• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Chết Trong Hôn Mê

Dec 08 2016
412235383 412235383

Kính bạch Sư Phụ,
Một người đang bị hôn mê, nếu họ lìa trần trong hôn mê, thần thức của họ có bị vướng mắc hay không?

Theo con, như thế nào là vướng mắc?

Dạ, một người khi ra đi vĩnh viễn mà tâm tư họ vẫn còn đeo đẳng một cái gì, hoặc là một tình cảm, hay tiếc nuối một tài sản, một vật gì đó, hoặc họ ân hận vì chưa hoàn tất một công trình nào đó v.v…

Thông thường những vướng mắc này tụ vào đâu?

Dạ nó tụ trong Tâm Thức.

Về vấn đề hôn mê, cần phải phân biệt:

  • Hôn mê có khi là tình trạng của cơ thể tạm thời ngưng hoạt động vì một sự va chạm quá mạnh đã xảy ra, hay để đối phó với một vật lạ xâm nhập vào cơ thể. Tình trạng này chỉ có tính cách tạm thời cho đến khi cơ thể hồi phục được.
  • Có khi hôn mê là do thân xác có sự thay đổi, đưa đến tình trạng bịnh hoạn và gây nên sự hư hỏng khiến cho bộ óc không còn hoạt động được nữa. Trong trường hợp này, việc hồi phục rất là mong manh, và người bịnh cần phải được thường xuyên theo dõi những sự biến đổi của sắc mặt, cũng như của hơi thở và hoạt động của não bộ.

Nói tóm lại, ở trường hợp này, người hôn mê sẽ tiến gần đến cái chết nhiều hơn.

Khi nãy con đã bảo rằng: những vướng mắc của người sắp lìa trần đều tụ vào trong Tâm Thức.

Hôn mê là tình trạng của bộ óc bị hư, hoàn toàn tùy thuộc vào thân xác. Tâm Thức dung chứa tất cả những gì thuộc về Ý và Tánh, hoàn toàn dính chặt vào Linh Hồn, không có liên quan đến não bộ.

Một người lúc chưa bị hôn mê, chăm lo làm ăn, tạo tài sản, tạo sự nghiệp và đồng thời cũng gây sân hận, gây điều không tốt đẹp, tạo nghiệp chướng với kẻ khác, tất cả những việc làm kể trên đều được Tâm Thức khắc ghi.

Cần phải ghi nhớ một điều quan trọng rằng: dù cho Tâm Thức chuyển hết tất cả mọi việc xảy ra trong đời sống của một người vào trong Mạc Na Thức, cái bản Chánh vẫn còn nằm trong Tâm Thức, Mạc Na Thức chỉ nhận cái bản phụ để làm công việc lựa chọn, phân loại những việc đã xảy ra, trước khi chuyển vào A Lại Da Thức. Do đó, từ chuyện LỚN đến chuyện NHỎ, dù là nhẹ như TƠ hay nặng như ĐÁ, như CHÌ, cũng vẫn không thể nào thoát được cái cửa ngõ của Tâm Thức.

Chỉ cần nhìn qua cái Tâm Thức là đủ hiểu tất cả mọi việc đã xảy ra từ lúc mới chào đời cho đến khi nhắm mắt lìa đời.

Khi một người ở tình trạng bình thường, tất cả những diễn biến của cuộc đời đều được khắc ghi trong Tâm Thức.

Vì lý do bịnh tật, thân thể của họ suy yếu, đi lần đến chỗ bị hoại, bộ óc của họ ngưng hoạt động, khiến họ rơi vào tình trạng hôn mê. Bộ óc bị hư hao, nhưng Tâm Thức không bao giờ bị hủy hoại, vì vậy tất cả những khắc ghi của Tâm Thức về những diễn biến của cuộc đời của họ luôn nằm đó.

Tâm - Ý - Tánh dính liền với Linh Hồn, không có gì bứt rời ra được cả; Thần Thức lìa thân xác, bỏ lại cái thân bất động, đang hôn mê, không còn một sự cảm nhận nào nữa hết.

Thần Thức mang toàn bộ Tâm - Ý - Tánh theo mình, trong đó có Tâm Thức đã khắc ghi không thiếu sót tất cả những diễn biến của cuộc đời của người quá cố đang hôn mê!

Nếu Thần Thức đó có Trí Huệ, Thần Thức sẽ biết được hướng đi của mình.

Thần Thức không có Trí Huệ sẽ giậm chân tại chỗ vì không biết được hướng đi. Những gút mắt, những lụy phiền, những khó khăn, vướng mắc đã được Tâm Thức ghi nhận, ngày giờ này sẽ làm cho Thần Thức trĩu nặng bước chân, khó lòng cất nhắc và vô phương tìm được hướng đi kế tiếp của mình.

Một người dù bị hôn mê nhiều năm, nhiều tháng, khi thân xác đã đến lúc hoại rồi, Thần Thức lìa thân xác sẽ mang theo tất cả những diễn biến của cuộc đời của người đó từ lúc sanh đến lúc tử. Ngay cả trong thời gian hôn mê, mọi sự việc xảy ra có liên quan đến người đó, cũng đều được Tâm Thức của họ thu nhặt và khắc ghi, không phải đợi đến người đó đích thân hành động, Tâm Thức mới làm việc được đâu!

Cho nên, phải cẩn thận rất là nhiều trong từng hành động, từng cử chỉ dù rất là nhỏ nhặt; chỉ một cái mống tâm cũng đủ để Tâm Thức khắc ghi việc xảy ra hay những toan tính trong cái mống tâm đó; mà đã là khắc ghi thì không bao giờ có thể tự nó xóa bỏ được, muốn bôi xóa những gì trong Tâm Thức bắt buộc phải áp dụng PHÉP SÁM HỐI. Ngay cả một lời nói chơi (dù không để ý) hay do lỡ miệng thốt ra, muôn đời nó vẫn còn hiện hữu trong Tâm Thức, chỉ trừ khi nào người thốt ra câu nói đó tỏ dạ sám hối, ăn năn và hành trì nghi thức sám hối thì cái nghiệp chướng đó mới có thể tiêu đi được.

Kính bạch Sư Phụ,
Sư Phụ đã từng nói rằng: người bị vong nhập hay vong dựa sẽ bị cái vong làm cho nát cái Tâm Thức. Điều đó có nghĩa như thế nào? Xin Sư Phụ từ bi giải thích cho con hiểu rõ.

Người bị vong dựa hay vong nhập sẽ khó lòng kiểm soát được Tâm - Ý - Tánh của mình, lần lần ngọn đèn Trí Huệ sẽ đi đến chỗ tắt hẳn hoàn toàn, Tâm Thức trở nên tối mò mò, không còn sáng nữa để có thể nhận ra mọi thứ ở trong đó. Chỉ là không nhận ra được (vì không nhìn thấy) chớ tất cả những gì Tâm Thức đã khắc ghi đều vẫn còn đó, không mất một mảy may nào cả.

Người bị vong dựa nhập không khác gì đang ở trong một căn phòng hoàn toàn tối đen, không có một chút ánh sáng, muốn lục, muốn soạn, muốn tìm kiếm cái gì, thử hỏi có kiếm được hay không?

Do đó Thầy mới nói rằng: Tâm Thức bị phá nát vì người bị vong dựa nhập không còn nhìn thấy bất kỳ cái gì trong Tâm Thức của mình, tưởng chừng như tất cả đã bị xóa đi, nhưng chính thực là vì nó bị bao trùm bởi tối đen dày đặc, cho nên khó lòng nhận diện.

Người bị vong dựa nhập không thể sử dụng cái Trí Huệ của mình được vì ngọn đèn đó đã bị dập tắt từ lâu, cho nên lúc nào họ cũng chìm vào khoảng tối đen, họ mò mẫm...mò mẫm từng bước chân của mình, quờ quạng trong bóng đêm thăm thẳm mà không nhận ra được bất cứ cái gì, lần hồi họ rơi vào tình trạng Si lúc nào không hay và cuối cùng thì chỉ có đọa Tam Đồ mà thôi!

Cho nên, Tâm Thức của một người vô cùng…vô cùng quan trọng! Dù biết tu tập hay không biết tu tập cũng đều bắt buộc phải tôi luyện cái Tâm Thức của mình để cho nó lúc nào cũng ngời sáng. Đọc một quyển sách thanh cao, nghe những lời khuyên bảo cao thượng, tập luyện những tánh tốt, tập suy nghĩ điều tốt đẹp, hướng thượng...vẫn là một sự đóng góp tích cực vào việc tôi luyện cái Tâm Thức của mình, phải biến cái nơi đó trở thành kho chứa thuần những đồ quý giá, chớ không phải là nơi chứa đá, chứa sỏi, chứa bùn, chứa cát.

Kính bạch Sư Phụ,
Làm thế nào để hộ niệm cho người bị hôn mê?

Muốn hộ niệm cho người bị hôn mê, điều cần yếu trước tiên là phải khơi dậy cái Tâm Thức của họ.

Dù rằng Tâm Thức và Thân Xác không dính chặt vào nhau, nhưng nhờ vào cái thân xác mới có thể tôi luyện được Tâm Thức.

Nếu thân nhân hay bằng hữu nghĩ rằng người đang hôn mê sẽ ra đi, việc làm trước tiên là phải trì Chú nhiều lần, trì làm sao cho lọt vào trong lỗ tai của người này. Họ hôn mê ở cái não, nhưng không hôn mê ở cái lỗ tai, cho nên cứ trì Chú vào trong lỗ tai của họ; nếu có thể, ngoài thời gian mà thân nhân trực tiếp trì Chú, nên để một cái máy nghe chỉ toàn là tiếng trì Chú, sát vào lỗ tai của người đang hôn mê.

Trì Chú gì? Trì Lục Tự Đại Minh Chơn Ngôn: OM MANI PADME HÙM.

Lục Tự Đại Minh có một công năng vô bờ bến, đây là một câu Thần Chú mang danh là Chú Vá Biển Lấp Trời, vì sao? Vì trì Lục Tự Đại Minh mới phát ra hào quang rực sáng, và cái hào quang đó mới thay thế được cái ngọn đèn Trí Huệ của người bị hôn mê đã tắt ngấm rồi, mới làm sáng cái Tâm Thức của người đó lên được. Khi Tâm Thức đã rực sáng lên rồi, lúc đó mới từ tốn giảng Pháp cho họ nghe để họ buông xả những vướng mắc của họ xuống.

Nếu người hộ niệm biết rõ về người đang hôn mê, biết được những vướng mắc của họ khi họ còn khỏe mạnh thì thật quá dễ dàng để vạch vòi, khuyên bảo.

Đối với một người mà mình chưa từng quen biết hoặc chỉ quen sơ thì tốt nhất, trước khi giảng Pháp, cần nên tham khảo với gia đình của người hôn mê (nếu được) để biết một cách tổng quát tình trạng của người này khi chưa bị hôn mê: tánh tình, hoàn cảnh gia đình - sự nghiệp - công việc làm - giao tế - những cảnh huống đáng quan tâm - điều quan trọng là những nguyên nhân nào đã đưa đến tình trạng hôn mê.

Nếu trong trường hợp người hộ niệm không có cơ hội để biết nhiều chi tiết về người hôn mê, cần nên nhớ rằng: tất cả những vướng mắc đều xoay quanh ở những cái Tánh mà thôi, và chỉ nằm trong 03 điểm chánh yếu là THAM LAM - SÂN HẬN và SI MÊ. Từ đó, suy rộng ra thêm để nói cho người hôn mê hiểu rằng họ phải buông bỏ xuống những vướng mắc thì họ mới nhẹ nhàng, thư thả để ra đi.

Lời giảng Pháp trong trường hợp này vô cùng cần thiết; cứ 5-10 phút trì Chú để giúp cho Tâm Thức sáng lên là bắt đầu giảng Pháp. Cứ mỗi lần người hộ niệm “chạm nọc” vào một vướng mắc thì nó sẽ tự động rớt ra khỏi Tâm Thức; thỉnh thoảng ngưng giảng Pháp, trì Chú trở lại để để đốt sáng Tâm Thức trong 5, 10 phút rồi lại giảng Pháp tiếp. Cứ lập đi lập lại vào trong lỗ tai của người hôn mê để giúp cho họ buông lần xuống những vướng mắc của mình, Thần Thức sẽ không cảm thấy nặng nề, vướng bận lúc ra đi, sẽ dễ dàng tìm được hướng đi kế tiếp của mình.

Hộ niệm cho người đang hôn mê không dùng lời Niệm Phật mà bắt buộc phải là Trì Chú nhiều lần để giúp cho Tâm Thức của người này sáng lên, lộ ra tất cả những khó khăn, những ưu tư phiền não, những sân hận gây tạo nên vướng mắc, làm nặng bước chân di chuyển của Thần Thức.

Thông thường Người Đời nghĩ rằng: người hôn mê hoàn toàn không biết bất kỳ cái gì hết, cho nên cứ để cho họ ra đi thôi; ngoài ra, người ta còn cho rằng: người ra đi trong trạng thái hôn mê sẽ nhẹ nhàng, dễ chịu. Thật sự thì hoàn toàn trái ngược, người hôn mê ra đi rất...rất là nặng nề!!

Người còn tỉnh táo vào phút lâm chung có thể nghe và hiểu những lời Pháp, những lời khuyên bảo của Thiện Tri Thức. Thần Thức nghe và hiểu sẽ rung động, người còn sống mỗi khi nghe và hiểu sẽ xoáy động tim mình. Cứ mỗi một cái xoáy trong tim là buông thả xuống được một vướng mắc, do đó sẽ dễ dàng để khuyên bảo và dễ dàng định hướng được những lời Pháp để dẫn dắt Thần Thức.

Người hôn mê đã tắt mất ngọn đèn Trí Huệ, do đó phải dùng câu Thần Chú để thay thế ngọn đèn Trí Huệ mà làm sáng cái Tâm Thức lên hầu có thể “moi” ra được tất cả những cái gì nặng nề, khó khăn, vướng mắc từ trong Tâm Thức.

Kính bạch Sư Phụ,
Ngoài việc trì Chú Lục Tự Đại Minh Chơn Ngôn và giảng Pháp cho người hôn mê, có nên Sám Hối giùm họ không?

Muốn sám hối giùm cho người đó lại càng rất tốt, chỉ e rằng không có đủ thì giờ và nhân lực để làm.

Nếu một người bị hôn mê trong nhiều ngày, trường hợp có đủ nhân lực thì một người chuyên lo việc trì Chú và giảng Pháp, một người lo việc sám hối giùm cho người đó.

Có đôi lúc thời gian hôn mê không lâu lắm song đã có dấu hiệu sắp ra đi, nếu có đủ nhân sự thì một người lo trì Chú và giảng Pháp vào lỗ tai của người hôn mê, còn người kia thì hành trì nghi thức Sám Hối giùm cho người đó. Nếu không đủ nhân lực thì tối thiểu là phải trì Chú vào lỗ tai của người hôn mê một thời gian 5-10 phút, sau đó thì giảng Pháp cho thấu lỗ tai của họ, phải dẫn dắt để giúp cho họ buông xuống những vướng mắc của mình trước khi ra đi. Dù rằng người hộ niệm không biết được một cách đích xác những chi tiết của mọi vấn đề, nhưng chung chung dựa trên 3 điều căn bản gây tạo nghiệp chướng là Tham - Sân - Si, người hộ niệm vẫn có thể hiểu được, nói được, giải thích được, khuyên bảo được để giúp cho người đang hôn mê thấy rằng từ cái chung chung đó, họ cảm nhận được và hiểu được họ bắt buộc phải buông thả xuống những cái gì đặc biệt mà họ đang ôm ấp ở trong lòng.

Tất cả mọi thứ vẫn là xoay quanh những riêng tư cá nhân, gia đình, bà con, anh chị em, dòng họ, những người quen biết, những người có giao tế chặt chẽ với người đang hôn mê, khi họ còn khỏe mạnh.

Kính bạch Sư Phụ,

Hộ niệm cho một người ra đi trong hôn mê giúp cho họ buông bỏ được những vướng mắc, Thần Thức nhẹ nhàng, thanh thản tìm được hướng đi kế tiếp của mình.

Sau đó, việc siêu độ cho Vong Linh trong 49 ngày có đóng góp tích cực vào việc hoán chuyển cảnh giới thác sanh cho Vong Linh hay không?

Hộ niệm cho một người ra đi trong hôn mê cũng không khác gì việc hộ niệm cho một người còn tỉnh táo ở phút lâm chung. Chỉ có điều khác biệt là: đối với người bị hôn mê, cần phải trì Chú vào lỗ tai của người đó để kích thích cái Tâm Thức, hầu khơi sáng ngọn đèn Trí Huệ của họ, sau đó thì giảng Pháp để giúp cho họ lục soạn, lôi bỏ ra tất cả những gì nặng nề, gút mắt, vướng víu; nói tóm lại là phải giúp cho họ bật được ngọn đèn sáng lên để họ có thể nhìn thấy tất cả những gì họ cần phải sắp soạn để làm hành trang ra đi.

Người còn tỉnh táo, không cần phải giúp họ đốt sáng ngọn đèn, chỉ cần giảng Pháp để hướng dẫn họ nên đem theo cái này, nên bỏ lại cái kia; tức là giúp họ sửa soạn cái túi “hành trang ra đi” của họ.

Người hộ niệm cũng giúp cho người sắp ra đi còn tỉnh táo Trì Chú để ngọn đèn Trí Huệ của họ rực sáng hơn, họ dễ dàng nhìn thấy được hướng đi của họ.

Người chết trong hôn mê hay người ra đi trong tỉnh táo, nếu biết buông bỏ được mọi vướng mắc của mình, sẽ nhẹ nhàng cất bước. Điều đó được tỏ rõ qua hơi ấm cuối cùng tụ lại hoặc ở Ngực (thác sanh về cõi Người), hay ở Trán (thác sanh về cõi Trời).

Sau đó, suốt trong 49 ngày, nếu Vong Linh được siêu độ đúng cách, được vị Thiện Tri Thức hướng dẫn cho tu tập để biết ăn năn sám hối tất cả những gì mình đã gây tạo khi còn sống, được chỉ dẫn Trì Chú để đốt tiêu nghiệp chướng của mình, Vong Linh đem tấc dạ chân thành sám hối để Niệm Phật, cầu xin Đấng Từ Bi rủ lòng thương tiếp độ, Vong Linh cũng được nghe giảng Pháp để ngọn đèn Trí Huệ được tỏa sáng; việc tu tập liên tục trong suốt 49 ngày sẽ giúp cho Thần Thức của Vong Linh rung động chân thành về đúng cái cõi mà Thần Thức muốn đi về. Một sự hoán chuyển cảnh giới thác sanh đã xảy ra theo sự rung động đó.

Nhờ được hộ niệm mà Thần Thức của người chết trong hôn mê sẽ lìa thân xác trong sự nhẹ nhàng, thảnh thơi, đợi chờ một cuộc thác sanh về cõi Người theo đúng Nghiệp Lực kế tiếp của mình.

Sau 49 ngày Siêu Độ đúng cách và đúng mức, nếu Thần Thức chân thành rung động thì sẽ được hoán chuyển cảnh giới thác sanh từ cõi Người để đi về cõi Trời hay cõi Phật, tuyệt đối không bị đọa Tam Đồ!!

Kính bạch Sư Phụ,
Một người hôn mê lâu ngày, nếu cứ liên tục hộ niệm bằng cách trì Chú, giảng Pháp, cộng thêm hành trì Sám Hối giùm cho họ, có thể giúp cho họ ra đi sớm được không?

Một người ở vào tình trạng hôn mê kéo dài nhiều tháng, nhiều năm là do nghiệp chướng của họ. Người này bị vướng vào NGHIỆP SÁT trong quá khứ, khiến cho ngày nay họ phải rơi vào tình trạng hôn mê trong một thời gian vô hạn định. Đa số những người có dính líu đến nghiệp sát rất dễ bị hôn mê nhiều ngày lắm!

Trong trường hợp này, việc làm trước tiên của người hộ niệm là phải giải cái Nghiệp Sát của người đang bị hôn mê. Muốn giải được Nghiệp Sát, cần phải CỰC LỰC SÁM HỐI. Người bịnh đã rơi vào tình trạng hôn mê thì hoàn toàn họ không thể nào chu toàn việc Sám Hối được, do đó Người Hộ Niệm cần phải Sám Hối giùm cho họ.

Nếu Sám Hối theo nghi thức thì rất tốt. Nếu cảm thấy không tiện để hành trì, nên nói vào lỗ tai của người đó rằng: trong quá khứ tôi đã gây tạo một Nghiệp Sát quá lớn lao, tôi làm cho nhiều người chết tức tưởi vì tôi; ngày hôm nay tôi chân thành Sám Hối, Ăn Năn về hành động đó của tôi và tôi tha thiết nguyện cầu cho những người đã bị tôi sát hại sớm được siêu thoát về một cảnh giới tốt đẹp.

Sau khi Sám Hối xong thì Trì Chú Lục Tự Đại Minh chơn ngôn vào lỗ tai của người đang hôn mê để ngọn đèn Trí Huệ của họ được sáng lên, sau đó thì giảng Pháp cho họ nghe, phải lấy cái tiêu chuẩn là Nghiệp Sát để nói chuyện, cho thấu lỗ tai họ.

Cứ liên tục làm như vậy mỗi ngày, tối thiểu một lần. Tâm Thức của họ cũng ghi nhận được một sự ăn năn sám hối, do đó họ mới có thể nhẹ nhàng ra đi và không quá nặng nề, trầm trệ.

Điều này rất cần đến sự tha thiếthết lòng của người giúp đỡ. Nếu trong thân tộc có người phát tâm để hộ niệm thì nên cố gắng theo cách thức đã chỉ dẫn ở trên để giúp cho người bịnh sớm ra đi. Bên cạnh đó, cần phải hành Hạnh Bố Thí giúp giùm cho người đang hôn mê bằng cách dùng của cải, tiền bạc của người này để bố thí với danh nghĩa của họ.

Thầy đã từng nói: Nghiệp Sát là một nghiệp chướng nặng nề nhất trong tất cả các Nghiệp. Nghiệp Sát được thể hiện dưới nhiều hình thức: đau bịnh trầm kha - hôn mê bất tỉnh - gặp tai nạn khủng khiếp - tất cả những gì gây nên một sự va chạm nặng nề đến thân xác, đều là kết quả của Nghiệp Sát.

Vì vậy, Chúng Sanh phải để ý rất nhiều trong việc đối xử với nhau. Đừng dễ dàng mắng nhiếc nhau, chưởi rủa nhau, đưa đến việc ấu đả, để rồi trong cơn sân hận, không kềm chế được sự giận dữ, dễ dàng chém giết lẫn nhau. Nhất là ngày nay, phương tiện gây tạo tội ác rất tân kỳ và tiện lợi, giúp cho người sử dụng hành động vô cùng chớp nhoáng, chưa kịp nghĩ suy, đối phương đã ngã qụy rồi!!

Chúng Sanh phải nhớ rằng: không phải đợi đến khi ra ngoài chiến trường, hai bên bắn giết nhau, đâm chém nhau, mới là tạo nên Nghiệp Sát. Nghiệp Sát có thể bàn bạc từ trong gia đình, ra tới ngoài xã hội. Đó chính là kết quả của một sự Sân Hận lên đến tột cùng. Cho nên, Tánh không sửa, dễ giận, dễ hờn, dễ dàng nặng nhẹ người khác, coi thường kẻ khác và lúc nào cũng nghĩ quấy cho kẻ khác, do đó, việc gây tạo nghiệp sát rất có nhiều cơ hội để xảy ra.

Chúng sanh đừng nên xem thường sự Sân Hận, nó chính là ngọn lửa đốt tiêu hàng hàng lớp lớp kiếp NGƯỜI chớ không phải chỉ một kiếp không thôi!

Phải làm cho ngọn lửa Sân đó gom nhỏ trở lại, chỉ còn là một đốm nhỏ...thật nhỏ mà thôi. Rất khó lòng mà dập tắt nó, tuy nhiên, nên gom lại cho càng nhỏ chừng nào, càng tốt chừng nấy.

Cố gắng giữ Tâm An Bình, đừng hay giận hay hờn và nhất là xem trọng Tự Ái quá nhiều, rất dễ dàng triển khai Nghiệp Sát. Muốn tìm một vị Thiện Tri Thức để giúp cho một người bị hôn mê bất tỉnh lâu ngày, rất...rất là khó! Và đôi khi ở một vài hoàn cảnh, chẳng khác nào mò kim đáy biển. Việc giúp đỡ đòi hỏi một Tâm Lực rất cao, một sự trì chí lâu dài và một sự nhẫn nại đáng kể.

Kính bạch Sư Phụ,
Một người chết trong giấc ngủ có giống như một người chết trong hôn mê hay không?

Việc đó còn tùy vào các trường hợp sau đây:

  1. Một người biết tu tập, Tâm - Ý - Tánh đều rực sáng, ngọn đèn Trí Huệ tỏ rạng, nếu họ chết trong giấc ngủ, thần thức của họ vẫn đủ sáng suốt để tìm đường thác sanh. Việc họ chết trong giấc ngủ là do tình trạng tim mạch của họ có vấn đề.
  2. Một người không biết tu tập hay tu tập một cách thờ ơ cho lấy có, Tâm - Ý - Tánh của họ không rực sáng, ngọn đèn Trí Huệ cũng không tỏ rạng, việc họ chết trong giấc ngủ là một điều không tốt vì thần thức của họ mang theo tất cả những vướng mắc. Những vướng mắc này không phải là những vướng mắc chỉ trong vài ba phút, mà đó là những vướng mắc của nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm, không được giải tỏa.

Một người còn tỉnh táo ở phút lâm chung, họ có dịp để nghe Thiện Tri Thức chỉ dạy, khuyên bảo để buông bỏ những vướng mắc, dù rằng họ không biết tu tập, nhưng họ hiểu, họ buông xuống được những vướng mắc của mình, thần thức của họ vẫn được nhẹ nhàng cất bước.

Nếu trường hợp cũng chính người này, chết trong giấc ngủ, họ không có dịp để tiếp nhận những lời chỉ bảo, khuyên lơn của vị Thiện Tri Thức, họ sẽ rơi vào tình trạng của một người chết trong hôn mê. Tuy nhiên, có điểm khác biệt:

Đối với người đang hôn mê, nếu thân nhân biết được khoảng thời gian mà người này sẽ ra đi và kịp thời hộ niệm cho người này, thần thức của họ cũng sẽ được nhẹ nhàng khi rời thân xác.

Người chết trong giấc ngủ thì không ai hay hết, lúc biết được thì Thần Thức đã xa lìa thân xác rồi, mang theo tất cả những nặng nề, vướng mắc.

Trong trường hợp này, thân nhân phải nổ lực để siêu độ trong suốt 49 ngày, nếu họ không phải là người biết tu tập. Ngay cả một người chân chính tu tập cũng vẫn phải được siêu độ liên tục trong 49 ngày, để giúp cho họ tăng cường thêm sức mạnh của Tâm Thức vì họ ra đi không tỉnh táo.

Giữ được sự tỉnh táo vào giờ phút lâm chung sẽ giúp ích rất nhiều cho thần thức khi lìa thân xác.

Ra đi trong hôn mê (thiếu sự hộ niệm) hay trong giấc ngủ, thiếu sự tỉnh táo, sẽ khó lòng giúp cho Thần Thức được nhẹ nhàng cất bước vào phút cuối.

Hộ niệm cho một người đang hôn mê là một việc làm ít ai để ý đến từ trước đến nay. Người Đời từ Đông sang Tây vẫn luôn cho rằng: ra đi trong hôn mê là một sự nhẹ nhàng, ít đau đớn và dễ dàng nhất vì thân xác tránh được sự dằn co khi thân tứ đại xuất ra. Vả lại, bịnh nhân đã phải đối diện với một sự va chạm rất nặng nề trong cơ thể mới tạo nên tình trạng hôn mê. Do đó, chết trong hôn mê là phương cách tốt nhất để giúp cho người bịnh không phải trực diện với sự đớn đau, với sự giằng dai của tật bịnh.

Người Đời chỉ nhìn thấy cái bề mặt nhẹ nhàng của hôn mê mà không thấu hiểu được cái Nặng Nề, Gút Mắt của mặt trái của Hôn Mê. Chính cái nặng nề này mới đem lại biết bao nhiêu sự khó khăn, sầu khổ cho Thần Thức sau khi rời cái thân xác hôn mê.

Thân nhân của những người đang trong tình trạng hôn mê rất cần phải nghĩ suy đến việc hộ niệm tích cực để giúp cho Thần Thức của những người này được nhẹ nhàng, thảnh thơi, tìm được một hướng đi đúng, tránh cái cảnh lang thang, vất vưởng vì không siêu thoát.


+ 96