• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Lời Pháp Đầu Năm: Sống Tự Tại

Jan 25 2020
LacPhap.com LacPhap.com Mừng Xuân Canh Tý

Mừng Xuân Canh Tý
LạcPháp.com
Chân thành kính chúc
Nhà Nhà AN VUI
Thân Tâm AN LẠC
Vạn Sự AN BÌNH
SỐNG ĐỜI TỰ TẠI


Kính bạch Sư Phụ,

Trong một xã hội mà nền văn minh cứ tiến dần lên đến Đỉnh, sự phát triển tột cùng của Khoa Học, Kỹ Thuật khiến con người càng ngày càng Ganh Đua, càng bành trướng Lòng Kiêu Hãnh, sự Tự Cao. Người ta ganh đua nhau trên Thương Trường, trên Chính Trường, trên Quan Trường, trên Thao Trường...và thậm chí trên từng tấc đường xa lộ!

Người ta sống rất vội vã, ăn uống nhanh, làm nhanh, phản ứng nhanh, suy nghĩ nhanh, nói nhanh, quyết định nhanh và cũng nhanh chóng thanh toán nhau!

Để thích nghi với cuộc sống, người ta có khuynh hướng “Chạy Đua” hơn là “Đi Từ Tốn”. Chạy đua để mua cho được món đồ hạ giá, chạy đua để chiếm đoạt cho được một Tình Cảm, chạy đua để tranh giành một chỗ đứng, chạy đua để mang về một Thắng Lợi....Cứ nhìn vào mỗi một Sự Kiện hay một Sự Việc xảy ra từ trong Gia Đình ra đến ngoài Xã Hội, sẽ thấy hiện lên những hình ảnh Giành Giựt, Xung Đột, Chưởi Bới hay Nặng Nhẹ lẫn nhau, và đôi khi có cả Sự Hành Hung trong đó!

Bao nhiêu đó cũng đủ để tạo nên một Bức Tranh Tổng Thể về những Nghiệp Chướng mà con người, từ có thể cho đến dễ dàng, gây tạo ra với người chung quanh.

Do đó, làm thế nào để có thể Sống Tự Tại trong một môi trường đầy rẫy những Bẫy Rập khiến cho mình rất dễ gây tạo nên Oan Trái với những người Đồng Loại của mình?

Muốn sống tự tại, đó là chuyện rất dễ, không có gì phải lo ngại cả!

Thầy đã từng nói đến Mục Đích Của Việc Tu Tập; mục đích đó chính là cắt đứt Vòng Sanh Tử, mà muốn cắt đứt vòng Sanh Tử là phải ngưng tạo nghiệp và không còn tạo một Nghiệp mới nào nữa, hay chỉ tạo rất ít Nghiệp Tội không nặng nề; khi đó mình chuyên tâm để trả Nghiệp, lần lượt trả những Nghiệp Tội mà mình đã gây tạo từ trong Quá Khứ cho đến Hiện Kiếp mà thôi.

Đối với một người không biết tu tập, việc trả Nghiệp sẽ đem đến điều đau khổ, đôi khi lại còn mang niềm sân hận nữa, vì sao? Vì người đó không nhận ra rằng, Nghiệp Lực đến với mình ngày hôm nay là kết quả của cái Nhân mà mình đã gieo trong Quá Khứ. Đánh Người thì Người đánh trả lại, làm đau Người thì Người làm đau lại. Sao mình không nghĩ rằng, lúc mình đánh Người, hại Người, làm cho người ngã ngựa, sự đau đớn của Người như thế nào? Ngày giờ này, nếu mình phải nhận chịu sự đau đớn khi người ta đập lại mình thì cũng vậy thôi, không có gì là khác biệt cả.

Gieo Nhân thì gặt Quả, Nhân Quả như Bóng với Hình, gieo Nhân nào thì gặt Quả nấy, cho nên người không biết tu tập, trước một Nghiệp Lực, sẽ rên khóc, than la và oán Trời trách Đất, luôn miệng kêu Chư Phật, Chư Bồ Tát đến cứu. Nếu Phật và Bồ Tát không đến cứu thì trách oán Bồ Tát, trách oán Phật Trời, sẽ lại rơi vào một Tánh hung hiểm nữa.

Người biết tu tập, cố gắng không tạo thêm Nghiệp để được rảnh tay đem hết sức lực của mình mà đối phó với Nghiệp Lực đến với mình, rất khó lòng ngăn chận được Nghiệp Lực vì đây là kết quả của những việc mà mình đã tạo tác. Người biết tu tập nhận chân ra được Nghiệp Lực đến và phải biết đối phó với Nghiệp Lực của mình như thế nào, không than khóc, không kêu la, không vùng vẫy và nhất là không cầu cứu ở Phật, ở Bồ Tát. Họ đã biết rõ là Phật và Bồ Tát không vấy vào Nghiệp Lực của bất kỳ Chúng Sanh nào.

Người biết tu tập trả Nghiệp trong sự nhẹ nhàng, trong sự hiểu biết và dùng Trí Huệ của mình để đối phó. Dù biết rằng chủ nợ đang ở trước mặt mình, họ cũng vẫn biết cách làm sao để cho chủ nợ không quá hung hăng với mình, và đồng thời luôn tỏ dạ chân thành Sám Hối Ăn Năn về những điều tác tệ mà mình đã gây tạo cho Người từ trong Quá Khứ. Đem hết Công Đức của việc tu tập Sám Hối - Trì Chú - Niệm Phật cũng như những Phước Đức do ở việc Hành Thiện của mình, hồi hướng lại cho Oan Gia Trái Chủ như một sự đáp đền.

Nếu không làm như thế thì lấy cái gì để trả nợ đây? Không thể nào bảo rằng, tôi sẽ đền bù lại 100000 hay 1 triệu đồng cho cái món nợ mà tôi đã vay, dù rằng tôi có thừa khả năng để làm việc đó. Đồng Tiền Thế Gian không thể lưu hành ở cõi Âm được, chỉ có Đồng Tiền Công Đức hay Phước Đức mới có đủ điều kiện để sử dụng hay ban phát mà thôi.

Mục đích của Nghiệp Lực là gì? Là làm cho mình đau đớn y như là mình đã làm cho kẻ khác đau đớn, không khác chút xíu nào! Cho nên, người chủ nợ sẽ không nhận 100000 hay 1 triệu đồng mà mình đền trả cho họ đâu. Đừng tưởng rằng đồng tiền của Thế Gian có thể làm tiêu Nghiệp được, không phải như vậy, mà chủ nợ chỉ muốn rằng, mình cũng sẽ đau đớn y như là mình đã làm cho họ đau đớn vậy. Vì vậy, nếu mình không tu tập, mình không thấu hiểu được việc đó, mình sẽ không làm sao giữ được Tâm Thanh Tịnh khi đứng trước một nghiệp Lực đến với mình.

Tâm không yên, Ý bồn chồn, Tánh vọng động sẽ không thể nào có được một cuộc đời thư thả được đâu!

Sống sao cho thư thả, việc đó không có khó! Đừng tạo Nghiệp! có nghĩa là, đừng gieo phiền não cho kẻ khác, đừng gieo rắc sự đau khổ cho kẻ khác, tối nằm ngủ, giấc ngủ sẽ yên ổn, không trăn trở, không bận bịu với những hình ảnh, cũng như những lời ăn tiếng nói về những hành động, về cách cư xử của mình đối với kẻ khác hoặc của kẻ khác đối với mình.

Sống thư thả là không chấp chặt, không bận bịu với những gì xảy tới cho mình, khi nó đến thì mình biết nó đến, sẵn sàng để giải quyết những khó khăn, vướng mắc đến với mình; giải quyết xong rồi, mình phủi tay, không còn bận bịu, không còn vướng bận, không tạo cơ hội để cho những khó khăn đến với mình.

Khi Nghiệp Lực đến với mình, phải tận dụng cái gì? Tận dụng cái Tánh! Nghiệp Lực đến, mình phải hiểu rằng, đây là một Nghiệp Lực Xấu chớ không phải là một Nghiệp Lực Tốt. Nếu mình không sử dụng những Tánh Tốt như là những con dao để có thể chặt, bứt, đâm, khoét tất cả những gì xấu ác đến với mình, chắc chắn rằng mình sẽ không chịu đựng nỗi; không chịu đựng nỗi có nghĩa là Sân Hận sẽ nổi lên, vì dù sao đi chăng nữa, mình cũng không còn nhớ được những gì mình đã làm cho kẻ khác trong Quá Khứ, ngày giờ này, chỉ thấy rằng người khác đang làm cho mình đau khổ. Cho nên, Sân Hận rất dễ dàng xảy ra!

Khi mình không biết tu tập, sẽ khó lòng nhận chân ra được Nghiệp Lực đến với mình, vì vậy, phản ứng rất tự nhiên của con người là Sân Hận và tìm cách để trả thù. Càng Sân Hận nhiều chừng nào thì sự trả đũa càng gia tăng lên chừng nấy, mà càng trả đũa thì Nghiệp Lực lại chất chồng.

Do đó, tu tập sẽ giúp cho mình giữ được Tâm Bình, giữ được Ý Bình, giữ được tất cả những Tánh xấu của mình lắng đọng hết, dùng Tánh Tốt để chống trả lại Nghiệp Lực thì như vậy Nghiệp Lực mới có thể tiêu được.

Chống trả lại Nghiệp Lực không bằng Lòng Sân Hận mà bằng cái gì? Bằng LÒNG TỪ BI. Từ Bi giúp cho mình nhún nhường, giúp cho mình nhỏ nhẹ, giúp cho mình dịu dàng, giúp cho mình biết lắng xuống những điều tức giận có thể xảy ra và Lòng Từ Bi sẽ khiến cho đối phương không quá hung hãn đối với mình, cho nên phải sử dụng Lòng Từ Bi để đối phó với Nghiệp Lực.

Trí Huệ trong trường hợp này, sẽ giúp cho mình phân định được là phải nên đối phó như thế nào cho hợp lý? Phải nên hành xử như thế nào để cho thỏa đáng tất cả mọi điều. Cho nên, dù đang trong cảnh đối diện với Nghiệp Lực, cũng đừng quá cuống quýt, quá sợ hãi lo âu, mà trái lại, càng phải trở nên trầm tĩnh, từ tốn; tóm lại là phải luôn ở trạng thái BÌNH thì việc đối phó với Nghiệp Lực mới dễ dàng, cũng như mới có thể tìm được sự thư thả cho bản thân mình trong lúc trả Nghiệp.

Tuyệt đối không Chấp Chặt Nghiệp Lực! Vì như thế sẽ gặp phản ứng rất tự nhiên là Bực Dọc, vì sao? Vì mình đâu có thấy được những gì mình đã làm, cho nên mình tự cho rằng nó không tốt đối với mình, nó không phải đối với mình, đó là mình TỰ CHO, chớ không phải là mình TỰ THẤY.

Nếu mình thấy được cái cảnh mình cầm cây đập kẻ khác, thì liệu rằng mình có thốt ra câu: “Điều này không tương xứng! Việc Chủ Nợ đến đòi là vô lý!” Hay là mình sẽ cho rằng: “Tôi hành xử không phải, không hợp tình hợp lý!”

Cho nên, người tu tập phải nhận ra gốc rễ của Nghiệp Lực và khi mình đã biết gốc rễ của Nghiệp Lực rồi, mình sẽ tìm cách để trang trải Nghiệp Lực đó trong một sự Bình, một sự An Ổn. Việc đến phải đến, không thể ngăn cản được, nhưng giải quyết trong sự An Bình. Khi mọi việc được giải quyết trong sự An Bình thì sẽ không ảnh hưởng đến cuộc sống của mình. Do đó mình sẽ sống thư thả, không cảm thấy phiền toái, không bị buộc ràng, rồi khi mình đã trả đủ, Nghiệp Lực sẽ tiêu đi. Dù cho bao nhiêu Nghiệp đến, thì với cách hành xử đó, mình cũng vẫn không quá lo âu hay bấn loạn.

Hằng ngày, việc tu tập sẽ giúp cho mình bớt đi sự dồn nén, sự áp đảo của Nghiệp Lực do ở việc Sám Hối....Sám Hối.....liên tục. Tu tập, làm những điều tốt đẹp, đem Công Đức đó, Phước Đức đó, chân thành hồi hướng cho tất cả những người mà mình đã tạo nên Nghiệp Lực với họ; dù họ đến đòi hay họ không đến đòi, mình cũng vẫn phải trả, vì sao? Vì nếu mình không trả bây giờ thì mình cũng vẫn phải trả về sau. Đủ Duyên thì Nghiệp Lực tới, chưa đủ Duyên thì Nghiệp Lực chưa tới, dù rằng Chủ Nợ chưa xuất hiện, thôi thì trả trước đi cho rồi để không phải lo lắng về sau. Nếu mình đủ Duyên để về đến Cực Lạc thì việc trả nợ cũng sẽ nhẹ nhàng bớt đi rất nhiều.

Cho nên, một cuộc sống ung dung tự tại là do tự mình mang đến cho mình, chớ không do ai ban phát cho mình cả. Mình biết đủ là đủ, mình hành xử đúng là đúng, vì vậy mà cần phải có Trí Huệ. Muốn có Trí Huệ bắt buộc phải tu tập, mà tu tập là phải sửa đổi, nếu miệng nói tu tập nhưng Tâm không sửa, Ý không sửa, Tánh Xấu vẫn còn đầy dẫy, Thói Hư vẫn còn chất cao như núi, thì dù cho mình tu đến 100 năm cũng bằng thừa! Thời giờ bỏ ra vô ích, công việc mình làm không đem lại Lợi Ích gì cả. Nếu mình cảm thấy rằng tôi không sửa được những Thói Hư Tật Xấu, thì tốt hơn hết là nên dùng thời giờ trên dương thế để An Hưởng tất cả những gì mà mình cho rằng đem đến cho mình một Lạc Thú ở Đời.

Việc tu tập bắt buộc phải giùi mài....giùi mài Tánh Xấu rất...rất là nhiều, vì nếu không sửa thì mình sẽ không có cơ hội để làm cho Nghiệp Lực dừng lại, mà Nghiệp Lực không dừng lại được thì mình sẽ cứ tiếp tục trôi lăn. Cho nên, bỏ ra một ít thì giờ tu tập sẽ được bù lại bằng một sự thư thả, sự thư thả đó là do chính mình tạo nên chớ không ai cho mình cả. Trí Huệ càng phát sáng, sự thư thả càng lên cao, mà muốn có Trí Huệ phát sáng là phải trau giồi Tâm-Ý-Tánh.

Tất cả mọi việc trên cõi Ta Bà này, ngay trong Hiện Thế, không thoát ra khỏi 3 chữ TÂM-Ý-TÁNH. Giải quyết được Tâm-Ý-Tánh là giải quyết được hết tất cả những vướng mắc của cuộc đời và thoát ly được vòng Sanh Tử, tránh tạo Nghiệp và hành xử việc trả Nghiệp một cách vẹn toàn để cắt bứt đi Vòng Sanh Tử, chìa khóa để thoát ly Sanh Tử rất giản dị, nằm trong 3 chữ Tâm-Ý-Tánh mà thôi.


+ 67