• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Tụng Kinh: Phước Đức hay Công Đức?

Apr 22 2018
497201299 497201299

Kính bạch Sư Phụ,

Đa số những người đến với Đạo Phật, chọn Đạo Phật làm Tín Ngưỡng khai sáng đời sống Tâm Linh của mình, đều lấy việc TỤNG KINH làm trọng. Tụng bất cứ cuốn KINH nào, càng khó, càng nhiều, càng dày, càng được nhiều người biết tới thì….càng tốt! Họ cảm thấy tự mãn và sảng khoái khi có thể hành trì được việc TỤNG nhiều thời KINH trong ngày. Xem như là họ đã hoàn tất được việc tu tập! Nếu việc tu tập chỉ chú mục vào có việc TỤNG KINH mà thôi, thì người Phật Tử có đi trọn được hết con đường tu tập của mình hay không?

Mục đích tối hậu của việc tu tập là gì? Chính là bứt Vòng Sanh Tử, thoát kiếp Luân Hồi, không còn ngụp lặn trong BỂ KHỔ TRẦM LUÂN nữa.

  • Vòng Sanh Tử được tạo thành bởi Vòng Tròn Nghiệp Lực Tâm - Ý - Tánh.

  • Muốn rứt cái vòng Nghiệp Lực ra khỏi Vòng Sanh Tử, bắt buộc phải chỉnh sửa Tâm - Ý - Tánh.

  • Việc chỉnh sửa Tâm - Ý - Tánh gắn liền với việc chân thành Sám Hối.

  • Muốn cho việc Sám Hối đem đến kết quả tốt đẹp, phải hành trì Sám Hối - Trì Chú - Niệm Phật.

  • Sám Hối không chưa đủ! Vì muốn cho Tâm thức ngời sáng - muốn cho Ý thức được cao thượng - muốn cho Trí Huệ được phát sáng, bắt buộc phải SỬA TÁNH.

  • Tâm - Ý - Tánh có được chỉnh sửa, người tu tập mới tìm được sự An Bình.

  • Có An Bình, người tu tập sẽ cảm thấy Nghiệp Lực bớt khuấy động, những cảnh huống sẽ không còn ồ ạt kéo đến.

  • Người tu tập cảm nhận một sự nhẹ nhàng, dễ thở trong việc lần hồi tháo gỡ những Nghiệp Lực đến với mình.

Do đó, tu tập là tôi luyện cái bên trong của mình, tức là quán chiếu cái NỘI TÂM của mình, xem coi cái Tâm của mình, cái Ý của mình, cái Tánh của mình đã HÀNH ĐỘNG như thế nào? Vì chính cái Tâm - Ý - Tánh đó đã gây tạo một tầm ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ đến Thần Thức của mình. Tâm - Ý - Tánh có rạng ngời thì Trí Huệ mới rực sáng, mới hỗ trợ cho sự Thăng Hoa của Thần Thức. Thần Thức có NHẸ, có SÁNG thì mới thăng hoa được. Một Thần Thức nặng trịch, tối đen, lúc nào cũng quờ quạng, không rõ được hướng đi thì làm sao nói đến việc thăng hoa, chính vì vậy mà Thần Thức đó mới cần được Siêu Độ!!

Việc tu tập đòi hỏi phải luôn luôn kiểm Tâm - kiểm Ý và kiểm Tánh. Mỗi khi ngồi xuống tu tập, việc trước tiên phải làm là: kiểm lại Tâm của mình để xem coi suốt một ngày qua, từ lúc mình mở mắt thức dậy cho đến khi ngồi xuống để tu tập, Tâm mình như thế nào? Có vọng động hay không? Có nghiêng ngã hay không? Rồi thì ý của mình có lệch bên này hay thiên bên kia không? Có nghĩ sai, nghĩ quấy cho Người hay không? Có nghĩ điều xằng bậy, xấu xa cho kẻ khác hay không? Trong khi giao tế, những Tánh xấu nào đã phát lộ? Những Tánh xấu nào gây tạo điều Sân Hận cho Người? Những Tánh xấu nào đã tỏ rõ mình là người xấu xa, dữ dằn? Những Tánh xấu nào đã thể hiện sự bần tiện, sự nhỏ nhoi của mình đối với người chung quanh? Nếu trong khoảng thời gian ngắn ngủi của một ngày mà Tâm - Ý - Tánh của mình không được BÌNH, không được THANH TỊNH (có nghĩa là đã có quá nhiều vấn đề xoay quanh Tâm - Ý - Tánh), tức khắc phải hiểu rằng: tôi đã đi sai đường rồi, tôi đã không giữ được chữ BÌNH cho Tâm - Ý - Tánh của tôi. Việc kiểm điểm cốt để giúp cho tôi hiểu thấu đáo những gì tôi phải sửa đổi, chớ không phải để biết và rồi tiếp tục làm nữa. Một sự quyết tâm sửa đổi, can đảm sửa đổi toàn bộ Tâm - Ý - Tánh, lần lần sẽ giúp cho tôi một sự AN BÌNH, không phải 1 ngày, không phải 1 tháng, không phải 1 năm, mà vĩnh viễn cho tới ngày tôi rời bỏ báu thân tôi. Thần Thức của tôi rời xa thân xác, mang theo một cái Tâm - Ý - Tánh rực sáng và ung dung tự tại tiến về bất cứ nơi chốn nào trong Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới, đúng với ý nghĩa của một Thần Thức Thăng Hoa.

Việc tu tập cốt sao cho đơn giản, đừng quá trọng hình thức cũng như tránh bớt sự rườm rà, lễ mễ, phức tạp. Điều thật sự tối cần chính là sự thành tâm Sám Hối. Phải khách quan mà nhận xét để xem coi mình có đủ dạ chân thành Sám Hối hay không? Có thực sự từ đáy lòng mình thốt nên lời ăn năn sám hối hay không? Khi nghĩ tưởng đến một điều gì thì điều đó có đem lại lợi ích cho kẻ khác hay không? Hay chỉ là để thỏa mãn Tự Ái hoặc một cái Tánh nào đó của mình? Đã quyết chí tu tập, đã phát nguyện tu tập là phải can đảm vứt bỏ tất cả những thói hư, những Tánh xấu. Còn lụy vào những thói tật xấu xa này, còn bao che, còn luyến tiếc, thì khó lòng tìm được sự An Bình cho Tâm - Ý - Tánh.

Một người tụng ngàn cuốn Kinh, đánh triệu tiếng chuông, gõ triệu tiếng mõ, nhưng trước sau vẫn không giùi mài Tâm - Ý - Tánh để cho nó được ngời sáng lên, thì cũng vẫn là làm một việc mất thì giờ, vô bổ, đem công sức của mình bỏ sông, bỏ biển mà thôi. Một tiếng đồng hồ tu tập một cách chân chính, đúng nghĩa, vẫn có giá trị hơn ngàn giờ cứ cốc...cốc...boong...boong, không lợi ích gì cả khi mình chỉ biết có đọc tụng mà thôi. Việc tu tập cố gắng hành đơn giản nhiều chừng nào tốt chừng nấy, không cần phải rườm rà, phải quá nhiều lễ mễ. Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật khi còn tại thế, không có dạy cho Chúng Sanh những nghi thức rườm rà, phức tạp. Ngài là người rất bình dị và đơn giản, không đặt ra nhiều nghi thức. Những nghi thức thờ phượng rườm rà, phức tạp, khó khăn, tạo nên nhiều Mê Tín Dị Đoan, chính là do con người đặt ra, con người bày vẽ, khiến cho hàng Phật Tử quyết tâm muốn tu tập, đôi khi đâm ra ngỡ ngàng, hoang mang do ở sự không hợp lý và mang tính cách hoang đường của những nghi thức, những nguyên tắc nơi chốn chùa chiền.

Kinh ghi lại lời của Đức Bổn Sư, đó chính là lời Pháp của Ngài. Mình tụng Kinh là mình đọc lại lời Pháp của Ngài, do đó bắt buộc phải hiểu rõ Ngài muốn nói cái gì? Chỉ bảo mình nên làm cái gì? Không nhất thiết phải tụng thật nhiều trang. Một trang mình đã tụng qua mà mình hiểu rõ tận tường lời của Ngài chỉ bảo, để rồi thâm nhập và hành, thì quả thật còn hơn ngàn trang mình tụng mà không hiểu bất kỳ cái gì hết! Lời Pháp cần phải được suy nghĩ, phải tư duy, phải áp dụng thì mới thật sự đem lại lợi ích cho mình lẫn cho Người. Tụng để cho hết cuốn Kinh, để hãnh diện vì mình đã tụng được nhiều cuốn Kinh, nhất là những cuốn Kinh rất dài và khó hiểu, thì việc tu tập đó quả thật là không tích cực! TÍCH CỰC có nghĩa là: không tu cho lấy có * không tu vì danh tiếng * không tu theo thị hiếu * không tụng hết quyển Kinh này đến quyển Kinh kia, càng nhiều càng tốt mà không hiểu gì hết. Tu tập cốt sao cho Trí Huệ phát sáng, mà muốn có Trí Huệ phát sáng, bắt buộc phải Sám Hối và đồng thời phải chỉnh sửa Tâm - Ý - Tánh của mình. Dù có tụng ngàn cuốn Kinh cho đến hết cuộc đời mình mà không hề biết Sám Hối, biết sửa đổi Tâm - Ý - Tánh của mình thì Thần Thức khó lòng tìm được cảnh giới tốt đẹp mà an trụ, sau khi rời thân xác.

Trong 5 Tạng Kinh Điển, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật luôn luôn đề cập đến THÂN - KHẨU - Ý tức là TÂM - Ý - TÁNH. Ngài mong mỏi Chúng Sanh phải hiểu, phải thâm nhập và phải hành, phải sửa, có như vậy, việc tu tập mới đem đến kết quả tốt đẹp, tức là người tu tập sẽ tiến được đến cái rốt ráo, Trí Huệ mới phát sáng, Thần Thức mới thực sự Thăng Hoa để đúng với từ ngữ: “PHẬT SẼ THÀNH”.

Nếu nói rằng tôi tụng Kinh để được Phước, như vậy tôi muốn tụng bao nhiêu cũng được cả, càng tụng nhiều thì Phước Đức càng nhiều. Còn nếu bảo rằng tôi tụng Kinh để tôi hiểu, tôi thâm nhập, tôi hành được lời Kinh, tức là lời Pháp của Đức Bổn Sư, thì điều đó sẽ mang đến cho tôi hàng hàng lớp lớp CÔNG ĐỨC. Vì sao? Vì lời Kinh đó đã hoán chuyển được Tâm Thức của tôi, từ sai lầm trở thành đúng, từ thấp tiến lên cao, từ bóng tối ra ánh sáng. Những gì tôi hiểu được, tôi thâm nhập được, tôi sẽ hành, tôi sẽ chia sẻ lại cho những người chung quanh tôi. Như vậy tức là tôi đã tạo được một công đức rất đáng kể cho chính bản thân tôi, cũng như đã đem lại cho những người chung quanh tôi một sự giúp đỡ lớn lao về Tâm Linh để họ cũng tự chuyển hóa họ. Cho nên, người tu tập phải luôn luôn đặt câu hỏi: “tôi tụng Kinh để được Phước hay tôi tụng Kinh để được Công Đức?” Hai điều đó khác biệt nhau:

  • Nếu tôi muốn được Công Đức, tôi phải hiểu lời Kinh, phải thâm nhập lời Kinh và phải hành lời Kinh. Như vậy, tôi mới có thể tích tụ Hành Trang của tôi gồm toàn những vật quý giá để đi về nơi tôi mong muốn.

  • Còn nếu tôi tụng Kinh để được Phước thì hành trang của tôi quá nặng do bởi sợi dây Nghiệp Lực của tôi vẫn còn nặng trĩu. Nếu nhờ vào Phước Đức của việc tụng Kinh mà tôi được vãng sanh về cõi Trời sau khi bỏ báu thân, thì khi Phước Trời đã mãn, tôi lại phải trở về nơi chốn cũ là cõi Ta Bà để tiếp tục trả Nghiệp và tạo Nghiệp. Vòng Sanh Tử Luân Hồi vẫn còn quấn chặt lấy tôi và kiếp trầm luân biết đến bao giờ mới dứt?

Một đời người biết tu tập, biết hoán chuyển Tâm - Ý - Tánh của mình, biết Sám Hối Ăn Năn Nghiệp Chướng mà mình đã gây tạo từ nhiều đời nhiều kiếp, biết hành thiện, biết bố thí, biết sống tốt và Đối Đãi tốt với tất cả mọi người không phân biệt màu da, chủng tộc, sống với Tâm Từ Bi, tâm trải rộng, thì chắc chắn rằng người đó sẽ luôn được Tâm Bình, Tâm An Lạc, đương nhiên rằng họ sẽ “ngụp lặn” trong cảm giác Cực Lạc ngay khi họ còn hiện đời. Con đường tiến về Cực Lạc sẽ rất là ngắn ngủi đối với họ. Người tu tập phải nhớ câu: “Tu nhất kiếp, Ngộ nhất thời”. Đó chính là SỰ THẬT, không phải là một sự phỉnh phờ, gạt gẫm! Nếu đã phát nguyện tu tập, phát nguyện vãng sanh về Cực Lạc, tức là phát nguyện bứt vòng Sanh Tử, thoát kiếp Luân Hồi, thì nhất định phải chu toàn lời phát nguyện đó ở kiếp này, không nên kéo dài đến kiếp sau, đó là một hành động DẠI DỘT! Duyên may rất … rất khó lòng trở lại 2 lần!

Tất cả những nguyên tắc, những cách thức tu tập đã được tận tình chỉ bảo; con đường đã được vẽ ra, đó chính là con đường ngắn nhất để đi. Từ hơn 2500 năm trước, Đức Bổn Sư cũng đã vẽ ra con đường này, nhưng Chúng Sanh cứ loanh quanh, lòng vòng tìm kiếm con đường dài lê thê để đi, đi chưa trọn được con đường là đã phải bước qua một kiếp khác rồi. Liệu rằng ở kiếp kế tiếp có còn cơ hội trở lại đúng môi trường để tu tập hay không? Nghiệp Lực lôi kéo Thần Thức xoay chuyển không ngừng trong 6 nẻo Luân Hồi. Kiếp kế tiếp biết dừng lại nơi đâu? Ở môi trường nào? Hoàn cảnh nào? Xã hội nào? Dân tộc nào? Gia đình nào? Và điều quan trọng nhất là Tôn Giáo nào? Có như mình mong muốn hay không?

Các vị Bồ Tát mang nhiệm vụ cứu độ Chúng Sanh nên các Ngài tự nguyện xuất nhập cõi Ta Bà. Chúng Sanh đừng nên nghĩ rằng phải tu nhiều đời nhiều kiếp mới thành đạt được. Chúng Sanh không có khả năng để nhận ra ai là Bồ Tát, cho nên không thể nào thẩm định việc đến, đi, thành tựu của các Vị đó được. Chìa khóa nơi đây là để mở con đường tức khắc đi về Cực Lạc, không kéo dài lê thê vì đi chưa hết đoạn đường là đã qua kiếp khác rồi.

Việc tụng Kinh hàng ngày vẫn được khuyến khích, vì đó là dịp để cho Chúng Sanh đọc lại lời Pháp của Đức Bổn Sư, nhưng đó là thời khóa thứ 2 SAU thời khóa tu Sám Hối - Trì Chú - Niệm Phật. Có người nghĩ rằng tôi càng tụng nhiều cuốn Kinh thì tôi càng dễ dàng đạt tiêu chuẩn để được vãng sanh về Cực Lạc. ĐIỀU ĐÓ SAI HOÀN TOÀN! Vấn đề là: khi tôi tụng Kinh, tôi bắt buộc phải hiểu lời Kinh, để sau đó tôi mới dễ dàng thâm nhập lời Kinh. Có thâm nhập được lời Kinh, tôi mới có thể hành theo lời Kinh. Khi tôi hành theo lời Kinh, tôi sẽ thấy rằng tất cả những lời Kinh (tức là lời Pháp của Đức Bổn Sư) đều khuyên Chúng Sanh ĐỪNG TẠO NGHIỆP, nếu đã lỡ tạo nghiệp rồi thì phải chân thành Sám Hối. Muốn ngừng tạo nghiệp, chỉ có một cách duy nhất và chỉ một mà thôi là chỉnh sửa Tâm - Ý - Tánh của mình. Việc chỉnh sửa được hoàn mãn thì chẳng những Nghiệp Lực được ngưng tạo mà mình còn được sống trong An Bình, An Lạc do ở những cảnh huống không còn hung hãn, ồ ạt kéo tới nữa. Trí Huệ được phát sáng, việc đối phó với Nghiệp Lực sẽ dễ dàng hơn. Tâm - Ý - Tánh trở nên rực sáng, dù rằng chưa hoàn hảo, nhưng cũng đủ để giúp cho Chúng Sanh đạt được tiêu chuẩn để Vãng Sanh Cực Lạc sau khi bỏ báu thân.

Tiêu chuẩn để được tiếp độ về Cực Lạc chính là sự chân thành tha thiết Sám Hối ăn năn những Nghiệp Chướng của mình, mà một sự Sám Hối đúng nghĩa luôn luôn đi kèm với việc chỉnh sửa Tâm - Ý - Tánh.


+ 53