• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Không

May 24 2016
Không Kính Mừng Phật Đản 2560

Vinh danh Đức Phật Thích Ca
Vì thương nhân loại không nề gian nan
Đạo vàng gieo rắc muôn nơi
Giúp NGƯỜI thoát khỏi Tử Sanh Luân Hồi

Bộ kinh Bát Nhã của Đức Bổn Sư rất dày….rất dày. Ngoại trừ người Xuất gia, hàng Phật Tử tại gia có duyên may đọc qua hết bộ kinh này cũng đã là một việc KHÓ rồi, nói chi đến việc hiểu một cách thấu đáo ý nghĩa của lời kinh.

Nơi đây, Thầy không chú tâm làm công việc cắt nghĩa từ lời, từ chữ của kinh. Vì chúng sanh đã không thấu hiểu rồi, bây giờ có cắt nghĩa thêm nữa cũng sẽ rất là khó khăn đối với chúng sanh. Thầy chỉ nói một cách rất tóm tắt về cái cốt tủy của Bộ Kinh Bát Nhã.

Cái cốt tủy đó cô đọng lại trong chỉ một trang giấy, gọi là Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh; mà cái cốt tủy, cái rốt ráo của Bát Nhã chính là cái gì? Chỉ gồm vào một chữ duy nhất, đó là chữ KHÔNG!!

  • Trên tay tôi là một cái chén, nó được tạo nên bởi cái gì? Bởi đất sét

Tôi đã lấy đất sét nhão nắn thành hình cái chén, sau đó phết lên một lớp men rồi cho vào lò nung lên, đất sét cứng lại và lấy hình dạng của cái chén.

Tôi lại đặt câu hỏi: cục đất sét mà tôi dùng để nặn nên hình cái chén được lấy từ ở đâu ra?

Câu trả lời sẽ là: từ ở đất

Đất sét là một hỗn hợp của đất bùn với một vài hóa chất từ trong đất, khiến đất trở nên dẻo, không bị nhão, bị tan rã ra một cách dễ dàng, có thể nhồi nặn nên hình bất cứ vật gì; Khi đưa vào lò nung lên ở nhiệt độ cao, đất sẽ chín và cứng chắc, giữ đúng hình dạng của vật đã được nặn nên hình.

Cầm cái chén trên tay, tôi mân mê cái thành quả lần đầu tiên tôi đạt được khi tôi tạo nên một cái chén láng mịn, đều đặn và xinh xắn. Tôi bỗng … trợt tay, cái chén rớt xuống nền gạch, bể nát!!

Nhìn những mảnh vụn dưới chân tôi, thật khó lòng nghĩ rằng đây là cái chén đã bể tan tành.

Chỉ có 60 phút vỏn vẹn sau khi đem cái chén ra khỏi lò nung, đang từ hình dạng của một cái chén, nó đã trở nên những mảnh vụn, tức là từ trạng thái hữu hình, bỗng chốc biến thành ra không còn hình dạng nữa.

  • Tôi vừa nhận được cú điện thoại mời tôi đến nhận việc vào ngày mai, một công việc làm rất thích hợp với tôi, tôi đã hằng ao ước từ lâu mà không có cơ hội.

Tôi quá đỗi vui mừng, cảm xúc dâng trào, lòng nôn nao trông cho trời mau sáng để đi nhận việc.

Sau 3 ngày làm việc với tất cả sự hăng say và thích thú, tôi được báo cho biết là công ty sẽ đóng cửa ngành sản xuất này, do đó họ bắt buộc phải sa thải tôi.

Ngày tôi nhận được tin đi làm, lòng vui mừng hớn hở. Ngày tôi nhận được tin nghỉ việc, nước mắt bỗng tuôn rơi.

Tôi mất việc làm là mất đi nguồn tài chánh, mất đi một công việc mà tôi hằng mơ ước. Chỉ trong vòng có 3 ngày thôi mà cái vui tột cùng đến với tôi, để rồi sau đó, tôi chìm sâu trong nỗi buồn vô hạn.

Tất cả từ cái có đã trở thành không và cái cảm xúc vui mừng của tôi cũng đã biến thành KHÔNG.

  • Tôi làm quen được với một người. Cả hai chúng tôi tâm đầu ý hợp, vô cùng tương đắc và hứa hẹn sẽ cùng nhau tạo dựng một mái gia đình êm ấm với con cái đủ đầy.

Sau một trận cãi vã kịch liệt vì bất đồng ý kiến, mộng ước đã hoàn toàn tan vỡ và mỗi người một hướng đi.

Lòng tôi vô cùng hoang mang và thất vọng, nếu không muốn nói là đã mất niềm tin, mất đi niềm hy vọng ở một tương lai tốt đẹp với người mình tha thiết.

Một tình cảm vô cùng gắn bó trong nhiều năm tháng để rồi cuối cùng trở nên tan vỡ, xem như chưa từng bao giờ gặp mặt. Tất cả đã trở thành tan biến, không còn vương vấn một hình ảnh nào nữa cả.

  • Người mẹ mà tôi yêu thương nhất trên đời, tôi nâng niu, chăm sóc, chiều chuộng, đặt trọn Đạo Hiếu của mình lên cho mẹ, lòng mong cầu mẹ ở cạnh bên tôi nhiều năm tháng, Mẹ đã thực sự xa rời con của mẹ sau một cơn bạo bệnh, để lại cho tôi một hố sâu tình cảm với vô vàn thương nhớ.

Từ một hình hài tốt đẹp, khỏe mạnh, đủ đầy, cơn bệnh đã biến Mẹ tôi thành một thân xác héo hon, gầy gò và bất động.

Dưới ngọn lửa của lò thiêu, tất cả đã trở thành cát bụi!

Từ một tình cảm đến một sự kiện, đến một sự việc, đến một thực thể…tất cả mọi thứ không có gì là vĩnh cửu, là kéo dài. Mọi việc trên đời, (không có ngoại lệ) đều bị chi phối bởi THÀNH – TRỤ - HOẠI – KHÔNG. Có đó rồi mất đó. Hữu thường rồi Vô thường. Có Ta rồi cũng không Ta. Không có gì là hiện hữu, cũng không có gì là tan biến.

Nếu tất cả mọi thứ được nhìn dưới một thực thể có giới hạn: cái chén ra cái chén – tình cảm ra tình cảm – công việc ra công việc – cảm xúc ra cảm xúc – danh lợi ra danh lợi – sự nghiệp ra sự nghiệp – thành công ra thành công v…v…tức là tất cả đều có một cái TÊN, một trọng trách, một phần việc, điều đó có nghĩa là: tôi đã lấy cái KHUNG và tôi tròng cái KHUNG lên trên tất cả mọi việc ở trên Đời.

Một khi tôi đã tròng cái KHUNG vào cho một vật nào đó, hay một sự việc nào đó, một tình cảm nào đó, tức là tôi đã tạo ra một giới hạn cho vật đó, tôi đã đặt cho nó một cái TÊN và tôi sẽ bị bấu víu vào trong cái KHUNG đó, trong cái TÊN đó và trong cái Giới HẠN đó, không thể nào bước ra khỏi GIỚI HẠN đó được, và điều quan trọng là: tôi sẽ không tránh được một ngày nào đó, cái KHUNG sẽ vỡ tan ra và biến mất.

Cái Khung đã biến mất, không còn hiện hữu nữa thì cái vật mà tôi đã tạo Khung cho nó cũng sẽ không còn cái tên nữa.

Tôi lấy cái Khung tròng vào cái vật mà tôi vừa nhào nặn xong và đặt tên cho nó là cái chén.

Khi tôi đánh rơi cái vật mà tôi gọi là cái chén, nó bể tan nát, tức là cái khung tôi tròng lên cái vật mà tôi gọi là cái chén đó đã biến mất và tất cả đã hoàn toàn trở về KHÔNG, tức là không còn sự hiện hữu của cái chén nữa.

Những cái gì mà tôi còn đặt khung, còn cho nó một cái tên thì nó còn hiện hữu.

Tới một lúc nào đó, cái khung vỡ tan, cái tên bị xóa đi, sự hiện hữu của cái khung không còn, sự hiện hữu của cái tên cũng không còn, tôi không còn thấy một cái gì nữa cả. Chính cái tôi không thấy gì hết đó mới thực sự là hiện hữu. Nó hiện hữu để làm gì? Nó hiện hữu để người ta đặt tên cho nó, để người ta cho nó một ý nghĩa, tức là nó hiện hữu để người ta đóng khung cho nó.

Một khi đã đóng khung rồi thì tức nhiên người đóng cái khung sẽ bị vướng mắc vào cái vật bị đóng khung.

Từng tư tưởng một, từng tình cảm một, từng cảm xúc một, từng cảm giác một …. Tất cả đều xoay quanh cái vật mà mình đã đóng khung.

Toàn bộ của quyển Kinh Bát Nhã nói lên cái gì? Nói lên duy nhất chỉ một chữ BÌNH mà thôi!

Một sự xao động lúc ban đầu, cái cuối cùng đều phải kéo nó trở về với chữ BÌNH.

Một cái Tâm đang chao động, tức khắc phải kéo Tâm trở lại Bình.

Một cái ý nhiều vọng động, phải hướng dẫn để được Bình trở lại.

Một cái Tánh dù xấu hay tốt lúc nào cũng phải giữ ở trạng thái Bình, không bộc phát một cách quá đáng.

Tâm – Ý –Tánh luôn được giữ BÌNH sẽ không bao giờ bị vướng mắc, điều đó có nghĩa là không có sự ĐÓNG KHUNG trên bất kỳ một cái gì cả.

Từ vật chất cho đến tình cảm, cho đến những xúc động, những suy tư, nếu giữ được thế BÌNH, thế NHƯ NHƯ BẤT ĐỘNG thì có thể đón nhận được hết tất cả mọi sự việc xảy đến; cũng như thế, Tâm như như bất động sẽ có thể đẩy hết tất cả mọi việc từ ở Tâm – Ý – Tánh ra ngoài.

Giữ được Tâm Bình – Ý Bình – Tánh Bình là có thể làm chủ được bản thân mình. Càng đóng Khung nhiều chừng nào sẽ càng vọng động nhiều chừng nấy. Khung càng nhiều, càng dễ bể, Tâm càng dễ động, Ý càng dễ khơi, Tánh xấu càng dễ phát.

Cho nên, cốt tuỷ của Kinh Bát Nhã chỉ gồm lại một chữ BÌNH, khi đã ở vào trạng thái Bình rồi thì sẽ không bị vướng mắc vào bất kỳ một cái gì cả. Ngay cả người Chứng Đắc, nếu không giữ được chữ BÌNH, cũng sẽ không thể nào đi đến sự Chứng Đắc được vì đã đặt cái KHUNG CHỨNG ĐẮC lên trên sự Chứng Đắc của mình.

Vì vậy, không chấp vào cái có thì sẽ không gặp hoạn nạn với cái có. Những cái khung mà mình đã đóng đều có khả năng như là cái móng vuốt, lôi kéo mình vào trong những cái khung đó. Lúc nào tâm tư mình cũng thụ đắc những hình ảnh trong khung, sự thụ đắc đó sẽ quay mình chung quanh những cái khung mà mình đã đóng và cuối cùng, mình phải ngã gục trên chính những cái khung đó.

Nếu giữ được chữ BÌNH thì khi cần thiết tôi mới đặt cái khung vào để giải quyết; khi mọi việc đã êm xuôi rồi thì tôi lấy cái khung ra. Cái còn lại chính là cái KHÔNG.

Bát Nhã Tâm Kinh là một bài kinh rất khó hiểu, chúng sanh không hiểu được rằng: tại sao vừa có đó lại mất đó, vừa mất đó rồi lại có đó, khi hiện hữu, khi không hiện hữu, hữu thường rồi lại vô thường?

Thật sự ra, tất cả đều giản dị ở một chữ BÌNH. Có giữ được Tâm Bình – Ý Bình – Tánh Bình thì khi nghiệp lực tới sẽ nhận diện được ngay: đây là nghiệp gì? Và tôi phải hành xử như thế nào? Tuyệt đối không đặt khung vào trong nghiệp lực, chỉ biết rằng nó đến, nhưng không quá quan tâm. Không quan tâm không có nghĩa là từ chối nó, mà là không lấy khung đặt vào. Với nghiệp lực, tôi chỉ có một cách duy nhất để giải quyết là Sám Hối, tha thiết sám hối, chân thành sám hối, đem Hạnh Lành Bố Thí, đem Tâm Từ Bi Hỷ Xả để hồi hướng, biến nghiệp chướng trở thành KHÔNG.

Khi nghiệp lực chấm dứt, nó ra đi, cũng không cần biết đến sự ra đi của nó, chỉ biết rằng đã không còn cái gì phá tác tôi nữa hết, không làm cho tôi phải suy nghĩ, phải động Tâm, tất nhiên rằng vật đó đã không còn hiện hữu nữa.

Tôi cũng không lấy làm mừng rỡ vì sự không còn hiện hữu của nghiệp lực. Tôi đã từng tạo tác, từng gây nên tội lỗi, ngày giờ này tôi bắt buộc phải làm mọi cách để đền trả lại, để đem lại sự công bằng cho những kẻ đã vì tôi mà chịu sự thiệt thòi.

Cho nên, tôi phải giữ thế như như Bất Động, tức là phải giữ Tâm Bình.

Nghiệp lực dính chặt với cuộc đời của một chúng sanh trên cõi Ta Bà; nghiệp lực đến dưới mọi hình thức, với thiên hình vạn trạng, có khi nhẹ nhàng êm ả dưới dạng thức của một tình cảm; có khi ồ ạt như vũ bão, tấn công tới tấp khiến cho người mang tên “Con Nợ” phải chịu trăm cay nghìn đắng, sầu thương nuốt hận; có khi dưới dạng những bài học nghiệp lực khiến cho “Con Nợ” phải trải qua nhiều thất bại, nhiều chua cay.

Do đó, nếu không giữ Tâm Bình, trước sức công phá của nghiệp lực, làm sao có thể tìm phương đối phó?

Bất kỳ một cảnh huống nào, một khổ đau nào, một thất bại nào, một ham muốn nào cũng đều được “Con Nợ” tròng cái KHUNG vào thì chắc chắn rằng suốt cuộc đời của người đó sẽ bị quay không ngừng nghỉ vào những vướng mắc được tạo ra từ ở những cái khung của chính họ. Cuối cùng rồi thì dù cho xuôi tay nhắm mắt, họ cũng vẫn không sao tìm được một sự thanh thản ở phút lâm chung.

Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã đưa ra rất nhiều thí dụ làm phương tiện để vạch cho chúng sanh thấy rõ chữ BÌNH. Khi có được chữ Bình rồi thì mới nhận thấy được cái tính chất KHÔNG của sự vật.

Nếu Tâm lúc nào cũng chao động, Ý không an ổn, Tánh Không được kềm hãm thì sẽ không thể nào nhận ra được sự hiện hữu của cái KHÔNG của mọi vật, từ những vật có thể sờ mó được cho đến những tư tưởng, những cảm xúc, những cảm giác.

Điều cốt yếu là Tránh THỤ ĐẮC. Càng thụ đắc là càng đặt nhiều cái Khung lên cái KHÔNG. Tránh thụ đắc là tránh được việc đặt quá nhiều khung lên cái KHÔNG để trở thành cái Có.

Nếu vẽ một vòng tròn lên tờ giấy trắng, cắt theo đường vẽ, tôi sẽ có được một hình tròn.

Nếu vẽ hình của một cái áo lên tờ giấy trắng, tôi sẽ có được cái áo.

Nếu tôi đặt Khung lên tờ giấy trắng là một ngôi nhà, sau khi cắt theo đường vẽ, tôi sẽ có được ngôi nhà. Chẵng bao lâu, tôi sẽ cầm trên tay tôi một xấp, nào là xe, là nhà, là người ta, là trẻ thơ, là vòng vàng, là nữ trang các loại, là đồ ăn, thức uống, v.v… Rồi tôi lại tô điểm nó theo ý thích của mình, rồi từ từ, tôi lại muốn biến nó thành hiện thực.

Có những hiện thực tôi có thể thoả mãn được, cũng có những thứ ngoài tầm khả năng của tôi. Tôi có thể vẽ một viên kim cương vài mươi ca ra, chiếu sáng ngời, trong suốt, nhưng chắc chắn rằng nó hoàn toàn ngoài tầm với của tôi khi tôi muốn biến nó thành hiện thực.

Tôi có thể vẽ một ngôi nhà trong mộng ước của tôi, nhưng với khả năng tài chánh quá thấp hiện nay, tôi không làm sao thực hiện được cái MUỐN của mình. Tôi đâm ra giận tôi, tức tôi sao không đủ giàu, và giận lây hết tất cả những ai có khả năng hơn tôi. Tôi sống với sự tự ti mặc cảm, không dám ngẩn mặt lên để nhìn mọi người chung quanh, và triền miên ôm nỗi ẩn ức trong lòng, vì tôi quá thụ đắc vào cái MUỐN của tôi.

Từ THỤ ĐẮC đến MUỐN đến SÂN HẬN … con đường rất ngắn, chỉ một BƯỚC CHÂN!!

Giữ được Tâm Bình, Ý Bình là giữ được cái KHÔNG ở trong tôi.

Đặt bất kỳ một cái khung nào lên trên cái KHÔNG đó, cộng thêm sự vọng động, sự thôi thúc của cái Tánh, tức khắc cái MUỐN sẽ nổi lên. Thoả mãn không được cái MUỐN sẽ đưa đến SÂN HẬN, chỉ có điều rằng tuỳ theo muốn nhiều hay muốn ít mà Sân Hận sẽ bùng cao hay thấp mà thôi.

Tại sao bất kỳ một nghi thức tu tập nào của Phật Giáo cũng đều bắt đầu bằng CHÚ ĐẠI BI và kết thúc bằng bài Bát Nhã Tâm Kinh?

Khởi đầu bằng Chú Đại Bi để nhắc nhở cho người hành trì biết mà chuẩn bị, mà mở rộng lòng Từ Bi của mình. Từ Bi để làm gì? Từ Bi để từ bỏ, chớ không phải Từ Bi để Thụ Đắc!!

Ngoài cái công năng, Chú Đại Bi còn mang một ý nghĩa là mở rộng lòng Từ Bi để KHÔNG CHẤP CHƯỞNG những cái gì tuy gọi là Hữu Thường nhưng nó thật sự chính là Vô Thường.

Không mở rộng lòng Từ Bi sẽ không thấy được rằng: tôi không nên làm đau kẻ khác, vì làm cho kẻ khác đau đớn là hành động thiếu Từ Bi. Tôi thụ đắc cái hữu thường “làm đau kẻ khác” để làm gì? Để thoả mãn cái Tự Ái của tôi.

Cho nên nghi thức Sám Hối hay bất kỳ một nghi thức nào cũng đều đi đến việc thỏa đáng Từ Bi Hỷ Xả, do đó phải bắt đầu bằng Chú Đại Bi và kết lại bằng Bát Nhã Tâm Kinh để thấy rằng tất cả mọi việc đều là VÔ THƯỜNG, rốt ráo vẫn là trở về với cái KHÔNG, mà muốn trở về với cái KHÔNG, tức là không có thụ đắc, không gán một cái tên, một cái hình hay bất cứ cái gì lên trên cái KHÔNG để tạo ra cái có. Đó chính là giữ cho mình một cái Tâm BÌNH, vì có Tâm Bình mới có thể nhận chân ra được là mình ĐÃ ĐẶT SAI cái KHUNG lên trên khoảng KHÔNG!

Lời kết của Đức Bổn Sư trong bài Bát Nhã Tâm Kinh qua câu thần chú:

Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha, cũng vẫn mang một ý nghĩa là:

“Hãy giữ cho mình một cái Tâm Bình để tiến qua bờ bên kia.”

Khi người tu tập chân chính đã giữ được cho mình một Tâm Bình rồi thì việc bước qua bờ bên kia là một việc không có gì là khó cả. Dù sóng to gió lớn ở trước mặt, nhưng nếu lấy Tâm Bình để cởi lên sóng gió, sóng gió cũng biến thành mặt phẳng.

Có tiến qua được đến Bờ Giác mới chứng tỏ được cái Tâm của người đó đã BÌNH trên cái chuyển động của ba đào.

Cho nên, không giữ được chữ BÌNH sẽ không thể giữ được cái KHÔNG trong Tâm Thức của mình.

Toàn bộ Tâm – Ý – Tánh đều phải được giữ BÌNH mới có thể tiến tu được, còn mỗi chút mỗi vọng động thì khó lòng tu tập thành công.

 


+ 105