Nguồn gốc Lễ Tạ Ơn bắt đầu bằng một buổi lễ cảm tạ ơn TRỜI đã cho mưa thuận gió hòa, giúp cho hơn 50 người Pilgrims còn sống sót, tìm được sự no ấm, an bình, sau những năm tháng dài đói khát cùng cực vì hạn hán.
Buổi lễ cũng tạ ơn những người dân Da Đỏ đã hết lòng giúp đỡ, cho thực phẩm, cho da thú để chống lại cái rét mướt của mùa đông vô cùng khắc nghiệt.
Buổi tiệc đơn giản, chỉ có thịt gà rừng, cùng với những món ăn, được chế biến từ những sản phẩm thu hoạch được sau mùa gặt như: bắp, pumpkin, cranberry... Tuy nhiên, buổi lễ Tạ Ơn đã nói lên được một cách sâu xa, lòng chân thành và tha thiết của những kẻ khắc ghi sâu đậm Ơn Cao Nghĩa Nặng của những người đã cứu sống mình.
Các bậc Tiền Bối đã hành sử lòng Biết Ơn như thế nào, thì bậc Hậu Bối ngày nay cũng làm y như vậy.
Ngày nay gà rừng không có, được thay thế bằng gà tây (turkey).
Ngày xưa các bậc Tiền Bối chỉ có vỏn vẹn hơn 50 người; ngày nay kẻ Hậu Bối nhiều đến hơn 300 Triệu Người.
Ngày xưa chỉ có độ chừng vài chục con gà rừng bị làm thịt, ngày nay, một buổi lễ Tạ Ơn cũng phải có khoảng tối thiểu chừng 50 triệu con turkeys bị đưa vào lò sát sanh, khiến cho ngày lễ Tạ Ơn không còn mang một ý nghĩa cao cả nữa, mà là một cái dịp để những nhà tư bản kiếm tiền trên sanh mạng của những con turkeys.
Vấn đề được đặt ra là: từ vài chục con gà rừng tiến đến hơn 50 triệu con turkey, hai chữ SÁT SANH bỗng dưng trở thành quá lớn lao và nó át đi cái ý nghĩa thật thâm thúy của buổi lễ TẠ ƠN.
Sát sanh con người hay sát sanh thú vật, cũng đều mang đến một kết quả không cách nhau bao xa đâu.
Đừng nói rằng: tôi sát sanh con người, điều đó mới quan trọng; còn tôi sát sanh con vật, điều đó nhỏ nhoi, không quan trọng.
Thật ra, chúng sanh đã quên rằng, con người hay con vật đều có Thần Thức ở bên trong. Không phải thần thức chỉ có ở trong con Người, mà thần thức không có ở trong con vật. Con vật không có tự nhiên mà nó hiện lên.
Việc sát sanh hàng hàng lớp lớp con gà tây trong buổi lễ mang tên Tạ Ơn đã nói lên một sự trái ngược với ý nghĩa của sự tạ ơn. Người ta dùng từ ngữ Tạ Ơn để làm nền cho cái Tánh Sát Sanh.
Những bài pháp về Nghiệp Lực đã nói rất nhiều về cái Tánh, do đó việc này cũng rơi vào trong vòng nghiệp lực. Một số đông người (phải nói là rất đông) đã tiếp tay, đã hoan hỷ hành sử cái tánh sát sanh của mình, và họ cho rằng đó là điều danh chánh ngôn thuận vì để tỏ dạ Tạ Ơn.
Không thể nào trả ơn cho một người bằng cách giết một kẻ khác. Điều đó không thể xảy ra, vì không có sự công bằng. Một cái Ơn và một cái Chết, không thể đem hai cái đó để tạo sự công bằng được.
Những dân tộc nào vướng vào những điều đó, đều tự mình trói buộc vào việc làm tổn hại đi những cái Phước, cái Đức của chính cá nhân và của cả một dân tộc.
Thầy đã nói rằng, biến động xảy ra ngày nay, Quả đã chín muồi! Nó đã bắt đầu đơm bông kết trái từ nhiều đời nhiều kiếp, cho đến nay, quả đã thật sự chín muồi và bắt đầu rơi rụng. Việc sát hại hàng hàng lớp lớp sinh vật cũng là bắt đầu cho sự đơm bông kết trái để cho quả chín muồi trong tương lai.
Tương lai đó gần hay xa, còn tùy vào nghiệp riêng của dân tộc đó. Tuy nhiên, điều phải nên nhớ rằng, người tu tập chân chính không bao giờ đem sự trả ơn để làm nền cho việc sát sanh, vì đó là một tư tưởng rất sai lầm.
Có rất nhiều cách để trả ơn, không thể nào trả ơn bằng cách giết hại, hoặc sinh vật, hoặc một kẻ khác để đền đáp ơn của mình. Điều đó hoàn toàn trái hẳn với luật của vũ trụ. Thầy nói là Luật của Vũ Trụ, chớ không phải là luật của con người.
Con người có thể tạo ra cho mình nhiều quy luật thích hợp với tánh ý của mình, với hành động của mình nhưng Luật của Vũ Trụ thì không chấp nhận điều đó.
Kính Bạch Sư Phụ,
Một người có Tâm Lành thì vào ngày lễ Tạ Ơn (người này là một người bình thường, chớ không phải là người trong cửa đạo) nên làm cái gì để biểu lộ sự Tạ Ơn của mình?
Sự tạ ơn có thể được thể hiện bằng một đồ vật.
Sự tạ ơn vẫn có thể được biểu hiện bằng những lời chân thành, tha thiết nguyện cầu, chúc phúc cho tất cả hay cho một người nào mà mình đã chịu ơn của người đó.
Nếu là một người biết tu tập, sẽ dành ra một buổi tu và sẽ hồi hướng tất cả công đức tu tập của buổi tu đó cho một người nào đó, hoặc cho những kẻ đã tạo nên điều tốt đẹp cho mình.
Đối với một người không biết tu tập, chỉ cần một lời cầu nguyện chân thành, thành tâm tưởng đến những người đã làm ơn cho mình, ngày giờ này mình không có dịp trực tiếp để đáp đền, xin đem tất cả tấm chân tình của mình để cầu mong cho những người đó được hưởng mọi điều tốt đẹp, ở bất kỳ nơi nào mà người đó hiện diện. Bao nhiêu đó cũng đủ rồi, không cần phải giết một sinh vật để đáp đền ơn nghĩa.
Nếu trong ngày lễ Tạ Ơn, tất cả mọi người đều “buông dao xuống,” không giết hại các sinh vật một cách trực tiếp hay gián tiếp, cùng nhau cầu nguyện, bất kể tôn giáo nào, nhưng cùng một Tâm Lành, để đền đáp lại Ơn của những kẻ trong quá khứ, đã đem lại cho mình những điều tốt đẹp, và thành tâm cầu nguyện để họ được thảnh thơi ở bất kỳ nơi chốn nào mà họ đang hiện diện, được như vậy sẽ làm tăng thêm phước lành cho dân tộc đó và đồng thời cũng làm giảm được cái tánh sát sanh.
Có một điều mà Thầy cần nhắc nhở là, khi một người thành tâm cầu nguyện, Thầy nhấn mạnh rằng: thành tâm cầu nguyện, thì lời cầu nguyện sẽ được xuất ra từ ở điển quang của chính người đó, và bay vút thẳng lên cao. Nếu tất cả 10 người, 100 người, 1000 người, triệu người, chục triệu người, đều cùng xuất điển quang đó, kèm theo lời cầu nguyện tốt đẹp trong cùng một lúc, cùng một ngày, điều đó sẽ mang đến một kết quả rất là tốt đẹp, không ngờ được. Có thể chuyển điều dữ hóa ra lành; điều này rất ít ai để ý đến, một số đông rất lớn sẽ tạo nên một luồng điển quang rất mạnh, bao che cả một quốc gia, cả một dân tộc, có lợi vô cùng, nhưng phải là một lời cầu nguyện rất thành tâm và chân thật.