãi với người chung quanh.
  • Tích cực hành trì Sám Hối - Trì Chú - Niệm Phật để tỏ cái dạ chân thành, tấm lòng tha thiết hối lỗi, ăn năn về tất cả những điều sai trái mà mình đã hoặc vô tình hay cố ý gây tạo nên cho kẻ khác.
  • Tích cực trong việc không ngừng tạo những Hạnh Lành Bố Thí. Đem công đức Sám Hối, Bố Thí, hồi hướng lại cho các oan gia trái chủ với lòng thành tâm nguyện cầu cho họ, dù đang hiện diện ở bất cứ nơi chốn nào, cũng đều an hưởng một cuộc đời Tốt Đẹp, Hạnh Phúc và Như Ý.

Với những sự tích cực tu tập đó, tôi sẽ được đền bù lại bằng một cái Tâm An Lành, một cái Tâm Phẳng Lặng, một cái Tâm An Lạc, được gồm vào một chữ duy nhất là chữ BÌNH! Do đó, tu tập LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH ĐỂ TIẾN VỀ CHỮ BÌNH! Điều quan trọng là cuộc hành trình đó phải vô cùng là tích cực, không thụ động. Càng tích cực chừng nào thì con đường càng thu ngắn nhanh chừng nấy, và cái rốt ráo của mình sẽ dễ dàng hiện ra.

Chúng Sanh đặt nặng chữ MUỐN quá nhiều, do đó khó lòng tìm được chữ BÌNH. Chữ MUỐN và chữ BÌNH là 2 từ ngữ tương khắc nhau...CỰC KỲ TƯƠNG KHẮC. Càng muốn nhiều chừng nào thì càng không có bình nhiều chừng nấy. Phải ít muốn (hay không muốn) thì mới tìm được chữ Bình. Hai từ ngữ Muốn và Bình không thể song hành bên nhau được. MUỐN là đầu mối của THAM. Có Tham là có mắc, khi bị mắc rồi thì sợi dây thòng lọng Nghiệp Lực sẽ siết chặt hơn, như vậy làm sao tìm được cái BÌNH?

Tất cả mọi cảnh huống của Chúng Sanh đều nằm gọn trong Tam Độc THAM - SÂN - SI. Thậm chí muốn về Cực Lạc cũng nằm trong chữ Tham, nhưng đó là một cái "Tham vi tế", có thể chấp nhận được! Vì sao? Vì cái Tham đó giúp cho Chúng Sanh thoát xác; Chúng Sanh sẽ từ một thân xác mang quá nhiều Nghiệp Chướng, lặn hụp trong chốn trầm luân, vướng vào vòng Sanh Tử Luân Hồi, nay trở thành Thánh Chúng của Cực Lạc, thoát được sự quấy phá của Nghiệp Lực, an ổn tu tập trên Thai Sen cho tan dần Nghiệp Chướng, và điều quan trọng là thoát được kiếp Luân Hồi, không còn bị ràng buộc vào vòng Sanh Tử nữa. Duy nhất chỉ có cái Tham này là có thể chấp nhận được vì nó chính là đầu mối của sự THĂNG HOA !!!


+ 55