• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Phát Nguyện

May 12 2019
Kính Mừng Phật Đản Kính Mừng Phật Đản

Kính bạch Sư Phụ,

Sư Phụ đã giảng rằng: Phát Nguyện Vãng Sanh về Cực Lạc là một Phát Nguyện Dũng Mãnh nhất trong tất cả những Phát Nguyện. Kính xin Sư Phụ từ bi giảng thật rành mạch để hàng đệ tử chúng con hiểu rõ ràng: Tại sao phải Phát Nguyện Vãng Sanh về Cực Lạc mà không Phát Nguyện thành Phật để độ cho Pháp Giới Chúng Sanh? Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật cũng đã từng nói rằng: “Ta là Phật đã thành, Chúng Sanh là Phật sẽ thành”, như vậy, theo con nghĩ, nếu người tu tập có phát nguyện thành Phật thì đó vẫn là một điều hợp lý!

Thật sự ra, sự nghĩ suy của con vẫn chưa trọn vẹn, đó chỉ mới là phần ĐUÔI, con chưa đề cập đến phần ĐẦU.

Trước tiên, Thầy cần phải nhắc nhở để cho người tu tập nhớ rằng: Lời Phát Nguyện vô cùng quan trọng, đó chính là một LỜI HỨA LONG TRỌNG trước Đấng Từ Bi, là mình sẽ bất chấp tất cả những khó khăn, những chướng ngại, những chông gai để vượt qua cho hết đoạn đường mà Đức Bổn Sư đã vạch ra, để cuối cùng tiến vào cho được ngôi nhà của Phật.

Mục tiêu đã có, bản đồ chỉ dẫn nắm trong tay, Tâm Thức đã khắc ghi không thiếu sót một chi tiết nào, ngày Thần Thức lìa Thân Xác, cứ ung dung tự tại mà tiến bước về đúng ngôi nhà của Phật, không sợ lạc Đường hay không tìm ra Lối. Mỗi ngày tu tập, trước khi vào khóa lễ, Lời Phát Nguyện được chân thành tha thiết thốt ra như một lời Hứa của đứa con ngoan để Cha Mẹ vững vàng đặt trọn lòng tin; đó cũng chính là lời dặn dò cho Bản Thân của người tu tập, phải luôn phấn đấu, luôn nhẫn nại để vượt chông gai mà tiến lên.

Trở lại với câu hỏi: Tại sao Phát Nguyện Vãng Sanh về Cực Lạc là một Phát Nguyện dũng mãnh nhất trong tất cả những Phát Nguyện?

Khi nảy Thầy có nói rằng, sự suy tư của con chưa được trọn vẹn. Nếu người tu tập Phát Nguyện thành Phật để độ cho Pháp Giới Chúng Sanh thì đó chỉ mới là phần ĐUÔI mà thôi, còn thiếu phần ĐẦU.

Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã thốt ra rằng: "Ta là Phật đã thành, Chúng Sanh là Phật sẽ thành". Đức Bổn Sư đã vạch rõ cho Chúng Sanh nhìn thấy được cái Tương Lai của mình nếu đi theo đúng con đường mà Đức Bổn Sư đã vạch ra. Từ lời, từ chữ trong năm Tạng Kinh Điển, Ngài đã họa cho Chúng Sanh đường đi nước bước từ chút một, không thiếu một điểm nào, từ chỗ gập ghềnh cho đến núi cao, cho đến sông dài, cho đến biển rộng, tất cả đều nằm gọn trên cái Bản Đồ vô cùng chi tiết. Nếu Chúng Sanh đặt hết Tâm Lực, Ý Lực, Cường Lực của mình vào từng chi tiết một, thì mọi ngõ ngách trên cái Bản Đồ sẽ dẫn dắt Chúng Sanh đến được căn nhà của Phật. Đó chính là phần ĐẦU.

Chúng Sanh có khởi sự từ điểm bắt Đầu, tức là có đi trên tất cả những con đường mà Đức Bổn Sư đã vạch ra rất là chi tiết, thì mới có thể thành tựu được Đạo Quả. Khi đã thành tựu Đạo Quả rồi thì việc Cứu Độ Chúng Sanh là một việc đương nhiên phải làm, không từ chối được của Chư Phật và Bồ Tát. Đây chính là phần ĐUÔI.

Thông thường, Người Đời hay Phát Nguyện thành Phật để cứu độ Chúng Sanh, tức là chú trọng cái phần ĐUÔI mà không hề nghĩ đến cái phần ĐẦU. Việc chính yếu vẫn là phải kiên trì TU TẬP, tu tập trên tất cả những cái gì mà Đức Bổn Sư đã chỉ dạy để cho mình trở thành Phật, một khi đã chứng được Đạo Quả rồi, đã trở thành PHẬT, thành BỒ TÁT với đầy đủ khả năng, đủ uy quyền, đủ phương tiện, khi đó mới có thể cứu vớt được tất cả những người nào cần đến sự giúp đỡ của mình.

Khi mà mình còn đang ở giữa lòng Biển Lửa, Bản Thân mình còn chưa cứu được thì làm sao mình có thể cứu được người bên cạnh, chớ đừng nói đến việc cứu người ở xa hơn.

Tôi Phát Nguyện tu tập có nghĩa là tôi tự đặt mình lên trên cái con đường mà Đức Bổn Sư đã vạch ra, và tôi lần mò đi từng bước một trên con đường đó. Nơi nào mà Đức Bổn Sư báo động coi chừng hầm hố thì tôi phải cẩn thận, nơi nào mà Ngài bảo rằng cần phải bắc cây cầu qua thì tôi phải làm đúng y như vậy. Tôi đã đi trên con đường mà Ngài đã họa sẵn cho tôi, tôi đã làm đúng những điều mà Ngài đã căn dặn rất là chi tiết, tôi vượt qua hết con đường, từ đầu đường này đến cuối đường kia, và tôi đã tới đích, tôi đã vào được căn nhà của Ngài rồi! Khi tôi nghỉ chân được trong ngôi nhà của Phật rồi, tôi sẽ không còn gặp bất cứ một trở ngại nào trong việc giúp đỡ một ai.

Nếu tôi không theo đúng con đường mà Đức Bổn Sư đã vạch ra, tôi thích thả rong, thích bay nhảy vui chơi trên những lộ trình phù hợp với ý thích của tôi, như vậy thì cho tới hết cuộc đời của tôi, tôi vẫn chưa đi được một đoạn đường nào mà Đức Bổn Sư đã vạch ra.

Tôi phát nguyện tu tập có nghĩa là tôi phát nguyện đi đúng con đường đã được Đức Bổn Sư họa vẽ. Dù biết rằng đi trên con đường đó, tôi sẽ phải trải qua nhiều chông gai, nhiều khó khăn, nhiều gian truân, có khi tôi phải leo núi, có lúc tôi phải lội suối, lắm lúc tôi phải vượt đèo, vô cùng là cực nhọc, nhưng, Tâm đã quyết, yên ngựa đã thắng, và nhất là đã ngồi trên lưng ngựa rồi thì nhất quyết phải vượt qua cho hết đoạn đường. Trước mắt tôi đã thấy thấp thoáng một ngôi nhà, đó là nơi tôi sẽ dừng chân, là nơi mà tôi sẽ được an trụ đời đời trong niềm An Lạc. Những ngày tháng cực nhọc đã qua đi, cuối cùng thì tôi đã bước hẳn vào căn nhà Cực Lạc.

Đức A Di Đà Phật đã long trọng hứa rằng: Người nào đi được đến căn nhà Cực Lạc thì Ta sẽ tiếp rước hết và đưa vào trong căn nhà đó an ổn. Ta sẽ giúp cho tất cả mọi thứ đều hanh thông, mọi người sẽ trở thành là Người của Ta, Dân Chúng của Ta và Ta sẽ chu toàn từ đầu tới chân, không bỏ sót bất kỳ cái gì cả.

Lời Phát Nguyện tu tập là một lời Dũng Mãnh, bất chấp hết tất cả những khó khăn, những chướng ngại, những chông gai để đi cho qua hết đoạn đường mà Đức Bổn Sư đã vạch rõ ràng và cuối cùng rồi thì tiến được đến căn nhà Cực Lạc.

Khi Phát Nguyện tu tập, Phát Nguyện vãng sanh về Cực Lạc, vứt bỏ Vòng Sanh Tử thì xem như là mình đã Phát Nguyện không tạo Nghiệp với bất cứ một Chúng Sanh nào khác; mà đã là không tạo Nghiệp thì coi như là mình đã độ người ta rồi! Khi còn tạo Nghiệp với một Chúng Sanh nào đó, dù rằng đó là Chủ Nợ hoặc Con Nợ, vai trò nào thì mình cũng lôi người ta đi theo với mình cả.

Lời Phát Nguyện không phải là một lời nói SUÔNG. Người có Quyết Tâm hành động, cho dù có đi chậm một chút cũng chẳng sao, miễn là họ có đi thì sẽ có tới. Lời Phát Nguyện cũng không phải là một lời TÙY HỨNG, khi buồn thì Tu, khi gặp trắc trở thì Tu, nhưng khi vui thì vẫy tay chào tạm biệt mõ chuông!

Chúng Sanh đã hiểu sai câu nói của Đức Bổn Sư. Ngài nói rằng: Ta là Phật đã thành, Chúng Sanh là Phật sẽ thành. Cụm từ SẼ THÀNH mang ý nghĩa là: đem Ý Chí của mình ra, đem cái Sức của mình ra, bao nhiêu Sức Lực, bao nhiêu sự Dũng Mãnh bao quanh cái chữ SẼ để đi tới một kết quả là căn nhà Phật, là cái Quả Vị PHẬT mà mình có được.

Đức A Di Đà Phật không cần đợi cho Chúng Sanh trở thành Phật. Ngài tiếp đón Chúng Sanh ngay từ khi Chúng Sanh chưa thành Phật, vẫn còn chưa tẩy hết được Nghiệp Chướng của mình. Tuy nhiên, Ngài vẫn đòi hỏi Chúng Sanh một điều kiện, đó chính là SỬA TÁNH!

Bao nhiêu Nghiệp Chướng tạo ra từ Quá Khứ đến Hiện Tại đều là do ở Tánh Tình quá nông nổi của Chúng Sanh. Vòng Sanh Tử vẫn chưa cắt đứt được chỉ vì Vòng Nghiệp Lực quá dày, quá kiên cố. Nghiệp cũ chất chồng cao như núi, Nghiệp mới thì cứ tiếp tục tạo ra; thử hỏi, một Đời người có thể xóa được bao nhiêu Nghiệp cũ? Xóa thì ÍT mà Tạo thêm thì NHIỀU. Càng có nhiều Tánh xấu, nhiều Thói hư thì càng gây tạo nhiều Nghiệp với người chung quanh.

Tánh xấu, thói hư bắt buộc phải triệt tiêu chớ không phải tạm dừng. Triệt tiêu một Tánh xấu, Nghiệp Chướng sẽ không có cơ hội được tạo ra, đồng thời, cái Tánh Tốt tương phản với Tánh xấu đó sẽ thay thế vào khiến cho Tâm được sáng lên một chút. Càng sửa được nhiều Tánh xấu, nhiều Thói hư, sẽ ngăn chận được nhiều Nghiệp Chướng tạo nên và đồng thời những Tánh Tốt càng lộ ra nhiều hơn; Tâm càng lúc càng sáng lên, Ý dính chặt với Tâm thì lo gì Ý không trở nên trong sáng và cao thượng hơn!

Nghiệp cũ cũng như Nghiệp mới (nếu đã lỡ tạo) muốn được tiêu trừ, chỉ có thể đem hết Tâm Thành, đem trọn lòng Tha Thiết đặt vào sự Ăn Năn, Sám Hối của mình, làm cho Tâm mình rung động lên thì mới có thể xóa nhòa những hình ảnh Nghiệp Chướng trong Tâm Thức của mình. Với vai trò “Trái Tim của các Thức”, Tâm Thức ghi không thiếu sót và theo thứ tự lớp lang tất cả những diễn biến trong suốt một đời Người. Từng kiếp Người đi qua, thân xác đã bao lần đổi thay, nhưng Tâm Thức thì trước sau như một, vẫn luôn trung thành với cái Linh Hồn, chỉ có tích lũy chớ không đào thải, chính vì vậy mà Nghiệp Lực mới chất chồng, không hề bôi xóa.

Đức A Di Đà Phật đòi hỏi Chúng Sanh phải sửa Tánh, có sửa Tánh thì Nghiệp của hiện tại sẽ dừng lại, sau đó, đem tất dạ chân thành để Sám Hối Nghiệp của Quá Khứ. Sự rung động của Tâm Thức được sự hỗ trợ của công năng của câu Trì Chú, sẽ giúp cho những hình ảnh Nghiệp Chướng trong Tâm Thức tiêu trừ lần, tuy rằng không hoàn toàn xóa bỏ, nhưng cũng giúp cho màn Vô Minh được mỏng lần để có thể tiếp nhận được một phần nào Hào Quang của Phật khi người tu tập Niệm Phật. Chính vì vậy mà người tu tập phải luôn luôn chân thành tha thiết Sám Hối, sau đó mới dùng công năng của câu Trì Chú để làm cho tiêu lần những hình ảnh Nghiệp Chướng trong Tâm Thức, cuối cùng mới Niệm Phật. Tâm Thức tiếp nhận Hào Quang từ lời Niệm Phật mới sáng lên, mới bật sáng được ngọn đèn Trí Huệ.

Đưa một Thần Thức Đới Nghiệp Vãng Sanh về Cực Lạc, đó là một sự đáp đền của Đức A Di Đà Phật đối với một người đã thật Tâm hối lỗi ăn năn, đã nhận chân ra được lỗi lầm của mình, đã bỏ công sức để giùi mài từng Tánh xấu, từng Thói hư, nhờ đó mà Nghiệp Chướng đã có cơ dừng lại, cái núi Nghiệp Lực từ nhiều đời nhiều kiếp cũng không còn chất chồng thêm nữa.

Do đó, bước đầu tiên của Phát Nguyện thành Phật là: PHẢI TU TẬP. Tu tập để không còn tạo nên những vòng Nghiệp Lực quấn chặt quanh mình qua việc chân thành Sám Hối - Trì Chú - Niệm Phật. Phải tích cực sửa đổi Tâm-Ý-Tánh, nhất là toàn bộ những Tánh xấu, những Thói hư là nguyên nhân chính yếu gây tạo Nghiệp Lực. Khi Vòng Nghiệp Lực không còn nữa thì Vòng Sanh Tử cũng sẽ đứt lìa, như vậy Kiếp Luân Hồi cũng không còn liên tục được nữa.

Người tu tập chân chính ung dung tự tại tiến về ngôi nhà Cực Lạc, và dưới sự dắt dìu của Đức A Di Đà Phật cùng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát cũng như của Đức Đại Thế Chí Bồ Tát, việc tu tập vẫn được tiếp tục cho đến khi chứng được Quả Vị Bồ Tát rồi Quả Vị Phật.

Như vậy, tu tập để trở thành Bồ Tát hay trở thành Phật không phải là một việc làm không thể vói tới được. Chính Bồ Tát Quán Thế Âm đã chứng minh cho Chúng Sanh thấy rằng: việc Ngài tu thành Phật, trở đi trở lại nhiều lần, không phải là một điều khó làm, không thể làm được!

Đối với Chúng Sanh, Lời Phát Nguyện xem ra rất khó, vì sao? Vì Bản Tánh của Chúng Sanh thích Ù LÌ, thích người ta dâng đến cho mình, thích NHẬN mà không thích LÀM, do đó, không có một sự tương xứng trong phép ĐỐI và ĐÃI. Lời Phát Nguyện chính là một Lời Hứa long trọng sẽ hoàn tất một công trình. Công trình đó chính là một sự hoán chuyển toàn bộ Bản Thân mình. Có sửa đổi mới có tốt đẹp, có sửa đổi mới nhận được sự đãi ngộ, có sửa đổi mới hưởng được những lợi lạc và có sửa đổi mới nhận ra được sự khác biệt giữa TA với NGƯỜI.

Chúng Sanh của cõi Ta Bà vô cùng may mắn có được 2 Vị Phật nâng niu mình, lo lắng, chăm sóc cho mình đủ cách, đủ lối và luôn luôn dành những điều rất là dễ dàng cho mình, vậy mà không làm tròn được Lời Phát Nguyện của mình thì sao cho xứng đáng với danh xưng là CON CỦA PHẬT!


+ 62