• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Giải Quyết Nghiệp Lực

Feb 11 2021
Chúc Mừng Năm Mới Chúc Mừng Năm Mới

Mừng Xuân Tân Sửu
LạcPháp.com
Chân thành kính chúc
Nhà Nhà AN VUI
Thân Tâm AN LẠC
Vạn Sự AN BÌNH
SỐNG ĐỜI TỰ TẠI

Kính bạch Sư Phụ,

Không những chính riêng cá nhân con, mà còn có rất nhiều người khác cũng cùng một tư tưởng với con là, tại sao Chúng Sanh không thể nào nhớ lại được những điều không tốt đẹp mà mình đã gây tạo cho người khác trong những kiếp vừa qua? Theo con nghĩ, nếu nhớ lại được thì có lẽ sẽ giúp cho Chúng Sanh hiểu một cách dễ dàng hơn, Nghiệp Lực từ đâu mà đến? Cái gì đã khiến cho Chúng Sanh quên hết tất cả những việc đã xảy ra, để rồi sau đó cứ lập đi lập lại những điều sai trái của mình?
 

Con phải nhớ rằng, Chúng Sanh hiện diện ở cõi Ta Bà từ vô thỉ kiếp; đến rồi lại đi, đi rồi lại đến, số lần đến... đi nhiều không đếm xiết. Do đó, nếu bảo rằng để cho Chúng Sanh nhớ lại hết tất cả mọi việc từ Vô Thỉ cho đến Hiện Kiếp, thì... việc trước tiên, Thầy muốn nói về vấn đề thân xác, liệu rằng cái đầu của chúng sanh có thể chứa hết tất cả mọi việc xảy ra từ vô thỉ cho đến ngày nay hay không?

Kính bạch Sư Phụ,

Bộ óc thì chắc chắn là không chứa hết được, nhưng tại sao A Lại Da Thức có thể dung chứa hết tất cả những việc xảy ra?

A Lại Da Thức sở dĩ chứa được là vì nó là một cái THỨC. Tất cả những gì nằm trong A Lại Da Thức được dồn nén lại, nhưng nó có thứ tự lớp lang, cái nào tới trước thì ra trước, cái nào tới sau thì ra sau, và đặc biệt một điều là, Thầy lấy một thí dụ, nếu việc xảy ra thuộc về lớp thứ 10, nhưng nó lại có dây tơ rễ má với lớp thứ nhất thì vẫn có thể rút cái lớp thứ nhất ra để giải quyết cái lớp thứ 10.

Điều này quả là giống như cái máy vi tính vậy, thưa Sư phụ.

Thật sự ra Loài Người mới tạo được máy vi tính về sau này, nhưng cũng vẫn là niềm tự hào vì đó là một công trình của Loài Người trên Dương Thế, chớ thật sự ra, A Lại Da Thức đã hành xử công việc của cái máy Vi Tính từ biết....biết bao lâu nay rồi.

Kính bạch Sư Phụ,

Vì A Lại Da Thức là một cái Thức, cho nên nó có thể nén tất cả những việc xảy ra, thật không khác chút nào với việc nén những dữ kiện (data) vào trong ổ cứng (hard drive) của máy vi tính. Mỗi khi người sử dụng cần lấy ra một hay nhiều dữ kiện nào đó, chỉ cần ra lệnh cho máy vi tính lục trong bộ nhớ của máy và lấy ra ngay những dữ kiện cần thiết. Nói thì có vẻ hơi chậm, nhưng máy làm việc thì nhanh như chớp, chưa hết một hơi thở, dữ kiện đã hiện ra. Nếu không nén tất cả những dữ kiện lại với nhau, máy sẽ không có đủ dữ kiện để cung cấp khi cần thiết với một độ nhanh trong tíc tắc. Nay thì con đã hiểu rõ sự vận hành của A Lại Da Thức rồi.

Con phải hiểu rằng, bộ óc của con người không làm được công việc của cái máy vi tính, nếu làm được việc đó, bộ óc sẽ nổ tung ra.

Điều thứ 2: Nếu con người nhớ lại được hết tất cả những gì xảy ra từ vô thỉ kiếp cho đến hiện kiếp, thì mọi việc sẽ trở nên vô cùng là rối rắm. Khi đồng loạt mọi thứ cùng hiện ra ở trước mắt, cảnh tượng sẽ trở nên rối loạn và nhạt nhòe, không còn rõ nét để phân định, do đó khó mà giải quyết được.

Ngoài ra, mỗi hình ảnh nghiệp lực đều có liên quan đến một hay nhiều người thuộc vào hoàn cảnh đó, môi trường đó, cùng với tất cả những tình tự xảy ra chung quanh nghiệp lực đó. Dù rằng ngày nay, ở hiện kiếp, mình không còn nhớ lại một cách đích xác cái hình ảnh nghiệp chướng trong quá khứ, nhưng mình vẫn cảm nhận được điều lầm lỡ mà mình đã gây tạo cho kẻ khác qua cái cảnh huống mà mình đã hoặc đang trải qua.

Do đó mà Thầy đã nhắc nhở rất nhiều là phải quán tưởng khi sám hối. Nghiệp lực có tạo nên được, đa phần là do từ ở tánh xấu. Căn cứ trên những tánh xấu mà quán tưởng những nghiệp chướng mà mình đã mang đến cho người khác. Từ vô thỉ kiếp cho đến tận hôm nay mà mình vẫn còn hiện diện ở cõi Ta Bà thì cứ chắc chắn rằng, không có bất kỳ một tánh xấu nào mà mình chưa từng bao giờ trải nghiệm nó!!

Ngoài ra, còn một điều bắt buộc phải tư duy sâu sắc, đó chính là, nghiệp lực lúc nào cũng đi kèm với Lục Dục Thất Tình. Cho nên, người biết tu tập phải nhận ra điều này để dẹp cái Lục Dục Thất Tình qua một bên, chỉ thuần giải quyết Nghiệp Lực mà thôi, như vậy Nghiệp Lực mới tan được. Nghiệp Lực còn dính chặt với Lục Dục Thất Tình sẽ không bao giờ có thể giải quyết được. Một khi dây tơ rễ má của nó còn bám chặt cái Tình Cảm thương, buồn, giận, ghét, tiếc nuối... sẽ làm cho tâm tư của một người trở nên rối loạn, không còn sự sáng suốt để phân định, để nhận thức được những sai lầm của mình mà sám hối, ăn năn.

Điều thứ 3: Nếu một người nhìn thấy rõ hết tất cả Nghiệp lực của mình, tự bản thân của họ sẽ có sự phân biệt: tại sao tôi phải đối phó với Nghiệp Lực này mà tôi không đối phó với Nghiệp Lực kia? Nghiệp lực này có vẽ nặng nề hơn, Nghiệp lực kia nhẹ nhàng hơn, dễ dàng đối phó hơn…. do đó họ có sự lựa chọn.

Nguyên tắc không phải ở sự lựa chọn, mà là việc đến trước phải giải quyết trước, việc đến sau phải giải quyết sau. Tuy nhiên, vẫn có một vài ngoại lệ là, một việc đến trước nhưng mà vì cái “Duyên” để tạo sự gặp gỡ khiến cho Nghiệp Lực có thể bùng phát ra, phải đợi rất là lâu, cho nên không thể nào giải quyết ngay được.

Điều thứ 4: Biểu tượng cho mỗi Nghiệp lực là một Chủ nợ, các Chủ Nợ xếp một hàng dài, họ sẽ tranh giành nhau, chen lấn nhau để giành giựt Con Nợ, cho nên không thể làm việc trên cái cách đó được. Trên phương diện vật chất, thân xác của Con Nợ hoàn toàn không biết gì hết, chỉ có Thần Thức của chính con người đó mới có thể nhận ra được Chủ Nợ. Khi Thần Thức đó nhận chân ra được Chủ Nợ rồi, lúc đó sẽ có một sự báo động để cho chính thân xác làm cái công việc đối đầu với Chủ Nợ.

Cho nên, khi giải quyết một Nghiệp Lực, chính cái thân xác mới phải chịu đựng sự đau đớn, chịu đựng cái kết quả của cái Nhân mà Thần Thức của mình đã gây tạo ra. Cho nên cần phải tu tập để luyện cho Thần Thức của mình được hiền hòa hơn, được hiểu biết hơn. Một khi nó đã được dạy dỗ, được huấn luyện, Thần Thức của mình mới có thể đối phó “một cách hiểu biết” với Thần Thức của Chủ Nợ bên kia.

Đối đầu với Nghiệp Lực có nghĩa là hai Thần Thức đối diện nhau.

Nếu Con Nợ là một người biết tu tập, Thần Thức được dạy dỗ, được giùi mài để mang rất nhiều Tánh Tốt và với một Tâm Lành, một Ý tưởng rất trong sáng, Thần Thức có Trí Huệ, đương nhiên sự đối phó của Thần Thức thuộc phía Con Nợ sẽ nhẹ nhàng, sẽ dịu dàng đối với Thần Thức của Chủ Nợ bên kia.

Nếu Con Nợ là một người không biết tu tập, Thần Thức đương nhiên không nhận được một sự huấn luyện, dạy bảo; Tâm - Ý không trong sáng, lại thêm có nhiều Tánh Xấu, sự đối phó với Nghiệp Lực (nói nôm na là những Cảnh Huống, những việc không vừa ý đến với mình) sẽ rất là khó khăn. Con Nợ sẽ có một hay nhiều phản ứng tùy theo hoàn cảnh, khiến cho sự việc trở nên rối rắm và nặng nề hơn. Điều này có thể ảnh hưởng đến Thân xác của Con Nợ và làm cho Nghiệp lực (món nợ) có Tăng chớ không có Giảm!

Nếu Chủ Nợ bên kia mang trong người một Thần Thức hung hãn, khi đối diện với cái Trí Huệ rực sáng của Thần Thức của Con Nợ bên này thì sự hung hãn đó sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn. Đồng thời, sự chân thành Ăn Năn Sám Hối, cũng như sự Hồi Hướng Công Đức tu tập của Con Nợ sẽ lần lần làm cho Sân Hận giảm xuống, Thần Thức của Chủ Nợ cũng cảm nhận một sự đáp đền, Nghiệp Lực tan dần, không còn thắt chặt nữa. Xem như Oan Trái đã được cởi mở một cách nhẹ nhàng, ổn thỏa.

Nếu Chủ Nợ lẫn Con Nợ đều là người biết tu tập thì điều đó đem lại một kết quả vô cùng là Tuyệt Hảo! Cả 2 Thần Thức đều được dạy dỗ, đều hiểu rõ sự tu tập, đều có Trí Huệ như nhau, việc giải quyết nghiệp lực sẽ trở nên dễ dàng vì cả 2 bên đồng buông xuống tất cả những điều rối rắm.

Cho nên, việc giải quyết Nghiệp Lực là một sự đối đầu giữa 2 Thần Thức, chớ không phải giữa những Thân xác với nhau. Tuy nhiên, nếu thân xác biết tu tập thì mới có thể giúp cho Thần Thức trong Thân Xác đó Thăng Hoa để có được Trí Huệ. Điều đó có nghĩa là Thân Xác đã giáo dục cái Thần Thức của chính bản thân mình.

Người Đời ít bao giờ nghĩ đến việc đó, cho nên không nghĩ rằng mình cần phải sống cao thượng, phải sống theo những Bậc Thang Giá Trị để mới có thể tôi luyện được cái Thần Thức của mình. Sống mà bất cần, xem thường những Giá Trị Đạo Đức và Nhân Bản thì chính mình hủy hoại đi cái Thần Thức của mình. Hủy hoại cái Thần Thức của mình là sao? Là khiến cho Thần Thức của mình đi xuống chớ không đi lên. Phải làm cho Thần Thức của mình đi lên thì mới có thể giải quyết êm đẹp được cái Nghiệp lực mà mình phải đối đầu.

Vì vậy, Thầy khuyên tất cả Chúng Sanh đều phải nên tu tập, để chi? Để khi Nghiệp Lực đến, dù mình là Chủ Nợ hay là Con Nợ, Thần Thức cũng đều được dạy dỗ, cũng đều được giáo dục. Như vậy, dù ở vào vai trò nào, mình cũng đều giải quyết được một cách ổn thỏa, tốt đẹp; và một mai khi mình bỏ thân xác, Thần Thức của mình đã là một đứa trẻ được dạy dỗ, được huấn luyện, khi đó, nó sẽ tự mình đi đứng một cách dễ dàng, vững chãi, không cần người dẫn dắt.

Nếu Thần Thức đó vẫn còn là một đứa trẻ bướng bỉnh, khó dạy, khó biểu thì việc tới lui, di chuyển của nó sẽ không được dễ dàng sau khi nó bước ra khỏi thân xác rồi. Khi đó, nó phải cần đến người giúp cho nó được siêu thoát, mà muốn tìm người giúp cho mình siêu thoát, không phải là chuyện dễ đâu!

Dù tu tập dưới bất cứ một tôn giáo nào, nếu là một sự tu tập đúng nghĩa, biết cải sửa con người của mình, biết giùi mài con người của mình thì thân xác sẽ sống trong cảnh nhẹ nhàng, thơ thới, Thần Thức cũng được dạy bảo, được chỉ dạy tận tường, hiểu biết tất cả mọi việc, như vậy, khi bỏ báu thân sẽ dễ dàng ra đi.

Không biết tu tập, chỉ lo Hưởng Lạc thì khi bỏ thân xác, Thần Thức sẽ trở nên nặng nề, nhiều vướng mắc và không cất bước đi đâu được cả.

Một Tôn Giáo Chân Chính luôn luôn theo đúng Nguyên Tắc Chánh Yếu là chỉ dẫn cũng như hỗ trợ và khuyến khích việc sửa đổi Con Người từ Xấu hóa ra Tốt, như vậy Thần Thức mới được nhẹ nhàng. Không thể nói rằng: với Đạo này thì Thần Thức của tôi “đi lên”, còn với Đạo kia thì Thần Thức của tôi “đi xuống”. Dù cho Đạo nào cũng vậy, nếu không sửa đổi Tâm-Ý-Tánh thì cứ mỗi một Tánh Xấu sẽ làm cho Thần Thức “trì” xuống một bậc, với hai Tánh Xấu, Thần Thức sẽ bị “trì” xuống 2 bậc, càng nhiều Tánh Xấu, sự “trì trệ” càng nặng nề hơn, cho đến khi Thần Thức không thể nào cất nhắc nỗi.

Đừng bao giờ nghĩ rằng, tôi không cần sửa đổi gì hết, khi tôi bỏ xác thân, tôi sẽ tự động được lên cõi Trời hay bất kỳ một cõi nào đó mà tôi muốn, sẽ không được như vậy đâu! Đã muốn lên tới một cõi nào đó, ngoại trừ Tam Đồ, Thần Thức bắt buộc phải nhẹ nhàng. Một khi đã bỏ báu thân rồi thì chỉ còn là một Vong Linh với một Thần Thức bên trong mà thôi, chớ không có cái gì khác hơn nữa.

Cho nên, bất kỳ một Tôn Giáo nào hay bất kỳ một cách thức tu tập nào cũng đều phải vạch rõ cho các tín hữu của mình nhận chân ra được cái chánh yếu, đó chính là một Vong Linh và một Thần Thức.

Nếu không được trau giồi, không được giùi mài, không được dạy dỗ, không được giáo dục, Thần Thức sẽ không thể nào Thăng Hoa được. Cõi Trời hay Cõi Phật đều vẫn không đi tới được, vì Thần Thức đã không thể nào cất nhắc được thì làm sao đến được cái nơi mình mong muốn?

Trên cõi đời có rất nhiều Tôn Giáo khác nhau; ngay cả trong cùng một Đạo, cũng chia ra nhiều Tông, nhiều Phái, nhiều Chi, nhiều Nhánh… Việc phân chia không quan trọng, miễn sao cho thích hợp với Tâm, với Ý, với Phong Tục Tập Quán của Chúng Sanh nơi vùng đó.

Hình Thức tuy có khác, nhưng Cốt Tủy cũng chỉ là MỘT mà thôi. Không có bất kỳ một Chúng Sanh nào khi đã lìa bỏ Thân Xác rồi mà không được gọi là VONG LINH, mà đã là Vong Linh thì đều mang Thần Thức cả.

Ngay cả Người tu tập, có người thích theo cách thức tu như thế này, có kẻ thích theo cách tu như thế khác, nhưng nguyên tắc chánh yếu cũng chỉ có một mà thôi, không có điều nào khác lạ hơn. Không thể nói rằng Đạo Phật là Tối Thượng, còn Đạo A hay Đạo B....là ở dưới thấp, tuyệt đối không có vấn đề đó!

Đạo chính là những cách thức dùng để hướng dẫn một con người bằng xương bằng thịt, có mang một Linh Hồn với Thần Thức nằm trong đó, để khi Linh Hồn đó thoát ra khỏi thân xác rồi thì cái Thần Thức ở trong Linh Hồn đó sẽ có thể tự mình Thăng Hoa được. Muốn như thế thì Thần Thức phải được dạy dỗ ngay từ lúc Xác Thân còn sinh động.

Một đứa bé mới chào Đời cũng được huấn luyện để bú đúng giờ giấc, không bú luông tuồng vào ban đêm, để giúp cho người Mẹ có thì giờ ngủ nghỉ; việc tiểu tiện cũng được tập luyện theo tiếng “xi gió” của người Mẹ; một vài hành động như ru, hát hay đong đưa mà người Mẹ không muốn tập cho con mình, cũng được tránh làm cho đứa bé để đừng tạo thành Thói Quen.....Rồi khi đứa bé biết đi, biết nói, từng lời, từng chữ “mớm” cho con, để cho con quen lần với lời hay, với chữ đúng; dạy cho con biết lễ phép, biết thưa trình, biết vâng dạ, biết lắng nghe, biết cám ơn, biết nhận lỗi cũng như biết nói lời xin lỗi.

Con bắt đầu đi học, sẽ học đọc, học viết, học làm toán; từ những bài toán thật dễ, thật đơn giản đến những bài toán đố, rồi đến những phương trình càng ngày càng phức tạp hơn, tập làm quen với những thí nghiệm từ nhỏ đến lớn lao....v..v...Nói tóm lại, để trở thành một “Nhân Vật”, đứa bé phải được chỉ dạy từ chút một, từ thuở còn nằm nôi cho đến lúc Trưởng Thành, qua nhiều giai đoạn, nhiều công khó. Đứa bé không lớn lên với cây “Đũa Thần,” chỉ cần vung Đũa lên là hiểu biết hết tất cả.

Với Kiến Thức đầy đủ trong tay, “Nhân Vật” này muốn đi đâu cũng được cả, muốn tung hoành làm bất kỳ cái gì trên cõi Đời cũng không ai ngăn cấm.

Từ đó suy ra, một Thần Thức khi còn trong Thân Xác, nếu không được dạy dỗ, huấn luyện, giùi mài, giáo dục, làm sao Thần Thức có đủ Trí Huệ, đủ Bản Lĩnh để đối phó với Nghiệp Lực một cách dễ dàng, không gút mắt? Rồi một mai khi đã bỏ Báu Thân, chỉ còn là một Thần Thức “trắng tay”, biết nương nhờ vào đâu để tìm nơi An Trụ cho cuộc đời kế tiếp?

Nhân mùa Xuân đến, LacPhap.com hân hoan cùng với tất cả Quý Đạo Hữu đón mừng Xuân Tân Sửu. Lòng mong cầu tha thiết dịch bệnh sớm qua đi, áng mây mù mau tan biến, vầng Thái Dương tỏ rạng, mang hơi ấm đến khắp mọi người trong tiếng cười rộn rã, trong niềm hy vọng chứa chan về một cuộc sống Bình An và Thịnh Vượng.

 



 


+ 41