• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Trí Tuệ và Trí Huệ

Dec 03 2022
157168415 157168415

Hôm nay Thầy Trò chúng ta cùng nhau tư duy thế nào là trí tuệ và trí huệ. Nguyên thủy, trí tuệ hay trí huệ chỉ là một vì chúng có cùng một ý nghĩa, một tính chất, đó là sự sáng suốt, sự thông suốt, sự lãnh hội mau lẹ mọi ý tưởng, mọi vấn đề, có sáng kiến, biết phân biệt và biết tư duy.

Tuy nhiên, từ rất lâu xa, nếu có một ai đó có tư chất thông minh, giỏi đối đáp, giỏi ứng phó, có tài thao lược, nhiều kế mưu, giỏi thuật trị nước an dân, dễ dàng vẫy vùng trong việc phát minh, sáng tạo ... họ được người Đời tôn vinh là kẻ có Trí Tuệ Tuyệt Vời.

Sau nhiều năm nhiều tháng được lập đi lập lại, được người Đời thường xuyên sử dụng, từ ngữ Trí Tuệ đã mặc nhiên thay thế cho cụm từ Trí Thông Minh và vô tình đưa đến sự lẫn lộn trong vấn đề hiểu sai sót về từ ngữ Trí Tuệ và Trí Huệ.

Kính bạch Sư Phụ,

Như vậy thì giữa Trí Tuệ và Trí Huệ, sự khác biệt nhau như thế nào?

Thầy sẽ phân tích trước tiên phần Trí Tuệ.

TRÍ TUỆ

Như Thầy đã trình bày ở trên, nói đến trí tuệ là nói đến Trí Thông Minh của một người. Người không có trí thông minh sẽ được xem là ngu dốt, đần độn, thông thường thì người ta hoặc là thông minh ít hay là thông minh nhiều.

Trong cuộc sống hằng ngày, với trí thông minh, người ta sẽ dễ dàng tính toán thiệt hơn, cân phân nặng nhẹ để định ra lời lỗ trong tất cả mọi vấn đề giao dịch.

Người có trí tuệ cao sẽ hoạch định mọi dự tính của mình theo một chiều hướng thuận lợi. Đã thông minh lại còn học cao, kiến thức rộng, tính toán giỏi, nhiều mưu lược, nói năng lưu loát, ứng xử nhậm lẹ, chắc chắn rằng cá nhân đó phải là người nhiều bản lãnh, thích vẫy vùng và không chối từ quyền tước.

Đương nhiên rằng cuộc sống của một người có trí thông minh vẫn luôn luôn dễ thở và thoải mái hơn một người kém hiểu biết, không biết quyền biến và nghĩ suy nông cạn.

Trên cõi Đời hiện nay, từ Đông sang Tây, từ Âu sang Á, có rất nhiều người có trí tuệ cao vòi vọi, nhưng tiếc thay, những quyết định của họ vô cùng là sai lầm, làm thiệt mạng vô số sanh linh, triệt hạ biết bao nhiêu quyền lợi của người dân vô tội, họ sử dụng những mưu mô lọc lừa, thủ đoạn để sang đoạt, chiếm hữu tài sản, những đặc quyền, đặc lợi của những kẻ thế cô, và đôi khi họ cũng không từ nan trong việc chiếm đoạt tài nguyên, tài sản của quốc gia.

Càng thông minh chừng nào, trí tuệ càng phong phú vượt bực, con người càng tỏ ra Ác Độc, Tham Lam, Gian Xảo, Lọc Lừa, đầy Thủ Đoạn chừng nấy.

Trí thông minh thuộc về Thân Xác, mà thân xác là biểu tượng của cái gì? Của cái Tánh!

Một sự hiểu biết sâu sắc về một lãnh vực, hay hai lãnh vực, hoặc ba lãnh vực thuộc về một điều gì đó, cũng có thể là về một sáng kiến phát minh, nhưng lại đi kèm với cái tánh thiếu Nhân Đạo, thiếu Nhân Bản, Ích Kỷ, Hẹp Hòi, chỉ biết phục vụ cho bản thân mình mà thôi, bất cần kẻ khác có đau khổ hay không? có vừa ý hay không? có lợi lạc hay không? không cần biết! cốt yếu là chỉ để thỏa mãn cái Tự Ái của mình, do đó mà cá nhân này đã gây ra biết bao nhiêu điều tác tệ.

Có những kẻ rất giỏi, có trí thông minh tuyệt vời, nhưng lại là một kẻ chọc trời khuấy nước, làm cho sanh linh điêu đứng, làm cho dân chúng oán hờn, sống là quậy, là phá cho hư hại môi trường, không đem lại điều lợi lạc cho bất kỳ ai, chỉ cốt sao cho mình được thỏa mãn cái tham vọng của mình. Càng giỏi chừng nào, càng thông minh chừng nào, càng bước lên đài danh vọng cao chừng nào, quyền uy trong tay nắm nhiều chừng nào, họ sẽ phá phách nhiều chừng nấy, gây rối nhiều chừng nấy.

Một Quốc Gia, một xã hội, hay một môi trường, chỉ cần dung chứa một hay 2 kẻ như vậy thôi thì cũng đủ tan nát cái đất nước đó, cái xã hội đó, và làm tiêu đi cả một cái môi trường.

Cho nên, đề cập đến Trí Tuệ là đề cập đến sợi dây liên hệ giữa Trí Tuệ với cái Tánh.

Một người có trí tuệ vượt hẳn kẻ khác, nhưng được hỗ trợ bởi những tánh xấu, những thói hư, thì cái trí tuệ đó không thể làm nên chuyện gì hết. Nó chỉ làm nên chuyện phá tác, gây đổ vỡ, tạo sự ai bi, tạo sự khổ đau. Còn như đem đến niềm vui, đem đến sự ấm êm, sự lợi lạc cho chúng sanh thì quả thật là rất khó…rất khó.

Một người sở hữu một trí tuệ, một sự thông minh sâu sắc mà được đi kèm với những Tánh Tốt thì cái trí tuệ đó, cái thông minh đó sẽ giúp cho họ nghĩ đến việc làm sao đem lại lợi ích cho Nhân Quần Xã Hội bằng sự đóng góp của mình.

Cho nên, trí tuệ là con dao 2 lưỡi, nếu sử dụng nó kèm theo với những Tánh Tốt thì sẽ làm gia tăng cái tốt đẹp của trí tuệ, nhưng nếu đi kèm với những Tánh Xấu thì nó chẳng những làm giảm đi cái tốt đẹp của trí tuệ, mà còn mang đến sự bất lợi cho người khác. Do đó, một sự thông minh phát triển theo đường lối đó, chỉ có hại chớ không có lợi.

Thà rằng một người không có nhiều trí tuệ, ít thông minh, nhưng có nhiều tánh Tốt thì họ vẫn làm nên chuyện, dù rằng chuyện họ làm nên không quá sâu sắc, không quá vĩ đại, nhưng nó vẫn đem lại sự lợi lạc cho kẻ khác; và cái điều đáng nói là nó không làm hại ai cả.

Đối với một kẻ quá giỏi, một kẻ mà trí thông minh tuyệt vời, nhưng lòng dạ Ác Độc, Dữ Dằn, đầy Tánh Xấu thì kẻ đó sẽ trở thành nguy hiểm và đem lại những tai hại khôn lường cho kẻ khác.

Người ta cần những người có đầu óc thông minh để có thể nghĩ suy ra những điều tốt đẹp giúp đỡ cho chúng sanh, nhưng bắt buộc phải đi kèm với những Tánh Tốt. Phải nói rằng, một đầu óc thông minh không nên đồng hành với những tánh xấu, vì nó chỉ đem lại điều không tốt đẹp. Một con người quá thông minh nhưng nhiều tính toán, không biết kềm chế cái lòng tham của mình, không sớm thì muộn cũng rơi vào cái thế : “gậy ông đập lưng ông”, khiến cho người đó phải lâm vào bước đường cùng do ở cái thông minh của mình.

Cho nên, tất cả những cái gì có dính líu đến Thân Xác thì đều có dính líu đến cái Tánh; chính vì vậy mà phải tôi luyện cái Tánh. Thà rằng tôi luyện cái tánh, dù cho có phải giảm bớt đi việc tôi luyện phần trí tuệ, mọi việc xảy ra vẫn tiếp tục tốt đẹp. Nhưng, nếu tôi luyện phần trí tuệ mà quên lãng đi phần giùi mài những tánh xấu, thì việc tôi luyện trí tuệ sẽ trở nên vô bổ, không có lợi gì hết, chỉ được cái “Tiếng” nhưng không có cái “Miếng”. Có cái tiếng là một người thông minh, khám phá ra điều này điều nọ, chế biến ra được cái này cái nọ, nhưng lại là một kẻ quá ác độc, nhất là khi cái thông minh đó phụng sự cho một cái Muốn mà trở thành Tham Vọng, điều đó hoàn toàn không có đúng. Cho nên phải thận trọng rất nhiều.

Là một con Người, không ai muốn mình đần độn cả, nhưng nếu mình thông minh mà thiếu sáng suốt, thiếu nhận định, thiếu tư duy, thiếu những cái tánh căn bản của một con người thì phải thành thật mà nói rằng, thà đần độn nhưng không hại ai cả, và nhất là không tạo thêm Nghiệp!!

Càng thông minh chừng nào, càng tài giỏi chừng nào, cộng thêm với những tánh xấu đi kèm, những thói tật không hay thì Nghiệp sẽ chất chồng, và nghiệp đó toàn là nghiệp lớn, nghiệp dữ, chớ không phải là những cái nghiệp nhỏ nhỏ, vì nó đi kèm với cái Tham Vọng thì làm sao mà là cái nghiệp nhỏ cho được?

Trí Tuệ rất cần thiết cho cuộc sống làm Người. Trí tuệ giúp cho con Người có đủ trình độ hiểu biết để ứng phó dễ dàng trong cuộc sống, và xa hơn nữa là làm một điều gì đó có lợi ích cho kẻ khác. Tuy nhiên, phải thận trọng rất nhiều nếu mình không chắt chiu cái trí tuệ của mình, đừng để cho nó có liên quan mật thiết với những tánh xấu của mình. Có thể nói một cách nôm na rằng, càng thông minh càng phải sửa tánh. Được như vậy thì cái thông minh đó mới trọn vẹn là cái thông minh đúng nghĩa.

Một đứa bé từ khi bắt đầu biết nói, trí thông minh cũng bắt đầu phát triển, bậc làm cha mẹ bắt buộc phải hướng dẫn. Việc hướng dẫn sẽ giúp cho trí tuệ của đứa bé phát triển theo đường hướng đúng và lành mạnh, đồng thời cũng giúp cho đứa bé sửa đổi những tánh xấu của mình.

Khi bé còn nhỏ, tánh xấu cũng khó mà triển khai, nhưng bậc làm cha mẹ phải để ý từ chút…từ chút, chỉ cần một hành động rất là nhỏ nhặt như là: giết một con kiến, hay là giựt đồ chơi không cho bạn mình chơi, hoặc xô đẩy bạn với cử chỉ thiếu hòa nhã, cũng đủ giúp cho cha mẹ thấy được cái viễn ảnh tương lai của đứa nhỏ sẽ như thế nào, nếu những hành động đó vẫn tiếp diễn ngày qua ngày…ngày qua ngày theo đà lớn lên của đứa nhỏ?

Đừng để sự thể xảy ra quá là muộn màng, khi đó rất khó mà sửa chữa, rất khó mà uốn nắn. Đứa nhỏ càng lớn dần…lớn dần, trí tuệ đó được thêm vào….thêm vào… từ ở trường học, từ ở sự tìm tòi, từ ở xã hội, từ ở ngoại cảnh, từ ở bạn bè, và thậm chí từ ở bậc cha mẹ; nó chỉ có phát triển theo chiều hướng Xấu thêm, chớ không có phát triển theo chiều hướng Tốt thêm, nếu không được để ý và cân nhắc. Vì vậy mà phải thận trọng rất nhiều trong việc hướng dẫn đứa nhỏ phát triển phần trí tuệ của nó.

Không ai muốn con mình đần độn, ngu dốt, nhưng phải để ý, đừng bỏ qua tất cả những hành vi nào, những cử chỉ nào, dù thật là nhỏ nhặt; nhỏ nhặt là vì so sánh với cái thấp bé của đứa nhỏ, nhưng nó sẽ không nhỏ nhặt khi đứa trẻ lớn lần lên. Đứa trẻ càng lớn thì cái nhỏ nhặt đó nó cũng sẽ lớn lần…lớn lần, đến khi mà bậc cha mẹ nhìn thấy được, nhận ra được thì nó đã ăn sâu rồi, khó mà móc nó ra khỏi cái đầu của con mình được.

Người thông minh có nhiều sáng kiến, có nhiều ý tưởng hay, nhưng đi kèm với một mục đích không tốt đẹp, thì như vậy, cái thông minh đó có giúp ích gì cho ai được hay không? Hay là nó đem đến cái tai hại cho kẻ khác?

Đơn cử một thí dụ: một người thông minh sáng chế ra một món đồ nào đó, nhưng món đồ này lại khiến cho người sử dụng nó càng ngày càng sa lầy, càng đắm chìm trong sự si mê. Giả sử như việc sáng chế ra “Điếu thuốc điện tử” (VAPE).

Một vật được sáng chế ra, chẳng những không làm cho người sử dụng được mở mang thêm trí tuệ, mà trái lại còn làm cho tâm tư của người đó thất điên bát đảo, thì như vậy cái sáng kiến đó có thật sự là một sáng kiến tốt đẹp hay không?

Trong cuộc sống hằng ngày, trên thị trường có biết bao nhiêu sản phẩm trí tuệ được bày bán, từ những sáng kiến đơn giản cho đến những sáng kiến tinh vi, sâu sắc hơn, phức tạp hơn, hiện đại hơn; người ta có thể tìm thấy, từ những sản phẩm thuộc mọi lãnh vực về đồ gia dụng, về y tế, về thể thao, về du lịch, về xây dựng, về trang trí, về hội họa, về giáo dục…vv…cho đến những sản phẩm điện tử, rồi siêu điện tử, thuộc nhiều cấp bậc khác nhau, đi đôi với giá tiền từ thấp đến cao ngất ngưởng.

Trong số hàng loạt những sản phẩm phát minh đó, không phải sản phẩm nào cũng mang đến một lợi ích thiết thực cho người sử dụng.

  • Video game, bản chất của nó là để giải trí, nhưng, không thể trao nó cho một đứa trẻ mà thiếu sự lựa chọn cũng như sự theo dõi thường xuyên của bậc Phụ Huynh. Video game phải thích hợp với từng trình độ, từng lứa tuổi của con em mình, phải vừa giải trí, vừa vui, vừa học; tuyệt đối không lựa chọn những video game với những trò chơi tiếp cận với giết chóc, với thanh toán nhau bằng súng đạn, với những sự đối xử thiếu Nhân Bản và Tình Người. Cha Mẹ rất cần phải duyệt qua nội dung của các Games trước khi hướng dẫn cho con mình sử dụng Video Game.

    Những hình ảnh từ video game sẽ khắc ghi trong trí của trẻ thơ. Nếu đó là những hình ảnh giải trí vui, sống động, ích lợi cho việc học tập thì quả thật vô cùng tốt đẹp, ảnh hưởng tốt cho trí tuệ của đứa bé.

    Những hình ảnh có tính cách bạo động, pha lẫn những cảnh tượng chết chóc, thanh toán nhau bằng súng đạn hay bằng những vũ khí giết người trong video game, sẽ có tác dụng như những vệt đen trong Tâm Thức của đứa bé. Nếu cứ liên tục tiếp diễn, thì những vệt đen đó sẽ góp phần vào việc làm dày thêm màn Vô Minh trong Tâm Thức.

    Trong lúc chơi Game, đứa bé đặt hết những cảm xúc của mình vào trong trò chơi với tất cả hỷ-nộ-ái-ố của bé, do đó mà vô tình làm cho Tâm Thức ngộ nhận đó là thực tế, cho nên khắc ghi những cảm xúc này vào trong Tâm Thức dưới dạng thức của màn Vô Minh.

    Tâm Thức đã như vậy rồi, còn Trí Tuệ thì cũng sẽ không nhận được bất kỳ một lợi ích nào cả, hay một kiến thức khởi sắc nào từ ở những Video Game có tính cách kích động.
     
  • Ai cũng biết Cần Sa có rất nhiều dược tính; trong y học, dược tính đó được sử dụng để điều trị nhiều thứ bệnh; nhưng, nếu sử dụng cần sa một cách bừa bãi, không đúng cách, nó sẽ làm cho đầu óc mê muội, không còn tỉnh táo, suy nghĩ sắc bén nữa, cuối cùng thì người đó trở nên lậm thuốc và lệ thuộc vào thuốc.
     
  • Một thế kỷ qua, sự khám phá ra nguyên tử lực đã đem lại những lợi ích không nhỏ cho Loài Người. Nhờ cái Lực đó mà hàng triệu…triệu người trên thế giới đã thoát được cảnh sống tối tăm vì không có điện; nhiều nhà máy, tàu bè….cũng hoạt động bằng nguyên tử lực; phá núi để mở mang đường xá, để dễ bề thông thương, giao tiếp…. cũng phải cần đến việc sử dụng nguyên tử lực.

Tuy nhiên, tham vọng đã khiến con người “mờ mắt”! Ngày nay, từ nước Lớn tới nước Nhỏ, ai cũng muốn tập trung sức mạnh, và biểu dương tính cách “Độc Tôn” của mình nên đua nhau chế tạo vũ khí nguyên tử, hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử, tàu bè trang bị đầu đạn nguyên tử….hay chế ra bất cứ vật gì miễn là có nguyên tử thì cảm thấy an toàn rồi! cảm thấy được bảo vệ rồi!

Mọi người đã quên rằng, chỉ cần một người châm ngòi nổ thì sẽ có hằng loạt người đáp trả, và cái kết quả là không còn ai hiện diện trên cõi Đời để mà tranh giành sự “Độc Tôn”, dưới tác hại của nguyên tử lực.

Do đó mà gần như tất cả mọi chuyện trên Đời này đều có thể áp dụng dưới khía cạnh tốt lẫn khía cạnh xấu. Tất cả đều tùy thuộc vào cái Tâm, cái Tánh của người sử dụng.

Kính bạch Sư Phụ,

Con đã hiểu, có một sự liên hệ chặt chẽ giữa cái Tánh với phần Trí Tuệ, Trí Thông Minh của một người. Tánh càng tốt thì trí tuệ sẽ được phát triển theo chiều hướng tốt; càng có nhiều tánh xấu thì cái trí thông minh đó sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều trong việc sử dụng, để làm thỏa mãn tất cả những cái Muốn không tốt đẹp của một người.

Như vậy thì việc tôi luyện phần Trí Huệ đòi hỏi những nguyên tắc như thế nào?

TRÍ HUỆ

Trí Huệ vượt lên trên Trí Tuệ, Trí Thông Minh, nó thuộc một đẳng cấp cao, không thể đem so sánh với trí tuệ được, dù rằng cả 2 đều bắt đầu bằng chữ TRÍ, tức là có liên quan đến sự Suy Tư, nhưng, Trí Huệ thì phát sáng, còn Trí Tuệ có phát sáng được hay không, điều đó còn tùy thuộc vào sự liên hệ chặt chẽ giữa trí tuệ với những cái Tánh của chính đương sự. Điều này đã được giảng rõ trong phần nói về Trí Tuệ.

Một cái Trí Tuệ không được trau chuốt, không được nâng niu, không được giùi mài để đi cho đúng đường, nó sẽ đưa đến điều tai hại cho chính bản thân mình trước tiên, và trong trường hợp đó, Tâm sẽ tối mò mò. Một khi Tâm tối mò mò đầy vết đen ở trên tấm gương Tâm do tác động của Trí Thông Minh, cộng với tánh xấu thì làm sao tấm gương đó có thể nhìn thấu suốt được? Mà một khi nó không thấu suốt được, làm sao nó nhận được những tia sáng từ bên ngoài chiếu vào trong tấm gương? Điều đó có nghĩa rằng, cái ánh sáng Trí Huệ không thể nào lọt xuyên qua được cái tấm gương…

Kết quả của những tánh xấu cứ chất chồng…chất chồng trong tâm thức, cuối cùng rồi nó trở thành ra là những cái vệt đen ngòm ở trong Tâm Thức, và đó chính là Vô Minh.

Nếu bây giờ cải sửa, giùi mài những tánh xấu thì, cứ mỗi một tánh xấu được giùi mài, nó sẽ cải biến lại để trở thành một Tánh Tốt. Một khi nó trở thành một tánh tốt rồi thì đương nhiên nó sẽ làm cho Tâm Thức được ngời sáng lên. Tánh Tốt có tác dụng như một cái nùi giẻ vậy đó, dùng để lau chùi những vết đen trong Tâm Thức, một cái tánh tốt sẽ có tác dụng làm biến mất đi một cái tánh xấu, được biểu tượng bằng những vết đen.

Có nhiều tánh tốt, sẽ có nhiều miếng vải lau chùi; qua nhiều đợt lau chùi, những vết đen đó sẽ biến mất lần….biến mất lần, và để lộ ra cái tính chất trong của cái kiếng Tâm. Khi đó, cái ánh sáng Trí Huệ mới xuyên qua, và ngọn đèn Trí Huệ trong Tâm Thức mới thật sự bật sáng lên.

Ánh sáng Trí Huệ từ đâu mà có? Chính là từ ở việc tu tập!

  • Một sự chân thành tha thiết Sám Hối-Ăn Năn về tất cả những lỗi lầm do Thần Thức của mình đã vô tình hay cố ý gây tạo ra từ nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ cho đến ngay cả hiện kiếp
     
  • Giữ Tâm Bình, mượn Công Năng của câu Thần Chú Lục Tự Đại Minh Chơn Ngôn của Bồ Tát Quán Thế Âm, trì liên tục trong sự quán tưởng hào quang tỏa sáng, làm mờ dần những hình ảnh Nghiệp Chướng khắc ghi trong Tâm Thức
     
  • Đem Tâm Thanh Tịnh đã được hối cải, đã được trì Chú gột rửa lỗi lầm để Niệm Phật trong nhất tâm bất loạn

Cả 3 giai đoạn này, nếu được hành trì một cách chân chính và nghiêm túc sẽ phát ra những tia sáng trí huệ. Chỉ khi nào cái kiếng Tâm trong sáng thì mới có thể tiếp nhận những tia sáng Trí Huệ này.

Điều kiện CẦN cho kiếng Tâm trong sáng chính là phải sửa tánh.

Chỉ có Trí Huệ mới có thể giúp cho Thần Thức Thăng Hoa. Trí Tuệ hay Trí Thông Minh, tự bản chất đơn thuần, không thể nào đảm nhận công việc làm cho Thần Thức Thăng Hoa được.

Tuy nhiên, nếu một trí tuệ tuyệt vời, một trí thông minh xuất chúng mà biết dừng sự cao ngạo, sự tự cao tự đại, gỡ bỏ được sự miệt khinh những kẻ thấp kém hơn mình, biết sống hòa đồng và chia sẻ, biết kềm chế tự ái của mình, biết tư duy sâu sắc, biết nhận định một cách khách quan và chân chính về mối tương quan chặt chẽ giữa cái Tánh và cái Tâm lẫn cái Ý, biết cách xoay sở để tự mình thoát khỏi gọng kềm của những Tánh Xấu, được như vậy, lần hồi cái gương Tâm sẽ sáng lần lên, có nghĩa là Tâm - Ý dần dần trở nên trong sáng. Tâm Ý trong sáng thì Trí Huệ mới phát sinh.

Do đó, Trí Tuệ, Trí Thông Minh vẫn có thể được áp dụng để giùi mài cái Trí Huệ, nếu biết sử dụng đúng cách, qua sự Tư Duy.

Trí Tuệ và Trí Huệ đều rất là quan trọng, nhưng, so về cấp bậc thì Trí Huệ ở một đẳng cấp cao hơn.

Một người muốn có được trí huệ, bắt buộc phải giùi mài Tâm-Ý-Tánh của mình, nhất là cái Tánh. Trí huệ phát sáng xuất phát từ một Tâm Bình, điều kiện ắt có và đủ để Tâm luôn luôn được Bình, chính là sự triệt tiêu những Tánh Xấu. Nếu không giùi mài được Tâm-Ý-Tánh thì Trí Huệ sẽ không thể phát sáng.

Muốn có trí tuệ, phải trải qua vài chục năm trên ghế nhà trường; phải bỏ công sức để tìm hiểu, để nghiên cứu, học hỏi, tích tụ, mới có được một trí tuệ tốt đẹp, như ý. Trí Tuệ đó cũng không phải từ trên trời rơi xuống hay tự nhiên mà có được đâu.

Cho nên, tất cả mọi việc trên Đời đều đòi hỏi cái bước bắt đầu. Điều quan trọng là với cái bước bắt đầu, mình phải hiểu rõ rằng mình sẽ phải làm gì sau đó để đi cho đúng đường?

Người khôn ngoan sẽ dùng Trí Thông Minh của mình để vun bồi cho phần Trí Huệ. Trí thông minh là một nền tảng vững chắc, tạo phương tiện cho sự TƯ DUY SÂU SẮC để ánh sáng Trí Huệ liên tục tỏa ra, nhờ đó mà việc hiểu Pháp, thâm nhập Pháp và hành Pháp được tốt đẹp và trọn vẹn. Từ việc hành được Pháp để tiến đến việc “Được Pháp”, đoạn đường đó sẽ không xa lắm đâu!

Được Pháp hay Đắc Đạo có nghĩa là sao? Là cái Pháp đó nó lẫn vào trong xương, trong tủy của mình rồi. Khi mình nghĩ suy bất kỳ một điều gì thì cái Pháp đó sẽ như là một ngọn đèn, nó dẫn dắt mình để cho mình nghĩ suy không bị lạc lối.

Còn thân xác là còn sử dụng được Trí Thông Minh để hỗ trợ cho việc phát huy Trí Huệ, góp phần vào việc làm cho Thần Thức thăng hoa. Ngay khi còn hơi thở, Thần Thức đã chuyển hóa được Tâm-Ý-Tánh của mình, trí huệ phát sáng, hòa quyện vào trí tuệ, trí thông minh, cả hai sẽ là một cặp đôi đồng hành, mang đến biết bao nhiêu điều lợi lạc cho Chúng Sanh.

Đây mới chính là “Cứu Độ Chúng Sanh” ngay tại hiện đời, không cần phải đợi chờ đến lúc về được đến Cực Lạc.

Thánh Chúng trên thai sen tôi luyện Trí Huệ với đơn độc cái Thần Thức của mình, do đó cường độ cũng giảm sút hơn, thời gian cũng có thể kéo dài hơn.

Chúng Sanh ngay ở hiện kiếp, biết dùng Thân Xác để chuyển hóa Thần Thức của mình, uốn nắn, đào tạo, huấn luyện để Thần Thức trở nên thuần thục và chói sáng; một mai khi về đến Cực Lạc, Thần Thức đó có khả năng làm cho các Phẩm Sen trên Cực Lạc sát lại gần nhau hơn, giúp cho các Quả Vị mau chóng thành đạt… Đó chính là một sự đóng góp Tuyệt Vời và Độc Nhất Vô Nhị của một sự kết hợp, liên đới và chặt chẽ của Trí Tuệ, Trí Thông Minh cùng với Trí Huệ.

Để đúc kết lại những tư duy của Thầy Trò Ta về Trí Tuệ và Trí Huệ, Thầy có những lời khuyên sau đây:

Tôi luyện bản thân mình từ khi mình còn hơi thở sẽ dễ dàng rất là nhiều so với khi chỉ còn là một Thần Thức. Một cái Trí Huệ kèm theo với một Trí Tuệ, Trí Thông Minh đúng nghĩa thì đó là một cái điều mà ai cũng mong mỏi cả.

Thông thường thì có không ít những kẻ sở hữu một Trí Thông Minh vô cùng đặc sắc, nhưng, tìm được người có trí huệ không phải là chuyện thường xảy ra.

Do đó mà, thà rằng trí tuệ vừa đủ mà có được chút ít trí huệ thì vẫn là làm nên chuyện được, còn hơn là kẻ có một trí tuệ vô song nhưng lại là một cái tai ương, một mối hiểm họa cho rất nhiều người, thì cái trí tuệ đó cũng bị vứt đi, cũng bị chà đạp, và người phát huy cái trí tuệ đó, trải qua trăm năm, ngàn năm vẫn là “bia miệng” cho người Đời mỗi khi nhắc đến.


+ 27