• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Địa Ngục Của Mỗi Chúng Sanh

Aug 10 2014
Rising - Andre Luu - 53899706 Rising - Andre Luu - 53899706 500px

Kính bạch Sư Phụ,
Có rất nhiều người thắc mắc hỏi rằng: Địa ngục có thật hay không? Tại sao chư Phật và Bồ Tát TỪ BI mà lại có quá nhiều loại địa ngục để trừng phạt chúng sanh? Kính xin Sư Phụ từ bi giải thích cho con được rõ điều thắc mắc này.

Thế nào là địa ngục?

Địa ngục là nơi giam cầm một người đã làm chuyện quấy trá, và không phải thuần giam cầm để người đó sống trong nệm ấm chăn êm ở trong đó, mà có thể nói rằng, vừa bị giam cầm, vừa phải chịu những khổ sở nhọc nhằn, nếu không muốn nói là kèm theo với những hình phạt. Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát đã kể ra rất nhiều ... rất nhiều những loại địa ngục, và những địa ngục này nghe qua đều làm cho mọi người cảm thấy sợ hãi. Địa ngục đó được xây một cách kiên cố với mười tám tầng, có nghĩa là, người ta xây một cái nhà rất rất là lớn có 18 tầng,  thay vì có phòng ốc đẹp đẽ như một căn nhà để ở, thì nó lại là nơi giam cầm, đầy những hình phạt, đầy tiếng kêu đau thương, đầy những sự đau đớn, khốn khổ, ai nghe qua cũng đều hoảng sợ, giật mình.

Con có nghĩ rằng trên quả đất này, có một nơi nào rộng lớn, đủ để xây một cái địa ngục có 18 tầng, hoặc ở trên mặt đất, hoặc ở dưới mặt đất; với một số dân đông đảo gần cả chục tỉ người, có bao nhiêu tội phạm có thể chứa được trong địa ngục đó?

Con phải nghĩ rằng: địa ngục dù lớn bao nhiêu đi chăng nữa, giả sử lớn như một đại dương, cũng vẫn không đủ để chứa những tội nhân của gần 10 tỉ người trên quả địa cầu này.

Nói như vậy không có nghĩa rằng địa ngục không có, mà Thầy khẳng định rằng địa ngục có, có đầy đủ các loại địa ngục, y như ngài Địa Tạng đã kể ra, không thiếu bất kỳ một địa ngục nào hết. Con sẽ thắc mắc rằng: Thầy vừa mới nói không có, bây giờ thì lại có, như vậy có nghĩa là sao?

Nếu nói về sự xây cất kiên cố để cho mọi người có thể nhìn thấy, có thể sờ mó thì địa ngục đó hoàn toàn không có. Nhưng, có một thứ địa ngục, thật sự ra, nó kiên cố gấp vạn lần cái địa ngục được xây cất một cách hữu hình. Địa ngục đó không có người canh giữ, không có người phán xét, không có bất kỳ một ai cả, nhưng tội nhân hoàn toàn không trốn đi đâu được hết! Địa ngục đó được mang tên là "Địa Ngục Của Chính Mình," của chính mỗi cá nhân trong chúng sanh. Từ người cao sang, quyền quý, một vị vua, một người thống lĩnh hàng hàng lớp lớp binh tướng, dân chúng trong một quốc gia, một người có nhiều sức mạnh v.v... cho đến một kẻ cùng đinh, cho đến một người lê lết không ngồi dậy nổi, không đi đứng được, tất cả đều có cho riêng mình một địa ngục.

Địa ngục đó có thể hiện ra mà cũng có thể biến mất. Tại làm sao?

Thầy đã nói qua: mỗi chúng sanh đều có thể tạo cho mình một vòng nghiệp lực, và vòng nghiệp lực đó được tạo nên bởi Tâm – Ý – Tánh.

Nếu bây giờ tâm của một chúng sanh là một tâm hung dữ, lúc nào cũng nghĩ đến chuyện làm khổ đau kẻ khác, làm sao đem lại lợi ích cho mình mà bất chấp những thủ đoạn, bất chấp tất cả những gì có thể làm đau lòng người khác, nói tóm lại, là có đạp trên xác chết của kẻ khác để đi mà đem lại lợi lạc cho mình, thì người đó vẫn làm. Tất cả những người mang một cái tâm không bao giờ đem lại phúc lợi cho kẻ khác, đều được liệt vào: "Tâm Xấu Ác."

Từ tâm xấu ác sẽ dẫn đến những ý nghĩ không tốt đẹp, những ý nghĩ không lành, làm cách nào để hại kẻ khác, làm cách nào để có thể thu được nhiều lợi lạc, làm cách nào để chiếm đoạt những điều quý giá của kẻ khác.

Hỗ trợ cho những ý xấu xa, cho một cái tâm không lành là những tánh tình tham lam, độc ác, những tánh thích làm đau kẻ khác, những tánh bỏn xẻn, ghen ghét, ganh tỵ; nói tóm lại, tất cả những tánh nào gọi là xấu xa nhất sẽ hỗ trợ cho những ý tưởng không lành. Tất cả những thứ đó (thuộc Tâm - Ý - Tánh) sẽ họp chung lại và sẽ tạo vòng nghiệp lực và chính cái vòng nghiệp lực đó đóng hai vai trò.

Vai trò thứ nhất: chính người đó đã tạo nên vòng nghiệp lực với những kẻ khác, vòng nghiệp lực đó sẽ không bao giờ bị chặt đứt cho đến khi nào nó đụng phải vòng nghiệp lực của kẻ bị gây hấn, chừng đó nó mới bắt đầu phá tác. Nếu người đó vẫn chứng nào tật nấy, không một chút ăn năn hối lỗi, không sửa đổi thì vòng nghiệp lực đó sẽ vẫn còn chắc chắn cho đến khi nào mà người đó thật sự ăn năn, sám hối và trả hết tất cả những gì mà mình đã làm thiệt thòi cho kẻ khác. Chừng đó vòng nghiệp lực mới được cắt ngang!

Tuy nhiên, nên nhớ kỹ một điều: vòng nghiệp lực này chưa giải quyết xong thì vòng nghiệp lực khác lại tiến lên, chất chồng, chất chồng, cho nên việc cắt đứt vòng nghiệp lực là một việc không phải dễ.

Vai trò thứ hai của vòng nghiệp lực là: vòng nghiệp lực đó sẽ tụ họp tất cả những điều xấu xa của Tâm - Ý - Tánh, gom lại để trở thành ra một địa ngục và bao bọc người chủ của vòng nghiệp lực đó. Khi đó, cái nghiệp nào nổi bật nhất sẽ tạo nên tất cả những hình phạt quấn chung quanh chủ nhân của vòng nghiệp lực, và chủ nhân của vòng nghiệp lực đó sẽ phải đau đớn, sẽ phải  khổ sở vì tất cả những hình phạt được tạo nên bởi vòng nghiệp lực, cho đến khi nào mà chủ nhân của vòng nghiệp lực nhận chân ra được rằng mình đã sa lầy và đã làm quá nhiều chuyện quấy trá,  chừng đó nếu người đó thật tâm tu tập, biết ăn năn, sám hối, biết bố thí, biết đem hết tất cả những gì mà mình đã cướp đoạt của kẻ khác để trang trải, để trả trở lại thì lúc đó, địa ngục sẽ từ từ nới rộng ra cho đến khi nào chủ nhân của vòng nghiệp lực đó hoàn toàn làm tiêu được những lỗi lầm mà mình đã tạo nên cho kẻ khác, khi đó địa ngục mới chấm dứt. Tuy nhiên, địa ngục đó chấm dứt nhưng vòng nghiệp lực giữ vai trò đầu tiên chưa chấm dứt, vẫn còn đó vì vòng nghiệp lực đó chưa đối đầu với kẻ bị hãm hại phía bên kia.

Kính bạch Sư Phụ
Con có điều thắc mắc là cái địa ngục của người đó hiện hữu khi họ còn sống, hay là chỉ hiện ra khi họ đã chết rồi hoặc là cho cả 2 trường hợp sống lẫn chết?

Nếu một kẻ làm quá nhiều chuyện quấy trá khi còn ở hiện kiếp, nhưng trong quá khứ, không có bất kỳ một phước đức nào gọi là phước dư để có thể chan hòa vào ở hiện kiếp, thì địa ngục đó tức khắc sẽ hiện lên trong hiện kiếp.

Nếu người đó có phước dư, tùy theo phước dư đó nhiều hay ít, nếu người đó đã hưởng hết phước này rồi mà vẫn còn sống thì địa ngục lúc đó sẽ hiện lên ngay trong hiện kiếp.

Nếu người đó vẫn còn hưởng được phước dư cho đến ngày nhắm mắt, thì địa ngục đó sẽ là cái bắt đầu cho cái kiếp tới của người đó khi người đó chào đời. Cho nên sẽ thấy rằng, tại sao có những người mới chào đời nhưng bị tật nguyền, câm điếc, mù lòa, đau khổ dồn dập...

Đó là vì Người đó sanh ra đời không mang theo một chút phước nào cả, mà lại mang theo một địa ngục to tướng, sanh ra với một cái địa ngục quấn chung quanh mình! Vì vậy tất cả những cái gì mà người đó nhận được ở kiếp tới đó, là kết quả của cái địa ngục mà mình đã tạo ra ở kiếp vừa qua.

Do đó, địa ngục không phải là một cái địa điểm, mà địa ngục được ví như là một ngôi nhà mà thần thức mang đi theo cho mỗi một kiếp của mình. Kiếp người có địa ngục của kiếp người, kiếp thú cũng vẫn có địa ngục của kiếp thú. Tùy theo họ thác sinh vào cảnh giới nào, họ sẽ mang theo cái địa ngục vào cảnh giới đó. Nếu họ đã mang cái địa ngục trên người, mà họ vẫn còn tiếp tục làm những chuyện sái quấy, thì địa ngục đó vẫn triền miên trên người của họ.

Giống như là con rùa mang theo cái căn nhà của mình vậy! Tùy theo họ trang trí căn nhà của mình như thế nào, họ sẽ ở trong căn nhà đó trong cái kiếp đó.

Đúng vậy! Cho nên nếu nói địa ngục là một công trình xây cất, có một địa điểm, việc đó không có!

Trong Kinh có nói đến địa ngục đói khát, địa ngục lửa, địa ngục băng, v.v... tất cả những địa ngục đó đều hiện hữu ở trong cái kiếp mình đang sống, tùy theo cái nghiệp nào trội nhất.

Đúng vậy! Đúng vậy! Một kẻ hành hạ kẻ khác, không cho kẻ khác ăn và làm cho người ta chết vì đói, (nếu không phải vì nghiệp lực giữa hai bên), thì người đó sẽ mang trong người một địa ngục và người đó cũng sẽ bị chết đói ở trong địa ngục đó.

Kính bạch Sư Phụ,
Người đời luôn gọi tất cả những sự bệnh hoạn, đau khổ, không may của mình là "Bệnh Nghiệp." Nó liên quan đến cái địa ngục do chính mình tạo ra như thế nào?

Một người có thể bị bệnh triền miên từ lúc mới sanh ra đời cho tới ngày nhắm mắt, hay là bệnh ở trong khoảng một thời gian nào đó, cho tới ngày nhắm mắt, thì thử hỏi rằng: bản thân của người đó có được vui tươi không? Có được hạnh phúc không? Có được hưởng lạc hay không? Tóm lại là người đó đau đớn vì bệnh hoạn của mình, muốn ăn nhiều cũng không được, muốn chơi nhiều cũng không được, muốn di chuyển nhiều cũng không được, muốn suy tư nhiều cũng không được, muốn ngủ một giấc ngon cũng không được, tự bản thân của người đó sẽ cảm thấy như thế nào? Có phải cảm thấy rằng, trên nguyên tắc, là người đó bị "Bệnh Nghiệp." Với cặp mắt thường tình thì sẽ không thấy được người đó đang ở trong một địa ngục, nhưng nếu dùng đôi mắt của một người đã thấu suốt tất cả mọi việc (có huệ nhãn) thì sẽ thấy rõ rằng người đó đang ở trong một địa ngục, bị bao quanh bởi một địa ngục.

Địa ngục là một từ ngữ để diễn tả một sự giới hạn tất cả những quyền lợi, những gì tốt đẹp, cái gì làm cản trở sự tự do của một người.

Vậy nếu bị bao quanh bởi nhiều loại phiền não, đó cũng là một địa ngục?

Đúng như vậy. Tất cả phiền não do đâu mà có? Phiền não là kết quả của tất cả những gì mà cá nhân đã gây tạo ra và kết quả đó quay trở ngược vào với chính cá nhân đó. Mang tiếng "Phiền Não," người ta nghĩ rằng nó là phiền não chứ thật ra, nó là kết quả của cái nhân mà người đó đã gieo.

Tại sao gọi là phiền não? Vì nó không làm vừa ý người đã gieo tạo cái Nhân, mà nhân này lại là nhân không lành, do đó cái quả nhận được sẽ đương nhiên là không tốt đẹp.

Do cái quả không tốt đẹp mà cá nhân này sanh ra phiền não.

Gọi nó là phiền não, nhưng thật sự ra nó không phải là phiền não, mà chỉ là kết quả của một cái nhân không lành.

Rồi thì phiền não càng chất chồng, chất chồng, càng lúc càng dầy thêm, tạo thành một màn dầy, nói nôm na là Màn Vô Minh. Tại sao lại gọi như thế? Là tại vì nó quá dầy và tối đen thăm thẳm, làm che mờ đi cái trí huệ của người đó khiến họ không còn nhận chân ra được điều phải trái, đúng sai của những sự việc mà đúng lý ra họ có thể nhận thức rất dễ dàng, nhưng nay vì màn vô minh quá dầy đặc, khiến cho trí huệ bị lu mờ đến không còn nhìn thấy gì được nữa.

Trước mắt họ như để một tấm vải đen, khiến cho không còn nhìn thấy bất kỳ một cái gì hết để mà có thể phán xét được điều đúng, điều sai, điều nên làm, điều không nên làm. Vì vậy tu tập là làm cho mỏng lần màn vô minh!

Kính bạch Sư Phụ
Như vậy cái âm phủ tối đen đó thật sự chính là ...

Cái tận cùng thâm sâu của vô minh đó!

Khi một người đã bỏ báu thân rồi, trở thành một cái vong, mà cái vong đó lại mang theo cái địa ngục to tướng chung quanh mình thì thử hỏi cái vong đó có di chuyển đi đâu được không?

Dạ không. Mà cũng không tự tại chọn nơi mình muốn đi được.

Không đi đâu được, không chọn được hướng đi của mình, vong cứ lẩn quẩn, lẩn quẩn với cái địa ngục của mình. Khi đã trở thành một cái vong rồi thì địa ngục tức khắc hiện lên, và vong đó sẽ cảm thấy rằng mình đang ở trong cái địa ngục, rất rõ ràng. Vì vậy, nếu cái vong đó có một duyên may, hiểu rõ được những điều quấy trá mà mình đã làm và tỏ ra chân thành ăn năn sám hối, khi đó ngài Địa Tạng sẽ giúp cho cái vong giao cảm với những người nào mà cái vong biết được rằng có thể giúp đỡ được cho mình. Vong có được ba lần để có thể giao cảm với bất kỳ người nào mà vong đã đặt hy vọng vào sự giúp đỡ của họ. Nếu người trên dương thế giúp được cho cái vong hiểu thấu đáo những lỗi lầm của mình, vong biết ăn năn, sám hối một cách chân thành thì khi đó thần thức rung động lên, địa ngục tức khắc sẽ tan, và vong được siêu thoát! Siêu thoát có nghĩa là gì? Có nghĩa là được rời khỏi, không còn bị bao vây bởi cái địa ngục của mình nữa, cho nên Thầy mới nói rằng: cái địa ngục đó không có ai canh giữ cả nhưng không có bất kỳ một tội nhân nào có thể thoát được.

Kính bạch Sư Phụ
Khi vong đã lìa khỏi cái địa ngục trội nhất mà họ đã bị vướng mắc để đi thác sanh đến một kiếp tới, vong đó vẫn tiếp tục mang theo những địa ngục nho nhỏ khác vào trong cái kiếp mới của họ hay không?

Sau khi cái địa ngục trội nhất được phá bỏ rồi thì cái vong được siêu thoát, siêu thoát là một từ ngữ để chỉ rằng vong đã thoát khỏi địa ngục rồi và được ung dung để đi theo nghiệp lực của mình.

Trong tất cả những tội mà một cái vong đã tạo tác khi còn trên dương thế, tội nào được xem là nặng nề nhất, ghê gớm nhất, kinh khủng nhất, đem lại điều thiệt hại lớn lao nhất cho kẻ khác, tất cả sẽ tạo nên một địa ngục nổi bật nhất, với những hình phạt tương xứng. Cái vong lúc đó sẽ bị vây quanh bởi cái địa ngục này.

Nhờ sự chân thành sám hối, ăn năn, địa ngục tan biến, giúp cho vong siêu thoát, ung dung theo nghiệp lực của mình mà tìm đường thác sanh. Những địa ngục nho nhỏ khác, kết quả của những lần gieo nhân không lành, cũng sẽ được lôi cuốn theo với cái vong.

Nếu vong thác sanh vào một kiếp người nữa, thì sẽ mang những địa ngục nho nhỏ đó đi theo mình, lúc đó cái kết quả là, đứa bé được sanh ra sẽ èo uột, nhiều bệnh tật hoặc sinh ra trong một hoàn cảnh đói khát, trong một hoàn cảnh thiếu thốn, lạnh lẽo, hoặc là bị tật nguyền, bị việc này việc kia xảy tới cho đứa nhỏ. Những đứa nhỏ sanh ra đời với nhiều bệnh tật, với nhiều tật nguyền, đó là kết quả của những địa ngục nho nhỏ mà nó mang theo. Đó là chưa kể những nghiệp lực khác. Khi đã trở thành ra một địa ngục rồi thì dù địa ngục lớn hay địa ngục nhỏ, những việc tác hại cũng đều nổi bật, và bên cạnh của địa ngục được tạo thành, đều luôn luôn có vòng nghiệp lực đi kèm. Cho nên đừng nói rằng tôi đã bị ở trong cái địa ngục này rồi thì tôi sẽ thoát khỏi vòng nghiệp lực. Không phải như thế! Địa ngục này là của chính mình, còn vòng nghiệp lực kia là một sự đối đãi với kẻ khác.

Dạ, con hiểu. Có người từng thốt lên một câu rằng: tôi trước sau gì cũng bị đọa thôi, vậy tôi cứ tha hồ làm ác. Nói như thế tức là người đó coi như đã xây cho mình một cái địa ngục kiên cố để không bao giờ thoát ra khỏi được.

Đúng vậy! Đúng vậy! Có những người làm rất nhiều chuyện không tốt đẹp, nhưng ở một giai đoạn nào đó của cuộc đời, có thể là nhờ ở một thiện tri thức, hoặc là nhờ ở một hoàn cảnh đưa đẩy, mà người đó chợt hiểu ra rằng mình đã làm nhiều chuyện sái quấy, và người đó hồi đầu hướng thiện, thành tâm ăn năn, sám hối và dốc lòng tu tập, đem hết tâm sức mình để tu tập cho đến ngày nhắm mắt thì, khi thần thức thoát khỏi thân xác, đúng lý ra sẽ mang theo một địa ngục to lớn (kết quả của khoảng thời gian mình làm chuyện quấy trá rất nhiều), nhưng nhờ đã bỏ công sức tu tập, hết lòng sám hối ăn năn, địa ngục đó được thu nhỏ lại và trở thành một địa ngục nhỏ, không còn là một địa ngục lớn lao như trước nữa. Tuy nhiên, người đó vẫn phải mang địa ngục đó đi theo mình qua một kiếp tới, và nếu người đó được thác sanh trở lại làm người, thì cái địa ngục mà họ mang cũng sẽ theo họ bước vào cuộc đời, lúc đó sẽ có một sự cân phân để xem việc tạo tác và việc tu tập của họ trong kiếp vừa qua có tương xứng nhau hay không. Nếu tương xứng thì xem như địa ngục đó của họ sẽ biến mất.

Tất cả những tai ương, hiểm họa, bệnh tật hay sóng gió tạo ra do ở cái địa ngục mà họ mang theo khi đi vào cuộc đời, sẽ giảm lần sức công phá cho đến chấm dứt.

Tuy nhiên, vòng nghiệp lực mà họ đã tạo ra trong khoảng thời gian làm rất nhiều chuyện quấy trá thì vẫn phải tiếp tục, không tiêu được.

Kính bạch Sư Phụ
Phải làm cách nào để giộng tan địa ngục của mình? Làm sao để phá vòng nghiệp lực mà mình đã gây tạo nên?

Muốn giộng tan cái địa ngục của mình, chỉ có một con đường duy nhất mà thôi, là phải thành tâm, thành ý, chân thật tu tập!

Trong tiếng "Tu Tập", bao gồm luôn cả ăn năn, sám hối, bố thí và làm tất cả những gì lợi lạc cho chúng sanh. Khi một người đã dốc lòng tu tập một cách chân thành như vậy rồi thì tâm của họ, tư cách của họ cũng luôn ngời sáng. Con phải hiểu rằng: tu tập đúng nghĩa không thể nào nay tu mai bỏ được đâu, mà phải đem hết sức mình, không khác gì người leo núi, nửa chừng buông tay là rớt xuống, phải dốc hết tâm lực để tu tập, thì mới có thể phá tan địa ngục được.

Tuy nhiên, muốn cắt vòng nghiệp lực thì phải nhớ kỹ một điều: Tâm - Ý - Tánh đã tạo nên vòng tròn nghiệp lực, muốn phá vòng nghiệp lực cũng sẽ không ngoài Tánh - Ý - Tâm (đi trở ngược lại).

Sửa Tánh - Chỉnh Ý - Bình Tâm, sẽ giúp cho việc cắt vòng nghiệp lực được dễ dàng.

Nếu người đó còn đủ thời gian dài để tu tập cho đến khi nhắm mắt lìa đời, thì biết đâu rằng họ có thể xóa được vòng nghiệp lực của một hay hai hoặc ba nghiệp lực. Tuy nhiên, việc xóa vòng nghiệp lực lại đưa đến một vấn đề khác nữa. Nếu nghiệp lực được tạo ra với một kẻ còn hiện hữu cùng lúc, cùng thời thì việc đó rất dễ. Nhưng nếu người đó không còn hiện hữu nữa, thì cũng không xóa được vòng nghiệp lực đâu. Tuy nhiên sẽ làm cho giảm thiểu qua việc hồi hướng.

Cho nên phải tu tập rất là nhiều, và phải thành tâm hồi hướng cho tất cả những người mà mình đã đem lại sự đau khổ cho kẻ khác, vì tạo vòng nghiệp lực với kẻ khác là đem đau khổ tới cho kẻ khác!

Do đó Chư Phật, chư Bồ Tát nói rằng: câu niệm Phật, câu trì Chú có thể làm tiêu đi cái địa ngục của mình là ở chỗ đó, là giúp cho mình đủ trí huệ để làm sáng cái âm phủ của mình.

Rất đúng! Câu thần Chú, lẫn câu niệm Phật đều cho chúng sanh một trí huệ vì tất cả đều phát sáng hào quang. Khi có trí huệ thì có thể phân định được đúng sai, phải quấy, nên hay không nên, và khi có trí huệ là sẽ đi lên chớ không đi xuống. Vì vậy, với trí huệ thì luôn luôn cân nhắc và luôn luôn hành sử tất cả mọi việc theo Tâm - Ý - Tánh: Giữ Tâm không vọng động, giữ Ý không điên đảo, giữ Tánh không khởi phát, tất cả mọi việc phiền muộn sẽ không hiện hữu. Phiền muộn không hiện hữu thì làm gì có xáo trộn, làm gì có xích mích, làm gì có gây hấn, làm gì có sân hận!

Cho nên, phải luôn luôn nhớ rằng: muốn được thăng hoa là phải giữ Tâm thanh tịnh, không vọng động, phải giữ Ý rất bình, không để cho ý xấu nổi lên. Những tánh xấu cần phải triệt tiêu chớ không đè nén xuống, vì đè nén xuống sẽ có lúc nó trồi lên, phải diệt nó hẳn hòi, và phải can đảm để diệt nó, để cho nó không còn hiện hữu nữa, như vậy nghiệp chướng sẽ không bao giờ có cơ hội hình thành.

Nghiệp chướng đã không hình thành thì làm sao phiền não hiện hữu được và địa ngục sẽ không bao giờ có cơ hội để tạo nên.

 


+ 111