• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Từ Bi

Sep 09 2014
Molten Gold - Mieke Boynton - 11240399 Molten Gold - Mieke Boynton - 11240399 500px

Kính bạch Sư Phụ,
Khi một người tu hành thật sự thương xót cho một hoàn cảnh nào đó, họ giúp đỡ mà không vì danh lợi thì họ có thật sự Từ Bi không?

Từ Bi là một sự rung động của Tâm, và sự rung động đó biến hình để trở thành một sự giúp đỡ cho kẻ khác. Tuy nhiên cần phải phân biệt Từ Bi đúng nghĩa và Từ Bi thường tình.

  • Thế nào là Từ Bi đúng nghĩa? Từ Bi đúng nghĩa là một sự cảm thông, một sự rung động không có một khoảng thời gian nào cho sự suy nghĩ cả. Điều đó có nghĩa là: thức quan của mình và tâm của mình rung động cùng một lúc, không có một sự cách biệt dù rất rất là ngắn! Vừa nhìn thấy một sự việc xảy ra là tâm tức khắc rung động và có liền ngay giải pháp. Từ Bi đó chỉ có thể có được ở các Đấng thật sự Từ Bi. Tâm chúng sanh lúc nào cũng có sự phân biệt, dù nhỏ như sợi tóc, cũng là tâm phân biệt. Tâm phân biệt đó dính líu đến cái gì? Nó dính líu đến một sự suy nghĩ là LỢI hay HẠI. Sự diễn tả vẫn có một thời gian, nhưng ý làm việc rất lẹ, lợi hay hại? Đem lại lợi gì? Mà đem lại hại gì?
  • Một Từ Bi thường tình sẽ đi kèm với một tâm phân biệt, dù rằng chớp nhoáng, cũng vẫn là một tâm phân biệt. Tâm phân biệt đó nằm trong hai chữ Lợi – Hại. Khi giúp cho người này, giúp vì cái gì? Giúp vì tiếng tăm mình, giúp vì cái ngã của mình, giúp vì một sự kính phục của kẻ khác đối với mình, giúp vì một cái ơn của người khác, giúp vì một sự thỏa mãn tự ái đối với mình v.v... Tuy rằng người làm ơn cho rằng: “Tôi hoàn toàn vô vụ lợi”. Nhưng đó chỉ là một câu nói, câu nói đó là để che bớt đi những điều thầm kín ở sâu tận tâm tư của người đó.

Như Thầy đã nói khi nãy, tâm phân biệt dù là nhỏ như sợi tóc cũng vẫn là tâm phân biệt. Vì vậy không thể dùng chữ: “Tôi làm vì tôi Từ Bi mà làm” mà phải nói rằng: “Tôi khởi tâm Từ Bi để làm,” Từ Bi này không phải là Từ Bi đúng nghĩa, vì như Thầy đã nói ở trên, với Từ Bi đúng nghĩa thì tâm rung động và ngũ thức rung động cùng chiều, cùng lúc và vô cùng chớp nhoáng, không thể có sự phân biệt được! Từ Bi đó là Từ Bi nói về các Đấng Từ Bi!

Tâm chúng sanh vẫn còn có một chút phân biệt, dù nhỏ như sợi tóc cũng là một tâm phân biệt. Dù biết rằng tôi giúp cho người này, không cần để ý đến một sự trả ơn, một lời nói tốt hay một sự đáp đền, nhưng trong tận cùng đáy lòng của tôi, vẫn màng màng một chút thỏa mãn tự ái: Tôi tự hào là tôi đã làm được một việc thiện, một điều tốt đẹp! Vì vậy, mới có chữ KHỞI TÂM. Đối với mọi chúng sanh, không bao giờ Từ Bi mà không bắt đầu với chữ khởi tâm.

Muốn diệt được chữ “khởi tâm” thì phải giữ cho được tâm thanh tịnh mới không bị khởi tâm. Mà muốn giữ tâm thanh tịnh thì phải cố gắng đừng để vướng mắc vào nghiệp lực của kẻ khác. Trước một nghiệp lực của kẻ khác mà mình khởi tâm Từ Bi, việc đó có đúng hay không?

Dạ còn tùy, nếu mình khởi tâm Từ Bi để khuyên lơn người đó tu tập hầu giải đi nghiệp lực thì đúng. Nhưng mình Từ Bi mà xắn tay áo nhảy vào đánh lộn phụ với họ thì cái đó không đúng.

Đúng vậy!

Muốn khởi tâm Từ Bi trước một nghiệp lực của kẻ khác, thì phải giúp cho người đó hiểu rõ một cách tận tường nghiệp lực của họ. Thầy đã từng nói rằng: Dù một chuyện nhỏ như hạt bụi, cũng vẫn bị chi phối bởi nhân và quả. Cho nên, trước một sự việc mà kẻ khác gặp một cảnh huống, một sự đau lòng, một điều khó khăn khiến cho mình phải khởi tâm Từ Bi, thì phải nhận thức rằng: tôi khởi tâm Từ Bi về một cái gì? Có phải chăng vì cảnh huống của người đó? Cảnh huống đó đã khiến cho lòng mình xao xuyến và khởi tâm Từ Bi để giúp cho người đó.

Kẻ thiếu trí huệ thì xắn tay áo, đem Từ Bi của mình để giúp cho kẻ khác, và cho rằng mình Từ Bi trước mọi việc của chúng sanh.

Người có trí huệ không làm chuyện đó. Họ phải tìm hiểu xem cảnh huống, sự đau lòng xảy tới cho người đó là do ở cái gì? Do ở nhân nào mà người đó đã gieo trồng. Có thể rằng, hoàn toàn chính bản thân người đó cũng không biết được cái nhân mình đã gây tạo nên. Có khi nó xảy ra từ trong nhiều đời, nhiều kiếp trước, ngày giờ này đủ duyên, trái chín muồi rớt xuống. Cho nên mới khiến cho người đó phải chịu nhiều đau khổ. Người bên ngoài chỉ nhìn thấy sự đau khổ của người đó rồi phát lòng Từ Bi mà ra tay cứu giúp, chớ họ đâu có nhìn thấy được rõ ràng cái nhân mà người kia đã gieo trồng từ trước.

Người có trí huệ nhìn những cảnh huống của một người, sự đau khổ mà người đó nhận chịu, có thể đoán biết được rằng người đó đã gieo một nhân không lành nào rồi, bây giờ quả đã chín muồi, người đó phải nhận lấy.

Cho nên, trong trường hợp này, khởi tâm Từ Bi không có nghĩa là xăn tay áo cùng với người đó để chống trả lại cảnh huống, mà phải dùng những lời lẽ khuyên bảo, giải thích để cho người đó hiểu được rằng mình đã tạo việc không lành, thì bây giờ mình phải nhận chịu điều không tốt. Tuy nhiên, sẽ gặp phải một phản ứng rất mạnh, phản ứng đó rất thường tình, là người gặp cảnh huống sẽ bảo rằng: “Làm sao ông biết được rằng tôi đã gieo nhân không lành? Mà ngày giờ này đoán chắc rằng tôi hái quả không lành?”

Do đó mà người khởi tâm Từ Bi muốn giúp cho người đó, thì phải biết rằng mình sẽ gặp câu hỏi tương tự như thế và phải lựa câu trả lời để cho họ hiểu biết rằng, sự đau khổ mà mình phải đối diện ngày hôm nay, chính là kết quả của việc sái quấy mình đã làm trong quá khứ. Mình làm thì mình phải chịu, và người này chỉ có một bổn phận duy nhất là khuyên lơn mình để cho bớt đi sự đau khổ, để bớt đi sự bực dọc tức tối. Muốn diệt được tất cả những điều không hay xảy tới cho mình một cách dồn dập, chỉ có con đường duy nhất là tu tập mà thôi.

Vì vậy mà lòng Từ Bi khởi lên phải có một sự nhận định rõ ràng, là tôi không nhảy vào cùng với người này chia sẻ sự đau khổ. Nếu tôi chia sẻ sự đau khổ với người này, tôi sẽ phải gặp trường hợp vấy vào nghiệp lực của họ và sau đó, từ việc tôi muốn giúp đỡ cho người này, lại hóa ra tôi tạo nghiệp với chính người ấy. Tại sao? Vì rõ ràng rằng tôi không thể giúp cho người này thoát được sự đau khổ, cho nên sẽ khiến cho họ tức tối và sanh ra sân hận đối với tôi. Vì vậy mà phải rất là cẩn thận khi muốn khởi tâm từ bi. Thiếu trí huệ thì sẽ không phân định được điều nên làm hay điều không nên làm.

Nếu con gặp một người vừa đói vừa lạnh, con thấy tội nghiệp, con đem về nhà cho ăn uống, cho một nơi ấm áp để ở, như vậy con có vấy vào nghiệp lực của họ hay không?

Thầy sẽ giải thích rõ ràng thí dụ trên.

Nếu bây giờ thấy một người đói khát, lạnh lẽo, không có ăn, không có mặc, con cho họ bữa ăn, con cho họ đồ ấm để họ mặc vào, xong rồi họ ra đi, xem như việc tỏ lòng Từ Bi giúp cho người đó qua cơn hoạn nạn, chấm dứt!

Nếu con vì tò mò muốn biết nguyên nhân đã khiến cho người này trở thành kẻ lang thang, đói lạnh, con có thể sẽ bị sa lầy, qua một cuộc đối thoại đại khái như sau:

  • Vì sao mà ông trở thành kẻ không nhà, không cơm ăn, không có việc làm, không có sự giúp đỡ của ai hết?
  • Người ta lừa tôi, chiếm đoạt nhà tôi cùng tất cả đồ đạc trong nhà; tôi bị đẩy ra khỏi nhà tay trắng, với chỉ bộ đồ mặc trên người mà thôi. Thậm chí đến công việc làm cũng không còn nữa.
  • Ông bị gạt như thế nào?
  • Người đó thuật lại việc mình bị lừa ra làm sao.
  • Bây giờ ông muốn được giúp bằng cách nào?
  • Tôi cần phải thanh toán người đã lừa gạt tôi.
  • Được, tôi sẽ tìm cách giúp ông để lấy lại sự công bằng.

Câu trả lời này đã thể hiện rõ sự sa lầy của con trong việc đặt không đúng chỗ “lòng từ bi”.

Con có biết rằng người này sở dĩ bị người kia lừa gạt, đó là cái quả của việc mà người này đã cướp đoạt của người kia trong tiền kiếp, hay là gần nhất, trong một khoảng thời gian nào đó, cũng trong hiện kiếp hay không?

Và người đó cũng không bao giờ, nếu việc xảy ra trong hiện kiếp, dại dột mà nói lên rằng chính bản thân người đó đã cướp đoạt của kẻ kia, cách đây một thời gian không lâu. Cho nên bây giờ người kia trả thù lại với hình thức lừa gạt.

Vì vậy, trước một việc thuộc về Nhân và Quả, khi mình không biết một cách rõ ràng, không thể nói rằng: Tôi lấy lòng Từ Bi để giúp đỡ cho người gặp hoạn nạn. Nếu thật sự giúp cho người bị hoạn nạn là cho họ ăn, cho họ mặc ấm áp, cũng có thể cho họ một ít tài vật rồi thì họ phải tùy theo nghiệp lực của họ mà họ đối phó, không phải việc của mình, vì càng vướng sâu vô, chữ Từ Bi mà mình đã đặt ra trong tiêu đề để giúp cho người này, lại biến thành ra chữ Sân hận, vì mình đã vấy vào nghiệp lực của người khác rồi.

Cho nên đó là Từ Bi thường tình của chúng sanh và gần như chúng sanh nào cũng muốn tỏ dạ Từ Bi và ra tay để cứu giúp cho kẻ khác mà không bao giờ phân định được rằng là nên hay không nên?

Mình không biết rằng nếu mình cứ hùa theo một cách thiếu suy nghĩ là mình đã vấy vào nghiệp lực của người khác hồi nào không hay.

Vì vậy mà Thầy đã nói rằng: chữ Từ Bi rất là tốt, rất là đẹp, rất là hay. Thầy khuyến khích mọi chúng sanh phải thực hành Tứ Vô Lượng Tâm, Từ Bi Hỷ Xả, nhưng lúc nào cũng phải để trí huệ của mình vào trong từng hành động chớ không nên tự động mà làm. Vì tự động mà làm thì sẽ bị vấp ngã. Có thể rằng lúc đầu không nhận chân ra được, nhưng từ từ … từ từ khi càng lún sâu … lún sâu thì sẽ thấy rằng, mình đã bước vào sân hận mà mình không hay.

Nhẹ thì mình cũng đã mắc khẩu nghiệp, thị phi chung với người đó, còn nặng thì mình đã khởi tâm sân hận với một người mà vốn dĩ mình không có nghiệp lực với họ.

Đúng vậy, vì vậy mà không có vấn đề Từ Bi đúng nghĩa mà lúc nào cũng là khởi tâm Từ Bi.

Như vậy khởi tâm Từ Bi, có phải là một hành động tốt đối với kẻ phàm phu không?

Từ Bi đúng nghĩa chỉ có thể áp dụng cho các Đấng Từ Bi - Còn chúng sanh là bậc phàm phu chỉ có thể khởi Tâm Từ Bi, có nghĩa là Tâm mình có rung động trước một cảnh huống, và sự rung động đó khơi dậy một tư tưởng tốt đẹp, là muốn chia sẻ niềm khổ đau của kẻ khác, và gánh vác một phần nào sự khó khăn của người bất hạnh.

Tâm chúng sanh vẫn còn là Tâm Phân Biệt, cho nên không thể nào hành sử một cách trọn vẹn hai chữ “Từ Bi.”

Thầy lấy một thí dụ về một chúng sanh biết tu tập. Một chúng sanh biết tu tập có nghĩa là, biết dùng cái trí huệ của mình để phân định điều nên hay không nên. Khi đứng trước một sự việc mà mình muốn tỏ dạ Từ Bi, phải dùng trí huệ đi trước để xem coi nên hay không nên tiến tới, nên hay không nên hành sử Từ Bi. Vì vậy mà đã có tâm phân biệt rồi. Cho nên không thể nói rằng đó là một Từ Bi đúng nghĩa được.

Đối với Chư Phật và Bồ Tát, khi nhìn thấy một người phước đức đang gặp sự khổ đau, hoạn nạn, hoặc ở trong một hoàn cảnh khó khăn nào đó, mà người này lại không bị vướng mắc vào một nghiệp lực làm nguyên nhân gây tạo cảnh huống hiện tại, tức khắc các Đấng Từ Bi đưa tay để cứu vớt ngay.

Tâm rung động và nhãn thức, nhĩ thức hoặc ý thức cùng diễn tiến trên một băng tần, không có kẻ hở, do đó mới có thể đạt được một cách toàn vẹn chữ “Từ Bi”.

Nhưng mà khi soi thấu được chúng sanh đó là người phước đức, và nhất là không bị vướng mắc vào bất cứ một nghiệp lực nào ngay trong hoàn cảnh đó, thì cũng đã là một hình thức phân biệt rồi?

Đúng vậy. Nhưng mà tất cả mọi sự việc đó, khi nói lên thì có thời gian, nhưng khi vừa nhìn thấy là đã thấu suốt, đến nỗi không có một chút khoảng thời gian nào để có một sự cách biệt giữa tâm rung động và ngũ thức. Vì vậy có thể nói rằng: mọi việc đã xảy ra gần như cùng một lúc.

Thầy đã nói rằng: tất cả việc nhỏ hay lớn, dù nhỏ bằng sợi tóc mà xảy ra, cũng đều là kết quả của nghiệp lực. Vậy thì làm gì có cái chuyện mà chúng sanh gặp nạn lại không phải là một sự gián tiếp của nghiệp lực hành sử?

Giả sử như một người đang đi giữa đường, tự nhiên đạp nhằm một viên đá và trật chân té xuống. Sự việc này xẩy ra có thể là không dính líu gì đến nghiệp lực đã tạo nên.

Hay là trong đám cháy, có một người bị chết cháy do ở nghiệp lực của họ tạo nên, nhưng cũng có những kẻ bị vạ lây, không có liên quan gì đến nghiệp lực cháy cả. Họ bị vướng vào đúng lúc lửa đang ập tới, trong trường hợp đó, họ sẽ được đưa ra ngoài liền tức khắc, vì họ không dính líu gì đến nghiệp cháy đó.

Chúng sanh phải làm sao để giảm thiểu cái tâm phân biệt?

Muốn giảm thiểu tâm phân biệt thì chỉ có tu tập mà thôi! Vì khi tu tập, sẽ tiến lần … tiến lần đến tâm thanh tịnh, tức là tâm phẳng lặng. Mà một khi tâm bằng phẳng như gương rồi thì trước một việc xảy ra, người ta nhìn vào là thấy ngay kết quả của sự việc đó rồi. Như vậy đâu có cần phải dùng trí huệ để phân định mọi sự việc nữa.

Kính bạch Sư Phụ,
Có phải Tâm phân biệt phần lớn là do cái Tánh tạo ra hay không? Con đơn cử một vài thí dụ sau đây:

  • Nếu con là người có tánh BỎN XẺN, gặp trường hợp phải giúp người, con sẽ đắn đo suy nghĩ: giúp cho người này có tốn tiền của mình không? Nếu phải tốn thì không biết nhiều hay ít đây? Liệu họ có tiền để hoàn trả lại cho mình hay không?
  • Với tánh GANH TỊ thì con sẽ nghĩ rằng: Người này còn thành công và nổi tiếng hơn mình, nếu tôi giúp cho họ làm xong việc này, họ sẽ càng nổi tiếng như cồn, KHÔNG NÊN GIÚP!
  • Hoặc với tánh ÍCH KỶ - HẸP HÒI, mỗi khi có ai xin con một cái gì, con sẽ vô cùng lưỡng lự, và tìm cách chối từ.

Nói tóm lại, chính cái TÁNH của mình làm cho TÂM PHÂN BIỆT càng lớn rộng, càng nặng nề hơn. Trong vòng tròn nghiệp lực Tâm – Ý – Tánh khi đi ngược lại, thì cái tánh dẫn đến cái tâm, thành ra nguyên nhân của cái tâm phân biệt chính là cái tánh. Tánh như thế nào thì sẽ có sự phân biệt tùy vào đặc điểm của cái Tánh đó.

Con tư duy rất đúng! Ngoài ra tâm phân biệt còn ở Ý nữa. Phần này có tính cách hơi tế nhị một chút là: giúp cho một người tuy bảo rằng không vụ lợi, nhưng trong tận cùng đáy lòng cũng vẫn là một sự thỏa mãn tự ái, thỏa mãn cái ngã hoặc cái danh.

Điều này rất rất là nhỏ, như sợi tóc, nhưng đó vẫn là cái ý rất thầm kín của mình. Cho nên Từ Bi của chúng sanh luôn luôn đi kèm với tâm phân biệt. Từ Bi của Chư Phật Bồ Tát hoàn toàn không đi kèm với bất kỳ một cái gì khác.

Là tại vì Chư Phật Bồ Tát đã giữ được tâm bình, đã diệt được cái ý không khởi sanh, không có những cái tánh vọng động để đưa đến cái tâm phân biệt đó. Do đó mới có thể hành Từ Bi đúng nghĩa được.

Con tư duy không sai! Tuy nhiên, dù cho Từ Bi của chúng sanh không được trọn vẹn, vẫn còn ít nhiều Tâm phân biệt, chúng sanh vẫn thể hiện được một sự rung động của Tâm trước những cảnh huống của người đồng chủng hay dị chủng, hoặc ngay cả trước sự đau đớn của loài súc sanh.

Sự rung động này đã khơi mào cho những ý tưởng dẫn dắt tới một hành động THIỆN. Thiện nhiều hay Thiện ít, giá trị của hành động này cao hay thấp, tất cả đều tùy thuộc vào một sự tu tập đúng nghĩa và một sự trau giồi Tâm - Ý - Tánh đúng mức.


+ 109

Những Bài Liên Quan