• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Đới Nghiệp Vãng Sanh

Jul 02 2014
Nam mô A Di Đà Phật Nam mô A Di Đà Phật Tranh Ảnh Lạc Pháp

Kính bạch Sư Phụ,
Con thường hay nghe rất nhiều người bảo rằng: “Tôi chỉ cầu mong được đới nghiệp vãng sanh, làm một hoa sen nhỏ bé trong ao Liên Trì của cõi Cực Lạc.” Xin Sư Phụ từ bi giải thích cho con hiểu rõ thế nào là Đới nghiệp vãng sanh, hạ phẩm hạ sanh?

Đới nghiệp vãng sanh có nghĩa là về cõi Cực Lạc mang theo hết tất cả những nghiệp chướng của mình, bước vào thai sen ở một quả vị thấp nhất gọi là Hạ Phẩm Hạ Sanh.

Cõi Tây Phương Cực Lạc của Đức A Di Đà Phật tiếp đón người của cõi Ta Bà đến và tất cả được an trụ qua 3 quả vị (tùy trình độ tu tập thấp cao khi người đó còn tại thế).

Ba quả vị là: Thượng phẩm, Trung phẩm và Hạ phẩm. Ở mỗi quả vị sẽ có 3 cấp: Thượng, Trung, Hạ.

  • Thượng phẩm thượng sanh, Thượng phẩm trung sanh, Thượng phẩm hạ sanh
  • Trung phẩm thượng sanh, Trung phẩm trung sanh, Trung phẩm hạ sanh
  • Hạ phẩm thượng sanh, Hạ phẩm trung sanh, Hạ phẩm hạ sanh

Tất cả những người được vãng sanh về Cực Lạc đều còn mang nghiệp của mình đi theo. Tuy nhiên cần phải phân biệt rõ ràng:

Những người khi còn tại thế biết tu tập, công năng tu tập cao, đạo lực mạnh, luôn giữ được tâm bình cho đến phút lâm chung thì họ sẽ được rước về Cực Lạc, trụ ở một quả vị tương xứng với công năng tu tập của họ.

Những người không biết tu tập, chưa từng tu tập hoặc tu tập rất ít, do một duyên may mà được về Cực Lạc, thì những người này đương nhiên sẽ được an trụ ở Hạ phẩm hạ sanh. Dù ở một quả vị cao hay quả vị thấp, nhất là quả vị Hạ phẩm hạ sanh, người đến từ cõi Ta Bà vẫn luôn luôn tiếp tục làm tiêu mòn nghiệp chướng của mình, chớ không phải về Cực Lạc để ngồi chơi, hưởng nhàn.

Nơi đây Thầy sẽ đề cập đến Đới Nghiệp Vãng Sanh với Hạ Phẩm Hạ Sanh. Vì sao? Vì Thánh Chúng ở Hạ phẩm hạ sanh, hoa sen chưa nở như ở các quả vị khác, việc tu tập trong suốt thời gian Thánh Chúng còn ở trong thai sen rất là phức tạp, đòi hỏi nhiều sự nhẫn nại, trì chí, sự tận lực, tận cường của Thánh Chúng đó, cũng như sự cực nhọc rất nhiều của các Bồ Tát có nhiệm vụ hướng dẫn các Thánh Chúng đó tu tập. Con nên nhớ rằng, một điều vô cùng quan trọng là trình độ tu tập của một người khi còn tại thế, ảnh hưởng rất là lớn lao đến sự thăng tiến của một Thánh Chúng Đới nghiệp vãng sanh.

Kính bạch Sư Phụ,
Một chúng sanh muốn được Đới nghiệp vãng sanh cần phải đạt những tiêu chuẩn nào? Người có tu tập chút ít lúc còn sống có đạt được tiêu chuẩn này hay không? Nếu một người tu tập khá hơn, có đương nhiên về Cực Lạc theo “Đới nghiệp vãng sanh” hay không?

Chúng sanh nào được xem như Đới nghiệp vãng sanh, Thầy sẽ lần lượt phân loại cho con thấy rõ.

Thứ Nhất:

Đức A Dì Đà Phật đã có lời nguyện rằng: “Những chúng sanh nào vào lúc lâm chung, nhất tâm bất loạn niệm danh hiệu của ta bảy lần, từ một ngày cho đến bảy ngày, thì ta sẽ rước chúng sanh đó về cõi Cực Lạc”. Việc niệm danh hiệu Phật nhất tâm bất loạn vào phút lâm chung, là một điều đòi hỏi người sắp sửa qua đời đó phải ở trạng thái Bình thì mới có thể nhất tâm bất loạn được. Khi thân tứ đại bắt đầu xuất ra khỏi thân xác của người sắp lìa đời thường gây nên những điều rất là khó chịu, đôi khi đi đến sự đau đớn. Giữ được tâm thanh tịnh ở vào phút đó phải là một người rất là đặc biệt; giữ được nhất tâm bất loạn, tâm vẫn sáng suốt để trì danh hiệu Phật, điều này không phải chúng sanh nào cũng làm được. Nói tóm lại là phải có một duyên may, duyên may đó dính liền với Cực Lạc, cho nên giờ phút cuối, tâm vẫn không động, trí vẫn sáng suốt. Tuy nhiên, số này cũng vẫn còn rất ít, kể cả người tu tập hàng ngày, giờ phút lâm chung cũng khó giữ tâm bất loạn.

Cho nên, trong số những người được rước về Cực Lạc với tính cách Đới nghiệp vãng sanh, người giữ được tâm bất loạn vào phút lâm chung, niệm được danh hiệu Phật A Di Đà bảy lần trong vòng từ một ngày cho đến bảy ngày, người đó xem như có duyên với Cực Lạc và sẽ được Thánh Chúng đến rước ngay vào phút lâm chung.

Thứ Hai:

Ngoài ra, những người dốc tâm tu tập, giữ được tâm bình cho đến giờ phút lâm chung, vẫn được Cực Lạc rước ngay vào phút lâm chung.

Thứ Ba:

Có những kẻ được người hộ niệm giúp đỡ, vào giờ phút cuối đã hết lòng ăn năn, sám hối một cách chân thành những điều sai trái mà mình đã tạo tác, và lòng chân thành tha thiết muốn được về Cực Lạc, thì cũng sẽ được rước về Cực Lạc.

Chúng sanh đừng vội nghĩ rằng: tôi tha hồ làm chuyện quấy trá, miễn sao giờ phút lâm chung tôi có dạ chân thành, ăn năn sám hối là tôi được rước về Cực Lạc.

Không phải như vậy đâu! Việc người đã từng làm chuyện sái quấy rất nhiều, nhưng ở phút cuối của cuộc đời, vào giây phút đối diện với cái chết đã tỏ dạ ăn năn, sám hối và lòng tha thiết muốn được về Cực Lạc thì Cực Lạc sẽ nhận ra ngay được người đó có đúng dạ chân thành hay không. Cho nên, lòng chân thành ở vào phút lâm chung vô cùng là quan trọng, không thể nào có sự giả dối xen vào trong đó được. Cũng như Thầy thường hay nói rằng: một vong linh khi đã ngộ được điều mình sai trái và hiểu được con đường mình bắt buộc phải đi, phải sửa đổi cái tánh của mình thì khi đó sẽ có sự rung động và sự rung động đó là một sự rung động từ ở tâm chân thật.

Thứ Tư:

Có những vong linh trong thời gian 49 ngày, nếu gặp được người chủ lễ siêu độ chân thành giúp cho Thần thức, giúp cho vong linh đó hiểu rằng mình đã làm điều sai trái và nếu vong linh đó chí thành sám hối, ăn năn và một  lòng muốn được về Cực Lạc thì sau 49 ngày, Thánh Chúng sẽ đến rước vong linh đó. Phải nên nhớ kỹ một điều: một vong linh không có sự ép buộc phải đi về bất kỳ một cõi nào. Đúng ra, vong linh sau 49 ngày sẽ tùy theo nghiệp của mình mà đi, tuy nhiên, nếu gặp được người chủ lễ đem hết dạ chân thành giúp đỡ, dẫn dắt, phân tích tất cả những sai lầm của vong linh, và một khi vong linh đã giác ngộ rồi mà có sự rung động, sự rung động đó là kết quả của tấc dạ chân thành trong việc ăn năn sám hối và tha thiết muốn về Cực Lạc để tiếp tục được dạy dỗ thì vong linh đó sẽ được toại ý. Người chủ lễ chỉ có một bổn phận duy nhất là đem sự chân thành của mình để dẫn dắt một người thiếu sự hiểu biết, và sau khi đã dẫn dắt, đã chỉ rõ những điều đúng sai, những điều nên hay không nên và vong linh đó thành tâm sám hối, ăn năn thì sự lựa chọn ở vong linh chứ không phải ở chủ lễ.

Thứ Năm:

Người có tu tập trong lúc còn tại thế, tuỳ theo công năng tu tập của người đó và có sự phát nguyện của người đó là được vãng sanh về Cực Lạc, thì người đó mới có thể được rước về Cực Lạc. Nếu người đó biết tu tập nhưng không phát nguyện về Cực Lạc thì cũng vẫn không thể về Cực Lạc được. Cho nên lời phát nguyện vô cùng quan trọng và trước mỗi thời khóa tu, đều phải long trọng lặp lại lời phát nguyện thì như vậy mới có thể chắc chắn được một sự tiếp rước về Cực Lạc.

Thứ Sáu:

Điều tối ư quan trọng đối với người biết tu tập, Thầy đã nhắc đi nhắc lại rất là nhiều lần là phải giữ Tâm Bình. Phải luyện tập cho được tâm bình thì như vậy mới có thể quyết chắc được rằng vào phút lâm chung mình giữ được tâm bất loạn. Tâm bình nếu không biết giữ, đợi đến phút lâm chung là đã quá muộn màng, nhất là trong sự hỗn loạn giữa cái sống và cái chết.

Nếu không giữ được chánh niệm vào phút lâm chung, việc tiếp dẫn khó có thể xảy ra ngay phút lâm chung!

Tuy nhiên, nếu trong thời gian 49 ngày, người chủ lễ siêu độ hết lòng dẫn dắt, hướng dẫn để cho vong linh chí tâm sám hối, niệm Phật, cầu xin về Cực Lạc, thì Cực Lạc sẽ đến rước sau 49 ngày.

Kính bạch Sư Phụ,
Khi nãy Sư Phụ có nói rằng người đới nghiệp vãng sanh với Hạ Phẩm Hạ Sanh thì hoa sen chưa nở và việc tu tập rất là phức tạp, cực nhọc cho cả Thánh Chúng ở trong hoa sen đó và cho luôn cả các vị Bồ Tát phụ trách chỉ dạy cho các Thánh Chúng đó. Kính xin Sư Phụ từ bi giải thích rõ ràng để con được tận tường?

Con ơi! Thánh Chúng đã qua tầng lớp NGƯỜI, đến với thế giới Cực Lạc hoặc bằng đới nghiệp vãng sanh với Hạ Phẩm Hạ Sanh hoặc do công năng tu tập của mình. Dù bằng ở một cách nào đi nữa, Thánh Chúng cũng vẫn có một tư cách, đó là tư cách của kẻ đã thoát vòng sanh tử luân hồi, sống an nhiên tự tại để trau giồi bản thân mình. Nguồn gốc của Thánh Chúng vẫn là một chúng sanh của cõi Ta Bà, với tất cả lục dục, thất tình, với tất cả những nghiệp lực vây quanh. Nếu chúng sanh nào có một công năng tu tập cao thì ngay từ khi còn sống, còn hiện diện ở cõi Ta Bà, chúng sanh đó đã có thể tháo gỡ một phần nào những xiềng xích, gông cùm của nghiệp lực. Công năng tu tập cao giúp cho chúng sanh đó có một trí huệ phát sáng và khi về đến Cực Lạc, trở thành Thánh Chúng, trí huệ đó được sử dụng ngay để giúp cho Thánh Chúng đó tiếp hội một cách lẹ làng những lời pháp, những sự chỉ dẫn của các Bồ Tát Cực Lạc. Sự gột rửa vô minh, tháo gỡ nghiệp lực cũng sẽ dễ dàng do ở trí huệ phát sáng đó. Trí huệ này được ví như một ngọn đuốc, làm tiêu chảy ra những nghiệp lực, những phiền não, làm cho Thánh Chúng đó càng ngày càng nhẹ nhàng hơn trên hoa sen và sự nhẹ nhàng này làm đà cho sự nhảy vọt từ quả vị này sang quả vị khác một cách nhanh chóng và màu sắc của hoa sen cũng thay đổi.

Một Thánh Chúng Đới nghiệp vãng sanh với Hạ Phẩm Hạ Sanh, công năng tu tập khi còn tại thế KHÔNG có, do đó trí huệ phát sáng cũng KHÔNG có.

Thánh Chúng ở cấp bậc này phải tận lực, tận tâm để học hỏi và nhất là phải tận cường rất nhiều để ngăn cản tất cả những chướng duyên ào ạt đến như thác lũ. Các chướng duyên này chính là những nghiệp lực được mang theo về Cực Lạc chưa được gột rửa bớt đi, chúng ồ ạt kéo tới, nếu không tận cường thì không thể nào chiến đấu lại với bản thân mình.

Nếu Thánh Chúng đó khi còn ở cõi Ta Bà, đã dốc lòng tu tập, có được chút trí huệ phát sáng thì việc ngăn chận nghiệp lực sẽ không có một chút khó khăn nào cả. Ở cõi Ta Bà, hằng ngày phải đối diện với cảnh huống này, đau lòng kia, những sự việc này xảy ra, những sự việc kia xảy tới, việc đối phó của chúng sanh cũng sẽ rất uyển chuyển và biết cách nương theo những sự khó khăn để mà đạt được kết quả. Ở cõi Cực Lạc, nói một cách nôm na là, tất cả những sinh hoạt có tính cách đấu tranh đều bị ngưng đọng, thành ra tâm của Thánh Chúng là một tâm thuần, một khối thuần trong vắt, không gợn bất kỳ một lục dục thất tình nào cả, cho nên rất khó lòng chống lại các chướng duyên xảy đến. Chỉ khi nào một nghiệp lực hiện ra dưới hình thức của một ảo giác, lúc đó Thánh Chúng mới cảm nhận được sự chao động của Tâm. Tuy nhiên việc chống chọi lại nghiệp lực đó, việc làm cho tâm không còn chao động nữa rất là khó khăn đối với Thánh Chúng, do ở thiếu trí huệ phát sáng.

Thánh Chúng ở Cực Lạc phải làm việc gấp đôi gấp ba so với chúng sanh ở cõi Ta Bà trong việc chống chọi lại với nghiệp lực của mình. Trí huệ là một điều kiện ắt có và đủ để giúp cho cả chúng sanh lẫn Thánh Chúng làm tiêu đi nghiệp lực của mình. Chúng sanh ở cõi Ta Bà dốc lòng tu tập để có trí huệ phát sáng, khi về được Cực Lạc, trí huệ đó vẫn không mất đi tính chất của nó, vẫn tiếp tục giúp Thánh Chúng tu tập, thâm nhập lời pháp, giúp cho Thánh Chúng tư duy pháp, gột rửa vô minh, làm tan nghiệp lực và nhất là giúp cho Thánh Chúng chuyển từ quả vị này sang quả vị kia được dễ dàng và màu sắc của hoa sen cũng được thay đổi theo từng quả vị.

Thánh Chúng đới nghiệp vãng sanh ở Hạ Phẩm Hạ Sanh, ngồi trong thai sen đóng kín chưa được dự phần cùng các Thánh Chúng ở quả vị cao hơn để mang hoa cúng dường mười phương Chư Phật. Các Thánh Chúng này phải tu tập qua các lời pháp để làm sao cho tan bớt lần đi các nghiệp lực mà mình đã mang theo về Cực Lạc. Nghiệp lực càng tiêu, Thánh Chúng càng nhẹ hơn trong thai sen cho đến khi hoa sen nở, Thánh Chúng mới thật sự góp phần vào sự sinh hoạt của Cực Lạc.

Kính bạch Sư Phụ,
Như thế thì một chúng sanh từ khi được vãng sanh về Cực Lạc, nhập vào thai sen và trở thành Thánh Chúng, cho đến khi hoa sen nở, Thánh Chúng đó phải làm việc không ngừng nghỉ chớ không phải ngồi hưởng nhàn trong thai sen như đại đa số chúng sanh ở cõi Ta Bà đã nghĩ tưởng?

Con ơi! Việc các Thánh Chúng ở Hạ Phẩm Hạ Sanh đến được Cực Lạc là một đặc ân của Đức Phật A Di Đà. Thánh Chúng đó đã trải qua một thời gian ở cõi Ta Bà, đã phải chung đụng, phải vật lộn với biết bao nhiêu chướng ngại trong suốt cuộc đời. Ngày nay, sống đời an nhiên tự tại ở cõi Cực Lạc, không còn lo âu, không còn sợ hãi và nhất là biết chắc chắn rằng mình không còn bị trôi lăn trong vòng sanh tử luân hồi nữa, Thánh Chúng phải biết sử dụng thời gian ở cõi Cực Lạc để thực sự tiến lên, phải trau giồi cho trí huệ của mình phát sáng, không thể nào bảo rằng: Tôi cứ ngồi đây cho tới khi nào trí huệ của tôi sáng lên.

Trí huệ chỉ phát sáng khi Thánh Chúng gia công tu tập, tận lực, tận tâm, làm cho các chướng duyên biến mất. Phải hiểu cho thấu đáo lời pháp mà các vị Bồ Tát của Cực Lạc đã dẫn dạy để tự gột rửa mình, tự làm cho mình được “sạch sẽ” hơn bằng cách làm tiêu bớt đi những chướng duyên, thì như thế từ phẩm vị này bước qua phẩm vị kia chỉ là một búng tay thôi. Thời gian lưu lại ở thai sen quá lâu không tốt và không có lợi cho Thánh Chúng đâu.

Đối với những Thánh Chúng đến cõi Cực Lạc do công năng tu tập của mình thì sẽ tiếp tục tu tập, đem trí huệ sẵn có của mình để hiểu pháp một cách thâm sâu và thấu đáo. Mỗi lời pháp đều có một thâm ý, nhận chân ra được thâm ý đó thì trí huệ mới phát sáng. Mỗi lần một chút, một chút, trí huệ càng phát sáng, hoa sen càng nở lớn, màu sắc càng thay đổi.

Kính bạch Sư Phụ,
Khi nãy Sư Phụ có đề cập đến việc các Thánh Chúng ở Hạ Phẩm Hạ Sanh phải làm tiêu bớt đi những chướng duyên. Xin Sư Phụ từ bi giải thích cho con được hiểu rõ thế nào là “chướng duyên”?

Con ơi! Tất cả những cái gì làm cho Thánh Chúng cảm thấy khó khăn, không đạt được kết quả trên đường tu tập thì gọi là chướng duyên.

Tại sao có chướng duyên? Đó chính là sự biến dạng của các nghiệp lực của Thánh Chúng đó. Nếu Thánh Chúng đó vẫn còn ở cõi Ta Bà, thì những nghiệp lực đó sẽ chi phối chúng sanh đó qua hình thức oan gia trái chủ (Chủ nợ và Con nợ). Nghiệp lực là “Nghiệp Lực Sống.”

Nếu chúng sanh đó được vãng sanh về Cực Lạc, thì các nghiệp lực sẽ ngưng ngay việc phá tác vì không còn nữa sự hiện diện của các oan gia trái chủ. Khi đó, tất cả những khó khăn được tạo nên do nghiệp lực sẽ biến hình đổi dạng để trở thành “chướng duyên” khiến cho Thánh Chúng đó không định tâm được. Một khi đã không định tâm được thì tư tưởng luôn bị xáo trộn, không tư duy được, tư duy không được thì không thể nào hiểu được lời pháp một cách thâm sâu. Khi lời pháp không được hiểu một cách thâm sâu thì không thể nào có được một sự rung động đúng nghĩa, để có thể từ sự rung động đó biến thành ra trí huệ phát sáng.

Kính bạch Sư Phụ,
Nếu một Thánh Chúng ở Hạ Phẩm Hạ Sanh tu tập thiếu sự tận tâm, tận lực, tận cường thì thời gian ở cõi Cực Lạc có được vĩnh viễn không? Hay là có giới hạn hoặc bị đưa trở lại cõi Ta Bà?

Nếu một Thánh Chúng đới nghiệp vãng sanh ở Hạ Phẩm Hạ Sanh mà không cố gắng tu tập để bước sang một phẩm vị khác, thì thời hạn là năm trăm kiếp người. Sau thời hạn này thì Thánh Chúng đó được đưa sang một nơi khác, vẫn không rời Cực Lạc để được dạy dỗ nhiều hơn, cực nhọc nhiều hơn nữa. Thánh Chúng đó phải ra nhiều công sức hơn nữa cho đến khi có được một trí huệ căn bản, lúc đó sẽ được đưa trở lại nơi chốn cũ và được nhập vào thai sen của Thánh Chúng đó. Ở Cực Lạc không có những sự thử thách và sự đấu tranh như ở cõi Ta Bà, vì vậy thời gian tu tập để phát sinh trí huệ sẽ lâu hơn và Thánh Chúng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Đới nghiệp vãng sanh là mang nghiệp đi về Cực Lạc, mà nghiệp thì luôn luôn đi kèm với đau khổ, với nước mắt, với lo âu, với bao nhiêu sự bi đát đến với mình. Tất cả những thứ đó sẽ chảy ra và biến dạng lại thành ra “chướng duyên”, gây nên rất nhiều khó khăn trên đường tu tập của một Thánh Chúng ở Hạ Phẩm Hạ Sanh. Các chướng duyên này làm cho Thánh Chúng đó cảm thấy rằng không thể đi tới đích được là do ở cái gì? Đó chính là ở trí huệ không phát sáng.

Con cứ nhận xét đi, một người thiếu trí huệ thì luôn luôn là một kẻ ù lì, không thể nào tự mình cất bước được.

Kính bạch Sư Phụ,
Nếu một Thánh Chúng khi còn ở tại thế (cõi Ta Bà), hằng ngày luôn sám hối trong mỗi thời khóa tu của mình, lúc được đới nghiệp vãng sanh về Cực Lạc, Thánh Chúng đó có phải tiếp tục sám hối nữa hay không?

Con ơi! Khi còn ở cõi Ta Bà, một chúng sanh đã phát nguyện tu tập, dù là tu theo pháp môn nào, cũng vẫn phải lấy việc sám hối làm đầu. Sám hối được ví như một ngọn lửa, thiêu đốt hết những nghiệp lực quấn chặt quanh mình của chúng sanh đó, làm tan đi những gì không tốt đẹp của Tâm – Ý – Tánh. Câu trì Chú và câu niệm Phật làm phát sanh trí huệ, không khác gì những tia sáng của mặt trời. Những tia sáng đó nếu chiếu vào một tấm gương, hoặc bị dính đầy bụi hay bị bao che bởi một lớp vải, thì chắc chắn rằng tấm gương không thể nào phản chiếu được những tia sáng. Chúng sanh ở cõi Ta Bà, đối diện trực tiếp với nghiệp lực, đối diện với người đến đòi nợ và phải tranh đấu, phải làm đủ mọi cách để cho nghiệp lực giữa đôi bên tan đi. Đây chính là một cơ hội quý giá để cho chúng sanh đó trau giồi Tâm – Ý – Tánh và dễ dàng hóa công việc tu tập của mình một khi được đới nghiệp vãng sanh.

Đối với một Thánh Chúng đới nghiệp vãng sanh chưa từng biết tu tập, họ đến Cực Lạc do ở tâm thành, đúng với lời nguyện của Đức A Di Đà Phật mà được cứu độ, họ mang trọn “một kho” nghiệp chướng đi theo mình về Cực Lạc thì như Thầy đã nói ở trên, Thánh Chúng đó hiểu biết được, cảm nhận được nghiệp lực đang xoay vòng xung quanh mình, nhưng có điều rằng không có “đối tác” tức là không có sự hiện diện của người đến đòi. Mỗi một nghiệp lực có tính chất riêng biệt, tùy theo nhân đã gieo như thế nào và hình dạng của quả chín muồi ra làm sao.

Làm cách nào để cho tan nghiệp lực? Thánh Chúng chỉ có một vũ khí duy nhất để chống và đánh cho tan nghiệp lực: đó chính là Sám Hối. Làm sao để tỏ dạ chân thành sám hối? Vì chính sự chân thành mới khiến cho có sự rung động ở Tâm và làm tan đi nghiệp chướng. Tâm – Ý – Tánh của một Thánh Chúng không giống như Tâm – Ý – Tánh của một chúng sanh vì nó không vọng động, nhưng nó tiềm tàng, do đó, Thánh Chúng phải dùng tất cả sức lực của mình để làm tiêu đi những vọng động của Tâm – Ý – Tánh. Mà muốn làm tiêu đi những vọng động đó thì phải nhờ vào sám hối, ngọn lửa sám hối sẽ thiêu hủy … thiêu hủy, làm cho chảy ra những nghiệp lực quấn chặt chung quanh Thánh Chúng đó. Mà việc sám hối bắt buộc phải liên tục, không ngừng nghỉ cho đến khi giải quyết được một nghiệp lực, rồi hai nghiệp, rồi ba nghiệp lực … cho đến khi Thánh Chúng đó đủ “NHẸ” để làm cho hoa sen nở ra. Hoa sen nở ra không có nghĩa là Thánh Chúng ngưng việc sám hối.

Nghiệp lực quấn chặt quanh mình của một chúng sanh từ vô thỉ kiếp cho đến hiện kiếp, việc làm tiêu đi nghiệp lực là một hành trình rất … rất dài, mất nhiều thời gian và nhiều công sức để thành tựu. Những Thánh Chúng đã bước qua những quả vị cao ở Cực Lạc cũng vẫn còn phải tiếp tục sám hối để làm cho tiêu nghiệp chướng của mình. Có điều rằng, Thánh Chúng nào càng nhẹ thì càng dễ nhảy vọt từ phẩm vị này sang phẩm vị khác. Riêng ở hạ phẩm hạ sanh, phần lớn Thánh Chúng không biết tu tập khi còn tại thế, do đó gần như những nguyên tắc căn bản của việc tu tập, làm sao cho mình được thăng hoa, Thánh Chúng chưa được biết qua. Từ ngữ Sám Hối, Trì Chú hay Trí Huệ vẫn còn rất mù mờ đối với Thánh Chúng, cho nên việc tu tập của Thánh Chúng gặp nhiều khó khăn, nhiều trắc trở, trí huệ phát sáng không có nên các chướng duyên làm  ngăn chận việc định tâm rất nhiều, không thâm nhập, không tu duy được Pháp, tạo nên vòng lẩn quẩn khiến cho Thánh Chúng đó mất rất nhiều thời gian ngồi trong thai sen mà hoa sen vẫn không nở được.

Kính bạch Sư Phụ,
Một Thánh Chúng còn đang ở trong thai sen có cảm nhận được tình cảm thương nhớ, réo gọi, buồn đau của thân nhân mình trên dương thế hay không?

Con ơi! Tất cả những tình cảm đó, Thánh Chúng đều cảm nhận được hết. Vì để diển tả tình cảm, thân nhân phải tưởng đến người đã mất, mà hễ có tưởng thì sẽ có cảm nhận. Duy có điều rằng chỉ là sự cảm nhận chớ  không thấu triệt từng chi tiết và không hồi đáp. Thánh chúng ngồi trong hoa sen khép kín không khác một căn  nhà khóa cửa, có muốn vẫy vùng đi khắp mọi nơi cũng không toại ý được.

Thương tưởng đến người quá cố, thật lòng tiếc nhớ người quá cố, thân nhân phải càng tu tập nhiều hơn để hồi hướng công đức tu tập cho người quá cố. Đó là một tình thương đúng nghĩa, và một lòng tưởng nhớ rất đáng ghi nhận và rất nên làm.

Bên cạnh đó, Thánh Chúng còn phải đối diện với các nghiệp lực lần lượt đổ ra, mà những nghiệp lực của kiếp mới vừa qua là đáng kể nhất, vì nó còn mới toanh trong tâm thức của Thánh Chúng. Khi nó hiện ra thì không khác gì một cảnh tượng sống với từng chi tiết, với từng nhân vật và cả sự hiện diện của Thánh Chúng trong ấy. Đây là dịp mà Thánh Chúng sẽ nhận ra một cách rõ ràng và sống động vòng tròn nghiệp lực Tâm – Ý – Tánh đã tác động như thế nào trong việc đóng vòng nghiệp lực. Thánh Chúng sẽ là một khách bàng quan, đứng ngoài nhìn vào cảnh tượng như một cuốn phim, quay lại tất cả mọi việc từ lúc khởi đầu đến lúc chấm dứt, tức là lúc vòng tròn nghiệp lực đóng kín lại. Thánh Chúng sẽ có dịp quan sát từng lời nói, từng hành động, từng cử chỉ của mình, thể hiện cho tất cả những tánh xấu của mình, những ý nghĩ không lành của mình và một cái tâm đã vọng động ra làm sao. Thánh Chúng sẽ không thể nào biện hộ được cho cái kết quả của việc mình làm, để rồi sau đó bước vào việc sám hối, sám hối cho đến khi nào những nghiệp lực được tan chảy ra và biến mất. Thánh Chúng có làm tiêu nghiệp nhiều chừng nào thì sẽ cảm thấy càng nhẹ nhàng hơn trong hoa sen và hoa sen càng mau nở!

Kính bạch Sư Phụ,
Sư Phụ đã giảng dạy cho con hiểu thật rõ ràng những khó khăn gặp phải của Thánh Chúng đới nghiệp vãng sanh. Xin Sư Phụ từ bi ban cho chính bản thân con cũng như cho mọi chúng sanh một lời khuyên thiết thực về việc tu tập sao cho hợp tình hợp lý để khi còn ở cõi Ta Bà vẫn cảm thấy cuộc đời mình nhẹ nhàng, thanh thoát; rồi khi bỏ báu thân, được vãng sanh về Cực Lạc sẽ không bị vướng mắc quá nhiều với nghiệp chướng mà mình đã mang theo.

Nếu một người chăm lo tu tập trong suốt quãng đời của mình, luôn giữ được tâm bình ở vào phút lâm chung, khi đó, nếu có người giúp đỡ hộ niệm, hoặc thân nhân hiểu biết nhắc nhở (vì thần trí có thể bị rối loạn vào phút cuối cùng) bằng cách trì Chú, niệm Phật, người đó sẽ được vãng sanh ngay khi hắt hơi cuối cùng.

Tại sao phải trì Chú? Vì trì Chú sẽ giúp cho trí huệ của người sắp sửa ra đi được sáng lên. Phải niệm Phật để người đó không quên lời phát nguyện của mình.

Tùy theo công năng tu tập của người đó mà họ sẽ được một quả vị tương xứng ở Cực Lạc. Công năng tu tập được đánh giá bằng trí huệ phát sáng, trí huệ càng phát sáng nhiều chừng nào, thì quả vị càng cao chừng nấy. Cho nên việc tu tập vô cùng quan trọng. Thầy đã nói rất nhiều lần: dù chỉ năm phút tu, nhưng để tất cả tâm tư vào năm phút tu đó, còn hơn một người ngồi tu suốt cả ngày nhưng đầu óc lơ tơ mơ, không giúp gì cho trí huệ cả. Nhớ rõ một điều rằng, tu tập là để cho trí huệ phát sáng, vì một khi trí huệ phát sáng thì mình có đủ sức để phân nhận ra được điều nên làm, điều không nên làm, và nhận chân ra được đâu là nghiệp lành và đâu là nghiệp dữ. Điều quan trọng là, nhờ có trí huệ mà mình mới hiểu rõ được cách đối phó với nghiệp lực, làm sao để xoay chiều nghiệp lực.

Những người đi về Cực Lạc, thực sự ra, hầu hết đều là đới nghiệp vãng sanh, nhưng người đã bỏ ra công sức để tu tập một cách chân chính, Thầy nhấn mạnh hai chữ “chân chính,” thì việc họ mang theo nghiệp để đi về Cực Lạc thì nhẹ nhàng hơn là một người chưa từng biết tu tập, chỉ được một tâm thành và một lòng thành tâm sám hối, ăn năn ở vào phút lâm chung. So với hai người thì kẻ nặng, người nhẹ; người biết tu tập thì sẽ được nhẹ nhàng hơn và nhờ có trí huệ phát sáng do công năng tu tập, người đó sẽ được một quả vị cao hơn. Nhưng, họ vẫn còn mang theo nghiệp và tất cả cũng vẫn là phải ngồi trong thai sen mà sửa lần, sửa lần tâm tánh của mình, và phải đối phó với tất cả những nhiệp chướng mà mình đã mang theo. Có điều rằng, đối với người có tu tập thì việc đối phó những nghiệp chướng sẽ dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn là với một người chưa từng tu tập. Cho nên Thầy khuyên tất cả mọi chúng sanh, ngay khi còn hơi thở, dốc lòng chăm lo tu tập, giùi mài tánh của mình, chặt bỏ hết những thói hư tật xấu. Những thứ đó sẽ làm cho mình rất nặng nề ... nặng nề trong thai sen và làm cho hoa sen rất là lâu nở. Một khi còn tánh xấu quá nhiều thì rất khó lòng đối phó với tất cả các nghiệp chướng mà mình đã mang theo.

Vì vậy, tu ở cõi Ta Bà, nếu dốc lòng hết sức thì kết quả sẽ vô cùng tốt đẹp hơn là tu ở cõi Cực Lạc, rút ngắn thời gian trong thai sen và sẽ được thảnh thơi hơn so với những người không biết tu tập, đợi lên đến Cực Lạc mới bắt đầu tu tập thì phải gặp nhiều khó khăn hơn.

Điều quan trọng là phải sửa được những tánh xấu của mình, vì chính những tánh xấu mới chiêu cảm lấy nghiệp lực, mới mời gọi nghiệp lực tới. Cho nên, muốn một phẩm vị cao nơi Cực Lạc, thì ngay từ cõi Ta Bà phải biết tu tập, bỏ thời gian để tu tập, để đào luyện bản thân của mình trước, sẽ đỡ mất thì giờ nơi Cực Lạc, ngồi lâu trong thai sen và các Bồ Tát của Cực Lạc sẽ phải làm việc rất nhiều để giúp đỡ cho mình.

Cần phải suy nghĩ thật kỹ lưỡng một sự chọn lựa. Tôi bỏ ít thời gian, mỗi ngày một chút thì giờ để tu tập, để cho trí huệ của tôi được phát sáng, để cho tôi tập giữ Tâm Bình, giờ phút lâm chung, thần trí tôi không bị hỗn loạn, tôi không gặp sự khó khăn khi hắt hơi cuối cùng. Thì như vậy, tôi sẽ được Phật và Bồ tát cùng Thánh Chúng rước tôi ngay vào giờ phút lâm chung.

Việc tu tập không đem lại điều bất lợi cho một chúng sanh nào cả, mà luôn luôn giúp cho chúng sanh đó được nâng cao tư cách của con người, từ vật chất cho đến tinh thần, từ Đời cho đến Đạo. Nói về vật chất, việc tu tập sẽ giúp cho một chúng sanh ít bệnh hoạn hơn, thể xác được khỏe mạnh hơn, nhờ vào đâu? Nhờ vào một tâm trí luôn luôn biết giữ cho mình một giới luật nghiêm minh, tránh những tư tưởng không tốt, tránh những hành động không nên, tránh những lời nói không thuận ý. Tâm trí và thân xác có sự hòa hợp với nhau làm cho chúng sanh đó cảm thấy luôn được nhẹ nhàng, không gút mắt, sống thanh thản và bình an.

Nhờ có sự tu tập mà tư cách của chúng sanh sẽ ngời sáng trong cách cư xử, giao tế. Rồi một mai khi bỏ thân xác này, được về cõi Cực Lạc, tất cả những điều tốt đẹp mà mình đã tạo nên trong suốt quãng đời tu tập ở cõi Ta Bà, sẽ giúp cho mình một quả vị cao chứ không phải ở một quả vị thấp, khiến cho sự chờ đợi để hoa sen nở ra, được rút ngắn lại rất nhiều.

Cực Lạc rất cần những vị Bồ Tát để đi cứu độ chúng sanh. Hằng ngày, cõi Ta Bà luôn đầy ắp những tiếng kêu cứu, những lời réo gọi, van xin, khẩn cầu giúp đỡ. Nếu tất cả Thánh Chúng đều từ tốn, chậm rãi, không dốc lòng tu tập để đạt quả vị cao hơn, thì việc cứu độ chúng sanh sẽ gặp nhiều khó khăn và không trôi chảy. Cực Lạc giúp cho chúng sanh cõi Ta Bà dứt vòng sanh tử, thoát kiếp luân hồi, tránh cảnh trầm luân với nghiệp lực quấn quanh như những vòng dây xích, không ngừng phá tác. Cực Lạc giúp cho chúng sanh cõi Ta Bà sống đời an nhiên tự tại, mùa xuân sẽ bất tận ở Cực Lạc, niềm vui phơi phới sẽ luôn tràn đầy không chấm dứt. Việc tu tập có hoàn tất được ở cõi Ta Bà thì ở cõi Cực Lạc mới thể hiện được một cách rộng rãi và hoàn hảo cái ý nghĩa của hai chữ “TỰ TẠI.”


+ 89